Trang

Thứ Năm, 12 tháng 9, 2024

5370. LÒNG HIẾU THẢO CỦA BÀ THẤT NƯƠNG.

 BBT tham khảo tài liệu về Lòng Hiếu Thảo của Bà Thất Nương và tóm lược theo yêu cầu quý bạn đọc. Kính. 

 

 

1/- Tiểu sử tóm lược.

Đức Bà Thất Nương tên thật là Vương Thị Lễ sanh ngày 08-01-Canh Tý (07-2-1900), thân phụ là ông Vương Quang Trân làm Đốc Phủ, thân mẫu là Bà Đỗ Thị Sang. Ông Trân là con ông Vương Quang Để, bà Sang con gái của quan Tổng Đốc Đỗ Hữu Phương. Phụ mẫu Bà sanh con khó nuôi nên ra kinh thành Huế, thỉnh lư hương cầu tự nơi Miếu Bà Cửu Thiên Huyền Nữ về thờ, sau sanh ra Bà Vương Thị Lễ.


Bà học tại trường Trung Tiểu học Pháp Sainte Enfance, tới bậc Trung học. Bà bị bệnh mất ngày 25-10-Mậu Ngọ (dl 28-11-1918) hưởng dương 19 tuổi. Phần mộ trong khuôn viên đất gia đình Tổng Đốc Đỗ Hữu Phương, thường gọi là Vườn Bà Lớn, ở gần Ngã Bảy Sài gòn. Năm Mậu Thân 1968, mộ được lấy cốt và thiêu, lấy tro cất vào hủ để thờ. Đất ấy được trưng dụng để xây cất Chung cư Nguyễn Thiện Thuật ở Quận 3 ngày nay.

(Ông Vương Quang Trân là anh ruột của Ông Vương Quang Kỳ. Ông Kỳ, học pháp môn với quan phủ Ngô Văn Chiêu, sau nhập môn vào Đạo Cao Đài, ông là cầu nối các vị tiền bối Đại-Đạo Tam-Kỳ Phổ-Độ với ngài Ngô Văn Chiêu. Tên Ngài Vương Quang Kỳ được Đức Chí Tôn dạy trong bài thi ngày 09-01-Bính Dần (21-02-1926): Chiêu Kỳ Trung độ dẫn hoài sanh … sau được Đức Chí Tôn phong phẩm Giáo Sư Thượng Kỳ Thanh. Khi Cầu Kho tách khỏi Tòa Thánh Tây Ninh Ngài hành đạo với Thánh Thất Cầu Kho)

2/- Thất Nương khiêu đuốc đạo đầu.

Năm Ất Sửu (1925), ba vị Cao Quỳnh Cư, Phạm Công Tắc và Cao Hoài Sang khởi sự xây bàn, đêm mùng 10-6-Ất Sửu (30-7-1925) tại nhà Ngài Cao Hoài Sang có chơn linh giáng đàn xưng danh Đoàn Ngọc Quế cho bài thi tự thuật như sau:

Nỗi mình tâm sự tỏ cùng ai?
      Mạng bạc còn xuân uổng sắc tài.
      Những ngỡ trao duyên duyên vào ngọc các,
      Nào dè phủi nợ xuống tuyền đài.
      Dưỡng sinh cam lỗi tình sông núi,
      Tơ tóc thôi rồi nghĩa trúc mai.
      Dồn dập tương tư oằn một gánh,
      Nỗi mình tâm sự tỏ cùng ai?

(Về sau mới biết Đức bà Thất Nương “Vương Thị Lễ” dụng tên Đoàn Ngọc Quế)     

Cũng trong năm Ất Sửu (1925), trong một đàn cơ khác, có mặt ông Vương Quang Trân, Cô Vương thị Lễ giáng bàn, viết một bài thi cho ông Vương Quang Trân là thân sinh của Cô:

Cúi lạy thân sinh thứ lỗi con,
      Âm Dương tuy cách, hiếu tâm còn.
      Hồn quê níu nắm tình non nuớc,
      Phách quế náo nương dạ sắt son.
      Ác lặng hiên Đoài già nhắc nhỏm,
      Nguyệt trầm non Thái trẻ thon von.
      Thấy nhau thêm tủi đường ly biệt,
      Đá nát xương tan nghĩa vẫn còn.

3/- Lòng hiếu thảo.

Đức Hộ Pháp, Đức Thượng Phẩm, Đức Thượng Sanh và 12 vị Thời Quân là tướng soái của Đức Chí Tôn, phụ trách cơ bút để lập đạo nên có những hiểu biết phi thường. Do vậy các vị biết những việc từ cõi hư linh và dạy cho nhơn sanh biết thêm về chánh giáo. Các lời dạy của Tướng Soái về cõi hư linh có niêm luật, phù hợp với nguyên lý của đạo: Nhất nguyên đa cực nên nâng cao sự hiểu biết, khai mở trí huệ tạo bi trí dũng cho người học đạo, hoàn toàn khác với mê tín dị đoan.

3.1/- Ngài Khai Pháp Trần Duy Nghĩa.

Ngày 22-11-Đinh Hợi (1947), Ngài Khai Pháp Trần Duy Nghĩa thuyết đạo tại Đền Thánh về Luật Công bình Thiêng liêng, nói Ngọc Hư Cung có cho biết rằng: "Vào năm 1929, Cô Thất Nương (Vương thị Lễ) hay tin thân phụ là Vương Quang Trân qui vị, bị tội đọa nơi Diêm Cung. Cô Thất Nương lén bỏ Diêu Trì Cung đặng đi xuống Diêm Cung để thức tỉnh Cha của Cô.

Vì phế phận, nên Ngọc Hư Cung bắt tội Thất Nương, làm cho DiêuTrì Cung náo nhiệt, nhứt là Bát Nương, sợ cho Thất Nương bị tội ấy mà thất vị. Bát Nương mới giáng cơ báo tin cho Đức Phạm Hộ Pháp hay và yêu cầu Đức Hộ Pháp xin với Ngọc Hư Cung ân xá cho Thất Nương.

Đức Hộ Pháp liền lập đàn cơ, Thất Nương giáng tỏ bày nỗi niềm hiếu đạo:

Hỏi ai có biết hiếu ra sao?
      Chín chữ cù lao giá thế nào?
      Hình vóc cảnh Tiên còn dính máu,
      Chơn thần nước Phật giữ thai bào.
      Nỗi riêng chưa vẹn thân từ phụ,
      Nghĩa nặng đeo đai phận má đào.
      Thà xuống Âm Cung chia khổ tội,
      Cha vầy, ai nỡ ngự đài cao!

  Đức Hộ Pháp đọc bài thi rất xúc động, nghĩ vì luật pháp quá nghiêm khắc, e rằng nơi mặt thế nầy không ai tránh khỏi tội. Cô Thất Nương vì chữ hiếu mà phải bị phạt, thế thì Luật Công Bình có lẽ còn có chỗ khuyết điểm chăng?

Đức Hộ Pháp quyết định dâng sớ lên Đức Chí Tôn xin tội cho Thất Nương. Đức Chí Tôn nhận được tờ sớ, liền giao cho Đức Lý Thái Bạch và nói rằng: "Con coi, Tắc nó trách Thầy, ắt nó chưa hiểu rõ Luật Công Bình Thiên Điều thế nào, con cũng nên đến giải cho nó đặng hiểu."

Đức Lý giáng cơ giúp Đức Hộ Pháp hiểu và cho bài thi về Luật Công Bình Thiêng liêng:

Phải giữ chơn linh đặng trọn lành,
      Ngọc Hư toàn ngự Đấng tinh anh.
      Luật điều Cổ Phật không chừa tội,
      Hình phạt Chí Tôn chẳng vị tình.
      Chánh trực kinh oai loài giả dối,
      Công bình vừa sức kẻ chơn thành.
      Mũi kim chẳng lọt xưa nay hẳn,
      Biết sợ xin khuyên cẩn thận mình.
      LÝ GIÁO TÔNG

3.2/- Ngài Tiếp Đạo Cao Đức Trọng (1897-1958).

Ngài Tiếp Đạo thuyết đạo tại Đền Thánh vào thời Tý ngày 15-12-Đinh Hợi (1947), dạy về cái khổ của Thất Nương vì chữ Hiếu:

      "Cái khổ đó chưa ai tránh được, dầu cho bực Thần Thánh có thân hình cũng phải vào cảnh khổ đó. Chính Thất Nương cũng vì khổ đó, cho nên mới có để lời than, sau khi đã lãnh lịnh xuống cõi Âm quang độ con cái của Chí Tôn đang bị giam hãm nơi đó, lựa chỗ cho đầu thai. Thật là một ân huệ vô cùng vô tận của Đức Chí Tôn để độ tận con cái của Người vậy.

Thất Nương là vì Hiếu, khi hay tin cha mẹ mắc tội nơi Phong Đô, liền bỏ Cung Diêu Trì, xuống đó độ rỗi nên bị Thiên đình bắt tội. Đã hai kiếp sanh khổ vì Tình vì Hiếu, nên sau khi Thất Nương được đặc ân của Ngọc Hư Cung xá tội, liền tình nguyện đến cõi Âm Quang độ rỗi các chơn hồn thất thệ, đặng trả nghĩa cho Thầy.

Trước khi đi, trong một kỳ đàn, Thất Nương có đến từ giã và để lời than với Đức Hộ Pháp và một vài Chức sắc Hiệp Thiên Đài. Bài thơ ấy, tôi xin nhắc lại:

Hai kiếp đeo đai lắm nợ trần,
      Cái thân vì khổ bận cho thân.
      Niềm duyên đổ ngọc lan phòng nguyệt,
      Nỗi hiếu rơi châu tưới mộ phần.
      Giữ Đạo mong chờ ngày độc tịch,
      Bán mình quyết cứu độ song thân.
      Nước non càng ngắm càng thêm chạnh,
      Chạnh thảm khi mang mảnh xác trần.

      THẤT NƯƠNG

      Bần tăng tả cảnh khổ trên đây để các bạn nhập tâm ghi nhớ.

Thất Nương là một vị Nữ Phật thứ 7 trong hàng Cửu vị Nữ Phật mà còn không tránh khỏi khổ. Đó là bài học của tâm hồn trí não, nếu tránh được khổ thì trên con đường lập vị, chúng ta rất may duyên sẽ gặp đặng Đức Chí Tôn mà hằng ngày Người hằng trông ngóng.

Trong số Cửu vị Tiên Nương Diêu Trì Cung (hay Cửu vị Nữ Phật), chỉ có Bát Nương và Thất Nương là thường giáng cơ dạy Đạo và cho thi văn nhiều nhất, kế đó là Lục Nương. Còn các vị khác thì ít khi giáng cơ.