7745. Việt Nam: Trong một tuần có tới 7 người bị kết án
Posted
by adminbasam on 05/04/2016
HRW. 4-4-2016
Các Nhà hoạt động và các blogger
bị xử mức án tù giam nặng nề
(Bangkok, ngày 4 tháng Tư năm
2016) – Hôm nay Tổ chức Theo dõi Nhân quyền phát biểu rằng chính quyền Việt Nam
nên phóng thích ngay lập tức các nhà hoạt động và blogger nổi tiếng đang bị tù
giam chỉ vì đã thực thi các quyền của mình. Trong tuần cuối cùng của tháng Ba,
Việt Nam đã xử và kết án tù giam bảy nhà hoạt động và blogger.
“Trong tuần qua, Việt Nam như đang
lên cơn khi kết án một lúc bảy nhà hoạt động vì các phát ngôn đáng lẽ là một
phần bình thường trong đời sống chính trị ở hầu hết các quốc gia,” ông Phil
Robertson, Phó Giám đốc Ban Á Châu của Tổ chức Theo dõi Nhân quyền nói. “Chính
quyền Việt Nam đang đưa ra thông điệp rõ ràng rằng ‘tuần trăng mật nhân quyền’
trong quá trình đàm phán Hiệp ước Thương mại TPP đã chấm dứt, tạo nên một thách
thức to lớn với Tổng thống Obama và Hoa Kỳ.”
Vào ngày 23 tháng Ba năm 2016, Tòa
án Nhân dân Thành phố Hà Nội kết án ông Nguyễn Hữu Vinh, một blogger, mức án năm năm tù và
người cộng sự của ông, Nguyễn Thị Minh Thúy, phải chịu mức án 3 năm vì đã điều
hành một trang web có
cung cấp đường liên kết tới các bài viết về những vấn đề xã hội, chính trị,
kinh tế, môi trường và văn hóa ở Việt Nam. Hai người bị truy tố về “tội lợi
dụng các quyền tự do dân chủ xâm phạm lợi ích nhà nước” theo điều 258 bộ luật
hình sự. Phạm Đoan Trang, đồng tác giả của một trong những bài viết được nêu
trong bản cáo trạng, cố tìm cách dự phiên tòa với tư cách một nhân chứng hữu
quan. Nhưng công an đã câu lưu cô vào buổi sáng khi diễn ra phiên xử, và chỉ
thả cô sau khi bản án đã được tuyên.
“Vận hành một trang mạng đem tới
những cách nhìn khác nhau cho độc giả Việt Nam không nên bị coi là một tội hình
sự,” ông Robertson nói. “Đối với rất nhiều người Việt, với bàn tay kiểm soát
gắt gao và hệ thống kiểm duyệt báo chí và truyền thông của Việt Nam, các trang
mạng như thế là nơi duy nhất có thể xem các tin tức và quan điểm độc lập.”
Vào ngày 24 tháng Ba, Tòa án Nhân
dân tỉnh Thanh Hóa đã kết luận ông Đinh Tất Thắng, một nhà vận động chống tham
nhũng năm nay đã 73 tuổi, có tội, cũng theo nội dung điều 258, và xử ông mức án
bảy tháng 11 ngày tù giam. Theo cáo trạng do báo chí nhà nước dẫn lại, ông đã
“liên liên tiếp gửi đơn, thư tố cáo vu khống, lăng mạ, xúc phạm danh dự, nhân
phẩm, uy tín cá nhân một số lãnh đạo Trung ương, lãnh đạo tỉnh Thanh Hóa và tập
thể Huyện ủy, UBND huyện và Công an huyện Thọ Xuân.”
Ngày mồng 5 tháng Tám năm 2015,
Đinh Tất Thắng viết một lá thư gửi Mặt trận Tổ quốc, một cơ quan do đảng kiểm
soát, bao trùm các tổ chức và phong trào quần chúng trung thành với chính quyền
Việt Nam, để tố cáo cơ chế làm giả giấy tờ nhằm nhận khống các khoản trợ cấp
dành cho thương binh. Trong thư có nêu đích danh người anh trai của giám đốc
công an Thanh Hóa mà ông cho là không đủ điều kiện để nhận trợ cấp. Mười một
ngày sau đó ông Đinh Tất Thắng bị bắt. Tuy nhiên, đây không phải là lần đầu ông
bị chính quyền giam giữ vì có các hành vi chống tham nhũng. Năm 2008, ông đã bị
kết án chín tháng tù giam, cũng vì tội tố cáo các quan chức tham nhũng ở địa
phương và cấp quốc gia.
“Việt Nam làm sao chống tham những
có hiệu quả được, khi cho phép các quan chức địa phương bỏ tù những người cố
gắng tố cáo tham nhũng, như trường hợp ông Đinh Tất Thắng.” ông Robertson nói.
“Những người vạch mặt tham nhũng trong chính quyền phải được bảo vệ chứ không
phải bị tống giam.”
Buổi sáng ngày 30 tháng Ba, Tòa án
Nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh kết án một blogger nổi tiếng, Nguyễn Đình Ngọc,
mức án bốn năm tù giam cộng thêm ba năm quản chế không được đi ra ngoài phạm vi
phường đang cư trú.
Buổi chiều, cũng chính tòa án nói
trên đã kết án ba nhà hoạt động vì quyền lợi đất đai: Ngô Thị Minh Ước, 57
tuổi, Nguyễn Thị Bé Hai, 58 tuổi và Nguyễn Thị Trí, 58 tuổi với các mức án lần
lượt là bốn năm, ba năm và ba năm. Họ cũng phải chịu thêm từ hai đến ba năm
quản chế không được tự do đi lại sau khi mãn hạn tù.
Nguyên là nhân viên của Đài Truyền
hình Thành phố Hồ Chí Minh, Nguyễn Đình Ngọc, 50 tuổi, bút danh Nguyễn Ngọc
Già, đã viết về các vấn đề chính trị xã hội liên quan tới dân chủ và nhân quyền
cho trang tiếng Việt của Đài Á châu Tự do, và các trang web độc lập về chính
trị khác như Dân Luận, Dân Làm Báo và Đàn Chim Việt. Ông cũng bày tỏ sự ủng hộ
với các nhà hoạt động và blogger khác đang bị giam giữ vì đã thực thi các quyền
cơ bản của mình, ví dụ như Trần Huỳnh Duy Thức, Lê Quốc Quân, Đinh Nguyên Kha và Bùi Thị Minh Hằng.
Theo cáo trạng được dẫn lại trên
báo chí nhà nước, ngày 25 tháng Mười hai năm 2014, công an nhận được công văn
từ Công ty Cổ phần Bưu chính Viễn thông Sài Gòn báo rằng thuê bao Nguyễn Đình
Ngọc đã sử dụng mạng Internet để “phát tán các bài viết nói xấu Đảng và Nhà
nước Việt Nam.” Hai ngày sau thì ông bị bắt và bị truy tố về tội “tuyên truyền
chống nhà nước” theo điều 88 bộ luật hình sự.
Ngô Thị Minh Ước, Nguyễn Thị Bé
Hai và Nguyễn Thị Trí cũng bị kết án về tội “tuyên truyền chống nhà nước” theo
điều 88. Họ bị cáo buộc đã phất cờ và biểu ngữ mà chính quyền cho rằng “có nội
dung chống phá nhà nước, tuyên truyền thay đổi chính quyền” trong một cuộc biểu
tình bên ngoài lãnh sự quán Hoa Kỳ ở Thành phố Hồ Chí Minh vào ngày mồng 7
tháng Bảy năm 2014. Báo chí nhà nước đưa tin rằng hội đồng xét xử cho rằng hành
vi của ba nhà hoạt động này “rất nghiêm trọng, xâm phạm đến an ninh quốc gia,
xuyên tạc, kích động, gây nghi ngờ, mất lòng tin của nhân dân đối với Đảng, Nhà
nước.” Cả ba người đều là nhà hoạt động vì quyền lợi đất đai ở vùng đồng bằng
sông Cửu Long trong nhiều năm đã đi khiếu kiện về việc bị mất đất đai với các
cấp chính quyền địa phương mà không có kết quả.
“Qua việc xiết chặt thêm vành đai
kiểm soát đối với các nhà hoạt động nói trên cũng như các blogger và các nhà
bình luận xã hội độc lập, Việt Nam đang thách thức phản ứng của Hoa Kỳ và cộng
đồng quốc tế,” ông Robertson nói. “Những hành động đó phải được đáp trả bằng sự
lên án mạnh mẽ để chính quyền Hà Nội thấy rõ rằng nếu muốn nhận được sự tôn
trọng của các đối tác thương mại thì bản thân mình phải tôn trọng nhân quyền.”