Trang

Thứ Năm, 2 tháng 6, 2016

1417. Ai tin Đảng bội ước???

Trở lại Hiệp định TPP

Nguyên Lam & Nguyễn-Xuân Nghĩa, RFA
2016-06-01
Tuy nhiên, qua kinh nghiệm của quốc tế về tinh phần bội ước - là phản bội và không chấp hành các hiệp ước - của Chính quyền Hà Nội, các tổ chức lao động và nhân quyền lẫn nhiều dân cử Mỹ trong Quốc hội không tin vào cam kết của Hà Nội và đang gây sức ép với Chính quyền Hoa Kỳ để có khi sẽ gạt Việt Nam ra ngoài.

000_Was8970858-622.jpg
12 nước thành viên Hiệp định đối tác kinh tế chiến lược xuyên Thái Bình Dương, gọi tắt TPP tại Atlanta, Mỹ ngày 5/10/2015.
AFP PHOTO/PAUL HANDLEY

Trong chuyến thăm viếng Việt Nam vừa qua, Tổng thống Hoa Kỳ Barack Obama nhấn mạnh đến yêu cầu thông qua Hiệp định Đối tác Xuyên Thái bình dương, thường được gọi tắt là TPP. Nhân dịp này, Diễn đàn Kinh tế tìm hiểu lại về hiệp định tự do thương mại và đầu tư cấp vùng giữa 12 quốc gia có sản lượng kinh tế bằng 40% toàn cầu và kim ngạch ngoại thương bằng 20% của thế giới, và sẽ chú trọng đến những trở ngại từ cả hai phía Hoa Kỳ và Việt Nam.

Còn nhiều khó khăn

Nguyên Lam: Xin kính chào chuyên gia kinh tế Nguyễn-Xuân Nghĩa. Tuần qua, Tổng thống Barack Obama đã thăm viếng Việt Nam và riêng về kinh tế, ông phát biểu, Nguyên Lam xin trích nguyên văn, rằng “Hoa Kỳ sẽ giúp Việt Nam phát huy tiềm lực kinh tế thông qua Hiệp định Đối tác Xuyên Thái Bình Dương TPP. Hiệp định TPP sẽ giúp Việt Nam bán nhiều sản phẩm hơn ra thế giới, đồng thời thu hút về nhiều vốn đầu tư, nhưng đòi hỏi Việt Nam cải cách để bảo vệ người lao động, pháp quyền và sở hữu trí tuệ. Hoa Kỳ sẵn sàng giúp Việt Nam thực hiện hiệu quả các cam kết.” Hết trích dẫn. Thưa ông Nghĩa, chúng ta biết Tổng thống Obama coi Hiệp định TPP là dấu ấn của mình và thiết tha kêu gọi các nước sớm phê chuẩn văn kiện này, vì vậy, xin đề nghị ông trình bày lại bối cảnh của hồ sơ và nói rõ về những trở ngại có thể xảy ra trong thời gian tới.
Vì Hiệp định được 12 nước ký kết ngày bốn Tháng Hai năm 2016, nếu Quốc hội của 12 nước cùng phê chuẩn và ban hành biện pháp áp dụng thì trễ lắm là sau hai năm và 60 ngày, tức là mùng năm Tháng Tư năm 2018, TPP có hiệu lực. 
-Nguyễn-Xuân Nghĩa
Nguyễn-Xuân Nghĩa: Tôi xin trình bày về bối cảnh thủ tục trước và khúc mắc chính trị sau.
Thứ nhất, đây là một hồ sơ phức tạp với tham vọng trở thành mẫu mực cho tương lai. Sau gần một năm do dự và nghiên cứu, Chính quyền Obama thúc đẩy các nước thông qua việc đàm phán và mau chóng áp dụng. Sau bảy năm và hơn 20 kỳ họp, 12 nước hoàn tất việc thương thuyết vào Tháng 10 năm ngoái và ngày bốn Tháng Hai năm nay đã ký kết văn kiện này.
Thứ hai, theo quy định ở điều 30 khoản 3, sau ngày ký kết đó, 12 nước có tối đa hai năm để ban hành luật lệ áp dụng, được họ xác nhận bằng văn thư và 60 ngày sau khi có văn thư thì Hiệp định chính thức có hiệu lực. Gặp trong trường hợp mà một hay nhiều quốc gia không có văn thư xác nhận thì Hiệp định vẫn áp dụng 60 ngày sau khi có ít nhất sáu nước đồng ý khai thông bế tắc này. Việc khai thông đòi hỏi là sáu nước đồng ý phải có sản lượng bằng 85% của toàn khối.
Vì Hiệp định được 12 nước ký kết ngày bốn Tháng Hai năm 2016, nếu Quốc hội của 12 nước cùng phê chuẩn và ban hành biện pháp áp dụng thì trễ lắm là sau hai năm và 60 ngày, tức là mùng năm Tháng Tư năm 2018, TPP có hiệu lực. Ông Obama hy vọng thủ tục nhiêu khê ấy sẽ hoàn thành trước khi ông mãn nhiệm vào ngày 20 Tháng Giêng năm 2017, nhưng tôi e là khó.
Nguyên Lam: Vì sao ông cho là thủ tục này khó hoàn thành trước khi Tổng thống mãn nhiệm?
Nguyễn-Xuân Nghĩa: Tôi xin được nói về hoàn cảnh Hoa Kỳ trước, về Việt Nam sau.
Hoa Kỳ là quốc gia dân chủ vừa trải qua chấn động kinh tế tài chính từ năm 2008 và nay chưa hoàn toàn phục hồi, với khá nhiều vấn đề tích lũy từ ba bốn chục năm qua. Năm nay, Hoa Kỳ lại có tổng tuyển cử khi cử tri bầu lại các chức vụ dân cử then chốt là lãnh đạo Hành pháp, 435 dân biểu và 34 nghị sĩ bên Lập pháp và 11 Thống đốc Tiểu bang. Trong cuộc bầu cử năm nay, hồ sơ kinh tế xã hội có tầm quan trọng đặc biệt, bên trong lại có Hiệp định TPP.
Dù Tổng thống Obama thuộc đảng Dân Chủ ra sức vận động Quốc hội phê chuẩn TPP, đa số giới chức dân cử của đảng lại hoài nghi lợi ích của hiệp định. Xưa nay, đảng Cộng Hòa có xu hướng đề cao tự do mậu dịch và đã từng bỏ phiếu hỗ trợ Hiệp định Tự do Thương mại Bắc Mỹ NAFTA năm 1994 do Chính quyền Dân Chủ của Tổng thống Bill Clinton hoàn thành. Năm nay, sự hoài nghi của cử tri khiến đảng Cộng Hòa chột dạ và không muốn đáp ứng yêu cầu của Tổng thống Obama. Thực tế thì cả ba ứng cử viên của hai đảng lớn ra tranh cử Tổng thống năm nay đều tỏ ý chống TPP. Khi ấy, Quốc hội khóa 115 đương nhiệm không thể đưa văn kiện này ra thảo luận hoặc đề nghị ban hành luật lệ áp dụng để sẽ thông qua trong năm, cho nên Quốc hội khóa 116 được bầu lên từ cuộc bầu cử năm nay và nhậm chức đầu năm 2017 mới có thể tiến hành việc đó, nếu như có đủ phiếu ủng hộ.

Lá phiếu của cử tri Hoa Kỳ sẽ ảnh hưởng TPP?

Nguyên Lam: Thưa ông, Hoa Kỳ là quốc gia vẫn phát huy lợi ích của tự do thương mại, vì sao bây giờ lại tỏ ý hoài nghi Hiệp định TPP do Hành pháp mất bảy năm thương thuyết và được Tổng thống triệt để bênh vực?
Nguyễn-Xuân Nghĩa: Chúng ta đã nhiều lần phân tích hiện tượng đáng thất vọng ấy và đấy là hậu quả của một vụ khủng hoảng niềm tin vào giới chính trị gia chuyên nghiệp và của tinh thần mị dân. Khi quy cách làm ăn thay đổi thì thể nào cũng có thành phần được lợi và nhiều thành phần khác phải tự cải sửa để nâng sức cạnh tranh, nhưng người ta không xét vào thực tế của một hồ sơ quá phức tạp như vậy rồi đơn giản tri hô rằng Hiệp định có lợi cho bọn tài phiệt và làm công nhân Mỹ mất việc. Các kinh tế gia thiên tả thì dùng kiến thức chuyên môn của họ để xác nhận chuyện ấy làm quần chúng càng dễ hiểu lầm một vấn đề hơi rắc rối.
000_B417Q-622.jpg
Tổng thống Hoa Kỳ Barack Obama tại cuộc họp báo chung ở Hà Nội hôm 23/5/2016.
Sự thật thì ngoại thương hay toàn cầu hóa là con đường hai chiều. Thí dụ như các tập đoàn đa quốc tại Hoa Kỳ có thể đầu tư vào Đông Á hay Trung Mỹ và tạo thêm hai triệu việc làm ở nơi đó và cắt bớt một triệu công việc ở nhà. Nhưng ít ai tính ra là các tập đoàn ấy cũng tuyển dụng nhân lực cao cấp người Mỹ trong các lĩnh vực công nghệ thông tin, tư vấn hay tài chính. Và càng tạo thêm việc làm ở nước ngoài thì doanh nghiệp Mỹ càng nâng mức tiêu thụ hàng hóa Hoa Kỳ, tức là giúp cho xuất khẩu. Một thí dụ khác là nhân công ngành dệt sợi hay đồ da Việt Nam mà làm việc trong doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài thì nhận lương cao gấp rưỡi các doanh nghiệp nội địa, nhờ đó họ lại thuộc vào nhóm ngũ phân 20% có lợi tức cao nhất và có sức mua hàng “Made in USA” như Tổng thống Mỹ đã phát biểu tại Mỹ Đình.
Nguyên-Lam: Trong hoàn cảnh đầy những bất trắc như thế thì thưa ông, phải chăng lá phiếu của cử tri Hoa Kỳ sẽ ảnh hưởng đến số phận của Hiệp định TPP?
Nguyễn-Xuân Nghĩa: Tôi e là trình trạng này này sẽ chi phối cả cuộc bầu cử Quốc hội ở các địa phương gặp vấn đề kinh tế chứ không riêng gì cuộc bầu tử tổng thống. Cho nên chưa chắc Quốc hội khóa 116 được bầu lên ngày tám Tháng 11 năm nay và sẽ nhậm chức ngày ba Tháng Giêng năm 2017 đã có thể thông qua việc này. Muốn thông qua thì còn phải biểu quyết nhiều luật lệ áp dụng hoặc đòi hỏi điều chỉnh lại những cam kết đã hoàn tất với 11 nước kia.
Có một chuyện đáng chú ý là trong cuộc tranh luận trên chính trường Mỹ hiện nay thì Việt Nam lại được viện dẫn như một lý do đáng chống đối vì Việt Nam được coi là có lợi nhất khi tham gia Hiệp định TPP.
Nguyên Lam: Thưa ông tại sao như vậy trong khi chính Tổng thống Obama lại khuyến khích Việt Nam nên tiến hành cải cách và còn nói rằng Hoa Kỳ sẵn sàng giúp Việt Nam thực hiện các cam kết một cách hiệu quả?
Nguyễn-Xuân Nghĩa: Nguyên Lam nêu lên một câu hỏi rất hay. Phân tích hậu quả của TPP, các tổ chức quốc tế đều đánh giá là trong 12 thành viên thì Việt Nam có lợi nhất vì sẽ nâng tổng sản lượng được 10% nhờ xuất khẩu tăng 30% tính đến năm 2030. Do đó, các chính trị gia đều có thể nói Việt Nam có lợi nhờ nhân công rẻ nên sẽ cướp việc làm của người Mỹ. Sự thật nó rắc rối hơn như diễn đàn này đã phân tách từ sáu tháng trước mà tôi xin được nhắc lại ở đây.
Dù Tổng thống Obama thuộc đảng Dân Chủ ra sức vận động Quốc hội phê chuẩn TPP, đa số giới chức dân cử của đảng lại hoài nghi lợi ích của hiệp định. 
-Nguyễn-Xuân Nghĩa
Nói chung, Việt Nam được đánh giá là thành viên thuộc loại lạc hậu nhất trong 12 đối tác TPP nên được thông cảm với mười mấy điều khoản về kỳ hạn tuân thủ, từ một hai năm đến 10, 15 và thậm chí 20 năm, thì mới được lợi thế về quan thuế và quyền tự do xuất khẩu. Riêng trong lĩnh vực lao động thì Việt Nam có một thỏa thuận biệt lập theo đó sẽ được Mỹ yểm trợ và theo dõi việc tuân thủ cam kết về lao động. Một cách thiết thực thì một ủy ban gồm ba chuyên gia về lao động của Việt Nam, Hoa Kỳ và của Tổ chức Lao động Quốc tế ILO sẽ giám sát việc Việt Nam chấp hành trong vòng năm năm tới sau khi áp dụng Hiệp ước TPP. Sau năm năm ấy, phía Hoa Kỳ có thể chối từ lợi thế mậu dịch cho Việt Nam nếu thấy xứ này không tuân thủ những điều cam kết. Tuy nhiên, qua kinh nghiệm của quốc tế về tinh phần bội ước - là phản bội và không chấp hành các hiệp ước - của Chính quyền Hà Nội, các tổ chức lao động và nhân quyền lẫn nhiều dân cử Mỹ trong Quốc hội không tin vào cam kết của Hà Nội và đang gây sức ép với Chính quyền Hoa Kỳ để có khi sẽ gạt Việt Nam ra ngoài. Nếu điều ấy xảy ra thì chính là dân Việt Nam mới bị thiệt thòi nhất. Chúng ta cảnh báo chuyện này từ sáu tháng trước và đây là lý do khiến Tổng thống Mỹ phải nhắc nhở  mà có lẽ lãnh đạo Hà Nội và nhiều kẻ bàng quan ở bên Mỹ xưa kia từng ca tụng chế độ Hà Nội vào thời gọi là “chống Mỹ cứu nước” cho đến ngày nay vẫn chưa hiểu!
Nguyên Lam: Một cách cụ thể thì thưa ông đâu là những trở ngại mà Việt Nam cần vượt qua để ít ra thuyết phục Quốc hội Hoa Kỳ không gây thêm vấn đề về Hiệp định TPP?
Nguyễn-Xuân Nghĩa: Đầu tiên, vào giờ cuối ở Tháng 10 năm ngoái, Chính quyền Obama còn cố cứu Hà Nội với điều kiện đặc miễn tiêu cực là gia hạn chấp hành nhiều đòi hỏi cải cách thêm 5-10-20 năm. Nhưng Hà Nội lại tưởng rằng khôn và sẽ lại lừa được Mỹ.
Thứ hai là khuôn khổ TPP có nhiều yêu cầu rõ rệt mà Hà Nội nghĩ là sẽ luồn lách được. Đó là 1/ chấp hành luật lệ bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ chứ không thể ăn cắp tác quyền của xứ khác; 2/ xác định tiêu chuẩn về bảo vệ môi sinh và quyền lợi lao động, trong đó có cả quyền thiết lập công đoàn và hiệp hội tự do; 3/ giải tỏa chế độ tiếp liệu cho chính phủ về hàng hóa và dịch vụ để mở rộng nguồn cung cấp thay vì có những hạn chế và chọn lọc của Hà Nội; 4/ phải áp dụng kỷ luật quản lý doanh nghiệp nhà nước và cho tư doanh có không gian phát triển.
Sau cùng, vẫn trong khuôn khổ cam kết của TPP nhưng do hậu quả tai hại vừa qua của vụ khủng hoảng môi sinh tại Vũng Áng Hà Tĩnh khiến cá chết ngập bờ, Quốc hội Hoa Kỳ cùng các tổ chức bảo vệ môi sinh và sức khỏe sẽ đòi hỏi Hà Nội chấp hành quy định về vệ sinh và an toàn thực phẩm, gọi tắt là SPS cho chữ Sanitary  PhytoSanitaire. Đã không xử lý vụ khủng hoảng môi sinh, lại còn đàn áp người biểu tình ôn hòa vì tai họa cá chết và thức ăn nhiễm độc, Hà Nội đang làm trào lưu chống TPP và chống Việt Nam tham gia hiệp định càng có sức thuyết phục và ngay trước mắt thì không ai ở Hoa Kỳ muốn tiêu thụ thực phẩm sản xuất tại Việt Nam. Lãnh đạo Hà Nội hại dân mà không biết và phải chăng có biết thì cũng bất cần?
Nguyên Lam: Câu hỏi cuối, thưa ông, Việt Nam phải làm gì để có thể là thành viên TPP?
Nguyễn-Xuân Nghĩa: Đây là cơ hội cho Việt Nam “Thoát Tầu” và tìm ra tương lai tốt đẹp hơn nếu tôn trọng các cam kết trong khuôn khổ Hiệp định TPP. Nhưng tôi không tin phép lạ và cũng chẳng tin là chế độ Hà Nội sẽ chuẩn bị những thay đổi cần thiết, cho nên chế độ này không có tương lai và sẽ chẳng có một Tổng thống Mỹ đến tận nơi ân cần khuyến cáo.

Nguyên Lam: Ban Việt ngữ đài Á Châu Tự Do xin cảm tạ ông Nghĩa về cuộc phỏng vấn này.