VNTB – Tây Nguyên: Nước mắt và Máu (bài 2)
Quang Nguyên
(VNTB) – “Rừng còn không? Suối còn không? Nhà sàn còn không? Nhà rông còn không? Nhà rông [có cái mới cất] được gọi thế nhưng mái tôn, vách xi măng bà con có thích vào đấy đâu”
Bài 2: Tây nguyên đang đi về đâu?
https://vietnamthoibao.org/vntb-tay-nguyen-nuoc-mat-va-mau-bai-2/
Mất dần lịch sử, văn hóa, người Thượng Tây Nguyên trên bờ vong bản
Tây Nguyên, một vùng lãnh thổ chiến lược, từng là đất nước của những người hiền hòa, đang phải đối mặt với thách thức và suy thoái nghiêm trọng trên nhiều phương diện, từ kinh tế, môi trường cho đến xã hội và văn hóa. Nguyên nhân của sự suy thoái phức tạp và đa chiều này do chính sách cai trị muốn định hình vùng đất này theo ý chí của chính quyền Việt Nam.
Nhà nước Việt Nam từ nhiều thập niên qua đã khuyến khích các chương trình di dân kinh tế từ các vùng đồng bằng lên Tây Nguyên (TN). Một mặt nhà cần quyền muốn khai thác vùng đất phù trú này, mặt khác lại muốn dân tộc bản địa bị pha loãng trong chính quê hương họ. Trên vùng đất phù trú chiếm 17% diện tích cả nước, người Thượng chỉ còn chiếm hơn 26%, người Kinh chiếm 65,%, các dân tộc khác chiếm 8%.
Trước năm 1975, dân số vùng này chưa đến 1 triệu người, hiện nay đã hơn 5 triệu. Vì vậy đã làm tăng suy thoái môi trường và xung đột văn hóa, dân tộc. Hơn thế nữa, bởi vì sự kỳ thị, nghi ngờ nên chính quyền đã can thiệp thô bạo vào đời sống văn hóa và tôn giáo của các dân tộc bản địa. Người Thượng rốt cuộc bị gạt ra ngoài lề, trở thành công dân hạng hai và bị ngược đãi trên chính quê hương của mình.
Người Thượng có truyền thống văn hóa, ngôn ngữ, và phong tục riêng. Việc người kinh và các dân tộc khác chiếm tuyệt đại đa số và các chính sách của chính phủ đặt ra làm mai một những giá trị đáng tôn trọng và bảo trì của người Thượng. Điều này đã dẫn đến việc người Thượng bị tước mất bản sắc văn hóa. Người kinh “thực dân”với sự khôn lanh sẵn có, với sự trợ lực của nhà cầm quyền đã ép mua, lấn chiếm đất đai, và gây nên tình trạng cách biệt kinh tế giữa người Kinh và người Thượng.
Các công ty của chính phủ chiếm đất, chiếm nguồn nước đẩy người Thượng vào rừng sâu tìm đất sống nếu không muốn làm công cho những chủ nhân mới. Người Thượng ở Tây Nguyên dưới thời chính phủ mới phải chịu bất công nhiều hơn, nặng nề hơn so với thời thực dân Pháp cai trị.
Xóa bỏ lịch sử văn hóa, đồng hóa người Tây Nguyên
Lịch sử và Văn hóa truyền thống của các dân tộc bản địa đang dần bị chôn vùi do các chính sách lúc thì dã man, lúc thì quỷ quyệt, nhẹ nhàng của chính quyền.
Người Thượng Tây Nguyên vốn không có văn tự. Lịch sử, văn chương của họ được truyền miệng qua những lời kể “Khan”, kể “Kutt’. Sử thi của các dân tộc TN ngoài các câu chuyện về phong tục, tập quán, đạo đức, tình yêu lứa đôi, với môi trường, với muông thú, rừng, suối, tín ngưỡng còn là lịch-sử-nói về những biến cố của dân tộc, chiến công của các anh hùng bảo vệ buôn làng, chống lại thế lực ngoại xâm, giữ độc lập tự chủ và tự do cho bộ lạc.
Sử thi giữ gìn cái gốc dân tộc, là di sản văn hóa, là giá trị tinh thần vô cùng quý giá của dân tộc bản địa TN. Người kể, lẫn người nghe đắm mình hòa vào nhịp thở, nhịp tim của dân tộc, cùng các thần linh, anh hùng dân tộc gắn kết với nhau. Những bản “tuyên ngôn độc lập” đoàn kết dân tộc được nhắc lại. Sử thi mất, lịch sử văn hóa của người Thượng cũng mất.
Sau năm 1975, lấy cớ đẩy mạnh nỗ lực xây dựng quốc gia thống nhất và loại bỏ “ văn hóa đồi trụy”, “chia rẽ dân tộc”, chính quyền Việt Nam không muốn người Thượng nhắc hậu duệ về những con người kỳ vĩ, những anh hùng của dân tộc, vì tự do, độc lập từng khởi nghĩa đấu tranh chống ngoại xâm là niềm tự hào của cộng đồng và được nhân dân tôn kính.
Chính quyền Việt Nam có thời cấm đoán, đánh phá không thương tiếc, và cấm hẳn việc tụ tập đọc và nghe, giữ sử thi trong nhà, xem đó như một thứ nhạc vàng, tuyên truyền phản động. Chính quyền cho đánh phá, thiêu hủy sách vở tài liệu lịch sử của dân miền Nam thế nào thì họ cũng thi hành những chính sách nghiệt ngã và xuẩn ngốc như vậy đối với TN.
Những năm 90 cuối thế kỷ trước, tưởng chừng chính sách xóa bỏ lịch sử người Thượng đã chấm dứt, chính phủ cho phép sưu tập, in ấn một số bài sử thi. Sách in thật đẹp bìa cứng, nhưng chỉ vài trăm cuốn, được vài người mua về trưng trong tủ hay xếp trên kệ cho đẹp.
Những bài sử thi được in lại chỉ nhắc đến những anh hùng kiểu Thạch Sanh Lý Thông của người Miên, người Kinh hay chuyện tình yêu đôi lứa, rừng rú, thậm chí tệ hơn, xuyên tạc hơn bằng những câu chuyện tuyên giáo mới sáng tác như về buôn làng đổi mới(!)
Sử thi TN từng được một số tổ chức quốc tế quan tâm, vực dậy. Vài dự án bảo vệ sử thi như của Hội Đồng Anh, The British Council, nhưng hết tiền trợ cấp là xong tất cả không còn đọng lại chút dư âm.
Thản hoặc, có vài hội thảo về sử thi TN như Hội nghị sơ kết đề tài sử thi TN 2022, xong hội thảo, tiêu xong tiền trợ cấp, là xong. Năm 2007 dự án sưu tầm, xuất bản ‘làm sống lại’ sử thi kết thúc, nguồn cảm hứng của những người từng kể sử thi vừa sống lại đã chết theo luôn.
Một vài nhà nghiên cứu trong nước về TN tỏ ra đau xót về sự tan biến dần sử thi, mất toàn bộ các câu chuyện quan trọng trong sử thi. Nhưng họ chỉ dám nói về sự mất mát văn hóa mà hoàn toàn né tránh, không dám nói là lịch sử dân TN đã bị cố ý xóa bỏ.
Bà Linh Nga Niê Kdam, một nhà nghiên cứu sử thi nói gay gắt nhưng đau xót:
“Rừng còn không? Suối còn không? Nhà sàn còn không? Nhà rông còn không? Nhà rông [có cái mới cất] được gọi thế nhưng mái tôn, vách xi măng bà con có thích vào đấy đâu”(*)
Ngay cả nông lịch của Thượng cũng bị xóa bỏ. Chính quyền phổ biến nông lịch mới,trong đó không có nói tới thời gian nông nhàn với hội hè, lễ lạy của người dân.
Còn đâu bến nước, nhà rông, nhà dài, còn đâu rừng, không gian sâu lắng những người ngồi chung quanh lửa hồng nghe kể Khan, u mặc với giòng lịch sử của dân tộc, còn đâu tình cảm từ sâu thẳm tâm hồn nhớ lại các trang sử oai hùng và tình đoàn kết dân tộc.
Lớp già kể Khan phần lớn đã về với rừng, thể phách trao gửi cho mênh mông đại ngàn. Một số “nghệ nhân” mới qua các lớp huấn luyện là đảng viên, đoàn viên vô thần không giữ tín ngưỡng đa thần, rừng, nước, lửa, không thể truyền tải tình cảm hòa sử thi cần có, không có hứng khởi tâm linh, chỉ có thể đọc sử thi như máy.
E dè văn hóa cồng chiêng và lịch sử đấu tranh của Tây Nguyên
Cồng chiêng không chỉ là một phần quan trọng của đời sống văn hóa các dân tộc thiểu số ở Tây Nguyên mà còn gắn bó mật thiết với lịch sử và sự phát triển của vùng đất này. Cồng chiêng, một loại nhạc cụ có từ hàng trăm, ngàn năm trước, nằm trong lịch sử các dân tộc bản địa, gắn liền với những nghi lễ truyền thống, lễ hội, và các sự kiện xã hội quan trọng.
Cồng chiêng cũng là biểu tượng của tâm linh và kết nối cộng đồng mang tính thiêng liêng và gắn liền với dòng chảy và số phận của dân tộc. Trong suốt lịch sử chống lại các thế lực bên ngoài, gồm cả các cuộc nổi dậy của dân tộc thiểu số như N’Trang Long hay phong trào FULRO, tiếng cồng, tiếng chiêng như một phương tiện cổ vũ tinh thần chiến đấu, chống áp bức, quyết tâm bảo vệ lãnh thổ Tây Nguyên trước sự xâm lấn từ bên ngoài.
Không thể thiếu sự hợp nhất của nhiều người để làm cồng chiêng lên tiếng. Khi Tây Nguyên bị chính quyền kiểm soát, âm thanh và cồng chiêng chỉ còn được trân trọng giữ gìn trong các nhà thờ công giáo. Giáo hội này quan niệm “Giáo Hội cần tiếp xúc với những nền văn hóa khác nhau và thực hiện tiến trình hội nhập văn hóa”. Tuy nhiên, do hội nhập tôn giáo, cồng chiêng có phần bị thay đổi
Mất dần không gian lễ hội, không còn là phần của các nghi lễ tín ngưỡng bản địa như trước đây, đến nay đánh cồng chiêng chỉ còn lấy tiền biểu diễn cho khách du lịch như đánh phèng la, phục vụ quan chức và khách du lịch.
Văn hóa cồng chiêng bị thương mại hóa không còn giữ được bản chất thiêng liêng và truyền thống, trở nên xa lạ với người dân bản địa và giảm bớt giá trị trong cộng đồng.
Chương trình giảng dạy trong trường học chưa thực sự phản ánh đầy đủ lịch sử dân tộc bản địa
Hệ thống giáo dục hiện tại ở Việt Nam sử dụng một chương trình phổ thông thống nhất toàn quốc. Lịch sử là môn học bắt buộc “quán triệt đường lối, quan điểm của Đảng và Nhà nước;”. Học sinh dân tộc bản địa Tây Nguyên cũng học lịch sử của Việt Nam theo chuẩn chung, nhưng lại thiếu sự tập trung vào lịch sử, văn hóa và di sản của các dân tộc bản địa trong vùng.
Mặc dù đã có một số cải tiến đưa thêm nội dung liên quan đến các dân tộc thiểu số vào chương trình giảng dạy, nhưng các tài liệu và nội dung này vẫn còn rất hạn chế. Lịch sử, truyền thống và những cuộc đấu tranh của các dân tộc thiểu số Tây Nguyên như Êđê, Ba Na, Gia Rai, M’nông… thường chỉ được đề cập một cách ngắn gọn và không được đào sâu, trong khi đó lịch sử đề cao ĐCSVN và các anh hùng Việt Nam.
Phải công tâm nói, một số tỉnh ở Tây Nguyên đã bắt đầu triển khai các chương trình giáo dục địa phương, trong đó gồm các môn học về lịch sử, văn hóa và phong tục của dân tộc thiểu số bản địa. Tuy nhiên, việc thêm vào chương trình này vẫn chưa phổ biến và chưa được áp dụng một cách hệ thống trên toàn khu vực; kết quả vẫn là một thực trạng đáng buồn. Học sinh bản địa học trường người kinh vài năm không còn biết đến lịch sử dân tộc, quên cả tiếng mẹ đẻ và chữ viết của dân tộc mình.
Hệ quả tiêu cực về sử thi Tây Nguyên, văn hóa cồng chiêng, và các giá trị văn hóa bản địa khác được trình bày sơ lược trên là những lo ngại về vong bản trong cộng đồng người Tây Nguyên. Thế hệ trẻ sẽ không còn hiểu rõ về lịch sử và văn hóa của chính mình. Người dân bản địa nói chung, đặc biệt giới trẻ đã và đang mất dần khả năng hiểu, tự hào về nguồn gốc của mình.
Văn hóa cồng chiêng và các sử thi như Đam San hay Xinh Nhã vốn là biểu tượng của sự kết nối với quá khứ và các thế hệ đi trước, nay những giá trị này không được duy trì, truyền dạy, thế hệ sau sẽ khó hiểu được bản sắc của mình và dân tộc, dẫn đến cảm giác xa lạ với di sản văn hóa, bị cuốn hút bởi những giá trị mới ngoại xâm mà không hiểu rõ về di sản của dân tộc mình.
Giới trẻ đi đến tình trạng mất gốc. Họ sẽ xa lánh hoặc cảm thấy xấu hổ về di sản bản địa của mình, dần đến việc từ bỏ các giá trị văn hóa truyền thống. Nếu không có sự tự hào và kết nối với lịch sử văn hóa, bản sắc dân tộc và chính dân tộc có thể dần dần biến mất.
Khi không được học hoặc không có sự nhận thức đầy đủ về văn hóa bản địa, học sinh dễ mất đi niềm tự hào về dân tộc mình, làm yếu đi sự đoàn kết và tinh thần cộng đồng, dẫn đến việc người dân Tây Nguyên cảm thấy bị cô lập hoặc lạc lõng trong chính xã hội của mình. Từ đó sẽ nảy sinh bất mãn hoặc xung đột văn hóa giữa các thế hệ hoặc giữa cộng đồng dân tộc bản địa với các nhóm khác trong xã hội.
Sử thi, cồng chiêng, và các yếu tố văn hóa bản địa khác không được truyền lại qua hệ thống giáo dục, các truyền thống này có nguy cơ bị biến mất vĩnh viễn. Lịch sử dân tộc, văn hóa cồng chiêng và các lễ hội truyền thống từng là phần cốt lõi của đời sống cộng đồng Tây Nguyên không còn được thực hành và truyền dạy, chúng có thể chỉ tồn tại như một phần của ký ức, không còn hiện diện sống động trong đời sống hiện đại. Tây Nguyên sẽ đi về đâu?
Bài 3: Tan vỡ buôn làng Tây Nguyên.
(*)https://www.youtube.com/watch?v=GUtiyQxcdB0&t=113s (phút 14:59)