Trang

Thứ Tư, 25 tháng 9, 2024

5415. VNTB – Tây Nguyên: Máu và nước mắt ( bài 8)

 

VNTB – Tây Nguyên: Máu và nước mắt ( bài 8)

Quang Nguyên

 

(VNTB) – Sau các cuộc biểu tình lớn ở Tây Nguyên vào các năm 2001 và 2004, chính quyền Việt Nam đã đưa ra các biện pháp đàn áp liên tục cộng đồng người Thượng dưới mọi hình thức

 

Bài 8: Đàn áp tiếp nối đàn áp


 https://vietnamthoibao.org/vntb-tay-nguyen-mau-va-nuoc-mat-bai-8/

Bài 1: Tây Nguyên và thú dữ.

Bài 2: Tây nguyên đang đi về đâu?

Bài 3: Buôn làng Tây Nguyên bị phá vỡ

Bài 4: Chính sách di dân tai hại lên Tây Nguyên

Bài 5: Người Thượng Tây Nguyên – Con Giun bị xéo mãi

Bài 6: Hai cuộc biểu tình 2001, 2004 tại Tây Nguyên

Bài 7: Đàn áp tự do tôn giáo tại Tây Nguyên

 

Sau các cuộc biểu tình lớn ở Tây Nguyên vào các năm 2001 và 2004, chính quyền Việt Nam đã có các biện pháp đàn áp cộng đồng người Thượng dưới mọi hình thức, lúc công khai dã man, lúc âm thầm nhỏ nhen, lúc tinh vi xảo quyệt. Đàn áp luôn xoay quanh vấn đề chính không thay đổi, tôn giáo, đất đai và nhân quyền.

1. Tôn giáo: Chính quyền Việt Nam thường xuyên bị các tổ chức nhân quyền chỉ trích vì kiểm soát tôn giáo chặt chẽ, đặc biệt đối với những người theo đạo Tin Lành và Công Giáo trong cộng đồng người Thượng. Các tổ chức như Human Rights Watch, Amnesty International đã báo cáo việc chính quyền đàn áp, giam giữ và ép buộc người Thượng từ bỏ tín ngưỡng, đặc biệt là tín đồ theo các hệ phái Tin Lành không được chính phủ công nhận.

2. Đất đai: Xung đột đất đai là yếu tố quan trọng dẫn đến sự bất mãn trong cộng đồng người Thượng. Kể từ sau 2 cuộc biểu tình 2001, 2004, chính quyền đẩy mạnh đưa dân miền Bắc và miền Trung lên Tây Nguyên, với âm mưu pha loãng dân tộc bản địa, chiếm thêm đất, phá thêm rừng làm gia tăng căng thẳng giữa người Thượng với chính phủ và những người di cư.

3. Đàn áp và phản ứng quốc tế: Các cuộc đàn áp người Thượng sau các cuộc biểu tình này đã bị quốc tế chú ý. Các tổ chức nhân quyền, và các tổ chức tôn giáo quốc tế đã nhiều lần lên tiếng phản đối những hành vi vi phạm nhân quyền của chính quyền Việt Nam đối với người Thượng. Báo cáo của các tổ chức này thường đề cập đến việc người Thượng bị bắt giữ tùy tiện, bị tra tấn, và bị từ chối quyền tị nạn khi họ cố gắng trốn sang Campuchia hoặc Thái Lan. Quốc tế đã lên tiếng qua các báo cáo của tổ chức BPSOS, GENOCIDE WATCH.. Montagnard Advocacy Groups. Các Ủy ban Tự do Tôn giáo Quốc tế Hoa Kỳ (USCIRF), và Nghị viện Châu Âu.. đã nhiều lần đưa vấn đề này vào nghị trình.

 

Thời kỳ đàn áp từ 2001 đến 2011

Sau các cuộc đàn áp năm 2001 và 2004, tình hình Tây Nguyên càng ngột ngạt. Các tín đồ Tin Lành vẫn bị giám sát chặt chẽ. Việt Nam tiếp tục bắt giữ, sách nhiễu, và cấm hoạt động tôn giáo tập thể trong cộng đồng Tin Lành người Thượng.

Nhiều tín đồ bị buộc phải từ bỏ niềm tin hoặc phải tham gia các hệ phái Tin Lành quốc doanh. Những người không chịu bỏ đạo thường bị chính quyền đàn áp như gọi lên đồn công an làm việc, giam giữ, hoặc buộc phải bỏ nhà ra đi.

Trong 10 năm từ 2001 đến 2011 việc chính quyền Việt Nam đàn áp các nhóm tôn giáo độc lập theo đạo Thiên chúa ở Tây Nguyên. Trong các cuộc đàn áp này, chính quyền đã xử dụng đến quân đội, các đơn vị công an tinh nhuệ truy lùng và bắt giữ các nhà hoạt động người Thượng đang ẩn náu và phong tỏa biên giới với Campuchia để bắt và ngăn chặn những người xin tị nạn chạy trốn.

Công an đã sử dụng vũ lực để giải tán các cuộc biểu tình phần lớn là ôn hòa, dẫn đến cái chết của tới tám người Thượng trong các cuộc biểu tình vào tháng 4 năm 2004 cũng như thương tích và tử vong của những người khác trong khi bị giam giữ. Vào nhiều thời điểm khác nhau, chính quyền hạn chế người dân đi lại, tụ tập và liên lạc điện thoại.

Cũng trong thời gian này, chính phủ đã khởi xướng một số cải cách gọi là ‘để giải quyết các khiếu nại của người Thượng, bao gồm các chương trình chính thức phân bổ đất cho các gia đình dân tộc bản địa, cải thiện cơ hội giáo dục và mang lại sự phát triển kinh tế cho khu vực nghèo đói này’, nhưng các cải cách này lại càng gây ra những bất công mới do sự bất tài, thiên vị và hiểu biết hạn chế của các quan chức và người thừa hành.

Các trò mỵ dân của chính quyền khó lòng lừa được người dân đã hoàn toàn mất tin tưởng vào nhà nước. Công an đến tận các buôn làng để theo dõi hoạt động của những người tình nghi và ngăn chặn những người trốn sang Campuchia dưới chiêu trò thực hiện các dự án công trình công cộng, hỗ trợ dân làm rẫy và dọn dẹp làng mạc. Công an cho phát triển mạng lưới cảm tình viên, đoàn viên, an ninh chìm trong cộng đồng người Thượng hầu phá vỡ đoàn kết và gieo rắc nghi ngờ, lo lắng khắp nơi.

 

Tháng 2 năm 2001:

Chính quyền điều xe tăng và công an tinh nhuệ  đến đàn áp các cuộc biểu tình lớn của người Thượng và bắt giữ hàng chục người tổ chức biểu tình. Sau đó, hạn chế nghiêm ngặt các cuộc tụ tập đông người, các buổi lễ của hội thánh và quyền tự do đi lại của người dân.

Tháng 3 năm 2001, hàng trăm quân của lực lượng vũ trang bao vây buôn Plei Lao, tỉnh Gia Lai lúc đêm khuya để ngăn cản một buổi cầu nguyện. Lực lượng an ninh đã bắn vào đám đông, giết chết một người. Sau đó, họ đốt cháy nhà thờ.

Một người dân làng cho biết  đầu tiên công ra lệnh cho người Việt mặc thường phục lục soát và đập phá nhà thờ bằng búa, rìu. rồi cho xe kéo đổ nhà thờ, rồi  bắtngười Jarai đốt nhà thờ. 

 

Tháng 4 năm 2001:

Chính quyền cho bố trí 13 trung đoàn bộ binh tại các “khu vực phòng thủ kinh tế” ở Đắk Lắk và tỉnh Bình Phước giáp biên giới Campuchia. Kế hoạch này cho gần 100.000 bộ đội, dân quân và gia đình đến khu vực này sinh sống.  230.000 ha đất được khai hoang để trồng cao su, điều, cà phê và tiêu.

 

Tháng 5 năm 2001:

Chính quyền tổ chức “lễ ăn thề uống máu dê” tại hàng chục ngôi làng ở Tây Nguyên. Người đã tham gia cuộc biểu tình vào tháng 2 năm 2001 bị buộc phải đứng trước người dân trong buôn và chính quyền địa phương để nhận sai, chấm dứt mọi liên lạc với các nhóm bên ngoài và từ bỏ tôn giáo. Người dân bị buộc phải uống rượu gạo pha với máu dê để giữ lời thề

Một người dân vẫn còn hoảng loạn cho biết bị buộc uống máu dê  nhưng lại không có thấy con dê nào. Họ cũng không biết máu đó lấy từ đâu ra, cũng không biết đó là máu gà hay máu chó. Nếu không uống, thì sẽ bị đánh, mà uống thì sợ bị bệnh sau này. 

 

Tháng 2 năm 2002:

 Thêm 2.300 quân được đưa tới các tỉnh Gia Lai, Đắk Lắk và Kon Tum,  cán bộ đảng được cử đến các “điểm nóng” và vùng sâu vùng xa để giúp duy trì trật tự.

 

Tháng 8-tháng 9 năm 2002:

Công an thắt chặt an ninh và bắt giữ gần 70 người Thượng ở các tỉnh Gia Lai, Đắk Lắk và Phú Yên nhằm đàn áp các cuộc biểu tình của người Thượng được cho là đã lên kế hoạch ở huyện Mdrak của Đắk Lắk và thành phố Buôn Ma Thuột.

“Chúng tôi đã bắt giữ tất cả những người biểu tình. Không ai có thể trốn thoát”, một chỉ huy công an ở Đắk Lắk nói với các phóng viên.

 

Tháng 10-tháng 12 năm 2002:

Hơn 600 đội quân “phản ứng nhanh” được điều động đến vùng cao nguyên. Chính quyền tăng cường các chiến dịch tuyên truyền chống lại “các thế lực thù địch” ở vùng cao, đỉnh điểm là chỉ thị của Đảng vào tháng 10 năm 2002 nêu rõ những việc muốn xóa bỏ “Tin Lành Dega”. Phương tiện truyền thông nhà nước đưa tin về các buổi lễ được tổ chức chính thức, trong đó những người Thượng theo đạo Thiên Chúa “tự nguyện” từ bỏ tôn giáo được phát sóng trên đài truyền hình tỉnh Đắk Lắk có tên “Giải tán Hội đồng Chấp sự Tin lành Tự bầu bất hợp pháp” hay “Những chấp sự Tin lành Tự bầu bất hợp pháp Tự nguyện giải tán”.

Vào tháng 11, nhà nước cho hay hơn 2.700 tín đồ Thiên chúa giáo đã cắt đứt quan hệ với “những phần tử xấu lợi dụng các vấn đề tôn giáo để gieo rắc chia rẽ trong sự đoàn kết dân tộc”, hàng chục người theo đạo Tin lành đã thú nhận đã rao giảng bất hợp pháp và 37 “chi bộ” tôn giáo đã bị giải tán. 

 

Tháng 2 năm 2003:

Chính quyền Tây Nguyên được chỉ thị “xóa bỏ mọi tổ chức tôn giáo bất hợp pháp” và tổ chức các buổi lễ “Tuyên thệ”. Tại các buổi tuyên thệ,  người Thượng phải công khai thề trung thành với chính phủ và đảng cũng như từ bỏ “Tin lành Dega”.

Để thực thi các chỉ thị mới, công an đã cho bắt giữ một loạt những người Thượng theo đạo Thiên chúa và những người hoạt động.

 

Tháng 1 năm 2004:

Chính quyền tăng cường đàn áp người Thượng, với Cảnh sát cơ động, có khi cả cảnh khuyển để bắt giữ người bị tình nghi ủng hộ phong trào nhà thờ Dega. Sau khi phong tỏa cả một buôn, lực lượng an ninh lục soát nhà của những người dân bị tình nghi ẩn náu hoặc cho người khác ăn. Công an cho phá nhà cửa và đánh đập người dân trong khi thẩm vấn. Sau đó, cho truy lùng những người còn đang ẩn náu trong rừng quanh đó.

 

Tháng 7 năm 2004:

Cuộc biều tình vào tháng 4 năm 2024 bị chính phủ đàn áp rất thảm khốc.

Cục An ninh Tây Nguyên được thành lập sau một hội nghị toàn quốc về an ninh ở vùng cao nguyên do Phó Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng chủ trì. Các đơn vị công an tinh nhuệ, như PA43, các đơn vị thuộc Đội an ninh chính trị VI, Cảnh sát cơ động và “Lực lượng đặc nhiệm” được điều động đến khu vực này để hỗ trợ công an tỉnh và huyện. Công an ngăn chặn các cuộc biểu tình tiếp theo, cho truy quét các nhà hoạt động người Thượng ẩn náu, ngăn chặn dòng người xin tị nạn vào Campuchia và chấm dứt các nhóm bị cáo buộc lợi dụng các vấn đề dân tộc và tôn giáo để kích động bất ổn xã hội.

 

Cuối năm 2004—Đầu năm 2005:

Cảnh sát tập trung bắt giữ “lính FULRO phản động” ở các huyện Đăk Đoa và Chư Sê tỉnh Gia Lai. Truyền thông nhà nước đưa tin 147 người đã bị bắt vào cuối năm 2004, trong đó có  “kẻ cầm đầu” chủ chốt Kpa Hung bị trúng đạn  và sau đó bị tuyên án tù 12 năm.

 

Tháng 3 năm 2005:

Chính quyền đẩy mạnh đàn áp, bắt giam những người Thượng theo đạo Thiên Chúa, bắt buộc người Thượng bỏ đạo sau khi ban hành luật yêu cầu tất cả các nhóm tôn giáo phải đăng ký chính thức.

Nghị định 22, ban hành vào tháng 3 năm 2005, cấm mọi hoạt động tôn giáo bị coi là đe dọa đến an ninh quốc gia, trật tự công cộng hoặc đoàn kết dân tộc. Chỉ thị số 1, do Thủ tướng ban hành vào tháng 2 năm 2005, đặc biệt cấm Tin lành Dega.

Các quy định mới cho phép các cơ quan chức năng và công an bắt giữ hoặc buộc người Thượng phải từ bỏ đức tin nếu là tín đồ của các nhóm tôn giáo hoạt động độc lập, không chịu gia nhập Giáo hội Tin lành miền Nam Việt Nam.

 

Tháng 11 năm 2005:

Công bố kế hoạch đưa 2.000 gia đình từ miền Bắc Việt Nam đến sống và làm việc tại các “Khu kinh tế – quốc phòng” ở các tỉnh Kon Tum và Gia Lai gần biên giới Campuchia.

Thủ tướng Chính phủ cũng phê duyệt kế hoạch đưa 400 “trí thức trẻ” và đoàn viên Đoàn Thanh niên Cộng sản đến các Khu kinh tế – quốc phòng này trong nhiệm kỳ hai năm để “tăng cường phát triển kinh tế – xã hội và củng cố quốc phòng” trong khu vực.

 

Tháng 4 năm 2006 – Tháng 7 năm 2009:

Lực lượng PA43 và công an tỉnh phát động “chiến dịch 1.200 ngày” tập trung vào việc bắt giữ “bọn FULRO phản động” và “Tin lành Dega” ở huyện Chư Sê, Gia Lai.

 

Giữa năm 2006: 

Chính phủ bắt đầu triển khai kế hoạch 01 CA-QS đưa công an tỉnh, huyện và quân đội vào ba huyện biên giới Gia Lai và các đồn điền cao su nằm trong đó để đảm bảo ổn định chính trị, an ninh quốc gia và quốc phòng.

Mục tiêu của kế hoạch 01 CA-QS là: a) đảm bảo an ninh quốc gia và quốc phòng (cả an ninh chính trị và an ninh đồn điền cao su); b) xóa bỏ FULRO và ngăn chặn tình trạng trốn sang Campuchia; c) vận động quần chúng giao nộp những kẻ phản động; và d) ngăn chặn tội phạm, đặc biệt là buôn lậu cao su bất hợp pháp.

 

Tháng 8 năm 2006:

Lực lượng đặc nhiệm thuộc Tiểu đoàn E20  Cảnh sát cơ động Tây Nguyên, phối hợp với các đơn vị PA43 và cảnh sát huyện và tỉnh truy lùng và trấn áp những “kẻ cầm đầu” FULRO tại Gia Lai.

 

Tháng 1 năm 2007:

Người Thượng bị đàn áp, cướp mất đất phải bỏ chạy đến các vùng tiếp cận biên giới Campuchia-Lào-Việt vẫn bị chính phủ áp sát, kiểm soát gắt gao.

Nhà nước công bố kế hoạch xây dựng các buôn làng mới ở các khu vực biên giới và  khu vực có thu nhập thấp trong bốn tỉnh Tây Nguyên, dành cho những người trẻ tuổi đến từ các vùng khác để “duy trì vai trò tiên phong của thanh niên trong phát triển kinh tế xã hội”.

 

Tháng 4 năm 2007-Tháng 6 năm 2010:

Nhằm thanh toán sạch những nhóm tôn giáo độc lập, lực lượng an ninh phát động chiến dịch tấn công  các nhà hoạt động của những giáo hội Tin Lành người Thượng ở huyện Chư Sê, Gia Lai trong ba năm.

 

Tháng 5 năm 2010:

Các quan chức, truyền thông địa phương và trung ương phát động các chiến dịch tuyên truyền và chỉ trích công khai giáo phái Công giáo Hà Mòn ở các tỉnh Kon Tum, Gia Lai và Đắk Lắk.

 

Tháng 6 năm 2010: 

An ninh biên giới được tăng cường, các vụ bắt giữ và các buổi lễ thề từ bỏ tôn giáo phản động bắt buộc diễn ra ở Gia Lai, được cho là để ứng phó với tình trạng bất ổn ở các rẫy cao su tại huyện Chư Prông.

___________________________

Tham Khảo

(*) https://www.amnesty.org/en/documents/ASA41/005/2004/en/

https://www.hrw.org/reports/2006/vietnam0606/1.htm

https://unpo.org/?s=vietnam+highland

https://unpo.org/unpo-and-montagnards-community-report-land-confiscation-and-injustice-against-kho-indigenous-people-in-kren-hamlet-lam-dong-province-vietnam/

https://www.hrw.org/news/2002/04/23/vietnams-repression-montagnards

https://vass.gov.vn/nghien-cuu-khoa-hoc-xa-hoi-va-nhan-van/Cong-dong-tin-lanh-tai-Viet-Nam-voi-viec-thuc-thi-chinh-sach-phap-luat-ve-binh-dang-ton-giao-208

Mục sư Thái Phước Trường (2011), Hội Thánh Tin Lành Việt Nam 100 năm hình thành và phát triển, Lưu hành nội bộ, Tp. Hồ Chí Minh, tr. 102.