Trang

Thứ Tư, 25 tháng 9, 2024

5411. VNTB – Tây Nguyên: Nước mắt và Máu (bài 4)

 

VNTB – Tây Nguyên: Nước mắt và Máu (bài 4)

Quang Nguyên

 

(VNTB) – Chính sách di dân lên Tây Nguyên  đã làm nảy sinh những cuộc biểu tình và xung đột liên quan đến vấn đề đất đai, quyền tự trị và bảo vệ văn hóa của người Thượng vẫn tiếp diễn trong suốt nhiều năm qua.

 

Bài 4: Chính sách di dân tai hại lên Tây Nguyên

https://vietnamthoibao.org/vntb-tay-nguyen-nuoc-mat-va-mau-bai-4/

 

Bài 1: Tây Nguyên và thú dữ.

Bài 2: Tây nguyên đang đi về đâu?

Bài 3: Buôn làng Tây Nguyên bị phá vỡ

 

Chính sách di dân lên Tây Nguyên của chính quyền Việt Nam, đặc biệt trong các thập niên sau năm 1975, đã có nhiều tác động xấu đáng kể đến người dân bản địa và môi trường tự nhiên. 

Chính quyền Việt Nam Cộng Hòa từ những năm 1970 đã thực hiện các chương trình di dân các tỉnh đồng bằng đến vùng Tây Nguyên nhằm khai hoang, phát triển kinh tế, và củng cố an ninh vùng biên giới. Người Kinh được khuyến khích định cư ở Tây Nguyên để khai thác đất đai và phát triển nông nghiệp. 

Các chương trình này có mục đích đưa Tây Nguyên trở thành một khu vực trù phú hơn về mặt kinh tế. Người dân bản địa Tây Nguyên vốn sinh sống trong vùng này lâu đời với mô hình kinh tế nông nghiệp tự cung tự cấp, dựa vào đất rừng và các nguồn tài nguyên thiên nhiên không bị ảnh hưởng xấu.

Sau năm 1975 chính quyền Việt Nam đưa ồ ạt người Kinh, và theo sau là những người dân tộc khác, lên vùng cao nguyên có vị trí chiến lược quan trọng này. Chính quyền quảng bá chính sách di dân là cách để phát triển kinh tế khai thác tiềm năng tài nguyên thiên nhiên, đất đai màu mỡ, rừng và du lịch. Tuy nhiên, không thể phủ nhận rằng vấn đề an ninh và ổn định chính trị là một yếu tố quan trọng trong quyết định di dân. 

Tây Nguyên là một khu vực địa lý chiến lược, biên giới với Lào và Campuchia, nhìn xuống đồng bằng nam phần, từng là nơi xảy ra nhiều biến động lịch sử, như các phong trào kháng chiến của người Thượng trong thời kỳ chống Pháp, Mỹ, và cả sau khi Việt Nam thống nhất. Các phong trào ly khai của người Thượng, đặc biệt là sự nổi dậy của nhóm FULRO (Front Unifié de Lutte des Races Opprimées) vào những năm 1960-70, khiến Tây Nguyên trở thành một khu vực nhạy cảm về chính trị và an ninh. 

Chính sách di dân của chính quyền Việt Nam hiện thời hàm chứa một âm mưu thâm độc hơn là “pha loãng” mật độ dân cư của các dân tộc bản địa, và cả việc làm tước đi lịch sử, văn hóa, luật tục người dân bản địa  nhằm giảm thiểu nguy cơ nổi dậy hoặc phản kháng đối với chính quyền. Hiện nay số di dân nhiều gấp 5 lần dân bản địa. 

Bằng cách tăng cường sự hiện diện của người Kinh, biến người Kinh thành nhóm dân tộc chiếm ưu thế về số lượng và quyền lực chính trị, kèm theo lực lượng an ninh quân đội cũng người Kinh làm chủ chốt, chính quyền dễ dàng hơn trong việc kiểm soát và quản lý khu vực. Mặc dù Đảng và chính quyền có thể không công khai thừa nhận việc pha loãng dân số người Thượng là một mục tiêu chiến lược, nhưng qua những chính sách và hành động cụ thể, có thể thấy rằng chính quyền ưu tiên việc duy trì kiểm soát và ổn định Tây Nguyên. 

Việc kiểm soát an ninh trong buôn có phần gắt gao hơn trong làng người Kinh. “Về tổ chức chính quyền, đứng đầu mỗi buôn làng là một trưởng thôn, một phó trưởng thôn, một công an viên phụ trách công tác an ninh, một thôn đội trưởng phụ trách chỉ huy đội dân quân tự vệ. 

Để tăng cường công tác an ninh, mỗi buôn làng được chia thành các nhóm liên gia, mỗi nhóm liên gia khoảng 15 – 20 hộ gia đình, nhà nằm liền kề nhau, đứng đầu là nhóm trưởng liên gia. Ngoài ra, có một cán bộ của đội công tác đặc biệt do xã cử xuống làm nhiệm vụ phát động quần chúng bảo vệ an ninh – chính trị. … 

Về tổ chức đoàn thể, mỗi buôn làng đều có các đoàn thể chính trị bao gồm: Đoàn Thanh niên, đứng đầu là Bí thư, Phó Bí thư; Hội Phụ nữ, Hội Nông dân, Hội Cựu chiến binh, đứng đầu là Hội trưởng và Phó Hội trưởng. Các đoàn thể này có vai trò tổ chức quần chúng, là những cánh tay nối dài của Đảng và chính quyền trong việc triển khai các chủ trương chính sách phát triển kinh tế – xã hội và bảo vệ an ninh – chính trị buôn làng. (*)

Gia tăng số lượng người di cư, quỹ đất dành cho các hoạt động truyền thống của người Thượng bị thu hẹp. Đất đai đã bị lấy để phân chia cho các hộ gia đình di dân, cũng như để phục vụ các dự án kinh tế lớn như các khu trồng cây công nghiệp (cao su, cà phê, hồ tiêu,…) và các dự án phát triển cơ sở hạ tầng. 

Khu công nghiệp khai thác quặng Bauxite cho đến nay vẫn là vết dao đâm sâu vào thịt người dân bản địa. Hàng ngày, dòng máu đỏ bauxite vẫn còn chảy, giết dần cao nguyên xanh tươi.(**) 

Nhà báo Lê Phú Khải đã viết thư gửi tổng bí thư Nông Đức Mạnh ngày 18/03/2009, rằng: 

Vấn đề bauxite còn nguy hại gấp trăm ngàn lần cải cách ruộng đất, vì nó hủy diệt cả dân tộc ta như các nhà khoa học đã dự báo. Mười năm nữa sông Đồng Nai và những con sông khởi nguồn từ Tây Nguyên bị nhiễm bùn đỏ thì cả miền Trung, Đông Nam Bộ và Thành phố Hồ Chí Minh lấy gì mà uống, những bà mẹ sẽ đẻ ra toàn quái thai(***). 

Việc khai thác tài nguyên thiên nhiên, đặc biệt là rừng và nguồn nước, đã gây ra các vấn đề môi trường nghiêm trọng. Các con suối và nguồn nước ngọt của người Thượng bị ảnh hưởng do các hoạt động khai thác nông nghiệp và công nghiệp quy mô lớn. Các công ty quốc doanh ngang nhiên chiếm độc quyền nguồn nước vốn từ bao đời là của người dân.

Nhận định người Thượng trở thành công dân loại 2 ngay trên chính quê hương của họ có cơ sở khi nhìn vào tình trạng hiện tại của các dân tộc bản địa Tây Nguyên. Bị kỳ thị, nghi ngờ và cũng vì trình độ văn hóa thấp, người Thượng bị coi là “lạc hậu” hay “chậm phát triển”. Người Thượng có rất ít có đại diện trong bộ máy chính quyền địa phương. Người Thượng bị đối xử kém, bị loại khỏi quyền lợi chính trị, kinh tế và xã hội mà lẽ ra họ phải được hưởng bình đẳng.

Người Thượng bị tước đoạt quyền sử dụng và sở hữu đất đai truyền thống do các chính sách di dân, đất đai và khai thác tài nguyên của chính quyền. Đất đai là yếu tố sống còn trong đời sống kinh tế, văn hóa. Mất đất, người Thượng mất đi phương tiện sinh sống và phải phụ thuộc vào những công việc ít ổn định hơn. Người Thượng phải đi làm thuê cho các chủ đất mới là người Kinh hoặc các công ty.

Không còn khả năng kiểm soát tài nguyên, như đất rừng và nguồn nước khiến người Thượng càng rơi vào tình trạng nghèo khó và bế tắc, đồng thời càng phụ thuộc vào các nhóm cư dân mới đến. Người Thượng có ít cơ hội tham gia vào các hoạt động kinh tế mới hoặc các dự án phát triển, phần lớn vì họ thiếu kỹ năng, kém cạnh tranh, dẫn đến việc người Thượng buộc phải làm những công việc có thu nhập thấp và không ổn định

Người Thượng thường có mức độ tiếp cận kém hơn với các dịch vụ giáo dục và y tế so với người Kinh và nhóm di dân khác. Chất lượng giáo dục tại các vùng của người Thượng thấp, nhiều trẻ em bỏ học do rào cản ngôn ngữ và điều kiện kinh tế khó khăn. Trong khi đó, các dịch vụ y tế công cộng tại các khu vực của người Thượng Tây Nguyên thiếu thốn đặc biệt là ở các vùng sâu, vùng xa.

Xung đột và đàn áp

Chính sách di dân lên Tây Nguyên dành ưu tiên cho người Kinh, và các nhóm di cư khác cùng việc người Thượng  đang mất dần quyền kiểm soát quê hương đã nảy sinh những cuộc biểu tình và xung đột liên quan đến vấn đề đất đai, quyền tự trị và bảo vệ văn hóa của người Thượng vẫn tiếp diễn trong suốt nhiều năm qua. Các cuộc biểu tình của người Thượng, khi phản đối chính sách đất đai hoặc các vấn đề về tài nguyên, và tôn giáo sau này thường bị dẹp tan bằng các biện pháp cứng rắn, kể cả đàn áp vũ trang của quân đội và công an.

Kỳ sau: Những cuộc nổi dậy.

___________________

Tham khảo:

(*) tổ chức xã hội ở thôn làng tây nguyên hiện nay Bùi Minh Đạo (trang 71) Tạp chí Khoa học Việt Nam Trực tuyến  https://vjol.info.vn › khxhvn › article › download 

(**) https://www.rfi.fr/vi/viet-nam/20141013-bauxite-tay-nguyen-cang-lam-cang-gay-hai

     https://thanhnien.vn/bauxite-tay-nguyen-van-ngon-ngang-noi-lo-185886690.htm

      https://boxitvn.online/?cat=1122

(***)https://baotiengdan.com/2017/07/01/loi-ai-dieu-hoi-ky-le-phu-khai-chuong-07m/#google_vignette