Trang

Thứ Ba, 28 tháng 6, 2016

1494. Thế mới thương đời lính...

Giấc mơ người lính VNCH
Xuân Nguyên, thông tín viên RFA
2016-06-28

Cuộc chiến nào đi qua đều để lại đau thương và nước mắt, nhưng ước mơ của người lính khi cầm súng chiến đấu bảo vệ Tổ quốc vì lý tưởng sẽ không thể xóa nhòa.
Cuộc chiến tranh Nam – Bắc Việt Nam đã trôi qua hơn 40 năm, nỗi đau thương, niềm nhung nhớ, hay những giọt nước mắt thương tiếc cho những người đồng đội đã ngã xuống trên chiến trường, của những người lính hai bên chiến tuyến hôm nay vẫn còn đó.


73a49ac8-146b-4f82-9faf-69a049749fad.png
Lính VNCH trình diện sau ngày 30/4/1975
Files photo
Bây giờ đất nước tưởng chừng như hòa bình, nhưng đây đó vẫn còn tiếng súng trên biển Đông, đó là các hành động kiểu kẻ cướp của chính quyền Bắc Kinh như cố ý đâm vỡ và ăn cướp thuyền của ngư dân Việt Nam. Nhưng tiếc rằng nhà cầm quyền Hà Nội vẫn không có những động thái tương thích, có chăng chỉ là việc phản đối lấy lệ từ phía Bộ Ngoại giao. Cho dù phía chính quyền đã tìm cách hỗ trợ ngư dân, nhưng đối với những người lính đã hy sinh xương máu để bảo vệ Tổ Quốc, thì đây là điều khó có thể chấp nhận được. Điều đó nhắc nhở những người thương, phế binh của cả hai phía phải nhớ về vai trò và trách nhiệm của người lính.
Vai trò và trách nhiệm của người lính
Từ Cao nguyên Trung phần, ông Hồng – một thương phế binh, cựu sĩ quan quân lực VNCH cho biết, trước đây khi vừa tròn 19 - 20 tuổi, ông và các bạn bè của ông đã nhận được lệnh tổng động viên và tham gia phục vụ quân đội. Ông cho biết, thú thực lúc đó chúng tôi không đấu tranh vì đảng phải chính trị… mà chúng tôi chỉ cầm súng để bảo vệ cho màu cờ quốc gia, bảo vệ cho nền tự do của VNCH.
Trong cương vị một sĩ quan chỉ huy trong quân đội, ông Hồng nói:
Người lính là người cầm súng bảo vệ cho Quê hương, Tổ quốc của mình. Còn nếu đi lính mà không bảo vệ Quê hương, Tổ quốc thì không được gọi là lính, mà như kiểu lính đánh thuê mà thôi.
- Ông Hồng, thương phế binh VNCH
“Thứ nhất là phải trung thành mệnh lệnh của cấp trên; thứ hai, cầm quân là phải biết nghiêm lệnh, biết điều binh, biết chỗ nào xử trí để mà xử trí, chỗ nào cần lên tiếng, chỗ nào nếu cần đổ máu thì đổ máu, cần biết bảo toàn lực lượng và tính mạng của đồng đội là trên hết.”
Khi được hỏi về trách nhiệm của một người lính trong chiến tranh?
Ông Hồng cho biết, cho dù có sự khác biệt về vị trí địa lý, về thể chế chính trị… nhưng ông tin rằng trách nhiệm của một người lính của bất cứ bên nào cũng không bao giờ thay đổi, ông nói tiếp:
“Nói chung là một người lính ở binh chủng nào, bất kể là một chế độ nào, một thể chế nào hay một nước nào, là một người lính thì phải làm tròn trách nhiệm, nghĩa vụ của một người lính. Phải biết vâng lệnh cấp trên, chỉ huy cấp dưới. Người lính là người cầm súng bảo vệ cho Quê hương, Tổ quốc của mình. Còn nếu đi lính mà không bảo vệ Quê hương, Tổ quốc thì không được gọi là lính, mà như kiểu lính đánh thuê mà thôi.”
Ông Trung – một thương phế binh ở Nha Trang nói về trách nhiệm của người lính:
“Ngày xưa, mình lúc nào cũng 6 chữ: Tổ quốc, danh dự và trách nhiệm. Chữ đó lúc nào cũng gắn liền với cuộc đời mình rồi. Lúc đó mình làm gì cũng có trách nhiệm hết, chiến đấu cũng có trách nhiệm, thế này, thế nọ hay thế kia cũng có trách nhiệm, luôn có trách nhiệm trong phạm vi quản lý hoặc nơi mình đang sống.”
Từ Quảng Trị, ông Trần Thiên Phụng, một thương binh, người từng tham gia và bị Trung Quốc bắt làm con tin trong trận chiến Gạc Ma năm 1988 cho rằng, đã là người lính thì phải luôn luôn có trách nhiệm bảo vệ Tổ Quốc và phải đặt lợi ích của dân tộc lên trên hết. Ông khẳng định:
“Mỗi người dân trong đất nước thì mình có cái quyền của mình đứng dậy để bảo vệ chủ quyền của Tổ quốc.”
Từ Đà Nẵng, nhà hoạt động xã hội Nguyễn Anh Tuấn có viết trên Facebook cá nhân khẳng định vai trò của quân đội:
“Quân đội Việt Nam chỉ phụng sự và trung thành với Tổ quốc và Nhân dân - những ai đang đóng thuế nuôi họ mà thôi. Sự trung thành này được thể hiện qua việc phục tùng một chính phủ do dân cử - một guồng máy được bầu lên qua một cuộc bầu cử tự do, công bằng và thực sự đại diện cho ý chí của đa số người dân.”
Thông điệp gửi đến những người trẻ
c103adcc-d33e-4bd1-a093-e5daaa7ff57a.jpg-400.jpg
Hai phụ nữ tại nghĩa trang quân đội Biên Hòa hôm 29/4/1975. AFP photo
Trước tình trạng hiện nay người lính quân đội Việt Nam đang có biểu hiện mất phương hướng, và coi nhẹ vai trò, trách nhiệm của người lính đối với vận mệnh Quốc gia. Mà nguyên nhân của vấn đề này có lẽ vì trong bản Hiến pháp năm 2013 tại điều 65, chương IV: ‘Bảo vệ Tổ quốc’, có quy định thêm về việc ‘lực lượng vũ trang nhân dân phải tuyệt đối trung thành với đảng và nhà nước, phải bảo vệ đảng, bảo vệ chế độ xã hội chủ nghĩa…’. Điều đó đã khiến cho người lính quân đội Việt Nam hôm nay sao nhãng trách nhiệm, nghĩa vụ của mình.
Ông Hồng cho rằng, người lính bây giờ do chỉ đi nghĩa vụ quân sự theo trách nhiệm của một công dân trong thời gian 1 năm rưỡi - 2 năm, chính vì thế họ đã không xác định được rằng phải cầm súng chiến đấu như trước đây. Ông tiếp lời:
“Lính bây giờ họ đi kinh tế, đi nghĩa vụ, họ chỉ lao động sản xuất chứ họ đâu có biết gì đâu, hết nghĩa vụ là họ về. Mình cũng không có trách được, vì ở chế độ nào, thời điểm nào thì cũng là làm nghĩa vụ thôi.”
Ông Trung hy vọng những người lính quân đội Việt Nam hôm nay, hãy noi gương cha anh của mình trước đây để khẳng định ý chí bảo vệ chủ quyền biển đảo, bảo vệ Tổ quốc. Tuy vậy, ông Trung không tin rằng những mong ước của ông sẽ được những người lính quân đội Việt Nam quan tâm. Ông thổ lộ:
Lớp trước cha ông mình đã dựng nước và bảo về đất nước thì lớp sau của Tổ quốc, gọi là lớp lớp đứng lên bảo vệ chủ quyền của quốc gia.
- Ông Trần Thiên Phụng 
“Bây giờ hai đường hướng khác nhau rồi, mình nói người ta có nghe đâu mà nhắn nhủ với không nhắn nhủ. Mình nói có lúc người ta còn nói mình là lắm chuyện, tôi bị người ta nói lại (la) hoài ấy chứ, nhiều lúc mình nói đúng người ta cũng không có nghe.”
Ông Trần Thiên Phụng cũng muốn nhắn nhủ đến những người lính trẻ rằng, bằng mọi giá không thể để mất đất, mất biển của cha ông vào tay kẻ thù, bởi theo ông những thế hệ trước mọi người lính luôn sẵn sàng hy sinh, để hoàn thành trách nhiệm của một người lính trong việc bảo vệ toàn vẹn lãnh thổ của Tổ quốc. Ông nói tiếp:
“Lớp trước cha ông mình đã dựng nước và bảo về đất nước thì lớp sau của Tổ quốc, gọi là lớp lớp đứng lên bảo vệ chủ quyền của quốc gia.”

Những người thương, phế binh của cả hai chế độ mà chúng tôi được tiếp xúc gần đây đều cho rằng, trách nhiệm của mỗi người lính là bảo vệ toàn vẹn lãnh thổ, biên cương của Tổ quốc, và phục vụ cho lợi ích của toàn dân tộc. Tất cả đều chung một nguyện ước rằng, Tổ quốc Việt Nam luôn được bình yên, người dân có ấm no, tự do và hạnh phúc.