Trang

Thứ Ba, 7 tháng 6, 2016

1430. ‘22 tỷ USD vốn ODA mới chỉ là vốn cam kết’:

 Hồng phúc muộn màng của dân tộc!

7.6.16. Việt Nam Thời Báo.
Ngày 2/6/2016 trong phiên họp báo của Chính phủ Việt Nam, một quan chức là Bộ trưởng Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng đã đề cập đến con số 22 tỷ USD vốn ODA “còn lại chưa giải ngân”, và còn nói thêm có 2,15 tỷ USD sẽ phải giải ngân trước năm 2016, còn lại là những dự án đã có kế hoạch giải ngân theo lộ trình đến năm 2020 và nhiều dự án sau năm 2020.

Nhưng chỉ một ngày sau, lãnh đạo Bộ Tài chính lại lên tiếng đính chính rằng con số 22 tỷ USD vốn ODA trên chỉ là vốn cam kết và chưa ký chính thức với các nhà tài trợ. 
Cơ chế bất nhất ý kiến đã xảy ra ngay trong nội bộ chính phủ. Thêm một lần nữa trong nhiều lần trước đây, giới quan chức chính quyền “đá” nhau không chỉ về độ chênh biệt lớn về số liệu kinh tế mà cả về bản chất của từng số liệu. 
Trước đây, sai số ghê gớm đã từng xảy ra khi tính GDP bình quân. Trong khi hầu hết các tỉnh thành đều báo cáo về trung ương là GDP địa phương đạt từ 10-15%, thì GDP bình quân quốc gia lại chỉ hơn 5%. Như vậy con số 5-10% còn lại “chạy” đi đâu? Chính ông Vương Đình Huệ, khi đó là Trưởng ban kinh tế trung ương, đã phải giễu cợt rằng “GDP có chân!”. 
Còn mới đây, động thái của Bộ Tài chính và chính phủ khi mang con số 22 tỷ USD vốn ODA “chưa giải ngân” công bố trước công luận đã khiến dư luận cho rằng những cơ quan này muốn “khoe” thành tích huy động vốn ODA và cũng muốn trấn an chế độ về triển vọng “vẫn còn rất nhiều tiền”. 
Ngày 30/5/2016, SBTN đã có bài “22 tỷ USD vốn ODA chưa giải ngân: Tham nhũng vẫn còn cơ hội thăng hoa!”. Bài viết lo ngại rằng trong tình trạng ngân sách rỗng ruột, con số 22 tỷ USD vốn ODA quả là quá hấp dẫn. Nếu toàn bộ số vốn này được giải ngân, có thể tưởng tượng gương mặt giới quan chức ăn xổi sẽ sáng bừng đến thế nào, bởi món quà từ trên trời rơi xuống này không giúp những cầm hơi chế độ mà còn tạo “công ăn việc làm” cho các nhóm lợi ích quen đục khoét vốn ODA.  
Dường như bài phân tích của SBTN đã nhận được sự đồng cảm của một số tờ báo nhà nước ở Việt Nam, thể hiện trong những câu hỏi phỏng vấn Bộ trưởng Mai Tiến Dũng về “dư luận về yếu kém trong quản lý và sử dụng vốn ODA và nỗi lo tham nhũng”. 
Từ nhiều năm qua, ODA đã trở thành một trong những quốc nạn về tham nhũng. Tỷ lệ thất thoát bình quân tại nhiều dự án ODA được đồn đoán khoảng 20 - 25%. Nhưng đó chỉ là mức “hợp pháp”. Thậm chí tỷ lệ “lại quả” ODA còn vọt đến 40% - được chứng thực bởi một dự án xây dựng trường tiểu học ở Hà Tĩnh và giai đoạn 2009 - 2010. 
Hẳn đó là nguồn cơn vì sao ngay cả những quốc gia được coi là “thiện cảm” với Việt Nam như Đan Mạch, Thụy Điển, Úc… đã phải thẳng tay cắt giảm viện trợ ODA đối với chính thể “ăn của dân không chừa thứ gì.” 
Với thông tin đính chính mới nhất từ Bộ Tài chính về việc 22 tỷ USD vốn ODA mới chỉ là “cam kết” mà chưa ký chính thức, có thể cho rằng đây là một hồng phúc muộn màng của dân tộc: giới quan chức sẽ không còn quá nhiều cơ hội để ăn đậm ODA như trước đây, còn người dân sẽ bớt được một chút gánh nặng nợ vay cho mỗi đầu con cháu của các thế hệ “tương lai đất nước”. 

Lê Dung / SBTN