'Chưa có quyết định dỡ bỏ lệnh cấm bán vũ
khí cho Việt Nam'
10.05.2016. VOA.
Trợ lý Ngoại trưởng Mỹ Daniel Russel nói tại một cuộc
họp báo tại Hà Nội ngày 10/5 rằng “chưa có quyết định nào” về lệnh cấm bán vũ
khí sát thương cho Việt Nam.
Trợ lý Ngoại trưởng Mỹ Daniel Russel.
Tuy nhiên, vị trợ lý ngoại trưởng đặc trách Đông
Á-Thái Bình Dương nói lệnh cấm vốn đã được áp đặt trong nhiều thập kỷ vẫn được
xem xét định kỳ. Ông Russel nói Mỹ đã dỡ bỏ một phần lệnh cấm này đối với Việt
Nam trong năm 2014 để Việt Nam mua một số mặt hàng quốc phòng giúp bảo vệ vùng
ven biển và mặt biển. Ông nhận xét rằng việc dỡ bỏ một phần thể hiện quan hệ an
ninh-quốc phòng chiến lược đang tăng lên giữa hai nước.
Trợ lý Ngoại trưởng Russel lưu ý rằng Mỹ đã nói rõ hồi
năm 2014 và hiện nay vẫn duy trì quan điểm rằng để đưa ra quyết định về lệnh
cấm bán vũ khí, Mỹ xem xét các tiến bộ Việt Nam đạt được trong các vấn đề nhân
quyền quan trọng.
Ông nói: “Chúng tôi đã nói rõ ở thời điểm đó và điều
đó vẫn đúng ở thời điểm này, đó là một trong những yếu tố quan trọng có thể dẫn
đến dỡ bỏ lệnh cấm là tiếp tục đà tiến trong việc Việt Nam đạt các tiêu chuẩn
nhân quyền phổ quát cũng như đạt tiến bộ trong các cải cách tư pháp quan trọng.
Với sự phát triển của Quan hệ Đối tác Chiến lược, chúng tôi sẽ xem xét vấn đề
này một cách nghiêm túc”.
Việt Nam trong mấy năm gần đây nhiều lần kêu gọi Mỹ
xem xét dỡ bỏ hoàn toàn lệnh cấm bán vũ khí sát thương. Việt Nam coi đó là biểu
hiện về mối quan hệ hoàn toàn bình thường hóa giữa hai nước.
Hồi cuối tháng Tư, tại Austin, Texas, Đại sứ Việt Nam
tại Mỹ Phạm Quang Vinh đã phát biểu tại một hội thảo về Chiến tranh Việt Nam
rằng: “Việt Nam kêu gọi Mỹ dỡ bỏ hoàn toàn lệnh cấm vận vũ khí sát thương, và
tin rằng rào cản của quá khứ này nên được dỡ bỏ nhằm chứng tỏ sự bình thường
hóa quan hệ toàn diện giữa hai nước bắt đầu hai thập kỷ trước, và mối quan hệ
đối tác toàn diện diện nay”.
Ông Murray Hiebert, chuyên gia về khu vực thuộc Trung
tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế, nói với VOA hôm 9/5 rằng ngay cả khi lệnh
cấm được dỡ bỏ “điều đó không có nghĩa là Việt Nam có thể thực sự và sẽ được
cho phép mua những mặt hàng cụ thể”. Ông nói Mỹ vẫn có thể từ chối các hồ sơ
mua những vũ khí cụ thể nếu có những vi phạm nhân quyền nghiêm trọng.
Lời kêu gọi của Việt Nam về dỡ bỏ lệnh cấm xuất hiện
trong bối cảnh căng thẳng gia tăng vì tranh chấp với Trung Quốc ở Biển Đông.
Tại cuộc họp báo hôm 10/5, Trợ lý Ngoại trưởng Mỹ
Russel nói tình hình Biển Đông là mối quan tâm lớn của tất cả các nước, không
chỉ đối với các nước có tuyên bố chủ quyền trong vùng biển này như Việt Nam,
Philippines hay Malaysia mà còn là mối quan tâm của các nước khác trong khu vực
và cộng đồng quốc tế.
"Không chỉ là vấn đề một hòn đảo thuộc sở hữu của
ai mà vấn đề là cách hành xử như thế nào trong vùng biển quốc tế và đây là mối
quan tâm của toàn thế giới", ông Russel nói.
Ông Russel nhấn mạnh nhiều quốc gia đã bày tỏ quan
ngại về các hành động của Trung Quốc trong việc cải tạo các thực thể, xây dựng
quy mô lớn và quân sự hóa các tiền đồn ở Biển Đông.
Nhà ngoại giao Mỹ nhắc lại Mỹ không đứng về phía nước
nào trong số các nước tuyên bố chủ quyền, và Mỹ đứng về phía luật pháp quốc tế.
Ông khẳng định các chuyến tuần tra tự do hàng hải của Hải quân Mỹ được thực
hiện theo luật pháp quốc tế. “Đây là quyền của không chỉ Mỹ mà còn của tất cả
các nước khác," Trợ lý Ngoại trưởng Mỹ nói như vậy và bổ sung rằng “Mỹ
không có tuyên bố chủ quyền, cũng như không có ý định chiếm đảo của ai cả, mà
chỉ muốn làm 2 điều: đó là đảm bảo quyền tự do đi lại cho tất cả các bên liên
quan, và đảm bảo quyền và luật pháp quốc tế không bị xói mòn”.
Cũng tại cuộc họp báo, vị trợ lý ngoại trưởng Mỹ đã
nêu ra 5 nội dung trọng tâm trong chuyến thăm Việt Nam sắp tới của Tổng thống
Obama.
Đó là Mỹ nhắc lại sự quan tâm đối với "một nước
Việt Nam mạnh mẽ, an toàn, thịnh vượng, độc lập, tôn trọng quyền con người và
pháp quyền", quan hệ hai nước là một phần quan trọng của chiến lược tái
cân bằng của Mỹ ở châu Á-Thái Bình Dương, Mỹ hỗ trợ Việt Nam triển khai Hiệp
định Đối tác Xuyên Thái Bình Dương hiệu quả cũng như tiếp tục tăng cường hợp
tác quốc phòng giữa hai nước. Hai là đẩy mạnh quan hệ nhân dân, nhất là giữa
thế hệ trẻ. Ba là hợp tác đối phó với các thách thức khu vực và toàn cầu như
biến đổi khí hậu, cũng như thúc đẩy trật tự pháp quyền trong giải quyết các
căng thẳng đang gia tăng trên Biển Đông. Bốn là giải quyết các vấn đề do chiến
tranh để lại qua các hoạt động rà phá bom mìn, tìm kiếm và hồi hương người Mỹ
mất tích trong chiến tranh, xử lý ô nhiễm dioxin. Năm là ủng hộ và thúc đẩy
nhân quyền và cải cách tư pháp ở Việt Nam.
Về ngày và các chi tiết khác của chuyến thăm, ông
Russel cho hay Tòa Bạch Ốc và chính phủ Việt Nam sẽ công bố. Ông Obama dự kiến
sẽ gặp gỡ lãnh đạo chính phủ Việt Nam, đại diện các doanh nghiệp, các tầng lớp
xã hội và đặc biệt là giới trẻ.