Trang

Thứ Tư, 12 tháng 2, 2025

5470. Đức Hộ Pháp tuyên bố phản đối việc chia đôi đất nước (Paris 02-7-1954)

 Đức Hộ Pháp tuyên bố phản đối việc chia đôi đất nước và phiến trách chính phủ hai miền không nhìn nhận lẫn nhau.


Ngày 3 tháng 6 năm Giáp-Ngọ (2 Juillet 1954):

Âu Du Ký, Hồ Bảo Đạo.

Sáng ngày báo-chí Suisse đăng tin thất-thủ Bùi-Chu, Phát-Diệm. Quân-đội Pháp rút chạy xuống tàu độ-binh không kịp, phải lấy thêm ghe thuyền chở đi, còn quân Việt-Minh thì xả súng bắn theo. Binh Pháp-Việt chống cự yếu-ớt, chỉ có một vài đồn tự-vệ của Công-Giáo là chống cự mãnh-liệt, quyết tử-chiến, đến khi hết đạn phải đánh bằng dao găm cho đến tên lính cuối cùng mà chẳng có một viện-trợ võ khí nào do Phi-Cơ Hà-Nội đưa đến.


ĐỨC HỘ-PHÁP và chúng tôi đọc hết tin ấy rất bùi-ngùi vì cảnh người giết người.

10 giờ Có vị phóng-viên báo Agence France Press (A.F.P.) đến phỏng-vấn ĐỨC NGÀI về thời cuộc trong lúc ĐỨC NGÀI đang xúc-động. ĐỨC NGÀI có mấy lời tuyên-bố mà báo Journal d'Extrême Orient ở Sai-Gon đã đăng ngày 3 Juillet, mà các báo ở Paris vẫn yên-lặng cũng là chuyện buồn cười. Số là vị phóng-viên AFP sau khi nói chuyện với ĐỨC HỘ-PHÁP xong liền đánh về cho Văn-Phòng Trung-Ương ở Paris. Ở đây có 3 phòng: 1.- Phòng Thông-Tin, 2.- Phòng Tòa-Soạn, 3.- Phòng Chủ-Nhiệm và Quản-lý.

 Khi bức điện ở Génève đánh về thì phòng Thông-tin tiếp đặng thay vì đưa phòng Tòa-soạn hay phòng Chủ-nhiệm xem trước, lại sao lục gởi tuốt qua Sai-Gòn một bản, còn một bản mới đưa qua phòng Tòa-soạn. Chừng phòng Tòa-soạn xem thấy lời tuyên-bố của ĐỨC NGÀI, thì cho là quá khích nên ngăn lại không cho đăng báo, nhưng không ngăn kịp bên Sai-Gon, vì vậy mà lời tuyên-bố của ĐỨC NGÀI tại Génève làm chấn-động ở Sai-Gon, còn ở Paris chẵng có một ai hay biết. Theo lời tuyên-bố này, ĐỨC NGÀI phản-đối sự chia xẻ nước Việt Nam.

8 g chiều Chiều nay sẽ hội-kiến với phái-đoàn Việt-Minh đã thảo-luận về 8 khoản trong bản kiến-nghị. Trong phái-đoàn của Đạo có Ông Trần-Tuyên, song Ông Tuyên đã về Paris hồi 4 giờ chiều và đã trả phòng rồi. Chúng tôi lấy làm lạ sự vắng mặt đột-ngột này, nhưng sáng hôm sau, Ông Thái tiếp đặng bức thư của Ông.

Đúng giờ ước hẹn, chúng tôi đến một nơi được xe phái-đoàn Việt-Minh đến rước, mấy anh em đã gặp nhau bữa trước đón tiếp, anh Thanh-Sơn vì bận việc nên không đến dự buổi hội này. Bắt đầu, Ông Bảo-Thế khởi chuyện (bàn về chánh-trị) hai chánh-phủ Quốc-Gia Việt Nam và Chánh-Phủ Việt Nam Dân-Chủ Cộng-Hòa, Ông Phan-Anh (Trưởng phái-đoàn Việt-Minh) không chánh-thức nhìn nhận rõ rệt Chánh-Phủ Quốc-Gia, chỉ cười và đánh trống lãng mãi. Đêm càng khuya cuộc thảo-luận không tiến-hành được, nóng ruột vì tự biết rằng chúng tôi không thể ở đây tháng này qua tháng kia như hội-nghị Génève cho được, nên xen vào xin hỏi Ông Phan-Anh ý-nghĩa của điều thứ ba bản kiến-nghị do phái-đoàn Việt-Minh đưa ra về hai câu '. . . Triệu-tập một hội-nghị hiệp-thương gồm đại-biểu chánh-phủ hai bên ở Việt Nam' và về câu 'sau khi hai bên đã cùng chung nhau căn-cứ hiệp-định đình-chiến để thương-lượng thỏa-thuận, thì chánh-phủ mỗi bên sẽ quản-lý vùng mình kiểm-soát'.

Tôi nhấn mạnh chánh-phủ hai bên và Chánh-Phủ mỗi bên đây có phải là ám-chỉ Chánh-Phủ Quốc-Gia và Chánh-Phủ Dân-Chủ Cộng-Hòa hay không?

 Ông Phan-Anh cũng lờ đi không muốn trả lời.

Ông Bảo-Thế nhấn mạnh rằng 'Ông Phan-Anh hiểu rõ lắm nhưng tại Ông không muốn nói mà thôi'.

Thấy rằng việc chưa rõ rệt lắm nên xin thông-qua vấn-đề này để bàn về chuyện khác. Sau chúng tôi yêu-cầu lập một chánh-phủ thống-nhứt lâm-thời do người cầm đầu của hai chánh-phủ hiện tại hiệp nhau lo cuộc tổng tuyển-cử thì may ra mới có chỗ công-bình. Nếu chánh-phủ mỗi vùng cứ tổ-chức riêng biệt thì không sao tránh khỏi sự bất công và dân-chúng cũng không đặng tự-do đầu-phiếu.

Ông Phan-Anh vẫn đánh trống lãng còn Ông Bảo-Thế thì cứ đeo đuổi theo vấn-đề hai Chánh-Phủ, câu-chuyện đòng đưa cho đến khuya chúng tôi từ-giã ra về mà trong lòng vẫn băn-khoăn.

@@@

 

Ngày 4 tháng 6 năm Giáp-Ngọ (3 Juillet 1954):

Sáng nay trời trong mây tạnh, Tôi qua phòng ĐỨC HỘ-PHÁP báo-cáo công việc đêm hôm. Khi ĐỨC NGÀI nghe nói rằng vấn-đề hai Chánh-Phủ không thừa-nhận nhau, ĐỨC NGÀI tỏ ý bất mãn. Thấy vậy tôi dâng ý-kiến nên thảo một bức thư gởi cho phái-đoàn Việt-Minh để bày-tỏ tình-trạng hiện-tại để cho có một bằng chứng về sau. ĐỨC NGÀI bằng lòng và dạy thảo một bức thơ giao cho Ông Bảo-Thế ký tên. Khi qua phòng, Ông Bảo-Thế trách tôi sao lại bày ra vụ viết thơ làm chi cho thêm khó lòng. Tuy nói vậy rồi Ông cũng thảo ra một bức trong đó tôi giúp vài ý-kiến, đến chiều bức thơ vừa xong, chưa chép sạch.

4 g chiều Trời sáng tốt, mệt vì lo tiếp khách mỗi ngày như bông-vụ, ĐỨC HỘ-PHÁP đi dạo vườn hoa hường có Ông Pech theo (Ông này từ Paris mới qua giúp Bà Pech rửa bớt hình).

Sau khi ĐỨC NGÀI đi dạo, chúng tôi (Tôi và Ông Bảo-Thế) ngắm về phía cửa sổ thoạt thấy hai cái xe ngựa, xe song mã kiểu xưa đậu dưới đường, đấy là xe cho mướn đi dạo mười quan một giờ. Mướn xong chúng tôi cho xe qua vườn hoa thì gặp ĐỨC NGÀI.