Trang

Thứ Tư, 4 tháng 5, 2016

1263. PHÚC TRÌNH THƯỜNG NIÊN của Ủy Ban Tự do Tôn giáo Quốc tế Hoa Kỳ (USCIRF).

TOÀN VĂN BẢN DỊCH.
Ủy Ban Tự do Tôn giáo Quốc tế Hoa Kỳ (USCIRF) là một cơ quan riêng và khác với Bộ Ngoại Giao. Được thành lập bởi Quốc hội Hoa Kỳ, đây là một đơn vị tham vấn độc lập, lưỡng đảng cho chính phủ Hoa Kỳ, cơ quan này giám sát tự do tôn giáo trên toàn thể giới và khuyến nghị chính sách cho Tổng Thống, Ngoại Trưởng, và Quốc hội.
Các khuyến cáo của USCIFR dựa vào các qui trình bắt buộc phải có và các tiêu chuẩn trong Tuyên Ngôn Quốc Tế Nhân Quyền và các văn bản quốc tế khác. Phúc trình Thường niên 2016 là tổng kết công việc trong năm của các thành viên trong Ủy ban và đội ngũ nhân viên chuyên nghiệp nhằm lưu trữ hồ sơ các vụ vi phạm ở trong nước và khuyến cáo về chính sách cho chính phủ Hoa Kỳ. Phúc trình Thường niên 2016 bao gồm thời gian từ ngày 1 Tháng Hai, 2015 đến ngày 29 Tháng Hai, 2016, mặc dầu trong một số trường hợp, các sự kiện quan trọng xảy ra sau thời gian này có thể được đề cập.
Việt Nam.
Các Kết Quả Chính: Mức độ chính quyền hạn chế các hoạt động tôn giáo ở Việt Nam khác nhau rất nhiều tùy theo vùng miền địa lý, cũng như tùy theo từng tổ chức tôn giáo dựa vào quan hệ của các tổ chức tôn giáo đó với nhà nước. Điều này phát đi thông điệp trái ngược về sự cam kết của Việt Nam đối với sự tôn trọng và bảo vệ tự do tôn giáo hay tín ngưỡng. Một mặt, có sự đa dạng lớn về tôn giáo trong nước, không có xung đột giữa các tôn giáo, và có không gian để nhiều nhóm tôn giáo hành đạo ở một số vùng, điều này cho thấy con đường tích cực dẫn đến một môi trường tôn trọng các quyền lợi; nhưng mặt khác, sự chính phủ luôn mạnh tay quản lý tôn giáo tiếp tục gây ra không những là hạn chế và phân biệt, mà còn khiến các cá nhân bị ngược đãi trực tiếp, giam giữ, và là đối tượng bị hành hung. Những vi phạm tiếp diễn này đạt đến mức quốc gia này phải được đưa vào danh sách “quốc gia đáng quan ngại,” hay CPC, theo Đạo Luật Tự Do Tín Ngưỡng Quốc Tế (IRFA). Do đó USCIRF một lần nữa khuyến cáo đưa Việt Nam vào các quốc gia CPC đối với năm 2016, như mọi năm kể từ năm 2001. USCIRF tin rằng đưa Việt Nam vào khuôn khổ cơ cấu, chiến lược của CPC có thể là một phương kết có ích để tăng cường quan hệ đối tác song phương giữa Hoa Kỳ và Việt Nam và đồng thời bảo vệ được các quyền lợi cho mọi người và mọi cộng đồng tôn giáo.
Bối Cảnh: Mặc dù tình hình nhân quyền ở Việt Nam vẫn uyển chuyển, riêng vấn đề tự do tín ngưỡng có những đặc điểm riêng và phức tạp. Có nhiều cộng đồng tín ngưỡng đa dạng ở Việt Nam, nhưng mức độ mà người dân Việt Nam có khả năng có thể tự do hành đạo mà không sợ bị ngược đãi, giam cầm và bạo lực vẫn khác nhau nhiều. Theo ước tính, đa phần trong số dân hơn 94 triệu người ở Việt Nam theo đạo Phật. Có hơn 6 triệu người Việt Nam theo đạo Thiên Chúa Giáo, hơn một triệu người theo đạo Cao Đài, và hơn một triệu người theo đạo Hòa Hảo, và có khoảng từ một đến hai triệu theo đạo Tin Lành. Số người ít hơn theo đạo phật Khmer Krom, Đạo Hồi (kể người Chàm theo đạo hồi), Baha’i, Mormon, và Pháp Luân Công, cũng như là một số tôn giáo địa phương và các hình thức tín ngưỡng truyền thống khác.
Chính phủ đã có nhiều cởi mở liên quan đến tự do tín ngưỡng, như xem xét việc dành nhiều không gian hơn cho công tác từ thiện của các tổ chức tôn giáo, và, theo các viên chức chính phủ, cho phép có nhiều nơi để cầu nguyện hơn. Ngoài ra, các viên chức chính phủ cũng đã thông báo cho USCIRF trong năm qua là đã gia tăng các tiếp xúc giữa chính quyền và các người họ gọi là “chức sắc tôn giáo”, nhằm tăng cường đối thoại và hiểu biết.
Tuy nhiên, chính phủ tiếp tục xem một số nhóm người và hoạt động là đe dọa đến nhà nước và tinh thần đoàn kết của Việt Nam. Điều này đã đưa đến các kết quả trái ngược về các tổ chức tôn giáo, thể hiện những trải nghiệm khác nhau của các tổ chức tôn giáo được nhà nước bảo trợ và các tổ chức khác, hay nói các khác là tổ chức đăng ký và tổ chức không đăng ký. Một số tổ chức hưởng được nhiều quyền tự do tín ngưỡng của mình và một số tổ chức khác thì có tương đối ít quyền tự do. Trong lúc các vi phạm nghiêm trọng không giống nhau trên cả nước, và khác nhau nhiều tùy theo từng tỉnh thành, các vi phạm cho thấy một khuôn mẫu về hành vi của các viên chức chính phủ và các cơ quan trực thuộc, ở cấp quốc gia hay tỉnh thành/địa phương, nhắm vào các tín ngưỡng, tổ chức tôn giáo, và/hoặc cá nhân. Nhiều trong số các vi phạm này là hành vi bạo lực của công an đối với những người bị cáo buộc làm vi phạm “an ninh quốc gia” mơ hồ.
Vào Tháng Tám, 2015 một phái đoàn USCIRF đến Việt Nam, thăm thành phố Hồ Chí Minh, Tây Ninh, và Hà Nội để gặp gỡ với các viên chức chính phủ và đại diện nhiều nhóm tôn giáo và sắc tộc, gồm có các tổ chức được nhà nước bảo trợ, tổ chức độc lập, tổ chức đã đăng ký và chưa đăng ký. Trong chuyến viếng thăm của USCIRF, các cuộc thảo luận tập trung vào dự luật về tôn giáo của Việt Nam, được công khai lần đầu tiên vào tháng tư năm 2015 và dự kiến sẽ được Quốc Hội thông qua một thời điểm nào đó vào năm 2016. Mặc dầu chuyến viếng thăm ít bị nhà nước can thiệp hơn so với các chuyến viếng thăm của USCIRF trước đây, một người đối thoại bị tạm giữ và đánh đập sau khi gặp phái đoàn USCIRF.
Điều kiện Tự do Tôn giáo 2015-2016.
Khuynh hướng Tích cực hay Đáng khen ngợi: Các quan hệ giữa chính phủ Việt Nam và Vatican được cải thiện trong năm 2015, với việc Đức Hồng Y Fernando Filoni của Vatican đến thăm Hà Nội vào Tháng Giêng và Giáo Hoàng Francis tấn phong Đức Cha Nguyễn Văn Nhơn là Đức Hồng Y mới nhất của Việt Nam. Chính phủ Việt Nam cũng chấp thuận một trường Đại học Công giáo mới tọa lạc quanh một viện thần học, và các viên chức chính phủ đã nhấn mạnh với USCIRF về các cơ hội của công tác từ thiện và xã hội của Giáo hội Thiên chúa giáo đang ngày mở rộng.
Trong chuyến viếng thăm của USCIRF, một số người đối thoại nói rằng các hoạt động và việc hội họp tôn giáo của họ ít bị hoặc không bị can thiệp, mặc dầu một vài người khác cho biết là các tổ chức tôn giáo của họ ở một số vùng khác gặp phải vấn đề. Trong một số trường hợp, các xu hướng tích cực này là các thay đổi mới và được hoan ngênh, các nhà chức trách địa phương đáng được tuyên dương về những điều này. Ví dụ, vào Tháng Giêng năm 2016, Phật Giáo Hòa Hảo tiến hành một lễ nghi tôn giáo ở Chùa Quang Minh ở tỉnh An Giang; các cán bộ an ninh có mặt, nhưng không can thiệp vào buổi lễ như họ đã làm trước đây. Ngoài ra, các tín đồ giáo xứ ở Nhà thờ Tin lành Montagnard ở Tỉnh Kontum đã tổ chức được các nghi lễ giáng sinh lần đầu tiên. Những nhà đối thoại cũng cho biết là có những tiếp xúc cởi mở với viên chức địa phương, và trong một số trường hợp, xây dựng được quan hệ sau một vài năm, nhưng cho biết là không được bảo đảm về quyền tự do tín ngưỡng của mình. Một số đã góp ý với chính phủ về dự luật về tôn giáo, mặc dầu số ít người được chọn này, được nhà nước mời đóng góp ý kiến có ít thời gian để xem dự luật và phần lớn những phân tích của họ là có tính phê phán.
Ngược đãi một số Nhóm tôn giáo: Các tổ chức tôn giáo không chọn cách được nhà nước công nhận đối mặt với các nguy cơ bị các cơ quan chính quyền ngược đãi nhiều hơn, đặc biệt là bởi các cán bộ tỉnh thành và địa phương, hay những người được thuê đại diện cho chính quyền. Thông thường có một vấn đề hai mặt: các quan chức tỉnh thành và địa phương không hiểu các chính sách về tôn giáo của chính quyền trung ương, và chính quyền địa phương cho phép thực hiện các chính sách không nhất quán và mẫu thuẫn đó. Căn cứ vào các cuộc họp mặt trong chuyến viếng thăm Tháng Tám, USCIRF kết luận rằng một số quan chức ở trung ương biết về mẫu thuẫn này, nên đề nghị ít nhất là dự luật về tôn giáo phải đưa vào chương trình tập huấn thiết thực và việc giám sát các quan chức địa phương, nhưng điều này cũng cho thấy một số mức độ phức tạp và thờ ơ của chính quyền địa phương đối với các vi phạm cấp địa phương.
Ngoài việc tìm cách bảo vệ quyền tự do tôn giáo hay tín ngưỡng, những cá nhân từ một số nhóm độc lập hay nhóm tôn giáo không đăng ký ủng hộ cho các vấn đề khác rất nhạy cảm đối với chính quyền, như quảng bá cho dân chủ và nhân quyền, hay được xem có quan hệ với các nước phương tây, kể cả Hoa Kỳ hiện tại hay trước đây. Cho nên, một số người và tổ chức tôn giáo rơi vào lớp này– như Cao Đài, Người Thượng (Montagnard), tín đồ của Dương Văn Mình–bị ngược đãi, giam cầm, và hành hung. Ngoài ra, chính quyền ngờ vực các đám đông bao gồm những người tụ họp vì các mục đích tôn giáo, khiến họ đôi lúc chịu các hình thức ngược đãi. Ví dụ, các người theo Pháp Luân Công ở Việt Nam thường tụ tập theo từng nhóm, đây là một nghi thức bình thường của họ, và các tín hữu đã bị giam giữ, hay ngược đãi vì điều đó.
Chính phủ Việt Nam cáo buộc các Người Thượng dân tộc thiểu số ở Tây Nguyên vì họ tìm một mô hình tự trị. Những người Thượng, nhiều người trong số họ theo đạo Tin Lành, đã đối mặt với một số hạn chế: một số bị cấm tổ chức các buổi lễ tôn giáo, mục sư bị ngược đãi hay trừng phạt, và nhiều người bị triệu đến gặp các nhà chức trách địa phương và bị áp lực phải từ bỏ tín ngưỡng “độc hại” của họ. Từ Tháng 10, năm 2014, có đến 300 Người Thượng ở Việt Nam đã trốn qua Campuchia, chủ yếu vì bị xét xử về tôn giáo. Chỉ có 1 người được hưởng qui chế tị nạn của UNCHR, một số vô kể những người khác đang chờ đợi Campuchia xem xét qui chế tỵ nạn, và hàng chục người đã bị trả về Việt Nam, những người này thường có nguy cơ bị trừng phạt.
Trong năm 2015, ở tỉnh Gia Lai, nhiều cha xứ của Giáo hội Mennomite bị giam giữ, đánh đập, và một số bị áp lực phải bỏ đạo. Tương tự, chính quyền ngược đãi các tín đồ của một giáo phái cơ-đốc nhỏ có tên là Dương Văn Mình và đốt và/hay hủy các nhà bảo quản đồ tang lễ, đây là các hoạt động tôn giáo chính của giáo phái này. Vào Tháng 10 năm 2015, có 27 trong 33 nhà bảo quản đồ tang lễ trong 4 tỉnh bị tấn công. Ngoài ra, các tín đồ Dương Văn Mình thường bị bỏ tù, và vào Tháng Hai năm 2015, các nhân viên an ninh của chính phủ đã tấn công các tín đồ ở tỉnh Cao Bằng. Các cán bộ công an địa phương đã giam giữ một tín đồ Dương Văn Mình sau khi người này gặp gỡ USCIRF vào Tháng Tám 2015 và được biết là anh ta bị đánh đập và tra tấn khi từ chối trả lời các câu hỏi của họ.
Cho dù Phật Giáo là tín ngưỡng được nhiều người theo nhất ở Việt Nam, những giáo phái hoạt động độc lập với giáo hội Phật Giáo được nhà nước bảo trợ thường là mục tiêu của chính quyền. Những nhóm này bao gồm các nhà lãnh đạo Giáo Hội Việt Nam Thống Nhất (UBCV), như Thích Quản Độ, người bị quản thúc tại gia, và người đứng đầu Phong Trào Thanh niên Phật giáo Lê Công Cầu. Vào Tháng Tư năm 2015, ông Lê Công Cầu bị giam giữ và tra hỏi 3 ngày, và sau đó trong năm nhiều lần ông bị cấm đến gặp các quan chức chính phủ Hoa Kỳ và Đức.
Trong năm 2015, các nhà chức trách địa phương ở một số nơi tiếp tục ngược đãi và tra hỏi đạo Hòa Hảo độc lập về việc thực hành đức tin của họ. Chẳng hạn, nhà và cở sở kinh doanh của những tín đồ ở tỉnh Đồng Tháp liên tục bị phá hoại và theo dõi, gây nên những cản trở lớn cho sinh kế của họ. Gia đình của một phụ nữ Hòa Hảo tin là các áp lực nghiêm trọng của việc ngược đãi này đã góp phần làm bà chết sớm. Mặc dầu chưa thể xác định được sự liên quan này, lập luận này cho thấy cảm nghĩ của các tín đồ về ảnh hưởng của các ngăn cản của chính phủ về khả năng hành đạo tự do của họ.
Mục sư Nguyễn Hồng Quang và những người khác đã bị tấn công và đánh đập vào Tháng Giêng và Tháng Ba năm 2015 ở phía Bắc Thành phố Hồ Chí Minh. Trong những năm gần đây, nhà thờ không được đăng ký của họ đã là nơi cảnh sát, lực lượng an ninh, và các người khác càn quét và tấn công. Suốt trong năm, ở Tỉnh Gia Lai, cảnh sát đã tấn công các tín đồ công giáo, kể cả các nữ tu sĩ. Vào tháng 12 năm 2015, Mục Sư Nguyễn Trung Tôn bị bắt; vào thời gian cuối của phúc trình này, người ta biết rất ít về tình hình của ông. Nhiều lần trong năm, Mục Sư Y Noen Ayun của Giáo Hội Tin Lành Đấng Christ ở Kon Tum bị bắt giữ, hoặc bị đe dọa tù đày vì tiếp tục truyền đạo. Ví dụ vào tháng 10, 2015 một sĩ quan công an đã hành hung ông khi ông từ chối từ bỏ các hoạt động tôn giáo của mình.
Phá hoại Cơ sở và/hoặc ngăn chặn các Hoạt động Tôn giáo: Các tổ chức tôn giáo ở Việt Nam vẫn còn sợ chính phủ lấy các cơ sở tôn giáo bằng cách đuổi ra khỏi hoặc phá hủy và tin là chính quyền đang nhắm đến họ vì tín ngưỡng mình. Cho dù động cơ là lòng tham, tham nhũng, hay ác cảm đối với tôn giáo, đe dọa phá hủy hay hủy hoại cơ sở đều cản trở việc hành đạo. Ví dụ, trong năm, nhà chức trách tiếp tục đe dọa phá hủy Chùa Liên Trì trực thuộc Giáo Hội Việt Nam Thống Nhất ở Thủ Thiêm, một nơi ở thành phố Hồ Chí Minh có nhiều dự án tái phát triển. Chùa Đạt Quang ở tỉnh Bà Rịa Vũng Tàu bị sách nhiễu vào tháng 10, 2015 khi nhiều nhóm đông người hung hăng đuổi theo các phật tử và còn chặn lối vào chùa.
Tương tự, các nhà chức trách cũng đã đe dọa đóng cửa trường Dòng ở Thủ Thiêm, nhưng được biết là họ đã tạm dừng việc phá hủy. Ngoài ra, chính quyền địa phương còn đe dọa phá hủy và đuổi linh mục của giáo xứ Dak Jak có khoảng 5.000 tín đồ ở giáo khu Kon Tum. Được biết là các nhà chức trách ở tỉnh Kon-Tum ở Tây Nguyên đặc biệt sách nhiễu các giáo đồ theo các tín ngưỡng độc lập và không đăng ký. Được biết, các quan chức địa phương đã đuổi nhiều tín đồ trong Giáo Xứ Đông Yên ở giáo phần Vinh; điều này diễn ra sau khi các nhà chức trách từ chối không cho các học sinh Công Giáo tiếp cận với giáo dục.
Phật tử Khmer Krom cũng chịu các ngược đãi tương tự. Ví dụ, các nhà chức trách địa phương ở tỉnh Sóc Trăng đã cho phép các công ty tư nhân dựng lên các cơ sở kinh doanh trong sân chùa, mà phật tử Khmer Krom tin là vi phạm sự linh thiêng của nhà chùa. Các tín đồ Cao Đài độc lập ở tỉnh Phú Yên đã chống đối những nỗ lực của chính quyền địa phương phá sập chùa Tuy An. Trong cả năm 2015, các đạo hữu bị công an đe dạo và cảnh báo phải ở xa chùa.
Dự luật về Tôn giáo: Mặc dầu dự luật về tôn giáo cho Việt Nam một cơ hội thay đổi tích cực, có một số xu hướng cản trở thể hiện trong các dự thảo đã được công khai. Các quan chức chính phủ đã thông báo với USCIRF là luật pháp sẽ đem lại một khung pháp lý cho chính sách tôn giáo (khác với chính sách hiện hành có nhiều nghị định và thông tư), một số viên chức cho rằng dự thảo sẽ đem lại việc đối xử với mọi nhóm tôn giáo một cách bình đẳng và đẩy mạnh công tác tập huấn các nhà chức trách địa phương. Tuy nhiên, nhiều tổ chức tôn giáo và quốc tế xem dự thảo tăng cường kiểm soát của chính phủ đối với mọi lãnh vực của đời sống tôn giáo thông qua nhiều tầng thông báo và chấp thuận và khiến cho các hoạt động “bất hợp pháp” là đối tượng của pháp quyền, hơn là nghị định và thông tư. Vì vậy, các nhà phê bình mô tả dự luật là một “bước thụt lùi”, mã hóa các chính sách tồi tệ hiện hành và tăng cường việc quản lý tôn giáo cấp vi mô. Một số người đã đề nghị sửa đổi dự luật, gồm có cả việc xóa bỏ yêu cầu đăng ký bắt buộc và chấp thuận các hoạt động tôn giáo của chính quyền, kể các việc bổ nhiệm hay thuyên chuyển các mục sư và các nhà lãnh đạo tôn giáo khác cũng như rút ngắn thời gian chờ đợi để chấp thuận của chính quyền.
Tù nhân: Vào ngày 2 tháng 9, 2015 Ngày Quốc Khánh của đất nước, chính phủ Việt Nam đã thả 18.000 tù nhân, dầu không có ai trong số họ được xem là tù nhân chính trị hoặc tôn giáo. Có thêm những tù nhân nổi tiếng được thả trong năm, gồm có: Tháng Sáu thả nhà hoạt động công giáo giáo và luật sư bảo vệ nhân quyền Lê Quốc Quân; và tháng Tám thả blogger Paulus Lê Văn Sơn, lãnh tụ tin lành Nguyễn Văn Oai, và các nhà hoạt động công giáo Trần Minh Nhật và Thái Văn Dung. Tuy nhiên, người ta tin là có khoảng từ 100 đến 150 tù nhân lương tâm vẫn còn ở trong tù, trong số này gồm có nhiều người bị giam giữ vì đức tin tôn giáo và/hoặc ủng hộ cho tự do tôn giáo, như Cha Thaddeus Nguyễn Văn Lý. Các phật tử Khmer Krom nổi tiếng vẫn còn ở trong tù, như Thích Thach Thuol, Thích Lieu Ny, và Thach Phum Rich.
 Những tù nhân được thả đặc biệt rất dễ bị ngược đãi. Nhà hoạt động nhân quyền cơ đốc giáo Trần Minh Nhật, ra tù vào tháng tám, 2015 bị tạm giam hai lần và bị công an đánh đập vào Tháng 11. Vào Tháng 3, 2015 những người hung hăng không biết đến từ đâu tấn công ông Nguyễn Văn Đài, luật sư bảo vệ nhân quyền, người trước đây bị bắt giữ và đã ở tù một thời gian. Ông cũng bị đánh đập và bị bắt giữ vào tháng 12, 2015 theo điều luật 88 của Bộ luật hình sự, một điều luật mơ hồ được sử dụng chống lại những nhà hoạt động nhân quyền mà chính quyền cáo buộc là “tuyên truyền chống lại nhà nước.” Chính phủ Hòa Kỳ đã lên tiếng phản đối mạnh mẽ vụ việc ông bị bắt giữ.
Chính sách Hoa Kỳ.
Trong năm 2015, Hoa Kỳ và Việt Nam kỷ niệm 20 năm bình thường hóa quan hệ và thực hiện nhiều chuyến viếng thăm cấp cao, gồm có cả Tổng Bí Thư Nguyễn Phú Trọng đến thăm Hòa Kỳ vào Tháng Bảy, đây là lần đầu tiên người đứng đầu Đảng Cọng Sản Việt Nam đến thăm, và chuyến thăm của Ngoại Trưởng John Kerry và Thứ Trưởng Ngoại Giao đặc trách về Nhân Quyền, Dân chủ, và Lao động Tom Malinowski vào Tháng Tám. Cả hai quốc gia đều tổ chức những phiên đối thoại song phương về Nhân Quyền, đặc biệt bao gồm cả những thảo luận về các quan ngại về tự do tôn giáo, một phần do sự tham dự của Đại sứ lưu động về tự do tôn giáo của Hoa Kỳ, ông David Saperstein.
Những lãnh vực hợp tác xong phương giữa Hoa Kỳ và Việt Nam gồm có thương mại, an ninh hàng hải và quốc phòng, năng lượng/môi trường, khoa học/kỹ thuật, chăm sóc sức khỏe, giáo dục, và nhân quyền. Các ưu tiên này được vạch ra một cách chiến lược vào năm 2013 khi hai nước khởi đầu quan hệ đối tác Hoa Kỳ-Việt Nam toàn diện. Dự thảo ngân sách chi tiêu năm tài chính 2016 gồm có các khoản cho Việt Nam thông qua Quỹ Hỗ Trợ Quốc Tế và các chương trình Trợ Giúp Phát Triển.
Trong năm 2015, Việt Nam đã là một tâm điểm trong những cuộc đàm phán của Hiệp Định Tự Do Mậu Dịch khu vực Đối Tác Xuyên Thái Bình Dương (TPP), những nhà phê bình kêu gọi Việt Nam cam kết hơn nữa về nhân quyền và các vấn đề khác, kể cả tự do tôn giáo. Các cuộc đàm phán này nhắc nhở, một phần, ngôn ngữ được thêm vào trong dự luật Quyền Thúc Đẩy Thương Mại (công cụ pháp lý nhằm giúp thúc đẩy quôc hội xem xét về Hiệp Định TPP) bao gồm vấn đề tự do tôn giáo là một mục tiêu đàm phán khi chính phủ Hoa kỳ hợp tác với các đối tác quốc tể trong các hiệp định thương mại.
Khuyến nghị.
Hoa Kỳ cần tích cực thực hiện các bước để ủng hộ cho các thay đổi có ý nghĩa và lâu dài ở Việt Nam, kể cả cải thiện tự do tôn giáo. Một phương thức để thúc đẩy những cải thiện đó, USCIRF khuyến cáo chính phủ Hoa Kỳ đưa Việt Nam vào danh sách các quốc gia đáng quan ngại:
· Phối hợp với chính phủ Việt Nam triển khai các cam kết đã được hai bên thỏa thuận nhằm tăng cường các cải cách quan trọng theo điều 405(c) của IRFA, xây dựng quan hệ hiệu quả có minh chứng cho hai quốc gia theo thỏa thuận ràng buộc như lúc Việt Nam được đưa vào danh sách các quốc gia đáng quan ngại từ năm 2004 đến năm 2006;
· Tiếp thục thảo luận với chính phủ Việt Nam về việc thảo ra các dự luật về tôn giáo và nhấn mạnh đến tầm quan trọng của việc tuân thủ các tiêu chuẩn nhân quyền quốc tế cũng như các yêu cầu đăng ký cần được đơn giản hóa và không bắt buộc để bảo đảm là các tổ chức tôn giáo không muốn đăng ký có các phương kế thích hợp khác để hoạt động hợp pháp;
· Khuyến khích chính phủ Việt Nam công nhận và giải quyết các vi phạm chống lại các cộng đồng tôn giáo do các tác nhân nhà nước và phi nhà nước, và ủng hộ công tác tập huấn thích hợp các viên chức chính phủ, luật sư, quan tòa, lực lượng công an và an ninh, những người thực thi, thực hiện, và hiểu về luật pháp;
· Bảo đảm nhân quyền và tự do tôn giáo được tuân thủ một cách nhất quán và công khai ở mọi cấp độ của quan hệ Việt Mỹ, kể cả trong những thảo luận về trợ giúp quân sự, thương mại, hay kinh tết và an ninh, và trong các chương trình về tự do Internet, phát triển xã hội dân sự, bên cạnh những vấn đề khác, và theo dõi các vấn đề ưu tiên này sau khi đã đạt được các thảo thuận và dàn xếp, như Hiệp Ước Xuyên Thái Bình Dương;
· Tăng cường tầng suất và dự kiến trước được các chuyến viếng thăm của chính phủ Hoa Kỳ đến các vùng nông thôn ở Việt Nam, kể các tiếp xúc trực tiếp các cộng đồng tôn giáo độc lập khi cần thiết;
· Khẩn thiết yêu cầu chính phủ Việt Nam ngưng việc giam giữ và bỏ tù các thành viên của các tổ chức tôn giáo, cũng như các nhà hoạt động nhân quyền, vì các hoạt động tôn giáo hòa bình hay các tổ chức tôn giáo trực thuộc và để khẩn trương trả tự do cho tất cả các tù nhân lương tâm;
· Khuyến khích ở Tòa Đại Sứ Hoa Kỳ ở Hà Nội và Lãnh Sự Hoa Kỳ ở Thành Phố Hồ Chí Minh duy trì các tiếp xúc thích hợp, kể cả các cuộc đến thăm gặp mặt trực tiếp, với các tù nhân lương tâm, để bảo đảm họ có thể tiếp cận được thường xuyên với gia đình họ, các giám sát viên nhân quyền, chăm sóc y tế thỏa đáng, và được đại diện pháp lý đúng mức, như được nói rõ trong các công cụ nhân quyền quốc tế; và danh sách các quốc gia đáng quan ngại

· Xem xét việc sử dụng các công cụ đối tượng, như danh sách “các quốc gia đáng quan ngại” được Văn Phòng Kiểm Soát Tài Sản Nước Ngoài của Bộ Tài Chính Hoa Kỳ và việc từ chối visa theo điều luật 604 (a) của IRFA, với các viên chức và tổ chức được xác định là có tham gia vào những vi phạm nhân quyền, kể cả các vi phạm nghiêm trọng về tự do tôn giáo.