Posted by adminbasam on 03/06/2016
HÀ NỘI (NV) – Một
thứ trưởng Bộ Nông Nghiệp-Phát Triển Nông Thôn của Việt Nam cho hay, chỉ trong
hai năm đã có 4,000 tàu cá Việt Nam “gặp nạn” trên Biển Đông và đây là nguyên
nhân khiến 2,300 ngư dân Việt Nam thiệt mạng, bị thương hay mất tích.
Việt Nam có hơn một triệu ngư
dân và 28,000 tàu đánh bắt xa bờ. Dù chính quyền Việt Nam thường xuyên hứa hẹn
hỗ trợ, thậm chí khẳng định, ngư dân là lực lượng giữ vai trò tiên phong trên
biển, song ngư dân Việt Nam luôn phải tự lực cánh sinh. Họ phải tự vay nóng, trả
lãi cao để có vốn thực hiện các chuyến đi biển. Nếu gặp nhân tai (tàu có vũ
trang của ngoại quốc bắt giữ, đâm chìm hay phá hỏng), hoặc thiên tai (gió bão),
thì chủ tàu phá sản.
Trong một phóng sự được đặng
hồi cuối tuần vừa qua, tờ Người Lao Động kể rằng, cả chủ tàu đánh cá KH 96640
lẫn chủ tàu đánh cá KH 95797 cùng ở Khánh Hòa đều đang kêu trời. Tàu KH 96640
bị một con tàu “không rõ quốc tịch” đâm chìm ở vùng biển Hoàng Sa và tàu KH
95797 bị một con tàu “không rõ quốc tịch” khác đâm chìm ở vùng biển Trường Sa.
Hai chủ tàu cùng xin ngân hàng khoanh nợ (tạm ngưng thu cả vốn lẫn lãi) nhưng
cùng bị từ chối. Họ phải vay nóng với lãi suất cao để trả tiền cho ngân hàng và
giờ thì chìm trong nợ.
Những chủ tàu đánh cá bị các
tàu đã được xác định là của Trung Quốc tấn công, đập phá, cưỡng đoạt ngư cụ
cũng không thoát khỏi tình trạng vừa kể.
Theo một thống kê do chính
quyền tỉnh Quảng Ngãi công bố thì trong năm 2015, riêng Quảng Ngãi đã có 100
tàu đánh cá của ngư dân tỉnh này bị những con tàu “không rõ quốc tịch” tấn công,
xua đuổi khi đang hành nghề ở những vùng biển thuộc chủ quyền Việt Nam. Dù ngập
trong nợ, các nạn nhân vẫn cố vay mượn, sửa chữa tàu, sắm lại ngư cụ, tiếp tục
ra khơi vì không còn biết làm gì để sống.
Để sống, nhiều tàu đánh cá
đành tránh xa ngư trường truyền thống để đến đánh cá ở những vùng biển khác và
trở thành đối tượng cho các lực lượng vũ trang của nhiều quốc gia khác (Thái
Lan, Philippines, Malaysia, Indonesia, Brunei…) săn đuổi, bắt giữ do xâm nhập
và đánh bắt trái phép.
Số tàu đánh cá và ngư dân
Việt bị các quốc gia khác bắt giữ với cáo buộc xâm nhập và đánh bắt trái phép
đang tăng rất nhanh. Đó là hậu quả của tình trạng Việt Nam mất biển.
Hồi đầu năm nay, Sở Nông
Nghiệp-Phát Triển Nông Thôn tỉnh Cà Mau công bố một thống kê, theo đó, từ 2010 đến
2015, riêng Cà Mau có 248 tàu đánh cá và 2,269 ngư dân bị “nước ngoài bắt giữ.”
Trong đó có một tàu bị bắn chìm, 187 tàu bị tịch thu, 9 tàu bị tịch thu ngư cụ.
Chỉ mới có 51 tàu và 481 ngư dân được thả. Thống kê này cho biết, nếu tính theo
quốc gia thì có 159 tàu và 1,753 ngư dân bị Thái Lan bắt giữ. 35 tàu và 358 ngư
dân bị Malaysia bắt giữ. 18 tàu bị Campuchia bắt giữ,…
Thống kê vừa kể là những số
liệu liên quan đến tàu đánh cá và ngư dân Cà Mau bị “nước ngoài bắt giữ.” Nếu
tính số lượng tàu đánh cá và ngư dân các tỉnh khác bị “nước ngoài bắt giữ” thì
con số chắc chắn sẽ gây choáng nhưng không có cơ quan hữu trách nào của Việt
Nam làm chuyện đó.
Dựa trên thông tin do một số
quốc gia khác công bố, người ta biết rằng, riêng năm ngoái, Indonesia đã bắt giữ
59 tàu đánh cá và 659 ngư dân Việt Nam vì xâm nhập và đánh bắt trái phép trong
lãnh hải Indonesia. Con số ngư dân Việt Nam bị Indonesia bắt giữ tăng gấp ba
lần so với năm 2014.
Trước đó, Malaysia cảnh báo,
Việt Nam là quốc gia có nhiều tàu đánh cá xâm phạm lãnh hải Malaysia nhất. Từ
2010 đến 2015, Malaysia đã bắt giữ 273 tàu đánh cá ngoại quốc xâm nhập và đánh
bắt trái phép trong lãnh hải Malaysia và 252 trên 273 tàu đánh cá này là của
Việt Nam.
Chính quyền Việt Nam thường
im lặng, không xác nhận đúng-sai trong tất cả các vụ tàu đánh cá và ngư dân
Việt Nam bị “nước ngoài bắt giữ,” trừ vụ hải cảnh Thái Lan xả súng vào các tàu
đánh cá của Việt Nam ở vịnh Thại Lan hồi tháng chín năm 2015, khiến một ngư dân
chết, hai trọng thương.
____
Hàng
nghìn ngư dân Việt Nam ‘mất tích, thương vong trên biển’
2-6-2016
Một quan chức phụ trách các
vấn đề liên quan tới ngư dân mới cho biết rằng “hơn 4.000 tàu cá Việt Nam gặp
nạn với hơn 2.300 ngư dân thương vong, mất tích trên biển” chỉ trong hơn hai
năm qua.
Trả lời báo Người lao động
mới đây, ông Vũ Văn Tám, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, còn
cho rằng “cần phải thiết lập đường dây nóng giữa các quốc gia trong khu vực” để
bảo vệ ngư dân.
Ông Tám cho biết rằng Việt
Nam hiện đã lập một đường dây với Philippines, nhưng muốn có thêm với Thái Lan,
Campuchia, Brunei, Malaysia và Indonesia.
Ông Bùi Văn Cu, một ngư dân ở
tỉnh Quảng Ngãi, cho VOA Việt Ngữ biết rằng ông ủng hộ đề xuất này.
“Cũng ưng có đường dây nóng
lắm chứ, để khi mình gặp chuyện rủi ro, hay bị tông tàu, mình có thể liên lạc
được để mà kịp thời cứu vớt.”
Hồi cuối năm ngoái, xảy ra
một vụ xả súng ở quần đảo Trường Sa làm một ngư dân thiệt mạng trên chiếc tàu
đánh cá của ông Cu.
VOA Việt Ngữ không thể liên
lạc được với Thứ trưởng Tám để hỏi về con số trên.
Trả lời về việc vì sao số ngư
dân gặp nạn trên biển lại lớn như vậy, ông Nguyễn Ngọc Đức, Chánh văn phòng Hội
Nghề cá Việt Nam, nói với VOA Việt Ngữ rằng hành động của Trung Quốc ở biển
Đông cũng là một yếu tố tác động. Ông nói tới một lý do khác:
“Trong quá trình đánh bắt,
ngư dân chưa hiểu hết về luật quốc tế, chưa am hiểu về luật pháp khi khai thác
trên biển và các vùng biển mà không được phép đánh bắt hoặc hợp tác giữa các
bên với nhau nhưng mà ngư dân đánh lấn ra. Chính vì vậy, sắp tới, Hội Nghề cá
chúng tôi báo cáo Bộ Nông nghiệp xin phép tổ chức một chương trình phổ biến để
tuyên truyền cho ngư dân đi biển, tăng hiểu biết về luật pháp quốc tế.”
Sau sự cố trên biển, ngư dân
Cu cho biết đã ra khơi sau khi được hỗ trợ đi đánh bắt trở lại để “bám biển,
bảo vệ chủ quyền”.
Viên thuyền trưởng tàu cá này
từng nói với VOA Việt Ngữ rằng ông muốn được phép “mang súng” lúc ra khơi để tự
phòng thân.
Khi được hỏi là có sợ khi vẫn
tiếp tục ra khơi dù Trung Quốc đang áp dụng lệnh cấm đánh bắt cá ở biển Đông,
và trong khi có nhiều ngư dân tiếp tục gặp nạn, ông Cu nói:
“Nghe như vậy thì mình cũng
sợ, nhưng mà vẫn phải làm, phải bám biển thôi. Phải làm chứ, vì mình là dân lao
động, nếu không làm, ở nhà thì lấy gì mà ăn? Đánh ở Hoàng Sa đấy. Thằng Trung
Quốc nó đuổi, nó ‘dí’ mình miết. Cảnh sát biển có sọc đỏ, sọc xanh. Nó đuổi thì
mình chạy.”
Ông Cu cho biết thêm rằng ông
“chưa thấy” các tàu chấp pháp của Việt Nam ra ngoài hỗ trợ ngư dân trên biển.
Mới đây, Việt Nam đã “kiên
quyết phản đối” lệnh đánh bắt cá hiện thời của Trung Quốc kéo dài gần 3 tháng ở
biển Đông, gọi đó là “quyết định vô giá trị”.
Người phát ngôn Lê Hải Bình
nói rằng “việc làm này của Trung Quốc đã xâm phạm nghiêm trọng chủ quyền của
Việt Nam đối với quần đảo Hoàng Sa, vi phạm các quyền và lợi ích pháp lý của
Việt Nam đối với các vùng biển của Việt Nam, đi ngược lại tinh thần và lời văn
của Tuyên bố về ứng xử của các bên ở Biển Đông”.
Hội Nghề cá Việt Nam cũng đã
từng nhiều lần lên tiếng phản đối lệnh cấm mà tổ chức bảo vệ ngư dân này nói là
“đơn phương” và “phi lý” này.
Ông Đức cho hay rằng Hội đang
tổ chức tuyên truyền cho các ngư dân “hiểu và đánh bắt tại các vùng biển thuộc
chủ quyền của Việt Nam”, cũng như đi khai thác theo hình thức “tổ đội, để hỗ
trợ khi gặp sự cố”.
Ông nói Hội ủng hộ việc lập
đường dây nóng vì nó sẽ giúp “giải quyết các tranh chấp”, và “can thiệp, hỗ trợ
cho ngư dân”.
Trong một diễn biến khác có liên quan, một đường dây nóng quốc phòng nối các thành viên Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) sẽ đi vào hoạt động cuối năm nay.
Trong một diễn biến khác có liên quan, một đường dây nóng quốc phòng nối các thành viên Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) sẽ đi vào hoạt động cuối năm nay.
Đường dây, do Brunei đề xuất
năm 2013, sẽ cho phép các quan chức quốc phòng của khối gồm 10 quốc gia “trực
tiếp trao đổi nhằm tìm ra quyết định chung để xử lý các cuộc khủng hoảng”, “hóa
giải hiểu lầm” và “ngăn chặn các sự cố ngoài ý muốn”.
Tin cho hay, Việt Nam và
Trung Quốc hiện cũng có một đường dây nóng, nhưng chưa rõ nó hoạt động ra sao.
Tổng thống sắp từ nhiệm của
Philippines, ông Benigno Aquino, từng tiết lộ rằng khi phía Việt Nam tìm cách
liên lạc với Trung Quốc về vụ giàn khoan dầu năm 2014 thì ‘không có bất kỳ sự
hồi đáp nào ở bất kỳ cấp độ nào’.