Trang

Thứ Hai, 2 tháng 9, 2024

5339. Phước Thiện & Hành Chánh: Bao tử & tay chân

 ... Không có Phước Thiện thì Cửu Trùng Đài chết đói. Đó là bằng chứng ỷ nuôi người mà miệt thị người....

Khai mạc Đại Hội Phước Thiện.

Ngày 22-10-Kỷ Mão (dl 2-12-1939) “ Khách Đình Tòa Thánh”.

Đức Hộ Pháp.


 

(Mở đúng 8 giờ ban mai, Đức Hộ Pháp truyền tụng Kinh Nhập Hội. Khi tụng xong, Đức Ngài liền lên khai mạc).

 Bài diễn văn khai mạc của Qua hôm nay có ý dài một chút, cốt yếu để giáo hóa bên Phước Thiện. Vậy mấy em lóng tai nghe và suy nghĩ cho thấu lý cao xa, để dễ bảo trách nhiệm khó khăn của mình.

Qua đã cho mấy em một dây hằng tâm để nương nó mà đi những bước đường Thánh đức cho khỏi sụt sè bợ ngợ, lấy cả triết lý cao siêu của Tạo đoan vi chủ hành tàng thế sự.


Ấy là một bài diễn văn mà mấy em chưa nghe từ thử. Qua chẳng cần phải nói, mấy em cũng vẫn biết rằng : Chí Tôn là Cha của toàn vạn vật, cả cơ tạo đoan chia ra làm hai phẩm giá :

            1. Vô động vật.          

 2. Động vật. 

Vô động vật thì bất tri bất năng, vô tri vô giác; động vật thì hữu tri hữu giác, tức hữu sanh, có sanh có tri giác, có lao động, mới có sống, mà sự sống ấy do Chí Tôn vi chủ. Có động vật thì có sanh quang Chí Tôn. Chí Tôn là cha của sự sống, Người ban cho động vật một gia tài vĩ đại hơn loài vô động vật.

Qua chẳng cần thuyết, mấy em cũng đủ hiểu rằng : Cái tánh đức của động vật vẫn là thiên nhiên, còn tánh đức của vô động vật nó đã triêm nhiễm vào tánh chất của toàn vật loại, nhứt là hạng Hóa nhân nó hóa vô động vật, vì vô động vật là lười biếng, còn lao động là siêng năng.

Hại thay, quyền năng của Chí Tôn lại chia ra hai tánh chất, nên phân ra hai phẩm người : - hạng lao động thì giúp hay Chí Tôn thêm nữa, - hạng vô động thì biếng nhác, duy có thừa hưởng công nghiệp mà an vui gọi là hạnh phúc, nên mới nảy sanh ra trường phấn đấu. Mé lao động coi bên kia như kẻ thù địch, còn bên vô động không chịu làm chi hết mà chỉ kiếm mưu giựt giành cướp bóc, nên mới sanh ra trường hỗn độn tương tranh về sự sống. Cái thuyết quái gở là một món thuộc độc đã làm cho hao mòn tánh đức loài người từ thử.

Vì cớ nên Chí Tôn giải quyết điều ấy.

Lạ chi một đại gia đình có 10 đứa con, chẳng phải giỏi hết, cũng có đứa khôn đứa dại, đứa siêng năng đứa biếng nhác, đứa thì coi sự cực nhọc hơn của mình là cái dại, chẳng cần nghĩ đến sự hèn hạ của mình, nên muốn trên cả mọi người từ miếng ăn, chỗ ngồi, nơi ngủ, mà chẳng hiểu rằng : tài năng mình không biến sanh, phải nương theo người mà sống, vì vậy nên hễ có bù sớt của cải ra đặng nuôi ai thì để lòng khi miệt. Còn người bị khi miệt thì giận dũi, nên mới tìm phương giựt giành cướp bóc mà không hiểu rằng : của cải ấy chẳng phải của mình làm ra, đối với anh em trong gia đình ấy, những kẻ siêng năng thì thù địch những người biếng nhác.

Thử hỏi ông cha thấy đứa con nghèo hèn bất năng ấy, có ghét bỏ chăng ? Nếu ghét bỏ cho chúng nó chết đói thì tình cha con đâu có, đã biết lấy của đứa siêng năng mà nuôi đứa biếng là điều bất công, nhưng ông cha phải nhắm mắt đánh liều để vậy.

Trên mặt thế, cái khuôn khổ gia đình như trào lưu xã hội, kẻ lười biếng thì nhiều, người siêng năng thì ít, bảo sao đời không biến ra trường tranh đấu, của làm thì ít, tiêu dụng lại nhiều.

Chúng ta thời như đám chim trời, còn lộc ăn như vé lúa rơi xuống đất, con nào lẹ miệng ăn nhiều, giỏi thì no, dở thì đói. Nếu con đói ngước mặt lên trời nói sao Cha không cho ăn để đói, là ngu. Của trên mặt đất nầy là của chung, của Đấng Tạo đoan. Ngài biến sanh cả cơ quan nuôi vạn vật, ta có quyền hưởng lấy no là như mình giỏi, đói là tại mình dở. No đói, trọng hèn là do nơi tài sức mình, chớ có than trách ai đặng đâu.

Việc phân phát trong khuôn khổ gia đình cũng có nặng nhẹ, sang hèn, nếu cả thảy đều lựa nhẹ bỏ nặng, chuộng sang phụ hèn, thì gia đình ấy ra sao ?

Từ cổ chí kim, vì cơ sanh hoạt mà biến sanh chẳng biết bao nhiêu trường náo nhiệt, ganh lẫn, ghét nhơ, thù địch tranh giành mà gây nên  trường  thảm  khốc.

Ấy là một điều khó khăn mà từ thử đến chừ, dầu cho các bậc Thánh nhân cũng  không  giải quyết  đặng.

Qua còn nhớ ông Hoằng Sơn (La Fontaine) khi đầu thai qua Thái Tây, Ngài có viết một bài ngụ ngôn nói về cái Bao tử. Đến sau, nơi xứ Hy Lạp (Grèce), có một hạng người vì giận nhà vua nên bỏ lên núi ở độc lập một mình, ở đầu non chót núi chớ chẳng chịu về tùng phục pháp luật của nhà vua, vì bọn họ thì cực khổ nghèo nàn quanh năm cuối tháng, chỉ làm lụng để nuôi dưỡng nhà vua sung sướng, nào là cung phi mỹ nữ, đài các nguy nga, nên họ chẳng dại gì mà quì lụy trong xã hội nước Hy Lạp nữa, dầu ai có giảng giải thế nào cũng chẳng chịu về. Buổi đó có một vị đại thần trong triều đình nước Hy Lạp đem bài ngụ ngôn tựa đề Bao tử,  lên giải nghĩa, họ mới chịu nghe.

Trong bài ấy có ý nghĩa rằng : Tay chơn muốn tẩy chay bao tử, ngụ ý rằng : mình làm cực nhọc, còn bao tử thì chỉ ở không an hưởng. Mảng nghĩ như vậy nên cả tay chơn đều không làm việc nữa để cho bao tử chết đói, nào dè đâu một hai ngày chẳng sao, qua đến năm bảy ngày bao tử không có ăn, cả tay chơn rũ riệt cử động không nổi, rồi chừng ấy mới biết rằng : nếu bao tử không ăn thì mình cũng phải chết, nên buộc lòng phải làm việc trở lại như cũ.

Vị đại thần lấy ý nghĩa của bài ngụ ngôn mà khuyên nhủ, làm cho các vị trên núi hiểu, nên mỗi người vui lòng xuống núi chung lộn với người phàm thế, bỏ tánh chấp nê thuở trước.

Trong cửa Đạo ngày nay cũng vậy, có người tưởng sao mình làm lụng khổ nhọc mà chỉ để nuôi những kẻ ngồi ngó đặng thừa hưởng, thậm chí cho đến đỗi họ tranh đến Chức sắc Thiên phong, từ cái sang, cái áo, cái mão mà họ chẳng tự biết rằng : mình sẽ làm đặng vậy chăng, đó là một triệu chứng đê hèn, triệu chứng một sắc dân tự diệt.

Trong gia đình cũng vậy, có đứa cộng từ con số lời lỗ, có đứa ở ngoài ruộng, có đứa chăn chim, có đứa cầm vòng hái, có đứa ngồi trong bếp, mỗi phận sự đều khác nhau, nếu người trong bếp than nóng, người ngoài đồng than nắng, gặt lúa than xót, thì gia đình ấy sanh rối mà chớ.

Đến đây Qua luận về hai cơ quan: Hành Chánh và Phước Thiện. Chính mắt Qua thấy, tai Qua nghe, hễ mấy em nuôi người thì miệt thị người.

Qua viễn kiến trước điều ấy, nên đã làm hiệu trước buổi mới khai Đạo, Qua đã làm Hộ Pháp rồi, nhưng tám chín năm về trước, Qua nào có biết quyền hành Hộ Pháp là chi, Qua chỉ xen lẫn, chia từ hột muối, gánh vác từ phận sự với mấy em để làm gương cho mấy em noi theo. Qua mở Phạm Môn cốt để giáo hóa, tập tâm đức, nên ngày nay mới có khoa mục đặng thi vào cửa Phước Thiện. Qua đã nuôi nấng giáo hóa mấy em từ kẻ răng chơn tóc, nhưng Qua buồn sao trong trứng nở ra mà không giống hình giống ảnh ?

Năm rồi, nếu không do miệng mấy em thì mấy đứa con gái nhỏ biết đâu mà nói : Không có Phước Thiện thì Cửu Trùng Đài chết đói. Đó là bằng chứng ỷ nuôi người mà miệt thị người.

Qua nói thật, ngày nào Qua còn thấy như vậy nữa thì Qua nhứt định nâng đỡ Cửu Trùng Đài với hoàn cảnh nghèo hèn, chớ mấy em có làm ra của vạn hộ đi nữa, Qua cũng cấm Cửu Trùng Đài không cho hưởng. Cái trách nhậm nặng nhọc của mấy em lúc nào Qua cũng phải nhìn nhận, mà chính mình Đại Từ Phụ cũng không bỏ, cần chi mấy em tung hô lên để thị nhục người.

Hữu xạ tự nhiên hương, hà tất đương phong lập. Trái lại, phận sự Qua giao cho mấy em, càng hèn tiện thì càng cao thăng, càng nhọc nhằn thì càng cao công nghiệp. Nếu mấy em nói rằng : Lãnh phận sự nuôi người là hèn tiện thì nói cho Qua biết đi. Ông Châu Văn Vương là một vị Bá Hầu bị Trụ Vương đày ra nơi Dũ Lý, cũng vẫn làm tròn phận sự. Ông Trương Tử Phòng lập cả giang sơn sự nghiệp, tạo nên đảnh Hớn mà chẳng hề buổi nào biết mình là công thần, chỉ biết là tá sĩ, tôi của nước Hàn mà thôi.

Mấy em nên cố tâm noi theo gương cao thượng ấy mà làm phận sự. Nếu năm rồi không còn mấy đứa tâm đức  thì tất cả mấy em đã nghe lời gièm siểm của thế gian mà thối bước lui chơn, lầm tưởng rằng : không có mấy em thì Hội Thánh sẽ chết đói.

Qua cho mấy em hiểu rằng: không bao giờ đói đâu, vì Đạo là nguồn nước thiêng liêng của Chí Tôn chẳng hề cạn, không có giọt nước nầy thì cũng có giọt nước khác; có mợ thì chợ cũng đồng, không mợ thì  chợ cũng không bữa nào.

Trong cửa Đạo cũng không cần, không thỉnh mà cũng không xua đuổi, không bạc đãi, muốn ở thì ở, muốn đi thì đi, làm được thì làm, không thì trừ bỏ, chớ đừng trách rằng : Bề trên ép buộc.

Chính Qua chưa ép ai, mà ông Trần Khai Pháp cũng chưa ép ai. Muốn trọng thì cao trọng, bằng không thì tùy ý, đừng ở trong cửa Thánh mà làm cho đê hèn nhục nhã thì uổng công lắm./.