21/08/2016
“ĐÂY LÀ HÌNH ẢNH
CỦA MỘT NGƯỜI TRANH ĐẤU CHO NỮ QUYỀN”
Tiểu luận đặc biệt dành cho báo Glamour
Barack Obama
Trần Ngọc Cư dịch
Barack Obama
Trần Ngọc Cư dịch
Ngày 8/8/2016 Bauxite Việt Nam có đăng lại một bài báo của Dân Trí, là bản dịch bài viết “This Is What A Feminist Looks Like” của Tổng thống Mỹ Barack Obama viết cho tạp chí phụ nữ Glamour. Nay chúng tôi xin gởi đến quý độc giả bản dịch đầy đủ của bài viết đó qua dịch thuật của dịch giả Trần Ngọc Cư, một dịch giả quen thuộc của trang Bauxite Việt Nam.
Bauxite Việt Nam
THẤT THOÁT TRONG LÚC DỊCH Lý do tôi dịch bài “This Is What A Feminist Looks Like” của Tổng thống Barack Obama đăng trên tạp chí Glamour là vì tôi thấy có sự đánh tráo ý niệm trong một bản dịch đăng trên báo chính thống, cụ thể là báo Dân Trí. Chẳng hạn câu "Đây là một thời đại phi thường để làm một người đàn bà" thì họ lại dịch thành "đó là bọn trẻ đang sống trong một thời đại phi thường." Sự đánh tráo còn diễn ra ở nhiều chỗ khác trong bài. Chẳng hạn "Exclusive to Glamour" (Đặc biệt dành riêng cho báo Glamour) được Dân Trí đưa cái tít "Bài báo gây sốt của Ông Obama..." Ông Obama phát biểu rất nghiêm túc, chừng mực, phù hợp với xu thế bình đẳng giới của các xã hội văn minh, không có gì gây sốt cả. Điều tôi muốn cảnh báo là, phải rất dè dặt với các bản dịch đăng trên báo chính thống Nhà nước, vì họ phải gọt cái bàn chân của người khác cho vừa với đôi giày họ làm ra. Những câu ca ngợi tiến trình dân chủ hóa, bình đẳng hóa trong bài viết của Obma bị loại bỏ tùy tiện. Chẳng hạn, đoạn sau đây: “Cho đến nay, những người quan trọng nhất trong đời tôi luôn luôn là phụ nữ. Tôi được nuôi dạy bởi một bà mẹ đơn thân, người đã dành phần lớn cuộc đời làm việc của mình để thúc đẩy nữ quyền tại các nước đang phát triển. Tôi đã thấy bà ngoại tôi, người giúp mẹ nuôi dạy tôi, ra sức vươn lên trong một ngân hàng chỉ để thấy mình rốt cuộc bị chặn đứng bởi những lực cản vô hình [hit a glass ceiling]. Tôi đã chứng kiến Michelle, vợ tôi, ra sức quân bình giữa những đòi hỏi của một nghề nghiệp bận rộn và việc xây dựng một gia đình. Cũng như nhiều bà mẹ có công ăn việc làm, vợ tôi từng băn khoăn lo lắng về những kỳ vọng và những phê phán của công chúng liên quan đến cung cách nàng quân bình các nỗ lực của mình, trong khi biết rằng ít ai thắc mắc về các lựa chọn của tôi. Và sự thật là, khi các con tôi còn nhỏ, tôi thường vắng nhà trong thời gian phục vụ tại quốc hội tiểu bang, đồng thời đan xen vào đó là trách nhiệm giảng dạy của tôi trong vai trò một giáo sư ngành luật. Bây giờ nhìn lại, tôi thấy rằng, dù tôi có đỡ đần cho vợ phần nào, nhưng việc này chỉ diễn ra phù hợp với thời biểu và điều kiện làm việc của tôi. Gánh nặng gia đình đã đè lên vai của Michelle một cách thiếu cân xứng và bất công.” (TNC dịch) Bị Dân Trí cắt bỏ những mệnh đề hoặc câu có ý nghĩa đặc thù và chỉ nói lên cái chung chung phù hợp với ý thức hệ chính thống, biến các câu đầy đủ thành những câu thiếu cân xứng nhạt nhẽo, không ngang tầm với văn phong của một Tổng thống nổi tiếng về hùng biện. Đoạn văn trên được Dân Trí tóm tắt như sau: “Những người quan trọng nhất trong cuộc đời tôi đều là phụ nữ. Tôi được nuôi lớn bởi một bà mẹ đơn thân. Tôi được chăm sóc bởi bà ngoại. Tôi đã chứng kiến vợ mình - Michelle - cân bằng giữa trách nhiệm công việc và trách nhiệm gia đình. Như tất cả những phụ nữ khác, Michelle cũng hay lo lắng về việc mình đã làm tốt mọi việc chưa, và tôi biết, ít người sẽ phán xét tôi giống như cách họ phán xét về Michelle. Thực tế, từ trước khi trở thành Tổng thống, tôi đã hay vắng nhà vì đi công tác.” (Báo Dân Trí). Đường dẫn bài báo liên quan trên Dân Trí: http://m.dantri.com.vn/van-hoa/bai-bao-gay-sot-cua-ong-obama-tren-tap-chi-phu-nu-20160805163933718.htm Trần Ngọc Cư |
Có nhiều khía cạnh cam
go khi làm Tổng thống. Nhưng cũng có nhiều phần thưởng. Như gặp được những
người xuất chúng trong cả nước. Như nắm giữ một chức vụ có thể thay đổi vận
mệnh quốc gia chúng ta. Như được sử dụng chuyên cơ Air Force One.
Nhưng có lẽ món quà lớn nhất không ai ngờ tới của chức
vụ này là được sống ngay tại nhiệm sở của mình. Qua nhiều năm, đời tôi đã bị
ngốn mất bởi những cuốc đi làm khá dài - từ nhà tôi ở thành phố Chicago đến thủ
phủ Springfield, khi làm thượng nghị sĩ tiểu bang, và sau đó từ Chicago đến thủ
đô Washington, khi làm thượng nghị sĩ liên bang. Điều này có nghĩa là, trong
thời gian đó, tôi thậm chí đã phải nỗ lực nhiều hơn để trở thành người chồng và
người cha mà tôi muốn làm.
Nhưng trong bảy năm rưỡi vừa qua, đoạn đường đó chỉ
mất 45 giây -- đấy là thời gian đi bộ từ phòng sinh hoạt gia đình đến Phòng Bầu
dục, nơi tôi làm việc. Nhờ vậy, tôi có nhiều thì giờ hơn để chứng kiến các cô
con gái tôi lớn khôn, thành những thanh nữ thông minh, dí dỏm, nhân hậu, tuyệt
vời.
Điều này cũng không phải luôn luôn là một chuyện dễ
dàng -- việc chứng kiến các con chuẩn bị rời tổ ấm. Song có một điều làm tôi
rất lạc quan về chúng: đây là một thời đại phi thường để làm phụ nữ. Tiến bộ mà
chúng ta đạt được trong 100 năm, 50 năm, và, vâng, ngay cả tám năm qua đã cải
thiện cuộc sống rất đáng kể đối với các con gái tôi khi so với các bà cụ cố của
tôi. Và tôi nói điều này không những với tư cách một Tổng thống mà còn là với
tư thế của một người bảo vệ nữ quyền.
Nội trong cuộc đời tôi, xã hội chúng ta đã chuyển biến
từ một thị trường lao động chủ yếu hạn chế phụ nữ vào một số công việc trả
lương thấp đến một thời điểm mà phụ nữ không những chiếm khoảng một nửa lực
lượng lao động mà còn giữ vai trò lãnh đạo trong mọi khu vực, từ thể thao đến
thám hiểm không gian, từ giới điện ảnh Hollywood đến Tối cao Pháp viện. Tôi đã
chứng kiến phụ nữ giành được tự do để thể hiện những lựa chọn của mình về cách
sống -- từ việc làm chủ thân thể [quyền sinh đẻ], đến con đường học vấn, đến
nghề nghiệp, đến tài chánh của mình. Đã đi vào dĩ vãng cái thời bạn cần một ông
chồng mới xin được thẻ tín dụng. Trên thực tế, số phụ nữ, dù có chồng hay sống
độc thân, độc lập về tài chánh là đông đảo hơn bao giờ cả.
Do đó, chúng ta không nên coi thường những tiến bộ
chúng ta có được hôm nay. Làm như thế là phản bội tất cả những người đã suốt
đời tranh đấu cho công lý. Đồng thời, còn nhiều việc chúng ta cần phải làm để
cải thiện tương lai của phụ nữ và các cháu gái ở nước này và khắp thế giới. Và
dù tôi sẽ tiếp tục thực hiện các chính sách tốt đẹp -- từ việc trả lương đồng
đều cho những người cùng làm một công việc đến việc bảo vệ quyền sinh đẻ của
người phụ nữ -- nhưng có một số thay đổi trong xã hội chẳng liên quan gì đến
việc làm ra những luật mới.
Trên thực tế, sự thay đổi quan trọng nhất có thể là
khó khăn nhất trong mọi chuyện trên đời – đó là thay đổi chính mình.
Đây là điều tôi nói đến khá dài vào tháng Sáu vừa qua
tại cuộc họp Thượng đỉnh Nhà trắng được tổ chức lần đầu về Tình hình Liên đới
Phụ nữ [the United State of Women]. Dù ở mức độ tiến bộ hiện nay, chúng ta vẫn
còn bị giam hãm trong những định kiến cho rằng đàn ông phải ứng xử thế này và
đàn bà phải ứng xử thế kia. Một trong những phụ nữ mà tôi kính trọng nhất là
Dân biểu Shirley Chisholm, người Mỹ gốc châu Phi đầu tiên điều hành tiến trình
đề cử ứng viên Tổng thống của một đảng chính trị quan trọng. Bà từng nói, “định
kiến cảm tính, giới tính, và tâm lý về người phụ nữ bắt đầu hình thành khi bác
sĩ sản khoa cho biết, ‘Nó là con gái.’ ” Chúng ta biết rằng những định kiến này
bắt đầu ảnh hưởng tiêu cực lên cách nhìn của các cô gái về chính bản thân mình
ở một cái tuổi rất sớm, khiến họ cảm thấy rằng nếu họ không có một bề ngoài hay
một cách hành xử nhất định, thì giá trị của họ sẽ bị sút giảm. Trên thực tế,
các định kiến về giới ảnh hưởng tiêu cực lên tất cả chúng ta, bất chấp giới
tính, căn cước giới tính [gender identity], hay xu thế tính dục của chúng ta.
Cho đến nay, những người quan trọng nhất trong đời tôi
luôn luôn là phụ nữ. Tôi được nuôi dạy bởi một bà mẹ đơn thân, người đã dành
phần lớn cuộc đời làm việc của minh để thúc đẩy nữ quyền tại các nước đang phát
triển. Tôi đã thấy bà ngoại tôi, người giúp mẹ nuôi dạy tôi, ra sức vươn lên
trong một ngân hàng chỉ để thấy mình rốt cuộc bị chặn đứng bởi những lực cản vô
hình [hit a glass ceiling]. Tôi đã chứng kiến Michelle, vợ tôi, ra sức quân
bình giữa những đòi hỏi của một nghề nghiệp bận rộn và việc xây dựng một gia
đình. Cũng như nhiều bà mẹ có công ăn việc làm, vợ tôi từng băn khoăn lo lắng
về những kỳ vọng và những phê phán của công chúng liên quan đến cung cách nàng
quân bình các nỗ lực của mình, trong khi biết rằng ít ai thắc mắc về các lựa
chọn của tôi. Và sự thật là, khi các con tôi còn nhỏ, tôi thường vắng nhà trong
thời gian phục vụ tại quốc hội tiểu bang, đồng thời đan xen vào đó là trách
nhiệm giảng dạy của tôi trong vai trò một giáo sư ngành luật. Bây giờ nhìn lại,
tôi thấy rằng, dù tôi có đỡ đần cho vợ phần nào, nhưng việc này chỉ diễn ra phù
hợp với thời biểu và điều kiện làm việc của tôi. Gánh nặng gia đình đã đè lên
vai của Michelle một cách thiếu cân xứng và bất công.
Vì thế, tôi tin rằng tôi ý thức khá sâu sắc về những
thách thức riêng biệt mà người phụ nữ phải đối diện – đây chính là điều đã ảnh
hưởng lên chủ nghĩa nữ quyền của tôi. Nhưng tôi còn phải nhìn nhận rằng khi bạn
làm cha của hai đứa con gái, bạn càng ý thức sâu sắc hơn các định kiến về giới
đã thấm sâu vào xã hội chúng ta như thế nào. Bạn thấy được các ám hiệu [cues]
xã hội có khi tế nhị có khi không tế nhị cho lắm được truyền qua văn hóa. Bạn
cảm nhận sức ép to lớn mà các cô gái chịu đựng khi ăn mặc, ứng xử và thậm chí
tư duy theo một cung cách nhất định.
Và chính những định kiến này đã ảnh hưởng tiêu cực lên
ý thức tôi khi tôi bước vào tuổi thanh niên. Lớn lên thiếu vắng một người cha
bên cạnh, tôi đã trải qua một thời gian dài cố tìm hiểu mình là ai, thiên hạ sẽ
nhìn mình như thế nào, và trăn trở về một mẫu đàn ông mà tôi muốn trở thành.
Lúc đó, thật dễ dàng hấp thụ mọi thứ thông điệp của xã hội về nam tính
[masculinity] và đi đến chỗ tin rằng có con đường đúng và con đường sai để làm
một người đàn ông. Nhưng khi tôi lớn tuổi hơn, tôi nhận ra rằng những quan niệm
của tôi về một nguời đàn ông cứng rắn hay một người đàn ông trầm tĩnh rõ ràng
không phải là tôi. Đấy chỉ là một biểu hiện của tuổi trẻ và sự bất ổn tâm lý
trong tôi. Cuộc đời trở nên dễ dàng hơn nhiều khi tôi bắt đầu sống tự nhiên
theo cá tính và bản năngcủa mình.
Vì thế chúng ta cần phải vượt qua các hạn chế này.
Chúng ta cần thay đổi cái thái độ theo đó người ta dạy cho con gái biết nghiêm
trang kín đáo và con trai biết dạn dĩ quyết đoán, chê trách con gái vì dám phát
biểu ý kiến và con trai vì dễ rơi nước mắt. Chúng ta cần phải thay đổi cái thái
độ muốn trừng phạt bản năng tính dục của đàn bà và khuyến khích tính dục của
đàn ông.
Chúng ta cần tiếp tục thay đổi cái thái độ cho phép
các hành vi sách nhiễu phụ nữ xảy ra hàng ngày, bất luận khi họ bước đi trên
đường phố hay khi họ dám lên mạng Internet. Chúng ta cần thay đổi cái thái độ
dạy cho người đàn ông cảm thấy đe dọa bởi sự có mặt và sự thành công của phụ
nữ.
Chúng ta cần thay đổi cái thái độ hết lời ca ngợi đàn
ông chỉ vì họ thay được một cái tã, trong khi bêu rếu những ông bố chấp nhận
chăm sóc con cái toàn thời gian, và trừng phạt những bà mẹ có việc làm. Chúng
ta cần tiếp tục thay đổi cái thái độ đề cao tính tự tin, tinh thần thi đua, và
tham vọng trong công việc -- miễn là bạn không phải là một người đàn bà. Nếu
một người đàn bà có những đức tính này, bạn sẽ bị cho là quá hách dịch, và bỗng
chốc chính những phẩm chất mà bạn cho là cần thiết để thành công rốt cuộc sẽ
trì kéo bạn lại.
Chúng ta cần tiếp tục thay đổi cái văn hóa thường
xuyên soi rọi một ánh sáng đặc biệt nghiêm khắc lên đàn bà và con gái da màu.
Michelle đã nhiều lần đề cập đến điều này. Thậm chí sau khi thành đạt bằng
chính nỗ lực của mình, cô ấy vẫn còn mang nhiều nỗi hoài nghi trong người; Cô
ấy đã phải lo lắng là liệu mình đã ăn mặc đúng cách hay hành động đúng đắn chưa
-- liệu mình có quá quyết đoán hay quá “hằn học” chăng.
Là bậc cha mẹ, việc giúp đỡ con cái của các bạn vượt
lên trên những hạn chế này là một tiến trình học hỏi liên tục. Michelle và tôi
từng dạy cho con gái mình biết lên tiếng phản đối khi chúng phát hiện một sự
phân biệt đối xử hay cảm thấy bị phê phán một cách bất công dựa trên giới tính
hay chủng tộc của chúng -- hoặc khi chúng nhận thấy điều này xảy đến cho một ai
khác. Thật là một điều quan trọng khi chúng nhận ra những tấm gương sáng ngoài
đời, những nhân vật đã leo lên nấc thang cao nhất trong bất cứ lãnh vực nào mà
họ theo đuổi. Và vâng, thật là một điều rất quan trọng khi bố của chúng là một
người tranh đấu cho nữ quyền, vì ngày nay đấy cũng là điều chúng kỳ vọng ở mọi
người đàn ông.
Đàn ông tuyệt đối phải có trách nhiệm chống lại óc kỳ
thị giới tính. Và trong tư cách vợ chồng, các đôi bạn gái, và các đôi bạn trai,
chúng ta cần phải có nỗ lực và suy nghĩ chín chắn về việc tạo dựng các quan hệ
thật sự bình đẳng.
Điều đáng mừng là, khắp mọi nơi tôi đặt chân đến trên
đất nước này cũng như trên thế giới, tôi đều chứng kiến người dân đang đẩy lùi
các định kiến lỗi thời về vai trò giới tính [gender roles]. Từ những cậu thanh
niên tham gia chiến dịch It’s On Us nhằm chấm dứt các vụ tấn công tính dục trên
khuôn viên đại học đến các cô thanh nữ đã trở thành những người lính Biệt động
gái đầu tiên trong lịch sử nước nhà, thế hệ của các bạn nhất định không chịu để
cho các đường lối tư duy cũ kỹ ràng buộc. Và các bạn đang giúp tất cả chúng tôi
hiểu rằng việc ép buộc dân chúng bám vào các khái niệm căn cước [ideas of
identity] lỗi thời và cứng nhắc là không ích lợi cho bất cứ một ai – đàn ông,
đàn bà, người đồng tính luyến ái, người luyến ái với người khác phái, người
chuyển giới, hay bất cứ hạng người nào khác. Những định kiến này hạn chế khả năng
sống tự nhiên theo cá tính và bản năng của chúng ta.
Mùa Thu năm nay chúng ta đi vào một cuộc tuyển cử có ý
nghĩa lịch sử. Hai trăm bốn mươi năm sau khi lập quốc và gần một thế kỷ sau khi
phụ nữ rốt cuộc đã giành được quyền bỏ phiếu, lần đầu tiên trong lịch sử Mỹ,
một người đàn bà đã trở thành ứng cử viên Tổng thống chính thức của một đảng
chính trị lớn. Bất luận quan điểm chính trị của bạn là gì, đây là một thời điểm
lịch sử quan trọng của Mỹ. Và cũng chính là một ví dụ nữa cho thấy người phụ nữ
đã tiến bộ như thế nào trên một hành trình lâu dài hướng tới bình đẳng.
Tôi muốn tất cả con gái và con trai của chúng ta thấy
rằng đây cũng là di sản mà chúng thừa hưởng. Tôi muốn chúng biết rằng di sản
này không phải luôn luôn chỉ do các ông Benjamin xây dựng mà còn do các bà
Tubman đóng góp.1 Và tôi muốn chúng đóng góp phần mình để đảm bảo rằng nước Mỹ
là một nơi mà mỗi bé gái có thể lớn lên để thành công và hữu ích theo cách nó
muốn.
Đấy là ý nghĩa quyền bình đẳng của phụ nữ trong Thế kỷ
21: với quan niệm cho rằng khi mọi người bình đẳng thì tất cả chúng ta được tự
do hơn.
Barack Obama là Tổng thống thứ 44 của Hoa Kỳ.
Cước chú của dịch giả:
1. Benjamin Franklin (1706-1790) là một trong những
người lập quốc của Hiệp Chúng Quốc Hoa Kỳ; trong khi Harriet Tubman (1820-1913)
là một phụ nữ da đen sinh ra trong chế độ nô lệ, về sau trở thành một nhân vật
lịch sử trong phong trào bãi bỏ chế độ nô lệ.
Link bản gốc: http://www.glamour.com/story/glamour-exclusive-president-barack-obama-says-this-is-what-a-feminist-looks-like
T.N.C.