Trang

Thứ Hai, 15 tháng 8, 2016

2007. Xã hội dân sự độc lập và xã hội dân sự nhà nước, thỏa hiệp hay công kích?

Thanh Trúc, phóng viên RFA
2016-08-14

Mấy năm gần đây, tại những hội nghị hay diễn đàn khu vực về phát triển, nhân quyền và tôn giáo do ASEAN khởi xướng, Việt Nam đã cử những tổ chức xã hội dân sự được nhà nước hỗ trợ đến tham gia nhằm phản biện quan điểm tự do dân chủ mà các tổ chức xã hội dân sự độc lập trong và ngoài nước nêu lên.

Các đại diện với bản Tuyên bố 2015 của cộng đồng tổ chức Xã hội dân sự ASEAN: Cộng đồng ASEAN phục vụ người dân.
Các đại diện với bản Tuyên bố 2015 của cộng đồng tổ chức Xã hội dân sự ASEAN: Cộng đồng ASEAN phục vụ người dân.
 aseanpeople.org

Cản trở những người xã hội dân sự độc lập tham gia hội nghị?

Hội nghị chính thức ở thủ đô Dili của Đông Timor tuần lễ đầu tháng Tám này là Diễn Đàn Người Dân Đông Nam Á từ ngày 3 đến ngày 5 do các tổ chức xã hội dân sự độc lập Đông Nam Á đồng thực hiện với trên 800 đại diện các nước, trong đó có Việt Nam.
Trước đó 2 ngày , Hội Nghị Tự Do Tôn Giáo Hay Niềm Tin Đông Nam Á lần 2, do BPSOS ở Hoa Kỳ tổ chức cũng tại Dili từ ngày 1 đến ngày 2 tháng Tám.
Tiến sĩ Nguyễn Đình Thắng, giám đốc điều hành BPSOS, cho biết:
Họ dựng lên những tổ chức xã hội dân sự giả, gọi là quốc doanh, gởi đến những diễn đàn đó, đóng kịch như là tiếng nói của người dân ở trong nước.
- Tiến sĩ Nguyễn Đình Thắng
“Từ năm 2005 các quốc gia trong vùng Đông Nam Á đã thúc đẩy vấn đề phát triển xã hội dân sự bằng cách tạo nên một thế liên minh với nhau để cùng nhau tranh đấu cho nhân quyền, tự do, dân chủ trong toàn vùng.
Thấy rằng đấy là một môi trường rất nguy hiểm, chính quyền Việt Nam một mặt ngăn chặn không cho những tổ chức xã hội dân sự thực sự ở Việt Nam được hình thành và được tới lui với bạn bè của mình trong khu vực, mặt khác họ dựng lên những tổ chức xã hội dân sự giả, gọi là quốc doanh, gởi đến những diễn đàn đó, đóng kịch như là tiếng nói của người dân ở trong nước.
Năm nay, cũng diễn đàn ấy tổ chức tại Dili, Đông Timor thì đã đưa được 17 người ở trong nước đến Đông Timor. Tức là tổng cộng 20 người nhưng 17 người đến được, 3 người bị chặn lại.”
Đây là những người thuộc các tổ chức xã hội dân sự độc lập trong nước, tiến sĩ Nguyễn Đình Thắng nói tiếp, hoàn toàn khác với những người thuộc các tổ chức xã hội dân sự quốc doanh đã và đang đến tham dự diễn đàn những lần trước cũng như lần này:
“Chúng tôi biết họ là quốc doanh vì 2 lý do. Thứ nhất từ năm 2009 chúng tôi đã đối mặt với họ hàng năm, họ vẫn là tổ chức như vậy không bao giờ thay đổi . Thứ hai, tên của họ là VUFO Vietnam Union Of Friendship Organizations - Liên Hiệp Các Tổ Chức Hữu Nghị. VUFO báo cáo trực tiếp với Mặt Trận Tổ Quốc.
Cũng có Hội Liên Hiệp Phụ Nữ - Vietnam Women Union, Vietnam Peace And Development Committee - Ủy Ban Hòa Bình Và Phát Triển Việt Nam VUSTA.”
Về các xã hội dân sự độc lập từ trong nước đến Đông Timor lần này, ông Nguyễn Đình Thăng nói:
Các xã hội dân sự độc lập thì gồm Hội Phụ Nữ Nhân Quyền Việt Nam, Hội Dân Oan Đòi Quyền Sống đang được hình thành, Khối Nhơn Sanh Đạo Cao Đài, Nhóm Tín Đồ Phật Giáo Hòa Hảo Độc Lập Miền Tây, đại diện của Bàn Tròn Đa Tôn Giáo Việt Nam, đại diện Mạng Lưới Các Tổ Chức Xã Hội Dân Sự Độc Lập, Hội Phát Huy Tự Do Tôn Giáo Hay Niềm Tin Việt Nam và còn khoảng năm bảy hội nữa.”
USA-VNWHR.png
Cuộc gặp gỡ giữa Hội Phụ Nữ Nhân Quyền Việt Nam với bà Jenifer và hai đồng sự, Đại Sứ Quán Hoa Kỳ tại Hà Nội ngày 18/11/2013. Courtesy of vnwhr.net
Cô Tuyết Đinh sống tại Hoa Kỳ, thành viên của Hội Phụ Nữ Nhân Quyền Việt Nam, tổ chức xã hội dân sự độc lập, đã sang Đông Timor tham dự hội nghị, cho biết:
“Ban tổ chức có danh sách những xã hội dân sự do chính phủ Việt Nam tài trợ, đó là những tổ chức quốc doanh được ghi danh, được chính thức công nhận ở diễn đàn Đông Nam Á.
Em là thành viên của Hội Phụ Nữ Nhân Quyền Việt Nam đi dự hội nghị xã hội dân sự vùng Đông Nam Á. Hội Phụ Nữ Nhân Quyền Việt Nam có 2 người và một số cảm tình viên. Em đại diện cho hội ở hải ngoại, có một thành viên chính thức ở Việt Nam ra nhưng có những thành viên khác thì một số đã bị tịch thu hộ chiếu rồi.”

Đại diện tổ chức xã hội dân sự nhà nước: Việt Nam rất có nhân quyền

Với nhiệm vụ lên tiếng thay cho nhà cầm quyền trong nước, các tổ chức xã hội dân sự của nhà nước Việt Nam không có chung tiếng nói và lập trường như các tổ chức xã hội dân sự độc lập có đại diện ở trong và ở ngoài nước đến diễn đàn, là nhận định của cô Võ Thị Kim, đại diện Khối Nhơn Sanh Cao Đài, tổ chức xã hội dân sự độc lập:
“Một bên là phi chính phủ nhưng mà do chính phủ lập ra, còn bên đây là tiếng nói của người dân, có nghĩa là tiếng nói của mình để cho bạn bè quốc tế hiểu rõ, còn tiếng nói bên kia là họ nói cho chính quyền.
Mình cũng có phát biểu, nói ở Việt Nam không có tự do tôn giáo. Tôn giáo bị nhà nước cấm đoán và không cho cơ hội phát triển, nghĩa là Cao Đài độc lập bị nhà nước đàn áp.
Sau đó, buổi họp tiếp tục thì có cô tên Giang nói là ở Việt Nam rất có nhân quyền, một cô khác cũng bên quốc doanh thì phát biểu là Việt Nam không cấm đoán ai đi dự hội nghị của diễn đàn dành cho người dân hết mà tại vì dân không có tiền nên họ không đi thôi.”
Ở Việt Nam không có tự do tôn giáo. Tôn giáo bị nhà nước cấm đoán và không cho cơ hội phát triển.
- Cô Võ Thị Kim, đại diện Khối Nhơn Sanh Cao Đài
Theo lời kể của cô Tuyết Đinh, trong những ngày đầu của hội nghị và trong những cuộc hội thảo, các tổ chức xã hội dân sự độc lập nhiều lần được tán thưởng và vỗ tay khi nêu lên những vấn đề vi phạm nhân quyền trầm trọng ở Việt Nam:
“Trước một cử tọa cả mấy trăm người như vậy thì phái đoàn Việt Nam họ ngồi nghe và họ rất bực bội. Vào buổi hội thảo cuối cùng có một trường hợp tiêu biểu là cô Trần Giang, tổ chức xã hội dân sự quốc doanh ở Việt Nam có tên tiếng Anh viết tắt là LIN. Cô Trần Giang phát biểu rất gay gắt, nói rằng tất cả những tổ chức xã hội dân sự khác hoặc những người lưu vong không được lên tiếng nói về những vấn đề ở Việt Nam vì những người đó không có văn phòng ở Việt Nam, không được phát biểu ở những hội nghị của vùng Đông Nam Á.”
Ngay sau khi cô Trần Giang của tổ chức xã hội dân sự quốc doanh phát biểu, một tham dự viên người Malaysia đã phản bác lời cô Trần Giang, nói rằng không nhất thiết chỉ người trong nước mà tất cả những người sống ở nước ngoài đều có quyền quan tâm đến tình trạng của đất nước mình.
Tham dự viên người Malaysia đó đã dùng ngay đất nước Đông Timor để chứng minh rằng chính thủ tướng hoặc tổng thống nước này từng là những người sống ở nước ngoài, sự hoạt động của những tổ chức xã hội lưu vong và những người lưu vong đã giúp cho quốc gia của mình dành lại được độc lập và tự do:
“Lời phát biểu của cô tham dự viên người Mã Lai đó được tất cả mọi người có mặt trong phòng vỗ tay hoan nghênh. Sau khi cô Mã Lai lên tiếng thì một tham dự viên khác của Miến Điện cũng lên tiếng và người Đông Timor cũng lên tiếng phản bác lại lời phát biểu của cô Giang.”
Không chỉ nói những lời trái chiều đối với những điều mà các tổ chức xã hội dân sự độc lập trình bày, cô Võ Thị Kim của Khối Nhơn Sanh Cao Đài kể tiếp, thành viên các tổ chức xã hội dân sự do nhà nước lập ra và gởi đi cũng tránh không tiếp xúc hay sinh hoạt cùng các tổ chức xã hội dân sự độc lập:
“Ví dụ kêu họ ký vào bản tin chung nói về biển đảo thì họ không dám ký, hỏi họ vấn đề giống như được ban tổ chức ở đó công nhân nhưng mà họ cứ nói trái chiều thành ra có sự khác nhau về quan điểm.”

Đường dây viễn liên của đài Á Châu Tự Do cũng đã kết nối về người được nhắc tên trong bài này, cô Giang Trần, tức Trần Vũ Ngân Giang. Rất tiếc cô Ngân Giang đã từ chối không trả lời.