Trang

Thứ Bảy, 13 tháng 8, 2016

1991. Hiền Tài Phạm Ngọc Trảng vị quốc vong thân.

Một gia đình có Cha như thế, Mẹ như thế và Con như thế thiễn nghĩ là hiếm có. Hậu tấn kính dâng đôi nén tâm hương…
9549. Cải chính chi tiết từ bài phỏng vấn Nghệ sĩ Kim Tuyến
Posted by adminbasam on 12/08/2016
Tuấn Khanh12-8-2016
Ngay sau bài phỏng vấn nữ nghệ sĩ Kim Tuyến tại miền Nam California về đời sống và ký ức văn nghệ của bà, tôi có nhận được một lá thư từ Thái Lan từ một người quen biết đến một nhân vật được nghệ sĩ Kim Tuyến nhắc đến trong bài là ông Phạm Ngọc Trảng.
Thư đính chính tên đúng của ông Trảng là họ Phạm, tên Ngọc Trảng, chứ không phải là họ Nguyễn, tên Văn Trảng, cùng kèm theo nhiều tư liệu rất sống động để nhắc thêm về nhân vật mà nghệ sĩ Kim Tuyến nói rằng chị hết sức ngưỡng mộ.

Xin được giới thiệu lá thư này, cùng tư liệu chứng minh, như một cách góp thêm vào phần hồi ức mà nghệ sĩ Kim Tuyến đã trình bày cùng quý vị.
Xin cảm ơn anh Dương Xuân Lương vì tư liệu quý này.
TB: Trong những văn bản đã gửi lên các trang mạng, cũng đã chỉnh sửa lại cho đúng tên của người đã khuất.
==============
Thái Lan 04.08.2016.
Kính gởi anh Tuấn Khanh.
Với tình quí mến, tôi xin anh vui lòng chỉnh lại tên anh Nguyễn Văn Trảng trong bài đăng số 9430 trên trang Basam.
Anh ấy tên là Phạm Ngọc Trảng quê quán Tây Ninh học trường Nam Trung Học Tây Ninh trước tôi mấy năm. (Anh Trảng ra tòa và rất hiên ngang là đúng. Nhưng anh Trảng không bị bắn tại chổ mà bị kết án tử hình khi đó tôi sống ở Tây Ninh nên biết việc anh Trảng ra tòa). Sau đó không biết họ đã thi hành án như thế nào.
Xin anh vui lòng chuyển đến chị Kim Tuyến lời cảm ơn của chúng tôi về tình thân của chị ấy với anh Trảng là một đàn anh của tôi và là một Hiền tài trong Đạo Cao Đài.
Một người quí mến anh,
Dương Xuân Lương
==================
Thông tin tham khảo thêm:
1/- Từ Bản án Cao Đài do nhà cầm quyền cộng sản ban hành ngày 20/07/1978 (bản in từ nhà in Hoàng Lê Kha- Tây Ninh).
H1
2/- Từ Hòa bình chung sống biên niên (trang 216) (bản in 2013).
..(i)/-  CHÚ THÍCH TRONG CHÚ THÍCH:
Về Ông Truyền Trạng Phạm Ngọc Trấn (1910-1952).
Ông Phạm Ngọc Trấn quê làng Tân Huệ, quận Hồng Ngự Tỉnh Châu Đốc. Ông học trường College Cần Thơ, thi đỗ Diplôme (trung học Pháp). Ông có làm thơ ký cho Đầu Tộc Đạo Hồng Ngự. Sau về Tòa Thánh dạy học ở Đạo Đức Học Đường.
Ông thi đậu Luật Sự khoản năm 1935. Năm 1941 Ông vâng lịnh Hội Thánh (cùng 200 người lính đạo khác) đi lính sang Pháp để đáp lại việc Pháp cho Đạo Cao Đài được tự do tín ngưỡng. Số quân của ông là 17.070…Trong quân ngũ ông có nhiều thành tích xuất sắc.
Sau khi Đệ nhị thế chiến chấm dứt. Năm 1946 ông được trở về Việt Nam, lãnh phận sự Thánh Vệ Trưởng (Trung Tá), bảo vệ an ninh trong vùng Thánh Địa. Ông là một trong những anh tài hết lòng vì Đạo, được Đức Hộ Pháp quí mến và tin cậy. Thời gian ở Pháp ông học được cách ghi tốc ký nên khi về Tòa Thánh ông ghi lại nhiều bài thuyết đạo của Đức Hộ Pháp, được Đức Ngài khen ngợi. Chính ông truyền dạy cách ghi tốc ký cho nhiều tốc ký viên khác. Ông tạo được nhiều thiện cảm với những người cùng làm việc hay khi giao thiệp….
Ngày 06-7- Nhâm Thìn (25-8-1952) Ông bị Tổng Tư Lệnh QĐCĐ Nguyễn Văn Thành tổ chức bắn chết trên đường Quan Âm Các tại Ngã Năm cách cửa số 4 chưa đầy 01 km. Một anh tài của Đạo đã bị bạn đồng môn hạ sát khi mới 42 tuổi thật là đau đớn.
Đức Cao Thượng Phẩm viết về tuổi 42:
Bốn mươi hai tuổi xanh chưa phỉ…
42 tuổi với người mang hoài bão phụng sự cho đại nghiệp của Đức Chí Tôn thì quá ngắn. Chí tang bồng của kẻ sĩ còn chưa phỉ thì mũi súng bạn đồng môn đã cắt ngang mạng sống… con đường phụng sự vắng bóng một hiền nhân… Nỗi đau đớn càng lớn hơn khi chính những người như ông Thành được Tôn Sư Hộ Pháp nâng đở họ thành người có quyền thế trong xã hội rồi quay súng bắn vào bạn đồng môn, bắn vào người cộng sự đắc lực của Tôn Sư.
Đành rằng túc trái oan khiên vay trả nhau trong vô lượng kiếp; nên đã biết đạo thì chẳng dám trách Đấng Cao Xanh mà chỉ tiếc thương người anh tài vắn số trên đường phụng sự cũng là lẽ cố nhiên.
Chúng ta thương tiếc cho Ngài Tiếp Thế Lê Thế Vĩnh, Ngài Bảo Cô Quân Dương Văn Giáo và hàng loạt trí thức tinh hoa của dân tộc như Ông Diệp Văn Kỳ, Ông Hồ Văn Ngà, Ông Bùi Quang Chiêu… bị mũi súng của kẻ vô lương hạ sát nhưng chí ít thì chúng ta cũng hiểu được động cơ của việc thảm sát đó.   `
Còn với ông Phạm Ngọc Trấn thì chúng ta hiểu thế nào về ác hành nầy… bởi vì ông Thành cũng là người phụng sự đạo trong trách nhiệm Tổng Tư Lệnh Quân Đội Cao Đài. Một đội quân có tiêu chí Bảo Sanh Nhân Nghĩa Đại Đồng đã đem lại cuộc sống yên ổn phồn vinh cho đồng đạo và đồng bào.
Ông Trấn được ân thăng một cấp, tang lễ hành theo phẩm Thừa Sử.
Con đường từ Ngã Ba Ao Hồ (nay là ngã tư) đi cập hông Viện Đại Học Cao Đài cắt ngang đường Ca Bảo Đạo, cắt Lộ Trung Tim, đi cập hông Sân Vận Động Long Hoa giáp với đường Cao Thượng Phẩm được Hội Thánh Cao Đài đặc tên Đường Phạm Ngọc Trấn.
Đức Hộ Pháp viết trong Thánh Thư Hải Ngoại số 20 ngày 25-07 Mậu Tuất (08-9-1958): ...tên Dồi đã đồng lõa tổ chức cùng tên Bay đặng ám sát Truyền Trạng Trấn do Nguyễn Văn Thành ra lịnh....
(Bay là Thiếu Tá. Ám sát ông Trấn ngày 25-8-1952, khoản một tuần sau thì “bắn Đạo Hữu Có – Xem Lời Phê Đức Hộ Pháp”)
Ngày 09-7- Nhâm Thìn Đức Hộ Pháp hành pháp xác cho ông Trấn tại Đền Thánh. Theo ông Quang Minh viết trong Tiểu sử 19 chức sắc Pháp Chánh thì Linh cữu được quàng tại tòa nhà Hiệp Thiên Đài.
Khi Đức Hộ Pháp đến dự tang lễ; đứng trước linh sàng Ngài nói cùng Hội Thánh và toàn Đạo hiện diện: “Bần Đạo xin lạy Trấn để đáp lại công nghiệp của nó đối với Đạo”. Ngài Khai Pháp Trần Duy Nghĩa nắm Đức Ngài lại và thưa: “Bạch Ngài, để Bần Tăng thay mặt Ngài mà lạy thế”. Đọc tiểu sử của Ngài Khai Pháp chúng ta cũng thấy Ngài từng khóc về việc huynh đệ giết nhau quá thảm.
@@@
Khi ông Trấn mất thì vợ ông đang có thai. Sau bà sanh ra một nam nhi được Đức Hộ Pháp nhận làm con nuôi đặc tên là Phạm Ngọc Trảng.
Ông Trảng là một học sinh rất giỏi. Ông đậu vào Trường Kỷ Thuật Phú Thọ khoa điện tử. Sau đó ông xin vào Hiền Tài và phụ trách kỷ thuật cho Đài Phát Thanh của Hội Thánh.
Theo Bản Án Cao Đài Hiền Tài Phạm Ngọc Trảng bị bắt vào tháng 12-1976 vì tổ chức lại Mặt Trận Toàn Lực Thống Nhất Quốc Gia do Đức Hộ Pháp làm chủ tịch (1955). Ông Trảng là người lãnh đạo nên bị kêu án tử hình. Nhiều người khác cũng bị án tử hình và những án tù rất nặng.
Theo Văn Tịch Pháp Nhơn Luân Chi Đạo của Ngài Hồ Bảo Đạo (trang 89) thì vụ bắt Hiền Tài Phạm Ngọc Trảng là cái cớ để chánh quyền khám xét Đài Phát Thanh, Ban Thế Đạo, nhà in Phước Thiện, văn phòng Ban Đạo Sử… là những cơ ngơi trong Nội Ô Tòa Thánh Tây Ninh và tịch thâu nhiều giấy tờ, tài liệu và sử liệu…
***/. Quan hệ của Ông Phạm Ngọc Trấn và ông Hà Minh Trí (Mười Thương) là người ám sát ông Ngô Đình Diệm năm 1957 ở Buôn Mê Thuộc.
Ngày nay trên wiki viết về ông Hà Minh Trí (sinh năm 1935) theo cách tô hồng nên nhiều sự thật đã bị che dấu.
Nhiều năm trước chúng tôi gặp người thân của Ông Trấn (ở cửa số 2, đối diện VP Cơ Thánh Vệ củ), một vài vị chức sắc hay những người biết rõ về ông Mười Thương xin tóm gọn như sau:
Trong một cuộc hành quân ở miền Tây Quân Đội có bắt một thiếu niên khoản 14-15 tuổi vì bị tình nghi là giao liên. Khi đưa về đồn Ông Trấn thấy thiếu niên lanh lợi thì thương nên lãnh ra và nhận làm con nuôi.
Khi về Tòa Thánh ông Trấn đem người con nuôi theo và cho học ở Đạo Đức Học Đường với tên Hà Minh Trí. Nhờ uy tín ông Phạm Ngọc Trấn nên thiếu niên nầy được yên ổn và liên lạc với tổ chức mà không bị phát hiện.
Năm 1957 (22 tuổi) ông Trí lãnh nhiệm vụ của cộng sản đi ám sát Tổng Thống Ngô Đình Diệm vào ngày 22-2-1957. Nhiều người còn kể rõ là trước khi đi ông Trí ở Bá Nghệ Đoàn và có mượn quần áo của anh em để mặc cho tươm tất.
Ông Trí nổ súng trúng Bộ Trưởng Bộ Canh Nông Đỗ Văn Công và bị bắt. Khi bị bắt trong túi ông Trí có THẺ HỌC SINH TRƯỜNG ĐẠO ĐỨC HỌC ĐƯỜNG do ông Nguyễn Hữu Lương là Hiệu Trưởng ký.
Do vậy mật vụ của Tổng Thống Diệm lên Tây Ninh bắt ông Đốc Lương theo kiểu bắt cóc để điều tra khẩn cấp. Thời gian đó Đức Hộ Pháp đã đi Nam Vang và đề ra Cương Lĩnh Hòa Bình Chung Sống nên Ngô Đình Diệm rất căng thẳng với Đạo và Đức Hộ Pháp. Đức Thượng Sanh chưa về Tòa Thánh hành đạo (ngày 15-4-Đinh Dậu “14-5-1957” Đức Thượng Sanh về Tòa Thánh hành đạo).
Ông Nguyễn Hữu Lương (thường gọi là ông Đốc Lương) lúc đó là Lễ Sanh Phái Ngọc. Trong Lời Thuyết Đạo và Lời Phê Các Việc Đức Hộ Pháp có nhiều lần nhắc đến ông. Ngày 22 tháng chạp năm Ðinh Hợi (1948) khi đến dự Lễ Bãi Trường Đức Hộ Pháp dạy:
Mấy vị Giáo Viên nhứt là Lương, mỗi phen có lễ nơi Học Ðường, mỗi phen đến dự, nó làm cho Bần Ðạo cảm xúc... (LTĐ Q1 bài số 54).
Ông Đốc Lương là con trai thứ sáu của Ngài Thái Bộ Thanh (sau đắc phong Đầu Sư) và là con rễ Ngài Hồ Bảo Đạo đang sát cánh với Đức Hộ Pháp. Với công nghiệp và hồ sơ lý lịch như vậy cho nên Ngô Đình Diệm đối phó với ông Đốc Lương quyết liệt hơn nữa.
@@@
Trong đàn cơ tại Báo Ân Đường Kim Biên, đêm 8-2-Đinh Dậu (dl 9-3-1957). Hợi thời. Ngài Hồ Bảo Đạo có thỉnh giáo bà Bát Nương về việc ông Đốc Lương bị bắt:   .…Bảo Đạo bạch hỏi vụ hai em Lễ Sanh Ngọc Lương và Thái Cảnh bị bắt đi mất tích.
– Chưa đáng lo ngại, song vận xấu hai em ấy phải chịu khổ não một thời gian ngắn rồi sẽ ra mặt công khai  đối  nại.
Chị xin lui, kẻo trễ giờ cho các Đấng. THĂNG.
@@@
Chữ Bà Bát Nương dùng là: … sẽ ra mặt công khai  đối  nại…. đã phần nào nói lên việc liên quan đến THẺ HỌC SINH của ông Hà Minh Trí có trong túi khi bị bắt ngày 22-2-1957 mà ông Đốc Lương là người ký tên trên Thẻ Học Sinh đó.
Trên wiki viết vô lý nhiều điểm chúng tôi phân tích 02 điểm sau:
*1/- Wiki viết:… năm 1948 ông Trí dùng vỏ bọc Tín Đồ Cao Đài là vô lý. Vì năm đó ông Trí mới 13 tuổi làm sao là tín đồ Cao Đài? (phải đủ 18 tuổi, có thọ lễ nhập môn và được cấp Sớ Cầu Đạo. Sớ cầu đạo có ghi người tiến dẫn, và nơi nhập môn…)
*2/- Vô Lý thứ 02:… Với giấy thông hành mang tên Hà Minh Trí, một thương gia Tây Ninh…?
Thời điểm năm 1957 có loại giấy thông hành cho thương gia ở Tây Ninh chưa? Ai cấp loại giấy nầy? Vậy tại sao mật vụ của Tổng Thống Ngô Đình Diệm bắt ông Đốc Lương trường ĐẠO ĐỨC HỌC ĐƯỜNG? Và Bà Bát Nương dạy:… … sẽ ra mặt công khai  đối  nại…???
Đó là 02 điều cực kỳ phi lý do chủ nghĩa tô hồng mà ra.
@@@
Ngày ông Phạm Ngọc Trảng ra tòa thì ông Mười Thương là một cán bộ công an cao cấp của Tỉnh Tây Ninh và ông Trảng bị kêu án tử hình như đã nói.
@@@
MẠNH MẪU THỜI NAY.
Đến đây chúng tôi xin cung kính đề cập đến vị MẠNH MẪU THỜI NAY. Đó là người bạn đời của ông Phạm Ngọc Trấn là đấng sanh thành của ông Phạm Ngọc Trảng. Bà Tư Liễu (Lễ Sanh Hương Liễu).
Khi ông Trấn bị bắn chết thì Bà đang mang thai ông Phạm Ngọc Trảng. Gia cảnh không lấy gì làm khá giả bà vẫn tảo tần nuôi con ăn học nên người. Sau khi đỗ tú tài II ông Trảng thi đậu Trường đại học Kỷ thuật Phú Thọ thuộc Viện Đại Học Sài Gòn. Đây là một trong những trường có qui chế thi tuyển rất gắt gao thời Việt Nam Cộng Hòa.
Nhà nghèo từ Tây Ninh bà phải xuống Sàigòn mướn nhà ở, hằng ngày đổ bánh xèo bán nuôi con. Ông Trảng tốt nghiệp kỷ sư xong thì quay về Tòa Thánh phụng sự Đạo ở Đài Phát Thanh.
Bà mất năm 1984.
Một gia đình có Cha như thế, Mẹ như thế và Con như thế thiễn nghĩ là hiếm có. Hậu tấn kính dâng đôi nén tâm hương…
#: THIẾU TÁ BAY BẮN ĐẠO HỮU CÓ & VỊ THÁNH VỆ TRƯỞNG KẾ TIẾP…
Phúc trình của Tổng Tư Lịnh Quân Đội Cao Đài số 46/SL ngày 31-8- 1952.   Về việc Thiếu Tá Bay bắn Đạo Hữu Có.
 LỜI PHÊ ĐỨC HỘ PHÁP:
Thánh Vệ Trưởng cho Quân đội biết: Dầu thế nào đi nữa bên Quân đội cũng không thể dung cho mấy Sĩ Quan đã ở nơi Thánh Vệ mà cầm súng bắn người đạo trong khi Bần Đạo đã cạn lời cầu khẩn bảo vệ sanh mạng cho họ.
Chính điều ấy Bần Đạo đã nhiều phen căn dặn mật thiết với Thiếu Tá Bay. Bay có 2 tội:
  • Một là phụ lời ký thác của Bần Đạo
  • Hai là bắn anh em của nó
Dù rằng Có đã hổn, Bay đủ quyền sửa trị với luật pháp. Bay chẳng còn đáng người Đạo nữa, cũng còn nhiều kẻ khác nữa.
HỘ PHÁP. (Ấn Ký).
NHẬN XÉT:
. Ngày 25-8-1952 (06-7- Nhâm Thìn) Thiếu Tá Bay thi hành lịnh của Trung Tướng Nguyễn Văn Thành Tổng Tư Lệnh QĐCĐ tổ chức ám sát ông Truyền Trạng Phạm Ngọc Trấn (Trung Tá Thánh Vệ Trưởng).
. Ngày 31-8-1952 (06 ngày sau) Thiếu Tá Bay tiếp tục bắn vào một người Đạo Hữu tên Có. Đó là tính theo ngày phúc trình (của Tổng Tư Lệnh) còn việc bắn vào Đạo Hữu Có chắc là trước đó đôi chút. Nhưng chắc chắn là sau ngày ám sát ông Trấn. Theo nội dung lời phê trên thì Thiếu Tá Bay phục vụ ở Thánh Vệ nên có cơ hội theo dõi việc đi đứng của Thánh Vệ Trưởng để ám sát.
Sau khi ông Trấn bị ám sát thì vị Thánh Vệ Trưởng kế tiếp là ông Nguyễn Văn Kiết.
@@@
Bản báo cáo kết quả học tập ngày 03-10-1978 của Ngài Tiếp Dẫn Đạo Nhơn Nguyễn Văn Kiết có bản ghi ông nhận nhiệm vụ Thánh Vệ Trưởng năm 1952 có bản ghi 1957. Nguyên văn như sau:
Năm 1952, được bổ về Thánh Vệ Trưởng, có lịnh Đức Hộ Pháp nghiêm cấm tất cả các lực lượng võ trang xâm nhập vào Thánh Địa như Q.Đ.C.Đ Liên Minh, Quân Đội Việt Nam Cộng Hòa (tỉnh, quận, xã) kể cả Quân Đội Pháp và Bộ đội Việt Minh. Cấm luôn hoạt động chính trị, kể cả Việt Nam Phục Quốc Hội, cốt giữ vẹn vùng Thánh Địa là vùng an ninh của Đạo (vùng bất khả xâm phạm – Sainte garde).
@@@
Đối chiếu thì năm 1956 Đức Hộ Pháp đã đi Nam Vang và Cao Đài Liên Minh của Tướng Thế đã về với Ngô Đình Diệm từ 1955…vậy ghi năm 1957 là sai. Thiễn nghĩ ghi năm 1952 ông Kiết được bổ nhiệm Thánh vệ Trưởng sau khi ông Trấn bị ám sát là đúng./.

Kính thư.