“Sau khi bị một cú đấm giáng vào đỉnh đầu dân tộc, quốc gia
đó có tỉnh cơn mê và nhận thức được cần làm gì và làm như thế nào hay không…
Tương lai và số phận đất nước không bao giờ là một ham muốn, dù ham muốn tột
bật đến đâu. Nó là kết quả của những nỗ lực thay đổi sau những sai lầm. Nó là
kết quả của sự tái nhận thức và quyết liệt hành động sau những thời điểm khắc
nghiệt sống còn. Tương lai không đến từ thói quen xây dựng ảo tưởng sức mạnh.
Nó đến từ sự nhận thức và đòi hỏi cấp bách rằng cần làm gì để đất nước tránh
phải chứng kiến chuỗi những “Thời khắc Sputnik” trong bất lực”.
____
18-6-2016
Thời khắc Sputnik của TT Eisenhower
“Thời khắc Sputnik”, cách nói được Tổng thống Dwight
D. Eisenhower đặt ra sau sự kiện Liên Xô phóng thành công vệ tinh nhân tạo đầu
tiên thế giới vào 4-10-1957, đã trở thành thuật từ chỉ sự tái nhận thức khi một
quốc gia đối mặt cuộc khủng hoảng toàn diện nghiêm trọng mang tính sống còn.
“Thời khắc Sputnik” gây ra cú sốc tâm lý chấn động, gây tổn thương lòng tự
trọng dân tộc, mang lại cảm giác tự vấn nhục nhã. Nước Mỹ đã không bao giờ còn
là nước Mỹ như trước đó kể từ sự kiện Sputnik.
“Thời khắc Sputnik” cũng có thể xuất hiện với bất kỳ
quốc gia nào. Vấn đề là, sau khi bị một cú đấm giáng vào đỉnh đầu dân tộc, quốc
gia đó có tỉnh cơn mê và nhận thức được cần làm gì và làm như thế nào hay
không. Nước Nhật đã thấu hiểu được ý nghĩa của “thời khắc tái nhận thức”, khi
họ nhìn ra sự yếu kém dẫn đến trì trệ trong phát triển. Người Nhật nhận ra điều
đó thậm chí vào thời điểm mà thế giới còn chưa có sự kiện Sputnik. Mở cửa canh
tân (thời Minh Trị) hay để đất nước tiếp tục chìm đắm trong tăm tối lạc hậu?
Sau giai đoạn Minh Trị, nước Nhật còn nhiều lần tái nhận thức để cuối cùng trở
thành một nước Nhật hiện đại hùng mạnh.
Có những “Thời khắc Sputnik” khiến Hàn Quốc phải
nghĩ lại để tái cấu trúc toàn bộ hệ thống doanh nghiệp và tái điều chỉnh hệ
thống vận hành kinh tế. Có những “Thời khắc Sputnik” khiến Philippines phải dứt
khoát và quyết liệt trong việc chọn đồng minh. Có những “Thời khắc Sputnik”
khiến Myanmar cương quyết đập bỏ hệ thống chính trị độc tài để khai thông con
đường dân chủ, cho tương lai đất nước, vì ý nguyện nhân dân.
Với Việt Nam, dù nhiều lần xảy ra những “Thời khắc
Sputnik”, từ “Sputnik kinh tế”, “Sputnik giáo dục”, “Sputnik ngoại giao” đến
thậm chí “Sputnik quốc phòng” nhưng chưa “cuộc khủng hoảng Sputnik” nào mang
lại hiệu ứng như một động lực thay đổi, ít nhất trong 10 năm qua. Nhớ lại sự
kiện giàn khoan HD 981. Nó thật sự là một “Thời khắc Sputnik”. Không thời khắc
nào mà lòng tự trọng dân tộc và tinh thần ái quốc trào dâng đỉnh điểm, kể từ
cuộc chiến biên giới Việt-Trung 1979, bằng sự kiện giàn khoan. Sự kiện HD 981,
tuy nhiên, gần như đã được thả trôi đi hơn là được tận dụng như một cơ hội
thoát Trung. Nó không trở thành một sự tái nhận thức toàn diện và đầy đủ, một
cách cần thiết, để tái thiết kế lại mối quan hệ bất xứng, ít nhiều mang tính
chư hầu, đối với Trung Quốc.
Ngay thời điểm này, người ta lại chứng kiến hai “Thời
khắc Sputnik”. Sự kiện Formosa nhắc rằng vấn đề môi trường không thể được đánh
đổi bất chấp mọi giá. Làm gì để cứu biển và cứu dân sau thảm họa cá chết khắp
bốn tỉnh miền Trung cho đến nay vẫn là câu hỏi chưa được trả lời. Thảm kịch kép
Su-30MK2/CASA là một “Thời khắc Sputnik” kinh hoàng nữa. Một tai nạn máy bay
quân sự nhanh chóng biến thành cuộc khủng hoảng dẫn đến tổn thất nhân lực khủng
khiếp đã khiến không thể không đặt câu hỏi rằng nếu chẳng may xảy ra đụng độ
quân sự với Trung Quốc, kết cục sẽ còn thảm khốc cỡ nào?
Tương lai và số phận đất nước không bao giờ là một
ham muốn, dù ham muốn tột bật đến đâu. Nó là kết quả của những nỗ lực thay đổi
sau những sai lầm. Nó là kết quả của sự tái nhận thức và quyết liệt hành động
sau những thời điểm khắc nghiệt sống còn. Tương lai không đến từ thói quen xây
dựng ảo tưởng sức mạnh. Nó đến từ sự nhận thức và đòi hỏi cấp bách rằng cần làm
gì để đất nước tránh phải chứng kiến chuỗi những “Thời khắc Sputnik” trong bất
lực.