Gia Minh, PGĐ Ban Việt Ngữ RFA
2016-05-27.
2016-05-27.
Cô Nancy Nguyễn, một người trẻ lên tiếng cho dân chủ- nhân quyền
trong nước, vừa qua về Việt Nam bị an ninh bắt đi mất tích 6 ngày.
Nancy Nguyễn kể lại thời gian bị giam giữ và thẩm vấn bởi an
ninh Việt Nam với phóng viên Gia Minh Đài Á Châu Tự Do.
Khi ra khỏi Việt Nam, cô dành cho Gia Minh của Đài Á Châu Tự Do
cuộc nói chuyện kể lại thời gian bị giam giữ và thẩm vấn bởi an ninh Việt Nam. Trước
hết cô cho biết:
Nancy Nguyễn: Sự việc cũng chóng vánh
lắm. Tôi nghĩ những người về Việt Nam và những người đứng ra kêu gọi biểu tình
không bao giờ nghĩ mình có thể thoát khỏi sự truy lùng của an ninh Việt Nam
đâu. Cho nên ai nghĩ mình không bị bắt, mình có thể trốn thì tôi nghĩ đó sẽ là
chuyện sẽ không xảy ra.
Tuy nhiên thời điểm tôi về có chút nhạy cảm vì chỉ ngày hôm
trước, hôm sau thì đến ngày bầu cử, và tổng thống Mỹ đến thăm.
Vắn tắt sự việc thì ngày 19 tôi còn ở trong khách sạn; họ lên
đập cửa phòng và kiểm tra hành chính. Lúc đó khoảng 11 giờ khuya. Khi kiểm tra
hành chính thì họ câu lưu luôn, theo lời của họ là ‘câu lưu kiểm tra hành
chính’ để làm rõ vấn đề ‘sử dụng giấy tờ giả’ mặc dù tất nhiên chuyện đó không
có. Chứ nếu dùng giấy tờ giả thì tôi không được ngồi nói chuyện ở đây đâu, vẫn
còn bị giữ trong đó.
Tất nhiên họ không có bằng chứng hay cơ sở nào để giữ người hết
nên họ phải thả.
Gia Minh: Đó là cái cớ để giữ người
nhưng khi làm việc họ có làm việc gì về vấn đề giấy tờ giả hay không, và cô
Nancy phản bác về cáo buộc đó thế nào?
Trong khoảng hai ngày đầu khi bị câu lưu thì tôi không trả lời
bất cứ câu hỏi nào. Tôi cự tuyệt trả lời.
- Nancy Nguyễn
- Nancy Nguyễn
Nancy Nguyễn: Khi họ đưa tôi về đồn gọi
là câu lưu hành chính thì họ câu lưu từ 11 giờ khuya và họ thẩm vấn mãi cho đến
5 giờ chiều ngày hôm sau. Trong thời gian thẩm vấn như vậy phần lớn họ chỉ xoay
quanh hoạt động của mình mà họ cho là chống đối chính quyền. Còn vấn đề sử dụng
giấy tờ giả thì hầu như họ không nhắc tới.
Họ nói tôi làm những việc mà có cáo buộc liên quan đến hoạt động
dân sự, về dân chủ.
Gia Minh: Khi họ cáo buộc như vậy
thì cô có phản bác những điều đó ra sao?
Nancy Nguyễn: Trong khoảng hai ngày đầu
khi bị câu lưu thì tôi không trả lời bất cứ câu hỏi nào. Tôi cự tuyệt trả lời.
Họ hỏi tên, ở đâu, làm gì thì tôi nói cần gặp luật sư của mình chứ tôi không có
nhu cầu trả lời những câu hỏi này.
Khi họ thấy không thể nào sử dụng biện pháp dân sự để yêu cầu
mình khai được thì họ nhốt tôi vào trong một phòng khách sạn, có an ninh ngày
đêm canh thẳng trong phòng. Rồi qua một đêm đến chiều hôm sau nữa họ kéo tôi
trở lại về đồn và đọc lệnh bắt khẩn cấp luôn. Từ khách sạn họ đưa về đồn công
an phường 10, quận 5.
Sau khi họ bắt khẩn cấp, lúc đó mình đã là bị can rồi nên họ đưa
lên xe chuyên dụng chở về Trại tạm giam B34.
Gia Minh: Và trong trại tạm giam
thì họ làm việc thế nào, giam ra làm sao?
Nancy Nguyễn: Khi bắt về Trại tạm giam
cũng làm những thủ tục nhập trại như lăn tay, làm căn cước, lấy lời khai… Ở
trong đó với tư cách là bị can rồi thành ra… Cũng tức cười lắm khi nhập trại họ
nói với tư cách người bị tạm giữ, cô có những quyền như thế này: tự biện hộ,
nhờ người biện hộ hoặc có luật sư. Nhưng tôi yêu cầu cần có người biện hộ thì
họ nói không có. Ở Trại tạm giam họ giữ tôi từ 6 giờ chiều cho tới khuya và
nhập vào ‘jail’ tức nơi ‘tạm giữ’.
Tất cả những câu hỏi liên tục của họ cho đến lúc đó thì tôi nói
theo như những điều mà các anh vừa mới nói với tôi thì tôi có quyền có luật sư
và người biện hộ nên tôi yêu cầu có luật sư và người biện hộ. Họ nói nếu như
vậy thì làm đơn, và tôi cũng làm đơn nhưng họ cũng coi như tờ giấy lộn thôi.
Gia Minh: Khi ra khỏi Việt Nam họ
có nói gì để có chuyện đó?
Nancy Nguyễn: An ninh họ làm công việc
của họ và họ có một gửi gắm là nếu thấy không bị đánh đập, không bị nhục hình,
không làm gì tôi thì cũng nên lên tiếng để ‘giải oan’ cho người ta vì tại sao
vẫn có dư luận về đánh đập.
Tôi không biết lý do họ không đánh tôi vì tôi là người nước
ngoài hay họ không có đánh đập. Họ có hỏi bởi vì cô là người nước ngoài nên
chúng tôi không đánh hay là ai tôi cũng không đánh; tại sao cô không hỏi? Tôi
nghĩ nếu có hỏi đi chăng nữa thì câu trả lời cũng quá rõ ràng rồi. Trước đó
mình đã có nhiều bằng chứng rồi.
Cô Nancy Nguyễn, một người trẻ lên tiếng cho dân chủ- nhân quyền
trong nước, vừa bị an ninh Việt Nam bắt mất tích 6 ngày. RFA PHOTO
Những người làm việc trực tiếp với tôi họ không xâm phạm về mặt
thể chất; nhưng tôi nghĩ có những đe dọa về tinh thần. Chẳng hạn như khi tôi
nhất quyết không chịu hợp tác, họ không nói sẽ đánh nhưng họ nói bây giờ còn
ngồi ở đó vì hành chính chứ mai mốt đưa vào ‘trong kia’ rồi thì nói thật không chịu
nổi ba ngày đâu. Họ không đánh mình nhưng nói ‘cứng cỡ nào’ cũng không chịu nổi
ba ngày.
Rồi khi đưa vào trại tạm giam thì họ nói cô đừng bao giờ nghĩ có
sự can thiệp từ bên ngoài. Tôi biết mình là người nước ngoài và không có làm gì
phạm pháp thì không có căn cứ, không có cơ sở để giữ tôi. Họ nói đừng có hy
vọng có sự can thiệp nào từ lãnh sự hay bất cứ đâu; chuyện đó không bao giờ xảy
ra. Một khi đã vào đây rồi thì chúng tôi có trách nhiệm điều tra cho đến khi
nào thấy cần. Cô có thể ở đây 3 ngày, 3 tháng, 3 năm hoặc 30 năm tùy vào thái
độ của cô chứ không có bên ngoài nào có thể giúp được hết. Đó là những điều mà
tôi nghĩ là một trong những đe dọa về tinh thần.
Họ không xâm phạm thể chất, không đánh đập, không đe dọa nhưng
đối với một số người khi bị bắt cóc, mất tích và giam giữ như vậy và trong một
thời gian dài (từ ngày 19 đến 25 tháng 5) đó không được quyền gặp gỡ bất cứ ai.
Đối với một vài tiêu chuẩn thì đó cũng coi là tra tấn.
Gia Minh: Số người làm việc trong
thời gian đó thế nào?
Nancy Nguyễn: Họ thay nhau khoảng chừng
30-40 người canh; nhưng trực tiếp thẩm vấn khoảng chừng 10 người, trong đó có 4
người chính chịu trách nhiệm hồ sơ của tôi. Tất cả đều là nam.
Gia Minh: Lúc này nếu dùng một vài
tính từ để nói lại thời gian đó, thì cô dùng những từ nào?
Nancy Nguyễn: Nếu tôi không phải là
người nước ngoài thì tôi không thể biết ở trong đó cảm thấy đến mức như thế
nào; vì mình biết trước họ không thể có khả năng giữ mình. Những việc mình làm
dù không hề có hành vi phạm pháp; nhưng mà theo họ không cần làm gì để lật đổ
chính quyền mà chỉ có dấu hiệu có sự phản kháng là phạm pháp rồi theo qui định
của pháp luật. Tức là không cần cấu thành hành vi, chỉ cần cấu thành hình thức.
Xét về mặt pháp luật Việt Nam, họ có quyền khởi tố tôi rồi. Nếu tôi không phải
là người nước ngoài thì với thái độ không hợp tác tôi sẽ phải bị truy tố.
Ở trong đó tôi nghĩ, mình là một người nước ngoài, hiểu chuyện
đó thành ra phần nào yên tâm. Khi mà mình một phần nào có thể yên tâm mà họ còn
có thể đe dọa đến mức như vậy thì thử hỏi những người trong nước họ lấy gì để
bám víu vào, lấy gì để nuôi hy vọng!
Cảm giác của tôi không nghĩ nhiều về bản thân mình vì không có
vấn đề gì; nhưng tôi nghĩ nhiều đến những anh chị em đã bị bắt trước và những
anh chị em có thể sẽ bị bắt sau tôi. Cảm giác của họ như thế nào khi mà họ
không có một ‘cái phao’, không có cơ quan nào đứng ra bảo vệ họ một cách hữu
hiệu trước pháp luật!
Gia Minh: Được biết trước đây cô
cũng từng đến những nơi như Hong Kong lúc tuổi trẻ, sinh viên đấu tranh và
trước ngày 19 bị bắt cô cũng có gặp một số nhà hoạt động tại Việt Nam; như cô
vừa chia sẻ bản thân có cái thế mà họ không thể làm quá mức, đồng thời rất
‘chia sẻ’ với những người dám công khai đấu tranh ở trong nước, cô có nhận định
gì?
Họ nói đừng có hy vọng có sự can thiệp nào từ lãnh sự hay bất cứ
đâu; chuyện đó không bao giờ xảy ra. Một khi đã vào đây rồi thì chúng tôi có
trách nhiệm điều tra cho đến khi nào thấy cần.
- Nancy Nguyễn
- Nancy Nguyễn
Nancy Nguyễn: Ở Hong Kong ít nhất họ có
luật biểu tình, đó là hợp pháp và họ được pháp luật bảo vệ. Nếu chính phủ Hong
Kong có những đàn áp, bắt bớ họ thì chính phủ sai, chứ còn người Hong Kong
không sai.
Còn những bạn trẻ ở Việt Nam mà hoạt động không nhất thiết phải
biểu tình, không nhất thiết phải xuống đường mà mới chỉ thể hiện ý chí phản
kháng thôi thì đã là phạm pháp rồi như tôi vừa nói vấn đề ‘cấu thành hình thức’
chứ không phải ‘cấu thành hành vi’.
Tôi thấy giữa những bạn trẻ Hong Kong và những bạn trẻ Việt Nam
thì những bạn trẻ Việt Nam ở vào tư thế rất nguy hiểm. Tôi rất phục tinh thần
của họ.
Gia Minh: Dù vẫn còn quá sớm và còn
những ‘ấn tượng’ khi ở Việt Nam, nhưng qua trải nghiệm vừa rồi có xuất phát
những ý tưởng gì cho thời gian tới?
Nancy Nguyễn: Đó cũng là một phần lý do
mà tôi muốn thử, gặp gỡ với các anh em an ninh. Ở Việt Nam để xác minh lại một
số nghi vấn trước đây của tôi và hy vọng sẽ có được những cái nhìn thống nhất
hơn trong tương lai. Hy vọng trong tương lai những gì tôi đã trải qua và các
anh chị đã trải qua thì có thể đúc kết lại thành một kinh nghiệm nào đó cho
những người đi sau.
Gia Minh: Cô Nancy còn có những
chia sẻ gì nữa không?
Nancy Nguyễn: B34, Trại tạm giam và
cũng có thể bị khởi tố- tôi là người nước ngoài nên không bị tra tấn, bị nhục
hình; không biết các bạn có bị hay không, tôi không biết; nhưng đó là nơi mà
tôi không muốn bất cứ ai tới trừ phi các bạn có nhu cầu đến đó tìm hiểu một vấn
đề gì đó. Vì B34, Trại tạm giam là những nơi mà mình có thể có được rất nhiều
thông tin mà mình làm sáng tỏ được nếu như mình hiểu mình đi đâu, mình làm gì.
Tuy nhiên nếu như các bạn không có chủ đích đến đó để tìm hiểu một vấn đề nào
đó thì tốt nhất là nên tránh. Vì đó là những nơi mà tôi không muốn bất cứ ai
trong chúng ta bị đem tới.
Gia Minh: Thay mặt quí thính giả
của Đài Á Châu Tự do cám ơn cô Nancy và chúc cô đạt được những điều mong muốn
đạt đến.