Trang

Thứ Bảy, 9 tháng 4, 2016

1181. Tại sao không cầu cho Tòa Thánh an ninh?

Như đã trình bày rằng ngũ nguyện là phần người đạo tự hứa và thực hành. Lời nguyện thứ năm là: Thánh thất an ninh. Đạo Cao Đài chỉ có một Tòa Thánh tại Tỉnh Tây Ninh; có vô số Thánh Thất tại các địa phương. Tòa Thánh là cội nguồn của Đạo còn các Thánh Thất phải dưới quyền Tòa Thánh.
Vậy tại sao không nguyện cho Tòa Thánh an ninh mà lại nguyện cho Thánh Thất an ninh?

1/- Từ sự phân cấp giữa trung ương và địa phương.  
Đức Chí Tôn cho biết nhiệm vụ của Đại Đạo Tam Kỳ Phổ Độ hay Đạo Cao Đài là thất ức niên (bảy trăm ngàn năm). Trong suốt chu kỳ đó bộ máy Hội Thánh Anh được bố trí tại Tòa Thánh Tây Ninh. Nếu có một nơi nào đó lập ra Hội Thánh Anh của Đạo Cao Đài là sai. (1).
Theo Đạo Nghị Định thứ ba (Ngày mồng 3 tháng 10 năm Canh Ngọ) qui định về sự phân cấp giữa trung ương và địa phương rất minh bạch:
Phối Sư phải ở tại Tòa Thánh. (2)
Giáo Sư làm đầu một Tỉnh. (3).
Theo Pháp Chánh Truyền có 36 vị Phối Sư (trong đó có 03 vị Chánh Phối Sư).  Chữ Phối có nghĩa là kết hợp. Chữ Sư có nghĩa là Thầy.
Phối sư có nghĩa là ông Thầy kết hợp, hóa giải được những hiểu biết, tri thức của chính mình nhất quán với nhau. Trong lập ngôn không có cảnh viết câu sau đá câu trước; không có việc viết bài nầy đá bài kia của chính mình. Xét về luật tam thể là bậc điều khiển được hành động “của con vật trong mình” phù hợp với tư tưởng thanh cao của chơn linh. (Chơn linh phối nhứt thân vi thánh hình).
 Trong bình diện đối ngoại thì phối hợp được công việc của mình với tập thể và tập thể với tập thể. Với ba bình diện phối hợp như vậy thì địa bàn nào cũng vận dụng được những điều sẳn có để hoạt động có hiệu quả. Phối Sư là nhân tố từ đơn năng đã tiến đến đa năng; từ điều hành tiến đến điều hợp; từ cục bộ tiến đến toàn bộ. Nếu có trở ngại, va chạm là do chính các nhân sự đó chưa đạt yêu cầu theo Pháp Chánh Truyền qui định. Điều nầy đồng nghĩa với việc 03 Hội lập quyền vạn linh đã tín nhiệm nhân tố chưa đạt yêu cầu (nhầm lẫn).
Chúng ta đã biết mổi vị chức sắc Cửu Trùng Đài khi cầu phong hay cầu thăng phải qua sự chọn lựa của 03 Hội lập quyền vạn lịnh và sau đó đệ trình ra cung đạo cho thiêng liêng định phận.
Với tiêu chuẩn nhân sự như vậy thì Tòa Thánh (Cửu Viện/do phẩm Phối Sư lãnh đạo) lúc nào cũng có những phương án, công thức, kế hoạch hoàn chỉnh đưa ra cho các địa phương thực thi. Sự chỉ đạo từ Tòa Thánh phải nhất quán với những giá trị căn bản của Đạo và không trái với bất cứ một giá trị nào trong tôn giáo, không có biệt lệ cho địa phương nầy hay địa phương khác. (4)
Sở hành của các vị Phối sư đã bước vào địa bàn của chơn linh (từ bài kinh Đệ Thất Cửu trở lên). Ta lưu ý rằng Cửu thứ 5 đã đạt yêu cầu:
Đắc văn sách thông thiên định địa.
(Tâm đắc được ý nghĩa của văn bút, kinh điển trong bộ ba: thiên, địa, nhân).
Đệ Lục Cửu: Bạch y quan mở đường rước khách.... hàm nghĩa bước vào phạm trù tổng hợp (màu trắng) không còn phân chia thiên kiến... là đã nắm được vạn pháp... tất cả đều phát xuất từ bộ não con người. Mà bộ não là do tạo hóa ban cho nên tất cả thiện ác, nhân nghĩa và bất nhân bất nghĩa đều nằm trong lẽ đạo (vạn pháp)... Thể xác và chơn thần còn phân biệt nhưng bước sang chơn linh thì hiểu được vạn pháp nên điều hợp nhau được.
Đệ Thất Cửu:
Cung Chưởng-Pháp xây quyền Tạo-hóa,
Kiến Chuẩn-Đề thạch-xá giải thi.
Động Phổ-Hiền Thần Tiên hội hiệp,
Dở Kim-Cô đưa tiếp linh-quang.
Cửu sáu là đã đến cung Vạn pháp (xem qua), để bổ túc những khiếm khuyết (Cung lập khuyết: biết được những khiếm khuyết và đưa ra giải pháp hay lập trình giải quyết).
Bước sang cửu 7 là đã vận dụng được vạn pháp; đó là chủ động vận dụng các pháp (chưởng pháp) để chuẩn bị đề cương giáo án làm bài thi cho từng vấn đề đồng gặp gỡ, trao đổi, phối hợp với những vị đồng cấp để xem có gì chưa ổn. Có sự phối hợp nhau để cân nhắc mọi vấn đề trong cục bộ (chơn thần)và toàn bộ (chơn linh/linh quang). (Hạo nhiên thiên: xem xét, cân nhắc lại, đo lường lại...tất cả mọi quan điểm theo lẽ tất nhiên của tạo hóa....)
Đệ Bát Cửu:
...Cung Tận-Thức thần-thông biến hóa,
Phổ-Đà-Sơn giải quả Từ-Hàng.
Cỡi Kim-Hẩu đến Tịch-San,
Đẩu-vân nương phép Niết-Bàn đến xem...
Cung tận thức là đã qua quá trình, biết, hiểu và đạt đến mức biết tường tận mọi lẽ hay mọi góc cạnh của vấn đề mà chính mình đối diện (về tình, về lý, về cá nhân và xã ước, về khoa học kỷ thuật...).
Nếu ở Cửu 7 là sự hội hiệp để tìm kiếm giải pháp thì sang Cửu 8 đã bước đến Tịch san: Cảnh cô tịch mình đối thoại với chính mình để giải quyết vấn đề cặn kẻ đúng với phép từ bi của Phật đạo (Niếc bàn/Phép mầu hai chữ từ bi).
Đệ Cửu Cửu:
Vùng thoại-khí bát hồn vận-chuyển,
Tạo-Hóa-Thiên sanh biến vô cùng.
Hội Bàn-Đào Diêu-Trì-Cung,
Phục sinh đào hạnh rượu hồng thưởng ban.
Vùng thoại khí là bầu khí đối thoại, hội thoại, thảo luận trao đổi giữa người và người hay cá nhân với đoàn thể và đoàn thể với đoàn thể để hóa giải những điều sai biệt và phát triễn những điều đạt được... Muốn sự đối thoại được hiểu quả phải hiểu và vận dụng qui luật vận chuyển của bát hồn... Từ đó mới có giáo án, sử chương đào tạo LINH ĐÀI (Kỳ khai tạo nhứt linh đài...), tạo ra nhân tố xây dựng nền văn minh mới: văn minh Cao Đài giáo hay văn minh nhơn đạo (văn minh lưỡng nghi).
Trong đạo học nó còn một ẩn ý sâu xa là người đối thoại với thiêng liêng để được hướng dẫn, rèn luyện bằng sự cảm nhận qua âm thanh, huyền ảnh hay cơ bút... (Hiệp Thiên Đài của mổi người)
Sở học, sở hành như vậy Đạo Đức Kinh viết: đó là đắc nhất. Đắc nhất thì vạn sự tất nên từ bậc Phối Sư trở lên hành đạo tại Tòa Thánh thì lo cho Tòa Thánh an ninh là thừa. Bởi vì tự thân từng người đã an ninh, khi cộng hưởng lại thì kết quả càng cao.
Lưu ý rằng chữ cộng hưởng trong công thức xây dựng thế giới đại đồng của Cửu Trùng Đài đã hàm ý có tổ chức trong đó. Cộng hưởng không phải là cộng lại (tổng số), không phải 2+3=5. Cộng hưởng là 2+3>5.  Lớn hơn bao nhiêu lần tùy vào sự hiệu quả của bộ máy tổ chức.
Với người thích thể thao thì giá trị cộng hưởng cũng như một đội bóng đá có 11 cầu thủ phải có sự phân công ai công, ai thủ, ai tiếp ứng (lên công về thủ....) để đem đến hiệu quả cao nhất.
Đức Cao Thượng Phẩm, Đức Hộ Pháp thường hay dùng chữ mấy kép, hay tuồng hát... chính là nói lên sự tổ chức để đi đến mục đích chung. Trong tuồng hát phải có thầy tuồng (viết kịch bản); có thầy đờn (nhạc trưởng); kép chánh; kép phụ; kép độc; có đào chánh; đào phụ; đào lẳng; có hề chính, hề phụ... thậm chí phải có người dựng rạp, kéo màn...
Thầy dạy lập nhiều đạo ví như một cái nhà phải có cột, kèo... chính là dạy Đạo phải có tổ chức để cộng hưởng những giá trị đang có thành giá trị cao hơn rất nhiều lần.
Đức Chơn Cực Lão Sư dạy Đạo không phải hội chôn thây.... chính là Ngài dạy phải biết cho tường tận cách Thầy và các Đấng bố trí cho tang lễ trong tổ chức tôn giáo để môn đệ vận dụng và đem đến những giá trị cộng hưởng. Còn như chỉ biết đến đó đọc kinh, làm các nghi lễ và đem chôn cho là xong thì có sự cộng hưởng nào chăng? Có hiểu gì về giá trị của cộng hưởng hay chăng?
Ta biết rằng tang tế sự là nơi người đạo có quyền đến hội hiệp mà không một chế độ nào dám ngăn cản, không một cường quyền nào dám đàn áp. Người đạo đến lo cho bạn đồng sanh trong lúc ly trần đó chính là người hiền. Người hiền hội hiệp lại đó chính là Động Phổ Hiền thần tiên hội hiệp.
Hội hiệp lại thì phải bàn thảo, phân tích xem việc thi hành các nghi lễ có đúng với chơn truyền chăng (là có đúng với các văn bản của Hội Thánh ban hành chăng)?  Nền đạo đang như thế nào? Có bị áp chế gì chăng? Để tìm cách gở bỏ nó, sửa đổi cái tệ hóa ra hay. Công lý có được tôn trọng chăng? Sưu thuế như đang chịu có phù hợp với đồng lương, với thu nhập của chúng ta chăng? Nghĩa là mọi vấn đề về: gia cư, mưu sinh, giáo huấn, kiến thiết và tôn giáo cũng như dân đức, dân trí, dân sinh phải được soi sáng khi hội hiệp nhau mới thấy giá trị cộng hưởng của tang lễ...  Còn như đạo quyền đang bị cường quyền chiếm dụng, cơ đạo chinh nghiêng mà môn đệ Chí Tôn khi có môi trường hội hiệp nhau chỉ biết lặng thinh. Thậm chí tuyên bố Tôi tu hành thuần túy chỉ biết đến đọc kinh rồi về thì đó là những người đã làm cho ý nghĩa cao thượng trong tang tế sự thành hội chôn thây.
Do lẽ công bình Chí Tôn không thể tự Ngài đứng ra chuyển họa vi phước. Cho nên Ngài tạo môi trường và tài nguyên cho môn đệ chuyển họa vi phước hầu tự mình lập vị cho mình. Môn đệ không thực hiện là vì không tìm hiểu, không lắng nghe, không tỉnh thức trước lời dạy của Ngài.
Thầy dạy: ...Các con vì Đạo là việc công-lý mà công lý đánh đổ cường quyền, thì Đạo mới phải Đạo. Các con hiểu à!... Những người không hiểu ý nghĩa của tang tế sự trong đạo có giá trị như thế nào về mặt tôn giáo, về xã hội và vận dụng nó để thực thi tam lập; khi cộng lại là con số âm chứ chưa chắc đã là con số 0.
Tại sao dám nói là con số âm?
Bởi vì nếu không cực kỳ quan trọng thì Thầy chẳng để chữ CÁC CON HIỂU À... Thầy dặn phải hiểu là để chú ý mà thực thi. Môn đệ Thầy không thực thi là con số 0. Nhiều con số 0 cộng lại là con số âm. Bằng cớ là lên vi tính bạn gõ các file theo số 0 và số 00, số 000, số 0000. Nó sẽ sắp file nào có nhiều số 0 lên trước. Số 0 là số trung hòa (không âm, không dương). Sau con số 0 thì đó đích thị là kém số 0 (là âm); càng nhiều con số 0 càng ở về phía trục âm... Cái lý của nhiều con số 0 hiệp lại thành số âm đã ràng ràng ra đó.
Cửu viện của Tòa Thánh còn có sự trợ giúp của Hàn Lâm Viện. Mà Hàn Lâm Viện là nơi của các vị Bảo Quân hành đạo. Các vị Bảo quân thuộc quyền riêng của Thượng Hội (do quyền sử dụng của Giáo Tông và Hộ Pháp). Mổi vị Bảo quân hẳn nhiên sở đắc kiến thức đỉnh cao của bộ môn liên quan thì làm sao có thể sơ thất.
Công thức của Đức Chí Tôn ban xuống: Bảo, Hiến, Khai, Tiếp. Thầy còn dạy rõ: Bảo là giữ gìn, Hiến là dâng, Khai là mở, bày ra, Tiếp là rước. Đó là công thức từ Bát Quái Đài. Lời truyền dạy hay công thức từ Bát Quái Đài là tuyệt đối. Nên phải giử gìn (không được sửa đổi), để dâng hiến cho nhân loại, môn đệ phải khai triển ra để hiểu và giúp nhân loại hiểu giá trị (công thức hay lời dạy đó) và sẽ đón nhận để xây dựng cuộc sống thanh bình, an lạc cho chính họ và quê hương họ đang sống...
Khi chú giải Pháp Chánh Truyền HTĐ Đức Hộ Pháp đã biến công thức trên thành: Tiếp, Khai, Hiến, Bảo (thay đổi thứ tự) để tạo công thức cho Hiệp Thiên Đài. (5).
Vậy 04 công thức trên đây áp dụng cho Cửu Trùng Đài thế nào? Thiễn nghĩ đó là: Tiếp, Khai, Bảo, Hiến.
Tiếp: đón nhận đề tài, Khai: triển khai dưới nhiều góc cạnh, Bảo: bảo vệ thành công trước những phản biện rồi mới đem ra Hiến: dâng để xây dựng con người và xã hội.
Luật pháp (Hiệp Thiên: Tiếp, Khai, Hiến, Bảo) khác với giáo hóa (Cửu Trùng: Tiếp, Khai, Bảo, Hiến) ở khoản Bảo và Hiến đổi vị trí cho nhau.
Tại sao phải đổi như vậy?
Bởi nhiệm vụ của hai Đài khác nhau.
Luật pháp đạo khi đã ban hành (Hiến dâng) thì phải đúng, vô tư nên luôn luôn được giử gìn (Bảo) để làm khuôn mẫu. Luật pháp đạo mà nay thay mai đổi là loạn đạo. Luật sau phủ nhận luật trước là thiếu tầm nhìn. Cho nên Đạo Luật Mậu Dần (1938) qui định chỉ cho phép thêm vào mà không cho bớt ra; đó là đã thể hiện tầm nhìn của thế hệ làm ra luật đó. (6).
Tóm lại: Muốn phá đạo không có gì hay hơn là phá pháp luật đạo. Cho nên luật của đạo đã đưa ra thì tuyệt đối không được sai chạy về nguyên tắc (hệ thống). Còn giáo hóa thì phải có nghị trường biện luận cho mình bạch rồi mới đem ra dâng hiến cho đời, cho đạo.
Còn tiếp:
2/- Nguyên tắc lập pháp hay triết lý Cao Đài.

CHÚ THÍCH.
(1)/- Chính vì điều nầy nên Hội Thánh của chi phái lập ngày 09/05/1997 hiện do ông Nguyễn Thành Tám làm đầu luôn miệng xưng rằng họ kế thừa Hội Thánh Anh. Điều nầy phải hiểu như thế nào?
Xin thưa rằng Hội Thánh Anh của Đạo Cao Đài phải làm việc tại Tòa Thánh Tây Ninh nhưng không phải Hội Thánh nào ở Tòa Thánh Tây Ninh cũng là Hội Thánh Anh của Đạo Cao Đài.
Nếu chấp nhận Hội Thánh nào được thành lập trong Tòa Thánh Tây Ninh cũng đều là Hội Thánh Anh của Đạo Cao Đài là không hiểu qui định về việc thăng thưởng trong Pháp Chánh Truyền: Sự thăng thưởng phải qua cơ bút.
Tóm lại Hội Thánh Anh phải hội đủ điều kiện:
./- Nhân sự được thăng thưởng theo đúng với qui định trong Pháp Chánh Truyền. Nghĩa là thăng thưởng bằng cơ bút tại cung đạo chớ không phải bằng cách bắt banh nơi cung Đạo.
./- Trụ sở làm việc của Hội Thánh Anh ở trong Nội Ô Tòa Thánh Tây Ninh.
Chú thích trong chú thích (1).
Một cái sai điển hình nữa là một số Chánh Trị Sự (Nam Nữ) như ông Hứa Phi, ông Nguyễn Kim Lân, bà Nguyễn Bạch Phụng hiệp lại xưng danh Giáo Hội Cao Đài Chơn Truyền. Lại càng cho thấy sự tùy tiện của số người nầy.
Vậy mà một số chức sắc Hiệp Thiên (như Sĩ Tải Phùng Văn Phan), Cửu Trùng (Lễ Sanh Thái Hai Thanh), Phước Thiện (Giáo Thiện Nguyễn Văn Hiệp) gặp họ nhiều lần (ra tận tư gia ông Phi) mà không thấy có một văn bản nào điều chỉnh họ hay giải thích sự hợp với luật đạo ở khoản nào? Trong khi các thỉnh giáo của người đạo về việc xưng danh Hội Thánh như vậy đúng hay sai thì các chức sắc kể trên làm thinh.
Đặc biệt là Hiền huynh Sĩ Tải Phùng Văn Phan luôn luôn kêu gọi đoàn kết với đám người phản loạn chơn truyền nầy. Hiền huynh Sĩ Tải kêu gọi đoàn kết với đám người phản loạn chơn truyền phải chăng hiền huynh Sĩ Tải nhìn nhận họ là Hội Thánh Anh? Mấy người phản loạn chơn truyền nầy dây mơ rễ má gì hay nắm được cái gì đủ mạnh để hiền huynh không dám lên tiếng về lẽ đúng sai theo luật pháp đạo?
Thêm vào đó là Liên Hiệp Bàn Trị Sự hãi ngoại cũng cộng tác với Hội Thánh chơn truyền của Ông Phi, ông Lân, Bà Phụng vậy thì họ đã hiểu luật đạo như thế nào??? Hiểu Pháp Chánh Truyền như thế nào?
Hay đó chỉ là số người trong nước và hãi ngoại dùng chiêu trò mượn danh chơn truyền để làm cho nền đạo thêm phần rối ren...
Mà làm cho nền đạo rối ren trong buổi không có Hội Thánh là đang tiếp tay cho kẻ diệt đạo; tiếp tay cho Bản án Cao Đài.
(2)/- Theo qui định trên đây thì các vị Chánh Phối Sư Thượng Tương Thanh, Ngọc Trang Thanh không ở Tòa Thánh hành đạo (mà về Bến Tre) là đã phạm vào đạo Nghị Định thứ ba.
Đạo nghị Định do Giáo Tông (Đức Lý) và Hộ Pháp lập thì nó thuộc về pháp. Phạm vào Đạo nghị định thứ ba là phạm pháp pháp chớ đâu đợi đến đạo Nghị Định Thứ Tám (1934) như lời hậu tấn ngụy biện.
(3)/- Một Tỉnh của Đạo bao gồm nhiều Tỉnh của đời. Sau Hội Thánh đổi lại là Trấn trong hệ thống hành chánh 05 cấp: Trung ương, Trấn, Châu, Tộc và Hương. Tương tự như vậy các qui định: Giáo Hữu làm đầu một họ. Lễ Sanh làm đầu một quận. Chánh Trị Sự làm đầu một làng. Phó Trị Sự làm đầu một xóm cùng Thông Sự.
Cũng điều chỉnh cho phù hợp với đà tiến của xã hội.
Nhân đây cũng xin nêu vấn đề là khi ban hành Đạo nghị định thứ ba thì chưa có Thị Trấn, chưa có Phường như hành chánh xã hội hiện nay.
Vậy khi cơ đạo phục hồi thì Thị Trấn (nằm trong Huyện) hay Phường (nằm trong Quận) sẽ giải quyết như thế nào trong hệ thống hành chánh tôn giáo 05 cấp?

(4)/- Trong lời minh thệ có buộc người môn đệ Cao Đài phải gìn luật lệ Cao Đài. Luật thì chúng ta đã biết rằng có văn bản rõ ràng. Còn lệ của Cao Đài không có nghĩa là lệ của địa phương. Lệ của Cao Đài phải phát xuất từ Hội Thánh Anh.
Nhiều người tự ý vận dụng cái lệ của địa phương (do mình tự ý nghĩ ra) và hiểu nó như cái lệ của Đạo Cao Đài là rất sai. Thử hình dung nếu cái lệ của địa phương nầy trái với cái lệ của địa phương kia, rồi hai bên đều nói mình làm theo lệ thì nền đạo sẽ loạn lạc như thế nào???
Trong các thông tin chúng ta nhận được có phân ra: biết, hiểu và biết tường tận. Biết thì rất mau mất giá trị: thí dụ như biết kết quả trận đá bóng giữa đội A và B. Biết rồi thôi càng lập lại càng mất ý nghĩa. Hiểu có ý nghĩa hơn biết nhưng biết cho tường tận (cung tận thức) thì khi vận dụng mới khỏi sai lầm.
Thí dụ trong Đạo có trường hợp vị Giáo Hữu hay Lễ Sanh cầm quyền Khâm Trấn thì có nghĩa như thế nào?
Nghĩa là phẩm Giáo Hữu hay Lễ Sanh là chánh vị.
Không lẽ Giáo Hữu B  là quyền Giáo Hữu.... Quyền đây là quyền phần trách nhiệm (Khâm trấn) mà thôi. Hiểu chữ quyền như vậy thì khi phục hồi cơ đạo do thiếu chức sắc nên có vị Đạo Hữu Y, hay Z lãnh trách nhiệm Quyền Khâm  Trấn, Khâm Châu là điều đúng.
Cũng như phẩm Chánh Trị Sự làm Đầu Hương Đạo nhưng do khuyết phẩm Chánh Trị Sự thì vị Phó Trị Sự hay Thông Sự cầm Quyền Đầu Hương Đạo. Chớ không thể đặt ra phẩm Quyền Chánh Trị Sự.
Nếu tự bày ra Quyền Giáo Hữu hay Quyền Chánh Trị Sự (là sai với Pháp Chánh Truyền). Đã sai với Pháp Chánh Truyền thì có biện luận thế nào đi nữa cũng không được chấp nhận trong hành chánh tôn giáo.
Pháp Chánh Truyền là luật đạo. Còn việc giao quyền cho các phẩm cấp dưới thi hành trách nhiệm của phẩm cấp trên là lệ đạo (Do nơi Hội Thánh đã áp dụng). Chú ý rằng quyền đây là nói về trách nhiệm mà thôi.
(5)/- Trên mới vừa nói không được sửa đổi thì liền đó có việc Đức Hộ Pháp thay đổi công thức của Bát Quái Đài... như vậy có mâu thuẩn chăng?
Xin thưa rằng không mâu thuẩn. Bởi lẽ Đức Chí Tôn có dự liệu khoản đó nên cho phép 15 phẩm có quyền thay đổi những điều truyền dạy từ Bát Quái Đài. Đó là 15 phẩm ở Hiệp Thiên Đài có dây sắc lịnh: Hộ pháp, Thượng phẩm, Thượng sanh và Thập nhị thời quân. 15 phẩm nầy chỉnh sửa điều chi thì chỉ có Hội Thánh mới có quyền nhìn nhận hay không nhìn nhận (mà không nhìn nhận là phải định tội). (5.a).
Cho nên Hộ pháp mới tạo công thức Tiếp, Khai, Hiến, Bảo cho Hiệp Thiên Đài. Còn Cửu Trùng Đài không ai có dây sắc lịnh nên không có quyền biến cải thành luật mà chỉ có thể nương vào cách làm của Đức Hộ Pháp để hiểu về cách áp dụng mà thôi. Nó không thành luật như ở Hiệp Thiên Đài được.
 (5.a)/ Chú thích trong chú thích.
Quyền năng dây sắc lịnh là tuyệt đối. Pháp chánh truyền dạy rõ duy để cho Hội Thánh quyết định. Khi Hội Thánh đã quyết định chấp nhận; bất cứ cá nhân nào tự quyền tung ra ngôn luận trái với sự việc Hội Thánh đã chấp nhận là phạm vào Pháp Chánh Truyền.
Khi Ngài Bảo Đạo Hồ Tấn Khoa phối hợp với nhị vị Đầu Sư: Thượng Đầu Sư (Thượng Sáng Thanh), Ngọc Đầu Sư (Ngọc Nhượn Thanh) lập ra Đạo Lịnh 01/1979 để cứu vãn nền đạo và bảo toàn môn đệ Đức Chí Tôn. Hội Thánh đã nhìn nhận Đạo Lịnh 01/1979 nên đã ký tên ban hành và thi hành.
Hội Thánh hiểu rằng Đạo lịnh 01/1979 ra đời là do áp lực từ Bản án Cao Đài ngày 20/07/1978 và Quyết nghị ngày 13/12/1978 giải thể toàn bộ hành chánh tôn giáo 05 cấp (không cho tái phép tái lập). Đạo lịnh đã tái lập hành chánh tôn giáo 02 cấp trước mặt cộng sản mà họ phải chịu phép.
Vậy mà một số người thiếu hiểu lại hổn ẩu (không nhìn vào Bản án Cao Đài và quyết nghị ngày 13/12/1978) đã vội vàng lên án Đạo lịnh 01/1979 gây ra cảnh người đạo chống người đạo và người đạo chống Hội Thánh. Họ đã tạo cảnh nồi da xáo thịt trong cửa đạo.  
Chính quyền cộng sản rất thích điều nầy nên lớp thì mời nhiều vị chống Đạo lịnh 01/1979 đến Ban Tôn Giáo nhận quà xuân, lớp thì đem quà xuân đến phát tận nhà. Hởi ơi kẻ đã kết án Thầy mình, Cha mình, Anh mình; kết án hệ tư tưởng của Đạo Cao Đài là phản động, kết án Giáo chủ của Đạo Cao Đài là phản quốc vậy mà lại đi nhận quà xuân của họ thì liêm sĩ có còn không (mà xưng là bảo thủ chơn truyền, xưng là trung với đạo)???
Ngài Hồ Bảo Đạo khi sắp mãn phần nhà cầm quyền cộng sản đến thăm... mới nói:... ông Sáu viết đơn xin phục hồi phẩm Bảo Đạo đi đặng Mặt Trận xét và cho Hội Đồng Quản Lý làm đám theo hàng phẩm. Ngài trả lời rằng Tôi cảm ơn chính quyền đã lo lắng cho Tôi, nhưng Tôi không muốn làm mất thời giờ của chính quyền. Chính quyền định cho Tôi sao cũng được; Tôi không kêu nài gì... Quí ngài nên để thời giờ và tâm trí lo cho hạnh phúc của muôn dân trong xã hội là hơn... Ngài đã không làm theo ý muốn của những người đã lên án Đạo Cao Đài. Vậy mà lắm kẻ đã hổn ẩu với Ngài về việc đã lập ra Đạo Lịnh 01/1979.
Ngày nay có vài chức sắc tiểu cấp của Hiệp Thiên Đài như nhị vị Sĩ Tải Hà Ngọc Voi, Phùng Văn Phan tung ra ngôn luận: Về pháp lý phải cúi đầu trước mạng lịnh Hội Thánh nhưng không chấp nhận nội dung.
Cúi đầu trước mạng lịnh Hội Thánh nhưng không chấp nhận nội dung là một ngôn luận mà chính nhị vị cũng không giải thích được khi bị chất vấn. Nhưng nhị vị không chấp nhận làm rõ (làm cho môn đệ Đức Chí Tôn tiếp tục chia rẽ. Tiếp tục gây ra cảnh nồi da xáo thịt). Hiện nay không có Hội Thánh nên không ai có quyền chi với nhị vị (hay những người xưng danh Hội Thánh chơn truyền lên án nhìn nhận Đạo Lịnh 01/1979 do Hội Thánh ban hành là bàn môn tả đạo là chối chúa... Đạo lịnh 01 một là nhát dao... đang liên kết với nhị vị). Nhưng chúng tôi tin rằng cơ đạo sẽ được phục hồi, khi đó ngôn luận của nhị vị sẽ được trình ra để cho 03 Hội lập quyền vạn linh định đoạt và từ đó rút ra bài học chung về cách lập ngôn nơi cửa đạo.
(6)/- Luật pháp của nhà nước Việt Nam tùy tiện đến nổi Chánh Tòa án tối cao nhận xét: Luật Việt Nam hiện nay muốn xử sao cũng đúng... Đó là vỗ ngực xưng tên rằng họ đang xài luật rừng, luật giang hồ, luật của hối lộ và tham nhũng chớ đâu đã đáng là luật pháp của một quốc gia. Đó là thứ luật để đưa dân tộc vào chổ mất đạo đức, và đi vào địa ngục trần gian mà chỉ có kẻ cuồng tín, kẻ điên mới trâng tráo cho rằng luật pháp như thế là tiến tiến so với thế giới. Não trạng những người làm ra đủ thứ luật rừng đó chỉ có thể vứt bỏ, hủy diệt chớ không thể sửa đổi. Những kẻ cướp chánh quyền thì không thể nào có đủ hiểu biết để xây dựng xã hội nhân văn được.