Trang

Thứ Tư, 12 tháng 2, 2025

5471. Công-việc là công-việc của Việt-Nam mà đem cho chú ba-tàu là Chu-Ân-Lai và một chú Tây là Mandès France phân-định,

 Tại Hội-Nghị Génève có hai phái-đoàn của Dân-Chủ Cộng-Hòa và Phái-Đoàn của Chánh-Phủ Quốc-Gia cũng là Việt-Nam, thay vì hai phái-đoàn ấy tương-thân tương-ái với nhau để bàn-tính để tìm phương đem lại hòa-bình hạnh-phúc cho dân-tộc thì trái-lại hai bên phái-đoàn chẳng bên nào chịu nhìn-nhận nhau và coi nhau như thù-địch. Công-việc là công-việc của Việt-Nam mà đem cho chú ba-tàu là Chu-Ân-Lai và một chú Tây là Mandès France phân-định, hỏi vậy có thương-tưởng gì mình hay không và công-việc của họ sắp đặt có vừa lòng mình không?"

Bản thảo những điều căn bản của Hiệp Định Geneve 1954.

Ngày 01 tháng 6 năm Giáp-Ngọ (30-Juin 1954):

Âu Du Ký, Hồ Bảo Đạo.

Sáng ngày chúng tôi hội nhau báo-cáo công-việc cho ĐỨC NGÀI hay. Bữa nay trời mưa, lạnh hơn mọi bữa, hàn thử-biểu xuống 14 độ nên buổi sáng chẳng có đi đâu.


2 g chiều Ông Trần-Vinh đến mời ĐỨC HỘ-PHÁP đi Laussue và đi Berne chơi. Có Ông Bảo-Thế, Ông Trần-Tuyên và Ông Thái theo, nhưng vì ba Ông đi ăn cơm chưa về nên ĐỨC NGÀI đi trước với Ông Vinh, còn ba Ông kia sẽ đi sau. Riêng phần tôi bữa ấy trong mình không khỏe nên xin ở lại.

7 g rưởi chiều Tôi ở nhà chờ đến tối mà không thấy Ông nào về mà trước giờ nay có cậu Nguyễn-An-Mỹ đến chờ đi hội kiến. Ai nấy lo dùng cơm rồi vô La Perle du Lac đợi xe Versoix như hôm qua.

9 g tối đến tại Versoix thì cũng có đủ mấy vị hôm qua đón tiếp chúng tôi. Bữa nay có lịnh ĐỨC HỘ-PHÁP, nên có Ông Trần-Tuyên và Ông Thái cùng đi với Ông Bảo-Thế, cậu Nguyễn-An-Mỹ và Tôi. Khi giới-thiệu nhau xong bắt đầu đàm luận.

Tôi có ngỏ ý than với phái-đoàn Việt-Minh rằng "Hội-Nghị Génève lập thành cốt-yếu để giải quyết vấn-đề Việt-Nam hiện nay. Tại Hội-Nghị Génève có hai phái-đoàn của Dân-Chủ Cộng-Hòa và Phái-Đoàn của Chánh-Phủ Quốc-Gia cũng là Việt-Nam, thay vì hai phái-đoàn ấy tương-thân tương-ái với nhau để bàn-tính để tìm phương đem lại hòa-bình hạnh-phúc cho dân-tộc thì trái-lại hai bên phái-đoàn chẳng bên nào chịu nhìn-nhận nhau và coi nhau như thù-địch. Công-việc là công-việc của Việt-Nam mà đem cho chú ba-tàu là Chu-Ân-Lai và một chú Tây là Mandès France phân-định, hỏi vậy có thương-tưởng gì mình hay không và công-việc của họ sắp đặt có vừa lòng mình không?"

Phái-đoàn Việt-Minh trả lời rằng: "Phái-đoàn của Chánh-Phủ Quốc-Gia chẳng có tượng-trưng hay đại-diện cho một thực-lực nào tất cả nên dầu có thảo-luận với họ cũng như không. Chớ như phái-đoàn Cao-Đài đây, tuy không phải một Chánh-Phủ, nhưng đại-diện cho một đoàn thể có thực-lực hơn mấy triệu tín-đồ và mấy chục ngàn binh-sĩ nên Chánh-phủ Cộng-Hòa Dân-Chủ luôn sẵn-sàng tiếp-đoán và thảo-luận các vấn-đề cần-yếu".

Chất-vấn về vấn-đề chia xẻ nước Việt Nam làm đôi thì phái-đoàn Việt-Minh giải-thích rằng: Cuộc chiến-tranh trong nước Việt Nam càng ngày càng ác-liệt. Muốn tránh cái nạn tương-sát tương-tàn thì chẳng có chi hay hơn là gạt hai đạo binh ra hai bên, không cho họ xáp lại gần nữa, tức là phân ranh-giới cho họ ở, có nơi có chỗ khỏi đụng chạm nhau rồi sẽ tổ-chức cuộc tổng tuyển-cử để thành lập Chánh-Phủ Thống-Nhứt cầm quyền trong nước.

Vì cớ nên (theo phái-đoàn Việt-Minh) thì việc đình-chiến và phân-ranh cho Quân-Đội đôi bên đóng binh không phải là chia nước Việt Nam làm đôi mà chỉ để cho yên giặc, để tổ-chức cuộc tổng tuyển-cử mà thôi. Phái-đoàn Việt-Minh có trao cho chúng tôi bản kiến-nghị sau đây về vấn-đề khôi-phục hòa-bình ở Đông-Dương:

1. Nước Pháp công-nhận chủ-quyền và nền độc-lập của nước Việt-Nam trên toàn thể lãnh-thổ Việt Nam, cũng như chủ-quyền và nền độc-lập của Khmer và nước Pathet Lào.

2. Ký-kết một hiệp-định về việc quân-đội ngoại-quốc rút khỏi lãnh-thổ Việt Nam, Khmer và Pathet Lào trong những kỳ-hạn do hai bên đối-phương thỏa-thuận với nhau. Trước khi quân-đội rút đi, cần phải thỏa-thuận về quân-đội Pháp đóng tại Việt Nam, đặc-biệt chú trọng để cho số cứ-điểm đóng quân hết sức hạn-chế. Quân-đội Pháp không được can-thiệp vào nội-chiến các vùng đóng quân.

3. Tổ-chức Tổng tuyển-cử tự-do ở Việt Nam, Khmer và Pathet Lào để thành-lập một chánh-phủ thống-nhứt trong mỗi nước. Triệu-tập hội-nghị hiệp-thương gồm đại-biểu Chánh-Phủ hai bên ở Việt Nam, Khmer và Pathet Lào để chuẩn-bị và tổ-chức cuộc tổng tuyển-cử tự-do. Hội-nghị hiệp-thương sẽ thi-hành mọi biện-pháp để bảo-đảm sự tự-do hoạt-động của các đảng-phái và tổ-chức yêu nước. Không được có sự can-thiệp bên ngoài. Thành-lập các ủy-ban địa-phương để kiểm-soát việc thành-lập và tổ-chức tuyển-cử. Trong khi chờ đợi thành-lập Chánh-Phủ duy-nhứt trong mỗi nước ở Đông-Dương và sau khi hai bên đã cùng nhau căn-cứ hiệp-định đình-chiến để thương-lượng, thỏa-thuận, thì Chánh-Phủ mỗi bên sẽ quản-lý vùng mình kiểm-soát.

4. Đoàn đại-biểu nước Việt Nam Dân-Chủ Cộng-Hòa tuyên-bố: Chánh-Phủ Việt-Nam Dân-Chủ Cộng-Hòa bằng lòng xét vấn-đề nước Việt Nam Dân-Chủ Cộng-Hòa tham-gia Liên-Hiệp Pháp trên cơ-sở tự-nguyện và những điều-kiện của sự tham-gia đó. Chánh-Phủ kháng-chiến Khmer và Pathet Lào sẽ phát-biểu những tuyên-bố tương-tự.

5. Chánh-Phủ Nước Việt Nam Dân-Chủ Cộng-Hòa cũng như Chánh-Phủ kháng-chiến Khmer và Pathet Lào nhận rằng nước Pháp có những quyền-lợi kinh-tế và văn-hóa ở Việt Nam, Khmer và Pathet Lào. Sau khi thành-lập những chánh-phủ duy nhứt ở Việt Nam, ở Khmer, ở Pathet Lào, các nước ấy sẽ cùng nước Pháp quy-định quan-hệ về văn-hóa của mỗi nước với Pháp theo nguyên-tắc bình-đẵng và tôn-trọng lẫn nhau. Trong khi chờ đợi thành-lập chánh-phủ duy-nhứt ở ba nước, quan-hệ kinh-tế và văn-hóa ở Đông-Dương và nước Pháp tạm thời giữ nguyên-vẹn như hiện nay không thay đổi. Tuy vậy, ở những vùng mà giao-thông và mậu-dịch bị cắt đứt thì hai bên sẽ thương-lượng thỏa-thuận để khôi-phục lại. Kiều-dân mỗi bên sẽ được hưỡng một chế-độ tối-huệ sẽ định sau về việc cư-trú, đi lại và làm ăn sinh-sống trên lãnh-thổ của bên kia.

6. Hai bên cam-kết sẽ không khủng-bố những người đã hợp-tác với đối-phương trong thời-gian chiến-tranh.

7. Trao đổi tù binh.

8. Trước khi thực-hiện những biện-pháp nói trong 7 điểm trên, cần phải thực-hiện đình-chiến và ký kết những hiệp-định nhằm mục-đích ấy giữa nước Pháp và mỗi nước trong ba nước: Việt Nam, Khmer, Pathet Lào, mỗi hiệp-định ấy quy-định:

* Tất-cả các lực-lượng quân-sự của các đối-phương: lục-quân, hải-quân, không-quân ngưng bắn hoàn-toàn và đồng-thời trên toàn cỏi Đông-Dương, hai bên sẽ thực-hiện việc điều-chỉnh các vùng. Để bảo-đảm việc điều-chỉnh ấy hai bên sẽ không cản-trở quân-đội bên kia đi qua vùng mình để đến vùng họ đóng.

* Hoàn-toàn đình chỉ việc từ ngoài chuyển vào Đông-Dương mọi bộ-đội mới, nhân-viên lục-quân, hải-quân và không-quân, các loại vũ-khí đạn-dược. * Đặt sự kiểm-tra để bảo-đảm sự thực-hiện các điều-khoản của Hiệp-Định đình-chiến và nhắm những mục-đích ấy thành-lập những ủy-ban tách đôi gồm đại-biểu hai bên đối-phương trong mỗi nước Việt Nam, Khmer và Pathet Lào.

Chúng tôi xin bản kiến-nghị này về đọc kỷ và xem xét lại rồi bữa khác sẽ thảo-luận. Anh em đồng-ý. Chúng tôi cáo-từ và được đưa về gần chỗ trọ (hotel Régina). Đến đây là 1 giờ sáng.

@@@

Ngày 2 tháng 6 năm Giáp-Ngọ (01-Juillet 1954):

Trời mưa sáng và bên ngoài vẫn lạnh lối 14 độ, chúng tôi (Ông Phước “Bảo-Thế” và Thái) lấy bản kiến-nghị ra xem lại, không thấy đoạn nào quá-khích, nhưng Ô. Thái vẫn hoài-nghi. Trong lúc chúng tôi đang bàn-tán thì Ông Trần-Tuyên cũng vừa đến nên hiệp với chúng tôi để thảo-luận và sau khi bàn-cãi xong mới đưa qua phòng ĐỨC HỘ-PHÁP để trình-bày cho ĐỨC NGÀI nghe.

ĐỨC NGÀI chỉ nghe sơ qua vì bận phải đi viếng phái-đoàn Quốc-Gia Việt Nam tại Hotel Bellevue nên hứa chiều sẽ xem kỷ lại.

11 g trưa ĐỨC HỘ-PHÁP và chúng tôi đi viếng phái-đoàn Việt Nam do Ông Trần- Vinh hướng-dẫn. Đến nơi, toàn Ban đang làm việc chung quanh một bàn hột xoài lớn, đồng chào hỏi niềm-nỡ. Phái-đoàn gồm có Ông Trần-Văn-Đỗ (tân Trưởng Phái-đoàn, chưa lãnh việc), cùng quí Ông Nguyễn-Hoàng-Kính, Nguyễn-Văn-Kiều, Bửu-Kính, Trần-Tuyên, Đoàn-Thuận, Trần-Vinh và một nhân-viên Quân-sự là Ông Minh. ĐỨC HỘ-PHÁP ngỏ ý khuyến-khích Ông Nguyễn-Quốc-Định ráng cương-quyết trong giai-đoạn này. Ông trả lời Ông chỉ xử lý thường-vụ mà thôi. ĐỨC NGÀI còn khuyến-khích Ông tiếp-xúc với phái-đoàn Việt-Minh... ông trả lời không quyết-đoán và lập lại câu nói khi nãy.

Có điều đáng trách là Ông Đỗ, tân Trưởng Phái-đoàn vẫn có mặt mà chẳng có một ai giới-thiệu với ĐỨC NGÀI, để ĐỨC NGÀI nói với một người vô trách-nhiệm là Ô. Định. Còn Ông Đỗ thì ngồi nghe như người vô sự. Tuy vậy lời nói của ĐỨC NGÀI có ảnh hưởng đối với Ông Đỗ, vì sau khi ĐỨC HỘ-PHÁP trở về Paris rồi chợt thấy tờ Việt Nam Press đăng tin Ông tiếp-xúc với Ông Phạm-Văn-Đồng. . . Ngày 2 tháng 6 năm Giáp-Ngọ (01-Juillet-1954) Câu chuyện giữa ĐỨC NGÀI và Phái-Đoàn Việt Nam kéo dài đến 12 giờ.

3 g chiều Ông Ngô-Khai-Minh gọi điện-thoại báo-cáo cho ĐỨC NGÀI hay rằng có Thiếu tướng Lê-Văn-Viễn sắp qua tới. Ông Tất chưa đi kịp và Ông Trần-Quang-Vinh đã tới Ba-Lê. Ông Trần-Vinh nghe tin liền trở về Paris tiếp đón. Ông khởi hành từ Génève khoảng 5 giờ rưởi chiều.

3g30 chiều Cha Hoàng-Quỳnh gặp ĐỨC HỘ-PHÁP hôm nọ tại Paris, nay lại qua Génève đến thăm ĐỨC NGÀI. Ông than-thở về số phận Bùi-Chu và Phát-Diệm và trách ĐỨC QUỐC-TRƯỞNG rằng Tín-đồ Công-Giáo bên nhà đang sống trong cảnh hồi-hộp hằng ngày. Ông sang Pháp đã 20 ngày rồi mà không thế nào gặp đặng Quốc-Trưởng. Câu-chuyện kéo dài đến 4 giờ rưởi Cha Hoàng-Quỳnh mới cáo-từ.

4 g 30 chiều Ông Trần-Vinh giới-thiệu với ĐỨC NGÀI hai nhà báo một người Anh và một người Pakistan xin phỏng-vấn Đạo. ĐỨC NGÀI giải-thích đến 5 giờ 15, đồng thời trong giờ này Ông Trần-Vinh ra phi-trường về Paris.

6 giờ Chúng tôi đem các khoản trong bản kiến-nghị, của phái-đoàn Việt-Minh đã đưa ra Hội-Nghị Génève, để trình lên ĐỨC HỘ-PHÁP. ĐỨC NGÀI tu-chỉnh các khoản như sau:

Khoản thứ nhứt: Hai bên, tức là Chánh-Phủ Quốc-Gia Việt Nam và Chánh-Phủ Việt Nam Dân-Chủ Cộng-Hòa phải thừa nhận lẫn nhau, không được gọi nhau là phản-nghịch hay là bù-nhìn nữa. Về chủ-quyền Quốc-Gia, phải xét lại hai hiệp-định mà Chánh-Phủ Quốc-Gia đã thâu-hoạch được.

Khoản thứ hai: Quân-đội Pháp phải rút hết ra khỏi xứ Việt-Nam. Hai Chánh-Phủ phải thỏa-hiệp nhau và định chỗ cho quân-đội Pháp đình-trú trước khi rút ra khỏi xứ Việt Nam. Ngày giờ rút binh Pháp cũng do hai Chánh-Phủ Việt Nam thỏa-hiệp quyết-định.

Khoản thứ ba: Trong cuộc tổng tuyển-cử dân chúng phải được tự-do đầu-phiếu, và cuộc tổng tuyển-cử phải đặt dưới quyền kiểm-soát của Liên-Hiệp-Quốc, các ủy-ban Địa-phương có phân-sự coi sóc tổ-chức Tổng Tuyển-Cử, phải là những ủy-ban hổn-hợp gồm có đại-diện của Chánh-Phủ mỗi vùng.

Khoản thứ tư: Về vấn-đề Liên Hiệp-Pháp thì hai Chánh-Phủ hai vùng phải hiệp nhau để xem xét lại, bản hiệp-ước của Pháp đã ký-kết với chánh-phủ Việt-Nam.

Khoản thứ năm: Xin sửa câu: 'Tuy vậy, ở những vùng mà sự giao-thông và mậu-dịch cắt đứt thì hai bên sẽ thương-lượng thỏa-thuận để khôi-phục lại' như sau: 'Thì hai Chánh-Phủ Quốc-Gia với Chánh-Phủ Dân-Chủ Cộng-Hòa sẽ thương-lượng thỏa-thuận để khôi-phục lại, không cần có người Pháp nhúng tay vào việc nội-bộ của nước Việt Nam.

Khoản thứ sáu: Về việc không trừng-phạt và khủng-bố những người đã hợp-tác với đối-phương thì hai Chánh-Phủ hai vùng phải long-trọng tuyên-bố, chịu hết trách-nhiệm.

Khoản thứ bảy : Đồng ý việc trao-đổi tù-binh.

Khoản thứ tám : Về việc ngưng bắn xin chia ra ba khu:

* Bắc giao cho Chánh-Phủ Dân-Chủ Cộng-Hòa. Nam giao cho Chánh-Phủ Quốc-Gia Việt Nam.

* Một khu ở giữa trung-lập dưới quyền kiểm-soát của Quốc-tế.

* Về việc nhập-cảng quân-đội ngoại-quốc, quân-nhu, võ-khí v.v... việc này sẽ đặt dưới quyền kiểm-soát của Ủy-ban hổn-hợp gồm có đại-biểu của Chánh-Phủ Dân-Chủ Cộng-Hòa, Chánh-Phủ Quốc-Gia Việt Nam và đại biểu của Liên-Hiệp-Quốc.

* Về việc cấm Pháp và Mỹ can-thiệp vào việc của Việt Nam, thì lẽ tất-nhiên Trung-Cộng và Liên-Sô cùng tất cả, bất cứ nước (Ngoại-quốc) nào cũng không được nhúng tay vào nội-bộ Việt Nam.

Các khoản xem-xét và chấp-thuận xong, ĐỨC HỘ-PHÁP lại còn dặn thêm: Vào ngày mai, gặp phái-đoàn Việt-Minh, thì phải nhấn mạnh hai Chánh-Phủ phải thừa-nhận nhau mới mong đem lại Hòa-Bình.