Trang

Thứ Hai, 20 tháng 12, 2021

3698. ĐỊA CẦU 67 QUA THỂ PHÁP (tt 13)

 VÔ CỰC & THÁI CỰC TRONG ĐỊA CẦU 67.

“Thái cực tạo vô cực, và vô cực tạo Thái cực”.

“Càn Khôn của địa cầu 67”

19-07-2013.

Chúng tôi xin trình bày phần nầy thành 02 phần: Nguyên lý tạo lập càn khôn thế giới và nguyên lý tạo lập địa cầu 67 hay Càn Khôn của địa cầu 67. 

PHẦN MỘT.

NGUYÊN LÝ TẠO LẬP CÀN KHÔN THẾ GIỚI.

 

Đây là phần rất phức tạp chỉ có thể mặc khải hay lý hội để hiểu, cho nên chúng tôi cũng không thể chứng minh được. Do vậy xin trích lục Thánh Ngôn và Lời Thuyết Đạo của Đức Hộ Pháp để làm bằng.

1/- Thánh Ngôn Hiệp Tuyển.

1.1/- Ngày 13-6- Bính Dần 1926):

... khí hư vô sanh có một Thầy. còn mấy Đấng Thầy kể đó ai sanh? Ấy là Đạo các con nên biết.

Nếu không Thầy thì không có chi trong càn khôn thế giới mà nếu không có hư vô chi khí thì không có Thầy.

1.2/- Thầy dạy ngày: 15-9-Bính Dần (1926):

Khai Thiên-Địa vốn Thầy, sanh Tiên, Phật cũng Thầy; Thầy đã nói một chơn-thần mà biến Càn-Khôn Thế-Giái và cả nhơn-loại. Thầy là chư Phật, Chư-Phật là Thầy.

Các con là Chư-Phật, Chư-Phật là các con.

Có Thầy mới có các con, có các con rồi mới có các chư Thần, Thánh, Tiên, Phật.

Thầy khai Bát-Quái mà tác thành Càn-Khôn Thế-Giái nên mới gọi Pháp; Pháp có mới sanh ra Càn-Khôn vạn vật rồi mới có người, nên gọi là Tăng.

Thầy là Phật chủ cả Pháp và Tăng, lập thành các Đạo mà phục-hồi các con hiệp một cùng Thầy.

Thầy lập Phật-Giáo vừa khi khai Thiên, lập Địa, nên Phật-Giáo là trước, kế Tiên-Giáo, rồi mới tới Nho-Giáo. Nay là hạ ngươn hầu mãn, phải phục lại như buổi đầu, nên phải phản tiền vi hậu.

1.3/- Năm Mậu-Thìn (1928)

Thầy, các con

Bất sát-sanh

Thầy đã nói với các con rằng: Khi chưa có chi trong càn-khôn Thế-Giới thì khí Hư-Vô sanh ra có một Thầy và ngôi của Thầy là Thái-Cực.

Thầy phân Thái-Cực ra Lưỡng-Nghi, Lưỡng-Nghi phân ra Tứ-Tượng, Tứ-Tuợng biến Bát-Quái, Bát-quái biến-hóa vô cùng, mới lập ra Càn-Khôn Thế-Giới. Thầy lại phân tánh Thầy mà sanh ra vạn-vật là: vật-chất, thảo-mộc, côn-trùng, thú-cầm, gọi là chúng-sanh.

Các con đủ hiểu rằng:

Chi-chi hữu-sanh cũng do bởi chơn-linh Thầy mà ra, hể có sống, ắt có Thầy. Thầy là cha của sự-sống, vì vậy mà lòng háo-sanh của Thầy không cùng tận.

Cái sống của cả chúng-sanh, Thầy phân-phát khắp Càn-Khôn Thế-Giới, chẳng khác nào như một nhành hoa trong cội, nó phải đủ ngày giờ Thầy nhứt định mới trổ bông và sanh trái đặng trồng nữa, biến hóa ra thêm; nếu như ai bẻ hoa ấy nửa chừng thì là sát một kiếp sanh không cho biến-hóa. 
        Mỗi mạng sống đều hữu căn hữu kiếp, dầu nguyên-sanh hay hóa-sanh cũng vậy, đến thế nầy lâu nau đều định trước, nếu ai giết mạng sống, đều chịu quả-báo không sai; biết đâu là cái kiếp sanh ấy chẳng phải là Tiên, Phật bị đọa luân-hồi mà ra đến đỗi ấy.

Cái mạng sống là Thầy, mà giết Thầy thì không phải dễ, các con gắng dạy nhơn-sanh điều ấy.

Thăng.

 

2/- Lời Thuyết Đạo của Đức Hộ Pháp.

Ngày 14. 02. Mậu Thìn (05-03-1928).

...Qui Tam Giáo là gì?...

Về Thiêng Liêng.

Trước không có chi trong càn khôn thế giới là vô vi. Thoạt nhiên, hai lằn không khí chẳng biết gốc nơi đâu, kêu là Hư Vô Chi Khí đụng nhau mới có chơn linh của Thầy và ngôi của Thầy là Thái Cực.

Trái lửa Thái Cực là cơ của hữu hình, vâng lịnh Thầy mà phân ra Lưỡng Nghi, Tứ Tượng, và biến Bát Quái, nhứt nhứt có trật tự : Ấy là cơ Nhơn đạo. Rồi sanh ra vàn vàn muôn muôn Địa cầu cùng khắp trong càn khôn thế giới và 72 trái Địa cầu có nhơn loại ở: Ấy là phép biến hóa của Tiên đạo.

Khi chia mình ra mà lập càn khôn thế giới rồi thì khối lửa Thái Cực của Thầy đã tiêu mất trở lại vô vi, tức là cơ mầu nhiệm của Phật đạo đó vậy.

Bát Quái biến hóa vô cùng mà lập ra các Địa cầu trong càn khôn thế giới và vạn vật mà chúng ta thấy đặng dưới mắt rõ ràng đây.

Ấy là một cuộc hữu hình, mà trọn cuộc hữu hình nầy dường như vâng mạng lịnh của một quyền hành Thầy rất lớn, không xâm phạm lẫn nhau mà phải hại. Cơ mầu nhiệm Nhơn đạo rõ ràng đó vậy.

Mỗi trái Địa cầu có nhơn loại, tức là có chơn linh ở, hằng ngày tô điểm sửa sang làm cho nó đặng đẹp. Hễ Địa cầu đẹp thì tinh thần của các chơn linh phải tấn hóa thêm cao đến ngày cực điểm văn minh. Ấy là cơ mầu nhiệm của Tiên đạo.

Chừng Địa cầu đặng toàn hảo, các chơn linh đặng cực điểm văn minh rồi, dầu hưởng đặng lâu hay mau thì rồi phải bị tiêu diệt. Ấy là cơ mầu nhiệm của Phật đạo.

Người lúc chưa vào thai bào thì là hư vô, khí Âm Dương tương hiệp biến thai ra nhơn hình, tới lúc sanh ra cho đến khi trưởng thành là cơ mầu nhiệm của Nhơn đạo.

Khi đã trưởng thành lại học tập tu luyện tinh thần cho trí hóa trở nên khôn ngoan, là cơ mầu nhiệm của Tiên đạo.

Khi già rồi chết, thi hài bị tiêu diệt là cơ mầu nhiệm của Phật đạo.

 

3/- Quan sát thể pháp tại Tòa Thánh Tây Ninh phần Bát Quái Đài và Hiệp Thiên Đài chúng ta sẽ hiểu thêm được phần nào nguyên lý tạo lập càn khôn thế giới.

Lôi Âm Cổ Đài (Lầu Trống) tượng cho tiếng nổ đầu tiên để tạo Ngôi Thái Cực.

Bạch Ngọc Chung Đài (Lầu Chuông) tượng cho tiếng ngân vang sau đó.

Phía dưới Giỏ Hoa Lam tầng thứ nhất có hoa văn 05 cánh thể hiện khi có khí Lưỡng nghi thì đã có ngũ hành ẩn chuyển trong đó.

Xuống đến tầng kế đó thì hoa văn quay ngang có hình bầu dục giống như giọt nước kéo dài ra trước khi phân hai. Hoa Văn nầy chỉ còn có 04 cánh (cõi tứ tượng).

Xuống tầng kế đó thì hoa văn không đứng một mình mà đứng thành từng cập nên mổi bên đều có 08 hoa văn. Tượng cho Bát Quái.

Tóm lại:

Từ  hư vô chi khí tạo ra Ngôi Thái Cực (là Thầy, Đức Chí Tôn).

Thầy phân Thái-Cực ra Lưỡng-Nghi, Lưỡng-Nghi phân ra Tứ-Tượng, Tứ-Tuợng biến Bát-Quái, Bát-quái biến-hóa vô cùng, mới lập ra Càn-Khôn Thế-Giới. Thầy lại phân tánh Thầy mà sanh ra vạn-vật là: vật-chất, thảo-mộc, côn-trùng, thú-cầm, gọi là chúng-sanh.

(Càn khôn thế giới là tài nguyên và môi trường sống; có môi trường sống rồi mới có vạn vật “chúng sanh” sống trong đó)

Còn như hiểu về Phật, Pháp, Tăng thì Thầy cũng giải rõ:

Thầy khai Bát-Quái mà tác thành Càn-Khôn Thế-Giái nên mới gọi Pháp; Pháp có mới sanh ra Càn-Khôn vạn vật rồi mới có người, nên gọi là Tăng.

Phật: Thầy; Pháp: tác thành Càn Khôn Thế Giới; Tăng: càn khôn vạn vật sống trên đó (là từ vật chất cho đến nhơn phẩm).