Trang

Thứ Tư, 19 tháng 2, 2025

5490. Góc nhìn từ luật nhân quả.

 Nhờ phát triển về khoa học kỹ thuật, từ thế kỷ 16 Châu Âu đã vượt đại dương để tìm thuộc địa. 

Thế kỷ 21 Châu Âu bị tụt hậu về khoa học, kỹ thuật mà AI là một ví dụ điển hình. Châu Âu liên minh với Hoa Kỳ nhưng bây giờ đang đối mặt với cảnh bị bỏ rơi, bị các cường quốc (Mỹ, Nga, Trung Quốc) đưa lên bàn cân tính toán để chia phần như khi Châu Âu chia phần thuộc địa. 

BBT không nhìn vào góc độ chính trị, quân sự ... mà nhìn từ góc nhìn Luật Nhân Quả. Hy vọng sau vòng nhân quả nầy nhân loại sẽ xây dựng được nền hòa bình lâu dài. Không có một quốc gia nào, một dân tộc nào chạy khỏi luật nhân quả. BBT.   

Bảo vệ Ukraina nhưng không có Mỹ : Châu Âu đứng trước thách thức lịch sử

Phản ứng của châu Âu sau khi Mỹ bắt tay với Nga đàm phán riêng rẽ về Ukraina, là đề tài chiếm nhiều giấy mực nhất hôm nay 18/02/2025.

Đăng ngày: 

11 phút



Tổng thống Pháp Emmanuel Macron (G), chủ tịch Hội Đồng Châu Âu Antonio Costa (T) và chủ tịch Ủy Ban Châu Âu Ursula von der Leyen tại Điện Élysée, Paris ngày 17/02/2025. REUTERS - Abdul Saboor

Quảng cáo

Đơn độc đối phó với Putin

Le Monde nhận định « Bị Mỹ bỏ rơi, châu Âu đơn độc trước Putin ». Đặc phái viên Le Monde tả lại, hàng trăm đại diện của giới tinh hoa ngoại giao – quân sự châu Âu rời khỏi Munich phủ đầy tuyết sau hội nghị an ninh hôm Chủ nhật 16/02, với tâm trạng lo lắng và đôi khi phẫn nộ, họ có cảm giác đã trải qua ba ngày rung chuyển thế giới. Tại Munich, sự mù quáng của châu Âu đã đột ngột kết thúc. Trước cả trận chiến thuế quan, trận bão Donald Trump đã để lại những thiệt hại đáng kể cho châu lục.

Mối quan hệ xuyên Đại Tây Dương đã từng vượt qua nhiều thử thách, là cột trụ của hệ thống quốc tế từ sau Đệ nhị Thế chiến, bỗng bị rạn vỡ sâu sắc một cách thô bạo. Tổng thống Phần Lan Alexander Stubb tóm tắt bằng một câu được cho là của Lênin : « Có những thập niên không có gì xảy ra, và rồi có những tuần lễ mà nhiều thập niên được dồn vào ». Một ví dụ : Phó tổng thống Mỹ JD Vance không có lời đáp nào cho hòa bình Ukraina, từ chối gặp thủ tướng Đức Olaf Scholz nhưng lại trao đổi với ứng cử viên đảng cực hữu Alternative für Deutschland, Alice Weidel, khi nước chủ nhà đang trong chiến dịch bầu cử.

Bỗng dưng khả năng Donald Trump hiện diện bên cạnh Vladimir Putin và Tập Cận Bình trên quảng trường Đỏ ở Matxcơva trong dịp diễn hành mừng chiến thắng 9 tháng Năm không còn là ảo tưởng. Tổng thống Mỹ còn nêu ra cả việc kết nạp lại Nga vào G7, sau khi đã bị đuổi ra vì chiếm Crimée năm 2014. Bộ trưởng quốc phòng Litva, bà Dovile Sakaliene nhận xét trong vòng 24 giờ, mọi sự bỗng thay đổi hẳn, từ hy vọng Hoa Kỳ bảo vệ châu Âu nay mọi người ý thức rằng phải tự thân vận động. Một loạt câu hỏi đặt ra về quốc phòng châu Âu, tuy hãy còn quá sớm, nhưng trong tình thế khó khăn, việc tái vũ trang châu Âu dường như bắt đầu khởi động

Châu Âu có thể bảo đảm an ninh cho Ukraina đến đâu ?

Theo Le Figaro, các bộ tham mưu đặt ra những câu hỏi rất cụ thể. Số lượng quân cần triển khai là bao nhiêu, có nhiệm vụ gì, làm thế nào tránh leo thang ? Chuyên gia Yohann Michel của IESD cho rằng cần xác định, hoặc ngăn quân Nga vượt sông Dniepr, hoặc bảo vệ biên giới phía bắc Ukraina để giúp quân đội nước này rảnh tay tăng cường trên mặt trận.

Tổng thống Volodymyr Zelensky nêu ra con số 200.000 quân nhân phương Tây, nhưng châu Âu không thể đáp ứng. Anh quốc sẵn sàng gởi quân sang « nếu cần thiết », Pháp là nước đầu tiên không loại trừ khả năng này, Thụy Điển và các nước Baltic rất nhiệt tình, riêng Đức từ chối. Trong hậu trường, châu Âu vẫn hy vọng Mỹ hỗ trợ thêm. Sẽ không có việc triển khai một khi chưa có thỏa thuận ngưng bắn.

Giới quân sự cho rằng ít nhất châu Âu phải đưa sang vài chục ngàn quân, có thể là 50.000, đóng tại các thành phố lớn Ukraina. Nga không thể tấn công tiếp trong ba đến năm năm tới vì còn phải củng cố lực lượng, trong thời gian đó châu Âu đã kịp gia tăng năng lực. Không có Mỹ, châu Âu thiếu phương tiện về tình báo và phòng không, nhưng Pháp và Anh có thể là bộ khung vì có kinh nghiệm tác chiến. Đối với Pháp, hoặc điều lực lượng đang đóng ở Rumani sang Ukraina, hoặc triển khai một lữ đoàn thiết giáp từ 6.000 đến 7.000 quân, còn lại là các nước khác. Quân đội Ba Lan có 164.000 lính nhưng lại chưa thực chiến. Đức có 185.000 nhưng bị nhiều ràng buộc, nếu tháo gỡ được có thể hỗ trợ về hậu cần.

Giải pháp khác : Kết nạp Ukraina vào EU

Không được vào NATO, làm thế nào bảo đảm an ninh cho Kiev ? Bà Ursula von der Leyen đề nghị đẩy nhanh tiến trình gia nhập Liên Hiệp Châu Âu (EU). Kiev đã nộp đơn năm ngày sau khi bị Nga xâm lược năm 2022, và đến tháng Sáu cùng năm được chấp nhận là ứng cử viên, tiến trình thương lượng chính thức mở ra từ cuối 2023. Song song đó, EU nhanh chóng viện trợ kinh tế và vũ khí, đạn dược.

Về mặt pháp lý, ít ai biết rằng điều 42-7 hiệp ước châu Âu quy định trong trường hợp một thành viên bị xâm lăng, các nước khác phải hỗ trợ bằng mọi cách. Tuy nhiên vì thiếu cơ cấu và một bộ chỉ huy chung, trên thực tế khả năng này bị hạn chế. Chuyên gia Léo Litra trên Le Figaro cho rằng nếu Ukraina không có trong NATO, nên tìm mọi cách để NATO có trong Ukraina. Ngoài ra tiến trình gia nhập EU đầy gai góc, hiện có 2 trong 6 hồ sơ với 26 chương cần giải quyết, mất ít nhất 5 năm, chưa kể các trở ngại về chính trị có thể xảy đến.

Một châu Âu với Pháp-Anh là đầu tàu thay vì Pháp-Đức ?

Les Echos kêu gọi « Xây dựng lại châu Âu ». Châu lục đang bị dồn vào chân tường - bức tường của Putin. Tại hội nghị Paris, trước sự rút lui của Mỹ, các nhà lãnh đạo châu Âu cho biết sẵn sàng bảo vệ Ukraina và đây là dịp để lập lại cơ cấu nòng cốt cho châu Âu.

Ông Emmanuel Macron có lý khi mời họp ngay sau hội nghị Munich, trước sự rạn vỡ quan hệ với Hoa Kỳ và tương lai Ukraina chao đảo. Cho dù hãy còn quá sớm để biết sẽ giải quyết như thế nào, ít nhất cũng bảo toàn được danh dự. Libération nói thêm, Hoa Kỳ không còn có thể được coi là đồng minh. Tổng thống Pháp không mời tất cả các nước châu Âu là đúng đắn vì không ít thành viên như Hungary đã phản bội các giá trị của châu lục.

Việc Anh quốc không chỉ chấp nhận lời mời của Pháp mà còn là quốc gia đầu tiên tuyên bố sẵn sàng gởi quân sang Ukraina, nhắc nhở Paris rằng đồng minh này luôn có mặt trong những thời điểm quan trọng của lịch sử. Trước Putin, mọi dấu hiệu yếu kém đều bất lợi. Theo Les Echos, dù tên gọi là châu Âu quốc phòng hay cộng đồng chính trị châu Âu, danh dự và tương lai châu lục đang được đặt cược vào đây.

Libération cho rằng Emmanuel Macron tuy có nhiều khuyết điểm nhưng là một nguyên thủ hết sức nhiệt thành với châu Âu. Thủ tướng Đức tương lai khó thể nhu nhược hơn ông Olaf Scholz, Ba Lan của ông Donald Tusk rất quyết tâm, bên cạnh đó Trung Quốc hoàn toàn không muốn Mỹ xích lại gần Nga. Như vậy châu Âu vẫn còn nhiều ưu thế, nhưng phải nhanh chóng vận dụng.

Nước Mỹ của Trump : Không bạn không thù, chỉ có lợi ích

Trả lời phỏng vấn của Libération, nhà nghiên cứu địa chính trị Frédéric Encel cho rằng đối mặt với nước Nga đế quốc và nước Mỹ vị kỷ, trong lúc NATO tê liệt, châu Âu cần phải độc lập về quốc phòng. Đó là vì Hoa Kỳ với sức mạnh quân sự vô song, dưới thời ông Trump chỉ bảo vệ những nước nào đồng ý trả chi phí.

Dưới mắt Donald Trump, việc bảo vệ châu Âu quá tốn kém. Đối với ông, không có bạn bè lẫn kẻ thù, chỉ có các định chế mang lại lợi ích hay làm hao tốn. Chẳng hạn Đức không chỉ chi ra quá ít cho quốc phòng, mà còn mua năng lượng rẻ của Nga để sản xuất các sản phẩm có giá trị tăng thêm, trong đó một số cạnh tranh với hàng Mỹ trên thị trường quốc tế. Cảm giác bị Berlin lợi dụng không chỉ có nơi Trump, mà ít nhất từ thời Obama đã đòi hỏi chi quân sự phải 2 % GDP, nhưng tới nay Đức vẫn chưa đạt. Hoa Kỳ không bỏ rơi châu Âu, chỉ bỏ rơi những nước không chịu chi dù trong hay ngoài châu lục.

Khi là kẻ mạnh, quyền lực cứng luôn quan trọng

Châu Âu vẫn tự coi là thế lực kinh tế, xã hội, kỹ nghệ và cả năng lượng, quy chuẩn, nhưng lại thiếu sức mạnh chính trị - gồm cả hai phương diện chiến lược và quân sự. Riêng Anh quốc, sau năm đời tổng thống Mỹ liên tiếp, đang nhận ra mối quan hệ đặc biệt với Hoa Kỳ từ thời Churchill năm 1945 nay không còn nữa. Luân Đôn nay đơn độc, và việc tạo ra nòng cốt chính trị quân sự với Pháp là cần thiết. Hai nước đều có vũ khí nguyên tử, ngân sách cần thiết và chiếc ghế thường trực ở Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc.

Cũng theo Libération, Hoa Kỳ không hề bị cô độc khi cắt đi mối quan hệ với châu Âu và gây sự với Canada, Mêhicô ; vẫn có liên kết về quân sự với các nước có khả năng chi trả như Nhật Bản, Hàn Quốc, Singapore, Úc, nhiều nước vùng Vịnh và châu Mỹ la-tinh. Khi là đại cường quân sự, quyền lực cứng luôn quan trọng, và Trump hiểu điều này.

Về phía Trung Quốc, sở dĩ đòi hỏi châu Âu phải được ngồi vào bàn thương lượng về Ukraina, đó là vì tất cả những gì làm các đại cường khác suy giảm sức mạnh đều tốt cho Tập Cận Bình. Một châu Âu mạnh mẽ nhưng chưa bao giờ cạnh tranh về quân sự với Bắc Kinh, sẽ làm Hoa Kỳ yếu đi ; đặc biệt châu Âu là thị trường lớn nhất của hàng Trung Quốc. Giáo sư Encel cho rằng coi Trung Quốc là đồng minh của Nga là sai lầm, vì Nga đã trở thành chư hầu lâu dài về kinh tế, công nghệ, và ngày càng cần bán năng lượng cho Trung Quốc. Bắc Kinh không quên rằng Matxcơva đã chiếm Đông Xibêri lúc Trung Quốc yếu kém trong thế kỷ 19.

Vì sao Washington và Matxcơva chọn Ả Rập Xê Út làm nơi đối thoại ?  

Có những địa điểm gần hơn là vùng sa mạc Ả Rập Xê Út, nhưng chính tại Riyad hôm nay các nhà đàm phán Mỹ và Nga bàn về số phận Ukraina. Một quyết định được đưa ra trong thời gian kỷ lục, ở cách xa châu Âu nơi cuộc chiến đang diễn ra. Nhà nghiên cứu Julia Tomasso của IRIS nhận định, quốc gia Ả Rập này gia tăng nỗ lực ngoại giao để đóng vai trò trung gian trong các xung đột quốc tế.

Quan hệ với Nga được củng cố thông qua liên minh Opep + để ổn định thị trường dầu lửa, còn ông Donald Trump từng dành cho « MBS » chuyến công du nước ngoài đầu tiên hồi năm 2017. Cuộc đàm phán hôm nay nằm trong chiến lược rộng rãi hơn của Ả Rập Xê Út nhằm đánh bóng hình ảnh trên trường quốc tế. Le Figaro và La Croix giải thích, do thái tử Mohammed Ben Salman (MBS) chia sẻ lợi ích về năng lượng với Nga và có cùng quan điểm với Donald Trump.

Mohammed Ben Salmane mang món nợ ân tình lớn lao với Donald Trump. Sau vụ sát hại nhà báo Jamal Khashoggi ngày 02/10/2018, báo cáo của CIA cho biết MBS chính là chủ mưu, lãnh đạo các nước đều tẩy chay nhưng Donald Trump vẫn ủng hộ. Quan hệ vẫn kéo dài sau khi ông Trump thất cử năm 2020, chủ yếu nhờ việc làm ăn giữa Mohammed Ben Salmane và Jared Kushner, con rể Donald Trump. Trong cuộc điện đàm hồi tháng 11, nhà lãnh đạo Ả Rập Xê Út hứa đầu tư 600 tỉ đô la vào Hoa Kỳ, và Donald Trump đề nghị « làm tròn số thành 1.000 tỉ ». Năm 2016, MBS đã hứa mua 450 tỉ đô la hàng Mỹ nhưng rốt cuộc chỉ có 14,5 tỉ đô, tuy nhiên điều này không quan trọng.

Còn Vladimir Putin cũng tươi cười với MBS khi ngồi cạnh trong hội nghị G20 ở Buenos Aires, vài tuần sau vụ Khashoggi. Để thực hiện mục tiêu hiện đại hóa đất nước từ nay đến 2030, MBS cần sự ổn định, nên đã hòa giải với Iran và xích lại gần Trung Quốc. Một nhà ngoại giao nhận xét, Ả Rập Xê Út rất thực dụng. Họ không hề ảo tưởng về Trung Quốc lẫn Nga, nhưng nắm bắt mọi cơ hội có lợi cho mình.