Trang

Thứ Năm, 16 tháng 6, 2016

1456. Dư luận Đài Loan lên tiếng về Formosa

         16 tháng 6 2016

Hôm thứ Năm 16/6, một trong những tập đoàn lớn nhất của Đài Loan, Formosa Plastic Group, gặp sức ép từ các nhóm môi trường địa phương, nghị sĩ và một hội của di dân người Việt yêu cầu tập đoàn trả lời về vụ cá chết bí ẩn ở miền Trung Việt Nam.

HÌNH ẢNH CUỘC HỌP BÁO.
Việt Nam đã chứng kiến một trong những tai họa môi trường lớn nhất trong lịch sử. Hàng loạt cá chết được tìm thấy dọc 200 cây số đường biển kể từ đầu tháng Tư ở các tỉnh miền Trung như Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị, ảnh hưởng cuộc sống của ngư dân và cư dân tại đó.
Nhiều người nghi ngờ nước thải từ nhà máy thép Đài Loan, một cơ sở của Formosa Plastic, là thủ phạm.
Các nhóm môi trường và người dân địa phương đã có cáo buộc chống nhà máy. Một người như thế, Lê Quang Dũng, một lao động di dân sang Đài Loan ngay trước khi bắt đầu xảy ra tình trạng cá chết hàng loạt, vì ông nói ngay cả khi đó nguồn cá cũng đã bắt đầu giảm. Tại cuộc họp báo ở Đài Bắc, ông mô tả thảm họa đã ảnh hưởng đến gia đình ông và dân làng và vì sao họ nghi ngờ nhà máy thép tại Hà Tĩnh của Formosa.
“Một người thân của tôi là thợ lặn. Ông ấy kể khi ông đến gần miệng ống xả thải của nhà máy thép, ông không thở được và phải rời đi ngay.”
“Nước thải có hai màu, vàng và đen. Kể từ ngày đó, chúng tôi không đánh cá được, nhiều cá chết và ngư dân chúng tôi không có cách sống.”
Một linh mục người Việt giúp đỡ di dân ở Đài Loan nói ít nhất một người đã chết và nhiều người dân địa phương được phát hiện đã nhiễm kim loại nặng trong cơ thể.
“Không chỉ cá chết. Gà cũng chết. Người ăn cá thì bị ốm. Khi họ đến bệnh viện, bác sĩ không cho họ xem kết quả khám nghiệm. Nhiều yếu tố khiến chúng tôi nghi ngờ nhà máy thép Formosa,” cha Nguyễn Văn Hùng nói. Ông là trưởng Văn phòng Trợ giúp Pháp lý cho Công nhân và Cô dâu Việt ở Đài Loan.
“Nếu họ nói không có trách nhiệm trong thảm họa này, họ cần chứng minh,” cha Hùng nhấn mạnh. Tổ chức của ông giúp đỡ cho khoảng 150.000 lao động di dân người Việt giải quyết nhiều vấn đề.
Ông là người giúp thuyết phục hai tổ chức phi chính phủ ở Đài Loan tổ chức cuộc họp báo. Tại đây, đã có mặt nhiều nghị sĩ lo ngại về vấn đề này cùng một đại diện chính phủ. Nhiều đài truyền hình địa phương và phóng viên đã tham dự.
Nói với truyền thông, cha Hùng mong muốn người dân Đài Loan bày tỏ quan ngại.
“Việc này có thể ảnh hưởng Đài Loan. Sản phẩm từ Việt Nam có thể nhập vào đây và ảnh hưởng người dân Đài Loan,” cha Hùng nói.
Cùng với cha Hùng, Chang Yu-yin, giám đốc hiệp hội môi trường, nói công ty cần tiết lộ họ dùng chất hóa học gì để làm sạch ống thải trước lúc xảy ra vụ cá chết và cho rằng chính phủ Đài Loan cần buộc các công ty Đài Loan không chỉ tuân thủ luật của nước sở tại mà cả tiêu chuẩn và quy định của Đài Loan.
“Formosa Plastic là cổ đông lớn nhất của nhà máy thép. Nhà máy thép ở Hà Tĩnh là công ty Đài Loan. Formosa Plastic cần cung cấp thông tin và tổ chức nhóm điều tra, gồm các chuyên gia độc lập và công khai kết quả điều tra,” theo lời ông Chang.
Ông nói thêm: “Khi chúng ta ra nước ngoài đầu tư, liệu chúng ta chỉ đáp ứng tiêu chuẩn của các nước đang phát triển? Sao không đáp ứng tiêu chuẩn quốc tế về nhân quyền, lao động, môi trường, hay chúng ta nới lỏng tiêu chuẩn đi?”
Nhưng Chow Ching-sway, một chuyên viên cao cấp tại Ủy ban Đầu tư của Bộ Kinh tế, nói sau khi chính phủ đánh giá xong và thông qua đơn xin đầu tư hải ngoại của công ty Đài Loan, chính phủ không giải quyết các vấn đề sau đó. Ông nói đó là trách nhiệm của các nước có công ty Đài Loan hoạt động – các nước sẽ giải quyết các vi phạm pháp luật tại nước họ.
“Hiện nay chúng tôi không có luật liên quan đầu tư của một công ty sau khi chính phủ Đài Loan đã thông qua. Nếu người dân muốn chính phủ Đài Loan điều tra các công ty, thì phải thông qua luật mới.”
Nhưng những người chỉ trích nói điều này chỉ làm hại cho kế hoạch của chính phủ mới được bầu lên, muốn tăng đầu tư ở Đông Nam Á để bớt phụ thuộc Trung Quốc.
Formosa hiện không bác bỏ cũng không xác nhận các cáo buộc, chỉ nói rằng không có bằng chứng liên kết nhà máy với vụ cá chết.
Hôm thứ Năm, Phó chủ tịch Formosa Hà Tĩnh Chang Fu-ning xác nhận tin nói chính phủ Việt Nam tạm hoãn việc cho phép nhà máy thép vận hành do cần đăng ký xin một giấy phép bảo vệ môi trường, nhưng ông tin rằng việc đình hoãn không kéo dài.
Nhà máy theo lịch trình sẽ bắt đầu vận hành từ cuối tháng Sáu.
"Chúng tôi vẫn hoạt động bình thường ở đây, chẳng có gì là đình chỉ hoạt động cả. Chỉ là chúng tôi ngừng việc khánh thành sản xuất một chút. Chúng tôi cần sự cho phép của chính phủ [Việt Nam]."
"Chúng tôi đang nộp hồ sơ xin phép đây. Chúng tôi đã lên kế hoạch bắt đầu sản xuất thép cuối tháng Sáu, nhưng giờ chúng tôi cần nói chuyện với chính phủ. Có thể việc tạm hoãn này sẽ kéo dài 2 -3 tháng nhưng chúng tôi chắc chắn sẽ đi vào sản xuất. Nhà máy đã xây xong rồi, sao lại không được vận hành? Chúng tôi cần phải đăng ký xin một giấy phép bảo vệ môi trường. Việc này không liên quan gì đến chuyện cá chết cả,” ông Chang nói với BBC.
Chính phủ Việt Nam nói đã hoàn tất cuộc điều tra nhưng đang chờ các chuyên gia phản biện. Dự kiến kết quả điều tra sẽ sớm được công bố.

Các nhóm phi chính phủ, vị linh mục và di dân người Việt dự định tổ chức biểu tình hôm thứ Sáu bên ngoài khách sạn, nơi một công ty con của Formosa Plastic tổ chức cuộc họp cổ đông, nhằm tăng sức ép lên công ty.