Trang

Thứ Năm, 29 tháng 6, 2023

4685. VI BẰNG HỘI VẠN LINH (1933)

Ấy vậy, Đạo có Quyền Vạn linh chớ không có Hội Vạn linh. (ĐHP/1933)

ĐẠI ĐẠO TAM KỲ PHỔ ĐỘ

(Đệ bát niên)

Tòa Thánh Tây Nính

VI BẰNG

Nhóm “Hội Vạn Linh

Tại Tòa Thánh Tây Ninh ngày 19–5–Quí Dậu (dl 11–6–1933)

Nhơn có tờ của Chức sắc Thiên phong HTĐ và CTĐ, Hội viên Thượng Hội mời nhóm đặng công đồng bàn luận việc lỗi của Quyền Giáo Tông Thượng Trung Nhựt sớm mơi ngày 6–1933, chư Đạo hữu nam nữ tề tựu đông đảo tại Tòa Thánh Tây Ninh.

https://khoinhonsanh2014.blogspot.com/2023/05/4639-bai-3-trong-3-bai-dien-van-cua-uc.html (KHÔNG CÓ HỘI VẠN LINH)

Đúng 10 giờ khai hội, chư Chức sắc Thiên phong và Đạo hữu đến trước Bửu điện, nhưng cửa đã khóa chặt rồi, có 2 vị Đạo hữu đứng giữ.

Ông Quyền Chưởng Pháp Nguyễn Trung Hậu hỏi chìa khóa thì 2 người trả lời rằng ông Giáo Sư Ngọc Trọng Thanh được lịnh của QGT dạy khóa cửa Bửu đỉện và cấm không cho mở. Khi ấy có thầy Cai Tổng và 3 Hương Chức làng sở tại đến giữ gìn trật tự. Ông Nguyễn Trung Hậu xin thầy Cai Tổng chứng lời khai ấy và dạy 2 người giữ cửa ký tên vô tờ khai để làm Vi bằng. Đoạn sai đi mời ông Giáo Sư Ngọc Trọng Thanh đem chìa khóa đến. Ông không đến, chờ quá 20 phút đồng hồ cho chắc rằng ông Giáo Sư Trọng không chịu đến, ông Nguyễn Trung Hậu bèn nói lớn cho chư Đạo hữu đứng xung quanh biết rằng: “Hôm nay anh em chúng ta về Tòa Thánh đặng hiệp nhau bàn tính việc quan hệ của Đạo, mà ông QGT cấm mở cửa Bửu điện, vậy tôi xin hỏi chư Đạo hữu coi, Bửu điện là của riêng ông QGT hay là của chung của toàn cả chư Đạo hữu?”

Chư Đạo hữu đứng tại đó trên 500 người đồng rập một tiếng nói rằng: là của chung.

Ông Hậu lại hỏi: “Của chung mà ông QGT ra lịnh khóa lại, vậy chúng ta tính làm sao?

Chư Đạo hữu đồng dơ tay lên rập một tiếng: Chúng ta phải mở cửa ra.

Các việc nầy có thầy cai tổng và làng chứng kiến.

Liền đó, một vị Đạo hữu leo lên song ly vào Bửu điện vặn thông hồng mở cửa ra. Cửa mở ra rồi, Chức sắc Thiên phong nhập Bửu điện và Đạo hữu nam nữ đồng theo vô.

Khi hay mở cừa Bửu điện rồi, thì chư Đạo hữu ở chung quanh Tòa Thánh trước kia vì bị lịnh QGT hăm dọa và ngăn trở mà không dám đến, bây giờ mới lần lượt kẻ trước người sau vào Bửu điện, chia ra 3 ban, phía bên nam phái đứng xem chật nứt, còn bên nữ phái thì có hơi rải rác một chút.

Chức sắc của 3 Hội có mặt là:

4 vị Hội viên Thượng Hội: Quyền Chưởng Pháp: Nguyễn Trung Hậu, Lê Thiện Phước, Phạm Văn Tươi và ông Quyền Ngọc Đầu Sư Lê Bá Trang.

4 vị Giáo Sư: Ngọc Kinh Thanh, Thượng Lai Thanh, Thượng Thình Thanh, Thái Minh Thanh.

16 vị Giáo Hữu: Ngợi, Hiển, Lợi, Đối, Thêm, Thành, Bảy, Học, Giáp, Dành, Đàng, Huỳnh, Tri, Họa, Bộ, Môn.

Còn nhiều Thiên phong Chức sắc không mặc Thiên phục phải đứng theo hàng Vạn linh, nhiều vị Lễ Sanh Đầu Họ Tỉnh, Đầu Họ Quận, các Chủ Th. Thất và chư Phái viên Hội Nhơn Sanh, hiệp kể chung với số Đạo hữu trên ngàn người.

Báo giới Tây Nam thì có quí ông:

Vabois (Courrier de Saigon)

Bonvicini (Opinion)

Trạng sư Diệp Văn Kỳ và Nguyễn Thế Phương (Công Luận)

Nguyễn Phan Long (Đuốc Nhà Nam)

Khi lập ban xong rồi, chư Đạo hữu làm lễ ra mắt Đức Chí Tôn và chư Tiên Phật. Xong việc lễ rồi, ông Quyền Ngọc Đầu sư mở lời trước như vầy:

“Kính trình cùng chư vị Đạo hữu nam nữ, ngày nay chư vị Đạo hữu đặng tờ mời trước không mấy ngày mà đành chịu hao tốn cực nhọc đến đây đông đủ như vầy, chúng tôi xin để lời chào mừng và cám ơn chư vị. Đặng tờ mời, kế đặng lịnh cấm nhặt mà chư vị cũng đi đến, ấy là một việc của chư vị xử riêng cùng lương tâm, tôi không lẽ nói việc vậy là phải hay không, chỉ để cho chư vị đến rồi còn có ngày giờ xem xét thêm mà quyết đoán cho ra lẽ phải chăng.

Còn phần tôi, giờ nầy đứng ra đây tỏ đôi điều cùng chư vị là vì phận đứng đầu sổ cáo, và đầu tờ mời, lại cũng có lãnh vai giải nghĩa sơ qua cho một phần chư vị chưa đọc được Châu Tri và Vi bằng Thượng Hội cho rõ cái mục đích của buổi nhóm Hội hôm nay.

Số là: Anh Cả chúng ta là ông Thượng Trung Nhựt sái phận sự QGT nên chúng tôi là 7 Chức sắc HTĐ và CTĐ có nhóm tại Bửu điện lo ngăn ngừa sự sái ấy, cho nền Đạo khỏi ngửa nghiêng thêm nữa.

Lần thứ nhứt là hôm 19 tháng chạp năm rồi (15–1– 1933) mời Đức QGT đến bàn luận việc yếu thiết của Đạo. Ngài không đến vì Ngài cho rằng mời thiếu lễ. Lần thứ nhì, hôm 22 tháng 3 năm nay (16–4–1933) Ngài cũng cho rằng mời thiếu lễ nên không đến.

Vì chúng tôi được đủ số Hội viên của Thượng Hội nên có nhóm lại xem xét kỹ lưỡng, thiệt quả là QGT có lỗi với Đạo nên lập Vi bằng gởi cho Ngài xem, xin mãn 8 ngày, trả lời cho biết việc chúng tôi cáo Ngài là phải hay quấy. Trả lời không nói đến việc quấy phải, cứ cho rằng Hội nhóm không đúng pháp luật, không đủ lễ nghĩa với Ngài.

Mời Ngài đôi ba phen không đến, gởi tờ không trả lời cho rõ việc oan ưng thế nào, nên nay phải mời thêm chư vị Hội Thánh và Hội Nhơn Sanh cho đủ 3 Hội, hiệp lại kêu là Hội Vạn Linh” đến xem xét lại.

Công việc chúng tôi làm có sái pháp luật chỗ nào, có bất công bất chánh hay không, xin hết lòng chỉ giáo. Bằng xem xét không có chỗ nào sái phép thì nên hiệp cùng chúng tôi mà thi hành những điều quyết định trong Tờ Vi bằng ngày 22 tháng 3 An nam (16–4–1933).

Xin chư vị nam nữ nghĩ lại mà coi, bởi ý muốn hòa mới là đôi ba phen mời nhóm cho anh em có đường phân giải thiệt hơn cùng nhau mà QGT không chịu đến, để đi làm những việc sái luật đạo và luật đời, xúi người nầy ngỗ nghịch kình chống với người kia, rồi không thi hành phận sự, có phải là tại Ngài muốn loạn không?

Vậy nay mà muốn thấu đáo việc chúng tôi đã làm ra rồi đây, có chánh đáng cùng không, tôi tưởng phải làm như vậy thì đặng công bình.

Cử một Ban ủy Viên tạm thời đặng điều đình việc chúng ta sẽ bàn luận. Bất luận là Chức sắc hay Đạo hữu cũng đều được phép chọn cử vô Ban Ủy Viên ấy, vì lúc nầy cả thảy chúng ta là đồng một quyền môn đệ của Đức Chí Tôn, không còn phân nhỏ lớn nữa. Ban Ủy Viên gồm có 4 người:

Một ông Nghị Trưởng

Một ông Nghị Phó.

Một ông Từ Hàn.

Một ông Phó Từ Hàn.

Ban nầy thay mặt cho cả Ba Hội kêu là Hội Vạn Lình, được quyền đối phó cùng quyền hành Chí Tôn.

Nên xin lựa chọn Đạo hữu nào đủ tư cách, biết Đạo và biết Đời, có đủ cớ là người biết lo cho Đạo, không phải phe phái nào hết.

Đó, chúng tôi có mấy lời thưa cùng chư vị, xin để hết lòng vì Đạo, minh chánh việc nầy ra cho nền Đạo được rỡ ràng, cho nhơn sanh có chỗ dựa nhờ cho xứng đáng.

Khi dứt lời thì có ông Giáo Sư Ngọc Kỉnh Thanh xướng lên: Cử ông Nguyễn Phan Long làm Nghị Trưởng Ban Ủy Viên tạm thời.

Chư Đạo hữu đứng gần truyền lần lời xin ấy ra cho cả thảy Đạo hữu xung quanh nghe biết thì toàn cả chư Đạo hữu hiện diện đồng ưng cử ông Nguyễn Phan Long làm Nghị Trưởng, vì là người đủ tư cách, thuở giờ không thuộc đảng phái nào, tài đức có, lại làu thông cả việc Đạo và việc Đời.

Ông Nguyễn Phan Long không thế từ, phải vào lãnh ghế Nghị Trưởng.

Ông Trương Duy Toản được cử: Phó Nghị Trưởng.

Ông Giáo Hữu Tuyết Tân Thành: Từ Hàn.

Ông Chánh Trị Sự Phạm Văn Long: Phó Từ Hàn.

Ban ủy Viên cử xong, ông Nghị Trưởng đứng lên khai hội. Ngài nói:

Thưa chư Đạo hữu,

Ngày nay tôi ra mắt Thầy, sau ra mắt chư Đạo hữu lần thứ nhứt, nhưng đã lâu nay tôi vẫn ái mộ Đạo, vẫn sùng bái Thầy. Tôi sở dĩ lấy tư cách nhà viết báo mà lên đây, không dè chư Đạo hữu quá yêu, nhứt tâm công cử tôi làm Nghị Trưởng hội đồng tạm thời nầy, thiệt là một điều, tuy là vinh diệu, song có hơi quá phận sự của tôi. Nhưng chư Đạo hữu đã đồng tâm chiếu cố, tôi đâu dám chối từ.

Thưa chư Đạo hữu,

Nền Đạo của Đức Chí Tôn mấy năm trước thạnh hành như lửa cháy, rồi sau phải chịu nhiều nổi khó khăn. Bên ngoài, kẻ ganh người ghét, kiếm trăm phương ngàn kế đề ngăn cản sự tấn hóa của Đạo; Bên trong lại sanh lắm điều rắc rối, anh em một đạo mà chia ra nhiều phe nhiều phái, không hòa thuận với nhau. Tưởng có khi người cầm quyền mối Đạo không đủ tư cách và không đắc nhơn tâm nên mới ra cớ đỗi.

Xin chư Đạo hữu biết rằng, trong Đạo ngày nay có gần triệu tín đồ và danh Đạo đã bay ra ngoại quốc, Nước Đức, nước Ba Lan, nước Ấn Độ, nước Lithuanie... đã biết tên Đạo và họ kính trọng Đức Giáo Tông của mình lắm, tưởng không thua gì Đức Thánh Pha Pha bên Thiên Chúa Giáo. Chúng ta cần phải có một vị làm đầu cho xứng đáng mới chẳng hổ với người. Vậy mà coi Đạo ngày nay có vẻ suy đồi. Mới đây, có báo đăng tin rằng: trong Đạo hữu có 47 người đã qua nhập đạo Thiên Chúa. Trong số nầy có một vị trước theo Đạo Minh Sư. Người nầy còn hứa sẽ đem thêm vài ngàn Đạo hữu khác vào đạo Thiên Chúa nữa. Ấy là chỗ nguy hiểm của Đạo đó.

Có nhiều Đạo hữu tưởng rằng, bởi Đức Quyền Giáo Tông thiếu đức nên ngày naỵ đem Ngài ra vấn nạn ở buổi nhóm nầy. Xin chư Đạo hữu nhớ câu: “Hữu công tắc thưởng, hữu tội tắc trừng.”

Còn bổn phận tôi thì phải giữ trật tự và để cho hai bên tiên cáo và bị cáo biện bác lời lẽ của mình cho thong thả.

Ông Nghị Trưởng dứt lời. Ban ủy Viên bắt đầu làm việc. Trước hết, ông Nghị Trưởng xin dùng lễ khiêm tốn viết thơ mời Đức Quyền Giáo Tông đến trả lời những điều Ngài bị cáo giữa Hội cho ra lẽ minh bạch.

Quyền Ngọc Đầu Sư: Lời yêu cầu của ông Nghị Trưởng sợ e không được hiệu quả, vì chiều hôm qua, tôi có viết thơ cho QGT hay và xin mời Ngài đến dự hội. Bây giờ đã quá giờ nhóm rồi mà không thấy hồi âm, thế thì chắc Ngài chẳng khứng đến. Vậy xin phiền cùng Ban Ủy Viên thân hành đến Giáo Tông Đường mời Ngài.

Cả thảy Đạo hữu đều ưng thuận lời xin của ông Quyền Ngọc Đầu Sư. Ban Ủy Viên thi hành việc ấy. Hội Vạn Linh lại phái thêm 3 Giáo Hữu 3 phái đồng hành cùng Ban Ủy Viên.

Khi đến Giáo Tông Đường thấy cửa ngõ đóng, ông Nghị Trưởng xin vô, người giữ cửa mời vào phòng nhà gác. Ban Ủy Viên vào nhà gác cửa rồi, thì ông Nghị Trưởng viết thơ xin ra mắt Đức Quyền Giáo Tông. Thơ như vầy:

Thưa Ngài,

Nhơn sanh mới cử Ban Ủy Viên, có tôi là Nguyễn Phan Long và mấy ông nữa đặng chứng kiến việc biện bác về lời bố cáo trong Đạo cách mấy bữa rày.

Tuân theo ý muốn của nhơn sanh và giữ phép khiêm tốn, Ban Ủy Viên xin yết kiến Ngài, đặng mời Ngài ra mắt hội đồng.

Vậy Ngài định lẽ nào xin Ngài Ngài cho Ban Ủy Viên biết.

Nay kính.

Ký tên: Nguyễn Phan Long.

Thơ đưa rồi, chờ gần 20 phút đồng hồ, QGT cho người mời vào dinh thì thấy ông Quyền Ngọc Chánh Phối Sư Trần Duy Nghĩa ra nói: Đức QGT dạy tôi đến rước quí ông.

Ban Ủy Viên theo vô phòng. Ông QGT chào, mời ngồi, kế hỏi:

– Hôm nay là Hội gì mà mời tôi?

Nghị Trưởng: – Hội Vạn Linh.

QGT: – Tôi không thế đi được, vì hội sái phép,

Nói đoạn, Ngài dở sổ ra đọc cái thơ trong đó có bài chấp bút dạy về sự lập hồng thệ. Đọc một hồi lâu, ông QGT hỏi 2 vị Chánh, Phó Từ Hàn: Ban Ủy Viên có biết 3 vị Quyền Chưởng Pháp lãnh trách nhậm có đúng luật lệ hay không?

Phó Từ Hàn: – Chúng tôi được tờ mời về đặng nghe nói chuyện Anh Cả. Khi đến hội, được nhơn sanh tín nhiệm công cử vào Ban Ủy Viên, nay đi đến mời Anh Cả, còn phần luật lệ đúng hay không, xin hỏi lại mấy người đứng tờ mời.

Nghị Trưởng: – Nhơn sanh đương chờ đợi, xin mời Ngài đến dự hội.

QGT: –Tôi không thế đi được, vì hội không đúng pháp luật. Vả lại, việc Đạo tôi lãnh phần đối đãi với chánh phủ, sau tôi giao quyền lại cho ông Thượng Tương Thanh. Còn mấy tháng sau đây thì về phần ông Giáo Sư Latapie. Cho nên chuyện xin phép tắc thì về phần ông Giáo Sư Latapie mà ông nầy không có xin phép, hội làm sao?

Tuy nói vậy chớ QGT cũng phái mấy ông kể sau đây thay mặt cho Ngài đến nhóm hội:

Quyền Ngọc Chánh Phối Sư: Trần Duy Nghĩa.

Quyền Thái Chánh Phối Sư: Phạm Tấn Đãi.

Quyền Thượng Chánh Phối sư: Thái Văn Thâu.

Tiếp Thế: Lê Thế Vĩnh.

Chức sắc Ngoại Giáo: Thượng Bảy Thanh, Thượng Chữ Thanh, Hương Phụng.

Ngoài ra: lại cố 2 ông Trạng sư Dương Văn Giáo và Diệp Văn Kỳ. Hai ông nầy lại cáo từ.

Ban Ủy Viên về cho Hội hay rằng: QGT nói hội nhóm hôm nay sái phép, không đúng luật Đạo, nên không đến, song có phái 9 vị Chức sắc có tên trên đây thay mặt đến dự nhóm.

Cách một hồi lâu, Chức sắc thay mặt đi đến Bửu điện, thấy có ông Lê Thế Vĩnh mặc Thiên phục, còn kỳ dư mặc đồ thường. Ban ủy Viên liền mời vào, rồi ông Nghị Trưởng giới thiệu cho chư Hội viên biết. Kế đó ông Lê Thế Vĩnh trình 2 tờ thay mặt cho QGT và Hộ Pháp trong buổi nhóm nầy.

Nghị Trưởng: Tôi xin cho Hội đồng rõ biết, ông Lê Thế Vĩnh có tờ thay mặt cho ông QGT và Hộ Pháp.

Vậy trong khi Phái viên của QGT đứng lên nói, xin chư Đạo hữu phải êm tịnh mà nghe lời bào chữa cho QGT và xin chư vị đến nhóm hôm nay phải tuân 3 điều kể dưới đây đặng giữ phần trật tự trong buổi nhóm hội:

Mỗi người đứng nói không quá 15 phút đồng hồ.

Vấn đề nào nối rồi, người sau không phép lập lại nữa.

Ban Ủy Viên cho phép thì mới được nói. Khi người nói, chư Đạo hữu phải ráng lẳng lặng mà nghe.

Kế trao lời cho ông Lê Thế Vĩnh.

Tỉếp Thế: – Tôi xin lỗi Hội đồng. Trước khi nói, vì em có lỗi, nên xin cho phép làm lễ Đức Chí Tôn rồi sẽ nói sau.

Làm lễ rồi, ông Tiếp Thế nói tiếp: Xin lỗi ông Nghị Trưởng, em làm theo phận sự, Đạo theo Đạo, đời theo đời. Em có hứa với Quyền Chưởng Pháp Lê Thiện Phước là anh của em, ngày nay em không ra đây. Em thất lời hứa, có lỗi tình cốt nhục, em xin lạy anh để tạ lỗi. Nói rồi lạy 1 lạy.

Quyền Chưởng Pháp Lê Thiện Phước: – Đạo có phần Đạo, em tôi có phận sự riêng, tôi không nhậm cái lạy. Tiếp Thế là em tôi, ở đây không có quyền hành chánh, vì nhẹ tính nghe lời cám dỗ ra gánh vác việc nầy là một điều sái phép, tôi không thế ngồi nghe em tôi tranh luận, vậy tôi xin kiếu ra Hội.

Tiếp Thế: – Ngày nay lãnh phần thay mặt cho QGT và Hộ Pháp rất khó cho tôi, vậy tôi xin lui. Tiếp Thế đi ra.

Nghị Trưởng: – Xin hai ông: Chưởng Pháp và Tiếp Thế hãy để tình cốt nhục riêng ra, đây là nơi công đồng về sự đạo lý, mỗi ông đều có phần trách nhậm theo bổn phận, không vì cốt nhục mà trái phận sự được. Vậy xin ông Tiếp Thế ở lại dự Hội. (Ông Tiếp Thế đi luôn).

Quyền Ngọc Đầu Sư: Tôi xin nói việc nầy: QGT bị cáo cũng nhiều việc, có một hai việc khi hỏi đến, tôi sẽ xin Ngài quì giữa Thiên Bàn thề rồi sẽ nói, mà nay Ngài không đến, để phái người thay mặt, chúng tôi hỏi, biết đâu mà trả lời, vì có việc một mình Ngài và tôi biết mà thôi. Còn tôi không hiểu cái số người thay mặt là bao nhiêu cho QGT, mà sao đây tôi thấy đông người, An nam có, Tây có, đờn ông đờn bà có? Tuy nói vậy cho biết chớ nay xin cho mấy người bào chữa, tôi cũng chịu hết. Luôn đây, tôi xin Hiền hữu Thượng Bảy Thanh đem trả những giấy tờ về Thượng Hội, tôi đã giao cất dùm mà Hiền hữu nói lần lựa hoài, thoảng bị cáo hỏi bằng cớ, tôi lấy đâu mà trưng ra.

Nghị Trưởng: – Xin ông Thượng Bảy Thanh đem hết giấy tờ bữa nhóm Thượng Hội ra đây đặng xem xét lại mới biết bên nào phải bên nào quấy.

Thượng Bảy Thanh: – Xin nhường cho chị Hương Phụng là đờn bà nói trước rồi tôi sẽ trả lời sau.

Bà Hương Phụng: – Tôi đã được giấy mời nhóm Hội, rồi lại tiếp được Châu Tri ngăn cấm, không biết liệu thế nào, nhưng tôi cũng ráng đến xem coi công việc ra sao, chớ tôi không phải là người của QGT phái đến. Tôi sở đĩ đến đây dự thính, hầu sau sẽ tường thuật lại các việc xảy ra cho bổn đạo Kim Biên hay biết.

Quyền Ngọc Chánh Phối Sư Trần Duy Nghĩa: – Thưa mấy anh mấy chị, tôi đến đây chẳng phải là người thay mặt cho QGT, tôi đến dự đây có phần riêng của tôi. Tôi hay được buổi nhóm hôm nay, là thấy một tờ báo quốc âm có đăng tin nầy. Chúng tôi làm Châu Tri số 2 là để cấm ngăn người đến dự Hội. Tôi cho rằng Hội nhóm sái phép, Hội hôm nay ra sao? Theo luật đạo, tôi hiểu, về quyền mời Hội Nhơn sanh thì về phần Thượng Chánh Phối Sư, còn mời Chức sắc Thiên phong thì về phần tôi là Ngọc Chánh Phối Sư. Nay Quyền Ngọc Đầu Sư gởi giấy mời thì sái. Chính mình tôi sai người đóng cửa Bửu điện không cho nhóm hội. Tôi không thiên vị bên nào. Tôi lấy làm lạ sao Quyền Ngọc Đầu Sư nói việc riêng của QGT mà lại mời nhóm đại hội như vầy?

Quyền Ngọc Đầu Sư: Hiền hữu nói hội sái phép, vì chiếu theo Đạo Nghị Định thứ tư của Đức Lý Giáo Tông thì Thượng Chánh Phối Sư mời Hội Nhơn Sanh, còn Hội Thánh thì về phần Hiền hữu là tạm Ngọc Chánh Phối Sư mời. Xin Hiền hữu coi lại Châu Tri năm rồi và năm nay, cho biết ai mời Hội Thánh. Có phải là Ngọc Chánh Phối sư thiệt thọ, Quyền Đầu sư không, còn Hội Nhơn Sanh thì Thượng Chánh Phối Sư Quyền Đầu Sư mời, mà nay Quyền Thượng Đầu Sư vì bịnh mà vắng mặt thì tưởng tôi mời thế cũng được.

Lại cho Hiền hữu và chư Đạo hữu biết luôn rằng, tôi đã đặng lịnh riêng của Đức Lý Giáo Tông giao việc “nên hư của Đạo” cho tôi. Nay nền Đạo chinh nghiêng tới nỗi nầy, Hiền hữu cũng rõ là tại đâu, vậy thì việc mời nhóm hay là làm việc chi khác nữa cho nền Đạo khỏi hư thì tưởng tôi cũng đặng được phép làm. Còn Hiền hữu nói tôi nói việc riêng của tôi và QGT, xin Hiền hữu đọc lại cho hiểu Tờ Vi bằng Thượng Hội, 12 khoản, coi có khoản nào là việc ngoài đời hay là việc riêng tôi với QGT. Và xin Hiền hữu nhớ lại coi năm ngoái đây, ai đứng chung tờ với 2 vị Chức sắc HTĐ cư ngụ ở Sài Gòn, gởi cho chúng tôi hay biết rằng ông Thượng Trung Nhựt hết xứng phận sự, cần phải xa nền Đạo, mà nay Hiền hữu là Chức sắc HTĐ đến đi tùng phục người hết xứng đáng mà hành chánh. Sau nầy xin hỏi cho biết, Tòa Thánh là của riêng Hiền hữu hay sao mà Hiền hữu được phép ra lịnh đóng cửa Bửu điện, cấm nhơn sanh và tôi nhóm.

Quyền Ngọc Chánh Phối Sư: – Vì sao tôi ký tên trong thơ cùng 2 vị Chức sắc HTĐ? Vì tôi có lập thệ, lấy dạ vô tư. Vì sao tôi lãnh chức Quyền Chánh Phối Sư, tại nơi Hội Thánh định. Vì sao 3 Chánh Phối Sư lên Quyền Đầu Sư, nên ngôi Chánh Phối Sư khuyết, Có lịnh Hộ Pháp phái, về việc tôi đứng tên trong thơ, còn một lẽ nữa, buổi đó Chức sắc HTĐ đứng tờ cấm ngăn QGT, đồng nhìn nhận không xứng đáng, tới ngày nay, tôi cũng còn nhìn nhận QGT là không xứng đáng.

Nghị Trưởng: – Tôi xin chư Đạo hữu hãy nghe và nhớ lời ông Quyền Ngọc Chánh Phối sư Trần Duy Nghĩa mới nói đó: ông cũng nhìn nhận rằng QGT không xứng đáng.

Quyền Ngọc Chánh Phối Sư: – Tôi không binh bên nào, bỏ bên nào. Hội nhóm hôm nay không đúng pháp luật, tôi xin kiếu, chiều tôi không dự hội, nếu hội đúng phép Đạo thì tôi cũng chung hiệp với mấy ông đứng ra tổ chức thì QGT không chạy đâu khỏi luật Đạo, và hôm nay Ngài cũng không được thong thả trốn tránh như vầy.

Thượng Chữ Thanh: – Ông Quyền Ngọc Đầu Sư mời hội không đúng phép, lại công chúng đến đây không phải bấy nhiêu đây mà đủ số nhóm hội.

Nghị Trưởng: – Tôi cho ông Thượng Chữ Thanh biết rằng, chư Đạo hữu các nơi về nhóm hội ngày nay, được bao nhiêu đây, tưởng cũng là đông đảo lắm rồi. Ông dư biết rằng: QGT, Hộ Pháp, và 3 vị Quyền Chánh Phối Sư với phe binh vực Ngài, dùng hết phương thế cản ngăn cuộc nhóm hôm nay, nào là Châu Tri số 2 hăm dọa giáng cấp, hoặc trục xuất những người về Tòa Thánh, nào là bố cáo dán khắp nơi, cũng đồng một mục đích, lại còn truyền ra như ai lỡ về, phải vào Hạnh Đường và phòng Nội Chánh ký tên xin lỗi, cho đến đỗi, nhiều người đem Châu Tri bố cáo rải khắp nẻo đường, chận ngõ không cho Đạo hữu vào Tòa Thánh. Bao nhiêu phương thế cản ngăn như vậy, mà Đạo hữu về nhóm trên ngàn người tưởng không phải là số ít đâu!

(Tới đây vì đã 1 giờ trưa rồi, sợ chư Đạo hữu vừa mệt vừa đói, nên ông Nghị Trưởng xin tạm ngưng buổi nhóm, 2 giờ rưỡi sẽ tái hội.)

NHÓM HỘI BUỔI CHIỀU: 3 giờ.

Gần 3 giờ chiều, hội nghị khai trở lại, số Đạo hữu nam nữ dự hội kém bớt vài trăm. Mãi đến 3 giờ, chư phái viên của QGT lần lượt vào Bửu điện, thấy những ông:

Quyền Ngọc Chánh Phối Sư Trần Duy Nghĩa. (1) ghi chú: (1) Ông nầy tuy nói chiều không đến nữa nhưng rồi cũng đến.

Quyền Thái Chánh Phối Sư Phạm Tấn Đãi.

Quyền Thượng Chánh Phối Sư Thái Văn Thâu.

Giáo Sư Latapie.

Phái Ngoại giáo thì có: – Thượng Bảy Thanh, Thượng Chữ Thanh.

Lại cũng có 2 ông Trạng sư: Diệp Văn Kỳ và Dương Văn Giáo.

Mấy ông phái viên an vị rồi, ông Diệp Văn Kỳ trình cho ông Nghị Trưởng một cái giấy của Hộ Pháp gởi, ông Nghị Trưởng liền đọc cho Hội nghe. Trong giấy, ông Hộ Pháp phái ông Diệp Văn Kỳ thay mặt cho ông để biện luận trong buổi nhóm nầy. Câu chót có mấy lời như vầy: “Tôi sở dĩ cậy ông Diệp Văn Kỳ thay mặt là vì trong buổi nhóm nầy, chẳng những trong Hội viên mà ngay trong Ban Ủy Viên cũng có người ngoài Đạo dự vào.” Đọc xong, ông Nghị Trưởng liền nói:

Buổi nhóm nầy để vấn nạn ông QGT chớ không phải vấn nạn ông Hộ Pháp, thì chỉ có QGT phái người thay mặt của Ngài mà thôi. Vả lại, hội nhóm nầy để bàn tính việc Đạo, mà ông Diệp Văn Kỳ không phải là người trong Đạo, chỉ được dự thính mà thôi, đâu có quyền tranh luận. Còn câu chót, chắc ông Hộ Pháp muốn nói xéo tôi. Ông Hộ Pháp tưởng như thế là lầm, tôi đã vào Đạo 3 năm nay, được ban chức Giáo Sư, song ít khi đến đặng Tòa Thánh, nên nhiều người trong Đạo chưa rõ.

Lê Kim Tỵ: Lời ông Nghị Trưởng nói rất đúng với sự thật. Ngài là chủ nhiệm 2 tờ báo: Tribune Indochinoise và Đuốc Nhà Nam, thiết tưởng ai cũng biết, mấy năm nay, 2 tờ báo nầy thường đứng ra binh vực Đạo rất sốt sắng nồng nàn, lại ông Nghị Trưởng Nguyễn Phan Long chẳng những đã nhập môn rồi, mà trong Ngũ Chi như Minh Lý, Minh Tân, Minh Thiện, vv...  đều nhìn nhận Ngài cho chưn trong mấy Chi hết.

Diệp Văn Kỳ: Việc thay mặt được cùng không tưởng cũng không quan hệ. Tôi chỉ xin cho Hội biết rằng, tôi đến đây không ý binh ai bỏ ai, hay xu phụ theo phe đảng nào. Ông Hộ Pháp cậy tôi thay mặt là cốt để giải bày một ít Đạo luật cho Hội biết mà thôi. Chí như nói ông Hộ Pháp là người không dính dấp với Hội nầy. tôi e chẳng đúng. Hội đã công khai giữa Bửu điện, thì bất kỳ một tín đồ nhỏ nhen cũng được quyền tranh biện, phương chi Hộ Pháp là người giữ pháp luật Đạo trên hết Chức sắc. Còn nói QGT sai người đến thay mặt tức là nhìn nhận buổi nhóm nầy đúng luật lệ, lại là một cách buộc Ngài chạy chung quanh cái vòng tròn chẳng có đường ra. Không đến, mấy ông trách, sai người thay mặt, mấy ông lại bảo nhìn nhận buổi nhóm nầy.

Chưởng Pháp Nguyễn Trung Hậu: – Thưa chư Đạo hữu, ông Diệp mới vừa nói rằng. Ông được Hộ Pháp ủy quyền biện giải luật đạo giữa hội, vì Hộ Pháp chưởng quản về phần luật.

Phải, Hộ Pháp chưởng quản đạo luật, không luật nào khỏi tay Ngài được, nhưng Ngài ủy quyền cho ông Diệp lại là một điều trái luật đó. Vả chăng, dưới quyền Hộ Pháp thì có: Thượng Sanh, Bảo Pháp, Bảo Đạo, Bảo Thế, Hiến Pháp, Hiến Đạo, Hiến Thế, vv... Đành rằng nếu 3 vị Bảo Pháp, Bảo Thế, Hiến Đạo đứng về bên tiên cáo thì còn lại mấy vị HTĐ khác, lẽ thì Hộ Pháp ủy quyền cho một ông trong mấy vị ấy mới phải, chớ giao quyền thay mặt cho ông Diệp là người ngoài đạo là nghĩa lý gì? Tôi cực lực phản kháng việc nầy,

Giáo Sư Thượng Chữ Thanh: – Tôi xin trả lời cho ông Hậu, ông Hộ Pháp đã phái ông Tiếp Thế thay mặt cho Ngài, song vì tình anh em, không thế nhóm được nên ông Tiếp Thế phải về. Tôi xin hỏi bên HTĐ hội ngày nay cố đủ số nhơn sanh không? Mấy ông nhóm không đúng luật đạo mà dám mời Đạo hữu về hết.

Chưởng Pháp Nguyễn Trung Hậu: – Đạo là Đạo, anh em là anh em, ông Tiếp Thế vì tình cốt nhục không chịu tranh biện với anh nên bỏ ra về, ấy là tự ý ông Tiếp Thế, nào có ai buộc ông bỏ hội mà ra đâu. Ông Thượng Chữ Thanh trả lời với tôi mà ông lại còn nói thêm những là: Hội nhóm không đúng luật đạo, là những việc không ăn chịu với câu nói trên của tôi, tôi cho là lạc đề. Nếu ông muốn tranh biện cùng tôi cho rõ hội nhóm đúng luật đạo hay không, xin ông chịu phiền hỏi riêng câu khác, tôi sẽ trả lời cho.

Nghị Trưởng: Ngày giờ ít, tôi xin hỏi chư Đạo hữu, ông Diệp Văn Kỳ có quyền dự hội hay không?

Giáo Sư Ngọc Kỉnh Thanh: – Chẳng đủ luật, không đặng phép dự.

Chưởng Pháp Nguyễn Trung Hậu: – Tôi là Bảo Pháp bên HTĐ nay Quyền Chưởng Pháp bảo giữ luật lệ cùa Đạo, tôi không công nhận ông Diêp Văn Kỳ được quyền dự Hội hôm nay.

Diệp Văn Kỳ:Vậy xin mấy ông nán đợi tôi về trả lời với ông Hộ Pháp coi Ngài còn có phái ai đi thế quyền cho Ngài nữa không?

Quyền Ngọc Đầu Sư: Tôi xin nói thêm ít lời cho ông Giáo Sư Thượng Chữ Thanh hiểu: Hiền hữu thường nói việc hội hôm nay không đúng luật, không đúng phép, không đủ số người hội viên. Đủ số thêm cho đông, cho nhiều, càng thêm nhục nhã cho QGT, vì ông Ngọc Chánh Phối Sư Trần Duy Nghĩa mới nhìn nhận lại nữa giữa đây rằng: QGT không xứng đáng phận sự.

Giáo Sư Thượng Chữ Thanh: – Tôi ước ao, từ Giáo Tông sắp xuống đều phải tuân theo luật đạo, ráng làm sao cho trúng luật thì rất may cho Đạo lắm đó, chớ kẻ nhỏ mà bất tuân lớn, là không thông hiểu Đạo.

Lê Kim Tỵ: – Ngày hôm nay, chư Đạo hữu tề tựu đông đảo mà quí ông cứ nói chuyện ngoại hoài, thì rốt cuộc vô ích. Vậy tôi xin cứ đem những vấn đề trong tờ Vi bằng ra mà bàn tính.

Nghị Trưởng: – Xin nhắc lại cho Đạo hữu nhớ, trong lúc hội nhóm, phàm muốn bàn cãi một vấn đề nào thì phải viện lý lẽ cho đủ và nhứt là chẳng nên nhắc chuyện riêng, đừng có châm chích hay là nói dông dài mà mất ngày giờ, vậy xin mấy ông không nên đem việc cá nhơn ra mà nói.

Bác vật Phan Lương Báu, Đạo hữu ở Ô Môn: – Ngày nay, hơn ngàn Đạo hữu đường xa về dự nhóm hội, rồi lại mấy ông nói không đúng phép, thế thì Đạo hữu phải trở về hết hay sao? Tôi xin ví dụ: Như muốn ăn trái cam mà cứ liếm ngoài vỏ thì bao giờ nếm được chất ngọt của nó. Vậy xin cứ đem các vấn đề trong Vi bằng ra biện luận, chớ để cãi cọ dây dưa biết mấy ngày cho rồi.

Nghị Trưởng: – Tôi xin hỏi lời chót: Hãy lấy dạ vô tư, tránh sự biện luận lạc đề. Buổi nhóm hội nay nói chuyện ông Giáo Tông mà thôi, chớ đừng biện luận việc ngoài nữa. Vậy tự nãy giờ tranh luận cũng đã lâu rồi, tôi xin đọc mấy khoản trong Vi bằng.

Chưa kịp đọc Vi bằng thì ông Tiếp Thế và ông Diệp Văn Kỳ trở vào Bửu điện. Ông Tiếp Thế trình thơ. Ông Nghị Trưởng xem rồi nói rằng: Buổi nhóm hội sớm mai, ông Tiếp Thế đã từ hội về thì 2 cái giấy của QGT và Hộ Pháp ủy quyền cho ông Tiếp Thế kể như đã hủy rồi. Chiều nay ông trở lại, chỉ cầm cái thơ nầy là thơ riêng của Hộ Pháp gởi cho ông, chẳng phải là giấy ủy quyền của QGT phái đến thay mặt. Vậy phiền ông nên về xin QGT ký tên vào bức thơ nầy, đặng chứng rõ rằng Ngài còn giao quyền cho ông chiều hôm nay nữa.

Đến đây, ông Thượng Bảy Thanh đứng dậy, lên tay nói lớn: – Xin lỗi ông, tôi thuở nay vẫn kính trọng ông là người hữu tâm với Đạo, nhưng cử chỉ của ông ngày nay lấy làm bất minh, ông lấy quyền nào chủ tọa Hội nầy? còn Hội nầy là Hội gì? Lại ông vào Đạo hồi nào? Không ai biết.

Nghị Trưởng: – À, ông biết tôi là người hữu tâm với Đạo, chẳng những vậy thôi, mà tôi còn hết lòng triêm ngưỡng Đạo Đức Chí Tôn nữa. Tuy việc đời ràng buộc tôi ít lên đây, chớ tôi thường hầu đàn nơi khác. Tôi thọ chức Giáo Sư. Có Thánh Ngôn, có văn bằng, ông không biết thì thôi, tôi biết làm sao được. Từ khi mở Đạo đến giờ, thái độ của tôi vẫn công bình chánh trực, ông thấy chỗ nào tôi thiên vị đâu mà dám gọi là bất minh? Chỗ nầy không phải chỗ nói lớn tiếng, ông còn làm rầy, tôi xin mời ông ra khỏi Hội.

Ông Thượng Bảy Thanh lại nói thêm rằng: – Nhà thờ nầy lập ra nay thành ra trường diễn thuyết chớ không phải chỗ thờ phượng.

Nói rồi, ông ngó ngay Quyền Ngọc Đầu Sư mà nói lớn: – Hiền huynh Ngọc Trang Thanh, tôi cùng Hiền huynh sẽ đối diện ngày về cùng Thầy, Hiền huynh thọ Thiên điều đừng trách.

Ông Thượng Bảy Thanh liền đi ra khỏi Bửu điện thì Chưởng Pháp Nguyễn Trung Hậu kêu lại xin ông trả giấy tờ bữa nhóm Thượng Hội.

Thượng Bảy Thanh: – Trả lại cho ai?

Nói rồi ông quày đi liền. Cũng liền đó có một vị Đạo hữu đứng lên la nói om sòm, nói không ăn thua vào đâu hết, nghe ra như nhà sư thuyết pháp vậy, bên nữ phái lại có một Nữ Giáo Sư than khóc inh ỏi. (Vả lúc ấy nhà chuyên trách giữ trật tự chưa đến kịp, nên phe phản đối thừa dịp khuấy rối cho mất điều êm tịnh.)

Nghị Trưởng: – Ông Tiếp Thế, buổi mơi tôi có mời mà ông không ở lại, còn cái thơ ông đem lại buổi chiều nay là cùa Hộ Pháp gởi cho ông, thì ông không đủ quyền nhóm hội.

Quyền Chưởng Pháp Nguyễn Trung Hậu: – Nếu thơ nầy là thơ riêng của Hộ Pháp gởi cho Tiếp Thế thì ông Tiếp Thế để dành lấy mà coi.

Tiếp Thế: – Sớm mơi được hai cái thơ cho thay mặt, em tứởng em đủ quyền trọn buổi hội.

Nghị Trưởng: – Nếu buổi mơi ông đừng giận bỏ ra đi, thì ông được trọn quyền dự hội, trái lại ông đã bỏ hội mà đi ra rồi giờ nầy trở lại, sợ e QGT đã đổi ý, không khứng giao quyền cho ông nữa, xin ông về xin giấy thay mặt khác.

Q. Chưởng Pháp Nguyễn Trung Hậu: – Chỗ nầy chẳng phải chỗ chơi, ai muốn đến muốn về chừng nào cũng đặng.

Tiếp Thế: – Vậy thì tôi xin lui.

Ông Nghị Trưởng khởi đọc Tờ Vi Bằng Thượng Hội, khoản cáo thứ nhứt:

KHOẢN THỨ NHỨT

Về Đạo Nghị Định đề ngày 5–1–1933 của QGT lập ra mà trục xuất tín đồ Nguyễn Văn Lịch (Kêu là Biện Lịch) có Hộ Pháp đồng ký chỉ.

Quyền Ngọc Đầu Sư tỏ rằng: Đây nói về phần luật pháp, không phải nói đến phần phạm nhơn. Hễ tín đồ phạm luật Đạo, thì chiếu theo Tân Luật (chương thứ 7 điều thứ 27) có Hội Công Đồng phán đoán. Hội nầy được quyền trục xuất, chớ QGT không nên lạm quyền đặc biệt của Hội Công Đồng. QGT trục xuất Biện Lịch như vậy là lạm quyền. Vả lại, QGT lo phần thiêng liêng, còn phần sửa trị thì có Chức sắc khác giao thông với tín đồ. Theo ý Ngài thì Giáo Tông thường hay ân xá hoặc giảm tội chớ không lẽ tăng, hoặc vì việc riêng mà trục xuất một Đạo hữu nào có việc tư với mình. Lại Hộ Pháp có tỏ với Ngài rằng tưởng là Nghị Định đuổi phạm nhơn ra khỏi Tòa Thánh, chớ không dè là trục xuất nên mới ký tên.

Chư Hội viên đều ngạc nhiên cho vị tối cao bên HTĐ là Hộ Pháp mà trước khi ký tên một tờ giấy chi, chẳng chịu đọc cho hiểu tờ giấy ấy.

Tới đây, Chưởng Pháp Lê Thiện Phước tỏ rằng: Vậy thì Hộ Pháp cũng nhìn nhận rằng Quyền Giáo Tông không có quyền trục xuất tín đồ.

Chưởng Pháp Nguyễn Trung Hậu tỏ rằng: Có dâng tờ kêu nài về khoản ấy với Hộ Pháp đã lâu rồi, nhưng ngày nay chưa thấy định đoạt ra sao.

Lời quyết nghị của Thượng Hội sau khi chư Hội viên bàn tính, thì Thượng Hội định hủy tờ Đạo Nghị Định đề ngày 5-1–1933 nói trên đây, vì bất hợp pháp và giao phạm nhơn ra Hội Công Đồng phán đoán y theo Tân Luật.

Luôn dịp, Chưởng Pháp Nguyễn Trung Hậu tỏ rằng: Nghe Hộ Pháp giải rằng: Tòa Thánh và các Thánh địa chung quanh là của riêng của Quyền Giáo Tông. Ngài lấy làm lạ vì Tòa Thánh với các Thánh địa là của chung, là giọt mồ hôi của nhơn sanh, không lý nào của riêng của QGT vì chẳng phải QGT lấy tiền bạc nhà mà sắm ra.

Chư Hội viên đồng tỏ rằng, lời của Hộ Pháp nói ra như vậy không được chánh lý. Tòa Thánh là của cả nền Đạo tức là của cả nhơn sanh, không ai được nói là của riêng của mình, vả lại Đức Chí Tôn đã dạy rằng: Tòa Thánh là nhà chung của cả bổn đạo.

Đọc dứt khoản ấy, ông Nghị Trưởng hỏi chư Đạo hữu rằng: Ai có điều chi bào chữa hay là phản đối ông QGT chăng?

Chư Đạo hữu lẳng lặng, không ai nói chi hết.

Ông Nghị Trưởng tiếp đọc khoản thứ nhì:

KHOẢN THỨ NHÌ

Quyền Ngọc Đầu Sư đọc Đạo Nghị Định đề ngày 11–2– 1933 của Quyền Giáo Tông và Hộ Pháp ký tên về việc thăng ba Chánh Phối Sư lên địa vị Quyền Đầu Sư. Ngài tỏ rằng khi Đức Lý Giáo Tông và Hộ Pháp đã lập 6 Đạo Nghị Định thì cái Nghị định thứ hai ngày mùng 3–10–Canh Ngọ (22–11–1930) đã thăng 3 Chánh Phối Sư lên Đầu Sư rồi, sau lại có một Đạo Nghị Định nữa ngày 30–11–1930 của Hộ Pháp và Đức Lý Giáo Tông đã ban hành đặc biệt rồi, nên không cần phải lập thêm Đạo Nghị Định ngày 11–2–1933 làm gì nữa.

Vả lại, quyền thăng thưởng cho Chức sắc là của Chí Tôn với Tam Trấn, chớ dưới thế nầy không ai được quyền thăng thưởng chức cho một người khác, vì vậy nên Ngài xin hủy Đạo Nghị Định nói trên đây. Theo lời bàn của Chưởng Pháp Lê Thiện Phước và Nguyễn Trung Hậu thì Thượng Hội định không hủy Đạo Nghị Định ấy, nhưng sửa chữ thăng ra chữ giao mà thôi.

Về khoản nầy cũng không có ai ra nói chi hết.

Ông Nghị Trưởng nói: Vậy thì chư Đạo hữu đều nhìn nhận 2 khoản ấy đúng với sự thật.

Tới đây, ông Nghị Trưởng có hơi mệt, xin nhường lại cho ông Quyền Ngọc Đầu Sư đọc tiếp.

Ông Quyền Ngọc Đầu Sư đọc khoản thứ ba:

KHOẢN THỨ BA

Quyền Ngọc Đầu Sư tỏ rằng từ mùng 3–10–Canh Ngọ, tuy Đức Lý Giáo Tông đã lập Đạo Nghị Định ban quyền cho mỗi vị Đại Thiên phong, nhưng QGT Thượng Trung Nhựt nắm cả quyền hành Giáo Tông và Đầu Sư. Xin xem các Châu Tri sau đây và thơ QGT gởi cho ba vị Chánh Phối Sư thì rõ.

Chưởng Pháp Lê Thiện Phước hỏi: Sao khi đó không phản kháng, thì Quyền Ngọc Đầu Sư trả lời rằng: Thật khi ấy Ngài chưa rõ quyền hành Quyền Đầu Sư tới đâu và hai vị Quyền kia cũng vậy. Ngài nhớ chắc rằng, Hộ Pháp có nói quyền hành của Ngọc Chánh Phối Sư sắp xuống.

Chưởng Pháp Lê Thiện Phước hỏi, vậy có điều chi hại Đạo chăng?

Thì Quyền Ngọc Đầu sư tỏ rằng: nay nói ra đây cho biết việc trên phạm quyền dưới, làm cho 3 Quyền Đầu Sư không rõ quyền hành của mình (xem Vi bằng ngày 25–12–32).

Quyền Thượng Đầu Sư cũng để lời than: Anh Cả nay nắm quyền Giáo Tông, mai nắm quyền Đầu Sư, nên 3 vị Cựu Chánh Phối Sư chỉ có biết tuân theo lịnh trên hành sự mà thôi.

Quyền Ngọc Đầu Sư tỏ rằng: QGT lập Châu Tri gởi ngay cho Chức sắc và Đạo hữu, không tuân y Pháp Chánh Truyền, nắm một lượt 2 quyền thì là lạm quyền đó. Lớn lấn quyền nhỏ thì phạm tội, phải giải ra Tòa Tam Giáo. Cũng có nhiều khi Quyền Ngọc Đầu Sư bàn tính với Quyền Giáo Tông xin lãnh hành chánh QGT thiệt thọ đi thì Ngài nói không dám, để ở địa vị Đầu Sư. Câu trả lời nầy nghe rất khiêm tốn mà ý trí sâu xa. Vì lớn phạm quyền nhỏ nên 3 Quyền Đầu Sư không được rõ quyền hành của mình. Vả lại Hộ Pháp rõ biết việc lạm quyền nầy nhưng không có chỉ giải, để đến sau đây mới tỏ ra. Thật tình Quyền Ngọc Đầu Sư không rõ quyền hành ấy, nếu thuở giờ mà rõ biết thì QGT không thế nào lạm quyền được.

Nghị Trưởng tỏ rằng: QGT có ý làm như vậy đặng dụng lưỡng quyền, tùy theo hoàn cảnh tiện lợi cho mình.

Chưởng Pháp Nguyễn Trung Hậu tỏ rằng: Hễ nắm nơi tay 2 quyền hành chẳng phải trọn của mình đặng lợi dụng thì phạm luật đó.

Quyền Ngọc Đầu Sư tỏ thêm rằng: Mới rồi đây, giữa Hội Thánh và trong tờ Vi bằng của HTĐ nhóm hôm 11–2– 1933, Hộ Pháp có nói rằng, 3 Quyền Đầu Sư nắm 2 quyền trong tay, muốn làm sao tự ý, nên Ngài phải nói ra đây cho rõ rằng hồi giờ (từ năm 1930) Chánh Phối Sư, Quyền Đầu Sư, lo việc hành chánh theo trách nhậm Chánh Phối sư hết 9 phần một hai khi chỗ nào có cần dùng tới chức Đầu Sư thì mới đem lên thế vị đó vậy, thời Ngài tưởng cho Hộ Pháp phải nói rằng: Quyền Giáo Tông nắm 2 quyền một lượt mới là phải, vì không lẽ 2 việc quyền, như một (Quyền Đầu Sư và Quyền Giáo Tông) mà thấy cái nầy, không thây cái kia, nghĩa là thấy Đầu Sư chuyên quyền mà lại không thấy Giáo Tông chuyên quyền.

Sau khi Hội viên bàn tính, thì Thượng Hội định rằng: QGT Thượng Trung Nhựt, biết mình đã được thăng chức QGT mà khi thì dùng Quyền Đầu Sư, khi thì dùng QGT, thì là lạm quyền. Chiếu theo Đạo Nghị Định thứ nhứt ngày 22–11–1930 của Đức Lý G. Tông thì phạm tội, phải giải ra Tòa Tam Giáo.

Dứt khoản thứ 3, ông Nghị Trưởng hỏi chư Đạo hữu có ai bào chữa cho QGT không?

Khi ấy có Đạo hữu Phò (Thơ ký Nội Chánh mới của QGT) đứng ra nói:

Sớm mơi ông Tiếp Thế đã được lịnh thay mặt cho QGT, sao chiều nay ông Nghị Trưởng không cho?

Nghị Trưởng: – Sớm mơi ông Tiếp Thế tự quyền cáo thối, thì 2 tờ thay mặt kia kể như đã hủy rồi, nay muốn trở lại dự hội thì phải xin giấy ông QGT ủy quyền lại mới được. Tưởng chẳng thất công chi, chỉ viết vài chữ, ký tên là đủ.

Thượng Chữ Thanh: – Tôi ao ước sao Hội vui lòng nhóm lại một lần nữa cho đúng luật lệ, cho ông QGT có đủ ngày giờ đến dự.

Quyền Ngọc Đầu Sư: – Ông muốn vậy, theo ý tôi cũng được.

Nghị Trưởng: – Như vậy thì dây dưa ngày giờ lắm. Chúng ta nhóm đây là cốt công luận coi ông QGT có lỗi không, thiết tưởng nhóm như buổi hôm nay cũng đủ rồi, chớ mỗi lần nhóm thì hao phí, mất ngày giờ cho nhơn sanh chẳng ít, song giữa đây muốn cho công bằng, tôi xin hỏi trong Vạn Linh, ai định nhóm một lần nữa?

Nhơn sanh lại rập nhau một tiếng nói: không bằng lòng.

Qụyền Ngọc Đầu Sư: Vì nghe một phần Đạo hữu không rõ luật pháp của Đạo, cho rằng làm việc nầy là bất công bất chánh, nên tôi xin nhắc một việc Đạo hữu Lịch và hỏi các Đạo hữu, nhứt là Giáo Sư Thượng Chữ Thanh có biết QGT đặng phép trục xuất ai không?

Thượng Chữ Thanh: – Xin ông Nguyễn Trung Hậu trả lời giùm.

Chưởng Pháp Nguyễn Trung Hậu: Hộ Pháp đã nói là sái phép rồi. Đoạn ông Quyền Ngọc Đầu Sư liền đọc Tờ Vi bằng nhóm hội hôm 19 tháng chạp năm rồi, cho chư vị biết rằng Hộ Pháp cũng nhìn nhận QGT lập Nghị Định mà trục xuất như vậy là sái phép, vì quyền trục xuất tín đồ là quyền đặc biệt của Hội Công Đồng.

Thượng Chữ Thanh: – Xin hãy kể tội cùa Đạo hữu Lịch ra cho công chúng rõ.

Nghị Trưởng: – Trong tờ Vi bằng không có nói Đạo hữu Lịch có tội hay không có tội, mà chỉ nói việc QGT trục xuất như vậy là lạm quyền.

Khi ấy, một vị Nữ Giáo Sư hỏi lớn lên rằng: – Ông Nghị Trưởng tọa chủ trước Bửu điện sao không mặc Thiên phục? (Ghi chú: Vị Nữ Giáo Sư nầy là Bà Hương Lự (Hồ Thị Lự).

Nghị Trưởng: – Tôi vốn lấy tư cách nhà báo lên dự thính, nên mặc âu phục, tình cờ lại được toàn cả chư Đạo hữu tín nhiệm cử lên ghế Nghị Trưởng, vì vậy mà tôi không có Thiên phục.

Lê Kim Tỵ: – Anh em chúng ta đã công nhận ông Nghị Trưởng là người đủ tư cách chỉ huy cuộc tranh biện ngày nay, vậy là đủ rồi, mặc Thiên phục cùng không, ấy là điều không quan hệ chi cho mấy.

Nghị Trưởng: Trình cùng chư Hội viên, tôi mới được giấy của ông Diệp Văn Kỳ xin hội cho phép hỏi vài câu trong luật lệ Đạo.

Chư Hội viên đều cho phép.

Ông Diệp Văn Kỳ liền đứng nói: – Thưa quí Ngài, trước khi xin hỏi vài câu, tôi xin tỏ trước cho quí ngài biết tôi là người ngoại Đạo. Song tôi thấy suốt trong bổn đạo dự nhóm đây, chọn cử ông bạn đồng nghiệp Nguyễn Phan Long lên làm Nghị Trưởng, chứng buổi hội nghị nầy và cũng nhờ đó, mà tôi được biết rằng ông bạn đồng nghiệp đã vào Đạo lâu rồi, lại được Ơn Trên ban Thiên chức thì tôi lấy làm mừng giùm cho Đạo. Cái thái độ ôn hòa đúng đắng của ông Nguyễn chẳng những làm cho rực rỡ buổi nhóm hội hôm nay mà rồi đây, Đạo cũng sẽ nhờ đó được bước lên con đường vẻ vang sáng sủa.

Tôi sở dĩ muốn hỏi vài điều là cốt cho thấu hiểu pháp luật của Đạo, chớ chẳng phải lãnh thay mặt cùng binh vực ai.

Theo như Tân Luật của Đạo mà tôi được thấy, thì có một khoản nói về Giáo Tông như vầy: “Chưởng Pháp phải can gián sửa lỗi của Giáo Tông nếu cả ba thấy lẽ vô đạo của Giáo Tông, có quyền đem đơn kiện nơi Tòa Thánh.

Luật nầy coi dường như không được phân minh cho mấy. Một việc rất trọng hệ là việc đem Giáo Tông ra xử mà luật lệ nói tóm tắt như vậy, thì tôi sợ chưa được hoàn toàn.

Còn Quyền Vạn Linh là gì?

Có phải là quyền gồm cả 3 cơ quan yếu trọng: Thượng Hội, Hội Thánh, Hội Nhơn Sanh chăng?

Ngày hội hôm nay có phải là ngày Hội Vạn Linh chăng?

Tôi xin nói rõ: Thế nào là Thượng Hội? Thế nào là Hội Thánh? Thế nào là Hội Nhơn Sanh?

Theo lệ thì Thượng Hội gồm 9 vị Chức sắc trọng yếu trong Đạo, kể từ Đầu Sư sắp lên cho đến Giáo Tông. Ấy vậy mà buổi nhóm hôm nay, Thượng Hội thì như tuồng có 6 vị, song 6 vị đều là người đứng buộc tội Giáo Tông, thì bữa nay là ngày xử, tôi e cái quyền hành 6 vị ấy phải ở trong phạm vi rất hẹp hòi: vừa buộc tội, vừa xử cũng hơi khó liệu.

Còn Hội Thánh? Hội Thánh hôm nay có những ai hiện diện? Theo số Chức sắc mặc Thiên phục tôi thấy đây thì tôi tưởng e về phương diện Hội Thánh cũng còn thiếu nhiều lắm!

Vậy mà thôi, 2 cái cơ quan ấy thiếu đủ thế nào tôi xin nhượng quyền ây lại cho quí Ngài thẩm phán.

Hội Nhơn Sanh là ai? Cứ theo luật thì Hội Nhơn Sanh là cái Hội gồm đủ các Chức sắc trong các địa phận, trong các Thánh Thất, các phái viên của các tín đồ nam nữ. Và theo phép, thì mỗi Thánh Thất có 4 Chức sắc: 1 ông Giáo Sư, 2 ông Chánh Phó Trị Sự và 1 ông Thông Sự. Còn đại biểu cho tín đồ thì mỗi số 500 tín đồ được phép cử 1 người đại biểu, trên số 500 tín đồ thì được phép cử 2 người đại biểu, vv...

Số Thánh Thất của Đạo là 130 cái, số tín đồ theo bảng ’thống kê là lấy triệu mà kể. Ấy vậy mà quí ngài hãy nhìn thử chung quanh mấy ngài, tính luôn cả mấy đứa trẻ em nhỏ dại đương ngồi ngó không hiểu chi hết cũng chưa trên số vài trăm người thì sao gọi là nhơn sanh?

Thưa quí Ngài,

Trong các Hội phàm tục của chúng tôi mà mỗi khi đến kỳ đại hội muốn giải quyết điều chi cho đắc thế, cũng cần có định trước một số hội viên hiện diện tối thiểu, tiếng tục kêu là “quorum” thay, huống chi đem Giáo Tông ra xử, là một việc theo dốt của tôi chẳng bao giờ thấy trong lịch sử tôn giáo mà làm khinh xuất như vầy, chẳng phạm đến sự tôn nghiêm của quí Đạo ư? Tôi tưởng làm như thế chẳng những là sái với luật của Đạo mà lại đốì với thường thức của người phàm như tôi cũng chưa được hợp lý.

Quyền Ngọc Đầu Sư (Lê Bá Trang): – Ông Diệp nên biết rằng, việc đời có chỗ khác hơn việc Đạo, việc Đạo bình thường thì dễ giữ theo luật lệ, chớ gặp hồi biến, nền Đạo chinh nghiêng như ngày nay, không dễ gì giữ y theo luật lệ được. Vả lại nền Đạo hư nên là ở phần trách cứ nơi tôi, theo lời phú thác của Đức Lý Giáo Tông, cho nên ngày nay thấy ông QGT làm nhiều việc sái luật đạo và thất nhơn tâm, tôi buộc lòng phải mời nhóm Hội Vạn Linh để chỉ lỗi Ngài ra cho nhơn sanh biết mà định đoạt hầu chấn chỉnh nền chánh giáo lại cho hoàn toàn, sau nữa coi có làm điều chi hiếp đáp không, chớ chưa phải là Hội xử QGT như ông lầm tưởng đâu.

Ông lại nói, hội nhóm không đủ số, làm sao ông biết đủ hay là không đủ? số Đạo hữu kể gần đến triệu người, có thế nào hội về một lượt cho đủ đâu. Thêm nỗi, 3 Quyền Chánh Phối Sư ra Châu Tri ngăn cấm Đạo hữu không cho về dự hội, còn như sớm mai đến giờ, ông đã thấy rõ cách ngăn cấm của QGT và Chức sắc theo Ngài làm sao?

Diệp Văn Kỳ: – Vậy thì ông có cho hội nhóm hôm nay không đủ luật lệ không?

Quyền Ngọc Đầu Sư: – Luật lệ của Đạo chỗ nào cũng còn thiếu hết. Buổi hội nhóm nay cũng chưa đủ luật theo ý ông muốn cho y như hội nhóm ngoài đời. Mà thôi, việc thiếu đủ đôi chút không quan hệ chi, chờ cho đủ luật mà Đạo phải bị hại, tưởng không chờ làm chi, còn thiếu luật lệ mà cứu được Đạo khỏi chinh nghiêng thì tôi tưởng việc thiếu đó không sao.

Quyền Chưởng Pháp Nguyễn Trung Hậu: – Xin ông Quyền Ngọc Đầu Sư cho tôi biết Hội Thánh và Hội Nhơn Sanh nhóm mấy kỳ trước có quyết định số Đạo hữu hiện diện là bao nhiêu không?

Quyền Ngọc Đầu Sư: – Không.

Quyền Chưởng Pháp Nguyễn Trung Hậu: – Nếu mấy kỳ nhóm trước không buộc số quyết định ấy thì bây giờ không thế bắt chặt lỏng về số bổn đạo hiện diện nhiều hay ít vì đã có gương trước kia mà. (Il y a un precedent, Maitre)

Ông Diệp Văn Kỳ cười, đoạn cùng ông Nguyễn Thế Phương ra về. Khi ấy lối chừng 4 giờ rưỡi.

Quyền Ngọc Đầu Sư đọc khoản cáo thứ tư:

KHOẢN THỨ TƯ

Quyền Ngọc Đầu Sư trình Châu Tri số 1 ngày 1–4– 1933 (mùng 7 tháng 3) của QGT và Hộ Pháp lập ra, có bài Bố cáo của ba Chánh Phối Sư tạm và tỏ rằng, cách ít bữa rày (11– 4–1933) Ngài có gặp Quyền Thượng Chánh Phối Sư nói rằng, khi đến Giáo Tông Đường mới là hay cái Châu Tri đó. Còn chiều hôm kia (14–4–1933), Quyền Thái Chánh Phối Sư đến phòng thăm, Ngài hỏi thì có cho Ngài biết rằng không có ký tên cái tờ Bố cáo in vô trong Châu Tri số 1, vì là chữ in, có phải ký tên sau, mà nói là người ký, cái đó là QGT và Hộ Pháp nay nắm Quyền Chí Tôn mà làm ra Châu Tri ấy, rồi tái bút lập luôn bài Bố cáo ấy.

Lại lúc Ngài đi khỏi, tại Giáo Tông Đường có sai người đến văn phòng Ngài lấy con dấu Ngọc Chánh Phối Sư đặng ấn vào Châu Tri ấy. Khi về mới hay cử chỉ ngang ngược đó.

Chưởng Pháp Nguyễn Trung Hậu tỏ rằng: Trong Châu Tri số 1 nói trên đây, trương thứ 5, QGT tuân y Thánh Ngôn của Chí Tôn ngày 23–12–1931, Ngài và Hộ Pháp nhứt định dụng Quyền Chí Tôn giúp cho 3 vị Chánh Phối Sư đủ quyền thi hành chương trình hành đạo đính theo Châu Tri ấy, nhưng mà theo Thánh Ngôn đó, thì Chí Tôn có dặn như vầy:

Vậy từ đây, hễ có mạng lịnh chi đã đủ hai đứa nó (là Lý Giáo Tông và Hộ Pháp) hạ quyền thì các con phải hội đủ Nhơn sanh, Hội Thánh và Thượng Hội mà xét nét cho cặn kẽ phân minh, đặng thi hành phận sự.

Ấy vậy là chính mình Đức Lý Giáo Tông giáng hạ lịnh, cũng còn phải nhóm 3 Đài nói trên đây lại mà xét, huống chi là QGT Thượng Trung Nhựt, hiện thời trách nhậm Ngài chỉ do theo tờ Vi bằng của Thượng Hội nhóm hôm 25–12–32 nhằm 28–11–Nhâm Thân, trương số 9 mà thôi.

Trách nhậm ấy như sau đây: “Phần Quyền Giáo Tông thì chi chi cũng cầu hỏi nơi Đức Lý Giáo Tông dạy bảo mà ban hành theo cho khỏi điều lầm lạc sơ sót, vì hễ là người thì thân phàm xác thịt, nếu lấy ý riêng ra mà làm thì phải có điều trở ngại. Mỗi vị đương quyền lãnh một chức đặc biệt thì 3 ngôi Chánh Phối Sư sẽ trống. Vậy thì Quyền Giáo Tông chọn lựa trong mấy vị Phối Sư đương quyền mà giao chức ấy, thoảng như khiếm khuyết Phối Sư thì chọn lựa trong hàng Giáo Sư, rồi đem trình cho 3 Đài là Hội Nhơn Sanh, Hội Thánh và Thượng Hội công nhận theo phép. Việc nầy đình lại cho Quyền Giáo Tông một tuần, đặng chọn lựa người.

Tóm lại thì QGT và Hộ Pháp lập Châu Tri số 1 và giao trách nhậm Chánh Phối Sư cho 3 vị Thời Quân HTĐ là trái với lời quyết nghị trên đây và không đem ra trình cho 3 Đài thì lại là một sự trái thêm nữa.

Nghị Trưởng tỏ rằng: Làm đạo như vậy là muốn chuyên quyền, là độc tài (dictature).

Chưởng Pháp Lê Thiện Phước: Hỏi vậy chớ Pháp Chánh Truyền có giá trị hơn hay là Thánh Ngôn chưa kiểm duyệt?

Chưởng Pháp Nguyễn Trung Hậu đáp lại rằng: Chiếu theo chương trình về Cơ Bút của HTĐ và CTĐ lập ra ngày 24–1–1932 mà Quyền Thượng Đầu Sư đã ra Châu Tri thi hành ngày 1–2–1932 số 42 thì bài giáng cơ nào không có Bàn Kiểm Duyệt xem xét thì Hội Thánh không phép nhận và đem ra thi hành. Tờ Châu Tri số 1 ngày 1–4–1933, nguyên vì chiếu theo bài giáng cơ ngày 14–2–1933 tại Kim Biên và chấp bút ngày 10–3–1933 mà lập ra, nhưng 2 bài nầy không đủ thức lệ buộc trong Châu Tri số 42 trên đây nên Thượng Hội không công nhận, vì vậy nên hủy Châu Tri số 1.

Quyền Ngọc Đầu Sư chỉ về chương trình hành đạo của 3 Chánh Phối Sư trong Châu Tri số 1 trên đây, khoản Phái Ngọc điều 3, về việc thăng chức cho Chức sắc có câu: Sau khi đem ra ba Đài công nhận thì Giáo Tông và Hộ Pháp ra Đạo Nghị Định phong chức. Ngài tỏ rằng 2 vị Đại Thiên phong nầy không có quyền phong chức cho ai hết, khi 3 đài công nhận rồi, phải cầu Chí Tôn giáng cơ thăng thưởng.

Chưởng Pháp Nguyễn Trung Hậu tỏ rằng: Hội Nhơn Sanh và Hội Thánh mỗi năm nhóm có lệ, không lẽ mỗi việc mỗi mời nhóm cho mất ngày giờ và tốn kém cho hội viên.

Chưởng Pháp Phạm Văn Tươi nói rằng: Có Hội Nhơn Sanh thường xuyên. Vậy như chưa tới kỳ nhóm thường lệ mà có việc chi cần kíp thì nhóm Hội thường xuyên mà bàn tính.

Vừa đọc dứt khoản tư, ông Nghị Trưởng hỏi trong Hội viên: Ai muốn bào chữa điều chi cho QGT không?

Không có ai xin nói chi hết.

Đọc qua khoản thứ 5:

KHOẢN THỨ NĂM

Quyền Ngọc Đầu Sư đọc bài Thánh giáo của Chí Tôn đề ngày 14–2–1933 do Hộ Pháp và Tiếp Đạo phò loan tại Kim Biên có câu: “Khi Đại Hội Ngọc Hư Cung, ...”

Chiếu theo Thánh giáo ấy, trọn CTĐ từ Quyền Giáo Tông đổ xuống, tranh quyền phá hư vẻ Đạo thì phải bị tội hết, cả quyền hành của CTĐ phải về tay HTĐ nắm trọn. Như có câu: trả quyền hành chánh cho HTĐ thì phải hiểu như vầy: quyền hành chánh ấy trước vẫn của HTĐ nên nay mới trả lại.

Thượng Sanh nói rằng: Từ thử chưa có Thánh giáo nào nói về khoản đó, chỉ thấy trong Pháp Chánh Truyền nói rằng: Hiệp Thiên và Cửu Trùng, mỗi đài đều có quyền đặc biệt. Quyền HTĐ là quyền tư pháp, còn quyền CTĐ là quyền hành chánh. Trả quyền hành chánh cho HTĐ là một điều vô lý.

Chưởng Pháp Nguyễn Trung Hậu hỏi Quyền Ngọc Đầu Sư: Tại làm sao khi làm lễ đăng điện chịu làm theo, không phản kháng, thì Ngài trả lời rằng: Lúc đó Quyền Giáo Tông ra lịnh thi hành. Ngài có kêu nài, mà nhắm thế không được nên phải tuân đỡ cho yên việc tại Bửu điện (Faire acte de soumission) rồi sau sẽ nói. Vì lúc ấy Quyền Giáo Tông ngồi tại ngai mà ra lịnh, Quyền Thái Đầu sư thì vâng lịnh liền, Quyền Thượng Đầu Sư thì khóc, nên tôi không vâng theo không được, không lẽ để cãi lẫy nơi ngai.

Sau khi Hội Viên bàn tính thì Thượng Hội quyết định:

A.             Hủy bài gỉáng cơ ngày 14–2–1933 vì không y theo thể lệ cầu cơ đã lập ra rồi, nhứt là không phải nơi QGT cầu xin mà ra bài đó. Hai là bài nầy không cầu nơi bửu điện HTĐ. Ba là không đủ mặt Chức sắc có trách nhậm theo “Chương trình Cơ bút” hầu đàn. Bốn là Hội Thánh Ngoại Giáo duy có cầu cơ hỏi về phần mình mà thôi. Còn việc can hệ với Tòa Thánh mà có bài giáng nói đến thì Tòa Thánh phải kiểm xét lại.

Chưởng Pháp Nguyễn Trung Hậu xin Hội Thánh Ngoại Giáo khi nào có bài giáng cơ nói về Tòa Thánh thì xin các Đấng cho phép cho Tòa Thánh hay mà cầu lại.

B.             Hủy bài Chấp bút của Hộ Pháp ngày 10–3–1933 tại Hộ Pháp hay là Giáo Tông Đường. Chấp bút để dùng học riêng cho mình, không được đem ra ban hành.

C.             Bài giáng cơ ngày 23–12–1931 tại Thảo Xá Hiền Cung thì phải giao cho Bàn Kiểm Duợt xem xét trước rồi mới ban hành.

D.            Hủy Tờ Châu Tri số 1 ngày 1–4–1933 (tháng 3 năm Quí Dậu) vì Quyền Giáo Tông và Hộ Pháp lạm quyền, lấy ý riêng mà đặt ra.

E.             Phải tuân theo các lời quyết nghị trong tờ Vi bằng Thượng Hội ngày 25–12–1932 đã tuyên bố rồi.

F.              Giao 3 vị Thời Quân đã qua CTĐ lãnh chức Chánh Phối Sư tạm về HTĐ tái thủ nguyên chức và chọn lựa 3 Chánh Phối Sư khác y theo tờ Vi bằng nói trên đây.

Nghị Trưởng: – Chư Đạo hữu có ai tranh cãi khoản thứ 5 không?

Chẳng có ai nói chi.

Khi tới khoàn thứ 6, ông Nghị Trưởng đứng nói: – Xin chư Đạo hữu ráng lẳng lặng nghe rõ khoản thứ 6. Khoản nầy rất quan hệ, có dính dấp với việc đời, thoảng có ai cáo ra tòa đời thì còn gì danh giá Quyền Giáo Tông.

Quyền Ngọc Đầu Sư đọc khoản cáo thứ 6:

KHOẢN THỨ SÁU

Quyền Ngọc Đầu Sư tỏ rằng: Nguyễn Ngọc Lịch kêu là Biện Lịch có vô 3 lá đơn kêu nài việc Quyền Giáo Tông Thượng Trung Nhựt bán đất không phân minh. Tiên cáo có nạp một cái biên lai 200 $ làm bằng, giấy có in danh hiệu Đại Đạo và ký tên TRUNG. Quyền Ngọc Đầu Sư vì lòng kính nể bề trên và làm theo phép, nên phong gởi các đơn từ cho QGT mà hỏi ý kiến, thì QGT trả lời cho Quyền Ngọc Đầu Sư rằng cứ coi giấy tờ ấy mà xử, như có tội thì Ngài chịu.

Quyền Ngọc Đầu Sư tiếp rằng: Nếu Ngài muốn dùng quyền Tòa Tạp Tụng thì cứ gởi tờ đòi bị cáo là M. Lê Văn Trung đến đối nại cũng được, song không nỡ và lại mắc nhiều điều xảy đến liền liền hoài nên không thể lo riêng vụ ầy đặng.

Chư Hội viên định rằng: Ngày nay Ngọc Chánh Phối Sư lên Quyền Đầu Sư thì các đơn từ ấy nên giao lại cho Tân Ngọc Chánh Phối Sư định đoạt.

Quyền Ngọc Đầu Sư tỏ rằng: QGT có lãnh bạc ngàn của Đạo hữu đặng mua giùm đất rừng, có làm giấy ký tên rõ ràng, mà đến nay việc giao lãnh đất cát không rành rẽ gì hết, kẻ có đất, người không. Đạo hữu kêu nài không ngớt, đơn từ giao lại đặng trả lời cho người ta mà Ngài không làm cái chi cho minh bạch cho hết việc thán oán. QGT thâu tiền mua đất rồi, phần đất của ai chỗ nào không biết chắc, không tờ giấy gì cho rành rẽ, để tới có người hăm kiện đến Tòa đời và có người hết sức kêu nài rồi bỏ luôn số bạc. Xin coi cái biên lai 160 $ của 2 người ở Chợ Lớn thì rõ. Có một Chủ Thánh Thất lãnh bạc mua đất giùm cho một vài chục Đạo hữu ở Tân An mà đến nay cũng không biết đất cát ở chỗ nào. Thơ từ năn nỉ, kêu nài, không biết mấy cái, thét rồi phải đến tận Văn phòng Giáo Tông mà rầy rà, nhục nhã đòi tiền lại, buộc phải trả tiền lời. QGT kỳ hẹn một đôi tháng, nay cũng mãn rồi, mà cũng chưa có chi hết cho người ta. Nếu kiện thưa ra không khỏi bị án.

Vả lại, đất rừng ấy của 2 người Lang sa khẩn chưa khai phá, chưa có giấy tờ vĩnh viễn, Đạo hữu nghe lời mua đất không có bằng cớ chi cầm tay hết. Thoảng đất ấy nhà nước lấy lại, hoặc chủ đất hoặc người làm trung gian từ trần, rồi Đạo hữu mua đất mới làm sao?

Bởi lòng vị nể, không nỡ đòi xử, nên Quyền Ngọc Đầu Sư gởi các đơn từ cho QGT toan liệu cho an việc. Vả lại thấy Ngài nghèo nàn, nên cũng nhắm mắt để cho kiếm chút lợi, miễn là đâu vào đó, làm cho xuôi được thì thôi hầu có yên trí mà lo việc Đạo. Ngài chịu cái lỗi ấy.

Ngài xin Hội viên cho biết việc QGT làm như vậy có nhục đến danh giá của người và danh Đạo chăng?

Chư Hội viên nghĩ vì đã mấy năm nay, QGT mỗi tháng có lãnh của Hội Thánh 50 $, có nhà cửa ở tử tế, trong Đạo phụng dưỡng trọng thể và lại là một vị tối Đại Thiên phong chủ trương một nền Đạo, Anh Cả nhơn sanh, phải phế đời lo trọn cho Đạo, nên Thượng Hội nhìn nhận rằng QGT Thượng Trung Nhựt không được phép lo việc đời, lo buôn bán để sanh lợi. Còn về việc mua bán đất cát không phân minh, để đến người vào Thánh địa đòi hỏi nhục mạ thì can hệ đến phẩm giá tối cao tối trọng của Quyền Giáo Tông và cho Đạo nữa.

Đọc tới khoản “vài chục Đạo hữu ở Tân An mua đất” thì có một vị Đạo hữu kêu là Cựu thôn trưởng Lưu, hiện đương làm chủ Thánh Thất Bình Quới, hạt Tân An đứng ra khai rằng: Số bạc tôi lãnh của chư Đạo hữu đặng mua giùm đất là 1400$. Tôi giao cho QGT hồi năm 1930, QGT có nói rằng mua giùm mỗi mẫu đất là 50 $, tới nay đã lâu mà không thấy đất cát chi hết.

Cũng liền đó, có một vị Đạo hữu đã có giao số bạc cho Đạo hữu Lưu ra nói sẽ vào đơn kiện nơi tòa đời.

Nghị Trưởng: Đạo hữu khoan đã, chúng ta nên điều đình trước với QGT, chừng nào không được, Đạo hữu sẽ ra tòa đời cũng chẳng muộn chi. Mình phải thương Thầy mến Đạo, việc trong nhà mình tính với nhau là phải hơn, phương ngôn có câu: Phải giặt áo dơ trong nhà.

Quyền Ngọc Đầu Sư đọc tiếp khoản cáo thứ 6, vừa dứt khoản nầy thì ông Nghị Trưởng hỏi chư Đạo hữu có ai nói thêm điều chi không?

Quyền Ngọc Đầu Sư: Tôi xin cắt nghĩa việc chia đất của QGT mua cho Đạo hữu: QGT giao cho 2 người là Lễ Sanh Thượng Tài Thanh và Đạo hữu Xướng coi sở đất 113 mẫu. Xướng thì lãnh phần đốn củi bán, mỗi mẫu trên 500 thước củi, giá mỗi thước là 0$20. Khi Đạo hữu đưa tiền rồi mà chưa biết đất ở đâu kêu nài thì QGT dạy Lễ Sanh Thương Tài Thanh lo chia. Cách chia như vầy: Sở đất 113 mẫu nằm theo đường dây thép, nơi cây số 2000, mặt tiền được 500 thước, sâu vô 2000 thước, cắt làm hai, lấy 1000 thước trở ra ngoài mặt tiền chia cho 3 Đạo hữu có mặt, mỗi người 10 mẫu, rồi về phải chia lại cho vài chục người khác. Chia rồi, Đạo hữu ở xa đến sau, chưa có phần, kêu nài nữa và không chịu ở phía sau, lại đất bị đốn củi gần hết. Khi mua, cả năm ba chục Đạo hữu đều kể chắc là đất có cây, không dè đốn hết chừa gốc lại, nay muốn khai phá, phải tốn thêm tiền lấy gốc nên không chịu, kẻ đến đòi tiền lại, người thì hăm kiện.

Quyền Ngọc Đầu Sư vừa nói rồi thì có 3 vị Nữ Đạo hữu đem ra 3 biên lai, trình cho ông Nghị Trưởng mà nói rằng: có giao số bạc cho QGT ba năm rồi, mà không có được đất. Ba biên lai kể dưới đây:

1.              Phạm Thị Chi ở Phước Lâm 150 $ (3 mẫu)

2.              Trẩn Thị Mực ở Phước Hậu 200 $ (4 mẫu)

3.              Mai Thị Cúc ở Phước Lãm 400 $ (8 mẫu)

Rồi ông Nghị Trưởng hỏi thêm: Có ai nói chi nữa không? Không thấy ai kêu nài điều chi.

Quyền Ngọc Đầu Sư đọc khoản thứ 7:

KHOẢN THỨ BẢY

Quyền Ngọc Đầu Sư trình ra một cái giấy vay 300 $ đề ngày 11–11–1931 của QGT viết và ký tên. Bạc nầy QGT mượn của một vị Hòa Thượng Tàu tên là Âu Tu ở Chợ Lớn, nói rằng để gởi bên Pháp in Thánh Tượng, kỳ một tháng trả lại. Lâu rồi không trả, buộc chủ nợ đòi hỏi và có viết một cái thơ nhục mạ gởi cho Ngài đưa lại cho QGT. Thơ nói như vầy: “Lời nói của Tiên nhơn sao không bằng lời của thường nhơn.

Quyền Ngọc Đầu Sư sợ người ta nhục mạ nữa, nên xin xuất tiền của Hội Thánh 100 $ mà trả cho chủ nợ, phải trừ 2 tháng tiền phụ cấp cho QGT. Nay còn thiếu 200 $; bạc nầy không rõ dùng khoản nào, nhưng một điều là rõ ràng QGT Thượng Trung Nhựt lấy danh Đạo mà mượn của người và có nhiều Đạo hữu cho Ngài hay rằng QGT có mượn bạc, nói rằng lo cho Hội Thánh Ngoại Giáo, cũng hứa trả lại, mà lâu rồi chưa trả lại cho ai hết. QGT lại có nhận lãnh một số bạc 1500$ mà chưa thấy pièces justificatives. Hiện giờ đây, QGT cũng thường xuất ngoại vay mượn xin xỏ nói rằng lo cho Hội Thánh Ngoại Giáo.

Khoản thứ 7 đọc dứt, có Giáo Hữu Thượng Áo Thanh coi kho sách Tòa Thánh ra xin biện giải cho QGT về vụ mượn 300$ của vị Hòa Thượng ở Chợ Lớn.

Người nói số bạc đó, QGT mượn để đặt Thánh Tượng, hiện nay 5000 Thánh tượng lấy về rồi, để tại kho sách, như ai không tin xin đến đó mà coi.

Quyền Ngọc Đầu sư: chẳng phải nói mượn số bạc để mà xài, không đặt Thánh tượng, tôi chỉ nói việc mượn lâu không trả, để cho người ta đòi hỏi, viết thư nói nhiều tiếng nặng nề, xấu hổ cho Đạo và QGT.

Đọc tới khoản thứ 8:

KHOẢN THỨ TÁM

Quyền Ngọc Đầu sư tỏ rằng: Một ngày kia QGT giao cho sở giữ cò để gởi thơ, một xấp thơ, bảo gắn cò đặng gởi. Quyền Ngọc Đầu Sư coi lại thì là thơ của QGT ký tên Thượng Trung Nhựt đóng con dấu Thượng Đầu Sư gởi cho Đạo hữu và người ngoài Đạo, cậy mua Nhựt báo “Bảo An”. Việc nhựt trình là việc riêng mà dùng tiền của Đạo, tuy không phải là bao nhiêu đó, song Quyền Ngọc Đầu Sư không cho gởi thơ ấy. Vì là thơ QGT lấy danh Đạo gởi hỏi mượn tiền đặng giúp cho nhựt trình ấy.

Chưởng Pháp Nguyễn Trung Hậu tỏ rằng: Ngài có sẵn trong tay cái thơ của QGT viết gởi cho một nữ Đạo hữu là bà Cả Đường, chủ Thánh Thất, mượn 50 $ cho nhựt trình Bảo An. Thơ ấy ký tên Thượng Trung Nhựt và đóng con dấu Đầu Sư. Ngài sẽ giao cái thơ ấy cho Quyền Ngọc Chánh Phối Sư mới.

Sau khi Hội viên bàn tính thì Thượng Hội định nhựt trình Bảo An không phải của Đại Đạo, Quyền Giáo Tông (QGT) mượn danh Đạo cổ động cho nhựt trình ấy là sái phép.

Đọc đứt khoản nầy, ông Nghị Trưởng đứng hỏi có ai phản đối điều chi không?

Quyền Ngọc Đầu Sư: Tôi xin cắt nghĩa việc mượn và trả số bạc 280$. Mượn 280$ nói gởi cho Kim Biên, có trả được 190$. Trong số 190$ đó có 100$ cũ, chủ nợ đổi ra xài được có 50$, lỗ 50$, và nay còn thiếu 90$ nên kêu nài.

Quyền Ngọc Đầu Sư đọc khoản cáo thứ 9:

KHOẢN THỨ CHÍN

Quyền Ngọc Đầu Sư đọc tờ của Quyền Thượng Đầu Sư trình cho Thượng Hội rõ, việc Ngài trả lời về việc QGT cáo 2 vị cựu Ngọc và Thượng Chánh Phối Sư hôm Hội Thánh (tờ ghim theo đây). Chuyện nầy của QGT sắp đặt trước, cậy tay người dưới quyền đặng có trương công cán của mình hồi giờ, sao để nhục 2 vị Thượng và Ngọc Chánh Phối Sư giữa Hội Thánh cho biết. Việc nầy sau sẽ định đoạt.

Không thấy ai ra biện hộ cho QGT.

Quyền Ngọc Đầu Sư đọc khoản cáo thứ 10:

KHOẢN THỨ MƯỜI

 Quyền Ngọc Đầu Sư trình ra một phong thơ, bề mặt thì có chữ của Hộ Pháp đề như vầy: (13–3–1930), thơ nầy đem ra cho chư Hội viên thấy sự giả, mà sự giả nầy có thế QGT cũng biết được, vì có con dấu Thượng Đầu Sư đóng trên keo niêm sau lưng bao thơ ấy, và QGT có gởi tờ cho Chức sắc mà giới thiệu thơ ấy. Nay nói cho biết vậy, ngày sau sẽ xin xét lại, nên Thượng Hội chưa định sao hết.

Không thấy ai ra biện hộ cho QGT.

Quyền Ngọc Đầu Sư đọc khoản cáo thứ 11:

KHOẢN THỨ MƯỜI MỘT

Quyền Ngọc Đầu Sư đem ra một xấp sao lục Thánh Ngôn, trong ấy có dạy nhiều việc mà QGT không thi hành. Bởi không có mặt QGT nên Thượng Hội chưa định sao.

Không thấy ai ra biện hộ cho QGT.

Quyền Ngọc Đầu Sư đọc khoản cáo thứ 12:

KHOẢN THỨ MƯỜI HAI

Quyền Ngọc Đầu Sư đem cái thơ của Thượng Sanh gởi cho Hộ Pháp hồi tháng năm 1930 mà trách cứ Hộ Pháp và Thượng Đầu Sư nay là QGT, song chưa giáp mặt 2 người nên còn đình việc nầy lại.

Không thấy ai ra biện hộ cho QGT.

Nghị Trưởng: Trong 9 khoản đầu trong tờ Vi Bằng mới vừa đọc rồi, chư Đạo hữu đều thấy khoản cáo nào cũng đủ bằng cớ, không một chút chi oan ức, nhưng có khoản thứ 6 là nặng hơn hết, chư Đạo hữu cũng nên để ý về khoản nầy. Tôi xin khuyên, một người Đạo mà có tội với Đạo thì để cho Thầy xử, Đạo xử, chớ để ra tòa đời thì nhục cho danh Đạo lắm.

Trước khi Hội nghị bế mạc, tôi xin hỏi hết cả Hội viên câu như vầy:

1.              Ông QGT quả có phạm tội theo 9 khoản cáo trong tờ Vi bằng không?

2.              Ông QGT còn xứng đáng phẩm vị không?

Cả chư Đạo hữu đồng dơ tay nhìn nhận ông QGT có tội, và không còn xứng đáng phẩm vị tối cao ấy nữa.

Nghị Trưởng: – Tôi xin thay mặt Ban Ủy Viên trình cho chư Đạo hữu hay, phận sự chúng tôi tới đây đã dứt. Vậy từ đây, là về phần 3 Hội định liệu sao cho hợp với điều lệ của Đại Đạo.

Lê Kìm Tỵ: – Tôi xin chư Đạo hữu nhóm hội hôm nay đồng thanh cảm tạ Ban Ủy Viên lấy hết trung tâm thành ý mà điều đình cuộc hội ngày nay được kết quả rất là mỹ mãn.

Ông Tỵ dứt lời, có một Đạo hữu không rõ tên họ, đứng ra nói: – Ngày nay Quyền Ngọc Đầu Sư tố cáo QGT trong khi Ngài vắng mặt và không có bằng cớ chi chắc chắn, ấy là Quyền Ngọc Đầu Sư họa phù thân đái.

Quyền Ngọc Đầu Sư: Tôi có mời QGT, tuy Ngài không đến chớ cũng có phái người đến cãi lẽ nãy giờ. Mỗi khoản cáo đều có để cho công chúng thong thả biện luận. Có 2 vị Đạo hữu nam và 3 vị nữ trình biên lai mua đất, lại có người đòi kiện QGT giữa đây bằng cớ như vậy, nhơn sanh đồng công nhận QGT có tội. Đạo hữu ở đâu xa mới đến không rõ trước sau nên mới nói vậy phải không?

Nghị Trưởng: Tôi xin lập lại một lần nữa cho chư Đạo hữu nhớ rằng, trong 9 khoản buộc tội, chỉ có khoản thứ 6 là hệ trọng hơn hết. Thoảng như một ngày kia ehư Chức sắc điều đình việc nầy không được, để cho mấy người mua đất ức lòng kiện ra tòa đời thì thể nào QGT cũng không tránh khỏi đường lao lý, vì có đủ bằng cớ. Đạo mình thuở nay đã bị người ta nghi ngờ. Cách vài bữa đây, một viên Phó Tham Biện nói với tôi rằng: kẻ cầm quyền trong Đạo không minh chánh, vì vậy mà chánh phủ phải để ý dòm ngó.

Vậy xin toàn cả chư Đạo hữu phải quyết định lẽ nào cho Đạo khỏi mang tiếng nữa.

Dứt lời, Ban Ủy Viên liền thối vị, nhường quyền phân đoán cho Hội Vạn Linh.

Chư Hội viên Hội Vạn Linh đồng quyết định việc QGT nay có tội như vậy, thì phải đệ lên cho Tòa Tam Giáo thiêng liêng định án.

Tới đây, đã hết vấn đề bàn giải, Hội giải tán hồi 6 giờ chiều.

KÝ TÊN:

Nghị Trưởng: Nguyễn Phan Long.

Phó Nghị Trưởng: Trương Duy Toản.

Từ Hàn: Giáo Hữu Tuyết Tân Thành.

Phó Từ Hàn: Chánh Trị Sự Phạm Văn Long.