Trang

Thứ Năm, 5 tháng 5, 2016

1265. CÁ CHẾT ĐẢNG THỐI VÀO THẾ: 2.

Bộ Giáo dục VN đính chính quy định các hành vi sinh viên không được làm
An Tôn. 05.05.2016, VOA.
Báo chí Việt Nam hôm 5/5 cho biết Bộ Giáo dục và Đào tạo đã ban hành văn bản đính chính bản quy chế đối với sinh viên học đại học chính quy do bộ ban hành cách đây một tháng chứa đựng quy định về các hành vi sinh viên không được làm.



Ảnh minh họa: Sinh viên Việt Nam tại đại học kinh tế Hà Nội.

Trong bản quy chế đối với sinh viên, còn gọi là Thông tư số 10/2016, ban hành ngày 5/4, có điều 6 cấm sinh viên làm những việc trong đó có: tổ chức hoặc tham gia tụ tập đông người, biểu tình, khiếu kiện trái pháp luật; sản xuất, vận chuyển, phát tán, tàng trữ, sử dụng hoặc lôi kéo người khác sử dụng các tài liệu, ấn phẩm, thông tin phản động; thành lập, tham gia các hoạt động mang tính chất chính trị trái pháp luật; đăng tải, bình luận, chia sẻ bài viết, hình ảnh có nội dung xâm phạm an ninh quốc gia, chống phá đảng và nhà nước, xuyên tạc, vu khống, xúc phạm uy tín của tổ chức, danh dự và nhân phẩm của cá nhân trên mạng Intenet.
Ngay sau khi thông tư ra đời, nhiều sinh viên và những người khác cũng như một số cơ quan báo chí đã chất vấn về tính hợp lý, hợp pháp của thông tư. Một trang Facebook của các sinh viên đã được lập ra trong tháng 4, mang tên “Sinh viên nói vì sinh viên”, tại đó hàng trăm người tham gia đã bày tỏ suy nghĩ cho rằng quy định của bộ không rõ ràng và không phù hợp với thời đại.
Một sinh viên tên Phương nêu ý kiến: “Thế nào được tính là chống phá nhà nước, như thế nào là xúc phạm danh dự, nhân phẩm? Cứ không quản lí được là cấm? Một đạo luật quá mù mờ”.
Đặt ra vấn đề tự do ngôn luận, một sinh viên tên Khánh viết: “Thế giới ngày càng phát triển các phương tiện để con người thực hiện quyền tự do ngôn luận thì ở ta lại ngược lại. Bộ giáo dục thì chưa biết tập trung vào giáo dục đến đâu, nâng cao nhận thức của giới trẻ được bao nhiêu mà chỉ thấy chăm đi cấm”.
Gián tiếp nhắc đến những phát biểu của các lãnh đạo Việt Nam rằng thanh niên, sinh viên cần quan tâm đến tình hình đất nước, một sinh viên tên Diệp đặt câu hỏi: “Các bác cứ hay chê giới trẻ không quan tâm đến xã hội với chính trị, mà cứ hễ muốn nói lại có nguy cơ bị quy chụp là chống phá nhà nước, vậy thì tiếng nói phản biện từ giới trẻ sẽ như thế nào đây?”
Sau khi sinh viên và dư luận phản ứng không tích cực, cuối tháng 4 Bộ Giáo dục và Đào tạo cho biết sẽ đính chính thông tư. Theo văn bản đính chính ban hành hôm 5/5, điều 6 trong thông tư 10/2016 đã bị xóa bỏ. Thay vào đó, quy chế mới đối với sinh viên ghi "Các hành vi sinh viên không được làm thực hiện theo quy định tại Điều 88 Luật Giáo dục, Điều 61 Luật Giáo dục đại học và các văn bản quy phạm pháp luật khác có liên quan".
Hai điều trong hai luật nêu trên cấm sinh viên “Xúc phạm nhân phẩm, danh dự, xâm phạm thân thể nhà giáo, cán bộ, nhân viên của cơ sở giáo dục và người học khác” và “Tổ chức hoặc tham gia các hoạt động vi phạm pháp luật", bên cạnh một số hành vi bị cấm khác, song không nêu cụ thể việc cấm “tụ tập, biểu tình, khiếu kiện”, “phát tán, sử dụng các tài liệu, thông tin phản động”, “thành lập, tham gia các hoạt động mang tính chất chính trị”, “đăng tải, bình luận chống phá đảng và nhà nước” như điều điều 6 thông tư 10/2016.
VOA đã hỏi ý kiến của Luật sư Trần Vũ Hải về việc đính chính này. Ông Hải cho biết việc Bộ Giáo dục và Đào tạo điều chỉnh thông tư là đáng hoan nghênh song chưa đủ. Ông nói:
“Trong thông tư này, trong quy định này còn có một phần nữa là phần về kỷ luật sinh viên. Trong phần kỷ luật này nó có vấn đề là không chỉ đình chỉ học tập, thậm chí là gần như là đuổi ra khỏi trường. Thế thì cái này nó liên quan đến Hiến pháp, liên quan đến quyền đi học của các em sinh viên. Hạn chế hay cấm đoán quyền có các em thì phải bằng luật. Cho đến giờ phút này không có luật nào nói về vấn đề đấy. Hiện nay Luật Giáo dục chưa quy định. Như vậy, về nguyên tắc là không được áp dụng các quy định ấy, nếu luật chưa ban hành. Như vậy là thông tư này đến nay gọi là điều chỉnh nửa vời.”
Luật sư Hải cho rằng Bộ Giáo dục và Đào tạo chỉ có thể ra khuyến cáo về những điều sinh viên không nên làm, do các luật liên quan không tạo cơ sở pháp lý cho bộ ra những quy định mang tính cấm đoán. Ông giải thích thêm:
“Họ chỉ được phép ban hành những khuyến cáo, hướng dẫn để cho các sinh viên xem. Trong khuyến cáo đấy có nói hình thức kỷ luật chỉ cùng lắm là mức cảnh cáo, chứ còn mức đuổi ra khỏi trường thì phải có một quy định như một cái hợp đồng ghi rõ là những vi phạm trong nhà trường thôi, chứ không liên quan đến bên ngoài, thí dụ việc tụ tập đông người vân vân thì là việc của cảnh sát bên ngoài giải quyết, không phải việc nhà trường, thì những việc đó nếu anh biết mà vẫn vi phạm thì anh bị abc thì mới áp dụng được."

Theo vị luật sư, bộ chỉ có thể ra các quy định liên quan trực tiếp nhà trường, còn sinh viên có nhiều quyền khác không liên quan đến nhà trường như tự do biểu đạt và các hoạt động cá nhân khác, không phải là những việc bộ có thể ra quy định quản lý.