LỜI
TUYÊN-BỐ
CỦA
ĐỨC GIÁO-CHỦ ĐẠO CAO-ĐÀI.
(với
báo-chí
Balê, 21-5-1954
Từ sáng nay, Bần-đạo đã được mục-kích tinh-hoa của hai chục
thế-kỷ lịch-sử. Bần-Đạo hiện đương ở tại Thủ-đô mà Goethe, nhà văn-hào Đức và
Montaigne, Triết-học-gia Pháp đã ca-tụng uy-thế. Bần-Đạo đến đây với tinh-thần
cao-cả của toàn cõi Á-đông. Cảm-giác của Bần-Đạo phát sanh do cảnh-sắc
thiên-nhiên của dãy Hi-Mã Lạp Sơn, đối tượng với những ngọn đồi tốt-đẹp mà Đấng
Tạo-Hóa đã ban cho nước Pháp sự hoan-lạc.
Công-trình vĩ-đại của Đấng Tạo-Hóa thật vô-biên, sự vô-biên ấy
đã hiển-nhiên trước muôn vàn hiện-tượng kỳ-lạ trên hoàn-vũ. Nhưng đây có phải
là lúc để trầm-ngâm thưởng-thức những cảnh nhiệm-mầu tuyệt-mỹ ấy chăng? Hay chỉ
là ão-ảnh trong khi chiến-tranh đang dày-xéo, tàn-phá đất nước của Bần-Đạo?
Nhân-danh một nhà đạo-đức mà muôn ngàn tin-tưởng của những kẻ đang đau-khổ
hi-vọng nơi vị Giáo-Chủ Đạo Cao-Đài. Bần-Đạo chỉ tịnh-tâm nhập định giữ chay
lạt và cầu-nguyện Đức Thượng-Đế thương-xót đến đám người đau khổ ấy. Hằng triệu
tín đồ Cao-Đài cũng đương cầu nguyện trong lúc bao nhiêu chiến-sĩ bỏ mình để
đem lại nền hòa-bình trong tình bác-ái đại-đồng.
Đức-tin của Bần-Đạo trụ-vững nơi sự tưởng-niệm thường nhựt ở
Á-Đông và nhờ ân-huệ của Thiêng-Liêng có thể giải-quyết những oán-ghét thù-hận
như núi Thái-Sơn đặng.
Nhưng Bần-Đạo cũng nhận thấy sự cần-yếu của những nhận-thức
xác-thực rất thích-hợp ở Âu-Châu. Bởi thế cuộc 'Du-Hành' của Bần-Đạo chỉ là
cuộc du-lịch và tín-ngưỡng, lần theo ánh-sáng Thiêng-Liêng. Còn sự kết-quả phải
nhờ THƯỢNG-ĐẾ.
(Nguồn Âu Du Ký của Ngài Hồ Bảo Đạo)