Trang

Thứ Ba, 19 tháng 4, 2016

1207. Đảng Ta...u thích vào bẫy đã sao...

Thỏa thuận Lan Thương Mekong là một cái bẫy!

16-04-19. RFA.
Trong hai ngày 22 và 23 tháng tư tới đây, một cuộc hội thảo quốc tế về sử dụng bền vững nguồn nước sông Mekong được tổ chức tại thành phố Cần Thơ.




Thủ tướng Trung Quốc Lý Khắc Cường (thứ tư từ trái qua) chủ trì hội nghị sáu nước khu vực sông Mekong tại thành phố Tam Á, Trung Quốc hôm 23/3/2016.
Description: http://www.rfa.org/rfa_resources/graphics/icon-zoom.png AFP photo
Ngày 23 tháng ba vừa qua, sáu nước khu vực sông Mekong đã nhóm họp tại thành phố Tam Á, Trung Quốc, và đưa ra một thỏa thuận về việc hợp tác với nhau trên cơ sở đồng thuận.
Kỹ sư Phạm Phan Long, một trong những người sáng lập tổ chức Viet Ecology Foundation, chuyên theo dõi vấn đề môi trường cho Việt Nam, hiện sống tại California dành cho Kính Hòa buổi phỏng vấn liên quan đến các vấn đề này. Trước hết ông cho biết tình hình hiện nay về sử dụng nước trong lưu vực sông Mekong:
Mâu thuẫn quyền lợi giữa các nước chung trong lưu vực là việc có trên mọi dòng sông quốc tế nhưng căng thẳng nhất hiện nay là ở châu Á từ những con sông phát nguồn từ Tây Tạng và Trung Quốc. Mâu thuẫn là do tranh chấp nhau vì nhu cầu an ninh nước, an ninh lương thực, nước cho phát triển thủy điện, thủy nông, thủy lâm và để bảo vệ hệ sinh thái  như VN cần để chống mặn và rửa phèn.
Riêng vấn đề nóng bỏng đại hạn hán năm nay chính là do khí hậu ít mưa, do hiện tượng El Nino như TS Nguyễn Đức Hiệp, TS Lê Anh Tuấn, TS Tô Văn Trường, ThS Nguyễn Hữu Thiện, tôi và nhiều người cùng nhận xét như thế.
Theo tôi thì hạn hán năm nay nặng nề hơn là do con người. Chúng tôi quan sát thấy mực nước Mekong bỗng hạ thấp hẳn hơn nhiều tại hạ lưu vực Tonle Sap và châu thổ Mekong. Kỹ sư Nguyễn Minh Quang đã phân tích lưu lượng thất thoát giữa các trạm quan trắc và kết luận hệ thống thủy nông miệt trên đã trích nước ra dùng và không cho chảy xuống hạ du như thế đây là một nguyên nhân con người.
Tôi quan sát mực nước tại Chiang Saen là trạm quan trắc đầu tiên trên Mekong từ Lancang chảy về, rõ ràng Trung Quốc đã giảm lưu lượng này đi rất đáng kể suốt hơn hai tháng đầu mùa khô. Mực nước ở đây xuống dưới mức thấp kỷ lục 90 năm, Trung Quốc đã tiếp tục hãm nước trên các hồ Vân Nam sang cả vào mùa khô khiến hạn hán hạ lưu càng thêm khắc nghiệt và lâu dài. Ngay sau khi Thủ Tướng  Việt Nam gởi công hàm yêu cầu trợ giúp, Trung Quốc có tăng lưu lượng này lên nhưng miễn cưỡng thôi vì vẫn họ cho chảy xuống ít hơn năm ngoái cùng thời điểm cho tới hôm nay.
Mâu thuẫn quyền lợi giữa các nước chung trong lưu vực là việc có trên mọi dòng sông quốc tế nhưng căng thẳng nhất hiện nay là ở châu Á từ những con sông phát nguồn từ Tây Tạng và Trung Quốc.
- Kỹ sư Phạm Phan Long
Thêm một nguyên nhân lớn là các hồ chứa thủy điện Lancang-Mekong hàng năm dù hạn hán hay không vẫn cất giữ nước vào mũa lũ và cả mùa khô: Trung Quốc 30 tỉ,  Lào 13 tỉ,  Thái Lan 4 tỉ  và Việt Nam 1 tỉ mét khối. Việc này khiến vào mùa lũ họ chỉ cho số nước còn dư chảy về hạ du, và Tonle Sap không còn lũ đủ chảy ngược  để tràn ngập Biển Hồ đạt dung tích lên 80 tỉ mét khối nữa. Vì thế, sang mùa khô Biển Hồ không có nước dư để mà trả về cho Mekong và xuống ĐBSCL ra biển.
Tôi cho rằng hợp tác Lancang-Mekong sẽ chỉ tốt nếu các nước thật sự hợp tác hữu nghị  và cùng chia sẻ nước từ các hồ thủy điện để phục hồi lại nhịp lũ (flood pulse) hàng năm cho Biển Hồ và ĐBSCL. Các trí thức thân hữu trong và ngòai nước cùng với chúng tôi gần như đồng thuận nhau cho là chỉ cần chia sẻ 8 tỉ meet khối hay 10% dung tích từ BH để cho chảy về Việt Nam mùa khô, công thêm nước từ Mekong vốn có dù ít thì ĐBSCL vẫn sẽ chống được mặn cho đến năm sau.
Tuy phải có nghiên cứu khoa học cẩn thận về thủy lợi tiến trình điều hành, sử dụng nước, và thương thuyết để có thỏa hiệp chung, chúng tôi tin rằng đây là lộ trình khả thi, bền vững và nhanh nhất để đối phó với thiên nhiên bằng hợp tác của con ngừơi.
Cần sự hợp tác giữa các nước trong vùng
Kính Hòa: Người ta chỉ thấy sự hiện diện của một người Trung Quốc là ông Lý Chí Phi thuộc viện khoa học xã hội Trung Quốc, ông nghĩ rằng có phải Trung Quốc xem nhẹ vấn đề này? Mặc dù mới đây họ đã vận động thành lập được Ủy ban hợp tác Mekong Lan Thương (LMC)?
Bên phải là mực nước đập Cảnh Hồng, Trung Quốc đo được ngày 20 tháng ba năm 2016. AFP photo
Kỹ sư Phạm Phan Long: Tôi hoan nghênh sự hiện diện của TQ tại khóa hội thảo này ở cấp nào cũng tốt để có cơ hội trao đổi và chia sẻ mối quan tâm với nhau thay vì Trung Quốc vẫn đứng ngoài. Nhưng trao đổi để biết rõ dụng ý của Trung Quốc chứ không thể  tin Trung Quốc vì đây là trách nhiệm về sự sống còn của hàng chục triệu dân cư Cam Bốt và Việt Nam.
Tôi và các thân hữu đã phân tích bản Tuyên Ngôn Tam Á của  tổ chức LMC và không tin rằng sẽ có hợp tác tốt vì Tuyên Ngôn Tam Á chỉ dựa vào nguyên tắc tự nguyện, không phải là một Hiệp ước quốc tế, ràng buộc nhau với trách nhiệm bổn phận quyền lợi và biện pháp giải quyết tranh chấp.
Kính Hòa: Ông nghĩ rằng tại sao Trung Quốc đưa ngân hàng phát triển cơ sở hạ tầng châu Á của họ vào Ủy ban hợp tác Lan Thương Mekong?
Kỹ sư Phạm Phan Long: Tôi cho rằng Trung Quốc lập ra tổ chức Lancang-Mekong để như kéo một mẻ lưới có cả 5 khách hàng vào làm thành viên cho ngân hàng AIIB của TQ quản lý. AIIB sẽ quyết định thành viên có thể làm gì để được họ  chấp thuận hỗ trợ. Điều này không che đậy mà đã ghi rõ trong Điểm 14 của Tuyên Ngôn Tam Á về vai trò của các nước khách hàng của AIIB như  sau:
Điểm 14: Asian Infrastructure Investment Bank (AIIB) (Ngân hàng Đầu tư Hạ tầng Á châu)
Hỗ trợ hoạt động hiệu quả  của AIIB với tư cách thành viên của AIIB và xin AIIB hỗ trợ đối phó tình trạng thiếu hụt ngân sách cho việc phát triển cơ sở hạ tầng. Đây là điều khoản quá cực đoan có tính ép buộc bất lợi cho các nước nhỏ.
Kính Hòa: Ông đánh giá thế nào tác động của các chương trình do các cường quốc khác ngoài Trung Quốc tài trợ như Mỹ, Nhật, Úc?
Kỹ sư Phạm Phan Long: Các định chế như World Bank, Asian Development Bank, Greater Mekong Sub-region, Japan International Cooperation Agency, UNDP, hay European Bank for Reconstruction and Develpment đều tgài trợ trong các điều kiện căn bản phải tuân theo như có nghiên cứu tác động chiến lược môi trường, tham vấn với xã hội dân sự, trong sáng (transparency), chống tham nhũng (anti corrupt), chịu trách nhiệm (accountability) và cạnh tranh (đấu thầu). Đó là những biện pháp đúng đắn tránh trước sai trái rủi ro, thuận lòng dân, và môi sinh bền vững. Vì không có những đòi hỏi trên hay có chỉ tự nguyện làm có lệ không có kiểm tra độc lập, nên tôi không thể nào tin tưởng các dự án LMC sẽ bền vững và phục vụ một cách công bằng và hợp lý các dân tộc lưu vực đươc.
Kính Hòa: Một lời đề nghị có thể gửi đến chính phủ cũng như các tổ chức dân sự Việt Nam?
Kỹ Sư Phạm Phan Long: Việc Việt Nam thông qua Công ước LHQ 1997 vào năm 2014 đã khiến nó có đủ số 35 chữ ký (để có hiệu lực) là một buớc đi chiến lược đúng đắn của Việt Nam rất đáng trân trọng.
Chính phủ Việt Nam lẽ ra nên công bố chi tiết bản dự thảo Tuyên Ngôn Tam Á, tham vấn với trí thức, xã hội dân sự để tìm hiểu thiệt hơn mà chuẩn bị một chiến lược cho Việt Nam trước khi tham dự vào các hội nghị như Lancang-Mekong tiên liệu để ứng phó bảo vệ quyền lợi sống còn cho dân tộc mình. Theo tôi tuy trễ thì nay nên chậm lại, hoãn ký kết vào dự án nào mới, để thương lượng một Hiệp Ước Quốc tế Lancang-Mekong Treaty, đúng theo Công ước về Hiệp Ước Quốc Tế của Liên Hiệp Quốc để các nước nhỏ được luật quốc tế bảo vệ.
Chúng ta hãy trả lời và đối phó với thiên nhiên bằng sự hợp tác giữa các dân tộc để chung sống cưu mang nhau điều mà thiên nhiên không thể lấy đi của chúng ta được. 
- Kỹ Sư Phạm Phan Long
Công ước 1997 là kết quả chắt lọc từ 400 hiệp ước quốc tế (kể cả Công ước Helsinki 1996) và đã hoàn chỉnh sau 30 năm khảo cứu rất công phu. Công ước 1997 bảo vệ quyền sống cho các nước hạ du không dựa vào “nguyên tắc tự nguyện” mà dựa vào nguyên tắc “không gây tác động xấu nghiêm trọng cho nước khác” và “sử dụng nước hợp lý và công bằng”. Chỉ sau khi có một Hiệp ước quốc tế như thế, tổ chức LMC mới có cơ sở để duyệt xét và thẩm định các dự án cơ sở hạ tầng trước khi các nước Mekong tham gia ký kết.
Các  tổ chức xã hội dân sự nên theo dõi sát hoạt động của chính phủ, hợp tác nghiên cứu kỹ các điều khoản của các thỏa hiệp đang thương thuyết, vận động cho tiếng nói dân chúng đối thọai với chính quyền. Tôi cho đó mới là dân chủ và nhất là xã hội dân sự mới có thế ủng hộ quan điểm chung với chính quyền thêm sức mạnh khi tranh chấp cứng rắn với lân bang.
BS Ngô Thế Vinh có nói là Việt Nam cần đầu tư chính trị, kinh tế và cả văn hóa để hóa giải các mối oan sai trong quá khứ, xây dựng một liên minh chiến lược với Cam Bốt và Miến Điện vì ba nước kia Trung Quốc-Thái Lan và Lào họ đã âm thầm liên minh với nhau từ lâu qua các dự  án từ Vân Nam xuống tận hạ Lào.
TS Đinh Xuân Quân, đã đề cập gần đây trên RFA về sáng kiến của Viet Ecology Foundation là chúng tôi ủng hộ kế họach bảo vệ Tonle Sap, vãn hồi nhịp lũ và sinh thái cho Biển Hồ của Cam Bốt. Vào mùa khô, họ sẽ dư nước chia sẻ cho ĐBSCL chúng ta bảo vệ an ninh nước và lương thực cho dân ĐBSCL, để chống mặn, rửa phèn và canh tác.
Hãy cùng các dân tộc khác tìm cách trả lời thiên nhiên rằng các dân tộc Lancang-Mekong đã trải qua nhiều xung đột trong lịch sử đầy đáng tiếc, nay tuy có hòa bình, thiên nhiên không còn ưu đãi chúng ta mà lại bắt chúng ta phải gánh chịu thảm họa của biến đổi khí hậu cả chục lần nặng hơn các dân tộc giàu có may mắn khác. Chúng ta hãy trả lời và đối phó với thiên nhiên bằng sự hợp tác giữa các dân tộc để chung sống cưu mang nhau điều mà thiên nhiên không thể lấy đi của chúng ta được.