"Binh pháp: đánh vào lòng người là thượng sách; đánh vào thành quách là hạ sách. Vũ khí tối thượng là nhân tâm mà cộng sản đã thất nhơn tâm thì xe pháo cũng là hạ sách... BBT.
BBC. 5 giờ trước.
Việt Nam đã âm thầm phòng vệ nhiều đảo của mình tại khu vực có
tranh chấp tại Biển Đông bằng các giàn phóng tên lửa di động mới có khả năng
tấn công đường băng và căn cứ quân sự của Trung Quốc, theo Reuters.
Phóng sự đặc biệtcủa
phóng viên Greg Torode dẫn nguồn tin từ giới chức phương Tây, gồm các nhà ngoại
giao và quan chức quân đội, nói với Reuters rằng thông tin tình báo cho thấy Hà
Nội đã vận chuyển các giàn phóng tên lửa từ đất liền tới năm căn cứ ở quần đảo
Trường Sa trong những tháng gần đây, một động thái có thể khiến căng thẳng với
Bắc Kinh.
Các bệ phóng đã được giấu để không bị phát hiện từ trên không và
chưa được lắp đầu đạn, nhưng có thể được đưa vào hoạt động với đạn pháo tên lửa
trong vòng hai hoặc ba ngày, theo ba nguồn nói với Reuters.
Hãng tin này cho biết Bộ Ngoại giao Việt Nam nói thông tin này là
"không chính xác", mà không giải thích gì thêm.
Thứ trưởng Quốc phòng Việt Nam, Thượng tướng Nguyễn Chí Vịnh, nói
với Reuters tại Singapore hồi tháng Sáu rằng Hà Nội không có giàn phóng tên lửa
hay vũ khí như thế tại Trường Sa nhưng bảo lưu quyền thực hiện bất kỳ biện pháp
nào.
"Di chuyển bất kỳ loại vũ khí nào đến bất kỳ khu vực vào bất
kỳ lúc nào trong vùng lãnh thổ có chủ quyền của chúng tôi là quyền hợp pháp của
chúng tôi," Tướng Vịnh được Reuters dẫn lời.
Bài viết cho rằng động thái này là để đối trọng
với các hoạt động của Trung Quốc trên bảy hòn đảo nhân tạo tại quần đảo Trường
Sa. Giới hoạch định chiến lược quân sự của Việt Nam lo ngại việc Trung Quốc xây
đường băng, radar và các cơ sở quân sự khác tại những hòn đảo này làm sung yếu
khả năng phòng thủ đảo và khu vực phía nam Việt Nam.
Giới phân tích quân sự cho rằng đây là động thái phòng thủ quan
trọng nhất Việt Nam đã triển khai tại các đảo của mình ở Biển Đông trong nhiều
thập niên qua.
Hà Nội muốn triển khai các giàn phóng tên lửa vì họ dự kiến căng
thẳng gia tăng sau một phát quyết cột mốc của tòa án quốc tế gây bất lợi cho
Trung Quốc trong vụ Philippines kiện, giới ngoại giao nước ngoài được Reuters
dẫn lời.
Phán quyết hồi tháng trước, vốn bị Bắc Kinh thẳng thừng bác bỏ,
nói không có cơ sở pháp lý đối với các tuyên bố lịch sử của Trung Quốc về chủ
quyền ở phần lớn Biển Đông.
Việt Nam, Trung Quốc và Đài Loan tuyên bố chủ quyền tại toàn bộ
quần đảo Trường Sa trong khi Philippines, Malaysia và Brunei tuyên bố chủ quyền
tại một số khu vực.
"Quân đội Trung Quốc duy trì việc giám sát chặt chẽ tình hình
ở vùng biển và trên không quanh quần đảo Nam Sa", Bộ Quốc phòng Trung Quốc
cho biết trong một tuyên bố gửi bằng fax tới Reuters.
"Chúng tôi hy vọng các nước liên quan có thể cùng với Trung
Quốc bảo vệ hòa bình và ổn định ở Nam Hải."
Hoa Kỳ cũng đang theo dõi chặt chẽ diễn biến này.
"Chúng tôi tiếp tục kêu gọi tất cả các bên tuyên bố có chủ
quyền tại Biển Đông tránh có hành động gây căng thẳng, thực hiện các bước thiết
thực để xây dựng lòng tin, tăng cường những nỗ lực để tìm các giải pháp ngoại
giao và hòa bình cho tranh chấp", một quan chức Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ cho
biết.