9572. Sợ cách mạng Biển Chết bùng nổ, Hà Nội tìm mọi
cách hạ nhiệt
Posted by adminbasam on 14/08/2016
Kông Kông. 14-8-2016
Hai mươi tám năm
trước, một người phải chạy trốn làng quê, từ Thanh Hóa ra Hà Nội, được nhà văn
Nguyên Ngọc, lúc đó đang là Tổng Biên tập báo Văn Nghệ, cho tá túc ngay tại tòa
soạn, Phùng Gia Lộc: viết lại
Cái đêm hôm ấy… đêm gì? một sự kiện xảy ra 5 năm trước đó, 1983. Nội dung bút
ký (không phải truyện) kể việc chính quyền địa phương kéo nhau đến nhà một nông
dân nghèo, lúc nửa đêm, để truy thuế, vì gia chủ không có tiền đóng.
Chính vì
nghèo mạt rệp nên con cái phải lo liệu trước việc tang ma, cũng là để báo hiếu
với đấng sinh thành. Vì thế họ giấu 70 cân thóc trong cổ quan tài đóng sẵn của
cụ, với dự trù khi cụ qua đời thì có chút của cúng kiến tiễn đưa và cũng để đền
ơn lối xóm giúp tổ chức tang ma theo truyền thống. Số lúa giấu đó bị phát hiện và
chính quyền địa phương thẳng tay tịch thu!
Toàn bộ hình ảnh ghê
tởm thời bao cấp đó khó có thể gói gọn trong một tựa đề ngắn, nên tác giả hỏi
người đọc “Cái đêm hôm ấy… đêm gì?”
Sau 41 năm đảng cộng
sản thống trị toàn cõi Việt Nam, việc truy thuế ở làng quê Thanh Hóa, chẳng
những không khá, mà rõ ràng còn tệ hại hơn Cái Đêm Hôm Ấy Đêm Gì! Vì ngày trước
chế độ có thể viện dẫn lý do (cứu đói miền Nam, chống Mỹ Ngụy ác ôn) nhưng hiện
tại thì quan chức đang sống phè phởn, sa đọa, xa hoa lộng lẫy nhờ tiền thuế của
dân, tiền tham nhũng. Họ giàu đến độ không thể giấu của cải ở đâu cho hết. Còn
con cái thì cho đi học ở các nước tư bản, vừa để tẩu tán tài sản, vừa tìm mọi
cách xin được định cư.
Loạt bài điều tra về
tình trạng cưỡng bức dân nghèo để thu thuế ở Thanh Hóa đang được trang
Soha tiếp tục đưa tin. Bài ngày 14/8/2016, là: Tịch thu giường ngủ ở Thanh Hóa,
cựu ĐBQH: “Đó là trấn lột”. Bài ngày trước,
13/8, Mùa đóng góp hãi hùng ở Thanh
Hóa: Xông vào nhà tịch thu cả giường ngủ ép dân nghèo nộp tiền. Trong đó có câu được tô
đậm “chuyện
chỉ thấy ở thời… phong kiến”! Đây
là sự chỉ trích có tính cách lên án nhưng thực ra là lên án một cách nhẹ nhàng!
Lên án với mục đích xoa dịu sự căm phẫn đang âm ĩ trong xã hội chứ không phải
đòi hỏi phải thay đổi thể chế!
Vì xã hội phong kiến
có từ cả hàng trăm năm trước và trật tự xã hội, tự nó, đã diễn tiến theo văn
minh nhân loại chứ không đứng nguyên một chỗ! Điển hình như phong kiến Anh
Quốc, phong kiến Nhật, phong kiến Thái Lan… Nhưng với chế độ CSVN thì khởi đầu
là chống phong kiến, thực dân để trở thành một guồng máy còn ác ôn hơn cả thực
dân, phong kiến. Họ đi ngược chiều với tiến trình văn minh nhân loại. Phong
kiến đâu có giết người vô tội, hàng loạt và rùng rợn như Cải cách Ruộng đất?
Phong kiến đâu có “đất đai là sở hữu của toàn dân do nhà nước quản lý”? Nhà nước ở
đây là đảng! Phong kiến chỉ bóc lột giữa địa chủ với nông dân cấp làng xã, còn
đảng thì bóc lột cả nước với văn bản gọi là Hiến Pháp! Từ đó tài nguyên đất
nước là của đảng. Đảng mặc tình ban phát cho phe nhóm, mặc tình toa rập với Tư
bản để bóc lột.
Nông dân thời phong
kiến còn có của ăn của để, một trật tự hài hòa sau lũy tre làng! Nhưng nông dân
bây giờ thì mất đất mất nhà lê lết khiếu kiện khắp cả nước. Thời phong kiến đâu
có chuyện tuyển chọn công nhân xuất khẩu, thực tế là để làm lao nô xứ người?
Phụ nữ thời đó dẫu có khắt khe với “Tam tòng, Tứ đức” nhưng không bao giờ rơi
vào cảnh phải bán thân xác mình qua môi giới hôn nhân người nước ngoài, để vừa
tự cứu bản thân, vừa hy vọng sẽ giúp đỡ được gia đình?…
Vì thế, lên án việc
truy bức đóng thuế đang xảy ra ở Thanh Hóa, phải gọi chính xác là “cường hào ác
bá như thời Cộng Hòa Xã Hội Chủ Nghĩa Việt Nam”.
Cũng phải nói thêm,
Thanh Hóa là quê hương cựu Tổng Bí thư Lê Khả Phiêu (người nổi bật với tư dinh
có trống đồng – ngà voi – vườn rau sạch) cũng là người được cho là bị mỹ nhân
kế khi sang Bắc Kinh (!) để rước về “4 tốt, 16 chữ vàng” mà chế độ hiện vẫn
đang chấp hành nghiêm chỉnh!
Câu hỏi là tại sao
đảng cho phép báo nhà nước viết về việc truy bức thuế tại Thanh Hóa? Vì qua đó
bộ mặt của đảng cũng bị lem luốc?
Xin thưa, đây là
bước đường cùng! Đảng phải chấp nhận một số sự thật có thể, là cách ‘tự đánh’,
là “tự kiểm” giống như Chủ tịch Hà Tĩnh gợi ý nhân viên tự
nhận hình thức kỷ luật. Dùng “tự kiểm” để mong được
cảm thông, coi như đảng đang sửa sai! Thực tế là đánh trống lãng, mua thời gian
để dư luận lãng quên dần thảm họa Vũng Áng – Formosa!
Với hy vọng việc ru
ngủ công luận có kết quả hơn, đảng đang quảng cáo thêm “đả cẩu, diệt trùng”
theo cách Tập Cận Bình! Vì thế truyền thông cho biết nhà nước đang trực tiếp
điều tra một số vụ, thí dụ như Núi Pháo, liên quan đến bà Nguyễn Thanh Phượng,
con gái cựu Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng, cha con cựu Bộ trưởng Công Thương Vũ Huy
Hoàng, Trịnh Xuân Thanh đầy tai tiếng nhưng vẫn được cất nhắc,… trong lúc đó
thì sự kiện quan trọng nhất, là thảm họa môi trường do Formosa gây ra tại Vũng
Áng, lại lấp lửng kiểu “nếu Formosa tiếp tục sai phạm sẽ bị đóng cửa”!
Tin mới nhất cho
biết Cục thuế đang có đề nghị giảm thuế đặc biệt cho Formosa, số tiền tương
đương với 500 triệu USD mà Formosa hứa “bồi thường” khi “cúi đầu xin lỗi”! Như
vậy thì tiền Formosa bồi thường chính là tiền thuế của dân! Formosa gây thảm
họa, dân còng lưng chịu đựng tất cả. Còn nhà nước? Chỉ ảo thuật số tiền!
Báo Công An Nhân
Dân, ngày 12/8/2016, đăng bài phỏng vấn có tựa đề “Không phải là vua thì muốn gì cũng
được”. Người phỏng vấn giành cả việc khen ngợi
không tiếc lời người được phỏng vấn, ông Tiến sĩ Phạm Duy Nghĩa, mà lẽ ra phải
dành cho người đọc, nếu đúng!
Ông Tiến sĩ đã nói
gì? Ông nói vai trò Quốc Hội là phản biện với chính phủ, cứ như Quốc Hội đang
có là Quốc Hội của các nước Dân chủ Tự do! Ông lú lẫn nên quên mất Quốc Hội
Việt Nam là “đảng cử dân bầu”! Thử hỏi 90% đảng viên Đại biểu liệu có dám “phản
biện” với đề xuất của đảng?
Việc khác, ông nói
“dân trí còn thấp” nên chưa thể tổ chức Trưng cầu Dân ý cả nước, vì tổ chức như
thế “sẽ bị thao túng”! “Dân trí thấp” mà chương trình giáo dục từ hơn nửa thế
kỷ qua vẫn chủ trương nhồi sọ thì đợi đến bao giờ mới cao? Nhận xét nầy không
lạ với quân cán chính miền Nam bị tù cải tạo. Lúc đó họ hứa: Bao giờ cải tạo
tốt thì cho về nhưng không hề xác định như thế nào là tốt!
Vì thế có thể so
sánh giữa Dân trí và Quan trí! Khi biến cố cá chết vừa xảy ra Dân trí biết ngay
là do Formosa xả thải, còn Quan trí cho là do thủy triều đỏ. Dân trí biểu tình
phản đối, đòi đóng cửa Formosa thì Quan trí cho đàn áp thẳng tay. Dân trí minh
bạch quan điểm, còn Quan trí cứ loay hoay như gà mắc tóc! Dân trí được thế giới
ủng hộ, ngay cả Dân biểu Đài Loan, bà Su Chih-feng, chẳng những đã tổ chức họp
báo lên án Formosa ngay tại Đài Loan và còn thân hành qua Việt Nam điều tra,
còn Quan trí thì giữ bà lại tại phi trường Nội Bài 9 tiếng vì “thăm viếng sai
mục đích”!
Thực tế có Đại biểu
Quốc Hội nào dám lên tiếng về Formosa trong suốt 3 tháng trước khi nhà nước tổ
chức họp báo (?) chứ chưa nói đến việc thăm viếng hay điều tra tại chỗ, trong
lúc đó thì người nước ngoài, nhờ sự giúp đỡ của Dân trí, giả dạng thường dân
đến được Vũng Áng quay videos, làm phóng sự phổ biến khắp thế giới! Quốc Hội
như thế mà không biết nhục thì nói gì đến “phản biện”?
Vì thế truyền thông
nhà nước dù có đang ồn ào hơn nữa về chuyện bất công trong xã hội, chuyện đánh
tham nhũng hoặc nhận lỗi hay sửa sai gì đó… thì cũng chỉ là một vở kịch!
Một vở hài kịch mua
thời gian với mục đích để chế độ tìm ra được cách đối phó với cuộc Cách Mạng
Biển Chết đang cận kề!