Tại sao Pháp cấm khách
mua dâm, chứ không phạt gái bán dâm?
(PLO)- Mua dâm không khác
gì cưỡng hiếp, có chăng là một loại cưỡng hiếp có đóng phí. Khách mua dâm là
nguyên nhân tạo ra và là yếu tố chính trong thị trường mãi dâm.
Ngày 6-4, Pháp thông qua luật cấm khách mua dâm, ai vi phạm sẽ bị
phạt 3.750 euro (hơn 94 triệu đồng).
Ngoài khoản phạt, người vi phạm phải tham gia một khóa tìm hiểu về
điều kiện sống thực tế của gái điếm. Cùng với luật, chính phủ Pháp cũng sẽ có
biện pháp tìm việc làm cho gái bán dâm.
Như vậy Pháp trở thành nước châu Âu thứ năm cấm hành vi mua dâm,
cùng với Thuỵ Điển, Na Uy, Iceland, và Anh.
Báo HuffPost France (Pháp)
ngày 7-4 đăng bài viết của hai đồng tác giả, bà Yael Mellul - Chủ tịch Hiệp hội
Phái nữ và Tự do và nhà khoa học chính trị, nhà tư tưởng Lise Bouvet về chủ đề
tại sao Pháp nhắm vào khách mua dâm để triệt tiêu nạn mãi dâm, chứ không nhắm
vào gái bán dâm.
Mỗi năm có hàng triệu phụ nữ và các cô gái trẻ bị lôi dắt vào
ngành công nghiệp phục vụ tình dục cho nam giới. Phần lớn phụ nữ - thường là
phụ nữ trẻ, có khi còn chưa thành niên trở thành gái bán dâm vì không có lựa
chọn nào khác.
Một lượng lớn gái bán dâm nằm trong mạng lưới buôn người và hoạt
động mãi dâm dưới áp lực chăn dắt của các tú bà, tú ông. Nghèo đói, bạo lực,
tình trạng bị gạt bên lề xã hội là những gì gái mãi dâm phải chịu.
Một bộ phận lớn gái bán dâm là nạn nhân của các sang chấn tinh
thần và thể chất - hậu quả của việc phải quan hệ tình dục ngoài ý muốn nhiều
lần hằng ngày. Các sang chấn này được kết luận hẳn hoi trong nhiều nghiên cứu.
Người ta thường hay có suy nghĩ rằng mãi dâm là hành động vô hại
vì là quan hệ tình dục có sự đồng thuận, tự nguyện giữa hai người trưởng thành.
Tuy nhiên, sự thực hoàn toàn ngược lại.
Mua dâm là hành vi quan hệ tình dục bằng cách tạo áp lực lên người
khác: áp lực của đồng tiền. Sự hiện diện của đồng tiền là bằng chứng không thể
chối cãi được cho thấy một bên không hề tự nguyện trong quan hệ tình dục này dù
về lý thuyết họ có tự nguyện đi chăng nữa.
“Mãi dâm thực tế rất đơn giản, là quan hệ tình dục giữa hai con
người, giữa một người muốn nó và một người không mong muốn. Vì có một người
không muốn nên đồng tiền xuất hiện để thay thế” - trích đạo luật Pháp vừa thông
qua.
Hay nói cách khác đó là một dạng bạo lực tình dục mà chủ hành vi
bạo lực này đại đa số là nam giới.
Dù luật đề cao và bảo vệ phẩm giá phụ nữ nhưng không phải tất cả gái bán dâm đều hài lòng về nó. Gái bán dâm biểu tình phản đối luật tại Paris (Pháp) ngày 7-4. (Ảnh: EPA)
Chúng ta hãy đọc những gì các khách hàng nam giới nói
trên các diễn đàn mua bán dâm, cách họ đánh giá các món hàng phụ nữ, cách họ
chia sẻ thú vui này với bạn bè và những khách mua dâm khác.
Cái mà khách mua dâm thật sự mua được trong một mối quan hệ bất
đối xứng với gái bán dâm là sự tự nguyện giả vờ của họ. Họ giả vờ tự nguyện làm
hài lòng anh ta khi anh ta chỉ coi họ như một loại hàng hóa.
Một bộ phận gái bán dâm cần tiền để nuôi sống mình và gia đình, dù
phần lớn tiền bán dâm chảy về túi các tú bà, tú ông hoặc đường dây buôn người.
Chính điều này là một cái cớ để khách mua dâm bào chữa cho hành động của mình
rằng tôi giúp cô ta nuôi sống gia đình.
Tuy nhiên, các nghiên cứu thực hiện trên một bộ phận khách mua dâm
cho thấy họ nhận thức rất rõ hành động mua dâm của mình không khác gì cưỡng
hiếp, có chăng là một loại cưỡng hiếp có đóng phí. Luật chống cưỡng hiếp của
Pháp ban hành năm 1981 định nghĩa cưỡng hiếp là một hành động dùng bạo lực, áp
bức, đe dọa để cưỡng ép quan hệ tình dục với người khác trái ý muốn của họ.
Để luật được thông qua, các nghị sĩ Pháp bàn bạc và vận động hàng
năm trời. Cùng với Thụy Điển, Pháp đã nhận ra khách mua dâm là nguyên nhân tạo
ra và là yếu tố chính trong thị trường mãi dâm. Tú ông, tú bà xuất hiện cũng
chỉ để đáp ứng nhu cầu của khách mua dâm. Nếu không có khách mua dâm, sẽ không
có thị trường mãi dâm, do đó sẽ không có tú ông, tú bà hay buôn bán phụ
nữ.
Tú ông, tú bà hay gái bán dâm cũng chỉ đứng thứ hai trong thứ tự
hệ thống mãi dâm, sau khách mua dâm. Nên nhắm vào họ với mong muốn triệt tiêu
nạn mãi dâm thì sẽ không hiệu quả. Khách mua dâm mới là đối tượng chịu trách
nhiệm trực tiếp về sự xuất hiện của tú ông, tú bà và nạn buôn bán phụ nữ.
Ở những nước công nhận mãi dâm là một nghề và các tú ông, tú bà
được coi như là những nhà kinh doanh thì nạn buôn bán phụ nữ diễn ra rất kinh
khủng vì có cầu ắt có cung. Có thể nhìn thấy điều này các nước Đức, Úc, Tây Ban
Nha, Hà Lan. Việc buôn bán phụ nữ này không khác gì chế độ buôn bán nô lệ ngày
xưa.
Luật cho thấy Pháp quyết định không chấp nhận và để yên loại tội
phạm này, đã ra tay dù biết rằng cuộc chiến chống lại nạn mãi dâm sẽ rất dai
dẳng. Có thể bỏ tù tội phạm cưỡng hiếp không thực sự giúp ngăn chặn được nạn
cưỡng hiếp nhưng nó đem lại công lý và sự bồi thường về tinh thần cho nạn nhân.
ĐĂNG KHOA