Trang

Chủ Nhật, 8 tháng 9, 2024

5353. VNTB – Đạo Cao Đài và Tam Quyền Phân Lập.

 

VNTB – Đạo Cao Đài và Tam Quyền Phân Lập.  

Dương Xuân Lương

 

(VNTB) – Đạo Cao Đài được Đức Thượng Đế lập vào năm 1926 tại Tây Ninh và đạo có quyền lập pháp, tư pháp và hành pháp phân minh.

 

Trong khi nước Đại Nam còn đang bị thực dân Pháp đô hộ, Đức Thượng Đế dùng cơ bút dạy môn đệ lập ra Đại-Đạo Tam-Kỳ Phổ Độ nói tắt là Đạo Cao Đài vào năm 1926 tại Chùa Gò Kén làng Long Thành, Tây Ninh. Đạo có quyền lập pháp, tư pháp và hành pháp phân minh.

https://vietnamthoibao.org/vntb-dao-cao-dai-va-tam-quyen-phan-lap/

 

1/- Quyền lập pháp (Bát Quái Đài).

Do Đức Chí Tôn và các Đấng Thiêng Liêng lập thành. Cách lập pháp của Đạo Cao Đài là lập quyền cho nhân loại nên đóng đinh nguồn máy thượng tầng về tổ chức lẫn nhân sự và lập khuôn mẫu cho hạ tầng phát triển không giới hạn. Pháp đứng trên luật, không một điều luật nào được phép cản trở hay hạn chế pháp. Quyền lập pháp là tuyệt đối.

 

2/- Quyền tư pháp (Hiệp Thiên Đài).

Theo quan sát và ghi nhận của người viết bài thì các quốc gia có tam quyền phân lập hiện nay không có hiến pháp riêng cho tư pháp và hành pháp ký lịnh bổ nhiệm nhân sự tư pháp. Nghĩa là tư pháp dưới quyền hành pháp.

Quyền tư pháp trong Đạo Cao Đài có hiến pháp riêng, nhân sự quyền tư pháp do chính Hiệp Thiên Đài tuyển chọn qua khoa mục, thăng phẩm và bổ nhiệm; hành pháp không có quyền bổ nhiệm, không có quyền nhìn nhận hay không nhìn nhận nhân sự của tư pháp. Nhân sự hành pháp phải do nơi quyền tư pháp nhìn nhận đúng pháp luật mới có quyền, nghĩa là quyền tư pháp ban quyền cho nhân sự hành pháp.

Sự khác biệt về quyền tư pháp trong Đạo Cao Đài và các quốc gia có tam quyền phân lập rất rõ ràng về căn bản.

 

3/- Quyền hành pháp (Cửu Trùng Đài).

Cửu Trùng Đài cầm quyền hành pháp có hiến pháp riêng cho Nam phái và Nữ phái. Chức việc hành đạo nơi địa phương nên do Tín đồ địa phương công cử, Hội Thánh công nhận. Vào phẩm Chức việc phải từ bỏ quyền đời, không được tham gia đảng phái chính trị để trọn tâm lo cho đạo và không bị xung đột lợi ích.

Vào hàng Chức sắc Cửu Trùng Đài được ban Thánh danh và buộc phải phế đời hành đạo, chịu quyền điều động của Hội Thánh. Nhân sự hành pháp rất quan trọng nên phải đủ ba yếu tố: chức, quyền và lịnh.

Chức sắc hành pháp do cộng đồng tuyển chọn qua Ba Hội Lập Quyền Vạn Linh, tư pháp giám sát và nhìn nhận tuyển chọn đúng luật mới có chức và quyền, từ có chức và quyền mới được bổ nhiệm vào hành chánh đạo, mới có quyền ra lệnh là đóng con dấu trên công văn để ban hành.

Tư pháp nhìn nhận bằng cách nào? Tư pháp nhìn nhận qua hai diện hữu hình và vô vi. Hữu hình là những việc thông thường như minh tra, xác nhận hồ sơ để đưa ra Ba Hội tuyển chọn. Trong quá trình tuyển chọn tư pháp vẫn giám sát xem có công bằng không, có vi phạm luật hay không? Khi tuyển chọn xong tư pháp (Hiệp Thiên Đài) phải dâng lên cho Thiêng Liêng định phận qua cơ bút và công bố kết quả.

Hành pháp để thi hành các pháp luật đã có là chính yếu. Hiến pháp Cửu Trùng Đài ban quyền cho phẩm Đầu Sư và Giáo Tông được quyền lập luật; nhưng phải có sự thị nhận của ba vị Chưởng Pháp mới thành luật. Khi đã thành luật thì giao cho phẩm Đầu sư ban hành. Nếu cả ba vị Đầu Sư không đồng ý thì phải xem xét lại.

Hành chánh tôn giáo có 05 cấp: Hương Đạo (xã, phường), Tộc Đạo (quận, huyện, thị xã), Châu Đạo (tỉnh, thành phố, tiểu bang), Trấn Đạo (nhiều tỉnh, nhiều tiểu bang, quốc gia) và Trung Ương. Trong hành chánh đạo Nữ phái song song với Nam phái, quyền hạn như nhau nhưng lo phần Nữ phái.

 

4/- Quyền Chánh Trị Đạo (Ba Hội Lập Quyền Vạn Linh).

Kể từ dưới lên có Hội Nhơn Sanh, Hội Hội Thánh và Thượng Hội là Ba Hội Lập Quyền Vạn Linh. Mỗi hội có thành phần dự hội và cách thức biểu quyết khác nhau.

4.1/- Hội Nhơn Sanh là căn bản,

Thành phần tham dự và cách bỏ phiếu.

Thượng Chánh Phối Sư, Nghị Trưởng. Nữ Chánh Phối Sư, Phó Nghị Trưởng. Lễ Sanh, Chánh Trị Sự, Phó Trị Sự, Thông Sự, Phái Viên: Nghị Viên. Quyền bàn tính và bỏ phiếu như nhau. Riêng Nghị trưởng chỉ có quyền xướng đề tài, không có quyền bàn tính tranh luận với nghị viên và chỉ bỏ phiếu trong trường hợp số thăm biểu quyết của nghị viên bằng nhau. Khi Nghị viên chất vấn thì Chức sắc liên quan phải có mặt để trả lời liền. Không có một vấn đề nào phải biểu quyết hai lần.

Khi mở Đại Hội Nhơn Sanh phải có một khu vực riêng biệt cho người đạo giám sát, có quyền cung cấp tài liệu để hỗ trợ các nghị viên, nhưng không được phép phát biểu.

Sau Đại Hội Nhơn Sanh có Ban Ủy Viên thường trực để quan sát và thanh tra ngành hành pháp thực hiện chương trình do Ba Hội đề ra.

Quyền bàn tính. Có quyền bàn tính sáu vấn đề:

1/- Giáo hóa Nhơn Sanh.

2/- Lo liệu phương hay cho Ðạo với Ðời khỏi điều phản khắc và nâng cao tinh thần trí thức của Nhơn Sanh.

3/- Phổ Ðộ Nhơn Sanh vào cửa Ðạo, dìu dắt Tín đồ cho khỏi trái bước và trọn vâng các luật lệ của Ðạo.

4/- Xin sửa cải thêm bớt hay huỷ bỏ những luật lệ của Ðạo không phù hợp với trình độ trí thức tinh thần của Nhơn Sanh.

5/- Lo cho nền Ðạo được trong ấm ngoài êm, và đủ phương liệu đặng phổ thông nền chơn giáo.

6/- Xem xét và công nhận phương diện chính trị của Ðạo quan sát sổ thâu xuất tài sản và nghị sổ phỏng định năm tới.

4.2/- Hội Hội Thánh.

Chức sắc Hiệp Thiên Đài bỏ phiếu riêng với Cửu Trùng Đài, nếu có một vấn đề bất đồng nhau thì chỉ được bỏ phiếu thêm một lần nữa. Nếu vẫn bất đồng thì Nghị trưởng tuyên bố đóng vấn đề lại và đưa lên Thượng Hội giải quyết.

4.3/- Thượng Hội.

Thượng Hội bàn tính những việc của hai hội bên dưới dâng lên rồi dâng lên cho quyền Chí Tôn tại thế là Giáo Tông và Hộ Pháp quyết định.

4.4/- Giáo Tông và Hộ Pháp cầm quyền Chí Tôn tại thế vào đại điện mật nghị trong 15 phút rồi trở ra tuyên bố đồng ý hay không đồng ý. Nếu không đồng ý thì trả lại Ba Hội bàn tính; khi đó Giáo Tông và Hộ Pháp không đặng quyết nữa mà phải giao cho Đầu Sư quyết định.

 

 5/- Tôn giáo và xã hội.

Thượng Đế lập Đạo Cao Đài là lập quyền cho nhân loại để chính nhân loại giải quyết ba vấn nạn: Bị thao túng niềm tin, cơm áo gạo tiền và bị lệ thuộc.

5.1/- Giải quyết vấn nạn thao túng tâm lý và niềm tin.

Nhiệm vụ của Cửu Trùng Đài (hành pháp) là giáo hóa cho nhơn sanh có đủ đức tin và khôn ngoan hiệp đồng nhau gìn giữ pháp luật đạo trên con đường đạo và đường đời, không bị thao túng tâm lý để xây dựng xã hội hòa bình, dân chủ, tự do theo công thức:

Cao thượng Chí Tôn, Đại Đạo hòa bình dân chủ mục.
Đài tiền sùng bái, Tam-Kỳ cộng hưởng tự do quyền.

5.2/- Giải quyết vấn nạn cơm áo gạo tiền.

Thượng Đế dạy lập ra Phước Thiện để hỗ trợ cho hành pháp. 

Phước Thiện: là cơ quan bảo tồn sanh chúng trên đường sanh hoạt nuôi sống thi hài, tức là cơ quan giải khổ cho chúng sanh, tầm phương bảo bọc những kẻ tật nguyền, cô độc, dốt nát, ít oi, hoặc giúp tay cho bên hành chính thi hành luật pháp cho đặng dễ dàng trọn vẹn.

Phước Thiện lập cơ sở Tiểu thủ công nghiệp, Sở lương điền, Sở công nghệ, xí nghiệp, công ty, ngân hàng… để tạo môi trường sống cho con cái Thượng Đế và giúp cho Thánh Thể thoát khỏi thân phận ăn xin dưới mọi hình thức. Phước Thiện tạo môi trường cho con cái Thượng Đế sống theo nếp sống Cao Đài, từ đó tạo ra văn hóa Cao Đài, tạo ra văn minh Cao Đài Giáo.

Phước Thiện lo về kinh tế tài chánh cho Hội Thánh Cao Đài có đủ phương tiện hành đạo, tạo môi trường sống cho nhơn sanh khỏi sự ràng buộc của cơm áo gạo tiền. Do vậy để tránh nạn độc tài pháp luật đạo quy định Phước Thiện không dự vào Hành Chánh Đạo. Hành chánh đạo cầm quyền điều hợp, Phước Thiện điều hành về nhân sự và chuyên môn.

5.3/- Giải quyết vấn nạn chệch hướng.

Nghị viên Đại Hội Nhơn Sanh từ Đạo Hữu Nam-Nữ cho đến phẩm Lễ Sanh là nhân sự của hạ tầng, có quyền tham gia vào chính trị đạo là viết kịch bản cho hành chánh đạo và kiểm soát việc thực hiện; đó là tự do trong đạo đức và dân chủ có nhân quyền. Đó là bửu pháp nhân quyền của Đạo Cao Đài trình chánh trước nhân loại.

 *** Có thực mới vực được đạo. Chữ thực trong ý nghĩa của Đạo Cao Đài bao gồm 3 phần: Đạo phải có Phước Thiện với nguồn lực vô biên để lo về vật chất cho Thánh thể của Thượng Đế không phải đi ăn xin khi hành đạo và con cái Thượng Đế có môi trường sống. Đạo phải có nguồn nhân sự hành chánh tôn giáo đầy đủ bi trí dũng để phế đời hành đạo, thế thiên hành hóa mới có tư cách cầm lái con thuyền đạo đến mục đích. Đạo phải có Chánh Trị Đạo để viết ra kịch bản cho Phước Thiện và Hành Chính và kiểm soát việc hành đạo để đạt được những thành quả cụ thể nhìn thấy được, định lượng được.

Thượng Đế lập Thánh thể là Hội Thánh Cao Đài để cầm quyền hành chánh hành chánh đạo. Phước Thiện là nguồn máu để nuôi Thánh thể. Ba Hội Lập Quyền Vạn Linh viết kịch bản và kiểm soát toa tàu Cao Đài đi đúng hướng. Đạo tự chủ tạo tài nguyên và môi trường để đạt được tôn chỉ: xây dựng xã hội hòa bình, dân chủ, tự do./.