Trang

Thứ Hai, 27 tháng 6, 2016

1493. Chuẩn bị cho những bước kế tiếp

Ngày vận động cho Việt Nam: Tổng kết thành quả

Ts. Nguyễn Đình Thắng
Ngày 26 tháng 6, 2016
Ngày Vận Động Cho Việt Nam năm 2016, do Liên Minh cho một Việt Nam Tự Do và Dân Chủ thực hiện đã diễn ra trong 2 ngày 22 và 23 tháng 6. Chúng tôi ghi nhận những đặc điểm sau đây của cuộc tổng vận động lần thứ 6 tính từ năm 2012:

(1)    Trong 2 ngày vận động, khoảng 250 người đã chia thành các phái đoàn theo tiểu bang để tiếp xúc với 47 vị nghị sĩ Quốc Hội, với Bộ Ngoại Giao, và với Uỷ Hội Tự Do Tôn Giáo Quốc Tế của Hoa Kỳ. Các giới chức này được cập nhật thông tin về những vi phạm nhân quyền ở Việt Nam và được đề nghị những biện pháp đối phó thiết thực.
(2)    Tiểu ban nhân quyền của Hạ Viện đã thực hiện buổi điều trần để đánh giá thành công và thất bại về mặt nhân quyền qua chuyến công du Việt Nam của Tổng Thống Obama, nhằm hướng dẫn các hành động lập pháp của Quốc Hội trong những tháng sắp đến.
(3)    Một chục nhà hoạt động xã hội dân sự và tôn giáo tiêu biểu ở Việt Nam đã đối thoại trực tiếp với một số nhà lập pháp Hoa Kỳ. Đây là một sinh hoạt chưa từng có từ trước đến giờ.
(4)    Khá đông những nhân chứng trực tiếp của sự đàn áp ở Việt Nam đã tham gia cuộc vận động: một Mục Sư Mennonite đến từ Việt Nam, một Mục Sư Báptít mới trở về từ Việt Nam, một Mục Sư người Tây Nguyên đang lánh nạn ở Hoa Kỳ, đại diện Khối Nhơn Sanh Đạo Cao Đài, một số nạn nhân của sự tra tấn, 5 giáo dân Thái Hà, và một công dân Hoa Kỳ bị bắt cóc và giam giữ tuỳ tiện khi làm từ thiện ở Việt Nam.
Buổi điều trần về tình trạng tôn giáo ở Việt Nam, ngày 22/06/2016 (ảnh Huệ-Anh)
Cuộc vận động vừa qua có 3 mục tiêu sau đây:
(1)    Kêu gọi chính quyền Hoa Kỳ áp dụng các biện pháp chế tài hiện hành đối với những giới chức Việt Nam vi phạm tự do tôn giáo một cách nghiêm trọng hay sử dụng biện pháp tra tấn;
(2)    Vận động Quốc Hội Hoa Kỳ ban hành thêm các biện pháp chế tài nhắm vào các kẻ vi phạm nhân quyền ở Việt Nam;
(3)    Đòi hỏi chính quyền Việt Nam trả tự do cho tất cả tù nhân lương tâm trước khi Quốc Hội biểu quyết về Hiệp Ước Mậu Dịch Xuyên Thái Bình Dương (TPP).
Áp dụng các biện pháp chế tài sẵn có
Luật hiện hành của Hoa Kỳ đã có những biện pháp chế tài dành cho thủ phạm của các hành vi:
(1)    Đàn áp tôn giáo một cách nghiêm trọng
(2)    Tra tấn
(3)    Buôn người
Tuy nhiên, các biện pháp này chưa hề được áp dụng cho Việt Nam. Một mục tiêu của cuộc tổng vận động năm nay là kêu gọi Hành Pháp áp dụng những biện pháp chế tài này đối với Việt Nam.
Điều này đã được nêu lên tại các cuộc họp với Bộ Ngoại Giao, Uỷ Hội Hoa Kỳ về tự do tôn giáo quốc tế, các văn phòng dân biểu và thượng nghị sĩ cũng như tại buổi điều trần chiều ngày 22 tháng 6 trước Uỷ Ban Đối Ngoại của Hạ Viện. Chúng tôi dùng hồ sơ của Bà Trần Thị Hồng làm trường hợp thí điểm.
Chúng tôi đã nhận được sự đồng lòng hỗ trợ của nhiều thành phần trong Hành Pháp và Lập Pháp Hoa Kỳ.
Trong phần đối thoại với Ls. Lê Công Định, Ts. Scott Flipse, thuộc tiểu ban nhân quyền Hạ Viện mà Dân Biểu Christopher Smith là Chủ Tịch, cho biết là với sự yểm trợ của Đại Học Yale, cộng đồng người Iran ở Hoa Kỳ đã thiết lập bộ hồ sơ công phu về các thủ phạm tra tấn ở Iran. Họ dùng thông tin này để vận động thành công Quốc Hội Hoa Kỳ thông qua luật trừng phạt Iran. Ts. Flipse kêu gọi người Việt cũng có một nỗ lực tương tự.
Hưởng ứng đề nghị này, ngày hôm sau một số người ở trong và ngoài nước đã đồng ý thành lập nhóm thiết lập hồ sơ để đề nghị chính phủ Hoa Kỳ chế tài.
Ls. Lê Công Định đang trao đổi với giới Lập Pháp Hoa Kỳ, ngày 23/06/2016 (ảnh BPSOS)
Vận động thêm các biện pháp chế tài mới
Hiện nay có 3 đạo luật với các biện pháp chế tài đã được đưa vào Quốc Hội Hoa Kỳ: Luật Nhân Quyền cho Việt Nam, Luật Chế Tài Vi Phạm Nhân Quyền ở Việt Nam và luật bổ sung Luật Tự Do Tôn Giáo Quốc Tế năm 1998.
Riêng luật bổ sung này đã được sự ủng hộ mạnh mẽ của nhiều tổ chức Hoa Kỳ. Tính đến ngày 20 tháng 6 đã có 30 tổ chức tôn giáo và nhân quyền cùng với 19 nhân sĩ Hoa Kỳ ký một lá thư chung để kêu gọi Thượng Viện Hoa Kỳ thông qua luật này -- tháng trước, nó đã được Hạ Viện Hoa Kỳ thông qua mà không có phiếu chống. Lá thư chung này đã được các phái đoàn trao cho các văn phòng Thượng Nghị Sĩ, cho thấy rằng có sự đồng tình của nhiều thành phần trong xã hội Hoa Kỳ. Xem:http://dvov.org/wp-content/uploads/2014/01/NGO-Letter-in-Support-of-S-2878-June20.2016.pdf
Ngoài ra, phái đoàn Oklahoma cho biết là TNS James Lankford (Cộng Hoà, OK) đã đề nghị điều luật yêu cầu Bộ Ngoại Giao báo cáo hàng năm về tình hình tôn trọng tự do tôn giáo của các quốc gia ký kết TPP theo đòi hỏi của Luật Đàm Phán Nhanh (Fast Track Bill) – luật này cho phép Hành Pháp hoàn tất cuộc đàm phán TPP nhưng phải tuân thủ một số điều kiện do Quốc Hội đưa ra. Năm ngoái, TNS Lankford đã thành công trong việc đưa điều kiện tự do tôn giáo vào luật Đàm Phán Nhanh; đây là thành quả của cuộc tổng vận động năm 2015 do Liên Minh cho một Việt Nam Tự Do và Dân Chủ thực hiện.
Đòi tự do cho các tù nhân lương tâm Việt Nam
Trả tự do cho các tù nhân lương tâm Việt Nam là chỉ dấu dễ kiểm chứng nhất về thực tâm của chính quyền Việt Nam về cam kết tôn trọng nhân quyền. Để đo lường thực tâm ấy, tháng 7 năm 2013 BPSOS bắt đầu chương trình vận động các dân biểu và thượng nghị sĩ Hoa Kỳ “kết nghĩa” với các tù nhân lương tâm Việt Nam. Trước đến giờ, 15 tù nhân lương tâm đã được kết nghĩa, gồm có ca sĩ Việt Khang, Ms. Nguyễn Công Chính, Ls. Lê Quốc Quân, Lm. Nguyễn Văn Lý, blogger Điếu Cày, blogger Tạ Phong Tần, Ts. Cù Huy Hà Vũ, Đỗ Thị Minh Hạnh, Đoàn Huy Chương, Nguyễn Hoàng Quốc Hùng, Trần Huỳnh Duy Thức, Ms. Dương Kim Khải, Nguyễn Tiến Tung, và Nguyễn Văn Lía. Phần lớn trong số này đã được tự do.
Trong đợt vận động năm nay, chúng tôi tiếp tục thúc đẩy việc kết nghĩa với 5 tù nhân lương tâm: Trần Vũ Anh Bình, Bùi Văn Trung (Phật Giáo Hoà Hảo), blogger Anhbasàm Nguyễn Hữu Vinh, nhà báo Nguyễn Ngọc Già và Ls. Nguyễn Văn Đài.
Danh sách các tù nhân lương tâm dùng trong cuộc vận động kết nghĩa: http://dvov.org/wp-content/uploads/2013/11/Adopting-Vietnamese-Prisoners-of-Conscience-06-18-16.lnk_.pdf
Đặc biệt TNS Marco Rubio sẵn sàng tuần tự lên tiếng cho các tù nhân lương tâm trong danh sách này, theo đề nghị của phái đoàn Florida.
Việc kết nghĩa này sẽ tạo nên một chướng ngại ngày càng lớn cho Hành Pháp Hoa Kỳ khi mà Tổng Thống Obama vận động Quốc Hội chuẩn duyệt Hiệp Ươc TPP trước thời điểm Ông mãn nhiệm kỳ tổng thống. Các dân biểu và thượng nghị sĩ đã kết nghĩa với tù nhân lương tâm sẽ khó có thể ủng hộ cho Việt Nam tham gia TPP khi mà tù nhân lương tâm mà họ kết nghĩa vẫn còn ở trong nhà tù. Điều này sẽ áp lực Hành Pháp Obama phải có thái độ dứt khoát với chính quyền Việt Nam vì vấn đề tù nhân lương tâm ở Việt Nam sẽ trở thành một yếu tố có thể đe doạ TPP.
Một số nhận xét bên lề
Niềm phấn khởi của những nhà đấu tranh ở trong nước
Trong 2 ngày qua chúng tôi thăm dò ý kiến của một số đồng bào ở trong nước. Nhiều người đã tham gia đối thoại với các nhà lập pháp Hoa Kỳ cho biết họ cảm thấy phấn khởi khi biết rằng nhiều nghị sĩ Hoa Kỳ quan tâm lắng nghe tiếng nói của người dân ở Việt Nam. Họ ngạc nhiên là các vị nghị sĩ này nắm vững tình hình ở Việt Nam từ việc Bà Trần Thị Hồng bị tra tấn đến thảm hoạ môi trường và sự việc hàng trăm người biểu tình ôn hoà đã bị công an đàn áp đẫm máu.
Một số tham dự viên vừa đến từ Việt Nam cho biết họ cảm thấy ấm lòng khi nhận ra sự đồng hành của người Việt ở hải ngoại và của những nhà làm chính sách Hoa Kỳ, được thể hiện qua những hành động cụ thể. Họ cũng bày tỏ sự hân hoan khi biết rằng tiếng nói của họ đang góp phần cho Quốc Hội Hoa Kỳ trong việc làm chính sách đối với Việt Nam.
Phái đoàn Kentucky với nhiều người rất trẻ
Sự tham gia của giới trẻ
Ngày càng nhiều những người rất trẻ tham gia cuộc tổng vận động hàng năm cho Việt Nam.  Dưới đây là một số khuôn mặt tiêu biểu.
Cẩm Tú, đến từ Atlanta, Georgia, cách đây 2 năm được cấp học bổng để tham gia cuộc tổng vận động ở Quốc Hội. Khi ấy em còn đang học đại học. Năm nay Cẩm Tú vừa mới ra trường. Cô hướng dẫn toàn bộ phái đoàn Atlanta gần 30 người, trong đó có 5 em dưới 18 tuổi. Từ kinh nghiệm của chính bản thân, Cẩm Tú đã gây quỹ học bổng cho các em này tham gia cuộc vận động năm nay.
Andrew từng tham gia phái đoàn Kentucky năm 2014, lúc ấy mới 16 tuổi. Em đã dự các buổi họp với Bộ Ngoại Giao và các dân biểu và thượng nghị sĩ, kể cả TNS Mitch McConnell, Chủ Tịch Thượng Viện, và đã trình bày gãy gọn các vấn đề vi phạm nhân quyền ở Việt Nam. Năm nay 18 tuổi, Andrew hướng dẫn 3 em trẻ tuổi hơn mình đi vận động hành lang cùng với các chú bác, anh chị.
Alex, thuộc phái đoàn Oklahoma, bắt đầu tham gia cuộc vận động năm 2015. Lúc ấy em chưa đầy 13 tuổi. Năm nay, Alex đại diện phái đoàn Oklahoma để lên tiếng tại các buổi họp với 2 Thượng Nghị Sĩ James Inhofe và James Lankford và Dân Biểu Steve Russell.
Vy, đến từ Louisville, Kentucky, năm nay 12 tuổi. Em đã tham gia 2 cuộc tổng vận động trước đây nhưng chỉ là đi theo người lớn. Năm nay Vy đã phát biểu ý kiến cùng với mọi người trong phái đoàn. Em cho biết là không hề cảm thấy nao núng.
Buổi họp giữa những "nhà vận động" trẻ với nhân viên Quốc Hội, ngày 23/06/2016 (ảnh BPSOS)
Đông người theo dõi
Năm nay, ban tổ chức thử nghiệm chương trình trực tuyến truyền hình (Live Video) của Facebook để tường thuật mọi sinh hoạt trong suốt 2 ngày vận động. Số lượng người theo dõi trực tiếp có khi lên đến 40 nghìn. Trong đó có nhiều người ở trong nước.
Sự đa dạng về thành phần tham gia cuộc tổng vận động năm nay là yếu tố tạo sự chú ý của đông người. Chẳng hạn, cộng đồng Cao Đài ở Việt Nam và hải ngoại đã theo dõi sát cuộc điều trần của cô Katie Dương, một tín đồ Cao Đài. Hoặc, khi các nhà đấu tranh cho dân chủ, cho dân oan, cho các nạn nhân của sự nhiễm độc môi trường… lên tiếng trong buổi đối thoại với các nhà lập pháp thì nhiều người dân ở trong nước đã quan tâm theo dõi. Phần lớn các video truyền hình trực tuyến này được lưu trữ tại:
Những bước kế tiếp
Cuộc tổng vận động vừa rồi đặt nền móng cho những nỗ lực kéo dài đến cuối năm nay, nhằm đạt 3 mục tiêu đã đề ra: Áp dụng biện pháp chế tài hiện có, ban hành thêm những biện pháp chế tài mới, và đòi tự do cho các tù nhân lương tâm.
Trong 6 tháng tới đây, chúng tôi sẽ tập trung khai thác 2 cơ hội để tạo áp lực lên Hành Pháp Obama: (1) cuộc tuyển cử toàn quốc sẽ đi vào giai đoạn ráo riết và tiếng nói cử tri do đó sẽ tăng ảnh hưởng; (2) nỗ lực của TT Obama để kêu gọi Quốc Hội thông qua TPP sau ngày tuyển cử và trước cuối năm.
Bắt đầu tuần tới, các phái đoàn ở mỗi tiểu bang sẽ tiếp tục liên lạc để nhắc nhở và đôn đốc các dân biểu và thượng nghị sĩ của mình về những yêu cầu mà phái đoàn đã trình bày trong ngày tổng vận động ở Quốc Hội. Đồng thời, một toán vận động ở ngay vùng thủ đô Hoa Kỳ sẽ tiếp xúc với các văn phòng dân biểu và thượng nghị sĩ chưa tiếp xúc trong những ngày vừa qua.
Chúng tôi sẽ tiếp tục cần sự tiếp tay và góp tiếng nói của đồng hương ở nhiều thành phố và tiểu bang Hoa Kỳ, và sẽ thông báo những bước tổng vận động kế tiếp.
Bài liên quan:
Ngày Vận Động Cho Việt Nam năm 2016: Những điểm mới độc đáo
http://machsongmedia.com/vietnam/nhanquyen/1116-2016-06-21-00-27-35.html
Tổng Vận Động Nhân Quyền Cho Việt Nam: sẽ gặp 50 văn phòng Lập Pháp
http://machsongmedia.com/vietnam/nhanquyen/1115-2016-06-19-22-52-17.html
Uỷ Ban Đối Ngoại Hạ Viện Hoa Kỳ sẽ điều trần về tình hình các tôn giáo ở Việt Nam
http://machsongmedia.com/vietnam/nhanquyen/1114-2016-06-16-22-49-02.html
Xã hội dân sự Việt Nam sẽ “gặp”các nhà Lập Pháp Hoa Kỳ
http://machsongmedia.com/component/content/article/1109-2016-06-02-20-34-05.html