Hoa Kỳ ngày 31-01-2025.
Thư số 3.
Dương Xuân Lương.
Kính bà Janet Hoskin, Giáo sư trường Đại Học Nam
California.
Tôi rất cảm ơn, rất thích thú khi biết Giáo sư đã có
bài viết Tiếng Việt về Đại-Đạo Tam-Kỳ Phổ-Độ nói tắt là Đạo Cao Đài lập năm
1926 và trình bày trong hội nghị ở Bình Châu. Xin Giáo sư vui lòng chia sẻ thêm
thông tin về chủ đề hội nghị, thời gian, thành phần dự hội, những bài trình bày
khác (nếu được) để Tôi có dịp học hỏi, suy nghĩ thêm thì Tôi rất biết ơn. Tôi
có biết suối nước nóng Bình Châu ở tỉnh Bà-Rịa không biết có phải là nơi tổ
chức hội nghị hay không?
Tôi đọc bài trình bày ở Bình Châu với tâm trạng vui
tươi, hào hứng, nên Tôi xin thảo luận về bài Bình Châu tại trang 10: Tội ly giáo và hình
phạt: Con Đường đến Bát Đạo Nghị Định.
Lời thưa trước.
Thưa Giáo sư.
Trong kho chuyện học khôn, có chuyện mấy anh mù sờ
voi, anh thì trúng cái vòi, anh thì trúng cái chân, anh thì trúng cái đuôi …
rồi mô tả con voi theo cảm nhận của mình và bàn luận với nhau… về con voi ngày
nầy qua ngày khác.
Do vậy, Tôi xin thưa trước là Tôi giới thiệu cả con
voi; không giới thiệu một phần của con voi. Tôi cung cấp thông tin và sự kiện liên
quan đến Bát Đạo Nghị Định sau đó đối chiếu, nêu ra câu hỏi hay đặt vấn đề là
chính. Tôi hiểu rằng có phương pháp làm việc khoa học là điều kiện cần thiết để
đi đến hiểu đúng với sự thật. Đặc biệt là với Đạo Nghị Định Thứ Tám Tôi dùng
cách đối chiếu với những điều đã được công nhận trước đó; để thấy được mối
tương quan nhân quả. Tôi kèm theo phụ lục là một bài viết từ Việt Nam Thời Báo
để làm rõ thêm về Đạo Nghị Định Thứ Tám.
Tôi cung cấp thông tin hay sự kiện (kiểm chứng được
từng thông tin một) liên quan đến 8 Đạo Nghị định qua bốn giai đoạn: Thứ
nhất: Từ Vọng Thiên Cầu Đạo đến tổ chức Lễ Khai Đạo tại chùa Gò Kén. Thứ
hai: Từ Lễ Khai Đạo đến khi có đủ tám Đạo Nghị Định (1926-1934). Thứ ba:
Từ khi có đủ tám Đạo Nghị Định đến khi Hội Thánh Cao Đài bị xóa bỏ (1934-1983).
Thứ tư: Từ khi Hội Thánh Cao Đài bị xóa (1983) đến hiện nay. Theo Tôi
muốn hiểu đúng, muốn đi đến sự thật thì cần thiết phải nhìn thấy, phải biết cả
con voi.
HẾT TRANG 01
1/- Từ Vọng Thiên Cầu Đạo Cao Đài (16-12-1925) đến Lễ
Khai Đạo tại Chùa Gò Kén (18-11-1926).
Ngày 16-12-1925 ba vị tiền bối Cao Quỳnh Cư, Phạm Công
Tắc, Cao Hoài Sang Vọng Thiên Cầu Đạo, là cầu Đại-Đạo Tam-Kỳ Phổ-Độ nói tắt là
Đạo Cao Đài; không phải cầu một đạo có tên nào khác. Từ việc ba vị cầu đạo thì
Đức Thượng Đế mới dạy đạo qua cơ bút, nghĩa là viết ra thành văn tự nên đó là
những điều kiểm chứng được.
1.1/- Thượng Đế dạy: Lời Minh Thệ (22/23 tháng 4-1926).
“Tên gì? ... Họ gì? ... Thề rằng: Từ đây biết MỘT Đạo
Cao-Đài Ngọc-Đế, chẳng đổi dạ đổi lòng, hiệp đồng Chư Môn-Đệ, gìn luật lệ
Cao-Đài, như sau có lòng hai thì Thiên-tru, Địa-lục.” (Thánh Ngôn Hiệp Tuyển quyển 1, trang 15, bản in 1972)
Về nguyên tắc: Thượng Đế không bắt buộc ai phải theo Đạo Cao Đài,
nhưng bất cứ ai muốn trở thành người Tín đồ Cao Đài phải nhập môn cầu đạo. Phải
thề rằng theo luật lệ Cao Đài, Lời Minh-Thệ phải đọc trước Bàn Thờ Thượng Đế và
có người làm chứng. Xin chọn hai ý nghĩa chính. (Ghi chú: Tín đồ các chi phái
Cao Đài cũng đọc Lời Minh-Thệ nầy)
Thứ nhất: … Từ đây biết MỘT Đạo Cao-Đài Ngọc-Đế … chữ
MỘT là số ít nên là duy nhứt, nghĩa là CHỈ CÓ MỘT Đạo Cao-Đài do Ngọc-Đế lập ra
vào năm 1926. Ngọc Đế không lập ra Đạo Cao Đài thứ hai.
Thứ hai: Lời Minh-Thệ là
căn bản quan trọng nhất để hiểu đúng về Đại-Đạo Tam-Kỳ Phổ-Độ; nên Lời Minh-Thệ
là một tiền đề cơ bản để hiểu đúng Đạo Cao-Đài. Đã tự nguyện đọc Lời Minh-Thệ
thì phải nhìn nhận hệ luận phù hợp với Lời Minh-Thệ. Cũng như khi học về hình
học phẳng phải chấp nhận tiền đề Euclid; thì phải chấp nhận những hệ quả từ tiền
đề Euclid. Không hiểu được tiền đề Euclid để áp dụng thì không thể giải đáp
đúng bài toán về hình học phẳng; không hiểu được Lời Minh-Thệ để áp dụng thì
không thể hiểu đúng được Đại-Đạo Tam-Kỳ Phổ-Độ.
1.2/- Thượng Đế dạy ngày 24-4-1926
Còn cả Môn Đệ, ai cũng như ai, không đặng gây phe, lập
đảng; nhược kẻ nào phạm tội, thì THẦY trục xuất ra ngoài, cho khỏi điều rối
loạn. (Thánh Ngôn Hiệp
Tuyển quyển 1, trang 46, bản in 1972). Không thấy vị tiền bối nào phủ nhận câu
nầy.
HẾT TRANG 02
1.3/- Thượng Đế dạy 14-8-1926.
"Vậy các con khi nghe nói Cao Đài nơi nầy, Cao
Đài nơi kia đừng vội tin mà lầm mưu Tà-Mị" (Phổ Cáo Chúng Sanh trang
6, bản in ngày 13-10-1926). Cũng không có vị nào phủ nhận lời dạy nầy.
1.4/- Thượng Đế dạy ngày 29-10-1926.
Đ… Q… cả môn đệ Thầy duy biết có một chớ không biết
hai; kẻ nào cưu tâm chia phe phân phái là đứa thù nghịch của Thầy. Con hiểu à!
(Thánh Ngôn Hiệp Tuyển quyển 1, trang 47, bản in 1972).
Tra cứu trong đạo sử thì Đ… Q… chính là ngài Trần Đạo
Quang, quyền Thượng Chưởng Pháp rồi đắc phong Ngọc Chưởng Pháp. Không thấy bất
cứ ai phủ nhận lời dạy nầy.
Qua bốn trích dẫn trên xác định được ba điều căn bản: Thứ
nhứt: Đức Thượng Đế lập ra có MỘT Đạo Cao Đài vào năm 1926 tại Chùa Gò Kén,
nơi nào khác xưng danh Cao Đài chớ có tin mà lầm mưu tà mị. Thứ hai: Đức
Thượng Đế cấm việc chia phe phân phái và coi đó là đứa thù nghịch của Thượng
Đế, ai phạm vào thì bị trục xuất. Thứ ba: Các vị tiền bối khai đạo (kể
cả các vị tách ra lập thành chi phái) không ai có công văn nào bác bỏ 4 trích
dẫn trên đây.
2/- Từ Lễ Khai Đạo
đến 25-8-1934.
Lễ Khai Đạo tại
Chùa Gò Kén, Tây Ninh ngày 18-11-1926. Sau đó Thượng Đế và Đức Lý Giáo Tông lập
Pháp Chánh Truyền Cửu Trùng Đài nam-nữ, Pháp Chánh Truyền Hiệp Thiên Đài, dạy lập
Tân Luật…. Dạy Đức Hộ Pháp Phạm Công Tắc chú giải Pháp Chánh Truyền. Khi chú
giải Đức Hộ Pháp được dạy thêm vào các phẩm Chánh Trị Sự, Phó Trị Sự và Thông
Sự … Bản Pháp Chánh Truyền Chú Giải ban hành ngày 02-04-1931 (Châu Tri 11); đó
là bản chú giải duy nhất trong Đạo Cao Đài.
Thượng Đế dạy Ngài
Thượng Trung Nhựt (21-4-1930).
… Than ôi!
Công-trình Thầy và các Đấng Thiêng-liêng thì nhiều, mà tấc thành của mỗi con,
thì không đặng mấy; nhiều phen sóng khổ, muốn chìm đắm các con, mà Thầy phải sợ
cho đến nhăn mày khổ-lụy. Thấy vậy, chẳng đành, Thầy phải sửa-cải Thiên-cơ, mà
để cho mỗi đứa được có ngày giờ, và thế-lực mà dìu-dắt nhau, cho tròn phận sự;
nhưng rốt lại, tà quyền cũng lấn-lướt chất Thánh, bước tục dẫn chơn phàm; Thầy
rất đau lòng mà dòm thấy con cái liếu-xiếu, bị lâm vào đường tà-quái.
Đứa thì bị mê-tài,
đứa thì ham cận sắc, đứa bị biếm vào lối lợi-quyền, đứa bị xô vào nơi thất-đức.
Mỗi đứa mỗi nẻo, đều quăng sạch chất thiêng-liêng, lầm-lũi đưa tay theo mấy
mươi động.
HẾT TRANG 03
Hại nữa, là các
con lại bị nó tàng-ẩn, xô cho dang nhau, bứt nghiến tình đoàn-thể, chặt lìa dây
liên-lạc; giành xé cắn-rứt nhau, như kẻ khác nhà, gà riêng ổ; cho đừng có
thế-lực chi mà kình-chống với chúng nó; rồi rốt cuộc lại, thì các con lần lần
bị manh-mún phân chia, sa vào hang sâu vực-thẳm.
Thầy tưởng để cho
các con lo-liệu giành-giựt, đương cự với chúng nó; nhưng dòm Thiên-thơ, thì tám
phần mười, đã sa ngay vào chơn của quỉ-vương vày-đạp; mà phần đông, các con là
bậc phẩm-cao, chức trách trọng-hậu; Thầy phải ép lòng chịu tư-vị với các con,
mà thố-lộ một ít. Vậy nên biết mà kiềm-sửa bước đường, đặng cứu-chữa căn bịnh
cho nhau, và ngăn-ngừa bước đường cho những đứa sẽ đến.
Tà đã thắng chánh,
thì con làm thế nào mà đương cự cho kham. Con là đứa Thầy đã tin-cậy hồi mới
ban-sơ; tuy bước đường cũng lắm lúc sai-lầm, nhưng nhờ các Đấng Thiêng-liêng
thương mà chỉ-dẫn; nên bước vừa trờ tới, kịp lúc trở ra. Thương hại thay cho
nhiều đứa khác, quyền chưa từng nắm, của chưa đặng cầm, sắc chưa từng gần, lợi
chưa từng thấy; bị lũ quái tùy Thiên-thơ, đem treo trước mắt, mà phải lầm-lũi
bước đường; chơn-linh quí-hóa kia mắc lẫn với xác phàm, mà phải chịu muôn đời
chìm-đắm… (Thánh Ngôn Hiệp Tuyển quyển 2, trang 180, bản in 1972)
Ghi nhận: Trên đây
là thực trạng Đạo Cao Đài trước khi Đức Lý Giáo Tông và Đức Hộ Pháp lập sáu Đạo
Nghị Định (22-11-1930).
2.1/- Lập sáu Đạo
Nghị Định (22-11-1930).
Mở đầu đàn cơ lập
sáu Đạo Nghị Định (22-11-1930) có mấy điểm cần chú ý:
-/- Vì có lịnh
Ðức Lý Giáo Tông triệu ba vị Chánh Phối Sư về Tòa Thánh, sẳn dịp Hộ Pháp và Văn
Pháp xin cho cả Chức Sắc hầu nghe dạy luôn.
-/- Thượng Ðầu Sư
bạch: "Ðệ tử cùng cả Chức Sắc đều hết lòng lo lắng, cúi xin Ðức Giáo
Tông từ bi tái nhậm quyền hành hầu chỉnh đốn nền Ðạo."
Tại sao chú ý hai
đoạn trên?
Bởi vì Đức Lý Giáo
Tông từ nhiệm Giáo Tông nên Ngài Thượng Trung Nhựt mới bạch: …, cúi xin Ðức
Giáo Tông từ bi tái nhậm quyền hành hầu chỉnh đốn nền Ðạo. Tái nhậm quyền
hành có nghĩa là Đức Lý Giáo Tông đã từ nhiệm nên mới có câu trên.
HẾT TRANG 04
Tại sao Đức Lý
Giáo Tông từ nhiệm?
Một số chức sắc có
trọng trách trong đạo tự cho mình có công lớn với đạo nên không tuân theo pháp
luật đạo, chức quyền trong tôn giáo cũng muốn mà chức quyền ngoài xã hội cũng
muốn nên không có thời gian để làm việc cho đạo, làm cho cho việc đạo bị chậm trễ,
sai lệch. Đức Lý Giáo Tông muốn giữ nghiêm pháp luật đạo, chức sắc phải phế đời
hành đạo, có công thì thưởng, có tội phải răn phạt. Đức Thượng Đế không chịu
răn phạt; Thượng Đế muốn dùng tình thương để dạy. Đức Lý không phương điều hành
nền đạo nên xin từ nhiệm.
Tại sao Đức Lý tái
nhậm quyền Giáo Tông?
Bởi vì Đức Lý Giáo
Tông giải thích cho Đức Hộ Pháp hiểu cái bịnh của đạo là cần phải dùng pháp
luật để điều hành, còn Đức Thượng Đế dạy Đức Hộ Pháp đừng nghe lời Đức Lý Giáo
Tông; Thượng Đế muốn dùng tình thương dạy dỗ, điều hành. Cùng một căn bịnh mà
có hai phương thuốc nên Đức Hộ Pháp không biết chọn phương thuốc nào.
Đức Hộ Pháp ngơ
ngẫn trong sáu tháng, không biết nghe theo Thượng Đế hay Lý Giáo Tông nên đứng
giữa hai phương thuốc. Lần sau cùng Đức Lý Thái Bạch cầm Đức Hộ Pháp từ 9 giờ
tối đến 4 giờ khuya để giải thích: Nếu không quyết định thì Đức Hộ Pháp nên lui
bước, bởi vì nếu không sử dụng pháp luật thì nền đạo bị hư hoại, khi đó Đức Hộ
Pháp phải chịu trách nhiệm. Đức Hộ Pháp (Hiệp Thiên Đài) hiểu ra vấn đề mới
hiệp với Đức Lý (Cửu Trùng Đài) dâng sớ lên Đức Thượng Đế (Bát Quái Đài) xin
dùng pháp luật để điều hành việc đạo. Khi Đức Lý và Đức Hộ Pháp đã thuận thì
Thượng Đế thuận theo, nhưng rất buồn.
2.2/- Ghi nhận mấy
điều cần thiết từ sáu Đạo Nghị Định.
2.2.1/- Đạo Nghị
Định Thứ Hai:
Ðiều thứ
nhứt: - Ban quyền hành cho Thượng Ðầu Sư thay mặt cho Lão mà thi hành các
phận sự Giáo Tông về phần xác, còn phần Thiêng Liêng có Lão.
Ðiều thứ
nhì: - Chức Sắc Cửu Trùng Ðài, duy bậc Chánh Phối Sư phải tùng quyền mà
hành chánh về phần chánh trị của Ðạo, song đặng thế mặt cho Ðầu Sư, đương buổi
Người cầm quyền Giáo Tông của Lão.
2.2.2/- Đạo Nghị
Định Thứ Ba.
Ðiều thứ hai: -
Chức sắc hành chánh các nơi, chia quyền theo đẳng cấp như vầy:
Phối
Sư phải ở tại Tòa Thánh.
Giáo
Sư làm đầu một tỉnh.
HẾT TRANG 05
Giáo
Hữu làm đầu một họ.
Lễ
Sanh làm đầu một quận.
Chánh
Trị Sự làm đầu một làng.
Phó
Trị Sự làm đầu một xóm cùng Thông Sự.
Ðiều thứ
ba: - Cả Chức Sắc có địa phận đặc biệt, chẳng đặng qua khỏi ranh đất trách
nhậm của mình, mà gây điều ganh lẫn.
Ðiều thứ
tư: - Cả Chức Sắc phải tùng lịnh Hội Thánh, chẳng đặng tư chuyên mà cải
sửa Chơn Truyền của Ðạo.
2.2.3/- Đạo Nghị
Định Thứ Năm.
Ðiều thứ
nhứt: - Buộc cả Chức Sắc đã thọ phong phải phế Ðời hành Ðạo.
Ðiều thứ
nhì: - Những Chức Sắc trọn hiến thân cho Ðạo mới đặng kể vào Hội Thánh,
còn những kẻ ngoài vòng thì chẳng dự vào chánh trị của Ðạo.
Quý chức sắc không
có ai ra công văn bất tuân sáu Đạo Nghị Định nên đã thi hành.
2.3/- Diễn tiến
quan trọng sau ngày lập 6 Đạo Nghị Định.
Xin ghi lại theo
thời gian.
2.3.1/- Châu Tri
mở Đại Hội Nhơn Sanh: Ngày 02-02-1931. Chánh Thượng Phối Sư Thượng Tương
Thanh ra Châu Tri số 1: chuẩn bị mở Đại Hội Nhơn Sanh lần đầu tiên của Đạo Cao
Đài. Đại Hội Nhơn Sanh lần đầu mở ngày 24-11-1931.
https://khoinhonsanh2014.blogspot.com/2024/10/5456-chau-tri-so-1-1931-chuan-bi-mo-ai.html#more
2.3.2/- Chi phái
Minh Chơn Lý ra đời (31-5-1931).
Đây là chi phái
đầu tiên tách ra từ Tòa Thánh Tây Ninh, do Phối Sư Thái Ca Thanh lập ra tại Cầu
Vỹ, Mỹ Tho, xưng danh là Hội Thánh Trung Ương. Sau khi có sáu Đạo Nghị Định
Ngài Thái Ca Thanh xin với Ngài Thượng Trung Nhựt về sắp xếp việc nhà rồi trở
lên hành đạo, nhưng sau đó Ngài ở lại quê nhà và lập ra chi phái Minh Chơn Lý.
Thượng Chánh Phối Sư, Thượng Tương Thanh viết thư can ngăn và kêu gọi trở về
Tòa Thánh Tây Ninh, Ngài Ngọc Trang Thanh cũng đồng ý kiến.
HẾT TRANG 06
Thư Chánh Phối Sư
Thượng Tương Thanh gởi Ngài Thái Ca Thanh (01-11-1932) có tình lý rõ ràng, mẫu
mực: … Tôi có tiếp được xấp Thánh Ngôn Hậu Giang của Anh gởi và một cái Thơ
Mời hội nơi Thánh Thất Mỷ Tho ngày 15-10 tới đây. Tôi có đọc kỷ và cũng có đọc
lại các Thánh Giáo, Thánh Ngôn Anh gởi mấy lần trước, Tôi thấy rõ là một cuộc
khảo do nơi Tam Trấn để cho Tà Thần mượn tên cám dỗ…
… Sau khi kích bác
nhục mạ Tây Ninh, rải báo cáo, mạ vấn khắp Lục Tỉnh, nay Anh và các chư vị giúp
Anh lại do các Tà Thần xúi giục mà hăng hái thị lãnh gia phong, lập riêng một
Hội Thánh Trung Ương tự mình làm chủ. Làm cho ai trông vào cũng thấy chủ nghĩa
Minh Chơn Lý của Hậu Giang kết chung lại là một trường háu danh, ham chức đó
thôi…
… Thiên phong Chức
Sắc nào ở Tây Ninh thiệt có tội thì bị phạt không khi nào chạy khỏi. Anh sẽ
thấy rõ các sự Anh đã làm trong một năm rưỡi nay, đối với đạo đức ra thế nào,
xa đạo đức bao nhiêu dặm. Chừng ấy hết lậm nghe cơ bút Hậu Giang nữa…
… Tôi bảo kiết
chứng rằng mấy anh em trên Tòa Thánh Tây Ninh đều vui lòng mà đưa tay tiếp
rước mấy anh em Hậu Giang cùng nhau tái hiệp trùng phùng bỏ những điều rắc rối
đã xãy ra do cơ khảo của Tà Thần sắp đặc, cái hòa hiệp đó là một lễ hiến trân
trọng hơn bao giờ hết cho Thầy… (hết trích).
https://khoinhonsanh2014.blogspot.com/2019/12/2964-noi-long-ngai-thuong-tuong-thanh.html#more
Chánh Phối Sư Ngọc
Trang Thanh viết thư (03-11-1932) tán đồng bức thư trên đây của Ngài Thượng
Tương Thanh: … Các ý kiến tỏ ra trong thơ ấy đều hạp với ý kiến của Tôi, nên
khuyên Hiền Hữu đọc lại cho rõ, hiểu cho chắc chắn rằng những việc của ông Thái
Ca Thanh bác bỏ ra hồi trước đến giờ gánh sự rắc rối cho nền Đạo.
https://khoinhonsanh2014.blogspot.com/2019/12/2965-noi-long-ngai-ngoc-trang-thanh-1932.html#more
2.3.3/- Chi phái
Minh Chơn Đạo (1932).
Ngài Ngọc Chưởng
Pháp Trần Đạo Quang hợp tác với Ngài Thái Ca Thanh để lập ra Minh Chơn Lý. Sau
đó Ngài Trần Đạo Quang tách ra lập thành Hội Thánh Minh Chơn Đạo ở Hậu Giang.
Xin nhắc lại lời
Thầy kêu tên Ngài Trần Đạo Quang dạy: Đ… Q… cả môn đệ Thầy duy biết có một
chớ không biết hai; kẻ nào cưu tâm chia phe phân phái là đứa thù nghịch của
Thầy. Con hiểu à!
HẾT TRANG 07
2.3.4/- Chi phái
Tiên Thiên (1932).
Châu tri 67 ngày
31-12-1930 của Ngọc Chánh Phối Sư Ngọc Trang Thanh về việc Giáo Hữu Ngọc Chính
Thanh luyện bùa chú tập bay… đến 1932 thì quý vị nầy hiệp lại lập thành chi
phái Tiên Thiên. Năm 1948 Ngài Nguyễn Bửu Tài đưa chi phái Tiên Tiên qui về Tòa
Thánh Tây Ninh. Đức Lý Giáo Tông chấp thuận và dạy đưa ra cho Quyền Vạn Linh
định thì các vị rút lui về cơ sở cũ.
Đó là ba chi phái
tách ra từ Tòa Thánh Tây Ninh, sau khi Đức Lý Giáo Tông và Đức Hộ Pháp lập ra
sáu Đạo Nghị Định.
2.3.5/- Ngọc Đầu
Sư mở Thượng Hội (16-4-1933).
Ngọc Đầu Sư Ngọc
Trang Thanh tổ chức mở Thượng Hội lật đổ Đức Quyền Giáo Tông Thượng Trung Nhựt.
Ngài Thượng Đầu Sư Thượng Tương Thanh tham gia. Cuộc lật đổ bị thất bại.
https://khoinhonsanh2014.blogspot.com/2025/01/5631-vi-bang-thuong-hoi-chua-thanh-ngay.html#more
(Lưu ý pháp lý
đạo: Ba vị Chánh Phối Sư Thái Thơ Thanh, Thượng Tương Thanh, Ngọc Trang
Thanh thăng lên Đầu Sư. Do vậy Hiệp Thiên Đài cử Ngài Khai Đạo Phạm Tấn Đãi cầm
Quyền Thái Chánh Phối Sư; Ngài Khai Thế Thái Văn Thâu cầm Quyền Thượng Chánh
Phối Sư, Ngài Khai Pháp Trần Duy Nghĩa cầm Quyền Ngọc Chánh Phối Sư. Hiệp Thiên
Đài cũng cử ba vị Thời Quân Bảo Pháp Nguyễn Trung Hậu, Bảo Thế Lê Thiện Phước,
Hiến Đạo Phạm Văn Tươi cầm Quyền Chưởng Pháp, “không phân phái”.)
2.3.6/- Ngọc Đầu Sư mở Hội Vạn Linh (11–6–1933)
Mở Thượng Hội lật đổ Đức Quyền Giáo Tông bị thất bại. Ngọc
Đầu Sư Ngọc Trang Thanh mở Hội Vạn Linh để lật đổ Đức Quyền Giáo Tông Thượng
Trung Nhựt. Hội nầy bầu ông Nguyễn Phan Long (báo Đuốc Nhà Nam) làm chủ tọa.
Hội Vạn Linh cũng thất bại.
https://khoinhonsanh2014.blogspot.com/2023/06/4685-vi-bang-hoi-van-linh-1933.html#more
(Lưu ý pháp lý đạo: Đạo Cao Đài có Quyền Vạn
Linh mà không có Hội Vạn Linh. Quyền Vạn Linh là quyền của ba hội tính từ dưới
lên: Hội Nhơn Sanh, Hội Hội Thánh, Thượng Hội. Mỗi hội có thể thức khác nhau
nên hội riêng nhau; không được hội chung nhau; “nên thường gọi Ba Hội Lập Quyền
Vạn Linh”. Ngài Ngọc Đầu Sư tổ chức cho ba hội vào họp chung nhau và gọi Hội
Vạn Linh, nên sai luật. Khi lập Ban Chỉnh Đạo nhị vị vẫn mở Hội Vạn Linh)
2.3.7/- Châu Tri 6, ngày 01-12-1933 "14-10-Quí Dậu" của ba vị cầm Quyền
Chánh Phối Sư.
HẾT TRANG 08
Trong Châu Tri nầy
khoản 5 có thư của Ngài Thái Đầu Sư Thái Thơ Thanh (Sài Gòn, ngày 20–8–1933)
cho biết vị Ngọc Trang Thanh giả con dấu của Thái Đầu Sư trong Nghị Định số 1.
https://khoinhonsanh2014.blogspot.com/2024/11/5487-chau-tri-6-ngay-1-12-1933-cua-ba.html#more
2.3.8/- Nghị hòa
ngày 26–12–1933.
Sau các sự kiện
trên xảy ra, hai vị Thượng Tương Thanh và Ngọc Trang Thanh cùng ngồi lại với
các vị hữu trách làm Tờ Nghị Hòa; Đức Quyền Giáo Tông viết:
Vậy kể từ nay, tôi
xin giao lại cho các em sau đây là: Hộ Pháp, Thượng Đầu Sư, Ngọc Đầu Sư, Thái
Đầu Sư, và Nữ Chánh Phối Sư, lo điều đình nền Đạo cho tôi an dưỡng thân thể một
ít lâu cho đặng tráng kiện lại như xưa, đặng khẩn vái Trời Phật cho nền Đạo đặng
tấn phát, cho mau hòa bình thế giới, cho sanh chúng đặng hưởng phước Trời…
Sau đó cuộc nghị
hòa bị vô hiệu.
2.3.9/- Q Đầu Sư
Thượng Tương Thanh, đánh chiếm Tòa Thánh Tây Ninh ngày 05-3-1934. (Lần 1: trực tiếp
ra tay).
Khoảng 7 giờ
sáng ngày 05-3-1934 (20–1 Giáp Tuất), nhóm
người của Ngài Thượng Tương Thanh từ Sài Gòn kéo lên Tòa Thánh rất đông, vừa
đến cửa Hòa Viện thì ngừng lại rồi phân ra làm hai: một toán đánh vào Cửa Hòa
Viện và một toán đánh vào Cửa số 2.
Nhưng Đức Hộ Pháp
đã sắp đặt cho Phạm Môn bảo vệ nên cuộc đánh chiếm bị thất bại và phải ra về. Sau
khi việc đánh chiếm bị thất bại thì có một số vị Phạm Môn bị chánh quyền tỉnh
Tây Ninh bắt và tra khảo rất tàn nhẫn. Vậy Quyền Đầu Sư có liên quan đến việc
các vị Phạm Môn bị bắt hay không?
2.3.10/- Tháng
4-1934 Ngài Tương lui về lập Bạch Vân Điện tại núi Kỳ Vân, Long Hải là
nơi Ngài làm quan khi trước. Ngài Ngọc Trang Thanh đến để bàn tính việc lập ra
chi phái Ban Chỉnh Đạo. Hai vị trở về Sài Gòn, đến Thánh thất Bình Hòa (Gia
Định), đồng thời lui tới Thánh thất Thánh thất An Hội (Bến Tre)
2.3.11/- Tuyên bố
chỉnh đạo (24-7-1934).
Ngài Thượng
Tương Thanh lập Châu tri số 3, ngày 24-7-1934. Trích đoạn:
HẾT TRANG 09
Chánh Phối Sư,
Quyền Đầu Sư Thượng Tương Thanh, gởi cho chư chức sắc, chức việc và đạo hữu nam
nữ.
(…) Nay đã đến
thời kỳ Chỉnh Đạo, tôi phải thi hành phận sự của Thầy và Đức Lý phú thác, là lo
giúp việc chấn chỉnh nền Đạo và việc giáo dục nhơn sanh. Cũng vì từ ngày Anh Cả
ra mạng lịnh số 21 và Phổ cáo Chúng Sanh ngày 04.02.1934, làm cho hòa bình tan rã,
nên cực chẳng đã tôi phải tạm ở đỡ nơi Thánh thất Bình Hòa (Gia Định) và An Hội
(Bến Tre) mà giúp Thầy chỉnh Đạo. (hết trích)
2.3.12/- Công bố chương
trình chỉnh đạo (27-7-1934).
Hai ngài Tương và
Trang lập Châu Tri số 4, ngày 27-7-1934; Tuyên bố “Chương Trình Chỉnh
Đạo”. Trích đoạn:
Điều thứ nhất: (…)
VỀ BAN CHỈNH ĐẠO
Điều thứ năm: Sẽ
có một Ban Chỉnh Đạo để bàn tính với hai vị Quyền Đầu Sư các việc Đạo trước khi
thi hành. Ban này của các họ Đạo hiệp nhau chọn cử trong hàng chức sắc hay là
Đạo hữu có đạo đức và tri thức, nhất là để lo chấn chỉnh nết tu, khép trọn vào
khuôn hạnh, gom hiền góp đức mà làm cho ra vẻ đạo thành (…) Hiện nay, chúng tôi
tạm ở nơi Thánh thất Bình Hòa (Gia Định) và Thánh thất An Hội (Bến Tre) mà lo
phận sự giúp Thầy chỉnh Đạo cho đến thành. Rồi tới ngày giờ Thầy định, sẽ về
Tòa Thánh Tây Ninh mà chung lo quy hiệp với những người chơn chánh… (hết trích)
Đối chiếu và nhận
xét:
-/- Với Đạo Nghị
Định thứ ba: Phối Sư phải ở tại Tòa Thánh.
Các vị Phối Sư
Thái Ca Thanh, Ngọc Chưởng Pháp Trần Đạo Quang, Thượng Đầu Sư Thượng Tương
Thanh, Ngọc Đầu Sư Ngọc Trang Thanh không có một công văn nào bác bỏ qui định Phối
Sư phải ở tại Tòa Thánh. Vậy quý ngài trên đây ra khỏi Tòa Thánh Tây hành
đạo là đúng hay sai với Đạo Nghị Định Thứ Ba? Vui lòng đối chiếu với Thư Ngài
Tương gởi cho Ngài Ca trên đây để rút ra nhận xét.
-/- Với Ngài
Thượng Phẩm Cao Quỳnh Cư.
Ngài Cao Quỳnh Cư
là một trong ba người Vọng Thiên Cầu Đạo (16-12-1925). Khi dời từ Chùa Gò Kén
về Tòa Thánh thì Ngài Cư là người có mặt ngay từ đầu và lo việc dọn dẹp rừng
cây để làm Đền Thánh. Ngài bị chính quyền Pháp mời ra làm việc rất nhiều lần.
Trong nội bộ tung tin Ngài hành đạo bất minh nên bị đe dọa là bắt Ngài trói vào
rừng để bắn. Ngài ôm mối thảm sầu nên bị bệnh và lui về Thảo Xá Hiền Cung dưỡng
bệnh ít lâu thì mất (1929). Gương hành đạo như thế có khác với các vị trên đây
không?
HẾT TRANG 10
2.4/- Lập Đạo Nghị
Định Bảy và Tám (25-8-1934).
Trước khi lập Đạo
Nghị Định Thứ Tám đã phát sinh ba chi phái từ Tòa Thánh: Minh Chơn Lý, Minh
Chơn Đạo và Tiên Thiên.
Đức Lý Giáo Tông
giáng cơ hiệp với Đức Hộ Pháp Phạm Công Tắc lập Đạo Nghị Định Thứ Tám 25-8-1934
(16-7-Giáp Tuất).
Ðiều thứ nhứt: - Những Chi
Phái nào do bởi Ðại Ðạo Tam Kỳ Phổ Ðộ làm gốc lập thành mà không do nơi mạng
lịnh Hội Thánh, thì cả chúng sanh chẳng đặng nhìn nhận là của Chí Tôn và phải
định quyết là Bàng Môn Tả Ðạo.
Theo Điều Thứ
Nhứt:
1/- Đạo duy nhứt
chỉ có một, tại Tòa Thánh Tây Ninh (Thầy dạy chi chi cũng tại Tây Ninh)
hay tiền đề Lời minh thệ.
2/- Nhân sự tách
ra từ Tòa Thánh Tây Ninh. Khi tách ra có lấy đi tài sản vật thể hay phi vật thể
của đạo; (vật thể: Thánh Thất, Điện Thờ … và phi vật thể như chức phẩm tôn giáo
là Chánh Trị Sự, Phó Trị Sự, Thông Sự, Lễ Sanh, Giáo Hữu, Giáo Sư …)
3/- Các vị tách ra
ấy lập thành Hội Thánh mà không có mạng lịnh của Hội Thánh Cao Đài tại Tòa
Thánh Tây Ninh. Theo Điều thứ Nhứt. Đạo Nghị Định Thứ Tám thì đó là bàng môn tả
đạo.
Đối chiếu Đạo Nghị
Định Thứ Tám với mục số một: Điều thứ nhứt của Đạo Nghị Định
Thứ Tám là một hệ luận tất nhiên từ mục số một. Mục số một trích dẫn bốn lời
dạy của Thượng Đế, đã chấp nhận bốn lời dạy trích dẫn tại mục số một mà không
chấp nhận Đạo Nghị Định Thứ Tám là vi phạm nguyên tắc: nói ngược lại với điều
đã công nhận. Đó là hành vi tự mâu thuẫn với chính họ.
Nếu bất cứ vị nào
thấy đối chiếu như vậy sai ở đâu, xin vui lòng chỉ ra để Tôi học hỏi thêm thì
Tôi rất biết ơn. (Mời xem Phụ lục 1).
3/- Từ 1934 đến
1983.
Từ khi lập Đạo
Nghị Định Thư Tám (25-8-1934) đến khi Hội Thánh Cao Đài bị xóa (1983) chỉ có
một chi phái sinh ra là Ban Chỉnh Đạo. Đó là điều kiểm chứng được.
HẾT TRANG 11
3.1/- Chi phái Ban
Chỉnh Đạo (15-12-1934).
Sau hai lần lật đổ và đánh chiếm Tòa Thánh Tây
Ninh bị thất bại, hai vị Thượng Tương Thanh và Ngọc Trang Thanh tách ra khỏi
Tòa Thánh lập thành chi phái Ban Chỉnh Đạo. Sau đây là một số diễn tiến chính
yếu của chi phái Ban Chỉnh Đạo.
3.1.1/- Mở Hội Vạn
Linh lần 1, ngày 20-11-1934.
Ngài Thượng
Tương Thanh Chủ tọa.
Chiều ngày
20-11-1934 được tin Đức Quyền Giáo Tông đăng tiên. Ngài Tương, Chủ tọa
nói: Ai vào Đạo tu hành cũng phải nhớ ơn khó nhọc của Đức Quyền Giáo
Tông trong buổi Khai Đạo ban sơ (…)
Ông Chủ tọa muốn
về Tòa Thánh Tây Ninh liền trong buổi này để dự cuộc tang của Đức Quyền Giáo
Tông (...)
Không ai nói điều
chi nữa nên ông Chủ tọa bế mạc, nhằm hồi 5 giờ chiều cùng ngày 20-11-1934. (hết trích).
Nhị vị Thượng
Tương Thanh và Ngọc Trang Thanh sắp xếp mọi việc, về Tòa Thánh Tây Ninh dự tang
lễ Ngài Quyền Giáo Tông.
Lời trối của Đức
Quyền Giáo Tông.
Đức Quyền Giáo
Tông trối lại, cấm hai vị Tương và Trang không cho đến thấy mặt Ngài. Do vậy
hai vị Tương và Trang chỉ được ở ngoài, không được vào dự tang lễ Đức Quyền
Giáo Tông. Theo Tôi biết không có sử liệu nào viết: hai vị Tương và Trang bị bỏ đứng ngoài mưa khi dự tang lễ
Ngài Thượng Trung Nhựt như Giáo sư viết tại trang 10. Đạo sử cho biết Ngài
Tương bị đứng ngoài mưa là khi đưa tang Ngài Ngọc Trang Thanh về Tòa Thánh Tây
Ninh (tháng 7-1936), Tôi sẽ ghi lại dưới đây.
3.1.2/- Đại hội
ngày 24-12-1934, thành lập Hội Thánh Ban Chỉnh Đạo, Bến Tre.
Hiện diện: Quyền
Thượng Đầu Sư Nguyễn Ngọc Tương, Quyền Ngọc Đầu Sư Lê Bá Trang, Bảo Pháp Nguyễn
Trung Hậu, Bảo Văn Pháp Quân Cao Quỳnh Diêu, 07 Giáo Sư, 27 Giáo Hữu, 40 Lễ
Sanh. Phái nữ có 03 Giáo Sư, 01 Giáo Hữu và 03 Lễ Sanh.
Đại hội công cử
Quyền Ngọc Đầu Sư Lê Bá Trang làm Thượng Chưởng Pháp; cử ra Quyền Chánh Phối Sư
ba phái, lập Cửu Viện, cử một vị làm đầu phái nữ. Đại hội sẽ họp Hội Vạn
Linh từ Thứ hai 11-02-1935 đến Thứ Năm 14-02-1935.
HẾT TRANG 12
Đại Hội ngày
24-12-1934, tự ý đưa Nữ Giáo Sư Hương Tám (Mỏ Cày) vào làm đầu Nữ phái. Do vậy
hiền tỷ viết KÍNH CÁO ngày 5-2-1935; gởi đến Hội Thánh Cao Đài tại Tây Ninh để minh
oan.
Link: https://khoinhonsanh2014.blogspot.com/2024/11/5491-nu-giao-su-huong-tam-kinh-cao-viec.html#more
3.1.3/- Mở Hội Vạn
Linh lần hai từ 11-02-1935 đến 14-02-1935 tại Thánh Thất An
Hội. Thượng Chưởng Pháp Lê Bá Trang chủ tọa.
Mở cuộc bỏ phiếu
để chọn Giáo Tông. Kết quả Ngài Nguyễn Ngọc Tương đắc cử Giáo Tông.
Hội Vạn Linh cử
Thượng Chưởng Pháp Lê Bá Trang lập phái đoàn về Tòa Thánh Tây Ninh thương nghị
việc hòa hiệp và đăng điện cho Ngài Nguyễn Ngọc Tương lên Giáo Tông tại Tòa
Thánh Tây Ninh.
Ngày 17-02-1935
Hội Thánh Cao Đài ra Châu Tri khẩn cấp về việc chi phái Bến Tre về chiếm Tòa
Thánh Tây Ninh để tổ chức Lễ đăng điện cho Ngài Tương. Link:
https://khoinhonsanh2014.blogspot.com/2024/11/5492-chau-tri-khan-cap-17-02-1935-chi.html#more
3.1.4/- Chi phái
Bến Tre cử 800 (tám trăm) người về Tòa Thánh (19-02-1935 đến
23-02-1935).
Chi phái Ban Chỉnh
Đạo cử Ngài Thượng Chưởng Pháp Lê Bá Trang dẫn 800 người về Tòa Thánh Tây Ninh.
Ngài Trang gởi 02 lá thư đến Đức Hộ Pháp và Ban Phụ Chánh.
Nội dung: Các vị
muốn về Tòa Thánh để điều đình việc hòa hiệp chung cùng lo việc Đạo như xưa
(không nói việc làm lễ đăng điện cho Ngài Tương lên ngôi Giáo Tông). Đức Hộ
Pháp và Ban Phụ Chánh nhận thơ của ngài Trang nhưng chưa trả lời liền. (Trích
ý)
Ngày 21-02-1935
Thượng Chưởng Pháp Lê Bá Trang gởi đến Đức Hộ Pháp thư thứ hai, cho biết đến 12
giờ trưa ngày 23-02-1935 thì hết phận sự nghị hòa.
Ngày 23-02-1935,
lúc 10 giờ sáng, Đức Hộ Pháp cho Ngài Tiếp Đạo Cao Đức Trọng thay mặt, tiếp xúc
với ngài Trang tại Nữ Đầu Sư Đường.
Ngài Cao Tiếp Đạo
nói với Ngài Trang, đại ý: việc nhóm Đại Hội Vạn Linh mà bầu cử người lên cầm
giềng mối Đạo như hai Anh lớn đã làm vừa rồi tại Bến Tre là sái hẳn luật Đạo
nên cần phải sửa lại.
HẾT TRANG 13
Ngài Trang đáp:
“Việc ấy có sái cùng chăng, xin để các Chức sắc cao cấp có trách nhiệm phán
định sau nầy.” Ngài Lê Bá Trang và phái đoàn ra về, không có bạo động. Đó là do
Hội Thánh có sự phòng bị theo Châu Tri khẩn cấp ngày 17-02-1935.
Nếu thật sự muốn nghị
hòa thì sao lại phải đi đến 800 người?
3.1.5/- Ngày
07-5-1935 (05-4-Ất Hợi), Chi phái Bến Tre lập đàn cơ cầu chỉ dạy
lễ đăng điện Giáo Tông cho Ngài Nguyễn Ngọc Tương. Đồng tử Châu và Lê Tam Tỉnh.
3.1.6/- Ngày
09-5-1935 (07-4-Ất Hợi). Hội Thánh Ban Chỉnh Đạo tiến hành
Lễ đăng điện cho Ngài Tương lên Giáo Tông Ban Chỉnh Đạo vào lúc 12 giờ trưa tại
Thánh Thất An Hội.
3.1.7/- Ngày
17-7-1936 (29-5-Bính Tý) Thượng Chưởng Pháp Lê Bá Trang qui vị.
Ngài Lê Bá Trang,
sanh năm 1879 tại Sa Đéc, bị bịnh kiết lỵ và qui vị tại Thánh Thất An Hội, Bến
Tre ngày 17-7-1936, hưởng dương 58 tuổi. Ban Chỉnh Đạo báo tang và gởi điện tín
cho:
Đức Hộ Pháp: Chúng tôi đau đớn báo tin Anh Lớn của chúng ta Lê Bá Trang quy thiên ngày
17-7, an táng ngày 21-7.
Bà Nữ Chánh Phối
Sư Hương Thanh: Chúng tôi đau đớn báo
tin Chưởng Pháp Lê Bá Trang đã quy thiên hôm nay tại Bến Tre. Mong muốn được an
táng phía sau Đền Thánh Tây Ninh. Chúng tôi chờ phúc đáp ngày mai.
Chiều ngày 19-7-1936,
Ban Chỉnh Đạo nhận được hai điện tín chia buồn của Đức Hộ Pháp và Bà Nữ Chánh
Phối Sư kèm theo chấp thuận được an táng ở phía sau Đền Thánh Tây Ninh.
Đưa ngài Lê Bá
Trang về Tòa Thánh Tây Ninh.
Sáng sớm ngày
21–7–1936, Hội Thánh Bến Tre đưa Liên Đài Ngài Trang về Tòa Thánh Tây Ninh.
Phái đoàn đưa tang khoảng 2.000 vị. Khi đến Bến Kéo, (cách Tòa Thánh 8 km),
dừng lại để tập hợp và Ngài Nguyễn Ngọc Tương mặc Thiên phục Giáo Tông; phái
đoàn đến Cửa Hòa Viện Tòa Thánh Tây Ninh khoảng 3 giờ chiều.
Các vị Bảo Thể ra
lịnh dừng lại, chờ lịnh của Hội Thánh.
Tỉnh Trưởng Tây Ninh, Vilmont cho lính da đen vào để giữ gìn an ninh trật tự. Toán lính nầy không phân biệt được ai là người của Tòa Thánh Tây Ninh, ai là người của Bến Tre (do đạo phục giống nhau),
HẾT TRANG 14
nên ra lịnh giải tán tất cả và đứng canh. Do vậy
lực lượng Bến Tre bị chia cắt, Ngài Tương bị cô lập nên đến can thiệp, nhưng
không hiệu quả.
Cùng lúc Đức Hộ
Pháp cho người ra nói rõ đây là Lễ an táng Ngài Trang, nên phải theo nghi lễ Đạo;
yêu cầu phải mặc tang phục hay đạo phục, Ngài Tương không được mặc Thiên phục
Giáo Tông vào Tòa Thánh. Ngài Tương không chịu thay Thiên phục Giáo Tông ra,
nên kéo dài đến gần 5 giờ chiều.
Phu nhân ngài
Trang thấy yêu cầu của Hội Thánh là chánh lý, nên trình bày với Ngài Tương đây
là lễ tang của chồng bà, chớ không phải lễ của Đạo, vậy Ngài Tương nên thay
Thiên phục Giáo Tông ra để đưa Liên Đài vào Tòa Thánh kẻo tối. Nhưng Ngài Tương
vẫn chưa chấp nhận. Bỗng trời chuyển mưa và mưa rất lớn, đoàn người đưa tang bị
ướt hết quần áo và lạnh. Ngài Tương cũng bị ướt và lạnh nên phải thay Thiên
phục Giáo Tông, mặc vào quần áo khô. Khi tạnh mưa, Hội Thánh thấy Ngài Tương
không còn mặc Thiên phục Giáo Tông nên mời phái đoàn đưa Liên Đài vào Tòa
Thánh, sau 21 giờ thì xong việc.
Ngày 23-7-1936 (06-6
Bính Tý), lúc 8 giờ sáng, Hội Thánh đưa Liên Đài ngài Lê Bá Trang an táng phía
sau Đền Thánh. Buổi chiều, Ngài Nguyễn Ngọc Tương và một số vị trong phái đoàn
đến Hộ Pháp Đường chào từ biệt Đức Hộ Pháp, trở về Bến Tre.
Có phải Ngài Tương
muốn nhân cơ hội Lễ tang Ngài Trang để hợp thức hóa phẩm Giáo Tông, và chiếm
Tòa Thánh hay không?
3.1.8/- Ngài
Thượng Tương Thanh qui vị.
Ngày 23-6-1951,
Hội Thánh Bến Tre mời
hai bác sĩ công và một bác sĩ tư đến nơi tịnh của Ngài Tương, sau khi khám
nghiệm các bác sĩ xác nhận rằng Ngài Nguyễn Ngọc Tương đã tạ thế từ hai ngày
trước. Chi phái Bến Tre lo tang lễ và xong lễ tang ngày 05-7-1951.
Như vậy sau khi lập Đạo Nghị Định Thứ Tám, chỉ có một
chi phái từ Tòa Thánh Tây Ninh tách ra, đó là Ban Chỉnh Đạo. Các chi phái khác
là do chi phái sinh ra chi phái. Đó là điều kiểm chứng được.
3.2/- Ký kết 09 Điều
Kiện Qui Nhứt về Tòa Thánh Tây Ninh.
Sau khi chế độ Ngô
Đình Diệm sụp đổ, các chi phái đã liên lạc với Hội Thánh Cao Đài tại Tòa Thánh
Tây Ninh để bàn việc qui nhứt về Tòa Thánh Tây Ninh.
Theo sự tìm hiểu của Tôi từ tháng 05-1964 cho đến 24-02-1969 đã có 05 vi bằng hội họp. Phiên họp ngày 24-02-1969, tại Tòa Thánh Tây Ninh Hội Thánh Cao Đài họp với đại diện 14 chi gồm có 72 vị:
HẾT TRANG 15
50 Nam, 22 Nữ do cụ Phan Khắc Sửu cựu Quốc Trưởng làm Trưởng
Phái Đoàn và Bác Sĩ Phạm Thành Nam Phó Trưởng Đoàn. Phiên họp đã ký tên thống
nhất 09 Điều Kiện Qui Nhứt về Tòa Thánh Tây Ninh (ảnh 1); (có 04 vị không ký
tên và một số vị dự thính). Link 05 Vi bằng:
https://khoinhonsanh2014.blogspot.com/2015/12/885-05-vi-bang-hop-voi-cac-chi-phai.html#more
Hội Thánh Cao Đài
và nhiều chi phái đã thống nhứt được nguyên tắc căn bản để các chi phái qui về
Tòa Thánh Tây Ninh. Như vậy Đạo Nghị Định Thứ Tám đã cản trở ai qui nhứt? Và
cản trở như thế nào? Trời mưa, Trời nắng còn chưa vừa lòng hết mọi người, cho
nên ai thấy cản trở là quyền tự do của họ, Tôi chỉ muốn biết chính xác là ai bị
cản trở để có thêm hiểu biết.
3.3/- Các chi phái
qui về Tòa Thánh Tây Ninh.
Năm 1972 việc
thống nhất bắt đầu.
3.3.1/- Thánh Thất
Từ Vân qui về (03-6-1972)
Bán Nguyệt San THÔNG TIN của Hội Thánh Cao Đài
số 54 phát hành ngày 20-6-1972 (10/5/Nhâm Tý) đăng tin Thánh Thất Từ Vân (100
Thích Quảng Đức, Phú Nhuận, Saigon) qui nhứt về Tây Ninh.
https://khoinhonsanh2014.blogspot.com/2020/01/3031-phai-ao-tu-van-qui-nhut-1972.html#more
3.3.2/- Các chi
phái về Tòa Thánh họp (22-11-1972).
Bán Nguyệt San
THÔNG TIN số 65 của Hội Thánh Cao Đài Tòa Thánh Tây Ninh phát hành ngày 30-11-1972
đăng tin:
Ngày 22-11-1972
các chi phái về Toà Thánh họp tại Hội Trường Ban Thế Đạo; các phái đoàn: Giáo
Hội Cao Đài Thống Nhất trung ương, Hội Thánh Tam Quan Trung Việt, Phái đạo Cao
Đài Chiếu Minh Cần Thơ, Hội Thánh Di Lạc Vĩnh Long, Hội Thánh Cao Thượng Bửu
Toà (Bạc Liêu), Hội Thánh Tiền Giang (Gia Định), Hội Thánh Hậu Giang Minh Chơn
Đạo, Cơ Quan Phổ Thông Giáo Lý Cao Đài Giáo Việt Nam, Hội Thánh Truyền Giáo (Đà
Nẵng).
https://khoinhonsanh2014.blogspot.com/2020/03/3086-ban-nguyet-san-thong-tin-so-65.html#more
Lưu ý bên ngoài: Chủ trương của cộng sản là chia rẻ Đạo Cao Đài để lợi dụng nên đã cài người phá hoại Cơ qui nhứt. Cụ thể là ông Đinh Văn Đệ Dân biểu Việt Nam Cộng Hòa nhưng lại làm điệp viên cho cộng sản, bí danh U4. Hàng năm đến ngày 30-4 là báo chí, truyền thanh,
HẾT TRANG 16
truyền hình đều nhắc đến chiến công của điệp viên U4, Đinh Văn Đệ. Điệp viên U4
đại diện cho Cơ Quan Phổ Thông Giáo Lý Cao Đài Giáo Việt Nam 171B Cống Quỳnh
SaiGon xin làm thư ký cho Phái đoàn vận động thống nhất cùng với điệp viên Trần
Chí Thành là để thực hiện chủ trương của cộng sản (Ảnh 2).
3.3.3/- Thánh Thất
Mỹ Hiệp quy về Tòa Thánh (23-3-1975)
Bán Nguyệt San
Thông Tin số 119 phát hành ngày 21-4-1975, trang 5, 6 đăng tin Thượng
Chánh Phối Sư Thượng Nhã Thanh tiếp nhận Thánh Thất Mỹ Hiệp do ông Lưu Thanh
Hóa, đại diện Ban Chỉnh Đạo hiến về Tòa Thánh Tây Ninh. Trong buổi tiếp nhận,
ngày 23-3-1975 (11-2-Ất Mão), Thượng Chánh Phối Sư Thượng Nhã Thanh phát biểu: “Hôm
nay Tôi được hân hạnh đến Mỹ Hiệp thuộc Tộc Đạo Chợ Mới, Châu Đạo An Giang để
dự lễ tiếp nhận tài sản do ông Lưu Thanh Hoá đại diện Ban Chỉnh Đạo hiến về Hội
Thánh Tòa Thánh Tây Ninh và dự lễ an vị Thánh Tượng Thánh Thất Mỹ Hiệp…
Lễ tiếp nhận Thánh
Thất Mỹ Hiệp qui nhứt về Tòa Thánh Tây Ninh được một tháng thì đến ngày
30-4-1975.
Chính quyền Việt
Nam Cộng Hòa (Đệ Nhị Cộng Hòa) tôn trọng quyền tự do tín ngưỡng là một sự thật.
Các chi phái được quyền tự do chọn lựa và quý vị đó đã tự nguyện trở về Tòa
Thánh Tây Ninh là một sự thật. Trong xã hội có tự do ngôn luận, ai cũng có
quyền đưa ra nhận định vấn đề là nhận định đó có căn cứ vào sự thât lịch sử tôn
giáo hay xuyên tạc sự thật lịch sử? Nhận định đó có đúng với lời dạy của Thượng
Đế tại mục số 01 đã dẫn chứng hay không?
Tóm lại: Phòng cháy hơn
chữa cháy, nhưng khi xảy ra đám cháy mà không có khả năng dập tắc được ngay thì
phải bao vây đám cháy lại, không cho cháy lan ra khu vực khác. Đạo Nghị Định
Thứ Tám không ngăn chận được hai vị Thượng Tương Thanh và Ngọc Trang Thanh lập
ra chi phái Ban Chỉnh Đạo. Nhưng sau đó không có một chi phái nào phát sinh từ
Tòa Thánh Tây Ninh nữa. Đó là tác dụng kiểm chứng được của Đạo Nghị Định Thứ
Tám. Cho đến khi Hội Thánh Cao Đài bị xóa bỏ năm 1983 mới có chi phái 1997 ra
đời tại Tòa Thánh Tây Ninh.
4/- Từ Hội Thánh
Cao Đài bị xóa 1983 đến 2025.
Sau ngày 30-4-1975
nhà nước Việt Nam đã ra tay tiêu diệt Đạo Cao Đài thì đương nhiên là việc thực
hiện Cơ qui nhứt bị dừng lại.
HẾT TRANG 17
4.1/- Kế hoạch 01
ngày 27-5-1996 của Đảng cộng sản.
Trang 02: 20 năm bao vây để
Đạo Cao Đài tự chết đã bị thất bại. Trong giai đoạn nầy nhà nước Việt Nam đã
xóa bỏ Hội Thánh Cao Đài vào năm 1983.
Trang 07 của Kế
hoạch 01 viết: phải lập ra một chi phái tại Tòa Thánh Tây Ninh. Do
vậy nhà nước tập hợp một số Chức sắc phản bội Đạo Cao Đài để lập ra chi phái
1997. Chi phái 1997 được Ban Tôn Giáo chính phủ công nhận tại Quyết định số 10
ngày 9-5-1997.
https://khoinhonsanh2014.blogspot.com/2018/02/2563-toan-van-ke-hoach-01_23.html#more
4.2/- Chi phái
1997 rước pháp nhân ngày 3-6-1997.
Chính quyền Việt
Nam đã đưa một số chức sắc Cao Đài vào làm cán bộ Mặt Trận Tổ Quốc Việt Nam,
Hội Đồng Nhân Dân các cấp và đặc biệt là ông Nguyễn Thành Tám làm dân biểu Quốc
hội và giao cho những người nầy lập ra chi phái 1997.
Chi phái 1997 lập
ra tại Tòa Thánh Tây Ninh, lấy căn cước Đạo Cao Đài lập năm 1926 để lừa gạt cả
thế giới trong 20 năm. Đến năm 2017 Hoa Kỳ, Liên Hiệp Quốc … mới biết sự thật
là do tổ chức BPSOS hợp tác với Khối Nhơn Sanh để lập hồ sơ về chi phái 1997.
Từ khi Hội Thánh
bị xóa (1983) đến 2025 chỉ có một chi phái 1997 ra đời tại Tòa Thánh Tây Ninh
(theo định nghĩa về chi phái tại Đạo Nghị Định Thứ Tám, Điều Thứ Nhứt). Đó là
sự thật kiểm chứng được.
4.3/- Tề Thiên
thật và Tề Thiên giả
Thượng Đế dạy
(tháng 2-1927): … Các con phải chung hiệp nhau mà lo cho hoàn toàn Tòa
Thánh, chi chi cũng tại Tây Ninh đây mà thôi … (Thánh Ngôn Hiệp Tuyển quyển
một trang 78, bản in 1972)
Hiến Chương 1965
của Hội Thánh Cao Đài xác định Tòa Thánh Tây Ninh là gốc của Đại-Đạo Tam-Kỳ
Phổ-Độ cho nên các chi phái qui về.
Hiến Chương 1997
là của một chi phái nên ngang hàng với các chi phái khác.
Cho nên tìm hiểu
Đạo Cao Đài mà làm việc với chi phái 1997 là tìm hiểu Tề Thiên giả, trình bày
về Tề Thiên giả. Dĩ nhiên tìm hiểu Tề Thiên giả là quyền tự do; nhưng theo luật
công bằng vui lòng xác định là đang giới thiệu Tề Thiên giả. Đem Tề Thiên giả
để giới thiệu là Tề Thiên thật là vi phạm công bằng.
HẾT TRANG 18
Bổn phận Tôi là
nói lên sự thật: Muốn biết Tề Thiên thật thì phải làm việc với Tề Thiên thật.
5/- Kết luận và đề
nghị.
Sau Lễ Khai Đạo
đến ngày lập Đạo Nghị Định thứ Tám (1926-1934) có 3 chi phái xuất phát từ Tòa
Thánh Tây Ninh là Minh Chơn Lý, Minh Chơn Đạo và Tiên Thiên. Sau khi lập Đạo
Nghị Định Thứ Tám đến khi Hội Thánh bị xóa (1934-1983) chỉ có một chi phái Ban
Chỉnh Đạo ra đời. Sau khi Hội Thánh Cao Đài bị cốt (1983) đến 2025 chỉ có một
chi phái 1997 ra đời. Tổng cộng có 05 chi phái phát sinh từ Tòa Thánh Tây Ninh.
Tám Đạo Nghị Định
đã đưa nền Đạo Cao Đài vào khuôn khổ của Pháp Chánh Truyền. Đặc biệt là Đạo
Nghị Định Thứ Tám đã bao vây đám cháy, không cho cháy lan ra. Nhờ đó mà giảm
bớt người phạm vào Lời Minh Thệ. Nhiều chi phái đã nhận ra sự thật và đã ký Vi
Bằng qui nhứt về Tòa Thánh Tây Ninh. Đó là những điều kiểm chứng được.
Đại-Đạo Tam-Kỳ Phổ-Độ là một tôn giáo có tam quyền
phân lập, tất cả phải theo pháp luật đạo. Pháp luật đạo còn thì Đạo Cao Đài
còn, pháp luật đạo bị phá là Đạo Cao Đài vào tay của Kim Quang Sứ. Lời Minh Thệ
là tiền đề cơ bản. Đạo Nghị Định Thứ Tám là một hệ luận của Lời Minh Thệ nên
phù hợp với pháp luật đạo.
Thực tế việc thống nhất Đạo Cao Đài sau ngày 30-4-1975.
Chính quyền Việt Nam hiện nay tiếp tục tiêu diệt
Đại-Đạo Tam-Kỳ Phổ Độ bằng cách bảo vệ cho chi phái 1997 chiếm đoạt Tòa Thánh
Tây Ninh. Chính quyền xác định không thống nhất Đạo Cao Đài mà tạo ra hệ phái
Cao Đài.
Hoa Kỳ có tự do tôn giáo; sau 30-4-1975 nên hiền huynh Bùi Đắc Hùm là Hiền Tài Ban Thế Đạo, Tòa Thánh Tây Ninh và Chức sắc các chi phái muốn thống nhất Đạo Cao Đài ở hải ngoại. Các vị ngồi lại với nhau bằng thiện chí, bằng tấm lòng. Các vị quyên góp tiền để xây dựng một Thánh Thất chung và đã mua đất, tiến hành xây dựng. Nhưng công việc xây dựng Thánh Thất chung ấy trải qua nhiều năm mà chẳng đi đến mục đich và lòng người không còn chung nữa, thử thách diễn ra, công việc ngưng lại và bế tắc trong nhiều năm. Hiền huynh Bùi Đắc Hùm phải bán Thánh Thất chung ấy và lấy tiền mua một ngôi nhà khác để làm Thánh Thất không còn là chung nữa.
HẾT TRANG 19
Hiện nay các vị quản lý tài
sản ấy không hề công bố nó được quản lý như thế nào? Ai đang đứng tên làm chủ?
Ở Hoa Kỳ hiện nay có nhiều vụ sang đoạt Thánh Thất,
Chùa … thành tài sản riêng. Hiền muội Victoria là người biết về nguồn dư luận
rằng Tòa Thánh Tây Ninh lường gạt các chi phái để lấy tiền. Nhưng thật sự tài
sản ấy chưa bao giờ là của Hội Thánh Cao Đài và cũng không biết ai đang nắm chủ
quyền tài sản ấy. Bài học nhãn tiền là dù cho có bao nhiêu người, bao nhiêu tấm
lòng ngồi lại với nhau mà không căn cứ vào pháp luật đạo là một tập thể ô hợp,
không đủ để làm nên cho chính tập thể ấy và để lại hậu quả rất xấu. Đó tấm lòng
thống nhất Đạo Cao Đài mà không biết thừa kế 09 Điều Kiện Qui Nhứt, không biết
thừa kế thành quả quý báu của tiền nhân từ các chi phái lẫn Hội Thánh Cao Đài.
Riêng về hiền huynh Hiền Tài Bùi Đắc Hùm đã thăng lên
phẩm Quốc Sĩ (2016), đó là việc vi phạm nghiêm trọng pháp luật Đạo Cao Đài.
Quốc Sĩ Bùi Đắc Hùm tạ thế mà không có một công văn nào nhìn nhận cái lỗi tự
thăng lên Quốc Sĩ, cho nên hiền huynh không còn dịp để sửa lỗi nữa. (Ảnh 3).
Đề nghị.
Giáo sư đã nghiên cứu và trình bày về Đạo Cao Đài, đã
nhận định Đạo Nghị Định Thứ Tám là một trở ngại lớn nhất trong những nỗ lực
thống nhất Đạo Cao Đài. Xin Giáo sư vui lòng cho biết ngoài Hội Thánh Cao Đài
ra còn có tổ chức nào nỗ lực thống nhất Đạo Cao Đài? Tổ chức đó căn cứ vào
nguyên tắc nào để thống nhất? Đạo Nghị Định Thứ Tám đã cản trở họ tại những
điểm nào?
Tôi thỉnh cầu Giáo sư quan tâm giúp Tôi hiểu được ba
câu hỏi trên đây hay tổ chức hội luận về Đạo Nghị Định Thứ Tám để cùng nhau đi
đến sự thật.
Đạo Cao Đài có KINH VÀO HỌC mà không có Kinh Học Rồi,
nghĩa là lúc nào cũng phải học. Cho nên Tôi rất vui, rất sẵn sàng học hỏi những
phản biện về Đạo Nghị Định Thứ Tám.
Xin thành thật cảm ơn Giáo Sư.
Trân trọng.
Đạo Hữu Dương Xuân
Lương.
Email: hoabinhchungsong220513@yahoo.com
HẾT TRANG 20
Phụ lục 01: Tại sao có phụ lục 01?
Bởi vì các chi phái Cao Đài nhận là NHÁNH của Đạo Cao
Đài. Nhưng tra cứu tới đàn cơ gốc cho thấy Thượng Đế dạy Đại-Đạo Tam-Kỳ Phổ-Độ
là cái NHÁNH của Thượng Đế lập, chỉ có Thượng Đế mới có quyền lập NHÁNH. Các
chi phái không phải là NHÁNH.
Vui lòng đọc tại link: https://vietnamthoibao.org/vntb-phep-thu-ve-nhanh-trong-dao-cao-dai/
hay https://khoinhonsanh2014.blogspot.com/2024/10/5475-vntb-phep-thu-ve-nhanh-trong-ao.html#more
Ảnh 1: 09 Điều kiện qui nhứt.
Ảnh 2: Từ Bán Nguyệt San số 65; điệp viên Đinh Văn Đệ
(U4) và điệp viên Trần Chí Thành của cộng sản xin làm thư ký.
Ảnh 3:
HẾT.