Trang

Thứ Hai, 9 tháng 9, 2024

5354. LUẬN GIẢI VỀ CÁI NHÁNH

LUẬN GIẢI VỀ CÁI NHÁNH.


Hội Thánh chưa kiểm duyệt
.

ĐỀ TÀI: Tìm hiểu câu: … Cái nhánh các con là nhánh chính mình THẦY làm chủ, sau các con sẽ hiểu. …

Chia sẻ mục đích: tìm cái sai để sửa, tìm cái đúng để học và hành, tri hành hiệp nhứt đó là bi trí dũng của người tu. Tu là sửa những điều sai từ trong nhận thức và việc làm, tu là nâng cấp cách suy nghĩ và cách làm trong cuộc sống. Người xưa dạy Nhất niệm vô minh vạn sự tòng (tạm hiểu: một ý niệm sai thì hằng vạn điều sai sẽ theo đó tiếp diễn). Chữ nhánh trong Thánh Ngôn Hiệp Tuyển (TNHT) đã bị nhiều đầu sách giải nghĩa sai dẫn đến sự hiểu sai về chánh giáo của Đức Chí Tôn. Bài nầy góp phần hiểu đúng về chữ nhánh.


I/- Xuất xứ.

Câu … Cái nhánh các con là nhánh chính mình THẦY làm chủ, sau các con sẽ hiểu. … do Thầy dạy ngày 20-2-1926 (9-1-Bính Dần) (TNHT Q 1 trang 7, bản in 1972). (1)



II/- Phân tích & nhận xét.

1/- Nguyên tắc tìm hiểu.

Đại-Đạo Tam-Kỳ Phổ-Độ (ĐĐTKPĐ) nói tắt là Đạo Cao Đài do Đức Chí Tôn dùng cơ bút lập thành năm 1926 tại Chùa Gò-Kén làng Long Thành, Tây Ninh, Đại Nam. Đạo có thể pháp và bí pháp.

Thánh Ngôn Hiệp Tuyển (TNHT) là Thiên Thơ của ĐĐTKPĐ nên là một thể pháp của đạo. Do vậy khi tìm hiểu một câu trong TNHT phải đưa vào hệ thống để tìm hiểu mới có hy vọng hiểu đúng.

Tại sao phải đưa vào hệ thống?

Bởi vì một thể pháp cũng như một chi tiết của hệ thống nên phải gắn vào hệ thống mới phù hợp với giá trị chung. Nếu không đưa vào hệ thống dễ bị rơi vào trường hợp tự mâu thuẫn, dẫn đến giá trị này phủ nhận hay xung đột với giá trị kia. Không đưa vào hệ thống thì xác xuất dẫn đến cái hiểu của anh mù sờ voi là rất cao. Không đưa vào hệ thống mà hiểu đúng là thiên tài, là người có phúc phận rất lớn, còn đưa vào hệ thống thì người bình thường cũng hiểu được. Khi đã hiểu được thì chính họ có đủ bi trí dũng để không bị những xảo ngôn, mỹ từ lừa gạt.

Đạo Cao Đài chủ trương làm cho dân mạnh nên dạy: Nhứt vi u ám tất giai văn, Nhứt thiết chúng sanh thành chánh giác (tạm hiểu: Một điểm nhỏ còn mờ ám cũng phải làm cho sáng tỏ, minh bạch. Chỉ có cách đó mới đem sự hiểu biết chánh đáng, đem chánh lý đến cho mình và bạn đồng sanh)

2/- Xác định ý nghĩa căn bản: Có 04 yếu tố xác định được khi Đức Chí Tôn dạy câu: Cái nhánh các con là nhánh chính mình THẦY làm chủ, sau các con sẽ hiểu.

Hai chữ Cái nhánh là số ít: 11 chữ … Cái nhánh các con là nhánh chính mình THẦY làm chủ, trong câu nầy hai chữ Cái nhánh đã xác định nhánh là số ít, không phải số nhiều. Chữ Cái nhánh số ít có nghĩa là chỉ có một, không có cái thứ hai. Nếu có nhánh thứ hai thì chữ nhánh là đã thành số nhiều nên sai với chữ Cái nhánh (số ít), cũng không có vấn đề nhánh chính, nhánh phụ.

Bốn chữ Cái nhánh các con có tên là gì? Hai chữ các con là thời hiện tại. Tên của Cái nhánh các con đó là Cái nhánh Đại-Đạo Tam-Kỳ Phổ-Độ (ĐĐTKPĐ) nói tắt là Đạo Cao Đài lập thành năm 1926 tại Chùa Gò-Kén làng Long Thành, Tây Ninh, Đại Nam.

Bốn chữ Cái nhánh các con gồm những ai? Muốn biết chính xác chữ các con bao gồm những ai phải nhờ vào Đạo Sử của Bà Nữ Đầu Sư Hương Hiếu.

Ngày 16-12-1925 (01-11-Ất Sửu) Thầy dạy ba vị Cao Quỳnh Cư, Phạm Công Tắc, Cao Hoài Sang Vọng Thiên Cầu Đạo. Đạo cầu là Đại-Đạo Tam-Kỳ Phổ-Độ, ba vị là đệ tử đầu tiên của ĐĐTKPĐ, sau đó Thầy dạy cộng tác với Ngài Ngô Văn Chiêu.

Nhiều năm trước Thầy dạy Ngài Chiêu pháp môn, không phải dạy ĐĐTKPĐ; sau Lễ Vọng Thiên Cầu Đạo (16-12-1925) Thầy dạy hai bên cộng tác để lo mở ĐĐTKPĐ và định ban cho Ngài phẩm Giáo Tông. Sách Lịch Sử Quan Phủ Ngô Văn Chiêu trang 18 cũng viết sau Noel 1925 ít lâu Ngài Chiêu cộng tác với ĐĐTKPĐ.

TNHT Q1 bài đầu tiên là Noel 1925 có bài thi:

CHIÊU KỲ TRUNG độ dẫn HOÀI sanh,
BẢN đạo khai SANG QUÍ GIẢNG thành.
HẬU ĐỨC TẮC CƯ Thiên Địa cảnh,
HƯỜN MINH MÂN đáo thủ đài danh
.

Nhưng theo Đạo Sử thì bài trên cho tại nhà quan phủ Vương Quang Kỳ nhà số 80 đường Lagrandière (sau đổi là Gia Long), vào ngày vía Đức Ngọc Hoàng 9/10-1-Bính Dần (20-2-1926), nghĩa là sau Noel 1925 gần hai tháng. Đạo Sử ghi rõ chính Ngài Chiêu xin Thượng Đế lấy tên mấy người đệ tử một bài thi kỷ niệm. Thượng Đế phán HƯỜN MINH MÂN sau sẽ rõ. Vậy bài thi có tên làm kỷ niệm cùng ngày với đàn cơ dạy ngày 20-2-1926 (09-1-Bính Dần).

Hơn hai tháng sau, ngày 26-4-1926 (15-03-Bính Dần) có cuộc Thiên phong đầu tiên trong ĐĐTKPĐ, tại cuộc Thiên phong đầu tiên không có Ngài Chiêu. Từ đó Ngài Chiêu không còn cộng tác với ĐĐTKPĐ, tính ra Ngài cộng tác khoản 4 tháng.

Tóm lại chữ Cái nhánh các con trong đàn cơ ngày 20-2-1926 (10-01-Bính Dần) có cả các vị tu theo pháp môn cộng tác với các vị Vọng Thiên Cầu Đạo để mở ĐĐTKPĐ.

Ai làm chủ Cái nhánh đó? Đức Ngọc Hoàng Thượng Đế, hay Trời tá danh Cao-Đài Tiên-Ông Đại-Bồ-Tát Ma-Ha-Tát làm chủ Cái nhánh đó khi Ngài đến giáo đạo tại Nam Phương.

Trong 11 chữ: … Cái nhánh các con là nhánh chính mình THẦY làm chủ, … xác định được số lượng Cái nhánh là một, tên Cái nhánh là ĐĐTKPĐ, các con bao gồm cả các vị pháp môn và Thầy làm chủ Cái nhánh ấy.

Khi đã xác định đúng câu: … Cái nhánh các con là nhánh chính mình THẦY làm chủ, … thì nó là khuôn thước để định vị những điều còn chưa rõ. Phải dùng điều đúng làm khuôn thước để định vị, soi sáng những lời dạy liên quan, có vậy mới không bị rơi trường hợp đưa ra những ý kiến trái ngược với những giá trị đã được nhìn nhận. Nói đơn giản là không viết câu sau đá câu trước hay đá phản lưới nhà.

Riêng 05 chữ sau các con sẽ hiểu có rất nhiều nghĩa (không định lượng được) nên xin phép không bàn đến trong bài nầy.

3/- Ý nghĩa căn bản là tọa độ gốc để định vị những ý nghĩa liên quan.

Khi xác định đúng ý nghĩa trong 11 chữ: … Cái nhánh các con là nhánh chính mình THẦY làm chủ, … thì đó là khuôn thước, là tọa độ gốc, nên những vấn đề liên quan phải dùng đó làm căn bản.

Thí dụ 1: Cũng trong bài trên Thầy dạy:

Bửu tòa thơi thới trổ thêm hoa,
Mấy nhánh rồi sau cũng một nhà.
Chung hiệp rán vun nền đạo-đức,
Bền lòng son sắt đến cùng ta.

Câu Mấy nhánh rồi sau cũng một nhà… thì Mấy nhánh là số nhiều trong khi chữ Cái nhánh là số ít. Nếu hiểu chữ Mấy nhánh trong câu 2 là dạy cho thời Tam-Kỳ Phổ-Độ (cho các con) là trái nghĩa với chữ Cái nhánh trong đã xác định. Gán câu Mấy nhánh rồi sau cũng một nhà là dạy cho các con trong Đại-Đạo Tam-Kỳ Phổ-Độ có nhiều nhánh là sai với nghĩa đã được xác định, là nghĩa sau đá nghĩa trước là đá phản lưới nhà. Đưa câu Mấy nhánh rồi sau cũng một nhà vào hệ thống ta sẽ hiểu là dạy cho thời Nhứt-Kỳ và Nhị-Kỳ Phổ-Độ (Một cội sanh ba nhánh in nhau). Thứ nữa trong Thánh ngôn Thầy dạy đứa chia phe phân phái là đứa thù nghịch cùng Thầy.

Thí dụ 2:

Chín Trời mười Phật cũng là Ta,
Truyền đạo chia ra nhánh nhóc ba.
Hiệp một chủ quyền tay nắm giữ,
Thánh, Tiên, Phật đạo cũng như nhà.

Đưa bài bài thi trên vào hệ thống ta định vị được có ba nhánh là ứng cho thời Nhứt-Kỳ và Nhị-Kỳ Phổ-Độ như đã trình bày.

III/- Đối chiếu để đi đến sự thật.

Đức Chí Tôn dạy 11 chữ: … Cái nhánh các con là nhánh chính mình THẦY làm chủ, … đã xác định duy nhất có một nhánh nên không có nhánh thứ hai, không có vấn đề nhánh chính, nhánh phụ. Đức Chí Tôn không dạy hai điều trái ngược nhau do vậy bất cứ lời dạy nào trái với nội dung trên đây trái với lời dạy của Đức Chí Tôn.

Ngày Khai Đạo tại Từ Lâm Tự ma quỷ còn dám nhập đàn, sau đó Đức Lý Giáo Tông từng cho ma quỷ lấy danh Tề Thiên Đại Thánh để thử thách bi trí dũng của môn đệ Đức Chí Tôn. Thầy hằng cho một lũ hổ lang ở chung lộn với chúng ta và hằng xúi nó cắn xé chúng ta, nhưng Thầy cho chúng ta một bộ thiết giáp mà chúng nó chẳng hề thấy đặng, ấy là đạo-đức. Đạo đức của một tổ chức tôn giáo thể hiện qua chánh lý, qua pháp luật của chính tôn giáo ấy. Cho nên đem chánh lý, đem pháp luật đạo, ra xét những điều còn mơ hồ là bi trí dũng của người tu. 

Ma quỷ đâu xưng là ma quỷ, nó phải mạo danh các Đấng cao trọng mới lừa gạt được; cho nên họ có viết là Đức Chí Tôn hay bất cứ một Đấng Thiêng Liêng nào về dạy thì người tu phải đưa vào hệ thống, lấy bi trí dũng để quán chiếu xem có đúng với chánh lý và pháp luật đạo hay không? Nếu thấy khác thì ta hiểu rằng ông Trời của họ khác với ông Trời của ĐĐTKPĐ. Hai ông Trời khác nhau thì niềm tin của ai nấy giữ cớ chi họ mượn danh Đại-Đạo Tam-Kỳ Phổ-Độ đề trên bìa sách? Hành vi mạo danh để lừa đảo kinh văn là âm mưu sang đoạt thành quả và diệt đạo.

1/- Cơ Quan Phổ Thông Giáo Lý soạn sách Lịch Sử Đạo Cao Đài (2015).

Mời xem ảnh chụp.



Năm 1964 Hội Thánh Cao Đài và các Chi ngồi lại để bàn luận viêc qui nhứt cơ đạo. Năm 1965 cộng sản Việt Nam sai điệp viên Nguyễn Quang Sanh (Trần Chí Thành) lập Cơ Quan Phổ Thông Giáo Lý 171B Cống Quỳnh để hoạt động thành và phá hoại Cơ qui nhứt của đạo. Năm 1967 có Đinh Văn Đệ là dân biểu Hạ Nghị Viện Đệ nhị cộng hòa cũng là điệp viên cao cấp của cộng sản, bí danh U4 gia nhập. Đinh Văn Đệ lấy hiệu Đạo Trưởng Thiên Vương Tinh lãnh đạo biên soạn sách Lịch Sử Đạo Cao Đài, tại trang 4 (Lời Giới Thiệu) gọi: Cái nhánh các con là nhánh chính mình THẦY làm chủ, … là nhánh 2.


2/- Ông Lữ Bảo Văn (Tạp Chí Liên Giao Hành Đạo, 2017).




Ông Lữ Bảo Văn nhận xét: … Rồi Thầy nói rõ ban sơ chỉ có một cội Cao Đài sau cội ấy sẽ thêm nhiều nhánh, sau sẽ có hoa thơm trái ngọt nhưng chung quy cũng hiệp lại một nhà. Điều này Thầy có ý dạy tuy phân ra nhiều nhánh nhưng chốt Cao Đài có một, cội Cao Đài có một. Không phải phân ra nhiều nhánh mà khác Đạo…. (hết trích).

Nhận xét: Thầy dạy lập Cái nhánh (số ít), một Đạo Cao Đài Ngọc Đế (cũng là số ít); ông Lữ Bảo Văn để mồ côi bài thi trên đây và phân tích dẫn đến cách hiểu chữ nhánh (số nhiều) không đúng với hệ thống, sai lệch ý nghĩa bài thi.

Nghiêm trọng hơn nữa là hô biến chữ nhánh trong câu: Mấy nhánh rồi sau cũng một nhà thành chi phái. Bởi vì nhánh có 3 nhánh Phật, Tiên, Nho, từ ba nhánh ấy mới có các chi phái. Các chi phái căn cứ vào câu trên để lý giải việc lập chi phái là vô lý, là hô biến chữ nhánh của Thầy dạy có nghĩa là chi phái. Đó là thao túng chữ nghĩa của Thầy dạy.

Sự hô biến chữ nhánh thành chi phái là sai với ý nghĩa và sai với nguyên lý thời Tam Kỳ Phổ Độ.

3/- Thông tin từ xã hội về pháp môn: Ban Tôn giáo chính phủ và báo chí.

3.1/- Ban Tôn Giáo Chính phủ cung cấp thông tin về nguồn gốc pháp môn:



3.2/- Báo chí: Ngày 26-4-2010 các hậu duệ của Ngài Ngô Văn Chiêu đã được nhà nước ban pháp nhân tại Tổ Đình Cần Thơ.

Báo Dân Trí viết: Pháp môn Cao Đài Chiếu Minh Tam Thanh Vô Vi được Đức Tôn Sư Ngô Minh Chiêu sáng lập tại Việt Nam vào khoảng năm 1926. Trước đó, Đức Tôn Sư thọ Đạo tại đảo Phú Quốc (Kiên Giang) ngày 8/2/1921. Báo viết Ngài Chiêu sáng lập đúng với Ban Tôn giáo nhưng về thời gian lập Pháp Môn có khác, nhưng đó là công việc của các vị Pháp Môn.

(Link: https://dantri.com.vn/xa-hoi/cong-nhan-phap-mon-cao-dai-chieu-minh-tam-thanh-vo-vi-1272544983.htm)

4/- Pháp môn độc lập với Đại-Đạo Tam-Kỳ Phổ-Độ.

Hội Đồng Pháp Môn Cao Đài Chiếu Minh xác định: Ngài Ngô nhất định không lãnh ngôi vị Giáo Tông để tiếp tục con đường tu luyện theo pháp môn "vô vi"

Link: http://www.tapchiliengiaocaodai.com/gioi-thieu/hoi-dong-phap-mon-cao-dai-chieu-minh

Trong sự tìm hiểu của Tôi thì khi sanh tiền Ngài không để lại văn bút nào giải thích việc tách ra khỏi ĐĐTKPĐ, sau khi Ngài mất các thế thế lực thù địch với Hội Thánh ĐĐTKPĐ đã lợi dụng uy tín của Ngài Chiêu để tạo ra lý thuyết về nhánh mà thôi. Đó là một chuỗi âm mưu. 

Xin mời xem bảng đối chiếu.


IV/- Lời Minh Thệ.

Tân luật Chương II. Điều thứ chín: Muốn xin nhập môn phải có hai người đạo đức tiến dẫn đến người làm đầu trong Họ. Hai người tiến dẫn phải lo lắng chỉ biểu và dìu dắt người mới cho hiểu biết đạo lý. (Hết trích).

Khi nhập môn phải minh thệ

: “Tên gì? ... Họ gì? ... Thề rằng: Từ đây biết một Đạo Cao-Đài Ngọc-Đế, chẳng đổi dạ đổi lòng, hiệp đồng Chư Môn-Đệ, gìn luật lệ Cao-Đài, như sau có lòng hai thì Thiên-tru, Địa-lục.”

Câu Từ đây biết một Đạo Cao-Đài Ngọc-Đế, ta thấy chữ một là số ít, một Đạo Cao Đài Ngọc Đế là số ít, cả câu là số ít nên là chỉ có một Đạo Cao Đài Ngọc Đế. Ngọc Đế là Thượng Đế, là Trời là Đức Chí Tôn dù gọi là gì thì cũng chỉ có một Đấng. Cả câu đó có nghĩa là Đức Ngọc Đế lập ra một Đạo Cao Đài. Ngọc Đế không lập hai Đạo Cao Đài, nếu có Đạo Cao Đài thứ hai thì đó không phải của Ngọc Đế lập.

Đối chiếu đoạn Cái nhánh các con là nhánh chính mình THẦY làm chủ với đoạn Từ đây biết một Đạo Cao-Đài Ngọc-Đế, ta thấy cả hai đều là số ít nghĩa là Cao Đài Ngọc Đế chỉ lập MỘT Đạo Cao Đài. Thể pháp của ĐĐTKPĐ là một hệ thống nhất quán, nên khi đưa một vấn đề vào hệ thống thì mọi việc sáng tỏ dần lên, không có một chi tiết nào mâu thuẫn với hệ thống. Đó là ý nghĩa của Nhất nguyên đa cực.

V/- Lời kết.

Do lòng tham lam vô đạo của những kẻ cầm quyền phân phát áo cơm đã dồn ép nhân loại vào cảnh núi xương sông máu làm cho Đại Từ Phụ, Đại Từ Mẫu và các Đấng thiêng liêng rất đau lòng. Do vậy Đại Từ Phụ lập ra ĐĐTKPĐ theo triết lý QUỐC ĐẠO để xây dựng một nền văn minh mới cho nhân loại.

Chánh giáo của Đại Từ Phụ có Cửu Trùng Đài cầm quyền hành chánh tôn giáo. Sau đó Đại Từ Phụ dạy lập ra Ba Hội Lập Quyền Vạn Linh để viết kịch bản cho Cửu Trùng Đài hành đạo. Đại Từ Phụ không cho Thánh thể của Ngài đi ăn xin nên dạy lập ra Phước Thiện để tạo tài chánh cho Thánh thể tự chủ khi hành đạo, Phước Thiện tạo những cơ sở lương điền, tiểu thủ công nghiệp, cho đến những xí nghiệp, công ty, ngân hàng … là những cơ sở kinh thương để con cái của Người nương tựa, nâng đỡ nhau trong cuộc sống. Đạo nâng người bình dân ít học thành người có hiểu biết, người nghèo khó có cuộc sống ấm no, an cư lạc nghiệp. Đạo dùng 05 phương án: gia cư, mưu sinh, giáo huấn, kiến thiết và tôn giáo để nâng cao dân đức, dân trí, dân sinh. Đạo hữu sản hóa con người cả về vật chất lẫn tinh thần làm cho DÂN MẠNH để xây dựng xã hội hòa bình, dân chủ, tự do.

Các tiền bối khai đạo, thế hệ cha mẹ, anh chị chúng ta tin vào chánh giáo nên phế đời hành đạo, tạo ra những thể pháp rực rỡ mà Châu Thành Thánh Địa là một chứng cứ hiển nhiên. Tài sản ấy đã làm cho nhiều thế lực vừa thèm muốn vừa ganh ghét nên tạo ra những cuộc sang đoạt từ tài sản hữu hình lẫn vô hình của đạo. Đánh tráo kinh văn để dầu độc tư tưởng là một thủ đoạn quỉ quyệt, cho nên hậu tấn phải học hỏi để giữ gìn bản sắc trong lành của đạo.

Thầy dạy: Các con phải chung hiệp nhau là lo cho hoàn toàn Tòa Thánh, chi chi cũng tại Tây Ninh đây mà thôi… (TNHT Q1, trang 78, bản in 1972). Nghĩa là Thầy đem cả kho chí bửu giao cho con cái của Ngài cầm giữ để xây dựng nền văn minh mới. Phật Mẫu Chơn Kinh dạy: Kỳ khai tạo nhứt Linh Đài, Diệt hình tà pháp cường khai Đại-Đồng. Nghĩa vụ của hậu tấn là nối bước tiền nhân cho nên phải cần mẫn học tập để làm rõ bản sắc trong lành của đạo. Thành thật cảm ơn quý vị đã mở diễn đàn và cho phép Tôi chia sẻ những bức xúc trong thời Hội Thánh bị cốt.

Nay kính.

Đạo Hữu Dương Xuân Lương.

(1)/- Nguyên văn bài Thánh Ngôn.

Trang 7.

 







Trang 8.


Trang 9

 

 


(hết).