Trang

Thứ Bảy, 21 tháng 5, 2016

1348. Mối hàng một đã ra mười thì buôn... Kiều. Nguyễn Du.

'Mỹ đặt tiền trên nhân quyền'?

21.05.16. BBC.
Đất nước Hoa Kỳ hình thành trên cơ sở tự do tôn giáo bởi vậy nên tự do tôn giáo sẽ là điều đầu tiên tôi đề nghị Tổng thống Barack Obama nêu ra. Kế đó là tự do báo chí, một quyền tự do quan trọng ở Hoa Kỳ. 
Bà Loretta Sanchez




Image caption Bà Loretta Sanchez cũng đã nói về quan hệ Việt - Mỹ với BBC tại văn phòng của bà hồi năm ngoái
Dân biểu Loretta Sanchez nói Hoa Kỳ đã coi nhẹ vấn đề nhân quyền vì muốn thúc đẩy thương mại và các lĩnh vực khác với Việt Nam.
Trong phỏng vấn với Nguyễn Hùng của BBC hôm 19/5, bà Sanchez cũng nói Quốc hội đang đòi chính quyền Tổng thống Barack Obama gắn nhân quyền với việc bỏ cấm vận vũ khí mà Việt Nam đang mong muốn.
Trước hết bà Sanchez, người đi cùng Tổng thống Hoa Kỳ trả lời câu hỏi liệu bà có tháp tùng ông Obama vào tuần tới không.
Dân biểu Loretta Sanchez: Không, tôi không thể tham gia phái đoàn vì chúng tôi có phiên bỏ phiếu hôm thứ Hai tới. Chúng tôi bỏ phiếu trong cả tuần tới và theo Hiến pháp tôi phải có mặt dù trước đây tôi đã nói chuyện với Ngoại trưởng Kerry về chuyện sẽ đi khi ngoại trưởng biết chuyến thăm sẽ diễn ra. Nhưng giờ biết là có bỏ phiếu nên tôi không đi được.
BBC: Nếu không có lịch bỏ phiếu và bà có thể đi được thì bà sẽ nói gì với các quan chức Việt Nam và người dân Việt Nam vài tôi biết và đã từng tháp tùng Tổng thống Clinton trong chuyến thăm của ông tới Việt Nam.
Dân biểu Loretta Sanchez: Đúng, ông nhớ là tôi từng đi cùng Tổng thống Clinton. Nếu đi với Tổng thống Obama, tôi sẽ đi với cùng một mục tiêu nhằm khiến chính quyền Cộng sản hiểu rằng quyền con người quan trọng với người Mỹ.
BBC: Liệu có phải là điều đáng thất vọng không khi sau nhiều năm rồi, từ khi Tổng thống Hoa Kỳ đầu tiên thăm Việt Nam trong thập niên trước tới nay đã sang thập niên mới mà chúng ta vẫn nói về cùng một vấn đề. Và bà có nhận thấy cải thiện nào không kể từ khi bà cùng Tổng thống Clinton tới thăm Việt Nam?
Dân biểu Loretta Sanchez: Câu trả lời là thật vô cùng thất vọng khi chúng ta vẫn phải thúc chính quyền Cộng sản Việt Nam để họ tôn trọng các quyền căn bản của người dân. Khi tôi tới thăm cùng Tổng thống Bill Clinton, chính quyền Cộng sản nói họ sẽ mở cửa về vấn đề tự do báo chí, tự do tôn giáo, tự do hội họp và các quyền khác, những quyền rất căn bản. Thật thất vọng là chúng ta vẫn phải nói về cùng những vấn đề đó và đòi trả tự do cho những tù nhân chính trị, những người bị bỏ tù chỉ vì muốn có dân chủ hoặc vì nói rằng nên có đảng chính trị khác ngoài Đảng Cộng sản.
BBC: Liệu có thực tế không khi kêu gọi một chính phủ cộng sản trả tự do cho tù nhân lương tâm vì họ luôn luôn nói không hề có tù nhân lương tâm ở Việt Nam. Vậy làm sao chúng ta kêu gọi thả những người mà họ nói là không hề tồn tại?
Dân biểu Loretta Sanchez: Thay đổi rồi sẽ tới do chính người Việt Nam mang lại. Nhưng như Hòa thượng Thích Quảng Độ nói với tôi trong chuyến thăm đầu tiên tới Việt Nam, Hòa thượng nói chúng tôi ở bên ngoài cần rọi đèn pha vào những vi phạm nhân quyền ở Việt Nam bởi vì điều này sẽ tạo niềm tin cho người dân Việt Nam khi họ đấu tranh đòi thay đổi ở bên trong, cho họ sự dũng cảm để tiếp tục làm như vậy.
BBC: Theo bà Tổng thống Barack Obama sẽ phải nói gì với các nhà lãnh đạo hàng đầu ở Việt Nam về nhân quyền khi ông gặp họ?
Dân biểu Loretta Sanchez: Tôi nghĩ đất nước chúng tôi bắt nguồn từ tự do tôn giáo. Đất nước Hoa Kỳ hình thành trên cơ sở tự do tôn giáo bởi vậy nên tự do tôn giáo sẽ là điều đầu tiên tôi đề nghị Tổng thống Barack Obama nêu ra. Kế đó là tự do báo chí, một quyền tự do quan trọng ở Hoa Kỳ. Cũng chính vì đòi quyền tự do báo chí mà hơn một trăm tù nhân lương tâm hiện đang ngồi tù ở Việt Nam. Và Việt Nam cũng đứng ở vị trí thấp tới 175 trong số 180 nước về tự do báo chí.

'Ít quan tâm tới nhân quyền'

BBC: Bà có biết trường hợp của tù nhân Trần Huỳnh Duy Thức, người trước chuyến thăm của ông Barack Obama đã nói thông qua người thân của ông rằng ông sẽ tuyệt thực để đòi tự do. Liệu Tổng thống Obama có nên nêu trường hợp này không?
Dân biểu Loretta Sanchez: Tôi đã nói đi nói lại với đại sứ của chúng tôi ở Việt Nam, tôi đã nói chuyện với Bộ Ngoại giao, chúng tôi đã gửi thư cho Tổng thống Obama về vấn đề cụ thể này. Vì thế tôi biết tới nhiều trường hợp tù nhân chính trị, nhiều người đã ở tù lâu rồi và chúng tôi cố gắng để người thân của họ có thể vào thăm. Chúng tôi vẫn tiếp tục đấu tranh cho họ.
Image copyrightINTERNETImage captionNgười thân của ông Trần Huỳnh Duy Thức nói ông sẽ tuyệt thực
BBC: Bà có hài lòng với cách Đại sứ hiện nay, ông Ted Osius, xử lý vấn đề nhân quyền không? Ông Đại sứ có lên tiếng ở mức độ cần thiết cho những người mà như bà nói đấu tranh vì nhân quyền, đòi quyền tự do hội họp, tự do ngôn luận và các quyền tự do căn bản khác?
Dân biểu Loretta Sanchez: Rõ ràng là ông đã làm việc tốt. Những người mà tôi đại diện cho họ, cộng đồng người Việt lớn nhất bên ngoài Việt Nam, muốn thấy có những trao đổi hàng ngày với chính quyền Cộng sản về tù nhân lương tâm và quyền con người. Điều ngày càng rõ là chính quyền ngày càng ít quan tâm tới vấn đề quyền con người.
BBC: Ý bà nói là chính quyền Hoa Kỳ ngày càng ít quan tâm tới nhân quyền?
Dân biểu Loretta Sanchez: Không, ý tôi nói là chính quyền Việt Nam ngày càng tin rằng họ chẳng bị sao cả nên họ không buồn để ý đến nữa.
BBC: Tại sao mọi việc lại như thế?
Dân biểu Loretta Sanchez: Tôi nghĩ rằng chúng tôi đã ký nhiều hiệp định thương mại rồi rất nhiều thứ diễn ra trong thời gian qua nên họ không quan tâm gì nữa [tới nhân quyền].
BBC: Ý bà nói là chính quyền của Tổng thống Obama mềm quá?
Dân biểu Loretta Sanchez: Ôi, chính quyền Clinton, Bush, Obama, tất cả họ [đều thế]. Tôi đã làm việc với ba chính quyền rồi. Họ đều coi trọng buôn bán hơn quyền con người.
BBC: Tại sao lại thế thưa bà?
Dân biểu Loretta Sanchez: Tôi nghĩ tiền đã thắng nhân quyền và tôi không nghĩ rằng nên như thế. Hoa Kỳ phải có giá trị của mình, người dân Mỹ muốn Hoa Kỳ là ngọn hải đăng và bảo vệ giá trị nhân quyền. Có thể nhân quyền mỗi nước mỗi vẻ nhưng điều quan trọng nhất là tự do tôn giáo, tự do báo chí và tự do hội họp đã gắn sâu vào tâm trí người Mỹ chúng tôi tới mức mà nếu đối mặt với tình trạng như ở Việt Nam nhân dân Mỹ sẽ phản đối quyết liệt và nói rằng đây là điều không thể chấp nhận được.
BBC: Liệu có phải chỉ là vấn đề tiền không thôi không? Giờ cũng còn vấn đề xoay trục sang châu Á của Hoa Kỳ và sự tự tin ngày càng cao của Trung Quốc. Đây có phải là một phần của việc người ta đặt ưu tiên thấp hơn cho nhân quyền mà chú tâm vào thương mại, an ninh vùng và các vấn đề khác?
Dân biểu Loretta Sanchez: Theo tôi thì hầu hết người Mỹ không biết tới những gì đang diễn ra ở Việt Nam, chúng tôi cố gắng để một số người hiểu được, nhưng chính quyền có cái loa to hơn để nói về những vấn đề này cho nên khi họ cứ nói tới chuyện buôn bán quan trọng tới mức nào thì đó là điều sai lầm. Họ cũng phải đề cập tới nhân quyền ở những nước như thế nữa.

Danh sách tù nhân

BBC: Và cuối cùng là vấn đề bỏ cấm vận vũ khí. Gần đây Thượng Nghị sỹ John McCain có vẻ cho rằng đã tới lúc bỏ cấm vận vũ khí dù ông cũng nói về tầm quan trọng của nhân quyền. Mặc dù vậy ông vẫn nghĩ Tổng thống Obama nên bỏ cấm vận trong chuyến thăm này. Bà có đồng ý không và nếu không thì khi nào sẽ là lúc thích hợp?
Image copyrightBUI VAN PHUImage captionVợ tù nhân Nguyễn Văn Đài, bà Vũ Minh Khánh, cũng vừa tới Hoa Kỳ để vận động cho chồng
Dân biểu Loretta Sanchez: Tôi không đồng ý với Thượng Nghị sỹ McCain và lúc thích hợp phải là lúc chính quyền Việt Nam có những động thái tích cực về nhân quyền.
BBC: Dựa vào những gì bà biết thì liệu điều đó có xảy ra không?
Dân biểu Loretta Sanchez: Tôi tin chắc rằng trong đời tôi tôi sẽ thấy có thay đổi ở Việt Nam. Cuộc đấu tranh vì dân chủ, đấu tranh để có tiếng nói vào việc hình thành tương lai vào chuyện quyết định tín ngưỡng của họ đang tiếp diễn và lịch sử cho thấy chúng ta đang đi đúng hướng.
BBC: Thế còn lệnh cấm vận, bà có nghĩ nó sẽ được gỡ bỏ?
Dân biểu Loretta Sanchez: Tôi không biết Tổng thống dự định sẽ làm gì. Tôi nghe nói ông sẽ tiếp tục gỡ bỏ từng phần cấm vận và đây cũng là điều Quốc hội dự đoán và chúng tôi đã cố gắng để nhân quyền là một trong các điều kiện được đưa ra.
BBC: Và câu hỏi cuối cùng là bà có biết Tổng thống Obama có mang theo danh sách những người Hoa Kỳ muốn trả tự do không?
Dân biểu Loretta Sanchez: Chúng tôi có đưa cho Tổng thống danh sách và không biết ông có mang theo không như chắc chắn là chúng tôi đã đưa cho ông danh sách những người bị giam giữ mà chúng tôi muốn họ được tự do.
BBC: Có bao nhiêu người tất cả thưa bà?

Dân biểu Loretta Sanchez: Hơn 100 người.