Trang

Thứ Năm, 4 tháng 8, 2016

1943. CƯỚP MỚI ĂN CƯỚP CƯỚP CỦ

Cuộc đấu quyền lực: Những góc khuất lộ diện
Nam Nguyên, phóng viên RFA
2016-08-03
Dư luận xã hội đã thắng thế với sự kiện Viện Kiểm sát Nhân dân Tối cao yêu cầu kiểm tra vụ không khởi tố lãnh đạo Tổng Công ty Vinaconex, những kẻ chịu trách nhiệm cao nhất về việc đường ống dẫn nước sông Đà phục vụ Hà Nội bị vỡ 18 lần liên tiếp. Bên cạnh một quyết định thuần túy pháp lý, vụ việc này còn mang những ý nghĩa nào khác?
18 lần vỡ ống


000_Hkg7888284.jpg
Một dự án bất động sản của công ty Vinaconex ở ngoại ô Hà Nội vào ngày 4 tháng 10 năm 2012.
Description: http://www.rfa.org/rfa_resources/graphics/icon-zoom.png AFP photo

Luật sư Trần Quốc Thuận, nguyên phó chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội hiện làm việc tại Saigon, ghi nhận phản ứng tích cực cùng lúc của Viện trưởng Viện Kiểm sát Nhân dân Tối cao Lê Minh Trí và Chủ tịch nước Trần Đại Quang, trong việc xem xét lại vụ án đường ống dẫn nước sông Đà. Dư luận cho là không thể miễn trách nhiệm hình sự cho 5 nhân vật lãnh đạo cao nhất của Vinaconex, kể cả ông Phí Thái Bình, nguyên Chủ tịch Hội đồng Quản trị Vinaconex cũng là nguyên Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân TP.Hà Nội. Trước đó cơ quan tố tụng đã vin vào nhân thân tốt, phạm tội lần đầu để miễn việc truy tố cho các nhân vật “cộm cán”, mặc dù xác định có dấu hiệu phạm tội “Vi phạm qui định về xây dựng gây hậu quả nghiêm trọng” theo điều 229 Bộ luật hình sự. LS Trần Quốc Thuận nhấn mạnh:
“Dư luận trong nước phản đối cái đó quyết liệt và đến giờ Viện trưởng Viện Kiểm sát Nhân dân Tối cao đã lên tiếng và Chủ tịch nước Trần Đại Quang khi tiếp xúc cử tri TP.HCM cũng phát biểu là vụ đó phải xử, còn chuyện xem xét các tình tiết giảm nhẹ, nhân thân này kia thì ra tòa rồi mới cân nhắc tính toán. Tôi nghĩ rằng phát biểu đồng bộ vừa Viện trưởng Việm Kiểm sát Nhân dân Tối cao vừa Chủ tịch nước nữa, thì vụ này chắc sẽ phải truy tố đưa ra tòa xét xử.”
Kể từ khi đưa vào sử dụng năm 2009, tới nay đường ống dẫn nước sạch sông Đà trị giá hơn 1.500 tỷ đồng đã vỡ 18 lần gây thiệt hại nghiêm trọng. Dự án này cung cấp nước sạch cho một phần thủ đô Hà Nội, ảnh hưởng sinh hoạt khoảng 700.000 dân của 180.000 hộ gia đình. Những vụ ngừng cấp nước để sửa chữa kéo dài tổng cộng 343 giờ, với lượng nước không được cấp là 1,5 triệu m3. Tổng Công ty Vinaconex chủ đầu tư dự án đã phải bỏ ra 13,4 tỷ đồng để sửa chữa đường ống, ngoài ra còn phải đầu tư hơn 1.000 tỷ đồng để xây dựng một đường ống mới, việc này đang trong giai đoạn khởi sự thi công.
Những số liệu về thiệt hại vừa nêu, do báo điện tử Dân Trí dẫn kết luận điều tra bổ sung của Bộ Công an ngày 15/7/2016, cho thấy sự thiệt hại là đặc biệt nghiêm trọng. Ngoài 9 bị can cấp dưới bị khởi tố, Cơ quan điều tra lại có quyết định khác thường là miễn truy tố 5 lãnh đạo cấp cao của Vinaconex, mặc dù xác định những nhân vật này có dấu hiệu pham tội “Vi phạm quy định về xây dựng gây hậu quả nghiêm trọng” theo Điều 229 Bộ luật hình sự. Cơ quan điều tra Bộ Công an đã xác định 5 cán bộ lãnh đạo Vinaconex có hành vi không thực hiện đúng qui định pháp luật về quản lý đầu tư và xây dựng công trình, quyết định thay đổi vật liệu không đúng tiêu chuẩn kỹ thuật, lựa chọn nhà thầu thiếu năng lực, nên đã gây ra hậu quả nghiêm trọng như vừa nêu.
Ai chịu trách nhiệm?
Description: 400.jpg
Công nhân sửa chữa đường ống dẫn nước sông Đà bị vỡ. Photo courtesy of vtc.vn
Đáp câu hỏi của chúng tôi là phải chăng vụ miễn truy tố 5 nhân vật lãnh đạo của Tổng Công ty Vinaconex gây ra nghi vấn là có sự bảo vệ bao che nhóm lợi ích. Luật sư Trần Quốc Thuận nhận định:
“Tôi nhớ trước đây có lần con ông Trưởng Ban Tổ chức Trung ương được cử làm Chủ tịch Hội đồng quản trị của Vinaconex, cô này học báo chí không học kinh tế và mới 24 tuổi. Dư luận sau đó cũng lên tiếng phản đối và cuối cùng người ta lại rút tên cô đó ra và đưa ông Phó Chủ tịch Thành phố Hà Nội vào để làm chuyện này chuyện kia và gây thiệt hại nhiều lần…cũng như chuyện ông Trịnh Xuân Thanh của Hậu Giang, xe bảng trắng thành bảng xanh rồi chuyện này chuyện kia…lúc đầu mấy ông lãnh đạo của Hậu Giang bảo chẳng có chuyện gì, nhưng sau đó các kênh vào cuộc thì nó lại thành có chuyện. Cho nên pháp luật cũng tùy nhận thức từ góc độ thế này thế kia, còn có những quan hệ phức tạp có lợi ích chòng chéo, thì đó là những vấn đề phải có điều tra mới kết luận được.”
Những điều Luật sư Trần Quốc Thuận vừa nói được thể hiện qua sự kiện, vào tháng 4 năm 2012 cô Tô Linh Hương lúc đó 24 tuổi được bổ nhiệm vào vị trí Chủ tịch Hội đồng Quản Trị Tổng Công ty Vinaconex, tuy nhiên cô đã rời chức vụ chỉ sau hai tháng mà không có lời giải thích nào được đưa ra. Cô Tô Linh Hương là ái nữ của ông Tô Huy Rứa, Trưởng Ban Tổ chức Trung ương thời kỳ đó. Ông Tô Huy Rứa từng được giới quan sát chính trị mô tả là một cánh tay đắc lực đã giúp ông Nguyễn Phú Trọng tái cử chức Tổng Bí Thư khóa 12.
Theo trình tự thời gian thì dự án cung cấp nước sạch sông Đà cho Hà Nội khởi sự từ 2004 và bộ sậu có trách nhiệm là ông Phí Thái Bình, Chủ tịch Hội đồng Quản trị Vinaconex cùng các thành viên khác. Nếu cô Tô Linh Hương ngồi lại ghế nóng ở Vinaconex, thì cô sẽ phải giải quyết hậu quả của nhóm Phí Thái Bình, khi đường ống sông Đà vỡ liên tiếp. Giới mạng xã hội lúc đó cho là ông Tô Huy Rứa đã có quyết định sáng suốt, tránh cho con gái chịu cảnh “kẻ ăn ốc người đổ vỏ”.
Tôi nhớ trước đây có lần con ông Trưởng Ban Tổ chức Trung ương được cử làm Chủ tịch Hội đồng quản trị của Vinaconex, cô này học báo chí không học kinh tế và mới 24 tuổi.
- Luật sư Trần Quốc Thuận
Nhắc lại vào ngày 20/7/2016 vừa qua, Báo mạng Giáo Dục.Net đã đưa trường hợp cơ quan tố tụng miễn truy tố hình sự 5 lãnh đạo của Vinaconex để minh chứng điều gọi là “Các nhóm lợi ích đang chuẩn bị chống quyết tâm của Tổng Bí thư”. Sự kiện một tờ báo chính thức do nhà nước quản lý có nhận định như vậy, cho thấy tình trạng tranh đoạt quyền lợi giữa các nhóm quyền lực cũ và mới là một thực tế. Nhà báo công dân, nhà phân tích độc lập - TS Phạm Chí Dũng từ Saigon phát biểu:
“Mới đây báo Giáo Dục cũng đề cập tới và nói khá rõ không ẩn ý là hiện nay các nhóm lợi ích đang chống lại quyết tâm chống tham nhũng của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng. Hẳn nhiên khi báo đã nói tới cỡ đó thì dư luận xã hội có thể hiểu, đã có những lực lượng nào đó ra mặt chống lại ông Nguyễn Phú Trọng. Cho nên trong việc này cần phải nói thế này, mặc dù quyền lực khá là khuynh loát nhưng ông Nguyễn Phú Trọng hãy coi chừng vì đa số những lực lượng vừa âm thầm vừa ra mặt chống lại ông. Chiến dịch được coi là chống tham nhũng của ông sẽ không hề dễ dàng một chút nào…”

Gần đây giới quan sát chính trị cho rằng, không thể phủ nhận tình trạng các nhóm quyền lực chi phối lợi ích không ngừng tranh đoạt ảnh hưởng trong nền kinh tế Việt Nam. Vì thế chiến dịch làm trong sạch Đảng và chống tham nhũng của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng được xem là một mặt tích cực, vì càng mở nhiều cuộc điều tra về các nghi án tham nhũng, lạm dụng quyền lực, làm trái qui định nhà nước, thì sẽ càng có nhiều góc khuất được bạch hóa. Điều này được xem là một yếu tố tích cực cho người dân. Tuy nhiên điều mà người ta lo ngại là, mỗi một cuộc cách mạng xóa bỏ bất công, sau khi thắng lợi sẽ có những nhóm quyền lợi mới xuất hiện, tái lập những hình thức bất công mới.