Trang

Thứ Ba, 30 tháng 5, 2023

4639. Bài 3, trong 3 bài diễn văn của Đức Hộ Pháp.

 Có một tập sách quay roneo in 3 bài diễn văn của Đức Hộ Pháp; ba bài nầy có trước khi Đức Quyền Giáo Tông Thượng Trung Nhựt đăng tiên. BBT xin đăng lại để cùng học hỏi. 

ĐHP: Á phải! Có hại thật, thật có hại cho quyền Hội Thánh, vì Bần đạo ban rộng rãi cho nhơn sanh đủ thế lực quyền hành dám kháng cự cùng quyền Hội Thánh.


Bài 3-

Ngày 15 - 8 - Quí Dậu (dl 4 - 10 - 1933).

 

Tại Tòa Thánh Tây Ninh.

Đức Hộ Pháp: Ngày 15 - 8 - Quí Dậu (dl 4 - 10 - 1933).

Tại Tòa Thánh Tây Ninh.

Phàm vạn vật hữu hình tại thế đều sanh nơi nguyên do chí thiện của cơ Tạo đoan gầy dựng và luật thiên nhiên buộc phải tăng tiến trong đường chí thiện ấy cho đến cuối cùng, đời càng tới càng hay, vật càng ngày càng đẹp, dầu cho phép bảo tồn mạnh mẽ buộc các loài động vật phải diệt lẫn lấy nhau đặng giữ gìn sanh hoạt đi nữa là khi đã đặng trưởng thành, đủ trí thức tinh thần tự bảo, nghĩa là lúc chen lấn cùng đời mà lập phẩm, mới tranh tranh đấu đấu cùng sự hung bạo của thế tình, vì sự xung đột mà nảy sanh ác tánh, chớ còn buổi sơ sanh vẫn giữ nguyên bổn thiện.


Chẳng cần chi luận đến vật chất, thảo mộc, vì là loại vô năng, dầu cho cầm thú với loài người cũng chưa hề thấy, lúc sơ sanh, mà có đủ sẵn sàng nanh vuốt. Vì cớ Thánh nhơn có nói rằng :

Nhơn chi sơ, tánh bổn thiện.

Bổn thiện nhơn sanh do đâu mà có?

Do nơi tâm lý từ thiện của mỗi người, nghĩa là lương tâm mà ra.

Đã đứng làm người khôn hơn vạn vật, nhờ có điểm lương tâm dìu dắt, hiểu đặng sống thác là gì, trí tuệ cứ tìm tàng biết rằng mình ở trong không mà ra có, sống là có, thác là không, không không có có do nơi tử tử sanh sanh; đương có rồi lại không, sống rồi kế thác. Kiếp sống con người xem nên vắn vỏi, sống trăm năm ước đặng bấy nhiêu người, phước trọn kiếp độ chừng xem mấy kẻ!

Khổ thì nhiều, vui vốn ít, sống càng lâu khổ chất càng dày, khổ nội thân tứ khổ quả không sai, cầu bất tử là cầu đày thân cõi tội. Ta nghĩ đến đó mới hiểu rằng kiếp chết là kiếp giải khổ thì mới biết mặt cân công bình thiêng liêng nhắc không sai chạy.

Hai chữ sắc không do tại phù sanh chi kiếp. Còn mảnh thân bảy thước lo tấn thối đặng nên người, dứt thở ba tấc hơi, đã trơ trơ như con vật.

 Vì vậy mà tự nhiên ai cũng tỉ thân mình mà suy đoán đến thân người, gẫm cuộc đời như buổi chợ mơi, nhóm đó rồi tan, tan rồi lại nhóm, ngày qua tháng qua, năm qua kỷ qua, thế qua nguơn qua, cả thảy đều qua, còn buổi chợ vẫn y buổi chợ, còn cả loài người như đám con buôn, dầu dại dầu khôn, dầu khinh dầu trọng, lao xao lố xố, giựt giựt giành giành, lấn lấn chen chen, mua hơn bán thiệt, so đồ mà tiếc, sánh giá mà than, giỏi lận gian năm sảy bảy sàng, tan buổi chợ góp hàng không hết chợ. Xem bao phen đổ rổ, tính mấy lúc buông hài, vì miếng ăn mà xé mặt quàu mày, nơi mảnh thân và bẻ tay chặt cẳng.

Ôi!  Cuộc dinh hư tiêu trưởng bày ngờ ngờ những tấn bi ai, nào tranh bá, nào đồ vương, nào giành công nào cướp lợi, những chung đỉnh tóm thâu lúc sống, buổi chung qui đã thấy ích lợi gì? Các cơ tạo của xác phàm đến rốt cuộc phải tiêu tan theo kiếp chết.

Đâu là đài Tần, đâu là đảnh Hớn, công đắp xây gầy dựng đã dường bao, nào vàng Vương Khải, nào báu Thạch Sùng, sức tích trữ tóm thâu nay cũng vắn.

Lượn sóng đời đưa đẩy, những công danh sự nghiệp của bậc hữu công, nêu tên tuổi lại trên mặt thế, chẳng khác nào như nước sông mê, cuốn bèo bọt theo dòng ra khổ hải. Ngày nay đã tiêu tan rời rã, chẳng còn roi lại đặng một vận xoáy hay một dấu tích gì, nên làm cho khách giang hồ của tay Tạo hóa, là bậc trí thức nhơn sanh soi thời luận thế, đã cùng lời định hay dở lợi hại dường bao, duy có nhúng tay nếm thử nước, nơi nầy mặn, chỗ nọ ngọt, mà tìm phỏng nguồn sông trong lòng biển. Cả cơ sở của các Đấng ấy dầu vĩ đại là dường nào, duy lưu lại đặng danh phải quấy, nhưng chúng ta lại hằng thấy sự quấy vẫn phần nhiều, còn điều phải xem qua rất ít.

Phải quấy, hư nên của một đời người chỉ định đặng là khi quá vãng.

Còn quyền năng vật dục nó lại mạnh mẽ thế nào, đè nén điểm lương tâm, khó bảo toàn Thánh đức, làm cho Đấng xử phải cùng đời trở nên ít có, nhưng đến tận con đường sanh hoạt, dầu trí hay ngu, dầu hiền hay dữ, lúc tinh thần thôi cảm xúc cùng đời, cận kiếp chết rấp trút hồn, con người mới trụ được tánh linh đặng đoán xét phận mình khôn dại.

Chính buổi ấy gọi là buổi Chí Tôn đoán xét.

Hễ có khôn mới có phải, còn như dại thì quấy đã đành, chí lý từ cổ chí kim vẫn y như một, những bị tuồng thế biến dời, buộc phận con người tùy thời tùng thế, dầu người để chí tính xử thế cho khôn, đòi phen tồn lại dại.

Bởi cớ cho nên, muốn bảo tồn “Bổn thiện” phải xa lánh sự đời, còn như để vật dục buộc ràng, xúi tâm ác gây nên nỗi quấy.

Hai chữ thiện ác cũng do nơi đó mà ra.

Chúng ta hằng thấy ít ai làm chủ sự phải quấy của đời, chỉ các Đấng Thánh nhơn (phần nhiều là mấy vị Giáo Chủ của tôn giáo) giữ vẹn Thánh đức thiêng liêng, nhờ đào luyện đặng điểm lương tâm đủ quyền hành năng lực, làm chủ oai nghiêm của mảnh thi hài, lánh cương tỏa thế tình, tự giác mê mà thoát tục, nên giáo lý của mấy Ngài dầu khác chớ kỳ trung cũng một sở hành là: Giác mê chúng sanh qui bổn thiện.

Bần đạo nói thoát tục đây, chẳng phải nhủ chê đời mà ẩn dật, hay là luyện Bí pháp đặng lánh trần (sic), hoặc là lên đầu non đặng hú gió kêu mưa, xuống vực thẳm đặng hô phong hoán võ (sic), hoặc là ngồi lim dim lần chuỗi, ngủ thiêm thiếp tưởng kinh, hoặc là đóng cửa tụng Huỳnh Đình, hớp gió khuya dòm rún (sic), các mộng pháp ấy đã lưu lại lắm trò cười, giả dối đóng thành tuồng thành sách, mê tín dẫy đầy vốn không cùng luận.

Bần đạo nói thoát tục đây là khuyên lấy lương tâm làm chủ, giữ bổn thiện cho bền, dầu xác phàm có tuổi cùng tên, nêu tên tuổi chớ quên lẽ phải.     

Thắng nổi quyền vật dục,

Xứng đáng mặt khách trần,

Gánh đau thương tay đỡ tay nâng,

Khối thiện ác sửa cân Tạo Hóa.

Giữa khổ hải đưa thuyền Bát Nhã,

Giúp tinh thần giải quả trừ căn,

Sấn tay trau đẹp vẻ đạo hằng,

Lượm giảm bớt nẻo trần gai gốc.

Đem cười để vào nơi cảnh khóc,

Lấy lòng lành trừ nọc đau thương,

Chốn lầm than rải nước nhành dương,

Dứt trái chủ trao gươm thần huệ.

Chịu khổ thế tìm phương giác thế,

Lấy nhọc đời làm kế dìu đời,

Biến lợi danh ra cuộc trò chơi,

Làm phú quí thành mồi hại thế.

Sửa bác ái ra nên câu kệ,

Chế từ bi như thể bài kinh.

Noi vận hành quảng đại Chí Linh,

Góp nhơn loại vào tình cốt nhục.

Kẻ sầu thảm cho vui hạnh phúc,

Người vô duyên hưởng chút ân hồng,

Trọng mạng sanh gầy phép đại đồng,

Kỉnh vật loại đặng mong cứu thế.

Trong cả toàn cầu, bất cứ là dân tộc nào, những mặt vĩ nhân lưu danh hậu thế đều nhờ tự giác nên thức bổn thiện là tu luyện trau giồi lấy điểm lương tâm trở nên minh mẫn sáng suốt, hầu nương theo mà thật hành, nhiều cơ sở phi phàm làm cho cả thiên hạ phải nhìn rằng, những Đấng ấy là hạng người khác tục.

Phi phàm là hành vi khác hẳn với thế tình, mắt đời ít hay thường thấy.

Tâm thiện của các Ngài dìu dắt dạy khuyên đặng biết người biết mình, xem đời định thế, lòng lân tuất thương sanh đầy dẫy, hiểu đặng cái khổ của mình nên không hay ngồi xem cái khổ của người, đã chán chịu đau đớn của mình nên không nỡ làm đau kẻ khác, nếm đủ mùi sầu thảm nên hằng mong gỡ thảm giải sầu, ở cùng đời đặng chia khổ với đời, lẫn theo thế mới chung thân cùng thế, lịch lãm những màu thế sự, vày vã thân cho đặng phận con người, cân oan gia nhắc đúng mực nẻ bao mươi thì mới biết thương đời lo cứu khổ.

Câu thành ngữ làm phép hằng tâm của các Đấng ấy cư xử cùng đời là: “Kỷ sở bất dục, vật thi ư nhân nghe ra rất nên mặn mòi thâm thúy.

Căn nguyên “Bổn thiện” đều sẵn trong tánh đức của mỗi người, vì dữ hiền ngu trí cũng tùng quyền của điểm lương tâm, bằng chẳng vậy thế không thành thế.

Pháp luật cả thế gian để trị loài người, dầu cao thấp hay dở thế nào cũng để thức điểm lương tâm qui “Bổn thiện”, nhỏ thì ở nơi cá nhân, trọng thì ở nơi xã hội, lớn thì khắp toàn cầu, phép chánh trị là ép nhơn sanh tùng Bổn thiện.

Hễ còn lương tâm mới biết phận sự của kiếp sống để làm gì, còn Bổn thiện mới hiểu yêu nhân kỉnh vật, bằng chẳng vậy thì những phương pháp tự bảo kỳ thân đã trở nên độc thiện, ai cũng lo tự do tự lập, còn mưu chi vĩnh bảo xã hội loài người, đời tức nhiên ra trường chiến đấu, cạnh cạnh tranh tranh, giựt giành loạn lạc, con người tàn hại lẫn nhau, vì sanh hoạt mà lại gầy cơ tự diệt. 

Hễ cơ đời càng khó,

Quyền vật dục lại càng nhiều,

Phận làm người đã khó biết bao nhiêu,

Giữa võ trụ phải chìu theo thời thế.

Nợ cơm áo sanh đời ra tệ,

Đạo nhơn luân thêm thế dục hư,

Mảnh thi phàm đã dễ chi từ,

Trong cuộc thế thân như bèo bọt.

Dở thì chịu ăn thừa uống mót,

Phải toan lo sống sót cùng đời,

Một mảnh tâm chia để mấy nơi,

Đâu dư rảnh hỏi Trời căn sống.

Luật Tạo Hóa rõ chi khinh trọng,

Nhẫng gởi thân theo bóng tang thương,

Cùng khổ xem chết sống ra thường,

Sống nhờ thế, chết nương tay thế.

Giải ách cậy kim tiền làm kế,

Thích tình xem khanh tể là mưu,

Bước công danh quen lẽ nghịch thù,

Bả quyền lộc nhuộm màu cừu hận.

Vòng cương tỏa vào ra lẩn bẩn,

Lấy oan gia làm phấn dồi mình,

Tên tuổi đầy nhục nhục vinh vinh,

Nào còn nhớ tâm linh “bổn thiện”.

Tuy là tâm lý hằng bị quyền hành vật dục đè nén cho con người nhiều lúc quên mình, nhưng hột giống thiên nhiên Bổn thiện đã giâm vào trí thức tinh thần, dầu bị ngọn lửa lòng hãm áp nên sớm không nảy nở ra mầm, nếu hứng đặng giọt mưa lành hay là khổ thủy tưới lửa lòng tắt ngọn, ắt tự nhiên phát mộng nảy chồi, rồi thỉnh thoảng cứ lớn dần nên tàn cao cội cả, che phủ trọn chúng sanh mới gọi rằng đoạt đạo.

Đức Sĩ Đạt Ta (gọi là Cakya Mouni nghĩa là người hiền ở xứ Cakya) lấy lòng nhơn bao trùm thiên hạ, tầm thêm đặng chơn lý sanh khổ mà lập thành Phật giáo, nên dùng phép đoạn trái oan, trừ nghiệt chướng đặng làm phương giải thoát luân hồi.

Ấy là giữa chốn khổ não đau thương, Ngài lại đem tánh từ bi tự toại ra chuyên chế lòng phàm, cầu sanh chúng tương thân lân ái, thật chẳng khác nào đã khổ nơi ô trược nhớp nhơ mà Ngài đến rải mùi thơm ngào ngọt.

Ngài nhờ Lão, Bịnh, Tử Khổ giác minh Bổn thiện, mới đoạt phương cứu khổ loài người.

Đức Lý Lão Đam (Lão Tử hay là Thái Thượng Lão Quân) vì lòng nhơn phổ hóa thế gian nên tìm đặng chơn lý tinh thần vi chủ, trừ khử phương dĩ vật lụy hình, định tự chủ kỳ tâm là diệu pháp, lại lấy phước an nhàn làm cơ thoát tục.

Ấy đời là cảnh sầu thảm khó khăn mà Ngài đến bày phép chơi hay cho giải trí, chẳng khác nào Ngài thấy người đương ngậm đắng trươu cay, Ngài cho nếm mùi ngon vị ngọt.

Ngài nhờ quyền hành vật dục trong trường công danh phú quí của Lục quốc phân tranh tạo ác đã vô ngằn, nó thức minh Bổn thiện của Ngài nên hoài ái dân sanh, mới truyền phương thoát khổ.

Đức Jésus de Nazareth (gọi là Christ) bởi lòng nhơn cứu thế, lập nên Thánh giáo Gia-Tô, Ngài mượn bác ái nhơn sanh đặng thế mặt Chí Tôn khai hóa, xem phổ tế chúng sanh rằng trọng, nên chuyên lo giúp khó trợ nghèo, dỗ kẻ dữ, dạy người ngu, ngó chơn thật mạng sanh hành thiện đạo, diệt dị đoan, trừ mê tín, dụng chơn lý để răn đời, nhìn lương tâm là hình ảnh của Trời, lấy trí tuệ vẽ tươi Thiên cảnh.

Ngài hằng dạy rằng: Cái khổ của thế gian là sự nghiệp của con người, phải thọ khổ mới rõ cơ thoát tục.

Ấy đời đương giả dối mà Ngài đem chơn thật đặng khử trừ, chẳng khác nào vào chốn náo nhiệt dữ dằn mà Ngài đờn tiếng thanh tao hòa nhã.

Ngài nhờ:

1/- Đạo luật của Môisen (Mọse) : thế kỷ ấy quyền hành biến đổi nên sanh ra nhiều chi tả đạo bàng môn, lại thế lực của Cai-phe về bên mặt phần hồn rất nên mạnh mẽ, buộc dân Do Thái nhiều lẽ nên tà. Cả mê tín dị đoan của dân Giu-đê buổi ấy đã không cùng luận.

2/- Quyền luật đời, nước La Mã (Rome) của vua César  nghiêm khắc hại sanh linh đồ thán.

Những nguyên ủy ấy khai minh Bổn thiện của Ngài làm cho Ngài phải cam tâm gánh vác cả sự đau đớn của loài người, cũng bởi lân tuất thương sanh, chịu tử tội đặng truyền gương thọ khổ.

Ông Khương Thái Công gọi là Thái Công Vọng hay là Tử Nha, vâng lịnh đức Nguơn Thỉ Thiên Tôn ở Côn Lôn sơn cầm Phong Thần bảng đến giúp nên nghiệp nhà Châu, cũng vì nhơn mà khai minh chơn lý của quyền hành thưởng phạt thiêng liêng, giúp thế trị đặng thêm mỹ mãn. Tôn sùng trinh liệt, trừ khử nịnh tà, mượn tinh thần làm nhuệ khí đặng trừ tan ác nghiệt của xác thân.

Ấy là dụng quyền phép vô hình đặng điều khiển hành tàng mặt thế. Ngài giúp cho thế gian kinh nghiệm đủ cớ hiển nhiên rằng vạn ác đã đào tạo của kiếp sống con người chẳng trốn tội khỏi nơi kiếp chết. Phép thưởng phạt thiêng liêng có đủ quyền năng cả xác cùng hồn, thế thì có trí tuệ của loài người, còn Đạo thì lại có Thần minh ám sát.

Triết lý Thần linh, nghĩa là quyền phép của lương tâm do đó mà lập thành căn bổn và năng lực vận hành hiện tượng của tư tưởng cùng tùng bổn nguyên thần pháp đặng nảy sanh.

Ôi!  Cũng vì cớ quả nhiên thật sự Bí pháp nầy đây mà đời chất chứa nhiều điều mê tín.

Tuy vân, chẳng phải chính mình Ngài làm chủ tạo phép huyền vi bí mật Phong Thần, song Ngài biết tùng lệnh thật hành những tư tưởng cao thượng của Đức Nguơn Thỉ Thiên Tôn, thì công ấy đủ làm đầu Thần giáo.

Đời khi ấy dường như bị phát bối ung thư chịu đau đớn sầu than chẳng xiết, mà Ngài lãnh đặng hoàn thuốc linh đơn thoa cho đặng lành lẽ tốt tươi mặt thế.

Ngài nhờ thấy bạo tàn Thương Trụ và thương đạo nhơn nghĩa của nhà Châu, vua Văn Vương và Võ Vương, giục khai Bổn thiện, nên tuổi dầu cao, tác dầu lớn, mà dám chịu nhọc nhằn khổ cực, giúp đạo đức khử bạo tàn, thâu cơ nghiệp Thành Thang, cứu dân đen trong nước lửa. Tuy đôi bên: Thương - Châu khác giá, mà đối với bậc trung cang trí dõng vị quốc vong xu, Ngài vẫn giữ dạ vô tư, trong Thần vị, chỉ ngó mặt công phong phẩm tước. Dầu điều dị đoan mê tín trong Truyện Phong Thần dẫy đầy, nhưng ngó đến Bảng Phong Thần lẽ công chánh phải đành nhìn nhận thật.

Đức Khổng Phu Tử, tự là Trọng Ni, cũng vì nhơn thấy đặng hung bạo của đời nên lo trù hoạch phương châm giảm ác mới đoạt đặng triết lý chí thiện là cơ quan bảo thế. Ngài đắc thông nên tự nhiên biết rằng cơ Tạo, nghĩa là Trời Đất và vạn vật hữu hình phải tấn hóa lần lần cho tận con đường chí thiện (nghĩa là : người thì tận thiện, vật thì tận mỹ) gọi là Đạo. Ngài chỉn chiếu theo sự tự nhiên hành động tâm lý của người đời đặng làm mục tiêu chuẩn thằng đoán xét, ngoài phép trau tâm luyện tánh, Ngài không nhìn phương pháp nào tự giác đặng Bổn thiện và kềm chế lấy điểm lương tâm, nên không chịu tin theo lý thuyết mị thuật huyền vi mà trí khôn ngoan của người không thấu đáo. Ngài đã thấy phép trị thế, dầu cho dân sanh phản kháng thế nào, cũng tùng một chủ quyền chánh thể, hoặc là do nơi đông tay xúm nhau đào tạo hay là do ở một người đã đặng mạng Trời làm chúa người đời, cầm luật pháp trị an bá tánh. Sự quả quyết ấy đã nhìn thật toàn cùng mặt  thế.

Ngài cho chánh trị hành tàng của xác thịt thế nào thì chánh trị tinh thần cũng vậy, nên nhìn nhận rằng trên các chủ quyền trị thế, có quyền vô vi của Đấng Chí Tôn, Ngài gọi là Nhứt Đại ( . . .) nên viết Thiên (. . . ) nắm trọn phép thiêng liêng thưởng phạt. Đấng Chí Tôn ấy chẳng những có quyền năng về phần hồn mà thôi, lại cũng đặng oai linh phần xác, lý thuyết về Trời và Người đồng trị nảy sanh ra từ đó.

Cơ nghiệp Văn Vương qua đến Đông Châu là cùng vận, mà Ngài cố quyết duy trì, mong lòng hiệp quốc, đem luật pháp đặng trị bình, lấy nghĩa nhơn ra khử bạo.

Ngài hiểu rõ rằng quyền hành chánh trị chia ra có hai phần :

                        1. Sanh hoạt của thi hài.

                        2. Biến hóa về tâm lý.

Nên Ngài cho luật pháp là cơ quan độc thiện để trị an thiên hạ, còn đạo nhơn nghĩa đủ thế kềm thúc tánh đức của người đời, nên Ngài mới cầm nhiếp chánh nhà Châu để sở vọng chấn hưng Vương đạo. 

Thương thay một Đấng chí Thánh như Ngài mà cũng phải chịu bề thất vọng, bởi gặp buổi đời đã quá bạo tàn, nên cây quạt và mảnh mền là đạo nhơn nghĩa của Ngài không đủ thế quạt nồng đấp lạnh. Ngài phải thối bước về quê, cam phận thiệt thòi, trọn đời ngồi dạy học.

Bài tự thán “Chi Lan của Ngài, ai đọc đến cũng phải rơi châu đổ ngọc.

May thay, qua đến đời Khổng Cấp (Tử Tư) là đích tôn của Ngài, dạy đặng một trang môn đệ là Mạnh Tử, rất nên đáng bậc triết hiền nối chí của Thánh nhân, cố mở mang Đại học.

Triết lý của Mạnh Tử là: tại Minh đức tại Tân dân, tại chí ư Chí thiện.

Người đi châu lưu nước nầy qua nước nọ, lấy nhơn nghĩa đặng khuyến khích nhơn tâm, cảm hóa khắp chư hầu, chỉnh đốn thế chuyên Vương đạo.

Thật ra các xã hội Á Đông nầy đã nhờ ảnh hưởng công nghiệp của người lắm lắm.

Đời Đông Châu đương sôi nổi giặc giã chiến tranh, cả ác hành sử không cùng chép, mà qua đến đời của người thì trở lại như xưa, tin dùng Bổn thiện, thật tài chuyển thế của Ngài rất nên siêu việt.

Nhơn đạo của Ngài cảm hóa từ đế vương cập đến thú cầm. Khi viếng Tề Tuyên Vương, luận đến đức thì vua nói khiêm rằng sợ e không đủ nhơn mà an giữ dân sanh. Mạnh Tử cho rằng vua đã có.

Xin trích lục nguyên văn ra đây cho Chư Đạo hữu lưỡng phái xem tường tận:

“Thần văn chi Hồ Ngột viết: Vương tọa ư đường thượng, hữu khiên ngưu nhi quá đường hạ giả, vương kiến chi, viết: “Ngưu hà chi?

Đối viết: “Tương dĩ hấn chung”.

Vương viết: Xả chi, ngô bất nhẫn kỳ hộc tốc, nhược vô tội nhi tựu tử địa.

Đối viết:  Nhiên, tắc phế hấn chung dư?

Viết: Hà khả phế dã? Dĩ dương dịch chi. Bất thức hữu chư. Viết: Hữu chi.

Viết: Thị tâm túc dĩ vượng hỷ! Bá tánh giai dĩ vương vi ái dã, thần cố tri vương chi bất nhẫn dã.

Vương viết: Nhiên. Thành hữu bá tánh giả. Tề quốc tuy biển tiểu, ngô hà ái nhất ngưu? Tức bất nhẫn kỳ hộc tốc nhược vô tội nhi tựu tử địa, cố dĩ dương dịch chi dã.

Viết: Vương vô dị ư bá tánh chi dĩ vương vi ái dã. Dĩ tiểu dịch đại, bỉ ô tri chi?  Vương nhược ẩn kỳ vô tội nhi tựu tử địa, tắc ngưu dương hà trạch yên?

Vương tiếu viết: Thị thành hà tâm tai? Ngã phi ái kỳ tài, nhi dịch chi dĩ dương dã. Nghi hồ bá tánh chi vị ngã ái dã.

Viết: Vô thương dã! Thị nãi nhân thuật dã! Kiến ngưu vị kiến dương dã. Quân tử chi ư cầm thú, kiến kỳ sanh bất nhẫn kiến kỳ tử, văn kỳ thanh bất nhẫn thực kỳ nhục. Thị dĩ quân tử viễn bào trù dã.

Vương duyệt viết: Thi vân : Tha nhân hữu tâm, dư thổn đạc chi. Phu tử chi vị dã. Phù ngã nãi hành chi, phản nhi cầu chi, bất đắc ngô tâm. Phu tử ngôn chi, ư ngã tâm hữu thích thích yên. Thử tâm chi sở dĩ hợp ư vượng giả, hà dã?

 Dịch nôm:

Hạ thần nghe ông Hồ Ngột nói chuyện lại rằng:

Một ngày kia vua đương ngồi nơi thềm nhà, có kẻ dắt trâu đi ngang qua. Vua thấy liền hỏi rằng: Dắt trâu đi đâu ?

Kẻ kia thưa rằng: Dắt đi giết đặng bôi chuông.

Vua bảo rằng: Tha đi, ta không nỡ thấy nó sợ hãi vì vô tội mà đến chỗ chết.

Kẻ kia thưa lại rằng: Vậy phải bỏ phép bôi chuông chăng ?

Bệ hạ lại nói: Bỏ sao đặng, phải bắt dê mà thế cho nó.

Chuyện ấy chẳng biết có không?

Tuyên Vương nói: Có.

Mạnh Tử lại rằng: Một tấm lòng ấy cũng đủ làm đạo vua rồi. Trăm họ đều cho Bệ hạ tiếc con trâu, nhưng hạ thần đây thì lại biết Bệ hạ vì thương không nỡ giết.

Tuyên Vương đáp rằng: Phải, trăm họ cho như vậy cũng thật, nhưng nước Tề nầy dầu bé nhỏ, Trẫm lại tiếc gì lấy một con trâu.

Mạnh Tử nói: Bệ hạ cũng chẳng nên lấy làm lạ rằng, bá tánh cho Bệ hạ tiếc của, vì đem dê nhỏ mà đổi trâu lớn thì biểu bá tánh hiểu sao? Nếu vua thương là vô tội mà phải bị chết thì trâu với dê có khác gì nhau.

Vua Tuyên Vương cười rằng: Nào bụng Trẫm có gì khác nữa đâu, nhưng nếu không phải là tiếc của thì sao lại biểu đem dê mà đổi, trách sao bá tánh không cho Trẫm như vậy.

Thầy Mạnh Tử lại rằng: Không hại gì, vì đấy cũng là một điều nhơn. Trông thấy trâu sợ mà chưa trông thấy dê nên mới vậy. Người quân tử đối với thú cầm, thấy sự sống mà không nỡ trông thấy chết, nghe tiếng kêu la rên siết nên không n ăn thịt.  Bởi cớ nên người quân tử hằng lánh xa lò bếp.

Vua Tuyên Vương rằng: Ở trong Kinh Thi có câu: Người khác có lòng ta đo đặng đấy, ấy chính thầy như thế đó. Than ôi, việc ấy Trẫm làm đã đặng xong rồi, mà đến lúc hỏi lại, bụng Trẫm thì thật không biết tả tại làm sao. Nay khanh nói như vậy, lòng Trẫm thỏa thích vô cùng, nhưng không biết rằng, tấm lòng ấy sở dĩ đã hiệp với vương đạo nơi đâu? 

Tiếp sau thì Đức Mạnh Tử luận qua Vương đạo.

Nghĩ tình cảnh của Tề Tuyên Vương gẫm rất buồn cười: Lễ bôi chuông không dám bỏ, mà thấy đặng sự sợ sệt của trâu đến nơi chỗ chết lại biểu tha rồi nhủ bắt dê đem thế. Nếu thấy dê cũng tỏ dấu kinh hãi sợ sệt, chẳng hiểu Ngài sẽ biểu thế con gì, chắc là biểu đổi gà!  Trách sao bá tánh không cho Ngài là tiếc của, đem dê bé đặng thế trâu to. Thật chánh sách trị đời cũng âu mắc mỏ.

Bỏ luật pháp thì loạn lạc, muốn giữ nghiêm luật pháp cho bá tánh đặng thái bình thì phải trị, mà hễ đụng chánh trị ắt có kẻ vừa lòng mà cũng có người mếch dạ. Bởi cớ nên các Đấng Thánh nhân ham giáo hóa hơn ưa chánh trị.

Đức Khổng Phu Tử cũng nhờ ác hành Đông Châu Liệt Quốc trong trường chiến đấu đua tranh, công danh quyền lợi nó giáo minh Bổn thiện của Ngài, mới đắc pháp cao thâm chí thiện.

Những triết lý Thánh hiền, dầu cổ dầu kim cũng thế, cốt để dìu dắt  nhơn sanh đi thong thả trên con đường lành cho cùng tận, đặng phục nguyên Bổn thiện của mình, các tôn giáo gọi tên là Đạo.

Ngày nào Bổn thiện đã phát minh thì cảm hóa chúng sanh rộng thế : hèn thì làm cho một gia đình thiện hành gia pháp; trọng thì giúp quốc gia xã hội, thiện hành quốc chánh; còn tối đại thì làm cho toàn thiên hạ đặng thiện giáo hiệp chủng đại đồng.

Ấn Độ thuở trước tin thờ lý thuyết đa Thần (Polythéisme) vì tư tưởng cổ nhân thường hay ngó cả quyền năng Tạo hóa mà so sánh cùng mình, bởi thế mà cho các quyền lực vô hình cũng có đủ khôn ngoan cùng sự quyết định.

Sau, tư tưởng ấy lại trở xu hướng về Đấng Chí Tôn, dựng căn bổn cho Đạo Bà La Môn (Brahmanisme) từ thử.

Tạo hóa càn khôn sanh ra do một chủ quyền của Trời. Trời lập nên đời vì ái, mà ái kia pha lẫn cùng tình, Ngài tạo gọi là Brahma, Ngài diệt gọi là Siva, Ngài bảo tồn gọi là Vichnou, ấy mới gọi Chí Tôn Tam Thế (La Trinité).

Vì thuyết phân tánh giáng sanh ấy nên cho các đẳng linh hồn đều phải luân hồi chuyển kiếp, luật thiên nhiên định cho mỗi linh hồn trong càn khôn thế giới phải tùng theo hình trạng và bậc phẩm sanh hóa của mình, đặng đi mãi tận đường tấn hóa.

Đạo Bà La Môn dạy phải thiện niệm, phải hạ mình, phải nhỏ nhoi, phải kiên nhẫn, tha thứ tội người, thương yêu kẻ yếu, cung kỉnh phụ nhơn, khoan dung vật loại.

Tiếc thay một nền tôn giáo cao siêu như vậy mà cũng đã làm cho chia phân đảng phái, gieo lắm lẽ bất bình trong nền phong hóa, rồi lại giúp những tay hành đạo độc chiếm quyền hành, nhưng cũng vì nhờ đó mới có Thích Ca ra chuyển Đạo.

Ấy là một tôn giáo đã dìu đường và đã lập vị cho Phật.

Lý thuyết của ông Zoroastre nước Perse lại không nhận rằng chỉn có một quyền Chí Tôn tạo thế, mà đời lại do nơi cơ quan tương đối mà sanh ra, cũng như cả càn khôn thế giới. Đời ở nơi ánh sáng và bóng tối (Dương quang và Âm quang), sự thiệt cùng sự giả, sự lành và sự dữ pha lẫn với nhau mà biến hình.

Ormuzd là hình trạng của lành lấy tư tưởng Tạo hóa nên đời, vì lời phân định, cho ngôn ngữ là quyền năng cảm xúc của sự thật và trí lực khôn ngoan.

Ahriman là hình trạng sự dữ và sự tối tăm gọi là vật sự. Sự lành phải càng ngày càng tấn bộ đặng tiêu trừ sự dữ, cho nên Ormuzd thế nào cũng đặng đắc thắng mà thôi.

Giáo lý Zoroastre tùng y tư tưởng ấy nên cho rằng thiện tâm là sự thật. Hành tàng sự thật hoạt động ra ngoài, là chơn chánh trong lời nói và thanh bai trong việc làm.

Bởi cớ nên quốc dân nước Perse (nước Ba Tư cổ) tín ngưỡng tôn trọng sự thật thà và sự thanh bai chơn chánh, gọi là hình bóng linh quang hữu vi với linh quang vô hình, nên lấy lửa đặng làm đạo hiệu. Triết lý nầy giống mỉa mai triết lý của Đức Lão Tử.

Dân Celtes và dân Gaulois là nguồn cội dân Pháp gọi là Druides, truyền một giáo lý y theo tánh đức của Gaulois là trọng nhơn, ái nhân và thị tử, tánh nghĩa hiệp cho là đầu các tánh đức, vì gồm trọn cả ba tánh đức trên kia. Lý thuyết nầy giống nửa phần của Đức Khổng Phu Tử.

Triết lý dân Hébreux là thỉ tổ của nước Do Thái thì nói Đức Chúa Trời là quyền năng tự do tự chủ. Trời sanh muôn vật do quyền tự chủ của Ngài. Trọn loài người cũng vậy, đều sản xuất nơi phép tự do, hoặc là phải vâng lịnh, hay là không vâng lịnh, cũng rộng để quyền người tự chủ. Theo giáo lý ấy, cả thảy đều nơi quyền hành của Trời đã định trước và ban cho mà gầy nên phận sự. Đạo của con người đối cùng Trời thì vẫn là vô hình, trả vay thưởng phạt chỉ ở tại thế mà thôi.

Đạo ấy dạy phải thương yêu và nhơn đức với người. Điều chi mình không muốn ai thi thố với mình thì đừng xảo dụng đối cùng kẻ khác (Kỷ sở bất dục, vật thi ư nhân). Thế trị của đời phải do Thiên lý, phẩm vị cao trọng vua chúa kể như hình phạt thiêng liêng.

Triết lý dân Grecs thì cách trí và cách vật học của mấy vị hiền triết Sophiste, kế sau có Socrate, Platon, Aritote, l’ Épicurisme, le Stọcisme, rồi tới học đường Alexandrie và triết lý Gia Tô giáo.

Cách vật học hay là thuyết Sonienne, khi tìm tàng đặng thấu rõ cơ quan vạn vật, toàn thể của vật chất thì biểu rằng muốn thuyết minh ra đặng, chỉ cậy nơi tư tưởng. Ông Héraclite nói rằng: tư tưởng ấy  cũng do nơi hình thể mà có, nên cho rằng, chẳng điều chi có sẵn, cả thảy bởi biến thành. Chi chi cũng qua, qua rồi thì tuyệt, con người không tắm nơi một dòng nước đặng hai lần.

Linh hồn chúng ta là một điểm linh quang của Chí Tôn, song đặng biết suy đoán, nó có thể hiệp một cùng sự chơn thật đặng, là khi nó đã đồng tánh cùng thế giới càn khôn, nghĩa là cùng Đấng Chí Tôn Tạo Hóa. Dạy phải kiên nhẫn và chịu mọi điều khổ não, ấy là luật thiên nhiên đối phó cùng đời.

Linh hồn chết tại nơi thể chất chớ nó hằng sống nơi cõi vô hình. Các xã hội cũng phải như người, lấy toàn cầu làm căn bổn, và lập luật phải tùng theo hình trạng của chánh trị càn khôn.

Ông Anaxagore để tư tưởng ra ngoài vật chất và hơn vật chất, nên nói tư tưởng hành động khỏi ngoài hình thể. Sự khôn ngoan biết hết những điều đương nhiên và vị lai lại làm cho hoạt động hiển nhiên cả thảy.

Cách trí học thì nơi Pythagore truyền giáo. Theo Ngài thì sự cùng luận của vạn vật là do tổng số của nó đã lập nên đời hiện hữu. Linh hồn là một phần số trong hằng hà sa số ấy, có riêng năng lực hoạt động một mình. Đạo đức là điều hòa nhã, luật hình là cơ thể tương giao, tình bạn tác là hình đồng đẳng.

Triết lý của mấy vị hiền triết Sophiste thì đem tuyệt đối và chơn lý ra thay thế cho tương đối và ước thể. Họ quyết định rằng, sự thật mà đặng là nhờ người biết làm cho nó ra thật, chớ kỳ trung chẳng có chi thật.

Trong phong hóa thì các Ngài lại đem hiền đức tương đối là điều đẹp đẽ và hữu dụng mà thay thế cho tuyệt đối.

Theo phép chánh trị thì các Ngài lại thế ý tương đối cưỡng hành vào ý tuyệt đối quyền lực. Làm đầu các Đấng triết hiền ấy là ông Protagores và Gorgias.

Ông Socrate còn xuân thời vốn là nhà hóa học và thiên văn. Ngài cũng như ông Anaxagore cho rằng, thật sự của càn khôn không ở nơi trạng thái mà lại do nơi tư tưởng. Ngài lại cố tìm hiểu sâu xa hơn ông Anaxagore.

Sự khôn ngoan chỉ kiếm có một nguồn lành. Tánh tầm thiện là của trí khôn ngoan và tài tình xu hướng. Triết lý nầy là căn bổn của đạo ông Socrate làm tâm pháp.

Cách luyện đạo của Ngài về tinh thần chia ra hai phần :

1/. Là đem điều kỳ dị của giả pháp mà so sánh cùng sự thượng đạt của chơn pháp.

2/. Là phép Thần sản (phương pháp giục tinh thần biến hóa).

Phương pháp                                       sau nầy dạy cách thế học hỏi thế nào cho sự thật của tinh thần giấu giếm ấp yêu biểu lộ, hoặc là minh tra mình, hay là cầu người khác dùng phương vấn khảo.

Luyện pháp ấy mà đoạt thành là do nơi công nghiệm và tổng luận.

Ông Socrate góp mọi điều vào tư tưởng cả thảy, vì Ngài là nhà tư tưởng thượng đạt. Trong pháp môn tư tưởng sản xuất pháp môn hành động, và nảy sanh phong hóa xã hội. Ai đã tùng theo tư tưởng mình và sắp đặt đủ trật phẩm thứ tự, xử sự hay, chê điều dở, thì chẳng hề phản đối lại cùng tư tưởng khi đã biến hóa việc làm.

Do đó mà tầm nguyên của tài tình trí tuệ và thật dụng lấy nó, vì đã chỉ rõ rằng sự ham muốn hằng tìm những điều của trí khôn ngoan định cho là phải.

Chẳng có một ai thật lòng muốn dữ.  

Triết lý của Ngài cho cả thảy mọi điều (nghĩa là trọn tâm lý của đời) cũng do bởi tài tình trí tuệ.

Ngài hằng khuyên phải học lành đặng làm lành, hễ dạy thì người sẽ trở nên lành đặng. Người lành cần phải thông minh và đạo đức.

Đạo duy có một, tuy thể hình dầu nhiều mặt, duy khôn ngoan hiền ngõ mới có can đảm và điều hòa, rồi lòng công bình nương theo mà hiện tướng, có công bình thì tự nhiên mới có thật hành phước thiện (ấy là đạo của xã hội), hành phước thiện đặng mới để tâm lân tuất thương sanh (ấy là mặt chơn đạo).

Thuyết của Ngài về hình trị thì chiếu theo mặt luật thiên nhiên, nghĩa là cho luật tự tả, không hơn tâm luật.

Ngài cho tâm luật không thể tự tả, vì nó là luật tự nhiên và của Đấng Chí Tôn sở định, cho nên chẳng sai sót bao giờ. Bởi cớ nên chư vị hiền triết Sophistes hằng đem cơ thể Tạo đoan mà đối cùng Thế luật.

Thiệt luật là sự tự nhiên của mình, ấy là khối khôn ngoan của mình vậy.

Lòng phước thiện do ở nơi công bình đoán xét mà ra. Chúng ta không nên đem cái dữ mà đối cùng sự dữ, phải tìm tòi điều lành hay là mọi sự đặng nên chí thiện. Chúng ta nên xem cả loài người như bạn thiết của chúng ta, đặng gìn lòng nhân ái.

Trong gia đình thì vợ cũng đồng thể cùng chồng, tuy phận sự trọng khinh đặc biệt nhưng đàn bà nếu có phần hơn là biết giữ vẹn toàn đạo hạnh.

Cổ nhơn cho sự làm lụng là nhẹ thể hay là hạ tiện, còn Ngài lại cho là vinh diệu và cao thượng. Nhờ tư tưởng nầy mà ra phép giải thoát gia nô.

  Chánh trị là đặc tài của sự công bình và công ích. Những người đủ quyền đủ đức mới đáng cầm quyền. Phương bạo tàn thắng thế và cầu may là điều hại của nền chánh trị, do đấy mà gầy  ảnh hưởng  dân trị.

Bậc khôn ngoan không dùng cái mạnh của quyền lực mà cưỡng bức kẻ khác, duy đặng quyền cám dỗ cho thiên hạ nghe mình mà thôi (đây Ngài lại mở phép dân trị và dân cử).

Ông Platon cho rằng tình dục của đời là ảo mộng. Thất tình cho ta thấy những điều bóng dáng, duy có tinh thần lại từ từ tăng tiến. Tinh thần đi từ trong cõi bóng dáng vô thường mà đến nơi chơn thật thiêng liêng vô tận (Sắc tức thị không, không tức thị sắc, thọ tưởng hành thức, diệc phục như thị).

Theo thuyết của Ngài về tư tưởng thì luận như vầy:

Tư tưởng về phần vật là tại nơi nguyên do sanh hoạt. Sanh hoạt chẳng chi khác hơn là mình hòa hiệp và làm cho thỏa thích tư tưởng. Mỗi người phải nói rằng mình chỉ sống đặng tương hiệp cùng tư tưởng của toàn nhơn loại, tỷ cũng như một bổn sao lục mà có ra là tại chép in bổn chánh.

Thuyết của Ngài về yêu mến sự lành thì nói rằng bởi đẹp đẽ hình dạng mà xúc cảm thương yêu, rồi kế đẹp đẽ tâm hồn mới bày ra hành vi cao thượng (chỉ nghĩa mọi điều buộc phải trọn lành, tâm hồn và xác thịt).

Về phương diện cảm hóa, Ngài nói, đức tánh buộc phải trùng phùng cùng linh hồn về phần tư tưởng nên tự nhiên nó phải giống Trời.

Tánh hiền lương, tánh can đảm với tánh hòa huỡn làm cho linh hồn có mực thước, điều hòa của Ngài gọi là tâm trung công chánh.

Công chánh bề ngoài là những điều đã làm y theo cho có trật tự của toàn xã hội định trước. Trong công chánh nảy sanh ra phước thiện.

Mặt chánh trị thì Ngài lại hay lộn lạo cùng phong hóa. Mục đích chánh trị theo Ngài thì làm thế nào cho dân đặng hiền lương và hạnh phúc.

Bởi cớ nên Ngài định cho quyền quốc gia lớn hơn quyền dân sanh quá lẽ. Quốc gia bao gồm cả thảy, còn dân sanh chẳng có chút gì, dầu cho gia nghiệp với gia đình, như buộc phải thế, thì cũng nạp nhập quốc gia quyền lợi (Đó là thuyết Cộng sản của ông Platon và chánh chung trị của Ngài).

Rốt luận, Ngài kể hình án là cơ quan đền tội.

Ông Aristote cho đời người chẳng phải do nghĩa lý càn khôn mà ra như ông Platon đã thuyết, mà do nơi tự ngã. Hành động hoàn toàn của phàm thể là tư tưởng, vì nhờ tư tưởng giải nghĩa và lập thành sanh hoạt. Sanh hoạt ấy là tư tưởng. Sự hành động thật của con người chẳng phải duy có hoạt động lợi sanh, hoan lạc trong những điều thường hành của bậc thường nhân mà thôi, mà là thật hành sở định của trí lý hay là của tư tưởng hoàn toàn.

Thuyết tự ngã của Ngài phân ra:

1/. là hạnh đức triêm nghiệm. Hạnh đức đứng đầu là triêm nghiệm chơn lý hay gọi là khôn ngoan của trách nhiệm.

2/. là hạnh đức năng hành. Kế hạnh đức triêm nghiệm thì có hạnh đức năng hành, nó buộc tài tình của ta tùng theo trật tự đặng giúp hay cho sự triêm nghiệm thật hành. Hễ kể cho hạnh đức năng hành là hèn thì phải dụng trung dung làm chuẩn đích, tỉ như can đảm là trung dung của sự táo bạo và nhát gan.

Hạnh đức năng hành là cơ quan tranh đấu buộc con người phải ráng lực, mục đích và giá trị của nó là cho ta đặng vui hưởng và an tịnh trong hạnh đức triêm nghiệm.  Theo thuyết xã hội thì Ngài cho lòng nhơn ái và tánh hữu giao là hai hạnh đức tối trọng. Do đấy:

1/. là sanh ra thuyết hữu giao nầy :

Hay hơn và mặn nồng hơn là mình thương người, đừng để người thương mình, mình làm phải hơn là thọ cái phải của người. Ý nghĩa bằng hữu đem ra thay thế cho chủ nghĩa bình đẳng là vì cho người bạn của mình là mình vậy.

2/. thuyết công bình:

Sự công bình buộc phải kính trọng sự bình đẳng của mọi người. Phép công bình chia ra:

/- là mặt công bình phân phát,

/- là mặt công bình đổi chọn.

Công bình trước thì định chia phận sự cho những hạng người dùng theo tài đức.

Công bình sau thì định cầm đồng giá các vật đổi chọn, tỉ như trong thương mãi hay là phương chế hại.

Theo chánh trị thì ông Aristote cho rằng, quốc gia là sự tương hiệp của những người tự do và đồng đẳng. Ngài đánh đổ thuyết Cộng sản của ông Platon, vì người minh tả rằng, của cộng sản ít hay đặng xem trọng mà bảo tồn, nghĩa là gìn giữ hơn của tư sản.

Ngài chia xã hội làm hai phần:

/- là hạng người tự do.

/- là hạng người nô lệ.

Ngài nói rằng, hạng phẩm nô lệ là tự nhiên tạo đoan đã định vậy. Rốt luận, Ngài tỏ rằng quyền hành là của chung. Vì đó mà chánh trị dân chủ và lý thuyết giục loạn cũng do nơi lầm lộn phương diện bình đẳng phải lẽ cùng không mà ra.

Giáo lý của ông Pyrrhon lại để vào mặt nghi tín.

Ngài nói rằng, khôn ngoan hơn là đừng năng định quyết và hay hơn là đừng năng xử sự.

Giáo lý của ông Épicure quyết định rằng, cảm xúc con người ở nơi ngũ quan mà ra. Vậy kiếp hữu sanh ở nơi vật chất. Tánh đức chí thiện ở nơi sự vui thích vững bền chớ không phải tại nơi sự vui thích tạm hữu và nơi kiếp thác. (Các Đấng thiêng liêng đã bị Ngài trục xuất ra khỏi càn khôn thế giới). Ngài dạy làm phương nào cho đặng hạnh phúc là hơn.

Triết lý thị khổ (Stoicisme của ông Zénon và các môn đệ của Ngài cho rằng vật chất là vô năng, còn tinh thần và trí thức là hữu năng).

Thuyết giáo các Đấng ấy như vầy:

- a) là thuyết tự do.

Nói rằng mỗi người tựu trung đều có tánh tự do nên ham muốn thật của con người là ráng sức chống cự, quyết thắng những điều ngoại trở tự do.

Trong điều ngoại trở ấy cũng có điều cho ở nơi mình, tỉ như chí khí lớn, trong đó lại chứa trọn tư bổn tánh chất của mình, duy có sự ham muốn của mình mới có hay, hay là dở.  

Cũng có lắm điều chẳng phải do nơi mình, tỉ như sự giàu sang và sức khỏe là những điều của chúng ta thích hưởng, nay là tư hưởng hoặc thật hoặc giả, nhưng chúng ta không hề định cho hay cho dở đặng.

Tánh đức chí thiện mới thiệt tư bổn của mình.

- b) là thuyết đồng bào và lẽ công bình :

Sự tự do hay gọi rằng khôn ngoan đều ở trong tánh đức của mỗi người, ấy là một cơ quan liên hiệp cả toàn nhơn loại.

Đời vốn là một cái đại gia đình mà thôi.

Còn quyền lực là căn bổn của phép công bình, ấy là khôn ngoan tự tả. Tri ý về quyền lực nầy chung qui bởi sự lộng pháp và những vấn đề nô lệ.

- c) là thuyết chí thiện :

Chí thiện là đức tánh làm tự lạc lấy mình.

Duy đúng bậc hiền mới là tự do, mới là chúa xinh lịch và hạnh phúc, ngang hay là trên bậc Thần, Tiên mà thôi. (Vô sự tiểu Thần Tiên đã đành, còn cơ quan hữu sự của đời kia mới tính sao ?)

Thuyết ấy giúp đời thoát vòng lục dục và trở nên vô cảm. Ngài có những bạn đồng chí là Gléanthe và Chrysippe hiệp nhau lập những giáo đường: Ariston ở Ohio, Hérille ở Carthage, Diogène ở Sélencie, Sénex, Epictète và Marc-Aurèle.

Môn đệ của Ngài nổi danh thị đời hơn hết là ông Diogène.

Còn những triết lý kim thời của các bậc  vĩ  nhân :

Đại Pháp thì có ông Descartes, Pascal, Diderot, Lamettrie, Voltaire, Buffon, Montesquieu, Turgot, Rousseau, Victor Hugo, Condorcet, Auguste Comte, Saint Simon, Fourier, Léon Bourgeois, vv . . .

Anh quốc thì có ông Bacon, Hobbes, Locke, Adam Smith, Bentham, Stuart Mill, Darwin, Herbert Spencer, Nietgsche, Shcopenhauer, vv . . .

Đức quốc thì có ông Luther, Kant, Fichte, Scheling, Hégène, Goethe, vv . . .

Chúng ta chẳng cần kể tên môn đệ Đức Khổng Phu Tử, nhứt là trong Tam thập lục Thánh và Thất thập nhị Hiền mà làm gì vì chưng phong hóa Việt Nam ở nơi Khổng môn mà xuất hiện, nên ai đã biết đặng chút ít nho văn, cùng có đọc đến bộ Tứ Thơ ắt biết rõ tánh danh các Đấng.

Còn môn đệ của Đức Lão Tử, ngoài ra Mặc Địch, Trang Tử, Châu Tử, cũng còn lắm Đấng nối chí của Ngài đặng mở mang Tiên giáo.

Các Đấng hiền triết toàn cầu đều để trí thức tinh thần khảo cứu đặng tầm chơn sự sanh hoạt và tánh đức loài người đối cùng vạn vật giữa càn khôn vũ trụ nầy. Các Ngài thường hay so xúc cảm của mình mà đo lường sự xúc cảm của toàn nhơn loại nên đã hiểu rõ rằng, cơ quan tương đắc đã tạo nên đời phải đi đến cuối cùng con đường chí thiện, và cơ quan liên hiệp tâm lý chỉ nhờ bổn thiện mà thôi.

Vì vậy cho nên dầu tư tưởng của các Ngài khác hẳn cùng nhau, mà cả thảy cùng bộ hành trên nẻo truy nguyên Bổn thiện, rồi đền thờ của các Ngài lại cũng phải dựng trên nền Chí thiện mới vững bền kiên cố đức tin.

Giáo lý dầu khác, mà tinh ba Bổn thiện vốn chủ quyền, bởi vậy cả giáo lý cố tầm Bổn thiện.

Bổn thiện là gì?

Bổn thiện là linh tâm (la conscience) của ta. Thế gian vì không phân biệt đặng bí mật của linh quang và bổn thiện là hai phận sự đặc biệt của tâm hồn nên còn lại gọi là lòng lành, lương tâm [từ trước].

Theo triết lý thì lương tâm là sự hay biết tự nhiên, lẹ làng mau chóng của ta tự nhiên sẵn có và những huyền vi bí mật của tâm hồn hoạt động nơi ta.

Tánh nết, tình ý, tư tưởng, hoài cảm, tánh đức, trí định của ta cả thảy đều là những cơ quan của lương tâm phát tướng.

Lương tâm là tánh chất (Thiên mạng) của ta đã có sẵn để dìu dắt giúp đỡ ta trong sự hành động và hoạt động.

Nếu có nhiều lẽ vô thường của lương tâm, hoặc nhiều hay là ít minh mẫn là vì bởi chúng ta chẳng biết tùy biến hóa của nó mà tùng lịnh, nếu mỗi khi chúng ta để hết lòng hay là ráng định trí thì chúng ta liền hiểu biết trước đặng sở hành quả quyết sẽ dường nào.

Thấy một vật, thấu hiểu một nghĩa lý, nhớ đặng một câu thi thì phải để trọn tâm trí đặng thấy, đặng thâu, đặng nhớ.

Nếu chẳng phải nhờ lương tâm, tuy vân ta không thấy đặng những vật loại, những tư tưởng, những hoài cảm, những khoái lạc, những thương khó mà chúng ta lại tự nhiên đặng hiểu rõ như đã thấy đặng vật, tư tưởng, đặng điều nầy điều nọ, cảm xúc đặng sự vui sự buồn, thì chúng ta độ cớ ấy bởi đâu?

Lương tâm không cho ta biết điều quái dị vô thường và vô vi ngã tướng (sic, như tai nạn chưa đến mà hiểu trước đặng đỡ, mới giải nghĩa làm sao?)

Nó đem ta đối diện cùng thật sự hiển nhiên y theo ngã tướng của ta, trong điều hiểu chắc xúc cảm và thi hành mọi việc.

Lương tâm là ta đó vậy. (Đây lại cho ngã tướng và lương tâm hiệp một).

Nhờ nó mà ta biết đặng ta, chẳng phải ngoại diện mà thôi, mà lại nội trung của ta nữa, và chúng ta lại đột nhập vào hiệp một với chơn tướng của nó.

Nếu chúng ta vì hoài nghi mà toan bỏ điều cảm hóa của lương tâm thì còn lại cái chi phần chắc?

Một lương tâm không đủ làm thông suốt, đắc thông đặng là nhờ hình vật tiếp xúc cảm, phận sự thâu đoạt hình vật ấy về phần ngũ quan và ngoại cảm. Muốn đắc thông thì những hình vật thí nghiệm đừng mất hình tướng, lại phải gìn giữ y nhiên.

Phận sự gìn giữ (tồn tánh) về phần trí nhớ.

Những hình vật phải tái phục nguyên hình.

Phận sự phục hình về trí, tưởng, hiệp tác đặng sắp đặt thế nào cho hình vật có thứ tự của trí nhớ chất chứa, nên sanh ra phận sự chỉnh đốn của tư tưởng. Kế nữa thì quyền hành động của trí khôn, lãnh phần lập nên trí thức, là tánh suy đoán, tánh khai minh, tánh nghĩ nghị, vv . . .

Cả các hành tàng ấy, dầu hành tàng cảm xúc hay là hành tàng trí thức cũng phải tùng quyền của trí khôn ngoan, lẽ hữu tướng, lẽ quả báo, những nguyên ủy cuối cùng, những sự buộc ràng đức tánh cùng là chơn lý, đều do nơi đó.

Kết luận: Khi đắc thông và trí khôn chứa để chắc chắn đặng rồi, thì mới phổ truyền, phận sự truyền tín thì về bộ tịch, dấu hiệu và ngôn ngữ.

Đạo thuyết luận cho lương tâm hay: Linh tâm là linh quang của mỗi người (thường ngữ cũng gọi là Tánh linh), Đại Đạo ta gọi là Chơn linh.

Trung Dung nói: Thiên mạng chi vị tánh, nên cũng kêu nó là Thiên mạng.

Chơn linh của ta đặng minh mẫn mà dìu dắt, đỡ che, dạy dỗ, trừng răn, kềm thúc thi hài đi trên con đường lành là nhờ phước cao siêu của nó. (Có lẽ Thánh giáo Gia Tô gọi Thiên Thần là vậy).

Sự cao siêu là tổng số của các tánh linh mảy múng chúng ta đã đoạt đặng trong mỗi kiếp sanh đứng làm người, y phép luân hồi của tạo đoan đã định vậy: Sanh sanh tử tử đặng un đúc đào luyện tánh linh hầu mong hiệp một cùng Đấng Chí Linh Tạo Hóa. 

Cả phép thiêng liêng, dẫu điều ta quan sát hiểu biết đặng hay là còn bí mật huyền vi, đều cốt để giúp đỡ các đẳng linh hồn đi trên đường tấn hóa cho tới ngang phẩm vị của Chí Linh Tạo Hóa.

Vì cớ Đại Từ Phụ nói: Thầy là các con, các con là Thầy.

Kinh Phật nói: “Nhứt thiết chúng sanh giai thành Phật đạo.”  Lời nói tuy là nghĩa lý sâu xa nhưng chúng ta có thể tỉ thí mà hiểu như vầy:

         Chúng ta đã thọ một phần hương hỏa của Đại Từ Phụ là Nhứt điểm linh, rồi thừa nghiệp lấy sức riêng mình, dụng tư bổn ấy lập nên gia thế (nghĩa là tu luyện, trau giồi lấy điểm linh ấy trở nên vĩ đại và phú túc), dám so sánh sự nghiệp vô biên Tạo Hóa. Của mình là của Đại Từ Phụ, của Đại Từ Phụ tức là của mình.

Ấy vậy, Đấng Chí Linh là Đại Từ Phụ chiết ra nhứt điểm linh cho mình thì mình là Đại Từ Phụ, mà Đại Từ Phụ là mình, miễn đừng để mất phần thực hương hỏa thiêng liêng, Đại Từ Phụ lấy cho người khác (nghĩa là đừng vấn vương oan nghiệt tội tình mà hại khối chơn linh tiêu diệt).

Quyền năng của linh quang chẳng hề bị nhục thể đè nén đặng, vì sự hoạt động và hành động của nó ở ngoại thi hài và lại có sẵn quyền vi chủ.

Thi hài là vô năng, nếu thoát đặng hàng phẩm thú mà làm người là nhờ có chơn linh giúp đỡ. Trong nhơn thân, người và thú vẫn khác nhau, vì không nương quyền lực của chơn linh, xác thịt thú cũng huờn lại thú.

Dầu cho nhiều phen thi hài bị vật dục cám dỗ, giác tánh còn ngang ngược lẫy lừng, ít tùng phục lương tâm khuyến giáo, nhưng quyền vạn linh mạnh mẽ dễ đâu thua! Ôi! Nếu ai ở đời đã bị một phen trừng trị bởi quyền lực của lương tâm mới hiểu rõ Trời cao có mắt.

Oai linh nghiêm khắc của lương tâm, dầu cho một quan tòa phàm nhặt nhiệm gắt gao thế nào cũng bì không kịp, vì nó không cần kiểm soát án trạng mà cũng không hỏi chứng dựng tang, nhưng chẳng một lẽ gian thoát khỏi.

Luật hình của đời xử mình, nếu không có trạng sư thì cũng mình binh vực mình mà chối cãi, chớ còn mình mà xử mình thì chắc chẳng còn ai bào chữa.

Hai quyền tương đắc ở một mạng sanh:

1/ là lương thiện của chơn linh.

2/ là dữ dằn của xác thịt.

Hễ chơn linh thắng nổi thì người đáng cao siêu, còn xác thịt lộng quyền thì ắt tinh thần sa đọa.

         Những thuyết thiện ác, tội phước, chánh tà, của các tôn giáo truyền thế chỉnh do theo thắng bại của chơn linh.

Chơn linh hằng giữ bổn nguyên Bổn thiện của nó, đặng làm kỵ vật mới đi tận cùng con đường chí thiện của Chí Linh.

Vô vi tướng của chơn linh, các tôn giáo tả ra nhiều hình trạng, hoặc là cho rằng có hình dung khí chất, hoặc cho rằng ánh sáng quang minh, hoặc là cho hữu hình tướng, hoặc là cho hư không tướng. Cả thuyết lý đều có trúng mảy may chút ít, còn thiệt sự thì như vầy:

Chơn linh là một khối tư tưởng của trí thức tinh thần con người đào tạo kiếp kiếp đời đời, hoặc cư trụ tại thế nầy hay là hiệp một với càn khôn thế giới.

Nếu ta tu đắc kiếp, đủ quyền năng tác thành nhơn thân (nghĩa là hình trạng khí chất của ta, còn khí chất là điển lực sanh quang [énergie de vitalité] của xác thịt) thì chơn linh mới nhập vào mà tạo nên hình thể thiêng liêng.

Chơn linh đến nhập xác đầu thai thế nào thì khi nhập vào hình thể thiêng liêng cũng thế, nên gọi là phép phục sanh Thiên cảnh. (Đức Chúa Jésus de Nazareth gọi Christ đã đặng phục sanh tại thế). Chiếu theo đạo sử thì Đức Thích Ca và Đức Lão Tử cũng đặng như vậy.

Bổn nguyên chơn linh là tánh chất của Chí Linh nên thường có tánh linh hiện hữu.

Ta thử so ta cùng điểu thú thì thấy điều ấy rõ ràng. Vạn vật cũng có tánh linh nhưng mà ít hơn vì điểm linh quang rất nhỏ hơn mình, cơ tạo lại dụng phép linh nầy đặng định phân hạng phẩm của chúng sanh. Cả những chơn linh ấy tổng hiệp lại gọi là vạn linh sanh chúng.

Nhờ tánh linh ấy mà chơn linh mới soi đặng tận nơi tối tăm thấy đặng sự mắt phàm không thể thấy.

Hễ có kiến thì có thức, kiến thức là căn bổn của trí thức tinh thần. Muốn kiến thì nhờ nhãn, muốn thức thì nhờ trí. Ấy vậy, lương tâm (gọi là linh tâm hay chơn linh) là Thiên Nhãn của trí thức loài người. Vì cớ mà Đại Từ Phụ dạy thờ Thiên Nhãn.

Thiên Nhãn là hình trạng của lương tâm toàn thể, làm nền móng cho Cao Đài, nghĩa là đền thờ cao trọng hay là đức tin lớn của Chí Tôn tại thế nầy, y như hai câu thi của Đức Chưởng Đạo Nguyệt Tâm (Victor Hugo) :

L’ oeil mystique seul verra la religion nouvelle,

La grande foi gite dans la conscience universelle.

Có Thiên Nhãn mới tường chánh giáo,

Tin Cao Đài do đạo lương tâm.

Thờ Thiên Nhãn là thờ tánh mạng mình và Chí Tôn, nghĩa là thờ lương tâm của toàn thiên hạ (Le culte de la conscience).

Bần đạo đã luận rằng, cả đạo mạch cốt yếu giác mê chúng sanh qui bổn thiện, nhưng bổn thiện của thế gian ngày nay lửng đửng lờ đờ dường mê mẩn giấc nồng vật dục.

Đời tỉ như người say ngủ, mơ màng trong ảo mộng Nam Kha, các tôn giáo dùng phương chước đặng kêu thức tỉnh : ông thì lo quạt nồng đấp lạnh, chờ đã giấc tỉnh hồn, ông thì vỗ đít đặng giựt mình, ông lại chỏ miệng bên tai kêu dậy, ông lại thổi lỗ mũi đặng dứt ngơi, ông bỏ vật nồng vào miệng đặng cho thức nhấp.

Còn Đại Từ Phụ đến tạo Đạo ngày nay thì tỉ như Thầy cầm nơi tay một ngọn đèn rực rỡ quang minh (là chơn linh) mà soi vào mắt phàm tâm kêu định tỉnh.

Hại những nỗi tà vạy, xảo trá, gian ngược, hung bạo, tàn nhẫn, đã gây oán chác thù, vì tâm ác chất chứa tràn đời nên các đạo khó mong qui thiện.

Đại Từ Phụ đến mở mắt linh hồn của chúng ta rồi lại biểu ta xem coi thế sự đã thế nào, lại nhủ rằng, muốn trừ khổ của nhơn sanh, các con ráng qui nguyên bổn thiện, nên Thầy mới dụng bác ái từ bi làm cơ quan chuyển thế.

Thầy trao phẩm vị thiêng liêng làm thưởng vật, lại giao thiện giáo gọi bổn căn: Thiên vị thì để thế truyền, thiện tâm nêu bí pháp.

Bởi cớ nên Thầy dạy Bần đạo tạo linh bài đặng thúc giục thế gian hành thiện.

Chương trình ban thưởng sẽ nấy cho quyền vạn linh định đoạt.

Bất cứ dân tộc nước nào, chẳng kể bổn đạo hay là ngoại đạo, đã tận tâm phước thiện, dâng công ích cho chúng sanh. Hễ có ba Hội là Thượng Hội, Hội Thánh và Hội Nhơn Sanh đã nhìn nhận rằng, có công cả với xã hội nhơn quần và đã đặng Giáo Tông phê chuẩn thì HTĐ ban linh bài đẳng vị thiêng liêng.

Kỳ dư mấy vị Chức sắc Thiên phong đủ bằng chứng lụy mình vì Đạo thì quyền Chí Tôn (nghĩa là Giáo Tông và Hộ Pháp hiệp đồng) mới ban thưởng ân phong công nghiệp.

Những các hạng phẩm linh bài kể ra sau đây:

1. Thính thiện.

2. Hành Thiện.

3. Giáo Thiện

4. Chí Thiện

5. Đạo Nhơn.

6. Chơn Nhơn.

7. Hiền Nhơn.

8. Thánh Nhơn.

9. Tiên Tử

10. Phật Tử.

Từ bậc Thính Thiện tới phẩm Chơn Nhơn thì phận sự thật hành Thể pháp đặng giúp ích cho Hội Thánh về phương truyền giáo, nên hiệp một với Cửu Trùng Đài. Tuy các Ngài không quyền chức đặc biệt thì mặc dầu, mà quyền hành thiêng liêng đạo đức của mỗi người đã đào tạo tự nhiên phẩm trật.

Không phân biệt tôn giáo nào tất cả, những Đấng Đạo Nhơn tu theo Phật giáo, Tiên giáo, Thánh giáo, Thần giáo, Nho giáo, cùng là các tôn giáo khác nữa, nói cho cùng là các Chi Phái tả đạo bàng môn mà đã hữu công cùng chúng sanh, lại có quyền Vạn linh cầu thưởng và quyền Chí Tôn công nhận thì họ cũng đặng đồng quyền đồng thể cùng Chức sắc Cửu Trùng Đài, đặng giáo hóa chơn truyền phổ độ.

Từ bậc Hiền Nhơn tới Phật Tử, thì lo bảo thủ Bí pháp tâm truyền và nhập cùng Hiệp Thiên Đài làm một. Chức trách của mấy vị nầy cũng không phân biệt tôn giáo nào, hoặc là tu hay là không tu, quyền Vạn linh và quyền Chí Tôn đã công nhận cho rằng đáng phẩm thì cũng đặng đồng thể đồng quyền cùng Chức sắc HTĐ, chung nắm quyền hành luật pháp.

Ấy là lời ước thuyết, còn chương trình quyết định, khi quyền Vạn linh và quyền Chí Tôn phê chuẩn rồi thì Hội Thánh sẽ tuyên bố ban hành.

Vậy thì Đại Từ Phụ đến khai Tam Kỳ Phổ Độ có đem theo một gia nghiệp thiêng liêng xuống thế, rồi nắm tay các bậc lương sanh mà dắt đến một nơi vinh diệu, lại bảo rằng: Các con phải leo cho thấu trên chót Đài Cao nầy cùng Thầy đặng xem toàn thể của địa hoàn, ngó cho chường, suy cho quyết, rồi chung tâm hiệp trí cùng Thầy lo liệu bề chuyển thế.

Đại Từ Phụ còn giao nơi tay của chúng ta những phần thưởng hữu hình và quyền lực thiêng liêng của Thầy đã sẵn sàng dành để mà nhủ rằng:

“Của cải nầy đủ thế lực cám dỗ nhơn sanh qui hồi Bổn thiện”.

Thừa tánh tham của phù du thế tục, các con trao phẩm vị thiêng liêng. Do tâm dữ tranh quyền lộc công danh, các con đổi Chí linh Bổn thiện.

Cơ quan cứu khổ chúng sanh cũng do nơi đó.

Chúng ta phải tưởng tượng lại coi Ngũ Chi Đại Đạo là Phật giáo, Tiên giáo, Thánh giáo, Thần giáo và Nho giáo bây chừ chẳng khác nào như ngũ mã tranh tiên, còn Thầy đến bảo ta làm Chủ khảo.

Ông chủ khảo không phải là Mã Ôn, mà Mã Ôn thế nào làm chủ khảo, nên chúng ta không tùng một đạo giáo nào mà hành chánh pháp của Chí Tôn, chỉ nắm chặt chủ quyền ngồi phán đoán, đặng nâng cao giá trị của Phật pháp hiệp chơn truyền, mới vẹn tiếng chấn hưng Phật đạo.

Dầu hồi buổi chưa tu, chúng ta đã chán thấy sự hay dở của Ngũ Chi Đại Đạo là thế nào và cũng thấu rõ lẽ chánh tà của kẻ cầm quyền hành đạo. Chẳng cần để luận những Chi tả đạo bàng môn, dầu chánh pháp chơn truyền mà đời chế giảm sửa đương cũng đã thành phàm giáo.

Ta đã lãnh vai làm chủ khảo, thì buộc mắt ta phải xem cho chánh, tai phải nghe cho chánh, miệng ta phải nói cho chánh, thân ta phải làm cho chánh, trí ta phải định cho chánh, tâm ta phải giữ cho chánh, thì mới đủ quyền hành cầm cân công bình thưởng phạt thiêng liêng, hiệp tâm lý đặng qui nguyên phục nhứt.

Kìa chúng ta đã thấy chán chường dưới mắt những điều lưu hại của tả đạo bàng môn : Hoặc là theo Nho tông, thay vì quạt nồng đấp lạnh cho đời, lại nhốt dân chúng vào hòm chôn sống, hay là quăng vào nơi tuyết giá lầm than; hoặc là theo Thần giáo, thay vì lo giục thức tỉnh người đời, lại sát phạt ra trường lưu huyết; hoặc là theo Thánh giáo, thay vì kêu thức tỉnh người đời lại để miệng buông lời chửi rủa; hoặc là học theo Tiên giáo, thay vì hòa giải cho an ổn tâm đời, lại tính kế đồ mưu giục loạn; hoặc là theo Phật giáo, thay vì tùng phương giải khổ, lại tăng thêm sầu thảm của chúng sanh.

Một trường náo nhiệt đua tranh, xem mặt Đạo còn hơn mặt thế.

Chúng ta đã chán ngán những xảo mị của đời nên quyết tầm chơn, nương theo Từ Phụ.

Bần đạo thấy đặng một lẽ phi thường không phương hiểu, nghĩa là những trang đạo đức lại có sẵn tâm tu, đã hưởng mùi chánh giáo của Chí Tôn mà còn thối gót phục tùng tả đạo.

Thật là làm chủ không muốn, làm tớ lại vừa lòng, tâm lý nhơn sanh vốn không cùng đoán.

Thầy đã tuyển chọn các bậc lương sanh, lập nên Hội Thánh đặng làm hình thể của Thầy, ban cho đủ uy linh quyền thế, làm cho Hội Thánh đủ quí hóa cao trọng đặng đáng mặt làm thầy, lập luật pháp, tuyển hiền tài, định quyền hành, phân đẳng cấp, nhứt là luật pháp thì thật là một cơ quan độc thiện làm cho hòa nhã liên lạc cả con cái của Thầy, hầu giảm hại chia phe lập phái. (Thầy đã nói: Kẻ nào chia phe lập phái là kẻ thù nghịch của Thầy.)  Hễ thù địch của Thầy tức là thù địch của nhơn sanh, mà thù địch của nhơn sanh ấy thù địch của toàn Hội Thánh.

Đối với thù địch xưa nay, tâm phàm vốn ít hay thiện xử. Vậy thì sự thù oán nghịch lẫn của vài vị Thiên phong trong Hội Thánh gẫm cũng thường tình. Xin mấy vị rộng nghe ráng hiểu.

Nào dè những cơ quan pháp luật, thay vì buộc con cái của Thầy chung hiệp cùng nhau, lại đào tạo quyền hành quí trọng nên mùi thơm, giục cho sanh chúng tranh giành, làm cửa Đạo biến thành trường náo nhiệt.

Ôi!  Sự thất vọng của Thầy rất nên thê thảm!

Hại thay mới 8 năm truyền giáo, nên nhơn sanh chưa đủ thông luật Đạo cho cùng, bị cám dỗ nên nghe lời xảo lảo của kẻ bất lương, giúp thế lực cho tà tâm xô chánh giáo.

Thật ra thì nhơn sanh ngày nay còn theo người chớ chưa theo Thầy, nghe Chức sắc chớ không nghe Đạo. Nếu chúng sanh theo người thì là theo phàm tâm, mà phàm tâm vốn một người một thể, dầu cho tánh đức của mấy vị Giáo chủ cũng chẳng phù hợp nhau nên sanh hại chia phe lập phái.

Bần đạo thử hỏi, thoảng như Đạo phải cô thế điêu tàn, tội trọng ấy đổ cho ai gánh?

Của cải của Trời cho nhơn sanh, nhơn sanh chê, nhơn sanh đốt thì nhơn sanh chịu. Báu của ai phòng để dạ giữ gìn, còn của thế mà mất đi cũng thế, miễn cho kẻ tà tâm có thế lực đôi hồi, loạn Hội Thánh đoạt vị ngôi là thỏa vọng. (Ấy là học theo truyện Tề Thiên loạn Thiên cung đặng nài chức Bậc Mã Ôn).

Chẳng biết những người tâm đạo mới nghĩ ra sao?

Nè chư Đạo hữu lưỡng phái,

Xin nhớ rằng Đạo là của chung cả chúng sanh, dầu cho ai thù ai oán, ai giận ai hờn, mưu hại lẫn nhau cũng trối kệ, chớ vì thù oán giận hờn, ai ra tay độc phá nền Đạo thì người ấy là tội nhân của toàn sanh chúng đa nghe.

Bần đạo hằng đặng tin tức của mấy tỉnh Hậu giang cho hay rằng nhiều tay phản Đạo, đi khắp nơi kích bác Pháp Chánh Truyền, lại dối gạt Pháp Chánh Truyền đầy nỗi hại.

Có nhiều Đạo hữu phản kháng hỏi: Hại tại nơi đâu? T kẻ phản Đạo không phương giải rõ.

Bần đạo cũng bắt chước hỏi:  Hại tại chỗ nào?

Á phải! hại thật, thật có hại cho quyền Hội Thánh, vì Bần đạo ban rộng rãi cho nhơn sanh đủ thế lực quyền hành dám kháng cự cùng quyền Hội Thánh.

Hỏi: Người đồ mưu kích bác Pháp Chánh Truyền là ai ?  - Có phải một vị đại Thiên phong của Hội Thánh và những Chức sắc phe đảng của Ngài. Chư Đạo hữu chư Đạo muội lưỡng phái tìm hiểu cho cùng thì biết rõ ràng chơn lý.

(Ôi!  Ai đã để hy vọng một ngày kia làm chúa cả của toàn nền Đạo thì cũng lo giảm thế lực của nhơn sanh đặng dễ dỗ dễ tranh, hầu lợi dụng lấy quyền công cử. Ấy cũng là phàm kế mà thôi.)

Cái hại thật của Hội Thánh là tại sao cho Chánh Trị Sự một quyền hành cùng phẩm Đầu Sư nơi địa phận một làng sở tại, còn Thông Sự một quyền Hộ Pháp, Phó Trị Sự lại giống Giáo Tông, song hành chánh nội trong một xóm.

Lại nữa, Đạo chia ra ba quyền đặc biệt:

* Quyền Nhơn sanh : là từ phẩm Lễ Sanh, Chánh Trị Sự, Phó Trị Sự, Thông Sự và cả phái viên toàn đạo hiệp đồng định luật lịnh phục hành Thể pháp. Chánh Phối Sư phái Thượng làm Chủ tọa. Hội nầy có hai vị Chức sắc Cửu Trùng Đài và Hiệp Thiên Đài dự hội.

* Quyền Hội Thánh : là Hiệp Thiên Đài thì Thập nhị Thời Quân, Cửu Trùng Đài thì từ phẩm Chánh Phối Sư, Phối Sư, Giáo Sư và Giáo Hữu thì vâng luật pháp thi hành chánh trị, Chánh Phối Sư phái Thái làm Chủ tọa hội nầy.

* Quyền Thượng Hội: là HTĐ thì Hộ Pháp. Thượng Phẩm, Thượng Sanh; Cửu Trùng Đài thì Giáo Tông, Chưởng Pháp và Đầu Sư, cầm luật pháp điều hòa đạo mạch. Thượng Hội không quyền sửa trị, duy thi hành luật lịnh Chí Tôn, kỳ dư khi nào Hội Thánh và Hội Nhơn Sanh phản khắc cùng nhau làm nền Đạo chinh nghiêng  nguy hiểm thì Đầu Sư mới đặng thống quyền nắm Đạo pháp thi hành chánh trị. (Quyền Thống nhứt phải có đủ quyền Vạn linh và quyền Chí Tôn hiệp đồng ban cho mới đặng). Hội nầy của quyền Chí Tôn (là Giáo Tông và Hộ Pháp) làm Chủ tọa.

Trừ hai vị Đại Thiên phong là Giáo Tông và Hộ Pháp đã thay quyền Chí Tôn tại thế ra, cả ba Hội công đồng mới có quyền Vạn linh đủ phép.

Ấy vậy, Đạo có Quyền Vạn linh chớ không có Hội Vạn linh.

Chư Đạo hữu lưỡng phái biết đặng luật nầy thì sao cũng buồn cười cho Hội Vạn linh của Quyền Ngọc Đầu Sư buổi nọ! (Ngọc Trang Thanh, Lê Bá Trang).

Vậy thì Hội Nhơn sanh là một quyền lực của Vạn linh, nếu không phân trách nhậm công bình, thiếu phương thế mong chi giữ pháp.

Ôi!  Nhiều Đạo đã khi rẻ chúng sanh và chúng sanh chê Đạo cũng bởi thiếu cơ quan nầy mà chớ.

Bần đạo nhớ lại khi ban hành Pháp Chánh Truyền thì làm cho nhiều vị Thiên phong Cửu Trùng Đài thất chí, nhứt là Cụ Lớn.

Bần đạo mới nói trên đây, đã sai một vị kia ra lập phái đặng kích bác chơn truyền, hầu đánh đổ  quyền hành Chánh Trị Sự, Phó Trị Sự và Thông Sự, nghĩa là quyền nhơn sanh cho tận diệt. May thay có Chí Tôn phò trợ nên không kết quả chút nào và nghe ra Chi phái ấy ngày nay đã tan tành rời rã.

Bần đạo nghĩ cũng nực cười vì họ cũng có thế dỗ dành cho tín đồ lầm lạc, thật là họ dụng phản gián mưu sâu đặng xúi nhơn sanh tự vận.

Đảng phái ấy đã cả gan dám lột cổ pháp và cổi sắc lịnh một vị Trị Sự đương bận hành lễ, liệng trước mặt của đông người, mà sao nhiều vị tín đồ cũng không hiểu nghĩa.

Bần đạo khổ thân nhọc trí, càng lo bảo hộ quyền thế của mỗi người, càng bị nhiều kẻ đồ mưu xúi người ơn đem trả oán. Thiệt tâm lý của người đời rất nên ghê gớm.

Đạo là Đạo, mà ai cũng Đạo.

Thể pháp (nghĩa là ngoại dung) thì buộc, nào là phẩm, nào là quyền hành, chớ trước Bí pháp (nghĩa là nội dung) cả con cái của Chí Tôn đồng một bực.

Không phân lớn nhỏ, chẳng kể sang hèn, hình tướng Chí Linh vẫn đồng một thể.

Bần đạo hằng nghe mấy vị Chức việc mấy Họ Đạo Lục Tỉnh than rằng: Phận thiệt thòi nên không dám trèo đèo luận biện với Bề trên Chức sắc.

Bần đạo xin tỏ rằng: Duy bậc phẩm hèn của Đạo mới dày công nghiệp với Chí Tôn, còn có công nghiệp thì có đủ quyền hành, có quyền hành thì có tự do ngôn luận. Cũng vì chư Đạo hữu trong Hội Nhơn Sanh chưa hiểu rõ quyền hành nên Chức Sắc Thiên Phong lộng phép. (Xin chư Đạo hữu lưỡng phái đọc luật cho thường, rồi kiếm hiểu).

Chúng ta chưa hề đã để ý định cho mình mẩy tay chơn của châu thân ta mỗi phần giá, vì lớn nhỏ cũng đồng cốt nhục, dầu trọng khinh cũng cùng một thể thân, lễ nghi kia để dỗ mắt phàm, phẩm vị nọ giục ham bụng thế.

Chí Tôn đã dạy rằng, phải tùy theo phong hóa của các sắc dân sanh mà truyền giáo, thì người cũng tùy Nhơn đạo lập chơn truyền, bởi ta tham trọng thế lớn quyền, Thầy mới tạo ngôi Tiên vị Phật.

Đại Từ Phụ một hôm kia than cùng Bần đạo rằng: Thầy không phương nào đến cùng các con khác hơn cơ bút. Thầy còn phải trụ tinh ba chơn truyền của Ngũ Chi Đại Đạo lại mà làm cho chúng sanh hiểu Đạo đặng dễ dàng nên phải dụng bút cơ giáo hóa.

Hễ mọi điều chi có hữu ích thì có hữu hại.

“Sau nầy Thầy e cho cơ bút sẽ hại cho nhơn sanh mê tín dị đoan cũng bởi vì ưa ham phẩm vị. Nào là thành Tiên hiển Phật, nào là xưng Thánh hô Thần, xúi tục tánh ham gần mộng mị.”

Lời tiên tri nầy ngày nay kết quả.    

Ta thử thầm hỏi lấy tâm ta rằng: Đại Từ Phụ muốn cho ta ra phận sự gì? Nó ắt trả lời: Thế thì Thầy muốn cho ta thiện niệm, thiện hành, thiện tu thiện giáo, đặng nêu gương cảm hóa người đời, còn làm trái hẳn tôn chỉ cao thượng của Thầy mà gieo ác thì là kế Quỉ vương giục loạn.

Hành đạo là khó, mà bảo chơn lại càng khó, bởi đó mà phận sự của Hội Thánh rất nên yếu trọng. Nầy là mặt luật, nọ là nhơn tâm, vẫn đôi bên phản khắc. Nếu muốn đắc nhơn tâm phải phế vong mặt luật, còn như thi hành chánh luật ắt là thất nhơn tâm, hỏi Hội Thánh phải hành pháp thể nào đặng vừa lòng công chúng?

Phải theo công chúng bỏ chơn truyền hay là nắm chơn truyền đặng hành quyền cùng công chúng?

Phải quấy để lòng người suy gẫm, Bần đạo không minh luận ra đây.

Sự vừa lòng công chúng đã hại nhiều tôn giáo chơn chánh qui phàm, chúng ta nên noi gương ấy mà tùng theo, hay là phải tìm đường xa lánh?

Còn như không vừa theo công chúng, người chê bai xa lánh Đạo mới sao?

Thật là khổ!  Phải cho có đủ khôn ngoan trí thức thiêng liêng mới tìm thấy trung dung Đại Đạo.

Hạng phẩm và trách nhậm đặc biệt phân minh của Hội Thánh có nên để cho rối loạn cùng chăng?

Nếu trật tự không vững gìn, dầu Chí Tôn có cho Hội Thánh quyền hành cao trọng thể nào, Đạo rẻ giá bất năng vô ích.

Luật pháp cốt để giữ nghiêm trật tự của Chức sắc Thiên phong biết phận sự mình, hiểu phẩm hạnh mình, đủ thể diện bảo an Hội Thánh.

Hỏi những tay đã đồ mưu phá tiêu pháp luật ở nội tâm muốn tính điều gì?  Bần đạo tưởng chắc cả thảy Đạo hữu lưỡng phái nam nữ đều đồng ý đồng thinh mà trả lời rằng: Họ quyết chắc tìm phương diệt Đạo.

Thật phải vậy đó chút. Hễ phá pháp luật là phá giá trị của Hội Thánh, mà Hội Thánh mất giá trị thì Đạo phải điêu tàn tiêu diệt. Bần đạo tưởng muốn hại Đạo, không có thế nào hay hơn là phá tiêu pháp luật.

Hiệp Thiên Đài là cơ quan bảo thủ chơn truyền có nên để cho Chức sắc lộng quyền phá tiêu pháp luật hay không?  Bần đạo để cho chúng sanh định lý mà trả lời giùm, chớ ngòi bút của kẻ biết tu chẳng nỡ để câu ác luận. Chức sắc Thiên phong cốt để thi hành luật pháp, chớ chẳng phải nương chánh giáo đặng làm quyền. Hễ vị nào lập thế lực riêng thì vị ấy tự nhiên lộng pháp.

Bần đạo hằng nghe văng vẳng bên tai những tiếng thị phi ác cảm rằng: Bần đạo binh người nầy, vì kẻ nọ, mà không thấu rõ đủ bằng cớ binh vì.

Đã hai phen chung chịu, trước kia với Cao Thượng Phẩm, sau nầy với Quyền Giáo Tông, Bần đạo bị khép vào án đồng lõa đồng tình hay là án bất minh tư vị. Ôi! Miệng mối lưỡi lằn không phương giải nghĩa.

Nhơn sanh chỉn thấy đặng bóng dáng phương ngoài mà nghị luận, nào biệt phân đặng binh luật pháp với binh người, lẽ thiệt hư nếu hiểu lý cùng noi thì thấy vì Đạo chớ không vì mị.

Bần đạo đã cầm luật pháp nơi Hiệp Thiên Đài đặng bảo an Hội Thánh thì những người xâm phạm luật pháp, lạm dụng Đạo quyền phải đi ngang qua mặt Bần đạo hành quyền trước đã, rồi mới toan rối loạn chơn truyền, sanh chiến tranh phấn đấu tự nhiên, thắng Bần đạo mới mong hại Đạo.

Hại thay!  Thật ra cũng có lắm kẻ tà tâm, may nương cội Đạo đã làm điều tồi tệ đắc tội với nhơn sanh, lại lạm hưởng phận sự bảo hộ Hội Thánh của Bần đạo phải thi hành nên hại Bần đạo nhiều phen phải cùng chung nhục nhã.

Ôi!  Phận sự cầm cân công bình thiêng liêng của Chí Tôn tại thế, vốn không phải dễ. Hễ muốn trọng hồn thì phải nghiêm trừng xác thịt, mà nghiêm trừng xác thịt vốn là phương kết oán gây thù, còn trọng xác thịt, rộng thứ dung thì linh hồn sẽ tự nhiên sa đọa, mà để các đẳng linh hồn sa đọa thì lại đắc tội cùng Thầy.

Làm cho vẹn phận sự khó thôi rất khó!

Trách nhậm yếu trọng ấy, chẳng phải ngồi lim dim ngủ gục mà làm cho Đạo bành trướng cả thể dường nầy. Bần đạo nhớ lại buổi trước Đạo còn sơ khai hỗn độn, Chí Tôn lại rộng mở cửa đặng chực rước chúng sanh, các tôn giáo các đạo chi rần rần rộ rộ, lộn xộn lao xao, kẻ thì bán bí pháp, người tụng mướn kinh, hại chánh giáo chơn truyền một lúc chịu ô danh trược diện.

Lo sửa sang chỉnh đốn mấy năm trường thôi đã hết hơi, dân Việt Nam mê tín khắp nơi nơi, nào bóng nào chàng, nào đồng nào cốt, nào bùa Tiên nào phép Phật, đã đặng hồi đắc giá chợ đông người, bán mắc rẻ kiếm lời, lường gạt thế.

Khi ở Thủ Đức trở về Tòa Thánh thì thấy nào là kẻ theo ông Ngọc Lịch Nguyệt, học trì thoàn niệm chuỗi từ bi, ngồi lần hột lim dim ngủ gục; nào người thì theo làm học trò ông Giác Hải (Hòa Thượng Như Nhãn) đánh mõ chuông tụng mãi Di-Đà, ngoài Thánh địa thì đồng cốt lên xưng quỉ gọi ma, còn Chức sắc xúm giành nhà giựt đất.

Bần đạo cố gắng lo trừ khử đặng bảo thủ chơn truyền, trót mấy năm tà pháp vừa yên, kế Chức sắc tranh quyền lấn chức.

Bần đạo cũng chẳng vì khen mà ham, mà cũng chẳng vì chê mà thối chí, sự buồn vui đã chán ngán với tuồng đời, chẳng còn sót điều chi rằng thú vị, nay đã dâng trọn tâm hồn cùng xác thịt cho Đại Từ Phụ, sự oán thù đã vô giá trị với thường tình, chẳng sợ khinh, không cầu trọng.

Vị nể ai?  Vị nể đặng làm gì?

Ngảnh lại đời thấy quí là chi, đặng mưu lợi phòng khi vị nể. Ấy vậy, đời không mến, thế không ưa, còn sót lại chi hay thân buộc trói.

Thế thường nói: Để cho người mà xử người thì chưa hề có công bình chánh đáng. Phải biết tận tâm lý và hiểu trọn hành vi của người thì mới định đặng công bình tội phước.

Bần đạo xin dâng một chuyện hiện hữu của Bần đạo đã gặp khi đổi ra làm việc tại Qui Nhơn.

Đến Bình Định đặng đôi tháng, Bần đạo biết đặng một người đã 36 tuổi, trang nghiêm tuấn tú, diện mạo khôi ngô, Nho văn hay Pháp văn khá, đức hạnh có, tài tình có, thật đáng trang danh sĩ Khổng Trình. Đờn thiệt hay, thi thiệt giỏi, ngôn ngữ như lưu, thông minh tột lẽ, rất đáng bậc phong lưu tài tử.

Bần đạo vì thương tài kết làm bạn thiết.

Hôm nọ đến nhà Bần đạo đàm luận suốt canh khuya, thoạt nhiên thú thật rằng người vốn tổ dạ du quân tử. Bần đạo nghe qua ngạc nhiên sự lạ, trước thì tưởng nói chơi, sau nghe gốc tích thuật trang hoàng thì mới biết lời chàng tỏ thật.

Tự thuật của người như vầy:

Người gốc ở Thanh Hóa, cha người làm quan chức Tân triều, song kỷ trưởng niên cao nên hồi hưu dưỡng lão; mẹ thì mất sớm, để lại một em gái cùng người. Cha người tái thú với một bà góa ở Quảng Nam, sanh đặng thêm hai gái một trai, cộng chung với 5 con riêng của bà nữa thành ra 8 mạng. Người thuật cả gian ác của bà kế mẫu đối cùng người và em gái của người, nghe nên thảm thiết. Lịnh thân của người lại sợ bà như hùm như hổ đáo để, nên 10 người phải tách mình đi ở mướn đặng trốn xa cái khổ khắc của bà. Thời may gặp đặng ông chủ lại là người đạo đức hiền lương, nên dạy học Nho văn thông suốt, còn Pháp văn và quốc văn thì người tìm tòi mà học một mình, nhờ sáng trí và cố cần nên cũng khá.

Chí đến năm 19 tuổi, khi vừa đặng nên người, Bà kế mẫu xúi lịnh phụ đòi về đặng lo đôi định bạn, cốt yếu cưới vợ cho người là mướn tớ rẻ chớ không phải là thương người, đặng định gia thế cho người (điều nầy cũng là thường sự).

Tội nghiệp thay chị vợ rủi vô duyên mà phải chịu cam khổ cùng người, vì đó nên ân nghĩa mặn nồng, vợ chồng vốn thương nhau thật dạ.

Lần lừa ngày lụn tháng qua, vì quen nhỏ nhẹ theo phận tôi đòi, biết chiều lụy kính nhường nên bà kế mẫu để chút dạ thương tình, đã quá 3 năm thấm thoát. Hại thay trong 3 năm an ổn lại sanh 3 cục báo đời, chị vợ đẻ hai trai một gái.

Miệng ăn thì nhiều, tay làm thì ít. Gia đình khiếm khuyết, sự nghiệp tiêu hao, bà kế mẫu tính cho rằng hai tay của vợ chồng làm không đủ công trừ miệng của ba con, nên lập chước đuổi ra khỏi cửa.

Chồng thì trần lỗ, vợ cũng không lành, con đói rách lang thang mà bà đành đoạn đem dạ đuổi xô ra ngoài ngõ. Người em gái thấy cảnh thảm khổ dường ấy nên quyết theo chung chịu cùng anh, nào dè thêm một miệng thì hai người thêm một khổ. Chị vợ vào ăn cắp ít nồi gạo đem theo, rủi bị bà kế mẫu thấy, chạy theo giựt lại.

Một đồng một chữ không có, mơi cơm chiều cháo, đi làm công đặng kiếm nuôi nhau, rủi khi nọ ông chủ mướn gây lộn không cho tiền tháng.

Chạy cơm không nổi, cả nhà nhịn đói đã bốn năm ngày, con thì khóc, vợ và em thì than, kế cùng lực tận, chịu không nổi, người tính ra đường toan tự tử, may sao người vợ có tánh linh, hiểu tình cảnh chạy theo níu lại. Thiệt là khổ não vô ngằn, viết ra không hết.

Nằm khoanh mà chịu trót bảy ngày không có hột cơm, chẳng lẽ ngồi chờ chết cả một nhà, đến cùng nước mới ra ăn trộm. Nhờ đã đủ trí đủ tài nên nghề dở cũng ra hay, của Thạch Sùng cho cũng đủ xài, vàng Vương Khải độ ngày dư dả. Người nói rằng gia nghiệp của người cũng nhờ của trộm mà lập nên, nên chính miệng người khai rằng gia tài sự nghiệp ấy vô giá trị.

Người khai thiệt rằng, cách 4 năm giải nghệ, nhưng lương tâm cắn rứt hằng ngày, vì hổ thẹm nên đành xa quê lìa vức, vào ở tỉnh Bình Định gần 4 năm chầy. Nói đến đây, người khóc dầm dề, ngồi buồn bã thảm sầu than dài thở vắn. Bần đạo để lời an ủi, đổ thừa cho vì cảnh gian nan, đến cùng thế phải toan cùng thế. Từ cổ chí kim biết bao mặt trượng phu quân tử gặp thất thời phải cam chịu phận hạ tiện tiểu nhơn, cũng vì l mạng tài tương đố.

Tuy nói vậy nghe vậy chớ Bần đạo cũng không tin, nên kiếm chước đặng gần mụ vợ. (Người em gái khi ấy đã nên gia nghiệp chồng con, cũng nhờ có tay anh giúp đỡ và cũng ở tại tỉnh Bình Định cùng anh).

Cách ít lâu, Bần đạo đến nhà, nào là đờn ca xướng hát, nào là cờ bạc rượu trà, nhà người đã thành ra nhà xẹt (Cercle). Mãn tiệc đã xình xoàn, kêu vợ chàng hỏi lén.

Người vợ khóc dầm dề thuật lại y chẳng sót, lại thêm rằng: Có một đêm chàng mang máu mủ chạy về nhà, mảng đương lo cạy vách người ta, bị chúng chém may không đứt họng. Ôi!  Mẹ con tôi thấy hoảng, nên ó ré khóc rùm, xúm la làng réo xóm lum um, sợ chàng chết nên không sợ tội.

Khi ấy tôi đã đẻ thằng út của tôi bây giờ đó, tính hết thảy lũ con thành 7 đứa. Thầy không tin, khi nào vạch lưng cậu nó (là ông chồng, vì vợ con kêu anh ta bằng cậu) thì thấy cái thẹo dài hơn một tấc.

Chết chết sống sống, khổ biết bao nhiêu, trên hai tháng mới là lành mạnh. May không tôi đã phải góa, con chịu mồ côi, thân phận chúng tôi nghĩ thôi bao nả!

Bần đạo nghe đến mà hết hồn, nếu như chàng mà phải thế nào, sắp con và vợ ra sao chẳng hiểu?

Nếu người bị ăn trộm khi ấy biết rõ cảnh tượng nầy, đưa tay chém lưỡi dao khó xuống.

Bần đạo thử đem vụ nầy ra trường ngôn luận, thì chắc có người không tin rằng người ấy có đủ tài ba trí thức, nếu quả có tài thì phải có nghề, cớ sao không nghề nghiệp lại ra ăn trộm?

Bần đạo sẽ trả lời rằng, phải hiểu dân ở tỉnh Thanh Hóa bề sanh nhai khó dễ thế nào, mới luận thiếu nghề là dở.

Cũng có ông nói rằng, thà là thân ở mướn hơn sanh phương hạ tiện tiểu nhơn.

Bần đạo lại trả lời: Ở cùng chủ bị giựt lương mới ra thân chịu đói.

Đời mấy ai thương khó, thấy nghèo hèn dễ ngó đến thân hèn, giàu đầu non cũng có người quen, đói giữa chợ anh em vắng mặt, lại còn chàng quá ngặt, vợ, con, em tay dắt tay dìu, của một nhà nào có bao nhiêu, phòng nuôi nổi cho đều mấy miệng. Một thân dầu quyền biến, cũng có miếng mà nhai, tiền ngày có một tay, ăn hơn ngoài 8 bữa. Ai cả gan dám chứa, cả ba bốn đứa con, một miệng ăn núi lở non mòn, lựa một lũ quả hơn gánh hát.

Cũng có cụ nói, thà hành khất nuôi nhau hơn đi đào ngạch chúng.

Bần đạo lại trả lời, đời mấy trang phước thiện, bố thí hiếm cho nhiều, của đi xin ngày một đặng bao nhiêu, phòng nuôi dưỡng cho đều cho đủ.

Cũng có lão nói, thà chịu đói khô mà chết thì hay hơn mang kiếp tà gian.

Bần đạo lại xin nói: Một mình chàng sống thật đã không màng, còn con vợ khốn nàn ai dưỡng dục?

Nhiều ông đặng vui phần hạnh phúc, nào biết chi vinh nhục của người, cứ chấp kinh lớn tiếng rộng lời, chớ chưa đủ trải đời cho thấy khổ. Xem kẻ rách lòi trôn nói hổ, bởi chưa tường giá nợ áo cơm, đòi thấy bèn bụm mũi bịt mồm, vì chưa hưởng mùi thơm vị thúi, những thấy phỏng định chừng tội lỗi, bởi chưa quen lòn cúi khó là bao, vẽ tranh đời nhắm mắt nói màu, màu thế sự luận sao cùng lý.

Hỡi ai đã đa sầu đa cảm, có dạ thương đời, xin lấy thân người dạ du quân tử nầy mà tỉ lại thân mình, thấy giống hệt như in chẳng khác.

Hội Thánh Đại Đạo ngày nay cũng thế, nỗi thảm khổ của Chức sắc Thiên phong mấy ai thấy rõ, phòng để luận cho công, nhờ Chí Tôn nung trí giục lòng, bằng chẳng vậy khó mong thành Đạo. Nỗi cơ đời ép bức, nỗi phận sự khó khăn, lo bảo tồn cả triệu sanh linh, khỏi khổ hạnh vốn không phải dễ.

Bần đạo coi lại những kẻ để lòng gieo ác cảm, đều là người trốn lánh phận mình, Đạo không nên mà đời cũng chưa đủ, xúm vầy đoàn kết lũ hại người lành, hay là tay ghét ngõ ganh hiền, cứ xúm ngõ kim  tiền hô kiếm trộm, cùng những trang Chức sắc lo mua tiếng cầu danh, miếng đỉnh chung tính bỏ không đành, còn quyền Đạo cũng tranh cũng lấn. Cả thảy chưa dâng công cho Đạo, chỉ lấy tiếng bua danh, những vị ấy có hửi cái khổ của Hội Thánh là dường nào mà xử định phân minh mùi vị?

Bần đạo đã trót 8 năm chầy, lao tâm tiêu tứ, lo tìm phương bảo thủ chơn truyền, hằng bị nỗi khó khăn gay trở. Trong thì Chức sắc Thiên phong nghịch lẫn, ngoài tà quyền kiếm thế ép đè, khổ nhọc trăm bề, gian nan khó nói.

Nào là mưu giục loạn, nào là kế phân tâm, dẹp sự nọ, biến điều kia, khuyên hờn nầy sanh oán khác.

Nào là tiếng gièm pha miệng thế, nào là lời kích bác phái tà, làm nghiêng ngửa Đạo tâm, hại chia phui Hội Thánh. Tội nghiệp thay, có nhiều vị Thiên phong Chức sắc chịu không kham hổ nhục của ác đời, cực chẳng đã phải kiếm chước lui chơn, lập thế lực lo phương hành Đạo.

Thật sự rối rắm của Đạo là do nơi trở cảnh mà biến thành, chớ chẳng ai nỡ cố tâm hại Đạo.

Cuộc bất hiệp tác đã nảy sanh ra trong hàng Đại Thiên phong cầm quyền hành chánh, đều tại không đồng ý đồng tình, trên không biết dưới, dưới chẳng hiểu trên, sự hành động bất hòa mới sanh nghịch lẫn.

Ông thì lo tìm phương giải ách, ông lại toan lập thế phổ thông, hao của nhọc công, muôn điều khổ nhọc. Nếu quả nhiên có tâm hại Đạo thì còn lo vụ tất vẻ lịch xinh chánh giáo mà làm gì, cho bị dể bị khi, thêm lao tâm tổn trí. Dầu mấy vị vì danh vì thể, lo xui mưu làm loạn đặng tụ phái lập phe đi nữa, cũng có công giúp ích chơn truyền, nơi khổ hải đóng thuyền ra tế độ.

Ấy vậy, thiệt nhục cho Bần đạo là không phương làm hòa nhã cả Chức sắc Thiên phong, để mếch dạ chênh lòng, mới gieo phiền kết hận, song xét cho cạn lẽ, thì nhơn tâm biến cải, dầu Thánh nhơn cũng khó nỗi ngừa, hễ xảo ngữ vốn dễ nghe, còn thiệt ngôn hay nặng dạ. Chẳng biết người đạo đức ở thế nào cho thiên hạ vừa lòng. Hèn chi Phật tỉ đời như Thất đầu xà, nghĩa là hình trạng thất tình phàm thể.

Chớ chi Đại Từ Phụ ban cho Bần đạo phương thế nào mà làm cho chư Đại Thiên phong yếu trọng của Hội Thánh bớt để tai nghe lời siểm nịnh của đám tà, thì nền Đạo chẳng đâu ra nông nỗi.

Người muốn nên cho Đạo thì phần ít, còn kẻ giục hư lại vốn phần nhiều, vì những tánh nết tự kiêu, vì đầy lòng ganh ghét.

Bần đạo xin thưa cho chư Đạo huynh chư Đạo tỷ cùng chư Đạo hữu nam nữ lưỡng phái một điều nầy:

Chúng ta tu hay là không tu. Nếu như tu thì phải hiền, như còn muốn dữ thà bước cho xa cửa Đạo.

Chúng ta đã lãnh phận sự đặc biệt và yếu trọng là cảm hóa thế nào cho đời đã tệ hóa ra hay, người bạo tàn hóa ra hiền ngõ. Nếu còn nêu gương tàn nhẫn thì khuyến giáo đặng ai, cứ mong lòng tranh trí lấn tài, ắt tàn hại cái hay đạo đức.

Sở vọng của Đạo cốt yếu là làm cho thiên hạ thương yêu, vì sự thương yêu là một quyền hành độc thiện, mà chư Chức sắc thay vì yêu thương lại chọc cho hờn cho ghét, thì hành vi ngược ngạo biết là bao! (Đạo thiên hạ đã ghét rồi đa, làm thế nào cho thương đặng mới là hay, còn hại ghét hoài ra thường sự).

Bần đạo để lời tâm huyết nầy:

Chúng ta đã chung khổ cùng nhau tạo thành nền Đạo, dầu không tình cũng nghĩa, dầu bỏ nghĩa còn công, đã 8 năm khổ hạnh chia đồng, hóa giọt thảm mặn nồng bằng cốt nhục. Nay vừa đặng mảy may hạnh phúc, nỡ nào còn cân nhục so vinh, nên cũng mình mà hư ấy tại mình, trọng là thế, khinh kia cũng thế. Đời tồi tệ miệng còn nói lễ, Đạo dường bao chẳng kể tôn ti, nếu ta bày ra tiếng thị phi, biểu sao chúng chẳng khi chẳng dể, cùng nhau đã đồng minh đồng thệ, của thiêng liêng huynh đệ nên nghì, hơn mà chi thua ấy là chi, mưu hại lẫn nhau vì cừu hận, ráng giữ chặt tánh hờn nét giận, ngọn hỏa tâm thiêu tận đền thờ, Đạo sử ghi kiếp kiếp để nhơ, nơi cửa Thánh ơ hờ hóa quỉ, bớt nghe hồ mị, theo Đấng Chí Tôn, sống sót kia xin ngó đến hồn, đừng đợi thác thây chôn để trược.

Độ tâm lý không cân không thước, lấy tinh thần làm chước làm mưu, tâm là bình Bát vu, đức là cây Phất chủ, hạnh là bộ Xuân Thu, trối kệ đời khen trí chê ngu, đã tự chủ trí ngu tự hiểu, lấy tánh đức từ bi làm kiểu, đưa ân hồng dìu níu tay phàm, mặc ai còn danh mến lợi ham, trối kệ những tước ham quyền chuộng, mồi chung đỉnh đủ nhàm ưa muốn, mỏi quì lên cúi xuống cửa công khanh, còn chi hay phòng giựt phòng giành, có chi trọng phỏng tranh phỏng lấn.

Chúng ta ví biết mình cho cùng tận, thì hằng ngày nên hỏi lại mình rằng: Phải Đại Từ Phụ mượn xác thịt của ta đặng thay hình thể của Người hay chăng?

Nếu lương tâm đã cho phận sự ta để thay thế cho Thầy thì chúng ta phải tùng phương châm của Thầy, bắt chước y nguyên, đừng sai một vẻ, mới mong tụ họp con cái của Thầy chun vào cửa Đạo, bằng chẳng thì thà thối bước ra khỏi Thánh Thể của Thầy hơn ở lại làm nhơ làm trược.

Vậy Bần đạo cả tiếng kêu những người đã một lỡ hai lầm và những bậc xả thân vì Đạo, phải hiệp tâm hiệp trí cùng nhau, chỉ ngó một mình Thầy làm đường chơn thật, rồi tha thứ nhau hay là giúp đỡ lẫn nhau đặng tròn phận sự cùng Thầy hầu làm gương báu cho đời, tìm chí thiện do tình lẫn ái.

Vậy chúng ta đồng lực lại với nhau đặng un đúc nền Đạo cho chắc chắn và tạo Đền Thờ của Thầy cho trang nghiêm mỹ lệ đặng qui hồi cả chúng sanh vào nơi lòng thương yêu vô tận của Chí Tôn mà làm cho thân hình của Người khỏi chia phui rời rã.

 Nếu mấy lời tâm huyết nầy không lọt vào tai của chư vị yếu nhơn của Đạo thì Bần đạo sẽ đợi xem cho toàn sự hành động của mỗi người, rồi tuyên bố cho cả chúng sanh thấu đáo./.