Trang

Thứ Sáu, 5 tháng 8, 2016

1947. 9444. Quan chức EU sốc với phiên tòa xử Ba Sàm

Posted by adminbasam on 04/08/2016

Bà Lê Thị Minh Hà, vợ nhà báo độc lập Nguyễn Hữu Vinh (tức blogger Ba Sàm), vừa trao cho Phái đoàn Liên minh châu Âu (EU Delegation) tại Hà Nội một bức thư 6 trang, phân tích và cập nhật cho EU về phiên tòa sơ thẩm xét xử ông Nguyễn Hữu Vinh và cộng sự Nguyễn Thị Minh Thúy, cũng như các diễn biến liên quan kể từ sau phiên tòa tới nay.

 Một trong vô số phiên tòa lịch sử, để đời của an ninh Việt Nam. Ảnh: Thao Teresa.

Một trong vô số phiên tòa lịch sử, để đời của an ninh Việt Nam.
Ảnh: Thao Teresa.
Đầu tiên là các sai phạm về tố tụng trong quá trình xét xử. Gia đình của cả ông Vinh lẫn cô Thúy đều đã gửi đơn “xin” vào dự phiên tòa xử thân nhân họ, lá đơn đầy đủ về mặt nội dung, hình thức cũng như kịp trong thời hạn quy định; song chẳng hề nhận được phản hồi nào từ tòa. Vào ngày xử (23/3), chỉ có bà Hà và bà Thuyên (mẹ cô Thúy) là “được” tòa cho vào dự. Tất cả những thân nhân khác, gồm cả anh chị em ruột, đều bị chặn ở ngoài.
Bên cạnh đó, các nhân chứng không được vào. Đơn từ của họ, gửi từ trước để đề nghị được vào dự phiên tòa, cũng không được đếm xỉa đến.
Ngoài ra, còn hàng trăm người dân bị chặn giữ ở cổng tòa. Một số trong đó, chẳng hạn TS. Nguyễn Quang A, luật gia Nguyễn Đình Hà – vốn là hai ứng cử viên đại biểu Quốc hội độc lập – bị công an bắt cóc trong nháy mắt khi họ đi lẻ, tách khỏi đám đông. Cả hai bị công an vu cho tội “gây rối trật tự công cộng”. Ba ứng viên ĐBQH khác là Nguyễn Kim Môn, Nguyễn Thúy Hạnh, Đặng Bích Phượng không bị bắt nhưng sau đó đều nhận được thư “mời” làm việc vì liên quan đến hành vi “gây rối trật tự công cộng”.
Lá thư của bà Hà cũng vạch rõ: Trung bình, Tòa án Nhân dân TP. Hà Nội xét xử 10 vụ một ngày. Tuy nhiên, hôm 23/3/2016, tất cả các phiên xử khác đều bị đình lại, Tòa chỉ tập trung vào vụ Ba Sàm. Sân tòa, phòng xử án dày đặc công an và sinh viên các trường đại học an ninh, cảnh sát.
Các luật sư bào chữa bị tòa cấm mang điện thoại di động và máy tính vào phòng xét xử. Tuy nhiên, cũng trong khi đó thì tòa lại cho phép người của Viện Kiểm sát cầm theo điện thoại di động, máy tính và sử dụng thoải mái. Cách đối xử đó không chỉ vi phạm trắng trợn nguyên tắc bình đẳng giữa các bên trong quá trình xét xử, mà thực sự còn gây khó khăn đáng kể cho các luật sư bảo vệ ông Vinh và cô Thúy, khi mà mọi tài liệu, hồ sơ của họ đều được lưu trong điện thoại và máy tính.
* * *
Ông Juan Zaratiegui Biurrun, Tùy viên Chính trị Phái đoàn EU tại Việt Nam, bày tỏ sự cảm thông với bà Lê Thị Minh Hà về tất cả những khó khăn, vất vả mà bà đang trải qua trong những năm tháng nuôi chồng ở tù. Ông cũng chia sẻ với bà cả cảm giác thất vọng và ngán ngẩm trước cách vận hành của bộ máy hành pháp và tư pháp ở Việt Nam dưới sự điều khiển của công an – điều thể hiện đặc biệt rõ trong vụ án Ba Sàm.
Là một trong số ít ỏi 4 quan chức quốc tế “được phép” vào bên trong và theo dõi phiên tòa qua màn hình tivi từ một phòng riêng, ông Juan Zaratiegui Biurrun cho biết, chính bản thân ông cũng sốc nặng trước những gì diễn ra. Trong phòng xử án, chỉ toàn là công an chìm, nổi, ngoài ra cũng thừa rất nhiều ghế trống. Thế nhưng trước đó, Bộ Công an Việt Nam đã từ chối gần như tất cả các quan sát viên quốc tế (đến từ các đại sứ quán), lấy lý do “không đủ chỗ ngồi”.
Đương nhiên, tòa không cung cấp dịch vụ phiên dịch cho 4 quan sát viên quốc tế. May mắn là họ đã có sự… tự chuẩn bị từ trước. Tuy thế, theo phản ánh của ông Juan Z.Biurrun, đường hình và đường tiếng của tivi rất không tốt, âm thanh liên tục bị ngắt quãng, nhất là vào những lúc luật sư và bị cáo trình bày. Mặc dù vậy, những gì được chứng kiến cũng đủ để các quan sát viên quốc tế nhận thấy, luật sư không có cơ hội được trình bày các luận điểm bào chữa; tòa thường xuyên từ chối tranh tụng và ngắt lời luật sư mà chẳng vì lý do gì.
Đặc biệt, các quan khách quốc tế cũng chú ý đến việc phiên tòa hoàn toàn không có nhân chứng và các công tố viên (đến từ Viện Kiểm sát) thì ngồi im lặng cả buổi.
Bà Lê Thị Minh Hà cho EU biết, sau phiên xét xử, trong vòng bốn tháng qua bà đã hai lần làm đơn xin thăm gặp chồng, nhưng trại giam không cho, chỉ nói là “đang xem xét” đơn của bà. Bà được biết ông Nguyễn Hữu Vinh có gửi về nhà 5 lá thư. Song cả 5 lá thư đều không tới tay gia đình.
Cả quan chức EU lẫn quan chức Đại sứ quán Mỹ đều cho rằng việc biệt giam ông Nguyễn Hữu Vinh và cô Nguyễn Thị Minh Thúy, tước bỏ mọi sự tiếp xúc của họ với bên ngoài, đã đủ cấu thành hành vi tra tấn.

Những thông tin về phiên tòa đã được Phái đoàn EU tại Việt Nam chuyển về Nghị viện châu Âu; cơ quan này vào ngày 8/6 vừa qua ra một nghị quyết về tình hình nhân quyền Việt Nam, trong đó họ “lên án việc kết tội và xử án nặng đối với các nhà báo và blogger như ông Nguyễn Hữu Vinh và cộng sự Nguyễn Thị Minh Thúy”.