Trang

Thứ Ba, 18 tháng 2, 2025

5488. AI : Bài toán khó để Pháp và Liên Âu không bị loại khỏi bàn cờ quốc tế về trí tuệ nhân tạo

 

AI : Bài toán khó để Pháp và Liên Âu không bị loại khỏi bàn cờ quốc tế về trí tuệ nhân tạo

Đăng ngày: 

5 phút


RFI. 

Đứng trước cuộc cách mạng về công nghệ mới, Pháp nói riêng và châu Âu nói chung đã bị Mỹ, Trung Quốc qua mặt. Thượng đỉnh Hành động về Trí tuệ Nhân tạo AI tổ chức tại Paris liệu có là cơ hội để khẳng định là Lục Địa Già vẫn bám theo cuộc đua? 


https://www.rfi.fr/vi/ph%C3%A2n-t%C3%ADch/20250210-ai-b%C3%A0i-to%C3%A1n-kh%C3%B3-%C4%91%E1%BB%83-ph%C3%A1p-v%C3%A0-li%C3%AAn-%C3%A2u-kh%C3%B4ng-b%E1%BB%8B-lo%E1%BA%A1i-kh%E1%BB%8Fi-b%C3%A0n-c%E1%BB%9D-qu%E1%BB%91c-t%E1%BA%BF-v%E1%BB%81-tr%C3%AD-tu%E1%BB%87-nh%C3%A2n-t%E1%BA%A1o


Bản sao Đạo luật Trí tuệ Nhân tạo (AI) của Liên Hiệp Châu Âu" được trưng bày tại Triển lãm AI & Dữ liệu lớn 2025 tại Olympia, Luân Đôn, Anh, ngày 05/02/2025. REUTERS - Isabel Infantes

Quảng cáo

Nhưng làm thế nào để vượt qua nhiều thách thức lớn : Washington và Bắc Kinh cùng nhiều tiền mà Mỹ thì lại chủ trương để cho các doanh nghiệp tự do phát triển, không bị ràng buộc về các quy định luật pháp trong lúc mà cả Pháp và Liên Âu, tuy có nhiều nhân tài, nhưng lại thiếu « thiết bị » và cơ sở hạ tầng cần thiết ?

Trước khi khai mạc thượng đỉnh AI tại Paris, tổng thống Emmanuel Macron loan báo sẽ có khoảng 109 tỷ euro đầu tư vào Pháp trong những năm tới. Trong hai ngày họp 10 và 11/02/2025 chính phủ Pháp và Liên Âu công bố lộ trình phát triển trí tuệ nhân tạo AI cùng 35 địa điểm đón nhận đầu tư trên đất Pháp để xây dựng các cơ sở hạ tầng cần thiết. Cùng với Ấn Độ chủ trì sự kiện quốc tế này, Pháp công bố một tầm nhìn về công nghệ trí tuệ nhân tạo được cho là con đường thứ ba để phát triển AI, khác chiến lược của Hoa Kỳ dựa vào sức mạnh của đồng tiền và một môi trường tự do không bị luật lệ hành chính ràng buộc. Cũng theo chiều hướng nay, Liên Hiệp Châu Âu, Pháp, Ấn Độ đương nhiên không thể lấy mô hình phát triển AI của Trung Quốc làm gương, nơi mà tất cả đều đặt dưới sự kiểm soát của Đảng và Nhà Nước.

Theo giới phân tích, thượng đỉnh Paris dường như là cơ hội cuối cùng để Pháp và Liên Âu bảo vệ tính độc lập và tự chủ về công nghệ cao, sau nhiều thập niên bị đặt dưới sự « đô hộ » của các đại tập đoàn Mỹ trong nhóm GAFAM (Google, Amazon, Facebook Apple và Microsoft). Nhu cầu tự chủ đó lại càng trở nên cấp bách khi mà đồng minh Hoa Kỳ bước vào một giai đoạn chuyển tiếp với ông Donald Trump ở Nhà Trắng. Sử dụng công nghệ mới của Mỹ hay của Trung Quốc đồng nghĩa với việc chấp nhận nguy cơ vừa nuôi dưỡng thêm cho các công cụ thông minh được phát triển tại thung lũng Sillicon hay Thâm Quyến, vừa để thất thoát thông tin và dữ liệu vào tay những nước mà châu Âu không còn biết là « bạn hay thù ». 

Nhu cầu tự phát triển những công cụ thông minh riêng cho mình là điều tất yếu. Song châu Âu vấp phải hai trở ngại về mặt kỹ thuật : Lục Địa Già không tự chủ về kim loại hiếm để chế tạo chip điện tử, chất bán dẫn, không có những thiết bị cần thiết nên vẫn phụ thuộc vào các đối tác nước ngoài để có được những ứng dụng như ChatGPT của Mỹ hay gần đây hơn là DeepSeek của Trung Quốc. Bước kế tiếp là để những công cụ hỗ trợ thông minh của châu Âu hoạt động hiệu quả thì Pháp cũng như Liên Âu cần xây dựng thêm nhiều cơ sở hạ tầng, mà điển hình nhất là những « trung tâm xử lý dữ liệu - data center ». Về khía cạnh này Pháp nỗ lực thúc đẩy đầu tư, với tham vọng xây dựng thêm 35 cơ sở phục vụ công nghệ số trong thập niên sắp tới.

Bất lợi thứ ba của Pháp và châu Âu là vấn đề tài chính. Theo thống kê của châu Âu –ATOMICO State for Ẻuropean Tech 2024, trên thế giới cứ trên 100 đô la đầu tư vào trí tuệ nhân tạo, thì có 52 đô la đổ về Mỹ, Trung Quốc là 40 đô la trong lúc toàn khối Liên Hiệp Châu Âu chỉ thu hút được có 5 đô la. Nói cách khác Liên Âu bị Washington và Bắc Kinh bỏ xa lại phía sau. Điều này được giải thích như sau : Hoa Kỳ chủ trương « lấy thịt đè người » huy động hàng chục – thậm chí là hàng trăm tỷ đô la cho một lĩnh vực còn rất mới mẻ. Một mình tập đoàn Microsoft loan báo kế hoạch dành đến 80 tỷ đô la trong tương lai không xa để phát triển trí tuệ nhân tao. Ở Nhà Trắng, tân tổng thống Trump đưa ra con số 500 tỷ đô la cho dự án Stargate với sự đồng thuận của các quỹ đầu tư và các nhà tài phiệt của Hoa Kỳ và quốc tế. Tại Bắc Kinh chiến lược phát triển công nghệ cao chủ tịch Tập Cận Bình khởi động từ 2017 cho thấy rõ quyết tâm của Trung Quốc đọ sức ngang ngửa với Hoa Kỳ kể cả trong những lĩnh vực « mũi nhọn ».

Cuối cùng tất cả các nhà đầu tư trong thế giới « high tech » quốc tế đều ngần ngại dấn thân vào châu Âu do có rất nhiều các quy định luật pháp rắc rối, ràng buộc chằng chịt và những nguyên tắc đạo đức mà khối này chủ trương trong lĩnh vực công nghệ cao. Đó là những rào cản hạn chế sự sáng tạo của các doanh nghiệp. Song một số dấu hiệu cho thấy Lục Địa Già bắt đầu thay đổi. Điển hình là tổng thống Pháp trong phát biểu tối qua 09/02 nhấn mạnh rằng, phát triển các công cụ thông minh trước đã rồi mới tính đến chuyện đặt ra những quy định sử dụng chúng một cách hiệu quả và an toàn. Tuyên bố này phần nào nhằm xóa đi hình ảnh châu Âu là một nhà vô địch trên thế giới, khi cần, đặt ra nhiều luật điều tiết các hoạt động kinh doanh !