Trang

Chủ Nhật, 8 tháng 9, 2024

5350. Ngài Trần Văn Quế: PHÀM TỰ – BÀI CA TỤNG. (Đại Thừa Chơn Giáo)

 Ngài Trần Văn Quế (1902-1980) là nhà khoa bảng lớn nhưng vẫn chưa hiểu đúng LỜI MINH THỆ. Ngài nhập môn cầu đạo và được thiên phong Lễ Sanh Ngọc Quế Thanh. Sau đó tách qua chi phái... Ngài viết PHÀM TỰ - BÀI CA TỤNG trong quyển Đại Thừa là bằng chứng cho thấy Ngài chưa hiểu ý nghĩa: Biết MỘT Đạo Cao Đài Ngọc Đế ... 

BBT đăng lại bài PHÀM TỰ - BÀI CA TỤNG do nhà xuất bản TÔN GIÁO Hà Nội 2016 phát hành để tiện cho việc phân tích chứ không có nghĩa là đồng ý hay phổ biến kinh sách không do Hội Thánh Cao Đài kiểm duyệt. 

Tại sao nhà xuất bản TÔN GIÁO in lại? 


Ngài Quế viết: CAO ĐÀI TÔN GIÁO thì hay về cơ phổ hóa mà hiện nay làm đại diện là các chi phái bên ĐẠI ĐẠO TAM KỲ PHỔ ĐỘ và phái TIÊN THIÊN.

Theo BBT nhận định đây là cái sai lớn nhất và cũng là nguyên nhân để nhà xuất bản TÔN GIÁO in và phát hành. Nó rất phù hợp với chủ trương viết lại lịch sử Đạo Cao Đài của đảng cộng sản Việt Nam. Cơ Quan Phổ Thông Giáo Lý 171B Cống Quỳnh SG đã làm rất tốt nhiện vụ của đảng cộng sản giao cho.

BBT cũng đăng luôn LỜI CẦU NGUYỆN vì cả hai là của con người viết nên có nhận định chi chi cũng là thường sự. Còn phần cơ bút trong ĐẠI THỪA CHƠN GIÁO thì BBT xét thấy đó là quyền tự do tín ngưỡng, không lạm bàn. BBT chỉ đăng phần con người trong đó. 

Nay kính.

 

PHÀM TỰ    
                BÀI CA TỤNG

Theo kinh điển của các Thánh Nhơn ngày xưa thì chỉ có ngôi Thái Cực là tuyệt đối mà thôi, kỳ dư nhứt nhứt trong càn khôn võ trụ đều do luật tương đối mà ứng hiện. Lớn rộng bao la hơn hết là trời với đất, nhỏ nhít tế vi hơn hết là côn trùng mà còn tránh không khỏi sự phân tách ra nhị thể là âm dương thay, huống chi là người và các giống khác. Vậy luật tương đối là một luật chung của càn khôn võ trụ mà nhứt là cảnh sắc giới này.

CAO ĐÀI ĐẠI ĐẠO TAM KỲ PHỔ ĐỘ đã hiện ra nơi cảnh sắc giới thì tức nhiên phải chịu dưới luật ấy mà phô diễn ra làm hai thể cách hữu hình là CAO ĐÀI ĐẠI ĐẠO và CAO ĐÀI TÔN GIÁO. Hai thể cách này tức là tả chi hữu dực của Đạo Trời để tiếp tục nhau mà đưa quần linh từ cảnh vô minh khổ não của trần tục cho đến cảnh hư vô tịch diệt, để cùng hội hiệp với Đấng Chúa Tể càn khôn.

CAO ĐÀI ĐẠI ĐẠO thì hiện nay có chi CHIẾU MINH làm đại diện, chuyên về khoa bí truyền, hay là khoa siêu phàm nhập Thánh.

CAO ĐÀI TÔN GIÁO thì hay về cơ phổ hóa mà hiện nay làm đại diện là các chi phái bên ĐẠI ĐẠO TAM KỲ PHỔ ĐỘ và phái TIÊN THIÊN.

Đã là tả chi hữu dực của Đạo Trời thì hai cơ thể bí truyền và phổ hóa phải liên hòa tương tiếp, tương trợ lấy nhau mới có thể chống vững Đạo Trời và làm cho cây Đạo đặng rườm rà sung túc thêm lên là vì:

Nếu không cơ bí truyền thì cơ phổ hóa không thể đưa người đến mục đích cuối cùng của chữ tu đặng. Như vậy, lý thuyết lấy đâu làm căn cứ cao siêu hầu phổ hóa năm châu sau nầy?

Trái lại khoa bí truyền không khoa phổ hóa thì lấy đâu tuyển chọn sĩ tử vào trường để cùng tuyên truyền mối Đạo vô vi?

Đường tu chẳng khác cuộc đăng sơn mà lưỡng khoa đã kể đó tức là hai khoản tối trọng của con đường ấy. Từ chơn non đến bán lộ là về khoa phổ hóa, từ bán lộ đến đảnh là về khoa bí truyền.

Đôi khoản phải tương tiếp nhau mới có thủ có vĩ, có thỉ có chung, đường tu mới trọn.

Cứ theo thứ tự niên ngoạt nhựt thời mà xét thì xưa kia khoa bí truyền ra đời trước khoa phổ hóa. Nay khoa phổ hóa đã đi đặng một bước đường khá dài thì khoa bí truyền phải ra mặt mà đưa kẻ thiện duyên đến đảnh. Vì vậy mà ngày nay mới có quyển ĐẠI THỪA CHƠN GIÁO.

Quyển ĐẠI THỪA CHƠN GIÁO ra đời thiết tưởng là một sự đại hạnh, đại phúc cho quần linh vậy. Là vì từ xưa đến nay kinh sách luận về đơn kinh không phải ít, nhưng lời nói rất u ẩn, lý thuyết rất kín đáo. Vì vậy chưa mấy bực đoạt đặng chơn truyền và sự lầm lạc thật vô số định.

Nay nhằm buổi hạ nguơn, thiên địa tuần huờn. Cơ tân dân minh đức sắp khai diễn hầu đưa người quày trở về thời thượng đức, nên Đấng Chí Tôn vì lòng từ bi vô lượng vô biên mới hạ lịnh hội Tam Giáo ban cho người đang cơn dở chết dở sống quyển kinh ĐẠI THỪA CHƠN GIÁO nầy:

1. Để vẹt ngút mây mù ngàn năm hầu cho đời đặng trông thấy Đạo Trời một cách chánh đại quang minh, không còn chi gọi là mờ hồ nữa.

2. Để rung động tâm hồn người thiện căn hầu cấp tảo hồi đầu tầm phương siêu thoát.

3. Phô trương một cách rõ rệt TRIẾT LÝ CAO ĐÀI ĐẠI ĐẠO TAM KỲ PHỔ ĐỘ và chỉ rõ rằng cơ siêu thoát không dành cho một hạng người, một chi, một phái hay một dân tộc nào.

Vậy, quyển kinh ĐẠI THỪA CHƠN GIÁO tuy rằng do nơi Trước Tiết Tàng Thơ chi Chiếu Minh mà sản xuất, nhưng nó vốn là chung cho các chi phái đã công nhận hai chữ CAO ĐÀI và có lẽ là cho cả Tam Giáo Cửu Lưu nữa, vì lý chánh vẫn một.

Trong bửu kinh này có một ít khoản bàn đến Nhơn Đạo. Ấy là lý kín vậy: Ơn Trên khuyên đời nên giữ chữ TRUNG THỨ để đi đến Đạo, vì Đạo thường trụ không ở thuyết tuyệt đối mà ở thuyết TRUNG DUNG.

Đời phải nương Đạo mới là Thuấn nhựt Nghiêu thiên. Trái lại, Đạo phải nương đời mới trọn câu phổ tế.

Vậy mong sao khi đọc bửu kinh ĐẠI THỪA CHƠN GIÁO rồi thì khách thiện duyên mau tầm đường trở lại cựu quê, và các chi, các phái trong Cao Đài Đại Đạo Tam Kỳ Phổ Độ tận tâm nỗ lực hiệp với chi Chiếu Minh để chấn chỉnh Đạo Trời hầu cứu độ vạn linh cho kịp kỳ Đạo mở.

TRẦN VĂN QUẾ
                Đạo hữu Trước Lý Minh Đài
            thành tâm ca tụng.
           Sài Gòn, ngày 19 tháng 11 năm 1936



LỜI CẦU NGUYỆN

Hoàn cầu đang nháng chớp những lằn lôi điển, các dân tộc đang hết lòng áy náy phập phồng với nạn chiến tranh, cái đời thống khổ khốc liệt gớm ghê cứ ngày càng hiện rõ hình trạng ra hoài, thì người đời lại há lẽ nào mà không biết chán?

Thế nên chán đời, sợ đời, tất phải ngày một đại đa số mãi ở trong nhơn loại. Nhưng chán đời, sợ đời lại không phải chỉ trốn phứt cái đời bằng một phát súng, bằng một sợi dây, hay bằng liều thuốc độc, mà tưởng là đã thoát khỏi đời. Vì, thưa chư quý đồng bào, lại còn cái luật luân hồi nữa chi?

Vậy chán đời, sợ đời mà muốn tránh ra cho khỏi là chỉ có một phương độc nhứt vô nhị, một phương chắc chắn rõ ràng như một với một là hai, phương ấy cũng chẳng gì đâu cho lạ, chỉ là một cái chữ TU.

Này, như chúng tôi đây:

Cũng có người nơi hoạn lộ vì chữ danh mà vùng vẫy.

Cũng có kẻ chốn thương trường ham chữ lợi mà say mê.

Lại cũng có phường trong bốn vách dám quên mình mà nghiêng ngửa.

Cũng có bợm giữa bảy tình không giữ tánh mà buông lung, rồi cũng có hạng muốn tuốt gươm vì cuộc thế mà mất còn.

Cũng có trang biết sôi máu với tình đời mà phấn đấu. Nhưng, đến lúc sau này thì chúng tôi ngoài mặt chỉ buông xuôi theo dòng nước, miệng hử ừ qua buổi, mà vâng vâng với thế cho rồi, còn trong lòng lại đau đáu đêm ngày trau tâm sửa tánh, học đạo lo tu.

Chúng tôi điên chăng? Chúng tôi dại chăng?

Không. Chúng tôi chỉ chán đời như vạn trùng thiên hạ chán đời kia thôi. Nhưng rất may cho chúng tôi là chúng tôi gặp được một nền CHƠN GIÁO rất siêu việt hoàn toàn, nên chúng tôi hết sức hoan nghinh hân hạnh, vì chúng tôi mỗi ngày càng thấy rõ ràng hai chữ GIẢI THOÁT nó ở mút con đường tu luyện của chúng tôi rất đỗi sờ sờ chắc chắn, không còn một điểm tí gì ngờ vực nữa hết.

Được món quý bửu vô giá của càn khôn võ trụ ấy rồi, chúng tôi đã hết lòng cảm tạ Ơn Trên, chúng tôi lại muốn kêu to rầm rĩ cả góc trời Nam để cùng hưởng với cả nhơn sanh cho phỉ dạ. Song khổ thay! Đạo chưa tới thời kỳ hoát khai độ chúng, nên chúng tôi lại phải ép lòng giấu kín mà ẩn dật tầm tu bấy chầy.

Bỗng đâu mới vừa năm ngoái rồi đây, khi Thánh Đức Tổ Đình ở Cần Thơ cử hành đại lễ khánh thành, thì Đấng Chí Tôn lại ban cho câu đối như vầy:

CHIẾU sắc ĐẠI THỪA quy bổn tánh
              MINH truyền CHƠN GIÁO phục linh căn.

Thấy ẩn trong đôi liễn có bốn chữ ĐẠI THỪA CHƠN GIÁO, lại có hứa sẽ minh truyền, thì chúng tôi biết mấy trông mong ao ước. Nào dè Thiên tùng nhơn nguyện, hôm vừa cuối xuân, Đấng Chí Tôn lại thình lình sắc lịnh khởi từ ngày Sóc, trong tiết Trọng Thu, năm Bính Tý này, Chí Tôn sẽ bắt đầu ban cho nhơn loại một quyển ĐẠI THỪA CHƠN GIÁO. Ôi thôi! Mừng này có biết lấy chi cân bằng. Chúng tôi liền vội vã lo việc phụng lục, rồi phổ thông, ấn tống tức thì.

Vẫn biết dùng cùng không dùng, nạp hay bất nạp là quyền riêng của mỗi người; song chúng tôi đây chỉ vì gặp được một bức họa đồ trong ấy đã bày vẽ đành rành đường nẻo đi ngay đến cửa giải thoát, thì chúng tôi bao giờ há nỡ độc thiện kỳ thân, đành lòng cắp củm ôm riêng cho mình, nên rất lấy làm hân hạnh mà được phép đem ra cống hiến cho đồng bào cây kim chỉ nam rất chắc thiệt, quý báu vô giá ấy.

Rất mong các bạn đồng nhân sẽ chẳng nệ công phu mà khảo xét chiêm nghiệm cho tận cùng đáo để cái giáo lý trong mấy lời thánh huấn trong bửu quyện đây.

Được vậy, miễn được vậy chúng tôi cũng hết sức hài lòng vui dạ, mà cúi dâng quyển bửu kinh này cho tất cả đồng nhân trong hải nội.

Rất mong thay!

Đệ tử phái Chiếu Minh  
(Trọng Thu Bính Tý 1936)