CHƯƠNG 1
SÀI GÒN –
NAM VANG
Mấy lần định đi coi phế tích Đế Thiên Đế Thích mà không thành. Lần
này không định đi thì thành. Sở có chút việc ở Nam Vang và Siamreap; tại
Siemreap lại có ông bạn vừa là đồng song vừa là đồng nghiệp (°) hai lần viết thư
mời lên chơi, thực không còn cơ hội nào tốt hơn nữa.
Tôi khởi hành ở Sài Gòn ngày 21-1-1943, nhằm ngày 16 tháng chạp âm
lịch.
Xe ra khỏi châu thành Svayrieng thì trăng tròn vành vạnh lơ lững
ở trên những ngọn cây thốt nốt (1) thưa thớt trên một cánh đồng phẳng lì và mênh
mông. Cánh đồng Cao miên có đặc điểm này: là đồng mà vẫn là vườn, bát ngát mà
nhìn không mỏi mắt, nhờ những thân thốt nốt cao thấp, thẳng tấp đưa lên trời xanh
những chùm lá tựa như ngọn chổi. Tới mùa mưa, đây đó trên thảm cỏ xanh, hiện lên
những vũng xinh xinh phản chiếu bóng sen đỏ và cò trắng.
Qua khỏi đò Kim Long, cảnh thay đổi hẳn: đường chạy men sông Cửu
Long, hai bên đất cát phì nhiêu, toàn là vườn như miền Cần Thơ, Sa Đéc. Tuy thiếu
những rạch nho nhỏ và những cầu gỗ khom khom mà ta thường gặp ở miền Hậu Giang,
nhưng trong đám xoài xanh thẳm ló ra một mái cong cong hoặc một ngọn tháp nhọn
của ngôi chùa Miên, trông cũng lạ mắt. Bên cạnh chùa là những rặng gòn thưa thưa
như đăng ten. Cảnh có vẻ thanh tú, thân mật mà nên thơ.
NAM VANG – SIEMREAP
Tôi ở lại Nam Vang một ngày làm việc sở. Năm giờ chiều lên xe đi
Siemreap. Phải đưa thẻ căn cước cho công an biên số, cũng như khi ở Sài Gòn lên
xe đi Nam Vang. Lượt về cũng vậy.
Ra khỏi thành phố Nam Vang, xe chạy theo bờ sông Tonlé-Sáp. Bên
trái là một cánh đồng mới bắt đầu khai phá, đầy cỏ lát và điểm vài đám mạ. Bên
phải là vườn tược, ít sửa sang nhưng đông đúc. Nhà sàn đều không có hiên, ít cửa,
trơ trẻn như hộp gỗ. Thỉnh thoảng qua hàng cây thưa, mặt sông hiện ra, phẳng lặng
và xanh ngắt với hàng trăm cánh chim loang loáng. Có điều khó chịu là trên mười
lăm cây số, không khí tanh hôi, lợm giọng: mùa này người Miên làm mắm, nhà nào
cũng có một đống cá ở trước cửa.
Qua bến đò Kompong Luong (Kompong Luong nghĩa là bến đò nhà vua –
hồi xưa kinh đô Cao Miên ở Oudong, trên bến đò này vài cây số), đường xe rời bờ
sông mà đi sâu vào trong đồng. Cảnh khô khan hơn nhưng bát ngát hơn. Chung
quanh ta toàn là một màu đất đỏ. Một vài đàn bò theo đường mòn, lửng thửng về
trại, để lại sau chúng những đám bụi nhạt dần trong cụm mây vàng ở chân trời ửng
hồng.
Gần tới Skoun (một quận nhỏ) xe chạy ngang một khu rừng rậm nhưng
ít cây lớn. Mặt trăng đương lấp ló trong cành lá bên tay mặt bổng chạy vụt qua
tay trái rồi một phút sau, trôi trên nền trời xám đậm để ngừng lại, rực rỡ vàng
trên nóc một dãy phố lầu cất toàn bằng gỗ, đen như mực tàu và lạnh lẽo như quan
tài.
Xe ngừng ờ Skoun năm sáu phút rồi lại băng qua rừng. Trên một giờ
sau, ta thấy lấp lánh một dãy đèn đỏ: xe đã tới Kompong Thom. Nghỉ ở đó nữa giờ
để ăn cơm rồi tiến lên Siemreap.
Từ Kompong Thom tới Siemreap hai bên đường cũng toàn là rừng nhưng
thưa hơn và một vài nơi có xóm làng.
Sáu mươi cây số trước khi vào Siemreap xe qua một chiếc cầu nhỏ
mà hai bên cầu có bốn con “naga”, loại rắn thần của người Miên. Từ đây ta bắt đầu
vào khu vực có nhiều phế tích, nhưng phế tích đều xa đường xe chạy, nên không
thấy.
Khoảng hai giờ khuya xe qua một chiếc cầu đúc trắng, chui dưới vòm
cây rồi ngừng ở ngang sở Bưu điện Siemreap. Tôi xuống xe. Đã có người nhà anh H
đứng đón.
Tôi theo người đó qua bên kia đường, bước lên một chiếc cầu gỗ.
Tôi ngừng lại, tưởng mình ở trong mộng: trăng vằng vặc chiếu qua cành lá lưa thưa
của một loại cây tựa như phượng tây, lấp lánh nhảy múa trên một dòng nước con
con. Lá xào xạc trên đầu, run rẩy dưới chân tôi, trên lưng cầu khom khom có tay
vịn. Mây nhẹ trôi trên mặt rạch. Thoang thảng có mùi hương dịu và tí tách có tiếng
nước nhỏ giọt. Một tiếng vạt ngắn ở trên không. Tôi có cảm giác ngắm một cảnh
trên đảo Phù Tang.
Qua khỏi cầu đã nghe tiếng anh H:
- Biết mà! Anh lên, thế nào cũng cảm Stung Siemreap của tôi mà
(Stung nghĩa là sông nhỏ). Thôi, vào nhà đã.
Nhà cách đầu cầu ít bước. Một mái tranh chung quanh có vườn rộng,
quay mặt ra Stung, một bên là Sở Thú y, một bên là Câu lạc bộ.
Chú thích:
(1) Có người còn gọi thốt lốt
(°) Theo “Hồi Ký Nguyễn Hiến Lê ” thì “ông bạn” đó là ông Đỗ Văn
Hách (ghi chú đánh dấu ° là của Goldfish)