Trang

Thứ Tư, 31 tháng 5, 2023

4646. THÁNH THƯ HẢI NGOẠI: LIÊN QUAN ĐẾN QUI TAM GIÁO...

 

HỘ PHÁP ĐƯỜNG.

VĂN PHÒNG.

SỒ: 13/HP.HN

ĐẠI ĐẠO TAM KỲ PHỔ ĐỘ.

      (Tam Thập Tam Niên).

       Tòa Thánh Tây Ninh.

HỘ PHÁP

Chưởng Quản Nhị Hữu Hình Đài Hiệp Thiên và Cửu Trùng

Gởi cho:

. Chư Chức Sắc Thiên Phong.

. Chư Chức Việc.

. Và Tín Hữu Nam Nữ Đạo Cao Đài tại Bắc Tông Đạo.

Mấy em,


Qua tưởng mấy em đã hay tin Qua phải lìa Tòa Thánh lên cư trú tại Nam Vang đã trót hơn hai năm nay. Qua tưởng cũng nên cần cho mấy em biết lý do mà Qua phải bỏ Tòa Thánh đến cư ngụ nơi nước người, chịu đủ mọi điều cam khổ. Còn tại Tòa Thánh Hội Thánh và cả Tín Đồ ở Thánh Địa đều bị cường quyền Ngô Đình Diệm áp bức và làm khổ mọi điều. Dầu cho sở hành vô nhân Đạo đến đâu chúng cũng không từ nan để làm khổ cho Đạo. Của cải tư của Qua đều bị chúng chiếm đoạt, nào sưu cao, thuế nặng... chúng toan phương phá sự trọn vẹn của Đạo và con cái Đức Chí Tôn.

Qua cho mấy em biết rằng: kể từ hội nghị Genève Qua đã đặng Quốc Trưởng Bảo Đại đề cử lập một phái đoàn đi quan sát hội nghị thì chính mình Qua làm chủ phái đoàn ấy.

Khi Qua hay tin quả quyết rằng nước Pháp và Việt Minh định phân chia nước nhà làm hai lãnh thổ thì Qua đã thấy rõ nước nhà sẽ mang một tai họa lớn vì chia đôi dân tộc, có thể đến nạn cốt nhục tương tàn, nồi da xáo thịt.

Nên một đêm nọ Qua có đến tại tư dinh của phái đoàn Việt Nam Dân Chủ Cộng Hòa hội đàm cùng Thủ Tướng Phạm Văn Đồng để tính toán cho 2 chánh phủ hiệp đồng cùng nhau thống nhất lập thành chánh phủ duy nhất. Đừng để cho hội nghị quốc tế thỏa ước chia đôi lãnh thổ.(1) 

Lúc ấy mới thắng trận Điện Biên Phủ nên chánh phủ Việt Nam Dân Chủ Cộng Hòa ỷ thắng. Nhứt định không ký kết với chánh phủ miền Nam mà họ bảo rằng “bù nhìn”, lại từ khước luôn không cho phái đoàn của họ ký vào hiệp định của Hội Nghị.

Nên chánh phủ Cộng Hòa Miền Nam mới có thể từ khước không thi hành Hiệp Định và cho rằng họ không bị trói buộc vào đó. Họ lại dựa vào sức mạnh của Mỹ mà lập riêng một chánh phủ có Quốc Hội, chịu ảnh hưởng quyền năng của Ngô Đình Diệm. Ngô Đình Diệm đắc thế khi dùng phương pháp dối gian truất phế Bảo Đại lên nắm quyền Tổng Thống. Họ đã gọi mình rằng đủ pháp luật do cuộc trưng cầu dân ý để làm chúa cả Miền Nam dưới chánh thể Cộng Hòa mà tự họ đã tạo dựng. (2)

Tình trạng đã ra như thế, thử hỏi lỗi tại nơi ai?

Hôm nay Qua cũng chưa trả lời điều ấy đặng.

Nhưng Qua chỉ hiểu rõ rằng: Đối với Đạo thì chia 2 dân tộc tức là chia Đạo, thì tấn tuồng của Pháp đối cùng Đạo lúc mới phôi thai lại tái diễn một phen nữa.

Qua nên nói rõ cho mấy em biết rằng:

Pháp thấy anh Cả (là Đức Quyền Giáo Tông) chúng ta làm Thượng Nghị Viện của chánh phủ Pháp ở Đông Dương. Người thay mặt cho cả quốc dân tại Miền Nam, thì Pháp đã ghê sợ quyền hành tinh thần của Người về dĩ vãng đối với chánh phủ Pháp.

Anh Cả từ trước đến ngày đó nghịch hẳn lại chính hướng của Pháp. Pháp muốn giữ nền thống trị toàn cõi Đông Dương, nên chính Anh Cả là người trở thành chướng ngại nhứt cho Pháp.

 Dĩ vãng của Người lúc đó là Hội Đồng Thuộc Địa (Conseiller Colonial) do dân đề cử đã đối đầu với việc Thống Đốc Cognac tính sấp hạng lại điền thổ đặng định tăng thuế. Nên Anh và các đồng chí của Người đứng ra đương đầu phản đối Cognac. Việc phản đối tăng thuế không thành công Người và các đồng chí từ chức.

Khi tái công cử Hội Đồng mới thì toàn thể quốc dân tại Miền Nam lại đồng lòng công cử họ lại lần thứ nhì. Duy bỏ ra ngoài có một vị là Nguyễn Lân Hoài, Hội Đồng của Tỉnh Bến Tre, vì ông ấy có tính chần chờ không cương quyết.

Khi đặng tái đắc cử Anh Cả vận động thế nào không biết, mà làm cho các đồng chí của Anh kiên quyết lên; kịch liệt phản đối làm cho vụ tăng thuế điền địa phải bãi bỏ,  không còn thành vấn đề nữa.

Bởi cuộc tranh đấu đó mà Pháp cho Anh là một người nguy hiểm đối với lập trường của chúng nơi Đông Dương. Nên họ để tâm nghi kỵ.  Anh Cả không phải là người tín nhiệm của Pháp nữa.

Khi mới mở Đạo thì mấy anh lớn đều do nơi trường quan lại của Pháp trong hàng Phủ và Đốc Phủ mà họ đang cầm quyền Chủ Quận hay là Phó Chủ Tỉnh. Vì cớ mà Pháp đã ra lịnh cho mấy anh ấy phải từ khước, không được hiệp tác cùng Anh Lê Văn Trung là tay nghịch hẳn cùng Pháp đã rõ ràng bằng cớ.

Pháp lại hứa cùng mấy anh lớn ấy rằng: Họ muốn theo Đạo Cao Đài thì tự do lập chi phái rồi họ sẽ được bảo vệ đặc biệt của Pháp. Còn theo Anh Lê Văn Trung thì họ sẽ bị khủng bố không cho họ làm quan lại của Pháp nữa.

Điều ấy mấy anh lớn cũng không phải đủ sợ, vì công danh quyền lợi của mình mà nhảy ra thành chi phái. Nhưng tới khi Pháp hâm rằng: Sẽ khủng bố đến con cái của họ đương du học tại Pháp, tiền cấp học bổng sẽ bị thu lại và không cho cha mẹ có phương thế gởi tiền sang nữa đặng tiếp tục sự học hành. Điều đó làm cho họ kinh khủng hơn hết.

Thật ra thì cả con cái của mấy anh đang du học tại Pháp và tương lai của chúng rất nên sáng lạng sẽ bị đổ vỡ vì sự trả thù của Pháp. Bởi cớ cho nên họ lén trở về hội đàm cùng Anh Quyền Giáo Tông liệu phương gở rối.

Buổi họp ấy có mặt Qua và chính mình Qua khuyên họ nên nghe lời Pháp lập chi phái dưới quyền bảo hộ của họ, miễn là Đạo đặng truyền bá là đủ.

Nguyên do lập chi phái là như thế.

Hôm nay Qua cầu xin mấy em khi hiểu rõ căn do nguy hiểm ấy rồi thì mấy em không nên phân phe chia phái, tránh làm tai hại cho kẻ nghịch Đạo lợi dụng mấy em hại lại Đạo. Phải tìm phương thống nhất cả khối đức tin của mấy em nơi Đức Chí Tôn, Đức Phật Mẫu cùng các Đấng Thiêng Liêng thì Đạo mới đặng bền vững, bằng chẳng vậy, nếu mấy em còn chia rẽ nhau tức là mấy em tự mình diệt Đạo.

Nếu mấy em nhứt tâm nhứt đức như buổi ban sơ thì thân thể của Qua không ra đến nông nổi nầy. Mấy em phải nhớ rõ rằng Ngô Đình Diệm là Công Giáo. Rồi mấy em so sánh hai lẽ mạnh yếu của đôi đàng thì mấy em tự hiểu rằng chính qua hôm nay bị áp bức và Đạo bị tàn phá là do nhiều cớ chớ không có chi lạ. Qua cho mấy em hiểu rằng, chẳng phải toàn thể Công Giáo là người như Diệm. Song số đông rất ít tình cảm với Đạo Cao Đài, nên chúng ta rất ít có người binh vực.

Tình trạng khắc khe của Qua.

Nếu Qua an nhàn nơi Tòa Thánh. Qua sẽ bị chánh quyền Ngô Đình Diệm chi phối triệt để hoặc nghịch lại với Miền Bắc đặng nghịch lại với mấy em cùng đồng bào máu mũ của Qua, thì cái hại phân chia Đạo buổi trước của Pháp đã tái diễn không thể tránh khỏi.

Còn như Qua theo các em ra Miền Bắc thì phải từ chối Tòa Thánh và cả đôi triệu tín đồ của Đạo, gây thêm thống khổ cho Hội Thánh vì nạn áp bức của chánh quyền Ngô Đình Diệm.

Nên Qua coi sự lưu vong của Qua nơi đất Miên là lưỡng toàn kỳ mỹ hay là thượng sách vì khỏi lệ thuộc ai. Dầu rằng lưu trú nơi nước ngoài Qua phải chịu muôn điều cam khổ, chánh quyền không từ khước một mâu thuẫn nào mà không truy tố.

 Chúng đã mướn Nguyễn Thành Phương và mua đứt sự phản Đạo của Nó với số tiền là ba chục triệu đồng (30.000.000$) đặng Nó trở lại bôi nhọ cho Qua tức là bôi nhọ Đạo. Juda bán Chúa Jesus Christ với ba chục ngươn bạc, còn Nguyễn Thành Phương bán Qua tới 30 triệu. Qua có thể tự cao cho rằng, giá trị của Qua hơi mắc hơn của Chúa Jesus chút đỉnh. Ấy là điều Qua an ủi tâm hồn, Qua tưởng mấy em cũng thế.

Mấy em ở xa Tòa Thánh mấy em có biết chăng, giờ phút nầy có bao nhiêu Chức Sắc Thiên Phong đã bị mua chuộc với công danh quyền lợi đặng phản lại chính sách Hòa Bình Chung Sống của Qua đề xướng ra để cầu sự sống còn của mấy em và toàn đồng chủng của họ.

Lịch sử và tương lai sẽ làm cho họ thấy rõ điều ấy. Đạo phải đi đôi cùng lịch sử. Qua phải sợ lịch sử mà đương đầu cùng thời cuộc chớ Qua không biết sợ người.

Đã 70 năm sống trong vòng lệ thuộc, (3) nếm đủ mùi mặn lạc. Sự thay đổi đương nhiên của Ngô Đình Diệm so sánh với muôn ngàn mùi thú vị của Qua đã hưởng từ trước, nó chua cay đắng mặn chỉ một phần mười. Vậy thì không lý do gì làm cho Qua phải sợ Ngô Đình Diệm mà buộc mình đủ can đảm đứng ra nghịch cùng lịch sử và nghịch cùng Đạo.

Tên tuổi của đời mình cũng như tên tuổi của ai, không phải nơi thế gian nầy có tên Tắc là đặc biệt. Biết đâu còn muôn muôn ngàn tên Tắc khác nữa. Tên Tắc cũng như tên Mít, Xoài, Ổi kia vậy chớ chẳng chi rằng phân biệt. Nếu nó đặng nêu tên tuổi là do trong kiếp sống nó không bị đồng sanh chửi bới, nguyền rũa và liệt vào hàng thất đức, bất nhơn, lưu xú vạn niên.  Cho nên Qua tưởng rằng nếu sống mà để lại danh nhơ thì tốt hơn là đừng sanh ra nơi cõi thế nầy.

Con đường về Nam và về Tòa Thánh của Qua thì Qua cho mấy em biết trước: Ngày giờ nào đồng bào ở Bắc bị chúng buộc phải di cư vào Nam đang chịu cô quạnh, khổ sở và áp bức mọi điều; cũng như thanh niên Miền Nam tập kết ra Bắc không đặng phép hồi hương về nơi chôn nhau cắt rốn của họ; cả hai chưa được trọn quyền sở hữu tự do định mạng của họ thì Qua lưu vong nơi nước người chớ không hồi cố.

Qua rất may mắn thấy nước Việt Nam Dân Chủ Cộng Hòa, có mãy may tình cảm cùng Qua đối cùng chánh sách độc tài cưỡng bức của Ngô Đình Diệm cũng cho là sự an ủi đáng kể trong buổi lưu vong của Qua.

Qua đã đặng thơ mời của Mặt Trận Tổ Quốc ra Hà Nội. Song Qua đương bịnh hoạn, nên Qua định gởi phái đoàn đi. Nhưng sự xuất ngoại của xứ Cao Miên chưa đặng ổn thỏa nên còn đình đãi. Qua nhớ mấy em lắm, Qua muốn phái đoàn do chính Qua điều khiển.

Qua bị mang danh là thân Cộng do Ngô Đình Diệm lên án.

Diệm mưu định đem ra giữa Quốc Hội đặng nghị quyết để Cộng Sản ra ngoài luật pháp. Chánh phủ ngụy quyền Ngô Đình Diệm kèm Đạo Cao Đài vào đó đặng thẳng tay trừng trị. Như chúng đã lên án và đày đọa không biết bao nhiêu người cùng chủng tộc bằng danh từ Cộng Sản.

Từ khi Qua xuất ngoại, chúng đã lên án rằng Qua thân Cộng đặng chiếm đoạt cả nhà cửa, đất đai, vườn tược của Đạo lẫn của Qua cũng vì danh từ thân Cộng. Qua chỉ buồn cười có một điều là ngụy quyền Diệm giống ngụy quyền Pháp trong khi thống trị. Nên đối với Qua cũng chẳng lạ gì sự giống nhau như thế đó.

Mấy em có biết chăng? Khi nước Pháp đã lên án Cao Đài là phục cựu, cốt là nói Đạo Cao Đài sản xuất ra để giải ách lệ thuộc của Việt Nam khỏi tay thống trị Pháp. Pháp lại gài cho ta phục hồi Nho Giáo là nền văn minh đã cầm vận mệnh của thiên hạ để đổ tội cho Đạo Cao Đài gánh chịu.

Sự thật có thế nào? Trước kia Tổ Phụ ta không dung nạp văn minh Công Giáo và cố gắng phục cựu đặng gìn nền quốc Đạo của mình là Đạo Nho của Khổng Tử. Nên khi Công Giáo lén lúc tuyên truyền trong nước đặng thu hút tín ngưỡng của khối nhân dân Việt Nam biến nên một khối việt gian của họ.

Các nhà vua Việt Nam như Minh Mạng và Tự Đức đã hiểu rõ tiền đồ của các nước bên Âu Châu, nhứt là mấy ngai vàng đã bị phản ứng của Công Giáo mà tiêu diệt như thế nào, nên mới cấm Đạo và bắt Đạo.

Hại thay trong lúc hổn độn ấy, triều đình đã đi quá mức thiên lương qui định. Nên họ đã chém giết, tù đày một phần quốc dân vì tinh thần tín ngưỡng. Vì quá khốn khổ họ phải tìm phương giải thoát là họ mượn tay Pháp đem binh chiếm cứ Việt Nam. Họ hứa hẹn rằng, nếu quân đội Pháp đến họ sẽ làm nội ứng  phụ sức... điều nầy lịch sử đã nói rõ.

Thật ra Công Giáo nhờ Pháp giải thoát, vì Pháp đã chiếm cứ trọn vẹn nước Việt Nam làm thuộc địa. Công Giáo trở nên đặng trọng dụng. Trong thời Pháp thuộc thì Pháp trọng dụng, binh vực quyền lợi của Công Giáo làm mục tiêu chánh của họ. Công Giáo thừa thời thế muốn chi đặng nấy, nên chiếm cứ nhiều nơi làm Thánh địa hay là làm Nhà Chung đặng chứa chấp người nghịch cùng triều đình.

Vì thế mà hai bên nghịch lẫn nhau sanh ra nổi loạn. Triều đình không nhịn rồi đi đến quá quyền là cấm Đạo, bắt bớ, tù đày. Bởi cớ cho nên Pháp mới thừa nguyên do ấy mà chinh phục Việt Nam đặng giải phóng Công Giáo. Thành thử nước Việt Nam đã bị lệ thuộc hơn 80 năm là vì Nam Triều đã phạm đến tự do tín ngưỡng của Công Giáo. Điều ấy là điều nguy hiểm cho xã hội không nên thi thố.

Từ trước đến giờ bao nhiêu quốc gia Âu Châu đã bị mất nước; cho dầu với lý do chánh đáng thế nào đi nữa thì cũng là do phạm đến quyền tự do tín ngưỡng nên bị mất nước. Đó là nguyên do tạo dựng nên quyền lớn lao của Công Giáo. Những điều nầy Qua đã nói trong bức thư Phúc Sự của Qua gởi cho chánh phủ Pháp năm 1937 khi chánh phủ Pháp hỏi Qua đường lối tương lai của Pháp đối với Việt Nam thế nào.

Qua tiếc rằng khi Qua đi khỏi Tòa Thánh Qua không có đem theo một bổn để gởi cho mấy em xem tường tận. Qua chỉ xin Pháp cho Việt Nam hưởng đặc quyền tự trị. Qua đã chỉ cho họ ngó thấy rằng đường lối chánh trị của họ sẽ thúc dục cho toàn dân Việt Nam làm cách mạng. Qua nói vắn tắc như thế nầy: “Hễ một con người mà thất chí bất mãn vì quá thống khổ thì họ tự vận, còn toàn thể quốc dân của một nước mà thất chí bất mãn vì quá thống khổ thì họ sẽ làm cách mạng”.  (4)

Qua không dè rằng, sự thật hôm nay đã chỉ rõ cho thiên hạ thấy sự quả nhiên như thế. Công Giáo buổi nọ vì chánh quyền phạm đến tự do tín ngưỡng của họ, áp bức bắt Đạo, giết chóc làm cho họ quá thống khổ nên họ mở ra cuộc cách mạng đặng tự giải thoát cho họ. Mà cũng vì cớ đó, nước Việt Nam bị lệ thuộc trên 80 năm bởi tay ngoại chủng.

Khi nói rằng Đạo Cao Đài phục cựu. Đạo Cao Đài xuất hiện ra đặng trả thù Công Giáo và giải ách lệ thuộc của Pháp... thì mấy em nghĩ coi làm thế nào Pháp không tìm phương diệt Đạo Cao Đài từ lúc mới nãy sinh trong trứng.

Qua thú thật với mấy em, trí phàm của Qua buổi nọ cũng tưởng như thế, khi Đức Chí Tôn mở Đạo. Nên Qua cố can đảm phế đời hành Đạo, chẳng kể công danh quyền lợi, nhà cửa vợ con theo Đạo Cao Đài cũng vì tư tưởng đó. Mấy em nghĩ lại coi, khuôn khổ lễ giáo của Đạo Cao Đài quả nhiên rằng khuôn khổ truyền thống của Đạo Nho từ trước do tổ tiên ta để lại rõ ràng trước mắt.

Đại Từ Phụ, lại chỉ dạy rõ rằng: Đạo Cao Đài là Nho Tông chuyển thế, nên nói rõ Đạo Cao Đài là Quốc Đạo của ta thì hiển nhiên mình đã cố tâm khai trước thiên hạ rằng mình muốn phục cựu, rõ ràng còn chối cãi với ai đặng nữa. Vì vậy mà Pháp mưu toan tiêu diệt mình là đúng lý.

Qua muốn cho mấy em hiểu rõ nên Qua nói dài dòng xin mấy em thứ lỗi. Qua xin kết luận rằng:

Đạo Cao Đài nảy sinh ra giữa sự thù địch của thiên hạ về công lý và về tín ngưỡng. Qua nói rằng Đạo Cao Đài là một nền Đạo hoàn toàn do tinh thần của nòi giống Việt Nam mà xuất hiện. Nó thiệt quả nhiên là Quốc Đạo của ta.

Ta cũng biết như thế, nhưng ta không dám nói rõ. Duy chỉ có mạng lịnh của Đại Từ Phụ biểu là tuyên bố cho toàn thể hoàn cầu đều biết. Nên chúng ta không phương dấu diếm. Chính mình phải tự hiểu lấy mình rằng: Đứng trước một kẻ thù nghịch của mình đủ quyền năng, đủ thế lực mưu hại lại mình mà dám vỗ ngực xưng tên rằng mình là kẻ thù địch của họ... thì họ tìm phương hại lại mình là đúng, còn than thở trách móc mà làm gì.

Dầu rằng mình biết lẽ ấy; nên đã đề xướng ra thuyết: QUI TAM GIÁO, HIỆP NGŨ CHI đặng làm cho dịu bớt tình thế. Nhưng cũng không đủ phương bào chữa. Và cũng vì nơi đó mà chính Qua đủ đức tin chịu nổi khổ hạnh đặng tranh đấu vượt qua các trở lực.  (5).

 Qua nói thiệt với mấy em rằng: Phận sự của Qua chỉ biết có làm Đạo chớ Qua không biết quốc sự hay chánh trị chi hết. Tôn chỉ của Đạo Cao Đài là Từ Bi, Bác Ái. Mà trước khi thực hiện đặng chơn lý cao thượng ấy thì phải cố gắng làm thế nào cho tiêu diệt cả sự bất công của xã hội, đem lại Bác Ái và Công Bình cho toàn nhơn loại. Đúng theo Tân Luật của Đức Chí Tôn đã đem gieo tại thế (Amcur et furstice). Đức Chí Tôn đã nói: Ngày giờ nào hay bất cứ nơi nào, nơi mặt xã hội còn lẽ bất công thì Đạo Cao Đài chưa thành lập”.

Qua muốn cho toàn thể quốc dân Việt Nam ta hưởng trước, hưởng cho kỳ đặng triết lý ấy để đủ sức phổ thông, gieo truyền cho toàn thiên hạ. Ta phải cố gắng phụng sự cho nước nhà và cho chủng tộc ta trước đã; rồi sau Qua còn sống đặng ngày nào Qua cũng tiếp tục cho toàn thiên hạ.

Chánh quyền Ngô Đình Diệm cho Qua là thân Cộng mà Qua không biết triết lý của Cộng Sản thế nào, có giống như thế chăng?

Nếu quả nhiên giống như thế thì Qua dám can đảm khai cho thiên hạ biết rằng: Lời vu cáo của Ngô Đình Diệm là đúng sự thật.

Nếu mấy em đủ trí thức, đủ nghị lực làm đồng chí của Qua thì chúng ta nói thiệt rằng: Làm Tín Đồ của Đạo Cao Đài, chúng ta phải đủ tinh thần và nghị lực đặng thiệt hiện triết lý ấy nơi mặt thế nầy. Như vậy mấy em sẽ trở thành những đứa con yêu dấu của Đức Đại Từ Phụ và là bạn thân của Qua.

Bất kỳ quốc gia nào hiện hữu nơi mặt thế nầy đều phải do dân tâm mà xuất hiện. Từ cổ chí kim, dầu cho thời đại nào, hễ là một nước tức nhiên phải có chánh quyền. Thoảng như không có thì phải loạn lạc.

Dục vọng của con người bao giờ cũng muốn mình hơn thiên hạ. Từ người sĩ phu cho đến nhà bác học đều có ảo vọng làm chúa thiên hạ nên coi mình là hơn, không khiêm nhường, không đoái hoài đến kẻ khác. Dầu luận với một dân tộc thiểu số: Mường, Mán, Mọi (Tribus)... khuôn luật ấy vẫn y nhau. Muốn có người lệ thuộc, muốn con người làm tôi mọi cho chúng, rồi mặc tình sanh sát, chẳng kể đến mạng người là trọng.

 Lẽ bất công của xã hội từ trước đến giờ làm cho thiên hạ đảo điên cũng vì duyên cớ ấy. Khi toàn thể quốc dân chịu nhiều thống khổ bất bình thì đứng lên lật đổ chánh quyền của kẻ mạnh đặng binh vực kẻ yếu.

Nếu chánh trị họ khéo léo, họ lấy lòng dân làm hàn thử biểu để đo lường tâm lý mà tùng theo thì còn bền giữ đặng chủ quyền của họ. Trái lại nếu họ dùng võ lực mà đàn áp thì toàn dân đủ quyền tranh đấu quyết liệt biến nên rối loạn, giặc giả, chiến tranh... làm cho những kẻ cố cùng tăng thêm phần thống khổ.

Thoảng như trong lúc tranh đấu giữa dân và chánh phủ mà có người đứng ra đảm đương việc trị loạn đem lại thái bình; thì đó là món thuốc cứu sống toàn dân trong cơn loạn lạc. Tức nhiên kẻ ấy trở thành người làm chúa xã hội. Cho dù là dân tộc thiểu số Mường Máng cũng cùng khuôn luật ấy.

Rồi trong cơn thắng thế họ đặt ra khuôn khổ luật pháp buộc toàn dân phải tuân theo. Dầu người thay mặt họ là ông quan hay triều đình cũng có đủ thẩm quyền trị an thiên hạ.

Hại một điều là khi người chúa ấy đã ra đời thì quyền hành nó tự nhiên giảm bớt, không còn tồn tại y như trước vì thiếu sự tín nhiệm của toàn dân. Thêm nổi chánh sách truyền tử trái với thuyết thiên hạ vi công làm cho chinh tâm thiên hạ là vì thế.

Đế Nghiêu hiểu rõ cái hại của chánh sách truyền tử mới sửa cải lại thành chánh thể truyền hiền. Đế Nghiêu nhường ngôi cho Đế Thuấn cầm quyền trị bình thiên hạ. Thiên hạ đã xưng tụng đời Nghiêu Thuấn là Thánh Chúa. Họ được hưởng thái bình và hạnh phúc do đó mà đời hằng truyền tụng.

Truyền tử là một khuyết điểm của đế quyền. Do truyền tử mà di hại cho thiên hạ, tạo ra nhiều lẽ bất công trong xã hội; nên hôm nay đã bị toàn dân đạp đổ.

Mấy em xem lại tại mặt thế nầy tồn tại đặng bao nhiêu quốc gia còn chịu dưới quyền của Đế Quyền?

. Bây giờ ta luận về dân trị.

Trong chánh thể dân trị ta hiểu rõ rằng bất kỳ một quốc gia nào hay xã hội nào cũng phải do nơi sự tín nhiệm của dân mới thành một chánh thể.

Còn luận về dân chủ dưới phương pháp đầu phiếu đặng tuyển chọn kẻ cầm quyền, chúng ta sẽ thấy khuyết điểm chỗ nào?

Ta biết rằng, dục vọng của con người phải có phương pháp mới đè nén được. Bởi dục vọng ấy có thể giục loạn cả xã hội một cách dễ dàng. Với phương pháp đầu phiếu để tuyển chọn kẻ cầm quyền thì có đặng thỏa mãn cả lòng dân hay chăng? Ta không luận nơi đây về các phép đầu phiếu. Ta thấy đa số kẻ được tuyển chọn không vừa lòng dân hay nói rõ ra là dân bị mưu gạt của những kẻ xão trá mưu mô, gian lận, hứa hẹn mọi điều sở vọng của toàn dân rồi rốt cuộc không giữ lời hứa.

Chánh thể của Pháp hôm nay đã biến sanh rối rắm trong nền dân chủ của họ. Đảng phái phân tranh gây nên xã hội quốc gia nghiêng ngữa. Chủ quyền của Pháp đã trở nên bấp bênh không còn gây đặng ảnh hưởng trong trường quốc tế. Vì lẽ người đại diện của dân không trung thành, không coi quyền lợi quốc gia và xã hội của mình là trọng hệ mà chỉ tìm phương bảo vệ quyền lợi cá nhân của mình mà thôi.

Mấy em nghĩ coi, nhiều đảng phái đối diện cùng nhau mà chánh sách quốc gia của họ đều khác hẳn với nhau thì làm thế nào hòa nhau cho đặng?

Luận về đầu phiếu tuyển cử của họ; chưa chắc rằng toàn dân tín nhiệm họ. Theo luật tuyển cử thì trong số đông ứng cử viên ra ứng cử dân chỉ chọn một số mà thôi. Với phương pháp như thế mà gọi rằng toàn dân tín nhiệm là chưa đáng. Theo luật tuyển cử thì những tay đắc cử ấy có thể chỉ cần hơn một lá thăm là đắc cử. Như vậy mà nói là toàn quốc dân đều tín nhiệm có đúng hay chăng? Nói cho đúng là chỉ có được một phần người tín nhiệm mà thôi.

Với phương pháp như thế mà gọi rằng toàn dân tín nhiệm là phi lý. Nếu dân không phản đối là sợ chánh quyền của họ mà kỳ trung chỉ một phần dân trong nước tín nhiệm mà thôi chớ chẳng phải trọn vẹn. Vậy biểu sao họ không kết thù lập đảng? Họ phải tạo nên đảng phái riêng của họ đặng làm hậu thuẫn, hầu bảo vệ chí nguyện của họ. Tấn tuồng chủ quyền của Pháp hôm nay chỉ rõ điều đó. Nên toàn dân Pháp chưa bao giờ thỏa mãn những người đã cầm vận mệnh nước nhà của họ.

Qua nói rõ rằng, với chánh quyền mà do nơi dân đầu phiếu như vậy để tạo thành chẳng hề có công bình chơn thật đặng. Mấy em xét kỷ lại trong lời dẫn giải của Qua sẽ thấy rõ khuôn khổ chánh thể của Miền Nam và Bắc xem chánh thể nào đúng? Cho nên sự đòi hỏi của quốc dân còn đang tiếp tục vì toàn thể còn chưa thỏa mãn.

Ai đã đặt Ngô Đình Diệm lên cầm vận mạng Miền Nam nước Việt Nam ta? 

Ngô Đình Diệm cầm được chánh quyền Miền Nam là do trên 10 năm ly loạn; quốc dân quá thống khổ nên muốn người cầm vận mạng nước nhà cho đủ tín nhiệm. Trong khi quốc dân đã thất chí với chánh quyền Bảo Đại. Dòng họ Ngô và bè đảng của họ thừa dịp toàn dân oán ghét hết tín nhiệm nơi Bảo Đại; trong sự bất tín nhiệm ấy đã thúc đẩy họ Ngô biến thành trưng cầu dân ý để Ngô Đình Diệm lên cầm quyền Quốc Trưởng thay thế Bảo Đại.

Mà kỳ trung quốc dân đã trả lời rằng: Chúng tôi tín nhiệm Ngô Đình Diệm hơn Bảo Đại chớ không có nói Ngô Đình Diệm thế cho Bảo Đại hay chăng?

 Sự lường gạt về tâm lý ấy là một mánh khóe đại gian hùng của phép phổ thông đấu phiếu. Nên nghiễm nhiên Ngô Đình Diệm đã lật đổ chủ quyền Quốc Trưởng của Bảo Đại luôn về ngai vàng và dòng họ Nguyễn cũng vì cuộc đầu phiếu ấy. Quốc dân biết đặng sự xão trá đó. Nhưng không phương minh biện ra đặng và Ngô Đình Diệm đã gán rằng: Quyền hành đó là do dân giao phó cho mình nhưng sự thật không phải vậy.

Hôm nay Ngô Đình Diệm đã trở nên độc tài thì trước mặt quốc dân họ Ngô đã làm sai với sự phú thác: TRỪ PHONG DIỆT THỰC.

Trừ phong diệt thực, là hai điều thiết yếu của dân mong muốn.

Còn chủ quyền Ngô Đình Diệm là do phương thức xảo trá và gian lận chớ không có sự thật.

Qua đã nói với mấy em là nền Đạo Cao Đài và Tòa Thánh đã bị chủ quyền độc tài của Ngô Đình Diệm chiếm cứ và khủng bố. Đến đổi Chức Sắc Thiên Phong hôm nay cũng dưới quyền lệ thuộc của Diệm. Sự lệ thuộc của chức sắc vào quyền hành của Diệm ngày nay đã rõ hơn khi trước.

Vì Ngô Đình Diệm tưởng rằng toàn thể quốc dân Việt Nam để quyền độc lập trong tay của người, nên muốn làm chi đặng nấy. Khám đường của Diệm đã chật nức tù nhân. Những khuôn luật cũ kỷ trước kia đều không chịu sửa đổi. Dân bị khổ não nghèo nàn, sưu cao thuế nặng. Các đảng phái đối lập với Ngô Đình Diệm đều bị tiêu diệt hết, không có công bình tự do chi cả. Toàn thể quốc dân Việt Nam đều bị lệ thuộc họ Ngô, như Ngô Đình Diệm đã bị lệ thuộc vào Mỹ.

Ảnh hưởng của Diệm đã tràn tới quốc gia Cao Miên là nơi của Qua trú ngụ. Qua đến kinh đô Khmer Qua chỉ thấy sự khổ não của toàn Đạo nơi đây sống như chùm gởi sống bám vậy. Dầu khổ nhọc vất vã nhưng Qua cũng cố gắng tạo cơ nghiệp cho họ, nên làm nhà chung, gom họ lại trong đại gia đình Thiêng Liêng. Qua muốn tạo Báo Ân Đường làm nơi hội cho đại gia đình. Nên đem thợ hiến thân tại Tòa Thánh lên đặng xây dựng, với quyền điều khiển của Tổng Giám Võ Văn Khuê.

Đại diện của Ngô Đình Diệm là Ngô Trọng Hiếu đã đầu cáo với chánh phủ Khmer rằng Qua làm quốc sự và mượn cớ cất chùa đặng đem nha trảo hộ vệ của Qua lên. Đền Thờ đã cất đặng hai phần thì chánh quyền Khmer không cho tiếp tục xây dựng. Họ bắt 37 người công thợ trả về Việt Nam cho Ngô Đình Diệm giam ngục đến ngày nay cũng chưa thả, và cho rằng mấy em công thợ đã theo Qua đặng làm chánh trị.

Ngô Đình Diệm đã quả quyết lên án rằng: Qua đã xu hướng theo Cộng Sản và Cụ Hồ Chí Minh nên không ngần ngại khủng bố một cách trắng trợn Qua và một số Chức Sắc đang hành Đạo tại Kim Biên.

Họ đã cố tình dụ dỗ những kẻ theo Qua để cô lập và phản loạn lại Qua. Điều ấy Qua không ngần ngại, vì khi lìa Tòa Thánh Qua đã biết trước mưu toan gian ác phá Đạo của họ. Qua chỉ cám cảnh một điều là trong hàng Chức Sắc ấy có cha mẹ chết cũng không dám về Miền Nam. Còn các tín đồ Khmer nếu mà về Nam thì bị họ tra khảo, khủng bố khổ khắc mọi điều, làm cho toàn con cái của Đạo không dám léo hánh về Nam, cũng tự đồ lưu mình ở nơi quê người như thân Qua đây vậy.

Em Giáo Hữu Hương Dự! Qua nghe tin rằng Em cầu xin Hội Thánh thăng phẩm cho mấy em cho xứng vị với quyền Khâm Trấn Đạo của Em. Qua xin Em hãy ẩn nhẫn đợi cho qua ngày Đạo khỏi bị khảo dượt và Hội Thánh trở lại cầm quyền đủ đầy pháp luật rồi Qua sẽ cầu xin thăng thưởng cho Em. Muốn có kẻ giúp tay cho việc hành Đạo đắc lực Qua xin Em tuyển chọn người chân thành, trọn tâm vì Đạo và Phúc sự cho Qua ban quyền cho họ đủ phương hành Đạo.

Bức thơ của Qua đây, Em nên truyền tống cho Chi Phái và truyền đọc trong mỗi kỳ đàn cho tới ngày Qua về Tòa Thánh. Em cho toàn Đạo đều hiểu biết sự đi của Qua và sự đồ lưu của Qua nơi ngoại quốc là do duyên cớ gì. Mấy em cũng nên nói rõ cùng người cầm quyền chánh phủ Bắc Việt biết rằng Qua đi khỏi Tòa Thánh là vì quốc gia chủng tộc đương lâm nguy nên qua đi tìm phương giải kiết.

Qua đã viết rất dài bức thơ, Qua cậy Em nói cùng cả tín đồ không phân Tòa Thánh hay Chi Phái rằng: Qua ban ân lành cho họ và cầu xin Đại Từ Phụ, Đại Từ Mẫu và các Đấng Thiêng Liêng ban bố hồng ân cho họ đức tin, đủ nghị lực hầu đủ phương bảo vệ Đạo.

Qua cũng cầu xin mấy em  mỗi kỳ đàn cúng cầu nguyện cho Tòa Thánh và toàn Đạo nơi ấy đặng quyền Thiêng Liêng bảo vệ, giải ách lệ thuộc của Đạo nơi đó kẻo tội nghiệp.

Kim Biên, ngày 12 tháng 3 năm Mậu Tuất

(dl.29-4-1958)

Hộ Pháp.

PHẠM CÔNG TẮC.

(Ấn Ký).