Trang

Chủ Nhật, 8 tháng 9, 2024

5352. Trường học, trại tập trung hay công ty ma?

 

Trường học, trại tập trung hay công ty ma?

Thái Hạo

8-9-2024. BÁO TIẾNG DÂN

Sáng sớm dậy đã thấy tin nhắn của một người tự giới thiệu là phụ huynh của trường Tiểu học Hòa Lợi, TP. Bến Cát, tỉnh Bình Dương. Nội dung tin nhắn như dưới đây.

https://baotiengdan.com/2024/09/08/truong-hoc-trai-tap-trung-hay-cong-ty-ma/#google_vignette

Trường tiểu học này không đủ cơ sở vật chất nhưng lại tổ chức bán trú cho học sinh (học và ăn ở 2 buổi/ ngày). Vì không đủ nhưng “quyết làm” nên đã thuê hai cơ sở bên ngoài để buổi sáng sau khi các em tan học vào lúc 10:30 thì đón về hai nơi ấy.

Một cơ sở là của “thầy Cảnh”, mới làm, gồm 7 phòng xây và 3 phòng tiền chế (nôm na là quây tôn). Sau giờ học buổi sáng thì có khoảng từ hơn 400 đến 500 em được đưa về đây để ăn, ở và học cho đến hết buổi chiều (Hình 1, đường và “biển” hướng dẫn vào trung tâm của “thầy Cảnh”).

Ảnh phụ huynh cung cấp

Một cơ sở khác là một trung tâm Anh ngữ hai tầng mà cũng theo phụ huynh là rất thiếu an toàn và không đảm bảo. “Như cái kiot đấy”.

Phụ huynh cho biết, “Chưa được 32m vuông mà hơn 40 em học. Các em phải ngủ dưới sàn, ngủ ngoài nhà ăn, nóng nực oi bức. Chỉ một lối ra vào, không một trang bị PCCC nào, không cửa sổ” (hình 2 và 3).

Ảnh do phụ huynh cung cấp

Vấn đề là nhà trường để ép cho được 100% học sinh phải tham gia cái gọi là “bán trú” này. Khi đi họp, có những phụ huynh vì đã đến thăm cơ sở ấy nên không đồng ý, nhưng nhà trường gây khó khăn bằng đủ mọi cách.

Ví dụ: “Ban đầu khi họp phụ huynh để vận động thì nhà trường thông báo, ai không ăn suất ăn bán trú phải ở lại họp riêng với ban giám hiệu. Rồi nào là phải có giấy khám sức khoẻ mới được về. Nào là phải đón đúng giờ, đưa đi đúng giờ, chứ không bảo vệ phải đuổi ra, cũng như không mở cổng nếu như tới sớm vì ảnh hưởng tới các bạn ngủ trưa…”.

Cũng theo vị này, phụ huynh rất bức xúc, nhưng đa phần là công nhân, không hiểu biết nhiều và bận mưu sinh nên cũng đành nhắm mắt xuôi theo. (Hình 4 – 5, phụ huynh bức xúc và không đồng ý cho con học ở những nơi này).

 

Trường tổ chức rất mập mờ, ép phụ huynh ký vào tờ đơn tự nguyện tham gia bán trú, rồi mới thông báo là học bán trú tại đâu, như thế nào… Khi phụ huynh tự tìm tới, ai cũng bức xúc với cơ sở, thì lại không cho quay phim, chụp hình. Nhà trường rất sợ bị lộ thông tin, về việc vào chụp ảnh quay clip học sinh ăn ngủ bên trong như thế nào cũng rất khó”.

Từ khi các em đi học bán trú tại đây một tuần nay thì trường và các trung tâm này không cho phụ huynh vào, vào phải có “lý do”, phải cởi khẩu trang, và bị giám sát rất chặt. (Hình 6, “phụ huynh phải viết đơn tự nguyện).

Hiện tại trường chỉ có ba xe để đưa khoảng 500 em học sinh về hai cơ sở trên ăn bán trú, nên tan học từ 10:30 nhưng có khi đến 11:30 buổi trưa vẫn chưa đón hết học sinh, các em vẫn phải đứng đợi.

“Dạ, đa số phụ huynh là công nhân, dân trí thấp, họ chỉ bức xúc ngoài miệng thôi, khi gặp thầy hiệu trưởng họ sợ”.

Nếu những thông tin mà phụ huynh phản ánh trên đây là đúng thì nhà trường này phải gọi là một công ty ma (quỷ) hoặc một trại tập trung hoặc một thứ “xã hội chiếm hữu nô lệ”.

***

Về học hai buổi/ngày, tại Công văn 4088/BGDĐT-GDTH năm 2022 Bộ GDĐT hướng dẫn các Sở GDĐT triển khai thực hiện nhiệm vụ năm học 2022-2023 đối với giáo dục tiểu học có hướng dẫn:

“Đối với cơ sở giáo dục tiểu học chưa đủ điều kiện tổ chức dạy học hai buổi/ngày, trên cơ sở dạy học đúng, đủ nội dung và thời lượng các môn học bắt buộc theo quy định của chương trình, cơ sở giáo dục tiểu học chủ động xác định nội dung, lựa chọn hình thức tổ chức, phân bổ thời lượng phù hợp cho môn học tự chọn, hoạt động củng cố và hoạt động giáo dục khác”.

Như vậy nghĩa là việc tổ chức hai buổi trên ngày là không bắt buộc, chỉ những trường đủ điều kiện mới thực hiện. Và tổ chức học hai buổi/ngày cũng không có nghĩa bắt học sinh phải ở lại để ăn bán trú.

Phòng học, nhà trường, diện tích cây xanh, diện tích đường nội bộ…, tất cả đều có quy chuẩn theo quy định bắt buộc. Thử hỏi, mấy cái “cơ sở bán trú” như lô cốt này thì đáp ứng được tiêu chuẩn nào?

***

Đề nghị ngành giáo dục Bình Dương và các cơ quan chức năng của tỉnh Bình Dương thanh tra, điều tra, xác minh, xem phản ánh trên đây của phụ huynh có đúng không. Nếu đúng thì cần đình chỉ ngay các hoạt động bán trú trá hình và nguy hiểm này; đồng thời đình chỉ ngay chức vụ của hiệu trưởng; làm sáng tỏ có sự cấu kết và lợi ích nhóm ở đây hay không. Và từ đó, xử lý thích đáng theo các quy định của pháp luật.

Nghiêm trọng hơn, theo phản ánh của phụ huynh, đây không phải trường hợp duy nhất. Việc các nhà trường liên kết với các trung tâm bên ngoài để tổ chức bán trú đang diễn ra phổ biến ở Bình Dương. Nhiều cơ sở tư nhân hoạt động nghiêm túc và đảm bảo chất lượng đã phải phá sản hoặc phải dừng hoạt động do không được phép tổ chức bán trú nếu không liên kết với các nhà trường để nhà trường đứng ra “chủ trì”.

Tỉnh Bình Dương cần ra soát lại trên toàn địa bàn để xem phản ánh này có chính xác không, đặc biệt là đối với các địa bàn thành phố của tỉnh. Nếu đúng thì phải lập tức chấn chỉnh và nghiêm trị; nếu không, lợi ích nhóm sẽ phá nát giáo dục công lập, đồng thời hủy hoại luôn các mô hình tích cực đang rất cần được bảo hộ trong khối giáo dục tư nhân.