Ngành giáo dục cải tiến hay cải lùi trong việc đổi tên chứng chỉ hành nghề nhà giáo?
2024.09.27
Dù thời gian qua báo chí nói nhiều về việc nên bỏ quy định ‘Giáo viên đứng lớp phải có chứng chỉ chức danh nghề nghiệp’ vì sợ phát sinh thêm thủ tục “giấy phép con”, nhưng trong Dự thảo Luật Nhà giáo lần ba của Bộ Giáo dục và Đào tạo vẫn giữ lại quy định này, nhưng có sửa tên ‘Chứng chỉ hành nghề đối với nhà giáo’ thành ‘Giấy phép hành nghề đối với nhà giáo’.
Chỉ đổi câu chữ
Trả lời RFA hôm 27/9/2024, thầy giáo Đỗ Việt Khoa - giáo viên trường Trung học Phổ thông Thường Tín - Hà Nội, nhận định:
“Tôi nghĩ đây là cái trò cố tình giữ nguyên quy định bắt buộc giáo viên phải có thêm một giấy phép con. Thành ra họ đổi qua đổi lại từ ‘chứng chỉ hành nghề’ thành ‘giấy phép hành nghề’... hay làm ngược lại thì cũng thế thôi. Cả hai đều chỉ gây phiền toái cho giáo viên và hết sức không cần thiết. Yêu cầu bỏ điều này ra khỏi dự thảo luật.”
Thầy Khoa cho rằng, trường Đại học Sư phạm đã đào tạo nghề nghiệp để dạy học, tức là chuyên môn đứng lớp cho giáo viên... thì tại sao Bộ Giáo dục lại vẽ ra một chứng chỉ nghiệp vụ sư phạm nữa?
“Thật sự là cả nước phản đối, hãy dừng ngay việc này lại, bỏ hết những chứng chỉ không cần thiết trong ngành giáo dục đi. Chưa kể nhiều năm học, thầy cô giáo còn phải đi bồi dưỡng chương trình này nọ kia, mà tôi cho là thật lãng phí lắm.”
Tôi nghĩ đây là cái trò cố tình giữ nguyên quy định bắt buộc giáo viên phải có thêm một giấy phép con.
-Thầy giáo Đỗ Việt Khoa
Giải thích với báo nhà nước về việc chỉ đổi tên ‘Chứng chỉ hành nghề đối với nhà giáo’ thành ‘Giấy phép hành nghề đối với nhà giáo’... đại diện Bộ Giáo dục và Đào tạo hôm 26/9 nói với truyền thông Nhà nước rằng, “Giấy phép hành nghề dạy học” là văn bản xác nhận người đủ điều kiện hành nghề dạy học do cơ quan có thẩm quyền của Việt Nam cấp. Giải thích của Bộ xem ra chưa được nhiều người đồng tình. Như lời của thầy Đỗ Việt Khoa, “Chứng chỉ Hành nghề giáo viên” là một loại chứng chỉ không cần thiết, làm tốn tiền của giáo viên. Bởi lẽ, trường Đại học Sư phạm đã làm việc này rồi.
Qua đó, thầy Khoa hy vọng Chính phủ sẽ thay đổi cách quản lý đối với ngành Giáo dục, quan tâm đến chất lượng và thực tài hơn là những chứng chỉ thay đổi tên gọi nhiều lần như vậy:
“Từ các bộ trưởng trước đây cho đến nhiều cán bộ hiện nay, đều có vấn đề, những vấn đề đó có thể là do chiều cao trong suy nghĩ của họ, trong trí tuệ, trong cái tầm nhìn đều có vấn đề tồn tại hạn hẹp. Ví dụ như vấn đề chứng chỉ nghề này là một cái dở, tốt nhất là không nên có. Đây là những tầm nhìn rất kém của nhiều cán bộ ngành giáo dục hiện nay.”
Máy móc & nhiều hạn chế
Quy định ‘Giáo viên các cấp muốn đứng lớp sẽ phải có chứng chỉ đạt tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp’ có hiệu lực từ ngày 20/3/2021. Cụ thể theo quy định này, tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp để xếp hạng lương viên chức giảng dạy trong các trường phổ thông công lập. Giáo viên có chứng chỉ bồi dưỡng chức danh nghề nghiệp sẽ được bổ nhiệm vào hạng tương ứng và được tăng lương theo quy định.
Từ khi quy định này ra đời, hàng loạt giáo viên phải học chứng chỉ chức danh nghề nghiệp, vì nếu không có chứng chỉ thì sẽ bị tụt hạng, giảm lương... Học phí khi đó tương đương khoảng 2,5 triệu đồng, tùy nơi cấp chứng chỉ và do giáo viên tự chi trả.
Một giáo viên ở Sài Gòn không muốn nêu tên vì lý do an toàn, khi trả lời RFA hôm 27/9, nói về việc này:
“Thi chứng chỉ nghề giáo viên đã có từ thời gian trước, tất cả giáo viên đùng đùng kéo nhau đi học chứng chỉ. Tức là giáo viên có bằng sư phạm, làm việc lâu năm, là giáo viên tiểu học hạng hai, thì phải đi học chứng chỉ nghề đó mới giữ được hạng hai của mình. Còn nếu không đi học, thì sẽ bị xét cho lùi xuống hạng ba, do đó giáo viên nào cũng phải đi học.”
Nhiều chuyên gia cho rằng, quy định về chứng chỉ áp đặt một cách máy móc, khiến giáo viên khổ sở. Những ‘giấy phép con’ như thế có thể sẽ tạo ra những hành vi tiêu cực trong ngành giáo dục, chưa kể còn tạo cơ hội cho hoạt động “cò chứng chỉ” nở rộ.
Việc tổ chức thu chứng chỉ nâng cao tay nghề thì điều đó đáng hoan nghênh. Có điều là cách thức tổ chức thế nào?
-Phó Giáo sư, Tiến sĩ Hoàng Dũng
Trao đổi với RFA liên quan vấn đề này, Phó Giáo sư, Tiến sĩ Hoàng Dũng, một chuyên gia về ngôn ngữ học, từng giảng dạy nhiều năm tại trường Đại học Sư phạm TP.HCM, đưa ra nhận định:
“Về nguyên tắc, bất cứ ngành nghề nào cũng vậy thôi, kiến thức không dừng lại một chỗ, nó luôn luôn cần phải được bổ sung. Cho nên việc tổ chức thu chứng chỉ nâng cao tay nghề thì điều đó đáng hoan nghênh. Có điều là cách thức tổ chức thế nào? Thì hiện nay người ta áp dụng đồng loạt, cái đó không nên làm và không thể làm. Bởi vì làm thì chất lượng không tốt đâu, ngay cả khi giảng viên là giảng viên tốt.”
Việc thứ hai theo Phó Giáo sư, Tiến sĩ Hoàng Dũng đó là, đội ngũ giảng viên có đủ khả năng để nâng cao tay nghề cho giáo viên hiện hữu rất ít. Do đó, việc đào tạo “có chất lượng” cho đội ngũ giáo viên là rất khó:
“Tôi không dám khẳng định đội ngũ ấy có thể đủ sức để mà trong thời gian ngắn có thể làm cho các giáo viên có thể học tập có chất lượng. Và nếu chúng ta cứ tổ chức bằng cách này hay cách khác, để đến năm nào đó tất cả giáo viên đều có chứng chỉ, thì tôi tin chắc nó sẽ theo lối mòn. Tức là có chứng chỉ cho vui, còn chất lượng vẫn như thế. Cái đó là một tật bệnh, mà không chỉ trong ngành giáo dục... Tôi thấy trong tất cả các ngành đều thấp thoáng cái đó cả, có những ngành cái đó rất nặng. Do đó về mặt nguyên tắc tôi đồng ý, nhưng trong cách thực hiện như thế này, tôi không tin là nó có thể đạt đến kết quả mà người quản lý cao nhất của ngành họ mong muốn. Cũng là trong điều kiện làm khổ giáo viên thôi.”