Chuyến đi để gặp nhân chứng
sống và thân nhân của những người đã chết
Mạch Sống, ngày 4 tháng 4, 2016
Trên
một chục đại diện các cộng đồng tôn giáo độc lập ở Việt Nam đã
tiếp xúc với Đại Sứ Lưu Động đặc trách tự do tôn giáo quốc tế của
Bộ Ngoại Giao Hoa Kỳ, Ông David Saperstein, trước và trong chuyến đi
Việt Nam vừa qua của Ông và phái đoàn.
Trước
khi đến Việt Nam, Đại Sứ Saperstein đã ở Thái Lan hai ngày 24 và 25
tháng 3 để gặp những nạn nhân của sự đàn áp tôn giáo hiện đang phải
xin tị nạn.
Qua
sự phối hợp của văn phòng BPSOS ở Thái Lan, phái đoàn của Đại Sứ
Saperstein đã dành trọn một ngày để gặp các vị sư Khmer Krom, một
Mục Sư và một tín đồ Tin Lành Tây Nguyên, và một số người Hmong theo
đạo Tin Lành. Ông cũng đã gặp hai tín đồ Cao Đài đến từ Việt Nam.
Họ là nhân chứng sống của chính sách đàn áp tôn giáo và niềm tin
đang diễn ra trong đất nước Việt Nam.
Và
Đại Sứ Saperstein cũng đã gặp thân nhân của những người “tử vì đạo”:
Một chấp sự Tin Lành người Hmong bị tra tấn đến chết năm 2013 vì
cương quyết không bỏ đạo, và người em họ cũng bị tra tấn đến chết
năm 2014. Ông cũng được báo cáo về một Mục Sư Tin Lành Ksor Xiem,
người Tây Nguyên, bị tra tấn dã man vì không chịu bỏ đạo; sau khi được
thả về nhà ông ta đã chết vì thổ huyết vào đầu năm nay.
Phái đoàn Tin Lành Tây Nguyên cùng với Đại Sứ Saperstein
trước khi Ông lên đường đi Việt Nam, Bộ Ngoại Giao Hoa Kỳ ngày
17/03/2016 (ảnh BPSOS)
Các
vị sư Khmer Krom trình bày chính sách của chính quyền Việt Nam nhằm
triệt hạ tôn giáo và văn hoá của cộng đồng Khmer Krom. Những ai phản
đối chính sách này đều bị bắt bớ và tra tấn dã man. Các vị sư thì
bị lột áo cà sa và trục xuất khỏi chùa.
Hai
vị đại diện Khối Nhơn Sanh Đạo Cao Đài không chỉ cập nhật về tình
trạng của tôn giáo mình mà còn lên tiếng và nộp hồ sơ hộ cho cộng
đồng Phật Giáo Hoà Hảo truyền thống. Ngay sau buổi họp, Khối Nhơn
Sanh đã gởi bản báo cáo cho Đại Sứ Saperstein về âm mưu cưỡng chiếm
Thánh Thất An Ninh Tây ở Huyện Đức Hoà, Tỉnh Long An, do chi phái Cao
Đài quốc doanh phối hợp cùng với công an địa phương thực hiện nhưng
thất bại ngày 24 tháng 3.
Nhờ
vậy, Đại Sứ Saperstein đã nắm được nhiều thông tin cập nhật và chính
xác về hiện trạng của các cộng đồng tôn giáo độc lập trước khi lên
đường đến Việt Nam.
Trong
thời gian ở Việt Nam, phái đoàn của Đại Sứ Saperstein tiếp xúc với
các giới chức chính quyền để nêu những quan tâm của chính phủ Hoa
Kỳ. Đặc biệt, Đại Sứ Saperstein yêu cầu thăm vùng Tây Nguyên, nơi gần
đây có nhiều thông tin về sự đàn áp nhắm vào các tín đồ Tin Lành
thuộc sắc dân Tây Nguyên và Hmong.
Để
tìm hiểu về tình hình ở đây, ngày 17 tháng 3 tại Bộ Ngoại Giao, Đại
Sứ Saperstein đã họp với phái đoàn gồm 2 Mục Sư và một tín đồ Tin
Lành Tây Nguyên qua sự phối hợp của BPSOS.
“Mục
Sư Y Hin Nie, đại diện cho Hội Thánh Tin Lành Đấng Christ Tây Nguyên, đã
cập nhật cho phái đoàn của Bộ Ngoại Giao về tình hình ở Tây Nguyên
trước khi họ lên đường,” Ts. Nguyễn Đình Thắng, Tổng Giám Đốc kiêm
Chủ Tịch BPSOS, chia sẻ.
Cùng
đi với Mục Sư Y Hin Nie là một mục sư mới đến từ Việt Nam. Ông là
mục sư quản nhiệm một hội thánh Tin Lành Tây Nguyên được phép hoạt
động nhưng trong thực tế thì tín đồ của Ông liên tục bị chính quyền
ép bỏ đạo. Năm 2013, một chấp sự đã bị tra tấn đến chết. Năm 2014,
người em họ của vị chấp sự cũng bị tra tấn đến chết. Đại gia đình
của 2 nạn nhân này cuối cùng phải chạy sang Thái Lan lánh nạn và
đại diện của họ đã gặp phái đoàn của Đại Sứ Saperstein tại Thái
Lan.
“Do
văn phòng luật sư của chúng tôi ở Thái Lan can thiệp, phần lớn các
người trong đại gia đình của họ đã được Liên Hiệp Quốc công nhận tư
cách tị nạn,” Ts. Thắng giải thích.
Rời
Thái Lan, Đại Sứ Saperstein đã đến Việt Nam ngày 26 và ở tại đây đến
ngày 31 tháng 3.
Theo
báo chí Việt Nam, Thứ Trưởng Công An Tô Lâm, tại buổi tiếp kiến Đại
Sứ Saperstein ở Hà Nội, tuyên bố rằng ở Việt Nam có tự do tôn giáo.
“Tuy
nhiên, lần này phía Hoa Kỳ đã nắm được nhiều thông tin cập nhật và
chính xác trước khi đặt chân đến Việt Nam,” Ts. Thắng cho biết. “Họ
dễ dàng đối chiếu lời phát biểu của chính quyền với thực tế mà
họ nghe và thấy.”
Tại
Tây Nguyên, Đại Sứ Saperstein gặp được Ms. Y Nuen Ayun cùng với 2 tín
đồ của Hội Thánh Tin Lành Đấng Christ mặc dù các người này đã bị
công an chìm ngăn cản và hăm doạ trên đường đến điểm hẹn.
Ngay
sau buổi họp, Ms. Y Nuen Ayun đã nhận được giấy mời lên “làm việc”
tại Sở Công An Tỉnh Gia Lai.
“Ngày
hôm nay, 4 tháng 4, đã phải làm việc ở Sở Công An từ 8 giờ sáng đến
5 giờ chiều,” Ts. Thắng cho biết. “Nội dung tập trung vào việc gặp
phái đoàn của Bộ Ngoại Giao Hoa Kỳ.”
Trước
khi thả Ms. Y Nuen ra về, Công An Tỉnh yêu cầu Ông phải trình diện Công
An Huyện sáng ngày 5 tháng 4 để tiếp tục làm việc, và hăm doạ sẽ
cho xe đến áp tải nếu Ông không tuân lệnh. Lần này họ không cấp giấy
mời.
Bộ
Ngoại Giao Hoa Kỳ đã nhận được thông tin đầy đủ về việc công an đang
sách nhiễu và hăm doạ Ms. Y Nuen chỉ vì đã đến gặp Đại Sứ Saperstein
theo sự sắp xếp của Toà Đại Sứ Hoa Kỳ ở Hà Nội.
“Điểm
đặc biệt là các thông tin này đã được gửi cho Toà Đại Sứ Hoa Kỳ
bởi các thành viên thuộc các cộng đồng tôn giáo khác,” Ts. Thắng
giải thích. “Họ cùng tham dự trong Bàn Tròn Đa Tôn Giáo với Hội
Thánh Tin Lành Đấng Christ.”
Theo
Ts. Thắng, Bàn Tròn Đa Tôn Giáo là một công thức liên kết hiệu quả
để vượt qua các biện pháp bưng bít và ngăn cản của chính quyền:
“Trong
chuyến đi Việt Nam này, Đại Sứ Saperstein đã lắng nghe tiếng nói của
các thành viên Bàn Tròn Đa Tôn Giáo Việt Nam đến từ nhiều hướng –
tại Hoa Kỳ trước khi lên đường, tại Thái Lan trước khi vào Việt Nam,
và ngay tại Việt Nam.”
“Và
Đại Sứ Saperstein vẫn tiếp tục được cập nhật về diễn tiến ở Việt
Nam sau chuyến đi,” Ts. Thắng nói.
Hiện
nay, văn phòng của Đại Sứ Saperstein đang soạn bản phúc trình cho Quốc
Hội về tình hình tự do tôn giáo ở Việt Nam.
Phái đoàn Tin Lành Tây Nguyên tại Uỷ Hội Hoa Kỳ về Tự Do
Tôn Giáo Quốc Tế, ngày 17/03/2016 (ảnh BPSOS)
Bài liên quan:
Thái
độ của Việt Nam về tự do tôn giáo: Đáng Thất Vọng
Uỷ
Hội HK: Chính phủ Việt Nam hãy ngừng can thiệp nội bộ các tôn giáo
Bàn
tròn đa tôn giáo: một mô hình hữu hiệu