Đoàn Hồng Lê và chuyện 'người Hàn kiện chính phủ nước họ vì Việt Nam'
- Phạm Cao Phong
- Nhà báo tự do ở Paris, Pháp
Chuyện ngược đời, dân Hàn công kích chính phủ của họ vì người Việt Nam? Vậy mà đúng thế, sự kiện này được nữ đạo diễn Việt Nam Đoàn Hồng Lê kể lại bằng bộ phim tài liệu mang tên "Đường đến hòa bình" mới ra mắt năm nay.
Tôi vừa gặp đạo diễn Đoàn Hồng Lê cùng nhóm làm phim tới Paris, và xin tóm tắt về bộ phim này của chị như sau, từ bối cảnh lịch sử của phim đến một số phát biểu của các nhân vật được phim ghi lại:
Từ hai năm nay, truyền thông Hàn Quốc liên tục nhắc đến một vụ kiện chưa từng có trong lịch sử Tư pháp Đại hàn Dân quốc. Nguyên đơn Việt Nam Nguyễn Thị Thanh kiện Chính phủ Hàn quốc vì thảm sát dân làng Phong Nhị ngày 12/02/1968.
Ngày 17/01/2023, Tòa án tối cao Hàn quốc đã ra phán xét phần thắng thuộc về bà Nguyễn Thị Thanh.
Song chính xác, công tâm, khách quan đánh giá thì đây là thành quả đáng cảm phục của nhà sử học Ku Su Jeong, nhà báo Koh Kyoung Tae, tờ báo 'Hankyoreh 21', Quỹ Hòa bình Hàn - Việt, những luật sư, các cá nhân và tổ chức phi chính phủ Hàn quốc.
Không có những người Hàn đó, sẽ chẳng có vụ kiện, và quá khứ đã vùi lấp vào lớp bụi thời gian hơn nửa thế kỷ.
Sau 22 năm đấu tranh của Phong trào Hòa Bình, vụ kiện của bà Thanh đã thúc đẩy Quốc hội Hàn Quốc đưa ra Đạo luật điều tra các vụ thảm sát dân thường ở Việt Nam.
Con số 22 năm nói gì? Đó là chuyện lương tâm cắn rứt của những người Hàn trong suốt hơn hai thập kỷ.
Sau khi thăm chiến trường xưa kia, nơi các sư đoàn Mãnh Hổ, Cọp Xanh, Bạch Mã tác quái trong chiến tranh Việt Nam, các nhà báo, những tổ chức, những cá nhân, luật sư, tiến sĩ Hàn Quốc kể trên đã gây dựng phong trào "Thành thật xin lỗi Việt Nam".
Họ đưa nạn nhân Việt nam duy nhất còn sống sót của ngôi làng miền Trung bất hạnh vào hàng ngũ lương tâm của đất nước Nam Triều Tiên, kết tội, đưa hành động thảm sát của binh lính Đại Hàn ra Tòa án Tối cao và Quốc hội Hàn Quốc.
Trong phim, nhà báo Koh Kyoung- Tae cựu Tổng biên tập 'Hankyoreh 21' nói một câu đầy ý nghĩa:
"Hàn Quốc đã trở thành một cường quốc về mặt kinh tế. Nhưng để thành một cường quốc thì giàu thôi chưa đủ, mà còn phải nâng cao phẩm giá của mình nữa. Điều đó không phải là một tấm gương soi chiếu mình sao?"
Những câu nói này, sự kiện này được đạo diễn Đoàn Hồng Lê thể hiện trong bộ phim tài liệu của chị "Đường đến hòa bình" (2023). Tác phẩm chị bỏ công sức trong 4 năm, theo dõi phiên tòa, sang Seoul quay phim.
"Đường đến hòa bình" nóng bỏng, choáng ngợp. Nóng ngay từ đầu đề phim.
"Đường đến hòa bình" là con đường nào?
Và "hòa bình" như thế nào, bằng cách nào?
Cách thể hiện dòng đầu của phim còn bỏ qua nguyên tắc ngữ pháp, chữ đầu không trấn ải bằng một chữ viết hoa, để như một mũi tên xuyên thấu tới điều mà chị gọi là "Hòa Bình".
Vai trò của điện ảnh Pháp
Trước đó, xem phim "Lời cuối của cha" (2016) Đoàn Hồng Lê làm, tôi đã có cảm tình. Phim của chị trung thực. Chị không viết lời bình, không dạy dỗ đạo đức như phim tư liệu tuyên truyền Xô Viết, CHDC Đức.
Khi đến Trung tâm Nghệ thuật Văn hóa quốc gia Pompidou, tôi gặp được Đoàn Hồng Lê và Phạm Thị Hảo, người dựng cho chị phim đầu "Lời cuối của cha."
Cả hai mới sang Paris dự Liên hoan 'Réel' lần thứ 45 (24/03-2/04/2023), và Ngày phim VARAN "Điện ảnh ghi lại sự thay đổi của đất nước."
Tôi nói cảm nhận thế nào về ngôn ngữ điện ảnh trong phim, thích cả khuôn hình có lộn ngược, rung bần bật như trong phim "Người mẹ", các nhân vật quay lộn ngược theo đường chân trời.
Cả hai khiêm nhường nói, cách làm phim bài bản ấy thẩm thấu từ bài dạy các giáo sư người Pháp của tổ chức VARAN. Người Pháp dạy khác với kiểu "cầm tay chỉ việc", "cơm chấm cơm" của đào tạo Việt Nam.
Thảo nào, phim Hồng Lê cũng khác.
VARAN đến Việt Nam nhờ đóng góp của ông Nguyễn Ngọc Giao, cựu giáo sư đại học Jussieu, người bắc cầu giữa tổ chức văn hóa Pháp với Việt Nam.
Năm 2004 Atelier VARAN cử giảng viên sang Hà Nội đào tạo về điện ảnh tài liệu. Hồng Lê là một người được chọn vào khóa đầu tiên năm đó. Hảo vào VARAN năm 2005. Đạo diễn Hà Lệ Diễm trong nhóm VARAN đã đoạt giải 'Prix Clarens Cinéma du réel 2022' với phim "Những đứa trẻ trong sương."
Con rồng được nuôi bằng máu
Ít ai biết rằng, sự phát triển thần kỳ của Hàn Quốc đi cùng bóng đen quá khứ tắm bằng máu.
Bóng đen đó là những đồng tiền Mỹ trả trong giai đoạn chiến tranh cho lính đánh thuê Hàn Quốc sang đánh ở Việt nam. Tiền được Mỹ chi trả trong suốt tám năm cho 320.000 sĩ quan, lính bộ binh, thủy quân lục chiến Hàn Quốc là tiền đề phát triển cho con rồng châu Á tương lai. Phép lạ kinh tế ra đời từ đấy.
Tổng thống Moon Jae In phát biểu trên kênh 9 Đài truyền hình Hàn Quốc là một thú nhận:
"Sự hy sinh của binh sĩ Hàn Quốc trong chiến tranh Việt nam đã đóng góp cho sự phát triển của kinh tế đất nước."
Chú kỳ nhông Đại Hàn được nuôi bằng sữa 'Made in USA' mới vươn mình hóa rồng. Đúng như, "Có bột mới gột nên hồ", chuyện "tay không mà nổi cơ đồ mới ngoan" hãy gác sang một bên.
"Hãy bảo vệ một đất nước thống nhất và tự do.
"Một khi anh nghe tổ quốc gọi tên mình.
"Hỡi những chiến binh của sư đoàn mãnh Hổ.
"Vùng đất xa xôi, nơi anh sắp tới chính là Việt Nam…"
Tiếng hát quân hành của những đoàn quân viễn chinh Hàn Quốc chìm dần trong tiếng nói của Cựu Tổng biên tập báo 'Hankyoreh 21' Koh Kyoung- Tae:
"Hàn Quốc có nền kinh tế tăng trưởng rất nhanh, một nền kinh tế đáng ngưỡng mộ về tốc độ tăng trưởng. Đó là một nền kinh tế đứng thứ sáu thế giới. Nhưng phải hiểu chính xác những gì đã xảy ra trong quá khứ. Cuộc chiến tranh Việt Nam đóng vai trò quan trọng với xã hội Hàn Quốc trong thế kỷ 20, trong lịch sử hiện đại của Hàn Quốc.
Người Hàn Quốc đã sang đó, đã làm nhiều việc, đã kiếm được nhiều tiền, đã được nhiều đặc quyền và những món lợi từ Hoa Kỳ. Và với nền kinh tế Hàn Quốc ở giai đoạn đầu đó, điều này đóng vai trò quan trọng giúp nền kinh tế tăng trưởng nhanh chóng.
Mọi người biết đến chiến tranh Việt nam ở khía cạnh đó. Nhưng không biết rằng 320.000 quân đã được gửi đến trong 8 năm. Một con số rất lớn và thực sự trong chiến tranh có bao nhiêu việc đã xảy ra, nhưng người ta không biết, thậm chí không quan tâm."
Những điều chưa được biết và thậm chí không được quan tâm ấy là những vụ thảm sát thảm khốc của lính Đại Hàn tại các làng quê miền Trung trong chiến tranh Việt Nam.
Cựu Trung tướng sư đoàn Mãnh Hổ trong tự chuyện "Kim Jin Sun hồi ký" viết:
"Tại nơi chiến trường chỉ có giết và giết đó, các giá trị đạo đức đối với chúng tôi cũng bị tan vỡ chẳng khác nào những mảnh đạn pháo. Và dần dần tôi cũng trở thành một con người không biết gì khác ngoài bắn giết. Sự điên dại trên chiến trường là điều không thể tưởng tượng được bằng lý trí lúc bình thường.
Tôi không hề cảm thấy bận lòng khi thấy đứa trẻ chăn trâu hay một dân thường bị chết. Tôi đã truy lùng với một khoái cảm còn hơn cả cảm giác đi săn thú. Tôi đã ăn uống và chụp ảnh không hề vướng bận ngay bên cạnh những xác chết. "
Những địa danh như Thủy Bồ, Bình Hòa, Hà My, Điện Dương… trở thành những cái tên khủng khiếp trong ký ức người miền Trung.
Bà Nguyễn Thị Thanh là một trong những nạn nhân đó. Gia đình bà có năm người, đều bị giết hại trong vụ thảm sát Phong Nhị.
Sự vận hành của các tổ chức Hàn Quốc là một sự soi chiếu với Việt Nam
Sự thật về vụ thảm sát ở hai làng Phong Nhất, Phong Nhị được tìm ra bởi cô gái Nam Triều Tiên Ku Su Jeong đến Việt nam học tiếng Việt, làm luận án Tiến sĩ Sử học về đề tài chiến tranh.
Năm 1997, chị vô tình được đọc một tài liệu "Tội ác của quân đội Nam Triều Tiên tại miền Nam Việt Nam". Năm 1998, khi chiếc tàu Peace Boat của Nhật bản chở những nhà văn Hàn Quốc tới Đà Nẵng, chị đã cho họ biết về câu chuyện. Nhiều nhà văn Hàn Quốc rất bị sốc, tức giận.
Ku Su Jeong kể: "bị sốc là vì lần đầu tiên bắt gặp vấn đề đó. Người ta rất tức mà nói cho tôi như vậy, thì mình đưa cho họ xem cái hồ sơ. Và mình nói cái khả năng này là sự thật."
Sau đó, Ku Su Jeong tự đi tìm những nơi xẩy ra vụ thảm sát: "Hồi đó là cuối năm 98, chúng tôi quyết tâm, ừ chúng tôi phải đi tìm.
Trong tay tôi chỉ có mấy cái tên (địa danh) thôi, thì mình rất là sợ là có thể tìm đến chỗ đó được.
Hồi đó thật sự là kỳ. Mình cứ chạy tới, chạy tới và lúc dừng chân là mình bắt gặp bia tưởng niệm. Lúc đó mình đi tìm sự thật rất dễ dàng, đến mức độ mà chắc như người ma đang giúp đỡ mình hay sao."
Khám phá của Ku Su Jeong làm xã hội Hàn Quốc bùng nổ. Phóng sự từ Phan Rang của chị trên Hankyoreh 21' ngày 21.5.1999 "Nghe thấy lính Đại Hàn là rùng mình", "Lời kể của người sống sót", "Giết cả đàn bà, trẻ con", "Lịch sử để lại cho chúng ta một dấu hỏi", đã gây một hiệu ứng khủng khiếp.
Hàng nghìn cựu chiến binh Hàn Quốc chạm nọc, xuống đường biểu tình. Họ đòi giết Ku Su Jeong, giết bà Thanh.
Trụ sở 'Hankyoreh 21', tờ báo đăng tải những thông tin về cuộc thảm sát bị các cựu chiến binh Hàn quốc đốt phá, phóng viên báo bị hành hung, xe cộ của họ bị đập nát.
Trước khi sự thật được phơi trần, cựu binh chiến trường Việt nam là kiêu binh, họ gào thét, vỗ ngực:
"58 năm trước, chúng ta nghe theo tiếng gọi của Tổ quốc, đã đến chiến trường Việt nam. Mang danh dự của quốc gia, chúng ta đã xông pha ra mặt trận. Đúng không anh em? Và chúng ta trong 58 năm nay, những đóng góp của chúng ta cho đất nước này. Khỏi phải nói nhiều!!!
Máu và mồ hôi đã đổ trong những năm tháng thanh xuân ở chiến trường Việt nam. Chính chúng ta mới thật sự là linh hồn của đất nước."
"Những linh hồn đất nước Hàn Quốc" tự xưng đã giết tới 9000 nạn nhân Việt Nam! Để con số 9000 tự nói. Khỏi phải nói nhiều sao?
Chúng ta mới chỉ biết, Mỹ Lai là tội ác chiến tranh của Lục quân Hoa Kỳ gây ra ngày 16/03/1968 với con số 347 đến 504 người dân bị giết.
Hay thảm sát Oradour-sur-Glane (Pháp) ngày 10/06/1944. Khi lính sư đoàn xe tăng SS Đế chế Đức giết 643 thường dân của làng.
Con số 9.000 người dân miền Trung bị giết hại trong tám năm so với con số của hai vụ thảm sát kể trên chỉ là muối bỏ biển?
Một hình ảnh xúc động khác, khi ống kính của Hồng Lê đưa hình ảnh cựu binh sĩ VNCH Nguyễn Đức Chơi 82 tuổi, chân sưng rộp không đi được giầy, chống gậy sang Seoul làm chứng. Ông Chơi kể, nếu không có sự ngăn trở của cấp trên thì đơn vị ông đã gọi pháo binh bắn hủy diệt đơn vị lính Nam Hàn.
Vậy mà các luận sư người Hàn đã kiên trì, tập luận cho cụ phát biểu trước báo chí, trước Tòa án Tối cao Đại Hàn và Quốc hội nước này.
Làm thế nào để hàn gắn những vết thương lòng?
Câu nói của chị Ku Su Jeong làm tôi mông lung:
"Những mất mát hay là những vết thương người ta nói hàn gắn, nhưng mà làm sao hàn gắn nổi. Cách giải quyết duy nhất là ghi nhận lại. Chúng tôi muốn xây dựng Bảo tàng Hòa Bình về chiến tranh Việt Nam tại Hàn Quốc để ghi nhận lại các vụ thảm sát, để người Hàn có thể biết và thế hệ sau của Hàn Quốc người ta học từ quá khứ, để đừng có lặp lại sai lầm đó trong tương lai."
Những phái đoàn Hàn Quốc sang Việt Nam khảo sát, tìm hiểu thông tin người Việt phản ứng ra sao về phiên tòa này, đều khá kinh ngạc khi phần lớn người được hỏi đều trả lời như các quan chức ngoại giao với câu cửa miệng "khép lại quá khứ, hướng đến tương lai". Đâu đó như vẫn là dư âm của câu khẩu hiểu "Cả nước một lòng, tiến lên CNXH."
Sẽ không có ai biết đến cái chết của bác sĩ Đặng Thùy Trâm cũng ở Đức Phổ (Quảng Ngãi) nếu không có cựu sĩ quan quân báo Hoa Kỳ Frederic Whitehurst? 35 năm sau cái chết ở tuổi 28 của Đặng Thùy Trâm, mới có 400.000 đầu sách được bán, in lại những trang nhật ký của cô mà người lính Mỹ tìm cách giữ gìn và mang về Việt Nam tìm trả cho gia đình Trâm.
Câu hỏi của luật sư Hàn Quốc kết tội Chính phủ nước này có soi sáng cho xã hội Việt Nam:
"Cuộc sống trong thế kỷ 20 là một loạt nỗ lực đối mặt với lịch sử đen tối của chiến tranh, của diệt chủng và sự thật được tiết lộ. Nếu không làm rõ vấn đề chiến tranh và thảm sát thì không thể có quốc gia, phát triển và nhân quyền..."
Việt Nam có muốn học gì từ kinh nghiệm này của Hàn Quốc?
Bài thể hiện quan điểm riêng của nhà báo tự do Phạm Cao Phong, hiện sống ở Paris, Pháp.
Xem thêm: