Trang

Thứ Tư, 12 tháng 2, 2025

5468. Đức Hộ Pháp gặp phái đoàn thủ tướng Phạm Văn Đồng (05-7-1954)

 Ông Phạm-Văn-Đồng xây qua nói với ĐỨC HỘ-PHÁP như vầy: 'ĐỨC HỘ-PHÁP thử nghĩ coi biểu tôi phải nhìn nhận Ngô-Đình-Diệm . . . thì làm sao đặng, vì họ không có đại-diện cho một thực-lực, cho một ai hết, chớ như Đạo Cao-Đài đây, có một thực-lực hơn mấy triệu tín-đồ và một quân-đội mấy chục ngàn người, thì chúng tôi sẵn-sàng tiếp đón và thảo-luận tất cả mọi vấn-đề'.


Ngày 06 tháng 6 năm Giáp-Ngọ (05 Juillet 1954):

Âu Du Ký, Hồ Bảo Đạo.

2 g trưa Ông Trần-Thanh-Hà cho biết rằng tại Génève không có nhà hàng nào có thể làm nơi gặp-gỡ thuận-tiện, nên nhơn-danh phái-đoàn Việt-Minh thỉnh ĐỨC HỘ-PHÁP đến tại trụ-sở của họ tại Versoix như mấy kỳ trước. Ông Trần-Thanh-Hà yêu-cầu tôi bạch với ĐỨC HỘ-PHÁP xin cho phép Ông ra mắt ĐỨC NGÀI để tỏ bày câu chuyện. ĐỨC NGÀI chấp-thuận mời Ông Trần-Thanh-Hà.


Ông Trần-Thanh-Hà thỉnh ĐỨC HỘ-PHÁP đến tại trụ-sở Versoix. ĐỨC HỘ-PHÁP nhận lời nhưng từ khước việc đãi cơm, Ông hứa sẽ đem xe đến rước.

X g 30 chiều Tổng-Thư-Ký của Ông Dejean mời ĐỨC NGÀI đến viếng phái-đoàn Pháp tại Génève.

X g 30 chiều Ông Tổng-Trưởng Nguyễn-Đắc-Khê đến viếng ĐỨC HỘ-PHÁP. Ông Khê hứa lo công-việc tiếp-xúc với phái-đoàn Pháp.

6g 30 chiều ĐỨC NGÀI đi xe song mã đến nhà hàng La Perle du Lac để hứng mát và dùng bữa. Xe đi tốn 5 francs Suisse, nhằm 430 francs Francais. Khi dùng cơm nửa chừng, có cậu Nguyễn An Mỹ đến, rồi Ông Hà cũng đến chờ chúng tôi.

9 g tối Trời mưa, bên ngoài lạnh thấu xương, chúng tôi lên xe đi liền. Vì đông nên anh em Việt-Minh đem tới hai xe để rước chúng tôi, đến trụ-sở Versoix trời đã tối. Ông Phạm Văn Đồng và trọn phái-đoàn không nệ trời mưa đón ĐỨC HỘ-PHÁP tại sân vào phòng khách.

ĐỨC HỘ-PHÁP và Ông Phạm Văn Đồng ngồi chung một cái ghế dài lớn ngó mặt ngay vô bức chân dung cụ Hồ Chí Minh, Ông Phan Anh ngồi phía mặt ĐỨC HỘ-PHÁP và bên cạnh ĐỨC NGÀI Ông Bảo-Thế phía trái kế Ông Phạm Văn Đồng. Sau lưng Ông Phan-Anh có Ông Việt-Phương lấy tốc-ký. Ngồi vòng quanh và đối-diện với chỗ ghế ĐỨC HỘ-PHÁP và Ông Phạm-Văn-Đồng có cậu Nguyễn-An-Mỹ (ngồi gần Ông Việt-Phương), Ông Trần-Thanh-Hà, Ông Trung-Tá Thái, Ông Trần-Công-Tường và Tôi. ĐỨC HỘ-PHÁP bắt đầu câu-chuyện hỏi phái-đoàn Việt-Minh có liên-đới gì về việc thừa-nhận Chánh-Phủ Quốc-Gia không? thì Ông Phạm-Văn-Đồng vui-vẻ trả lời rằng theo điều thứ ba trong bản kiến-nghị có nói về việc triệu-tập hội-nghị hiệp-thương gồm đại-biểu chánh-phủ hai bên ở Việt Nam tỏ rằng theo nguyên-tắc chánh-phủ hai bên vẫn được thừa-nhận.

ĐỨC HỘ-PHÁP day qua trách chúng tôi sao lại nói với ĐỨC NGÀI rằng anh em bên phái-đoàn Việt-Minh không thừa-nhận chánh-phủ Quốc-Gia. Thiếu chút nữa làm sai-lạc hết ý-nghĩa. Ông Bảo-Thế xin phép ĐỨC NGÀI cho hỏi Ông Phan-Anh, có phải hôm nọ Ông không có lúc nào chịu thừa-nhận chánh-phủ Quốc-Gia một cách rõ-rệt? Ông Phan-Anh vẫn làm thinh mà cười thôi. Tôi thấy vậy hiểu ngay rằng hôm nọ Ông Phan-Anh không dám tự mình thừa-nhận Chánh-Phủ Việt-Nam, vì Ông không phải là Trưởng Phái-Đoàn, lại nữa việc ấy bất ngờ Ông không kịp hỏi ý-kiến của Ông Phạm-Văn-Đồng là Trưởng Phái-Đoàn, thành-thử Ông chỉ giữ một thái-độ úp-mở mà thôi, nghĩa là không thừa-nhận mà cũng không bài-bác. Nhận thấy cuộc hội-đàm có phần xoay-chiều nên tôi để lời cám ơn Ông Phạm-Văn-Đồng có thiện-ý dung-hòa, nhưng xin cho Ông biết rằng trong sở-hành của Chánh-Phủ, lắm khi không đúng như lời nói, bằng cớ là tại hội-nghị trung giá phái-đoàn Việt-Minh không nhìn nhận cho phái-đoàn chánh-phủ Quốc-Gia đi với cây cờ của họ.

Ông Phạm-Văn-Đồng xây qua nói với ĐỨC HỘ-PHÁP như vầy: 'ĐỨC HỘ-PHÁP thử nghĩ coi biểu tôi phải nhìn nhận Ngô-Đình-Diệm . . . thì làm sao đặng, vì họ không có đại-diện cho một thực-lực, cho một ai hết, chớ như Đạo Cao-Đài đây, có một thực-lực hơn mấy triệu tín-đồ và một quân-đội mấy chục ngàn người, thì chúng tôi sẵn-sàng tiếp đón và thảo-luận tất cả mọi vấn-đề'.

Chất-vấn về vấn-đề chia đôi cương-thổ thì Ông Phạm-Văn-Đồng cho biết rằng: giới-hạn cốt-yếu là để đình-chiến rồi sẽ tổ-chức cuộc tổng tuyển-cử để lập thành chánh-phủ thống-nhứt cho toàn lãnh-thổ Việt Nam, chớ không phải chia rẻ, và đề-cập nơi tám khoản trong bản kiến-nghị đã đưa ra hội-nghị Génève để lập lại hòa-bình trong nước. Thừa dịp đó Tôi cho Ông Phạm-Văn-Đồng biết trình-độ dân-tộc Việt Nam chưa dung nạp trước thuyết cộng-sản và một số đông người vì sợ cộng-sản, không về ở với chế-độ ấy được, nhưng không đủ sức chống lại thành ra buộc mình phải nương-dựa vào một thế-lực khác, dầu Pháp hay Mỹ cũng vậy. Muốn cho họ đừng chạy theo người khác thì chẵng nên buộc tội họ là Việt-gian hay phản-quốc mà chỉ nên làm cách nào cho họ hết sợ mới đặng.

Ông Phạm-Văn-Đồng cười và nói rằng: 'họ đã sợ mà còn có người hù nữa' và day qua ĐỨC HỘ-PHÁP, hỏi ĐỨC NGÀI bị ai hù có sợ hay không?

ĐỨC NGÀI nói rằng: 'nếu tôi sợ thì tôi không có đến đây'. Chúng tôi có nhắc cho Anh em Việt-Minh biết rằng cái công kháng-chiến của họ, quốc-dân không quên, nhưng họ phải làm thế nào cho cuộc giải-phóng dân-tộc cho trọn vẹn chớ đừng gở ách này rồi mang cái gông khác hay là đuổi cậu Pháp rồi rước chú Tàu về thì không ăn thua gì và quốc-dân sẽ phán-đoán việc đó. Anh em Việt-Minh nói rằng họ biết việc đó và không để xảy ra đâu.

Chuyện-vãn đến 11 giờ, Ông Phạm-Văn-Đồng mời ĐỨC HỘ-PHÁP và đoàn tùy-tùng sang phòng bên cạnh dùng cháo chay và đồ ngọt. Khi sửa-soạn ra về tôi nói với Ông Phạm-Văn-Đồng rằng: 'Cuộc gặp-gỡ hôm nay có tư-cách chánh-trị, nhưng thật ra có phần thân-mật rất nhiều vì giữa ĐỨC HỘ-PHÁP và Ông Phạm-Văn-Đồng có tình đồng tông. Luôn dịp ĐỨC HỘ-PHÁP nói tiếp rằng: 'đồng họ Phạm luôn luôn phải trúng nghe không’.

Ông Đồng cười, ĐỨC NGÀI còn tiếp: 'Tôi đã có cất rồi một nhà thờ Tông-đường họ Phạm ở Tòa-Thánh, vậy chừng yên rồi Ông nhớ về đó’.

Ông cười và nói: 'Dạ, chừng đó sẽ về'.

Trước khi ra đi, Ông Đồng ôm ĐỨC HỘ-PHÁP mà hun hồi lâu rồi mới buông ra. Toàn phái-đoàn đưa chúng tôi ra tận xe. Về đến phòng hơn 12 giờ đêm, ĐỨC HỘ-PHÁP có vẻ hài lòng về cuộc gặp-gỡ này.

@@@

Ngày 7 tháng 6 năm Giáp-Ngọ (6 Juillet 1954):

10 g sáng Phái-đoàn Việt Nam cho hay rằng đúng 12 giờ Ông Chauvel, Trưởng-phái- đoàn Pháp tiếp ĐỨC NGÀI tại Văn-Phòng ở Hotel Bacage. Phái-đoàn đúng 12 giờ đến tại Hotel Régina rước ĐỨC NGÀI đi.

Đến nơi Ông Chauvel (Trưởng Phái-đoàn) và một Ông nữa, không biết tên, ra tiếp. Bắt đầu câu chuyện, ĐỨC HỘ-PHÁP nói với Ông Chauvel rằng: 'chiều hôm qua Tôi có gặp Ông Phạm-Văn-Đồng'.

Ông Chauvel tỏ vẻ ngạc-nhiên và hỏi ĐỨC NGÀI gặp Ông Phạm-Văn-Đồng thể nào thì ĐỨC NGÀI nói: 'rất hài lòng'.

Trong lúc nói chuyện ĐỨC NGÀI có cho Ông Chauvel biết rằng nước Pháp cần giữ giá-trị của mình, không nên thương-thuyết với Việt-Minh và phải đưa chánh-phủ Quốc-Gia ra thương-thuyết, vì công việc này là công việc nội-bộ của dân-tộc Việt Nam, phải để cho dân-tộc Việt Nam xử-định mà thôi.

ĐỨC NGÀI còn nói với Ông Chauvel một câu rất lý thú là: 'Ne mettez pas vos doigts dans le panier de crabes. (Nghĩa là: xin Ông đừng để tay vào giõ đựng cua).

ĐỨC NGÀI muốn cho Ông Chauvel biết rằng: 'Việc nước Nhà tôi khó lắm, nếu Ông xía vào thì chẵng khác nào Ông thọc tay vào một giõ đựng đầy cua, không thể tránh khỏi bị cua kẹp, không rút tay ra đặng.

Nói chuyện với Ông Chauvel đến 1 giờ.

3 giờ chiều Ông Bảo-Thế hiệp với Phái-đoàn Việt Nam dự phiên đại-hội tại Hội- Quốc-Liên (Palais des Nations) gọi là hội-nghị Génève. Về sau Ông Bảo-Thế và phái-đoàn Việt Nam có thuật lại cho ĐỨC HỘ-PHÁP nghe rằng: Phái-đoàn Việt Nam vào hội-nghị trước, phái-đoàn Việt-Minh đến sau. Khi bước vào, phái-đoàn Việt-Minh do Ông Phạm-Văn-Đồng dẫn đầu, thấy bên hàng ngũ Việt Nam có Ông Bảo-Thế họ cúi đầu chào lễ-phép và còn cười duyên với nhau. Phái-đoàn Việt-Nam bất thình lình cũng chào lại làm cho toàn hội đều ngạc-nhiên, vì từ khi mở cuộc hội-nghị Génève này thì hai phái-đoàn Việt Nam và Việt-Minh coi nhau như thù địch và chưa từng chào hỏi nhau lần nào. Về sau người ta mới biết nhờ có Đạo Cao-Đài mới đem lại thiện cảm giữa hai phái-đoàn.

Sau khi ĐỨC HỘ-PHÁP về Paris rồi, Ông Trần-Văn-Đỗ, Trưởng phái-đoànViệt Nam cũng được giáp mặt với Ông Phạm-Văn-Đồng. Sau nữa Cựu Thủ-Tướng Trần-Văn-Hữu qua Génève cũng xin gặp Phạm-Văn-Đồng một lần nữa.

4 g chiều ĐỨC HỘ-PHÁP và phái-đoàn ra phi-trường đáp phi-cơ trở về Paris. Bữa nay hội-nghị bế-mạc sớm, nên (5g30) trước khi chúng tôi lên phi-cơ, Ông Bảo-Thế và mấy vị Đại-diện phái-đoàn Việt Nam theo đưa ĐỨC HỘ-PHÁP, thuật chuyện gặp phái-đoàn Việt-Minh với sự niềm-nỡ ân-cần.

6g chiều Phi-cơ cất cánh bay và một giờ sau đáp xuống phi-trường Orly. Trời mưa và lạnh, nhưng anh em đến rước ĐỨC NGÀI rất đông, có Thiếu-Tướng Lê-Văn-Viễn (Bình-Xuyên), Ông Trần-Vinh (Trưởng Ban Nghi-Lễ), Ông Trần-Văn-Ân, ông Trần-Quang-Vinh và nhiều nhơn-vật khác.

@@@

 

Ngày 8 tháng 6 năm Giáp-Ngọ (7 Juillet 1954):

Phái-đoàn về xe, ghé nghỉ đêm tại Dijon, sáng ngày sau về đến Paris.

11 g trưa Thiếu-Tướng Lê-Văn-Viễn viếng ĐỨC HỘ-PHÁP để báo cáo tình-hình nước nhà và cuộc tiếp-xúc của Ông với ĐỨC-QUỐC-TRƯỞNG. ĐỨC HỘ-PHÁP mời riêng Ông vào phòng tư nói chuyện và có mật lịnh cho Thiếu-Tướng về trước sắp đặt công việc.

12 g ĐỨC HỘ-PHÁP mời Thiếu-Tướng Lê Văn Viễn đến dùng cơm tại nhà hàng. Bữa tiệc có Quí Ông: Thiếu-Tướng Lê-Văn-Viễn, Trần-Văn-Ân, Đỗ-Hữu-Tấn, Trần-Quang-Vinh và trọn phái-đoàn tùy-tùng ĐỨC HỘ-PHÁP.

4g chiều Ông Cựu Thủ-Tướng Trần-Văn-Hữu đến viếng ĐỨC HỘ-PHÁP nói chuyện trọn một giờ đồng hồ. Cựu Thủ-Tướng mời ĐỨC HỘ-PHÁP và phái-đoàn chiều thứ sáu 9 Juillet 1954 đến Hotel Raphael dùng cơm.

5g chiều Ông Đỗ-Đức-Hổ và Ông Pierre Max đến nói chuyện về tờ báo 'Defense du Việt Nam'. Hai Ông này tính tình còn nóng nảy và quen theo lối viết văn chỉ trích chạm nhiều nhơn-vật Pháp-Việt, nên ĐỨC NGÀI không bằng lòng và trách sao hai Ông làm mích lòng thiên-hạ làm chi. ĐỨC NGÀI có cho biết rằng chánh-sách của ĐỨC NGÀI là bất bạo-động (non-violence) và ĐỨC NGÀI còn nhấn mạnh rằng sự bất bạo-động của ĐỨC NGÀI có thể đi xa hơn sự bất bạo-động của Thánh GANDHI, vì sự bất bạo-động của Gandhi còn chọc tức người ta và gây sự bạo-động (non violence provocante). ĐỨC NGÀI dạy phải bỏ hết mấy số báo đã in lỡ và chỉnh-đốn bài vỡ trình cho ĐỨC NGÀI xem rồi mới ấn loát số mới.

7g chiều Ông Raphael Leygues, Nghị-viên Liên-Hiệp-Pháp (Conseiller de L'Union Francaise) đến thăm và mời ĐỨC NGÀI chiều thứ hai 12 Juillet 1954 đến nhà Ông dự bữa cơm thân mật, câu chuyện tâm đầu ý hiệp, và khi tôi đưa xuống lầu Ông còn nói rằng ĐỨC HỘ-PHÁP là nhơn-vật anh-dũng (Forte personnalité).