Lời nhà xuất bản & Lời Thưa Trước.
ĐẾ THIÊN ĐẾ THÍCH
NGUYỄN HIẾN LÊ.
LỜI NHÀ XUẤT BẢN
Văn du ký nếu khéo viết thì có thể đẹp như thơ,
vui như tiểu thuyết, mà lại ghi chép được thiên nhiên, xã hội, tình cảm một cách
trung thực hơn hoặc dồi dào hơn thơ và tiểu thuyết. Vì vậy mà cho tới thế kỷ trước,
thể đó rất được trọng ở phương Đông cũng như phương Tây.
Liểu Tôn Nguyên nổi danh là nhà viết du ký có tài nhất Trung
Hoa; Tô Đông Pha, Vương An Thạch đều lưu lại những bài du ký ngắn bất hủ.
Chateaubriand, Lamartine, Victor Hugo, Pierre Loti du lịch Hy Lạp, La Mã hoặc Cận
Đông, Viễn Đông… đều tặng cho nhân loại những tác phẩm có giá trị về văn chương,
xã hội học.
Qua thế kỷ XX, bắt đầu giữa hai thế chiến, thể đó đã hơi thay đổi.
Các văn nhân thi sĩ vẫn còn ham đi du lịch, nhưng ngay cả Paul Morgan và André
Gide cũng không nhằm mục đích thưởng ngoạn nữa mà đã mang theo hành lý nhiều nỗi
thắc mắc về thời cuộc, xã hội, chính trị. Từ sau thế chiến thứ nhì, thể đó gần
như mất hẳn: bây giờ người ta lên phi cơ không phải để du kịch nữa mà để điều
tra, phỏng vấn; tiếng nhạc của thiên nhiên và tiếng nhạc của lòng đã bị tiếng ồn
của các hội nghị, tiếng hò hét của các cuộc mít tinh và tiếng bom đạn, phi cơ
phản lực át mất!
Cho nên trong cái rừng sách của phương Tây mà gặp được một cuốn
như Mùa Xuân ả Rập (Un Printemps Arabe) của Benoist Méchin thì
thú vô ngần. Đoạn ông tả cảnh Eden ở Mésopotamie nên thơ làm sao!
Ở nước ta, hồi tiền chiến, chỉ có vài ba nhà viết du ký, nổi
danh với cuốn Chơi Hồ Ba Bể và Sau Dãy Trường Sơn,
tuy có hứng thú nhưng ngọn bút có kém luyện.
Từ sau thế chiến, thể du ký cũng theo trào lưu chung mà chìm hẳn:
lác đác trên báo có ít bài, phóng sự hơn là du ký; còn in thành sách thì chỉ toàn
là địa phương chí. Duy có cuốn Bảy Ngày Trong Đồng Tháp Mười của
ông Nguyễn Hiến Lê là nữa có tính cách du ký, nữa có tính cách biên khảo. Hoàn
toàn là du ký thì có lẽ chỉ có cuốn Đế Thiên Đế Thích mà hôm
nay chúng tôi cho ra mắt độc giả, nhưng cuốn này cũng lại viết từ giữa chiến
tranh.
Ông Nguyễn Hiến Lê viết nó từ năm 1943, rồi gặp hồi kháng chiến,
tản cư, may mà mang theo và giữ lại được. Từ khi hồi cư, mấy chục năm nay, ông
không nghĩ tới chuyện xuất bản, cho rằng không hợp thời. Vã lại ngay khi viết ông
cũng không tính tới việc in, ông bảo: “Viết để kéo dài cái cảm giác thích thú
khi du lịch, bấy nhiêu đủ rồi”.
Nhà xuất bản chúng tôi nghĩ Đế Thiên Đế Thích ở sát nước ta mà
nhiều người không được biết, khi đất nước bạn thanh bình rồi chắc nhiều người cũng
muốn thăm; nhất là nghĩ loại du ký vắng bóng trên văn đàn thì cũng là điều đáng
tiếc, nên xin phép thân nhân gia đình tác giả cho xuất bản tập mỏng này.
Theo ý thân nhân tác giả, chúng tôi giữ đúng lời văn hồi trẻ của
ông nên không sửa lại bản cũ.
NHÀ XUẤT BẢN
Vài Lời Thưa Trước
Tập du ký này viết từ năm 1943, đã đăng trên nhật báo Việt Thanh
cách đây bảy tám năm. Hồi viết, chúng tôi dùng những tài liệu lịch sử trong cuốn Guide
Groslier. Sau thế chiến vừa rồi, ông G. Coedes trong cuốn Pour
mieux comprendre Angkor và ông Maurice Glaize trong cuốn Les
monuments du groupe d’Angkor đã đính chính vài chỗ sai lầm của
Groslier. Chúng tôi dùng hai cuốn này để sửa chữa bản thảo và mong rằng có thể
giúp độc giả hiểu một cách rất sơ sài nhưng gần đúng về Đế Thiên Đế Thích, một
cảnh đại quan vào bậc nhất thế giới, cách Sài Gòn không bao xa, mà theo chỗ chúng
tôi biết thì từ trước tới nay chưa có du khách Việt Nam nào viết về nó cả.
Sài Sòn ngày 19-10-1960
NGUYỄN HIẾN LÊ