Phương Châm Hành Đạo do Ngài Thượng Đàu Sư Thượng Trung Nhựt biên soạn. BBT đang bản vi tính, sau đó đăng bản pdf và ảnh chụp để quý đọc giả tra cứu khi cần.
Nay kính.
ĐẠI ĐẠO TAM KỲ PHỔ ĐỘ
TÒA THÁNH TÂY NINH
PHƯƠNG CHÂM HÀNH ĐẠO
Soạn Giả
Thượng Đầu Sư LÊ VĂN TRUNG
Hội Thánh Giữ Bản Quyền
·
Lời Tựa
I.
Giữ Đạo
·
Nhẫn-nại
·
Kiên-tâm
II.
Người trong Đạo
phải đối đãi nhau thế nào?
1. Tín-Đồ
2. Chức-sắc
1. Thuyết Đạo
2. Khai Đàn
VI.
Điều lệ hầu đàn
VII.
Phải xem sách
kinh, luật-lệ
VIII.
Phải xem sách
kinh thế nào?
Thiết
tưởng, Đạo nào cũng dạy lánh dữ làm lành. Chủ-nghĩa mỗi Tôn-Giáo thảy đều cao
thượng; nhưng nếu người hành đạo không noi theo một phương châm nào cho chánh
đáng, tức nhiên Đạo cao thượng cũng hóa ra như hèn, rồi lâu đời mối
Chánh-Truyền phải mất.
Tôi
vốn không từng viết văn, lẽ không nên làm sách, song nghĩ vì trách nhiệm nặng
nề, sở dĩ phải lược lục quyển sách "Phương Châm Hành Đạo" nầy,
mong rằng chư Đạo-Hữu lưỡng phái nam nữ nhứt tâm hành sự theo qui tắc chuẩn
thằng, thì rất may mắn cho nền Đạo, mà lại cũng là một điều hân hạnh cho tôi
lắm đó.
Mỗi
lần thuyết Đạo, chư vị Thiên-Phong cũng nên đem quyển sách nầy ra đọc cho chư
Tín-Đồ nghe, rồi giải rành thêm cho mọi người dễ hiểu.
Tòa-Thánh Tây-Ninh, ngày 29 tháng 2 năm Mậu-Thìn
Thượng Đầu-Sư
LÊ VĂN TRUNG
GIU DAO.
Kỳ
Hạ-Ngươn nầy là buổi hiệp Tam-Giáo làm một, hầu đem về căn-bổn cho hiệp lẽ
tuần-hườn; Đức Ngọc Hoàng Thượng Đế lại dùng huyền-diệu Tiên-Gia giáng
cơ giáo Đạo; thế thì chúng ta lấy làm hữu duyên hữu phước mới sanh nhằm đời Đạo
mở; muôn năm ngàn kiếp mới có một lần như vậy; nếu chẳng thành tâm tu-niệm thì
rất uổng cho cơ hội nầy lắm đó.
Nhập
môn cầu Đạo là để làm lành lánh dữ, dưỡng tánh tu tâm, lập công bồi đức, cứu độ
nhơn-sanh; chớ không phải vào Đạo để lấy phần đông, rồi kết phe lập đảng mà ỷ
chúng hiếp cô cùng là xui mưu làm loạn. Kẻ vào Đạo chỉ mưu việc quấy như vậy là
muốn gây rối cho nền Đạo, tức là kẻ nghịch Đạo đó.
Muốn
giữ Đạo cho trọn bổn phận, người nhập-môn rồi phải do theo "Tân-Luật"
lại cần phải "Làm lành lánh dữ" và "Trau-giồi đức-hạnh".
1. Làm lành lánh dữ
Có
người thuở nay không làm điều chi bất nhơn thất đức, cứ một lòng ở thật ăn
ngay; như vậy có đủ gọi là làm lành lánh dữ không? Không đâu. Người ấy
chỉ biết có lánh dữ mà thôi, nghĩa là chỉ có biết giữ mực công bình (1)
của nhơn loại vậy thôi, chớ chưa có chi gọi là làm lành.
Muốn
trọn hai chữ làm lành, phải cứu nhân độ thế. Kinh Phật dạy cứu
nhân độ thế mà không giải rành là sao, thành ra nhiều vị tu hành không để ý
đến, chỉ biết có một phép từ bi thanh tịnh là gốc.
Sao
gọi là cứu nhân độ thế? Cứu nhân độ thế là cứu cấp những người đương hồi khốn
cùng, hoạn nạn; ai đói mình cho ăn, ai khát mình cho uống, ai đau mình giúp
thuốc, ai thác mình thí hòm, ai lạc nẻo mình chỉ đường, ai buồn rầu mình an ủi,
ai kiện thưa tranh-đấu mình kiếm chước giải-hòa; bắt cầu bồi lộ cho hành khách
tiện bề qua lại; in thí kinh điển, thiên thơ cho mọi người coi theo hầu cải tà
qui chánh, vân vân... Vậy mới gọi là cứu nhân độ thế, song chẳng nên bất cập mà
cũng đừng cho thái quá. Bất cập là khi nào mình giúp người không trọn, có trước
không sau, làm cho người sau rồi cũng phải khốn cùng, hoạn-nạn như trước vậy.
Thái quá là đụng ai giúp nấy, không xét coi kẻ ấy đáng giúp hay chăng, vì ở đời
lắm người giả dối, quanh năm chỉ ỷ lại nơi người nhơn thiện mà no cơm ấm áo.
Giúp đỡ cho những kẻ ấy tức là giúp cho họ dễ bề làm biếng, tiện thế ở không,
tức là chưởng ác cho họ vậy. Vả lại, cứu nhơn độ thế phải tùy dươn tùy sức mới
đặng; giàu cứu độ theo phận giàu, nghèo cứu độ theo phận nghèo; theo lời giải
trước kia, cứu nhơn độ thế có nhiều cách; có của thí của, không của thí công;
của công ví đặng thiệt lòng, cân lại cũng đồng âm-chất.
(1) Mực công bình chỉ gom vô câu nầy: "Việc chi
mình không muốn, thì mình chẳng nên làm việc ấy cho ai". Bao giờ mình lại
muốn việc dữ đến cho mình; thế thì mình chẳng nên làm dữ với ai cả. Cho nên
không làm dữ là giữ mực công bình vậy thôi, chớ chưa đủ gọi là lành đặng.
2. Trau-giồi đức hạnh
Người
giữ Đạo không những làm lành lánh dữ là đủ, lại còn phải trau-giồi đức-hạnh thì
nhơn cách mới hoàn toàn. Đức-hạnh là điều cần nhứt của bực tu hành. Thành Tiên,
thành Phật cũng nhờ đức-hạnh, vì thuở nay chưa từng nghe có Tiên Phật nào mà
không hoàn toàn đức-hạnh. Thái-Thượng khuyên lập đức, Khổng-Thánh dạy tu thân,
lập đức tu thân là căn-bổn của Tôn-Giáo. Muốn vẹn bề đức-hạnh, ngoài ra đạo
Tam-Cang Ngũ-Thường (1) ta lại cần phải giữ sao cho đặng khiêm-nhượng,
nhẫn-nại, thuận-hòa, kiên-tâm, thanh-liêm, thì mới gọi là khắc-kỷ (2), mới
gấm-ghé đặng phẩm-vị Thần Tiên vậy.
Khiêm-nhượng
Sao
gọi là khiêm-nhượng? Khiêm-nhượng là hạ mình để nhượng người, tặng người trên
mình vậy. Đấng Chí-Tôn có dạy rằng: "Hạnh khiêm-nhượng là hạnh yêu dấu
của Thầy ... Các con phải cho khiêm-nhượng mới độ rỗi thiên-hạ đặng".
Kẻ
tài sơ mà biết khiêm-nhượng, người bác-học mới vui dạ dắt dìu; người bác-học mà
biết khiêm-nhượng, kẻ tài sơ mới đem lòng mến phục. Nên biết rằng dầu mình tài
cao trí sáng đến bực nào đi nữa, cũng có người khá giỏi hơn mình. Vả lại, nếu
đem cái sức học hữu hạn của mình mà so sánh với biển Thánh minh-mông, rừng nhu
thăm-thẳm thì có thấm tháp vào đâu mà mong tự đắc. Vì vậy mà Thánh-Hiền xưa có
nói: "Học chừng nào, càng thấy mình dốt chừng nấy". Thánh-Hiền
xưa thì vậy, con người đời nay, phần nhiều hễ mở miệng ra đà khoe mình giỏi,
không đợi ai khen; cái tánh tự kiêu ấy làm cho lòng dạ tối-tăm, có mắt mà không
biết thấy, có trí mà không biết suy, vì vậy nên hễ việc chi của mình làm, lời
chi của mình thốt đều cho là phải cả, rồi hiu-hiu tự-đắc, xem người như không
có; ai nói cũng không nghe; ai khuyên cũng không nạp; ai trách lại không dung.
Kẻ tự
kiêu là ngu-xuẩn thì không quan-hệ chi, vì đã là ngu-xuẩn thì không ai thèm
phục; cho nên kẻ ấy không làm hại đến ai, chỉ có làm trò cho thiên-hạ cười chơi
vậy thôi. Đến như kẻ tự kiêu mà tài giỏi thì rất nên nguy-hiểm, vì kẻ ấy đủ tài
lực chuyên chế cả hạng người tinh-thần yếu ớt rồi một mình làm quấy kéo cả bọn
quấy theo; một mình nghị sai hại cả một đoàn sai cả. Có câu rằng: "Thiên-Đạo
ố dinh nhi ích khiêm". Nghĩa là : "Đạo Trời ghét đầy mà thêm
vơi, nghĩa là ghét kẻ tự-kiêu mà giúp cho người khiêm-nhượng". Quí hóa
thay hạnh khiêm-nhượng! Nguy-hiểm thay tánh tự-kiêu!
(1) Đạo Tam-Cang Ngũ-Thường đã có nhiều sách giải rồi,
tưởng không cần luận ra đây cho choán giấy.
(2) Khắc-kỷ là thắng mình (la maitrise de soi) là đè ép được tánh tình chẳng
tốt.
Nhẫn-nại
Đức
nhẫn-nại là đức nhịn-nhục. Người biết nhẫn-nại không đua tranh, cãi-cọ với ai,
cứ giữ thái-độ ôn-hòa, ai nhạo-báng không hờn, ai chê bai chẳng giận.
Việc
chi mà hai bên phải xung đột kịch liệt nhau, nếu một đàng biết nhẫn-nại thì
việc cũng hóa êm, tỉ như hai đầu dây, một bên thẳng, một bên dùn, thì chẳng hề
dây đứt. Nên biết rằng, nhẫn-nại là không phải xấu, chỉ muốn xuôi mọi việc mà
thôi, cho nên phương-ngôn có câu: "Một câu nhịn bằng chín câu
lành".
Đức
nhẫn-nại rất cần ích cho mọi người, nhứt là cho người hành Đạo, vì người hành
Đạo thường hay gặp điều khó-khăn gay trở, nào là kẻ nầy vấn nạn, nào là người
kia công-kích, nếu không nhẫn-nại cho qua buổi, chi cho khỏi sanh ra lắm cuộc
dở-dang bất-hòa, mà hễ bất-hòa thì còn mong chi độ người cho được.
Thuở
trước có một người trong hàng đệ-tử Đức Thích-Ca xin đi truyền Đạo, Đức Phật
hỏi rằng: "Nếu truyền giáo người ta không nghe, còn trở lại mắng nhiếc,
thì hiền-đồ liệu sao?"
Thưa:
"Nếu ai mắng nhiếc, thì đệ-tử chắc rằng người ấy là người tốt, vì họ không
đánh đập".
Hỏi:
"Nếu họ đánh thì hiền-đồ liệu sao?"
Thưa:
"Đệ-tử cũng cho họ là lành tốt, vì họ chỉ đánh đập chớ chưa hề đâm
chém".
Hỏi:
"Nếu họ đâm chém thì hiền-đồ liệu sao?"
Thưa:
"Đệ-tử cũng cho họ là lành tốt, vì họ không đành lòng chém đệ-tử đến
chết".
Hỏi:
"Nếu họ chém chết mới liệu sao?"
Thưa:
"Đệ-tử sẽ cho họ là người ơn, vì nhờ họ đệ-tử khỏi đau đớn mà thoát được
cái xác thịt thúi hôi tù túng nầy".
Ấy là
một gương nhẫn-nại chúng ta nên noi theo trong mảy mún để đi truyền Đạo.
Thuận-hòa
Sách
có câu: "Địa lợi bất như nhơn hòa". Nghĩa là: "Đất lợi
chẳng bằng người hòa". Cho nên gia-đình nào mà chẳng thuận-hòa thì
gia-đình ấy chẳng đặng yên ổn; chồng trách vợ, vợ hờn chồng, gia-đạo không
thành, rồi ra lắm điều cắn đắng.
Thân-tộc
nào chẳng thuận-hòa, tức là thân-tộc ấy phải mất niềm tương hảo, rồi đối với
nhau không những là không mật thiết, mà lại còn chống trả nhau, trách thiện
nhau, nghịch lẫn nhau cho tương-tàn cốt-nhục.
Xã-hội
nào mà chẳng thuận-hòa tức là xã-hội ấy phải đảo điên rối-rắm chẳng chi là
trật-tự, công-bình, rồi mạnh đè yếu, trí hiếp ngu, lê thứ phân-vân, dân tình
ly-loạn.
Tôn-giáo
cũng như một gia-đình, một thân-tộc, một xã-hội vậy. Tôn-chỉ Đạo dầu cao-thượng
đến đâu đi nữa, nếu người hành Đạo không được thuận-hòa, nền Đạo tức phải vì đó
mà nghiêng đổ. Nền Đạo tỷ như nhơn thân, mỗi người hành Đạo chẳng khác nào một
phần trong thân ấy. Giác-quan, tạng-phủ thảy đều ăn chịu nhau, nương cậy nhau
cả, thì người cùng chung một Đạo cũng phải ăn chịu nhau, nương cậy nhau mới
được. Xét đến lẽ ấy rồi, người đồng Đạo phải biết thương nhau, cư xử cùng nhau
cho hết dạ thuận-hòa, trên dạy dưới tuân lời, dưới khuyên trên vui dạ, mỗi việc
chi trong Đạo đều chung trí nhau tính bàn rồi mới nên cử sự thì bề thi thố đã
không sơ-sót, mà tình đồng Đạo càng thêm mật thiết; như vậy mới tránh khỏi "cái
hại chia phe lập đảng" mới không lỗi câu "đồng Đạo tương
phân".
Tóm
lại, đã gọi là đồng Đạo, phải bỏ hết những thù hiềm ngày trước mà liên-lạc
nhau, ỷ-y nhau, đồng tâm hiệp-lực vụ một chữ Hòa mà lo điều công ích cho
nhơn sanh, thì Thiên-Đạo mới chóng hoằng khai, sanh chúng sau nầy mới gội nhuần
ân-huệ.
Kiên-tâm
Có
người thuở nay thường mang tiếng "làm chi không nên việc". Bất
câu việc gì, lúc ban đầu thì hô-hào sốt sắng, rồi không bao lâu lại thối chí,
ngã lòng thành ra cuộc bán đồ nhi phế (1): Ấy là tại không hay chịu cực và
chẳng biết kiên tâm (bền lòng). Việc thế mà còn vậy, hà huống là việc tu-hành
khổ hạnh? Cho nên bực tu-hành cần phải biết kiên tâm trì chí hơn người ở thế
mới nên cho; khó-khăn phải rán, cực khổ phải cam, thì mới mong giữ tròn bổn
phận.
Nghĩ
coi, muốn làm quan cần phải xôi kinh nấu sử khuya sớm nhọc nhằn từ mười năm sắp
lên mới đặng, hà huống là muốn đạt phẩm vị Thần Tiên, thì bảo sao không phải
cần lao khổ hạnh? Cho nên ngạn-ngữ có câu: "Chí công mài sắt chầy ngày
nên kim".
(1) Bán đồ nhi phế là giữa đường mà bỏ, nghĩa là làm
không nên việc.
Thanh-liêm
Thánh-Nhơn
có câu: "Lấy của trái lẽ thì mất đức thanh-liêm". Thế thì hai
chữ thanh-liêm không những chỉ về quan viên mà thôi, mà lại chỉ chung về cả dân
tình cùng người tu niệm nữa. Thanh-liêm là gì? Là giữ mình cho trong sạch,
không tham lam của ai. Làm quan thanh-liêm, trị dân mới công-bình, chánh-trực;
rồi dân sự mới khỏi vì thế lực kim tiền mà bị kẻ vô lương đè ép. Làm dân mà
đặng thanh-liêm trong xứ mới khỏi lo trộm cướp. Làm Đạo mà vẹn đức thanh-liêm,
thì lương-tâm mới khỏi cắn rứt.
Tài-chánh
của Đạo vốn là của chung trong bổn đạo chớ không phải riêng ai; cho nên người
hành đạo chẳng phép lấy của chung mà xài riêng cho mình đặng.
Người
nào lợi dụng danh Đạo mà thủ lợi; hoặc cậy quyền thế ép buộc chư Tín-Đồ tốn kém
vì mình, hoặc là thâu đa nạp thiểu, thì mất hẳn đức thanh-liêm. Hễ mất đức
thanh-liêm thì bao nhiêu công-lao tu-niệm của mình nơi Tiên-thơ thảy đều bị bôi
xóa. Cử-chỉ người hành đạo cần phải cho minh-chánh: Như phận sự mình hay về
việc lý-tài, thì xuất phát đâu đó cần phải phân minh; lại cũng chẳng nên tự
chuyên lấy của chung mà làm việc chi tùy ý mình; giữ đặng vậy, trên chẳng hổ
với Đấng Chí-Tôn cùng chư Thần, Thánh, Tiên, Phật, dưới lại đặng lòng tin-cậy
của chư Đạo-Hữu cùng tránh khỏi những việc hiềm nghi của chư vị hảo-tâm
thiện-tín.
II- NGUOI TRONG DAO DOI DAI NHAU THE NAO?
Ở
đời, người ta cần phải giao tiếp (1) với nhau; đối với chư Đạo-Hữu, sự giao
tiếp ta lại có cái tình liên-lạc chí thành, cái nghĩa tương thân chí thiết.
Giao tiếp mà chi? Là để dìu-dắt nhau, nâng đỡ nhau trong đường Đạo và đường
Đời, anh lớn chỉ biểu cho em nhỏ, người rõ đạo bày vẽ cho kẻ chưa thông; người
nầy lầm lỗi kẻ kia chỉ giùm; dưới vui tuân lệnh trên dạy; trên không hổ cho
dưới bày; lấy lẽ hòa nhau, trên khiêm dưới kỉnh; vui-vẻ chung nhau, buồn thảm
sớt nhau, giao lưng đâu cật mà bồi đấp mối Đạo Trời cho rõ là con một cha,
chung thờ một chủ nghĩa.
Đấng
Chí-Tôn có giáng cơ dạy như vầy:
"
Chẳng quản đồng tông mới một nhà,
" Cùng nhau một Đạo, tức cùng Cha.
" Nghĩa nhân đành gởi thân trăm tuổi,
" Dạy lẫn cho nhau đặng chữ hòa.
Trong
đường giao thiệp, ta cần phải lấy hết tấm lòng bác-ái (2), đem hết tất dạ chí
thành (3), mà đối-đãi nhau, thì đạo-tâm ta mới biểu lộ ra cái gương chân chánh.
Đồng
Đạo mà chẳng biết thương nhau, chẳng vãng lai thù tạc nhau, cứ nhà ai nấy ở, ai
khôn dại mặc ai, ai hoạn nạn thây ai, bo bo cứ giữ câu "Độc thiện kỳ
thân" (4) thì trái hẳn với chủ-nghĩa Đại-Đồng (5) của Đạo Trời lắm đó.
1. Tín-Đồ
Đứng
vào hàng Tín-Đồ, cần phải kính tuân chư chức-sắc Thiên-Phong, vì chư
Thiên-Phong là người đã thọ lãnh nơi Thượng-Đế một cái thiên-chức đặc-biệt để
thông truyền chánh giáo; người vẫn có cái quyền sai khiến chư Tín-Đồ về việc
phải trong Đạo. Dầu bậc Thiên-Phong mà tài sơ tuổi nhỏ hơn mình đi nữa, hàng
Tín-Đồ cũng chẳng nên hổ mình tùng sự, hoặc là vượt bực khinh khi ganh-gổ, vượt
bực khinh khi ganh-gổ tức là buộc vào mình cái tội vi lịnh cùng Thượng-Đế vậy.
Vả
lại, chức-sắc Thiên-Phong chỉ có cái giới hạn trong khi hành sự mà thôi, ngoài
ra toàn là người đồng đạo với nhau, tức là Đạo-hữu với nhau vậy.
2. Chức-sắc
Đối
với hàng Tín-Đồ, chư chức-sắc Thiên-Phong cần phải có cái hạnh khiêm-cung từ
nhượng; phải dùng lời dịu ngọt mà dạy-dỗ kẻ dưới quyền mình; phải lấy nét ôn
hòa mình điều độ nhau; phải chỗ khiến thì khiến; không phải việc sai chớ nên
sai, đừng làm điều chi quá phận sự mà ra lẽ chuyên quyền. Chẳng nên tự cao, tự
phụ; mình may nhờ tiền căn cựu-phẩm hoặc là công cả quả dày nên mới được chức
Thiên-Phong, biết đâu trong hàng Tín-Đồ lại không có lắm người tài cao đức
trọng hơn mình?
Chư
Chức-sắc và chư Tín-Đồ mà đối đãi nhau cho có thái-độ ôn-hòa thảo-thuận thì
trên không chinh, dưới không mích, ấy là một lễ hiến cho Đấng Chí-Tôn rất long
trọng đó vậy.
(1) Giao-tiếp là lân-la lai vãng cùng nhau.
(2) Lòng bác-ái là lòng đại từ-bi thương xót sanh linh hơn thân mình.
(3) Chí-thành là mỗi việc đều lấy lòng thành-thật mà đối đãi nhau trong đường
Đạo và đường đời.
(4) Độc thiện kỳ thân là lo cho một mình mình lành mà thôi.
(5) Đại-đồng là cả thảy nhân-loại đồng một thể với nhau (Grande Unité humaine).
III- DOI VOI NGUOI NGOAI GIAO.
1. Đối với Quan-viên Chức-sắc
Quan-viên
chức-sắc là bực thay quyền Chánh-Phủ để điều đình việc chánh-trị và hoài-bảo
cuộc an bình trong nước. Thế thì phận tôi dân ai lại không kính trọng
quan-viên, nhứt là kẻ thành tâm tu niệm lại cần phải kỉnh tùng hơn nữa. Tại sao
vậy? Vì người tu niệm, đối với bực quan-viên chức-sắc, vẫn có hai phương-diện:
một là phương-diện người giữ đạo đối với hàng trưởng thượng; hai là phương-diện
bực thần dân đối với hàng quan lại. Người giữ đạo đối với hàng trưởng thượng
phải giữ sao cho có lễ-nghĩa, khiêm-nhường; trên dạy điều phải đạo, dưới thành
thật vâng theo; trên bày điều trái lẽ, dưới cung kỉnh chối từ; chớ nên nói năng
vô lễ, vượt bực loạn hàng. Giữ được vậy không những người trên thương mến,
chúng bạn ngợi khen, lại còn làm cho rỡ-ràng danh Đạo thêm nữa.
Bực
thần dân đối với hàng quan lại cũng không ngoài cái phạm-vi lễ-nghĩa,
khiêm-nhường. Quan-viên chức-sắc, trong khi hành sự, dạy điều chi kẻ dưới phải
tuân theo, vì người thay quyền cho Chánh-Phủ; vi lịnh người tức là vi lịnh
Chánh-Phủ, mà lịnh Chánh-Phủ thì chẳng khi nào trái cải đặng. Nhưng quyền hành
của quan-viên chức-sắc cũng không ngoài giới-hạn của Luật định cho; dầu vậy mặc
dầu, nếu quan-viên nào chuyên quyền áp chế ta, ta chẳng nên chống chỏi lại
liền, vì nếu chống chỏi lại liền, quấy phải gì sau sẽ hay, chớ trước hết ta đã
chịu một phần lỗi trọng trong ấy. Thế nào cũng còn có kêu nài nơi quan trên
nữa, vì luật-pháp Chánh-Phủ đặt ra, không những trừng trị kẻ thường dân mà
thôi, mà lại cũng trừng trị đến chư chức-sắc quan-viên nào chuyên quyền, trái
lệ.
2. Đối với người khác Đạo
Một
đôi người không thông đạo-lý, hay tưởng rằng hễ vào Đạo rồi thì chỉ biết người
trong bổn Đạo mà thôi, ngoài ra không chịu giao thiệp với người khác Đạo, thậm
chí đến đỗi khi thị không khứng làm ăn chung với người ta nữa. Tưởng vậy rất
lầm; Đạo gốc tại lòng bác-ái; tôn-chỉ Đạo là cứu nhơn độ thế, nghĩa là cứu vớt
cả sanh-linh, xót thương cả nhơn-loại, chớ không phải riêng người trong Đạo mà
thôi. Nhiều vị chưa vào Đạo là tại chưa rõ tôn-chỉ Đạo Trời cao-thượng thể nào,
chớ biết đâu trong phần đó lại không có lắm bực nhơn-từ đạo-đức. Vì vậy nên,
khi thị người ngoại Đạo thì rất lầm, không giao-thiệp với người ngoại Đạo là
trái tôn-chỉ đó.
3. Đối với người nghịch Đạo
Bất
câu là Đạo nào, hễ mới khai ra tất phải gặp lắm điều gay trở. Khi Đức Thích-Ca
truyền Đạo, dân Bà-la-môn (Brahma) cho là Bàn-Môn vì khác chánh-giáo Phật-Đạo
buổi ấy; khi Đức Lão-Tử truyền Đạo, kẻ đồng thời cho là phép mê hoặc; khi Đức
Chúa Giê-Giu truyền Đạo, nhà Israel gọi là cải chánh Đạo, đến đỗi bắt giết đi,
bảo sao ngày nay chúng ta lại không chịu lắm điều khó khăn gay trở?
Mặc
tình ai bẻ bai nghịch Đạo, miễn không chuyên chế cùng không làm điều chi can
danh phạm nghĩa đến ta, thì ta cũng nên giữ tròn thái độ ôn-hòa lễ-nghi, rốt
cuộc rồi họ phải hổ mình mà tự hối.
Vả
lại, mình vào Đạo là mình đã biết tôn-chỉ tối cao của Đạo, người nghịch Đạo là
người không hiểu đến, vì "lộ bất hành bất đáo"; thế thì người biết
Đạo mà ra đua tranh, cãi cọ với kẻ không biết, đã chẳng bổ ích vào đâu lại còn
mất ngày giờ vô lối.
IV- PHO THONG THIEN DAO.
Chư
Thiên-phong là người đã thọ lãnh một trách-nhậm rất lớn lao để phổ-thông
Thiên-Đạo. Người ngoài cho Đạo mình chơn chánh cùng chăng là do nơi cử-chỉ
hành-động của người làm đạo. Vì vậy nên người đi truyền Đạo cần nhứt phải giữ
cho tròn phận sự của mình, một là làm sao cho sáng Đạo Trời, hai nữa để làm
gương cho đoàn em bắt chước.
Người
đi truyền Đạo cần phải đủ tư-cách tu-hành thì nhơn tâm mới phục.
1. Thuyết Đạo
Mỗi
lần thuyết Đạo, cứ theo chánh lý giải bày, chẳng nên tôn trọng Đạo mình thái
quá mà mục hạ đến Tôn-Giáo khác; chẳng đặng luận bàn quốc-sự; chẳng đặng bày
điều huyễn hoặc làm cho náo động lòng người cùng mất cuộc trị bình trong nước;
chẳng đặng dùng thói dị-đoan mê-tín mà mê-hoặc lòng người. Trong khi thuyết
Đạo, nếu ai kích-bác mà dùng lời khiêm-từ tao nhã, mình cũng nên giữ lấy
thái-độ ôn-hòa mà đối đáp, trừ ra kẻ nào vô lễ thì mình phải nhịn mà làm thinh,
song chẳng nên hờn giận.
2. Khai Đàn
Khi
đến khai đàn làm lễ thượng trang cho người mới vào Đạo, trước hết phải xem coi
cuộc sắp đặt nơi Thiên-bàn có nghi-tiết và tinh-tấn chăng? Nghi-tiết phải sắp
đặt theo cách thờ phượng của Đại-Đạo Tam-Kỳ Phổ-Độ; chư Thiên-Phong chứng đàn
không đặng phép tự chuyên canh cải nghi-tiết theo ý muốn của mình. Chẳng nên để cho đàn-chủ tốn kém tiền
chi vì mình hết. Chẳng đặng phép thâu góp tiền chi của ai cả; dầu ai muốn gởi
tiền cúng về Thánh-Thất hoặc là nhang đèn cũng chẳng đặng lãnh thế (ai hảo tâm
đến Thánh-Thất mà cúng); như vậy mới tránh khỏi hiềm nghi dị-nghị. Chức-sắc hành Đạo mà giữ đặng cử chỉ minh chánh như
vậy, không những là chư Tín-Đồ tùng phục, mà người ngoại Đạo trông vào cũng
chẳng lời chi bác bẻ.
Mỗi
lần khai đàn, chẳng nên nhóm quá số hai mươi người, trừ ra khi nào có phép quan
cho thì mới nên nhóm nhau đông-đảo.
Hành
Đạo mà giữ tròn phận sự, biết kiêng phép Nước, biết giữ luật hình, thì quyền
tự-do tín-ngưỡng của mình mới không ai phạm đến.
V- PHAI NANG HAU DAN
Vào
Đạo rồi, chớ nên lầm tưởng rằng nhà mình có lập vị thờ Thượng-Đế, mỗi bữa cúng
tứ thời là đủ; cần chi phải đến Thánh-Thất hầu đàn vì đâu cũng Thầy vậy.
Nghĩ
như thế rất sai. Thánh-Thất là nhà thờ chung lập ra cho chư Đạo-hữu tới ngày
sóc vọng (1) tựu đến, trước là dưng đại lễ cúng Thầy cùng nghe thuyết Pháp, sau
nữa là có dịp cho mình hội hiệp nhau để luận bàn đạo-đức cùng xe chặt mối tương
thân.
Thánh-Thất
lại là nơi biểu-hiện nền chơn Đạo của Đấng Chí-Tôn. Do đó mà nhơn-sanh mới biết
cách hành đạo cùng cách sắp đặt đạo-nghi niêm-thức của mình ra thể nào; do đó
mà Đạo mới dễ phổ-thông. Cho nên ngày sóc vọng chư Đạo-hữu nơi nào cần đến
Thánh-Thất nơi đó hầu đàn cho đông đảo, thì Đạo mới ra vẻ thạnh hành. Nếu mỗi
người cứ nói ở nhà cũng có Thầy, rồi nhà ai nấy cúng mãi, thì Thánh-Thất tất
phải bỏ không, ấy có phải là điều đại quan-hệ cho nền Đạo lắm chăng?
Có
người lại lầm tưởng rằng hễ nhập-môn nơi Thánh-Thất nào cứ hầu đàn nơi đó, còn
mấy Thánh-Thất khác không cần phải đến. Xin phải biết rằng Thánh-Thất nào cũng
thờ một Đấng Chí Tôn mà thôi; Thánh-Thất nào cũng là Thánh-Thất chung của Đạo,
chớ không phải của riêng ai mà phòng nói Thánh-Thất nầy Thánh-Thất nọ. Giả sử
như khi trước chỗ mình ở chưa lập Thánh-Thất, mình phải nhập môn nơi khác. Nay
chỗ mình có Thánh-Thất rồi, mình nên hầu đàn chỗ mình cho tiện hơn, một là khỏi
mất công đi xa, hai là khỏi tốn tiền lộ phí.
Còn
các Thánh-Thất khác ở xa, như mình có dịp đi đến, lẽ cũng nên ghé vào, một là
làm lễ Đấng Chí-Tôn, hai nữa cho biết chư Đạo-hữu nơi đó.
Tóm
lại, vào Đạo rồi cần phải năng đến Thánh-Thất hầu đàn trừ ra khi bận việc nhà,
mới nên vắng mặt.
(1) Thánh-Thất một tháng tới hai kỳ đàn lệ
VI DIEU LE HAU DAN.
Cúng
tế Trời Phật qui tại lòng thành kỉnh. Chư Đạo-hữu nam nữ, chư Nhu, chư Tín-nữ
đến hầu đàn phải cho tinh-khiết nghiêm-trang.
Vậy
thì:
Trước
khi đến hầu đàn, phải dọn mình cho sạch-sẽ, hết lòng thành kỉnh mà khẩn nguyện
cùng Trời Phật. Đến đàn rồi phải giữ lễ nghi cho thiệt nghiêm-trang.
Trước
khi chỉnh đàn, không đặng ở trước Thiên-bàn mà giỡn cợt hay là nói điều chi
hoại sự cùng là khạc nhổ trong đàn.
Dầu
chỉnh đàn rồi, dầu chưa chỉnh đàn cũng vậy, nam nữ phải cho phân biệt thứ tự
hẳn hòi; cứ trong ngó ra, thì nam tả, nữ hữu, không được lộn xộn, không phép
nói cười lả lơi, không đặng lời to tiếng nhỏ, không đặng phép đem chuyện người
ngoài mà thuật lại, không đặng luận bàn quốc sự, không đặng đồn-đãi điều chi
huyễn-hoặc, không đặng nhắc chuyện bất bình buổi trước mà cải lẫy nhau, không
đặng hơn thua rầy rà, không đặng nói chuyện của Đạo-hữu vắng mặt, không đặng
dùng lời quanh co xoi bói nhau, không đặng gìn ý nói chơi mà kỳ trung châm
chích nhau, không đặng đem lên đàn những sách vở chi khác hơn là sách vở mà
Hội-Thánh đã phê chuẩn.
Khi
nhập đàn
Nhập
đàn phải khăn đen áo dài; môn-đệ của Đấng Chí-Tôn thì sắc phục cứ tuân theo
Thánh-ý, mỗi người ai phải lo phận nấy, giữ cho khỏi vô lễ với Đấng Chí-Tôn
cùng chư Thần, Thánh, Tiên, Phật.
Chỉnh
đàn rồi, phải phân hàng đứng hầu lẳng lặng, khi cúng phải cho đại tịnh.
Ai
mặc âu-phục thì quần áo phải đoan trang theo phép Âu. Nhập đàn rồi, phải đi
chơn không, không đặng hút thuốc, không đặng ăn trầu.
Những
người uống rượu lỡ thì không nên nhập đàn. Hầu đàn thì thân thể phải cho tinh
sạch, lòng dạ kỉnh thành. Việc tinh-khiết cùng chẳng tinh-khiết trong mình, thì
ai biết nấy, chớ người nào khác hơn mình thì không thế rõ đặng. Ai đến lỡ mà
trong mình không tinh-khiết thì chẳng khá nhập-đàn, e mang lỗi cùng Trời Phật.
Trước
khi cúng Đấng Chí-Tôn, thường có thuyết Đạo, thì cả thảy phải lẳng-lặng mà
nghe. Ai có điều chi không hiểu hay là không vừa ý, thì chờ thuyết-giả nói hết
rồi mới hỏi lại, chẳng đặng cãi cọ giữa chừng. Còn xin hỏi, thì ai xin nấy hỏi,
mấy Đạo-hữu khác không đặng xen vào cãi lẫy. Như ai có muốn cãi, muốn hỏi điều
chi, thì phải xin phép thuyết-giả, chớ không đặng người nầy nói, người kia cãi
om-sòm, thì là vô lễ lắm.
Khi
cúng cùng là khi thuyết Đạo, Đạo-hữu nào còn ở hậu đường cũng phải giữ cho êm
tịnh, không đặng làm rầy-rà, cùng đi đứng lộn xộn, khua guốc, khua giày
lộp-cộp, lạc-cạc.
VII- PHAI XEM KINH SACH LUAT LE.
Sách
kinh luật-lệ trong Đạo chẳng khác nào ngọn đèn để soi tỏ bước đường cho người
giữ Đạo.
Người
ít học cần năng đọc sách xem kinh, một là mở-mang kiến-thức cho mình, hai đặng
rõ thông đạo-lý. Luật Đạo là qui-tắc dọn sẵn để mọi người do theo mà hành đạo
cho có chuẩn thằng, cho khỏi phạm điều giới cấm. Có người nhập-môn rồi mà không
lo học hỏi theo kinh sách, giữ mình theo luật-lệ; mỗi ngày miễn cúng tứ thời là
gọi đủ, rồi than phiền rằng vào Đạo rồi mà không thấy ai chỉ bày tâm-pháp
đạo-lý chi hết. Than phiền như vậy rất sai lầm, vì số bổn đạo vẫn hằng ức hằng
triệu, ai hơi đâu chỉ biểu từng người. Thiên thơ sẵn, chơn kinh sẵn, tại mình
không thỉnh mà xem để than phiền trái lẽ.
Đó là
phần người ít học. Còn phần người trí-thức, tuy mình tài cao trí rộng mặc dầu,
chớ mới bước chơn vào cửa Đạo, không thể nào hiểu Đạo cho rành, mà dầu có hiểu
thông đạo-lý đi nữa, cũng nên xem kinh sách nào thuở nay mình chưa đọc đến, vì
kinh sách ấy có lẽ cũng giúp thêm kiến-thức cho mình nhiều ít. Vả lại, tuy mình
tài trí mặc dầu, chớ mới đầu cơ, thế nào hiểu thấu tôn-chỉ cùng luật-pháp đạo
mầu cho rành-rẽ. Ví dụ như một vị thông-minh kia sang đến xứ lạ nọ, muốn biết
đường sá nơi ấy, cần phải hỏi thăm người bổn thổ, chớ có đâu tự-phụ mình là
người thông-thái không cần chi phải hỏi han đến kẻ thường nhơn thiểu học. Việc
Đạo cũng vậy; mình giỏi là giỏi về phương diện khác mà thôi, chớ mới vào cửa
Đạo, tức cần phải hỏi Đạo nơi người thông Đạo trước mình, hoặc là học cứu nơi
kinh sách. Đến khi rõ thông đạo-lý rành-rẽ rồi, nhờ trí-thức của mình ra công
nghiên-cứu thêm nữa, có lẽ mình sẽ trổi hơn người đã chỉ dẫn cho mình trước đó,
rồi mình có thể trước tác ra nhiều sách vở có giá-trị hơn sách vở mà mình đã xem
trong buổi nhập-môn cầu Đạo
VIII- PHAI XEM KINH SACH THE NAO?
Kinh
sách vẫn do nơi các Ngài rõ thông đạo-lý soạn ra, song các bực ấy vốn cũng
người phàm như mình (1) nên cũng có chỗ sai lầm sơ sót; vì vậy mà kinh sách tự
nơi mấy vị ấy soạn ra cũng có chỗ khuyết điểm sai lầm. Vả lại kinh sách làm ra
phải hạp thời tùy thế. Có nhiều quyển kinh xưa sách cũ đối với đời trước thì
rất hạp thời, mà đối với đời nay lại có lắm điều không hạp. (Tác-giả không
trưng bằng cớ ra đây là không muốn kích bác đến kinh sách nào cả).
Vậy
nên, muốn đọc kinh sách nào cho được bổ ích, là cần biết suy nghĩ nghiên-cứu,
khoản nào chánh lý để lòng, đoạn nào mơ-hồ chớ nên tin vội, chỗ nào hạp theo
thời thế thì nghe, khoản nào nghịch với tôn-chỉ mình thời bỏ. Chẳng nên quá tin
nơi kinh sách, chớ nên tưởng rằng kinh sách của Thánh-Hiền làm ra cả thảy, nên
dạy sao phải nghe nấy; đọc sách như vậy thì nguy hiểm đó. Kinh sách có chỗ đáng
tin mà có chỗ cũng không nên tin vậy; nếu tin hết thì phải lầm lạc; đọc kinh
sách mà không biết phân biệt điều nào hữu lý, điều nào phi lý, đọc kinh sách mà
trí-thức không biết mở-mang, tư-tưởng không biết dò lượng thành ra đã tổn công
vô ích lại còn làm nô-lệ cho kinh sách nữa; như vậy thà là đừng đọc là hơn.
Sách có câu: "Tận tín thơ bất như vô thơ". Nghĩa là : "Tin hết
sách chẳng bằng đọc được sách". (*)
Thuở
nay nhiều người quá tin nơi kinh sách điển xưa, cứ nhắm mắt tin theo từng chữ,
nghe từng câu, rồi hiểu sái, tin lầm, khổ tâm luyện Đạo. Than ôi! Đã không
ấn-chứng, thì chớ lại còn hại đến tinh-thần là khác. Ấy vậy, xem kinh sách để
rõ thông đạo-lý thì nên, chớ do theo đó mà luyện Đạo thì nguy lắm, vì hễ hiểu
lầm một mảy thì cũng đủ hại cho châu thân.
Muốn
luyện Đạo cho ấn-chứng, trước hết ta cần phải tu âm-chất và lập công bồi đức
cho đủ đầy; đến khi công viên quả mãn rồi, một câu tâm-pháp chơn-truyền của
Thầy ta là Đức Ngọc-Hoàng Thượng-Đế cũng đủ cho ta hiểu Đạo. Vả lại Đức
Thượng-Đế có dạy rằng: "Kinh điển giúp đời siêu phàm nhập Thánh chẳng khác
chi đũa ăn cơm. Chẳng có nó kẻ ăn cơm bốc tay cũng ăn đặng". Ý Đấng
Chí-Tôn muốn nói như vầy: "Kinh điển tỉ như đủa, luyện Đạo tỉ như ăn cơm.
Người đủ âm-chất, đạo-đức mà rõ thông kinh điển, thì luyện Đạo rất giản tiện,
tỷ như người ăn cơm có đũa vậy. Còn người có đủ âm-chất, đạo-đức mà không rõ
thông kinh điển đi nữa bất quá luyện Đạo khó một chút vậy thôi, thế nào luyện
cũng thành đặng, tỷ như kẻ ăn cơm, dầu không đũa, bốc ăn cũng xong vậy".
Tóm
lại, vào cửa Đạo rồi bất kỳ kinh xưa sách nay, thảy đều nên xem cho biết, song
cần phải xét suy chiêm nghiệm, phân biệt giả chơn thì đọc mới là bổ ích ./.
(1) Xin chớ lầm tưởng rằng kinh điển xưa vẫn là của
Thánh Tiên làm ra hết; dầu cho thiệt của Thánh Tiên đi nữa, cho lúc soạn ra
kinh điển ấy, các Ngài cũng vẫn còn phàm, thì tất phải còn lầm lạc.
(*) Phụ ghi: Chúng tôi nghĩ câu trên có thể là "Tin hết sách chẳng
bằng không đọc sách".