Trung Quốc sẽ lại ‘dạy cho Việt Nam một
bài học’?
Một
nguồn tin thân cận với quân đội nói với Reuters rằng 'Quân đội Giải phóng Nhân
dân đã sẵn sàng'.
Một số thành phần trong quân đội Trung Quốc đang gây áp lực cho giới
lãnh đạo nước này phải có phản ứng mạnh mẽ hơn sau phán quyết của Tòa Trọng tài
Liên Hiệp Quốc. Hãng tin Reuters đăng tải thông tin trên hôm qua, 31/7, dẫn các
nguồn tin giấu tên có quan hệ gần gũi với quân đội và lãnh đạo nước này.
Một nguồn tin thân cận với quân đội nói với Reuters rằng 'Quân đội Giải phóng Nhân dân đã sẵn sàng'.
Cho dù phản bác quyết định của Tòa ở La Haye, Hà Lan, Bắc Kinh tới
nay vẫn chưa đưa ra chỉ dấu nào cho thấy sẽ hành động cứng rắn hơn nữa.
Nhưng hãng tin Reuters dẫn lời bốn nguồn tin nhận định rằng “một số
thành phần trong quân đội Trung Quốc đang thúc ép chính quyền phải phản ứng mạnh
hơn nữa, có thể cả hình thức vũ trang, nhắm vào Hoa Kỳ và các đồng minh của nước
này trong khu vực”.
Một nguồn tin thân cận với quân đội nói với hãng tin Reuters rằng “Quân
đội Giải phóng Nhân dân đã sẵn sàng”, và rằng “chúng ta cần phải đánh cho họ hộc
máu mũi như Đặng Tiểu Bình từng làm với Việt Nam năm 1979”.
Hãng tin Reuters dẫn lời một nguồn tin khác có quan hệ với giới lãnh
đạo Trung Quốc nói rằng quan điểm chung hiện nay trong quân đội nước này khá là
“diều hâu”.
Trong khi đó, khi được hỏi là liệu quân đội Trung Quốc có thúc đẩy
một phản ứng mạnh mẽ hơn, phát ngôn viên Bộ Quốc phòng Trung Quốc chỉ nói rằng
các lực lượng vũ trang sẽ “quyết tâm bảo vệ lãnh thổ và lãnh hải của Trung Quốc
cũng như hòa bình và ổn định, trong khi đương đầu với bất kỳ mối đe dọa hay thách
thức nào”.
Theo Reuters, hiện chưa rõ các bước đi mà những người có tư tưởng
cứng rắn trong quân đội muốn thực hiện.
Nhưng hãng tin này viết rằng mọi sự chú ý đang dồn vào khả năng Trung Quốc có thể lập Vùng Nhận dạng Phòng không ở biển Đông, hay trang bị tên lửa có khả năng bắn trúng các mục tiêu ở Philippines hoặc Việt Nam cho các máy bay ném bom tuần tra biển Đông.
Reuters dẫn lời các chuyên gia nhận xét rằng dù có những động thái trên, chưa thấy quân đội Trung Quốc thực hiện các bước đi cụ thể có thể gây căng thẳng, vì “giới lãnh đạo Trung Quốc hiểu rõ các nguy cơ của một cuộc xung đột”.
Khi được hỏi có bất ngờ trước các tuyên bố của quan chức Trung Quốc, ông Phan Tất Thành, một cựu du học sinh tại Trung Quốc, nói “không” với VOA Việt Ngữ.
Về dư luận ở trong nước sau các tuyên bố mạnh mẽ của Trung Quốc, ông Thành nói thêm:
“Dân đòi hỏi chính phủ phải quyết liệt hơn, phải kiện [Trung Quốc], phải đủ thứ, nhưng mà chính phủ Việt Nam vẫn có một đối sách mềm dẻo, giữ tình thân thiết đồng chí, 16 chữ [vàng] và 4 [tốt], mặc dù liên tục bị o ép. Thật ra mà nói, các ông lãnh đạo bây giờ cũng rất là khó, chứ không phải không. Bây giờ mà xảy ra chiến tranh thì cũng tan nát hết. Giữ hòa bình, giữ như thế nào, cũng là vấn đề rất khó mà dân chúng cứ sôi sục”.
Trong khi đó, tờ Giáo dục Việt Nam cũng dẫn lại bài viết của Reuters, đặt tựa đề: “Ông Tập Cận Bình đang bị các tướng 'ép' chống phán quyết trọng tài Biển Đông?”
Tờ này viết rằng “đã đến lúc Chủ tịch Tập Cận Bình cần xem lại công tác tham mưu, đội ngũ tham mưu của mình về chính sách đối ngoại, cụ thể là biển Đông”.
Báo thuộc Hiệp hội các trường đại học và cao đẳng Việt Nam từng đăng các bài viết được cho là “chống” Bắc Kinh mạnh mẽ thời gian qua.
Tờ này từng cho rằng tờ “Tầm nhìn” của Trung Quốc “xấc xược” khi nhận định rằng “chỉ cần 3 ngày là biến Việt Nam thành tỉnh của Trung Quốc".
Trong một diễn biến khác liên quan, tờ Nhân dân Nhật báo dẫn lời Bộ trưởng Quốc phòng Thường Vạn Toàn nói hôm 31/7 rằng Trung Quốc “đủ bản lĩnh và khả năng xử lý một loạt các khiêu khích và đe dọa về an ninh”.
Phát biểu tại buổi lễ đánh dấu 89 năm ngày thành lập Quân đội Giải phóng Nhân dân Trung Hoa, ông Thường nói rằng lực lượng này “kiên định bảo vệ chủ quyền quốc gia, an ninh và các quyền lợi phát triển, bao gồm sự toàn vẹn lãnh thổ cũng như chủ quyền lãnh hải”.
Dù quan chức quốc phòng cấp cao này không đề cập trực tiếp tới phán quyết của Tòa Trọng tài Quốc tế, nhưng nói rằng căng thẳng leo thang trong năm 2016 vì các cuộc tuần tra của Mỹ [ở biển Đông] và vụ kiện Trung Quốc của Philippines.